NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỚ NGUYÊN HỒNG

( 07-11-2013 - 09:02 AM ) - Lượt xem: 1283

Giàu mà sang được cũng đã khó. Huống gì nghèo mà sang mới là khó hơn. Vậy mà tôi biết có một người nghèo mà vẫn sang: đó là nhà văn Nguyên Hồng, một người nghèo biết tiêu tiền.

Nguyên Hồng đi du lịch

Trong những nhà văn có máu xê dịch thì Nguyên Hồng có lẽ là một trong những người số một. Ông lại là người du lịch bình dân nhất trong số những nhà văn tôi biết. Ông “ bình dân” vì nhiều lẽ. Trước hết do ông nghèo. Ta biết rõ là sau vụ báo Văn, Nguyên Hông không còn chức vụ gì nữa ngoài danh hiệu nhà văn và để “ sinh ư nghệ, tử ư nghệ” như nhiều lần ông tâm sự với tôi, ông về hưu ở tuổi 52, đưa vợ con về vùng đồi Yên Thế cày cuốc, viết văn sinh sống. Ông không đi du lịch dưới danh nghĩa đi thực tế hay do lời mời của cơ sở ( thường là những cơ sở lớn ) dưới sự bảo trợ của cơ quan nào đó hay Hội nhà Văn. Ông tự đi lấy, tự xoay xở lấy trong cái nghèo, cái chất và cái thế “ thảo dân” của ông, dù ông là người đã từng là nhà văn nổi tiếng và tham gia cách mạng trước ngày khởi nghĩa. Một lần ông nói với tôi : “Hãy cứ để cho một số người được ru hời trong nôi xem rồi họ viết như thế nào!” Có lẽ “ru hời trong nôi” là thành ngữ ông ám chỉ cảnh được “bao cấp” từ đầu đến chân của một số nhà văn, trong đó có nhiều nhà văn tài ba.

Nếu chúng ta nhớ lại, thời chiến tranh không có tổ chức du lịch nên để xoay xở cho những chuyến đi xa, Nguyên Hồng cũng không thể làm gì khác hơn là nhờ vào sự kính trọng và tình thương của một số bạn bè, cơ quan dành cho nhà văn của người nghèo, của những cảnh đời đau khổ. Khi bắt tay vào viết bộ Cửa Biển ( gồm Sóng Gầm và những tập khác sau này) lòng ông đã hướng về Hải Phòng, thành phố quê hương thứ hai của ông và Hải Phòng đối với ông cũng vậy. Ông được mời làm chủ tịch ( một thứ chủ tịch danh dự) Hội Văn Nghệ thành phố Cảng. Mỗi lần ông về Hải Phòng, khi nửa tháng, khi một hai tháng, ông được trả một số phụ cấp tạm thời cho những ngày đó và sống trong cơ quan với cái bếp dầu để hâm lại những thức ăn mua sẵn thường là rất đạm bạc vì ông rất dễ tính, ăn uống quá sơ sài tuy gu ẩm thực của ông lại khá khe khắt. Một lần tôi mua được cái đùi gà luộc, muốn ngồi ăn với ông cho vui. Ông nhìn cái đùi gà và hỏi : “Không có lá chanh à ?” Lá chanh ở chợ thời đó quá hiếm. Và thế là, ông một xe, tôi một xe, để cái đùi gà lại đó, đi lùng lá chanh mấy chợ trong thành phố. Cuối cùng đành phải vào nhà Đoàn Min xin mấy lá vậy.

Một lần, với sự giúp đỡ của hai Hội Văn Nghệ Hải Phòng và Nghệ Tĩnh, Nguyên Hồng và chúng tôi gồm Thi Hoàng, Trịnh Hoài Giang làm một chuyến “ du lịch” ngắn đi thăm xứ Nghệ. Nói “ du lịch” vì thật sự đó là một chuyến đi thăm, đi chơi, chẳng có mục đích gì gọi là công tác. Ngồi trên chiếc xe Rumani “vừa đi vừa đẩy”, Nguyên Hồng không để cho anh lái xe được yên. Ông bảo : “ Có phải đi ăn cướp đâu mà vội!” Và thế là ông đề nghị ghé qua các chợ dọc đường, các di tích lịch sử và những địa danh ông chợt nhớ đến bên đường như Đền Bà Triệu, Khe nước Lạnh, đền thời Mai Hắc Đế v.v. Xuống xe, ông ngắm nhìn đất trời, ghé vào một quán vắng uống chén chè tươi hay ly rượu quốc lủi. Cái háo hức của ông lây đến chúng tôi và chính ông, người già nhất tốp “ du lịch” lại có vẻ là người hăng hái nhất để nghe nhìn và tìm hiểu mọi thứ từ chuyện lịch sử đến các món ăn. Nghịch lý là chính ông lại làm mấy thằng trẻ chúng tôi mệt bã người! Cái khát vọng đi và sống trong ông thật lớn.

