NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỚ MÃI NHÀ VĂN, THẦY GIÁO NGUYÊN HỒNG

( 08-11-2013 - 07:43 PM ) - Lượt xem: 1163

Từ rất sớm, nhà văn Nguyên Hồng đã trở thành một nhà văn làm công tác huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ văn chương – nghĩa là làm chức năng truyền nghề của một ông thầy. Ngoài việc tham gia hoạt động trong Hội Văn nghệ Việt Nam, nhà văn còn phụ trách Trường Văn nghệ Nhân dân Trung ương từ những khóa đầu tiên (1952) cho đến mãi sau này, tận cuối đời. Do đó, giới nhà văn đã tặng một danh xưng thân mật cho Nguyên Hồng là “Ông đốc Hồng”.

Khi bước lên bục giảng ở Đại học, tôi mới chính thức làm quen và quan hệ với nhà văn Nguyên Hồng. Chúng tôi nhanh chóng thân thiết với nhau vì tình cảm nghề nghiệp – nghề dạy người và nghiệp văn chương. Tôi cảm nhận ông đối đãi với tôi như một đồng nghiệp vong niên – vì ông rất quý những người trẻ tuổi.

 

Các nhà văn có sự nghiệp thường có những trang viết về nghề dưới dạng Hồi ký hoặc Tùy bút. Một số viết thành Tiểu luận. Đó là yêu cầu tự bộc bạch, cũng là một yêu cầu xã hội. Những trang viết ấy có ý nghĩa giáo khoa thư cho những người viết trẻ hoặc như sách dạy nghề bổ ích cho người bước vào sáng tác. Thế hệ nhà văn tiền chiến lại còn một nhu cầu bức thiết. Họ muốn nêu thêm một số kinh nghiệm sống  về công ơn đổi đời, đổi văn của cách mạng. Chế Lan Viên, Tô Hoài,... đã có không ít những tác phẩm thuộc loại này.

 

Cũng đã thành lệ, các lớp, các khóa Trường bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn và những khoa sáng tác, lý luận phê bình của Đại học Văn hóa sau này thường mời các nhà văn đến nói chuyện, giảng bài như những thầy giáo thỉnh giảng. Đấy là chưa kể các Khoa Ngôn ngữ, Văn học của các Trường Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng có những hoạt động tương tự.

 

Từ rất sớm, nhà văn Nguyên Hồng đã trở thành một nhà văn làm công tác huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ văn chương – nghĩa là làm chức năng truyền nghề của một ông thầy. Ngoài việc tham gia hoạt động trong Hội Văn nghệ Việt Nam, nhà văn còn phụ trách Trường Văn nghệ Nhân dân Trung ương từ những khóa đầu tiên (1952) cho đến mãi sau này, tận cuối đời. Do đó, giới nhà văn đã tặng một danh xưng thân mật cho Nguyên Hồng là “Ông đốc Hồng”.

 

Nguyên Hồng - người thấy rất có tâm

 

Tâm ở đây là tâm huyết của một người truyền nghề, cũng là lương tâm của người dạy nghề.

 

Nguyên Hồng là người có công đầu trong việc khai phá một hướng bồi dưỡng, huấn luyện những cây viết trẻ từ lúc sự xuất hiện của họ còn mờ nhạt đến khi định hình được và trở nên hình ảnh sáng đẹp. Như vậy, nhà văn làm nhiệm vụ ươm mầm và chăm sóc, vun trồng. Nếu ta nhìn xa trông rộng hơn, Nguyên Hồng còn là người gieo hạt: gieo những mầm mống tình yêu văn chương và làm cho chúng trở thành những mùa hoa trái tác phẩm. Nhiều cây bút, từ những khóa học đầu tiên trong kháng chiến đã trở thành những tài năng văn chương. Mãi sau này, ta mới có Trường  Viết văn Nguyễn Du và giờ đây có hẳn một Khoa chuyên trách đào tạo thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội. Vì thế, việc đào tạo và bồi dưỡng viết văn ngày càng có bài bản, ngày càng quy mô, hiện đại. Khi nhớ lại quá khứ, không ai có thể phủ nhận những lớp, những khóa học - thực chất là truyền nghề còn đơn giản, nặng về tâm truyền theo chủ nghĩa kinh nghiệm của các thầy giáo “cày sâu, cuốc bẫm” một thời, trong đó có Nguyên Hồng.

 

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một nét nổi bật, trước hết là cái tâm của một ông thầy, nhất là đối với các nhà văn trẻ, đặc biệt ở Hải Phòng.

 

Ảnh hưởng của Nguyên Hồng ở Hải Phòng thật sâu rộng và lớn lao. Đó không hẳn vì đây là vùng quê sáng tác với những tác phẩm nổi tiếng: Những ngày thơ ấu, Bỉ vỏ, Bảy Hựu,... và Cửa biển (4 tập) mà còn bởi vì đây là địa chỉ khắc ghi công lao dìu dắt lớp nhà văn trẻ vùng Đất Cảng thân yêu.

 

Nguyễn Quang Thân, một nhà văn có hạng hiện nay từng khẳng định: “Một số không có sự giúp đỡ cuả Nguyên Hồng có lẽ không trở thành nhà văn” (1). Làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng từ năm 1964 khi hội mới thành lập, Nguyên Hồng từng có nhiều dịp thuyết giảng những vấn đề nghề nghiệp nhưng ít viện dẫn lý luận mà ông thường nói những trải nghiệm thực tế. Đó là những bài học rút ruột từ sáng tác mang máu huyết tâm hồn.

