NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỚ NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU

( 11-01-2015 - 06:36 AM ) - Lượt xem: 1349

Có thể nói Nguyễn Minh Châu là một nhà văn sáng chói lên trong buổi đầu thời kỳ đổi mới. Ông đã thoát ra khỏi “vòng kim cô” của những suy nghĩ giáo điều trong nghệ thuật của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Khi tôi về công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng (1980), nhà văn Nguyễn Minh Châu đang vào thời kỳ viết sung sức. Ông là người bạn khá thân thiết với các anh Bùi Hồng và Lê Cận (Là những người lãnh đạo NXB Kim Đồng lúc đó) và ông cũng yêu thích viết cho thiếu nhi nên thỉnh thoảng đến chơi, trò chuyện vui vẻ với ban biên tập NXB Kim Đồng. Cùng là những nhà văn quân đội, nhưng Nguyễn Minh Châu thâm trầm và nói năng không bỗ bã như nhà văn Lê Lựu, ông cũng khác với nhà thơ Vũ Cao, nhà thơ họ Vũ có phần xuề xòa giản dị chân phương, Nguyễn Minh Châu tinh tế, ý nhị hơn, đúng như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhận xét trong một bài viết, đại ý: Nguyễn Minh Châu vốn quê gốc Nghệ An nhưng ông “Hà Nội hóa” khá nhanh. Tôi cũng có cảm nhận rằng trong văn chương cũng như trong phong cách đời sống, Nguyễn Minh Châu rất gần với những bậc trí thức gốc Hà Nội như Nguyễn Tuân, Tô Hoài… 

 Những năm sau 1975, đất nước như ngỡ ngàng bước vào một thời kỳ hòa bình thống nhất… Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nổi danh với các tiểu thuyết Cửa sông, Dấu chân người lính, truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng…Đó là những trang văn chan chứa tình cảm ngợi ca cuộc sống đẹp, tình cảm đẹp của những anh bộ đội, chị thanh niên xung phong, cô giáo ở vùng xa với những tình cảm mang mầu sắc lý tưởng lãng mạn …Giờ đây, cùng đất nước nhà văn sống đắm mình với cuộc sống đời thường với những chuyện nhỏ nhặt trần tục cơm áo, gạo tiền day dứt nhân cách con người… Cuộc mưu sinh gay gắt của dân tộc tồn tại giữa những cuộc chiến tranh biên giới, lao đao trong biết bao khó khăn nan giải… Nguyễn Minh Châu trăn trở, những trăn trở này đôi khi hiện ra thấp thoáng trong các cuộc đàm đạo với bè bạn… Ông không thể viết theo lối mòn sáo rỗng, ông cũng không thể đánh mất đi niềm tin yêu vào cuộc sống và con người , niềm tin yêu mà những đồng đội, đồng chí của ông đã đổ biết bao xương máu để có chiến thắng ngày 30/4/1975…Nguyễn Minh Châu đã tìm hướng sáng tác mới, tài năng và trái tim nghệ sĩ của ông đã giúp ông cho ra đời những tác phẩm khiến văn đàn xôn xao như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), trong tập Bến quê có truyện ngắn nổi tiếng Chiếc thuyền ngoài xa.

 Xưa nay những tác phẩm nói về thân phận người phụ nữ mang dấu ấn của một thời kỳ lịch sử nhất định bao giờ cũng là những tác phẩm hình như đã nói lên được cả tinh thần xã hội của cái thời  ấy. Truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đều thể hiện tình cảm thông sâu sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu với thân phận của người phụ nữ.

Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành là câu chuyện về người đàn bà tên Quỳ, với những kỷ niệm thời chiến tranh cùng người yêu của cô là trung đoàn trưởng Hòa. Hòa hi sinh, Quỳ luôn luôn dằn vặt, khổ đau và rồi cô lấy Ph (bạn cũ của Hòa) làm chồng. Rồi tai họa rơi xuống, Ph bị đi tù. Quỳ luôn sống trong mộng tưởng, người ta đưa cô vào bệnh viện tâm thần. Hòa bình đã không làm lành hết vết thương lòng của Quỳ, người phụ nữ dường như luôn trong tâm trạng cô đơn và mộng tưởng, phiêu du cùng hoài niệm. Tác phẩm như nói với bạn đọc rằng sự khắc nghiệt của chiến tranh đã in dấu lên cuộc đời một người phụ nữ. Ở truyện ngắn này Nguyễn Minh Châu dường như đã làm một cuộc thay đổi bút pháp, ông muốn tạm biệt cách nhìn chiến tranh và con người một cách đơn giản, ước lệ. Ông mạnh dạn và thẳng thắn nhìn sâu vào tâm hồn, thấy được những cách nghĩ của một thời đã khiến con người đòi hỏi nhau sống thánh thiện quá, để đến khi trở về đời thường, con người lại không lấy lại được sự cân bằng, rơi vào một trạng thái cực đoan khác đầy bi kịch.

Chiếc thuyền ngoài xa là một truyện ngắn khác, nhà văn hóa thân vào người nghệ sĩ nhiếp ảnh đi chụp được một cảnh thuyền trên biển tuyệt đẹp. Nhưng, sau đó ông đã bắt gặp một hiện thực khác hết sức không thơ mộng, một cảnh bạo lực ngược đãi của người chồng với người vợ, sự vũ phu của người chồng đã đưa gia đình thuyền chài đó đến tòa án.Và, bất ngờ hơn nữa người vợ không bằng lòng li dị, chị chấp nhận cuộc sống cực khổ đầy đọa để sống với người chồng tàn nhẫn. Một lần nữa ngòi bút sắc sảo của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thức tỉnh nhận thức của người đọc, như là sự thức tỉnh của chính nhà văn về cách nhìn xã hội và con người với những vẻ đẹp và xấu, lãng mạn và hiện thực trần trụi… Cuộc sống cần lao dưới ngòi bút nhà văn phô bày sự phũ phàng đối với thân phận người phụ nữ. Tình cảm nhân hậu của nhà văn khiến ông thấy xót xa đau đớn và ông muốn mọi người, nhất là các nhà văn hãy tỉnh ngộ, đừng nhìn đời sống đơn giản, đừng miêu tả xã hội với cái vẻ bề ngoài thơ mộng.

Có thể nói Nguyễn Minh Châu là một nhà văn sáng chói lên trong buổi đầu thời kỳ đổi mới. Ông đã thoát ra khỏi “vòng kim cô” của những suy nghĩ giáo điều trong nghệ thuật của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.

 Rồi, một ngày đẹp trời năm 1987, trên báo Văn Nghệ xuất hiện bài báo nổi tiếng của ông “Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”, bài báo đó đã khiến tất cả những anh chị em trong giới văn nghệ bàn tán xôn xao. Tôi không thể nào quên không khí của những ngày ấy, bầu trời mùa hạ ở Hà Nội như có tiếng sấm nổ của một cơn giông lớn.

Nguyễn Minh Châu đã ra đi sớm quá. Ông mắc bệnh ung thư máu, hồi ấy cũng chưa ai nghĩ ông có thể bị di chứng của chất độc da cam chăng, bởi những năm tháng ông có mặt ở chiến trường? Tôi còn nhớ ngày cùng mấy anh chị em vào thăm ông ở Quân y viện 108, nước da ông tái nhợt, người gầy sút, thế mà ông vẫn tươi cười trò chuyện, mong chóng khỏe để viết truyện cho thiếu nhi… Thế rồi từ phòng bệnh ấy ông ra đi mãi mãi…

Hôm nay ngồi nhớ lại Nguyễn Minh Châu một tài năng lớn của văn học nước nhà, tôi tin rằng càng về sau, mọi người sẽ càng trân trọng hơn những tác phẩm của ông và chắc sẽ còn phải nghiên cứu nhiều về những giá trị mà ông đã để lại cho đời sau.

Nhà văn Lê Phương Liên

Đêm Noel 2014

Các Bài viết khác