Ông lên Mù Cang Chải và từ đó điện mừng đội bóng Xi Măng Hải Phòng vừa thắng một trận trên sân Lạch Tray. Ông ra Móng Cái, Trà Cổ, không phải để tắm biển vì theo tôi biết thì ông ít thích tắm biển mà lại tỏ ra rất sung sướng vì được đến đó, nơi ông ước ao từ lâu nhưng cảnh nghèo không cho phép. Ông kể chuyện ở Liên Xô (ông là nhà văn được dịch nhiều, biết nhiều và được mời sang LX nhiều lần) ông đã dùng tiền nhuận bút bạn trả cho để...thử rượu và la cà, không mua sắm bất cứ thứ gì ngoài mấy món quà vặt để tặng người ở nhà!

Ông ngang dọc vùng Bắc Giang, Yên Thế để đi, để chơi và có cảm hứng, tài liệu viết tiểu thuyết về Hoàng Hoa Thám sau này. Ông viết thư cho tôi : “Đến hôm kia, mòng 7 tháng Giêng tôi mới xuất hành vào Phồn Xương, lên Yên Thế, sang Bố Hạ, ghé qua Nhã Nam, được biết anh chị Nguyễn Hoàng lên đây nhưng không vào được trong tôi, tôi lại càng tiếc. Tôi đã soạn xong chương 5 Núi rừng Yên Thế, càng nhớ đến những ngày khăn gói tráp sách nằm khàn ở Cầu Tre chờ từng ngày Hội chủ chi tiền cơm rượu. Đến tháng 5 này, sau khi viết thêm mấy chương nữa, tôi lại qua mấy tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Tuyên. Rồi trở về Đông Triều, Quảng Ninh để sang tháng 7 lại có thể về Hải Phòng.. .” (trích thư riêng của Nguyên Hồng gửi N.Q.T  ngày 16 tháng 2 năm 1978) Đúng là ông đã phải tự xoay xở một cách khó nhọc để thoả mãn khát vọng đi một đời.

Một điều không hiểu nổi là Nguyên Hông chưa được vào miền Nam một lần sau ngày giải phóng. Một hôm ông tính kế với tôi : “ Thân này, hôm nào cậu với tớ làm một chuyến Xuyên Việt, tớ nói chuyện thu tiền, còn cậu thì làm quản lý cho tới. Ta sẽ làm một chuyến Nam du !”

Nhưng ông không thực hiện được mà cũng không ai giúp ông thực hiện được dự định “giang hồ mãi võ” ấy. Ông mất đột ngột trên cái mái đồi Bắc Giang thân yêu của ông, để lại nhiều nơi chưa được đến và giấc mộng xê dịch cho đời.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân điều hành chương trình giao lưu "nguyên Hồng, nhà văn giàu lòng nhân"

Nguyên Hồng, nhuận bút và người đàn bà bí ẩn

Giàu mà sang được cũng đã khó. Huống gì nghèo mà sang mới là khó hơn. Vậy mà tôi biết có một người nghèo mà vẫn sang: đó là nhà văn Nguyên Hồng, một người nghèo biết tiêu tiền.