 

Ông dìu dắt rất tận tình từ việc lớn như hướng viết đến việc nhỏ như kỹ thuật viết lách và theo dõi bước đi của người được hướng dẫn. Có một tờ báo như diễn đàn để tâm sự, khen chê các cây viết, nhận định phong trào được Nguyên Hồng tham gia rất nhiệt tình là tờ Cửa biển. Ông nhận xét thường rất thẳng thắn, kỹ càng. Người chưa biết, chưa quen thì cho là ông “cay nghiệt” nhưng thực ra Nguyên Hồng rất bao dung, thường khuyến khích, động viên thật lòng. Ông thách thức và ganh đua lành mạnh với người viết trẻ: “Tôi chạy maratông với anh em trẻ. Không vượt được rào nhưng tôi lách được. Tôi vượt sông bơi thi với anh em. Không bơi cơ-run, bơi bơ-rát nhưng tôi ôm cây chuối vùng vẫy được. Thử xem ai hơn ai!” (2).

 

Nguyên Hồng - một người thầy rất có nghề

 

Cũng như Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, nhà văn Nguyên Hồng có khá nhiều sách truyền nghề: Sức sống của ngòi bút (bút ký, tiểu luận – 1963), Bước đường viết văn của tôi (hồi ký – 1970), Một tuổi thơ văn (hồi ký – 1973), Những nhân vật ấy đã sống với tôi (hồi ký – 1978). Ấy là không kể một số bài viết, bài giảng, bài nói chuyện ở nhiều nơi, nhiều dịp.

 

Khi lên lớp, nhà văn thường nói vo.  Ông thường  khai thác khối

tác phẩm khá đồ sộ một đời và kho kinh nghiệm phong phú của mình qua những tư liệu nói về nghề.

 

Cách dạy của ông vừa cũ vừa mới. Cũ vì đó cơ bản là lối dạy tâm truyền. Nhưng lối dạy này có khi lại rất linh hoạt kiểu chuyện trò, hỏi – đáp qua đi chơi hoặc chè chén thân mật mà ngày nay gọi là ăn nhậu. Tôi có cảm tưởng như đó là những Khổng Tử, Mạnh Tử thời nay đang đàm đạo văn chương với môn sinh, đệ tử.. Mới là khi có giáo án bề thế hoặc dùng giáo cụ trực quan bằng cả tấm sơ đồ to gần bằng mặt bảng trương lên trước mặt đám sinh viên, học viên.

 

Có cái rất mới về phương pháp là dạy bằng cách dẫn dắt, gợi mở để người học tự tìm ra lời giải. Như cách kết cấu truyện, đặc biệt là xây dựng nhân vật hoặc thậm chí lựa chọn được một từ đắt thầy trò cùng thỏa mãn, nhất là được thầy gật gù, tán thưởng. Nhiều bạn văn trẻ phàn nàn ông “keo kiệt” đến mức không cho ai một ly chi tiết nào -chắc bởi rất tâm đắc với lý luận “chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn”. Thầy không bao giờ nghĩ hộ trò – tức không sáng tạo thay.

 

Lối dạy của Nguyên Hồng rất dân chủ, có trao đổi và tranh luận. Nhiều khi căng thẳng đến mức như “cãi nhau” – những lúc ấy thầy không giận mà trái lại, rất đắc ý, vui vẻ vì người học biết phản biện, bảo vệ chủ kiến. Khi tồn tại điều không vừa ý, chủ yếu là thái độ thì thầy là người chủ động giải tỏa, dàn hòa lấy lại không khí nghiêm túc và thân mật.

 

Các nhà văn trẻ thường tranh thủ sự góp ý của Nguyên Hồng. Hầu như không có bản thảo nào của Nguyên Bình lại không qua tay Nguyên Hồng. Nhà văn lớn tuổi đời và tuổi nghề thường đọc rất kỹ và nhận xét chu đáo với tư cách ông thầy và tư cách biên tập viên của báo. Đặc biệt, Nguyên Hồng là ông thầy chữ nghĩa của các cây viết. Bản thân nhà văn là người nắm vững nghệ thuật ngôn từ; con chữ vô cùng sống động,như “cựa quậy” trên trang viết. Có lần ông đã nhận xét và phê phán: “Sự đơn giản, dễ dàng, cái thói quen trơn nhẵn trong công việc sáng tác, những “chữ” thì phồng phồng, tiện gặp đâu thì dùng đấy mà “nghĩa” thì phèo phèo...”. Có lần ông tâm sự: đọc cũng khổ công như viết thể hiện rất rõ công phu lao động sáng tạo  ngôn từ.

  

Tôi  đã từng nhận xét về ông: “Nguyên Hồng được nhiều người cầm bút nhận là ông thầy của mình... Danh hiệu này không chỉ nói chỗ đứng của Nguyên Hồng trên bục giảng mà còn nói lên chỗ đứng vững chãi của ông trong lòng nhiều thế hệ cầm bút. Đây là nhà giáo nói về nghề bằng cả cuộc đời, tuyên ngôn về viết bằng cả sự nghiệp văn chương của mình - nghĩa là bằng tấm gương bản thân có sức thuyết phục đầy xúc động” (3).

 

Có lẽ ông yêu nghề, yêu người không khác gì một người trong đội ngũ làm công tác giáo dục chính hiệu mà còn có phần hơn hẳn những người thầy – trong đó có tôi – về tấm lòng nhân đạo cao cả với con người – nhất là những con người cùng khổ, bất hạnh trên cõi đời như ông đã từng viết với tất cả nỗi xót thương, cảm kích.

 PGS.ĐOÀN TRỌNG HUY

---------------

(*) PGS – TS TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

(1), (2), (3) Xem Đoàn Trọng Huy – Nguyên Hồng – in trong Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX – Tập I – Giáo dục – 2007.

Các Bài viết khác