Những năm đầu thập kỷ 70, tôi ở nhờ một phòng nhỏ trong cơ quan Hội Văn Nghệ Hải Phòng nên thường phải tiếp khách đến cơ quan ngoài giờ làm việc, như một ông thường trực bất đắc dĩ vậy. Một hôm, lúc đó đã năm giờ chiều, có một bà gõ cửa cơ quan. Đó là một người đàn bà có tuổi nhưng đẹp lão, cao ráo, dáng thon thả và có một đôi mắt thật buồn. Bà chào rồi hỏi tôi ông Nguyên Hồng có ở đây không? Ba tiếng “ông Nguyên Hồng” đầy trìu mến chứ không phải “nhà văn Nguyên Hồng” như nhiều người thường gọi. Nguyên Hồng về Hải Phòng mỗi năm vài ba tháng, thường là vào mùa hè, với cái chiếu cói nhỏ, chiếc quạt mo và ông tự thu xếp một chỗ nằm nào đó tuỳ ông thích. Còn ăn thì...chính tôi cũng không biết ông thường ăn ở đâu nữa. Có lẽ ông uống nhiều hơn ăn, uống cần thiết cho ông hơn là các bữa cơm hàng ngày. Hôm đó ông không ở Hải Phòng. Tôi tiễn bà khách ra cổng, và hỏi bà có muốn nhắn gì nhà văn không. Bà có vẻ bối rối, chỉ nói là muốn thăm ông và không hẹn quay lại. Nhưng tuần sau, rồi tuần sau nữa bà lại đến, lại hỏi “ông Nguyên Hồng” rồi ra về mà không chịu gửi lại lời nhắn. Đó là người đàn bà gây cho tôi một cảm giác buồn và hơi lạ. Mấy tháng sau, khi Nguyên Hồng về Hải Phòng, tôi kể lại chuyện người đàn bà bí ẩn ấy. Ông hỏi tôi khá cặn kẽ, tóc bà ta ra sao, mũi ra sao, cao hay thấp...Ông lắc đầu, không thể nào đoán ra là ai. Ông có vẻ buồn mất mấy hôm. Rồi, trong một buổi chiều buồn khi anh em trong cơ quan đã về hết, thành phố đã lên đèn, chỉ còn tôi và Nguyên Hồng ở lại. Ông bỗng hỏi tôi: “Cậu thường dùng tiền bài làm gì?” Ôi, tôi ngạc nhiên, đến ông mà cũng không biết tôi dùng tiền nhuận bút để làm gì ư? Tôi có 3 con ăn học, tôi không thể sống bằng đồng lương và mấy cái phiếu cung cấp. Dù tôi là người có nhiều nhuận bút nhất trong cơ quan vì tôi viết nhiều, in nhiều, nhưng tôi không thể dùng những đồng nhuận bút còm để ăn chơi được. Tôi phải sống. Ông nói: “Mình kể cho Thân nghe chuyện mình tiêu món nhuận bút đầu tiên trong đời như thế nào. Đó là năm 1936...” Tôi bất chợt ngắt lời ông: “Năm tôi sinh ra...” Ông tiếp: “Ba mươi mấy năm rồi, mình vẫn nhớ. Cậu biết không, năm đó mình mới 16 tuổi, cũng là năm cuốn Bỉ Vỏ được in và nhận giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn. Những 120 đồng Đông Dương. To lắm. nói thế này để so sánh: một bữa cơm đầu ghế như cơm bình dân bây giờ khoảng năm xu. Một con gà một hào. Như vậy là mình lĩnh một lúc một ngàn hai trăm con gà tiền giải thưởng văn chương. Trước đó không hề nhận được món nào to như thế. Mình quyết định hư một lần xem sao. Mười sáu tuổi, ở một thành phố như Hải Phòng, ai mà đóng mãi vai ông đồ Nho được. Mình tìm một cô gái và rủ cô ta ra bờ sông Lấp. Hôm đó là một đêm mùa đông, lạnh. Thân biết không, mình ngồi bên cô ta, quàng tay ôm cô ta và nhận ra cô ta run như giẽ. Run vì rét. Thì ra, cô ta chỉ có cái áo sợi Nam Định mỏng khoác bên ngoài áo cánh cát bá. Tự nhiên không còn cảm hứng trò chuyện hay làm cái gì khác nữa. Mình kéo cô ta dậy rồi rủ cô lên đường Cầu Đất đi dạo phố. Mình mua cho cô ta một cáo áo len, một cái áo khá sang, loại áo của con gái nhà giàu, không nhớ phải trả bao nhiêu nhưng cũng khá đắt. Cô gái mặc ngay vào người, sung sướng, hạnh phúc. Rồi nói: “Ông dẫn em đi đâu đi!” Cái cảm giác sung sướng của cô gái làm mình thỏa mãn và sung sướng theo. Mình đi với cô một đoạn phố nữa và bảo cô ta về hay đi tìm khách khác. Cô ấy giữ tay mình lại, nói: “Ông cho em biết tên đi, để em nhớ ơn ông.” Đang tuổi thanh niên, lại cho mình đang là người nổi tiếng, mình dẫn cô vào một hiệu sách mua cuốn Bỉ Vỏ, rút bút ký ngay lời đề tặng “người không quen biết” và nói: “Sách của tôi đấy, viết về một cô gái như em”. Rồi chia tay. Từ đó mình không bao giờ gặp cô ta nữa. Nhưng người đàn bà bí ẩn của cậu rất có thể là cô ta? Mình hy vọng cô ta hãy còn sống và theo như cậu mô tả thì cuộc sống của bà ấy không đến nỗi...”

Tôi không gặp, và có lẽ cả nhà văn Nguyên Hồng nữa, cho đến khi mất, chắc ông cũng không hề gặp lại người đàn bà Hải Phòng bí ẩn ấy.

Tiền bài của Nguyên Hồng

Tôi đọc lại những bức thư nhà văn Nguyên Hồng lúc sinh thời gửi cho tôi, hồi đó tôi làm việc ở cơ quan Hội Văn Nghệ Hải Phòng, còn ông là chủ tịch Hội nhưng thường ở tận Bắc Giang. Sau một hai trang say sưa hào hứng kể lại ông đang viết, đang sống, đang “ ăn Tết” như thế nào để vơi bầu tâm sự, thường thư nào cũng có một dòng tái bút : “ À quên, nếu có tiền bài, Thân nhớ gửi ngay cho tôi nhé !” Tiền bài tức là nhuận bút những bài báo ông cho in trên tạp chí Cửa Biển của Hội, thường chẳng được bao nhiêu. Nguyên Hồng đông con, bỏ Hà Nội, bỏ sổ gạo và và những cái phiếu thịt phiếu cá, phiếu mua chân giò v.v. cùng vợ con về một quả đồi ở Bắc Giang làm ruộng và viết, từ những năm 1960, nên ông nghèo, nghèo lắm, ai cũng biết. Trong giới nhà văn “bao cấp” thời đó, nhất là những nhà văn có quá trình hoạt động Văn Hóa Cứu Quốc tiền khởi nghĩa, không có ai có hành động dũng cảm, khí khái như ông. Những đồng nhuận bút trên báo ít ỏi không cứu được ông qua cảnh nghèo túng. Nhưng thái độ của ông với tiền bài thật rõ ràng. Ông bảo tôi : “ Nhuận bút là monnaie sacrée của nhà văn. Ny touchez pas !” (Nhuận bút là đồng tiền thiêng liêng của nhà văn. Chớ có đụng vào !).

Cũng chính nhà văn Nguyên Hồng kể cho tôi nghe câu chuyện tâm tình của ông sau đây : “ Hồi đó, tôi vừa in xong cuốn tiểu thuyết Sóng gầm trong bộ Cửa Biển. Tôi nhận được một cục tiền bài, phải nói là từ sau cuốn Bỉ Vỏ tới lúc đó tôi chưa nhận được khoản nhuận bút nào to như thế. Tôi lẳng lặng pha một ấm trà ngon, loại trà thật ngon mua trong một chuyến đi Thái Nguyên, lau kỹ hai cái chén và khay uống nước sạch sẽ. Trà ngấm xong, tôi rót ra và gọi nhà tôi : “ Bu thằng Hà đâu, mời bà ra uống trà với tôi !” Lúc nhà tôi ngồi vào chiếu, nghe mùi trà ngon và không khí “mời trà” đặc biệt khác ngày thường của tôi, liền hỏi : “ Ông có chuyện gì thế ?” Tôi nâng một chén trà lên, đáp : “Đây là tiền bài cuốn Sóng Gầm, tôi mời bà !” Không ngờ vợ tôi giật ngay lấy chén trà trên tay tôi, nói : “ Sao ông lại mời tôi ? Đây cũng là nhuận bút của tôi nữa chứ ?” Tôi giật mình chợt hiểu ra là bà ấy nói đúng. Không phải vì bà ấy thường chép giúp bản thảo hộ tôi mà tôi nghĩ thế. Nhưng bởi vì, nếu không có bà ấy lo cho bầy con, không có tình thương yêu tận tuỵ của bà ấy với chồng con thì  liệu tôi có thể viết Sóng Gầm và bộ Cửa Biển được không ?” ./.

Các Bài viết khác