NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỚ ANH NGUYỄN QUANG THÂN

( 11-06-2017 - 04:55 AM ) - Lượt xem: 699

Rồi nghề biên tập cũng cho tôi được gặp anh Thân sớm, để ấn tượng về con người anh còn “choáng ngợp” hơn, để hiểu rằng NGƯỜI ấy thì phải có VĂN ấy !

Những truyện ngắn đầu tiên của anh tôi được đọc là “Cá mùa thu”và “Chim ngói tháng Mười”. Năm đó (1974) tôi là một biên tập viên trẻ ngu ngơ mới tốt nghiệp về nhận việc ở nhà Kim Đồng. Sếp trực tiếp của tôi, trưởng phòng sách Thiếu niên Bùi Hồng (sau này là Tổng biên tập NXB Kim Đồng), một người có kiến văn sâu rộng và liên tài, quảng giao (với cộng tác viên) không chỉ dìu dắt tôi trên câu chữ văn bản mà còn bằng cách chỉ cho tôi đọc những gì ông thích, dắt tôi đi gặp những anh chị nhà văn nhà thơ mà con mắt xanh của ông trân quý. Nguyễn Quang Thân khi ấy đang ở Hội Nhà văn Hải Phòng. Ấn tượng còn lại mãi ở hai truyện ngắn “Cá mùa thu” và “Chim ngói thángmười” là văn của anh đẹp và rất gợi, đặc biệt thích nữa là “tư tưởng” trong truyện anh rất khoáng đạt, tự do, mới mẻ so với giọng viết chung thời bấy giờ, càng mới mẻ đối với một cô bé vừa ra khỏi trường ốc với bao kinh viện giáo điều …  Nhớ  “Chim ngói tháng mười” còn phảng phất cả sex, một thứ sex không cần lời mà gợi cảm vô cùng (người chồng xa vợ được về thăm nhà chớp nhoáng đúng vào mùa chim ngói thángmười . . . ). Cũng hơn 40 năm rồi, không thể nhớ được rõ ràng, nếu có gì không chính xác mong được anh thứ lỗi. Chỉ nhớ là cái tên Nguyễn Quang Thân khi đó để lại trong tôi một ấn tượng thật đặc biệt.

Rồi nghề biên tập cũng cho tôi được gặp anh Thân sớm, để ấn tượng về con người anh còn “choáng ngợp” hơn, để hiểu rằng NGƯỜI ấy thì phải có VĂN ấy ! (Lại nữa, sau này có dịp ngược sông Ngàn Phố quê anh, có dịp nghe anh kể về gia thế, được thấy ảnh thân mẫu của anh, thì càng thấm thía hơn điều này). Rồi duyên may cho tôi được biên tập truyện dài “Chú bé có tài mở khóa” của anh, tác phẩm ngay năm sau khi ấn hành đã được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và luôn ở trong tốp những tác phẩm chọn lọc hay nhất của NXB Kim Đồng, được tái bản nhiều lần. Còn nhớ tên “sơ sinh” của bản thảo là “Đường về nhà”, quá trình biên tập, đọc duyệt không hề suôn sẻ khi cóý kiến trong ban biên tập NXB cho rằng người viết đã ca ngợi mộtcậu bé ăn trộm vặt (!). Rất may là nhà Kim Đồng có nhiều anh chị biên tập không bị nhiễm giáo điều, đặc biệt là trưởng phòng Bùi Hồng, người luôn ủng hộ cái mới và còn là người gợi ý chính để sách ra được với cái tên khó mà hay hơn: “Chú bé có tài mở khóa”. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, cậu bé Hùng ngang tàng với mấy câu hát bông phèng cửa miệng: “Bé bé bằng gang/Hai má vàng vàng/Bé đi câu cá/Cá câu cua càng . . . ” từng làm say mê nhiều nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ, không hiểu sao cứ làm tôi nhớ nụ cười và ánh mắt anh Nguyễn Quang Thân hồi trẻ.

Sau đó nữa, là cuốn “Khoảng trống trong rừng”, nghe nói anh Thân viết đã lâu, nhưng cũng hơi khó được duyệt vì . . . nhân vật gián điệp của anh trong bản thảo không ổn (theo cách mà người ta vẫn nghĩ hồi đó là phải gây ấn tượng xấu). Quả thật, cái gã bắt rắn đeo giỏ cầm que sắt lang thang khắp nơi làm gián điệp, miệng ê a câu hát vô thưởng vô phạt: “Cuộc đời có đếch gì đâu/Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì!” anh Thân dựng trong sách lại có duyên không thể tưởng.

Sau hai cuốn sách thì anh Nguyễn Quang Thân đã là người nhà của đám biên tập trẻ chúng tôi (Trần Minh, Trần Hà, Lê Dắt, Lê Thanh Nga, Trần Đình Nam . . ). Làm việc với cộng tác viên như anh thật thích, không có gì là nghiêm trọng, không có gì là to tát, hóm hỉnh, khoáng đạt . . . Mỗi khi anh xuất hiện ở Phòng biên tập là chuyện nổ như ngô rang, chỉ thấy tiếng cười. (Về điểm này, tôi nhớ một người khác nữa là cố nhà thơ Quang Huy, người cũng luôn đem đến cho chúng tôi sự vui nhộn thân tình bằng những đùa vui hóm hỉnh).

Duyên may, tôi còn được dự trại viết Đại Lải cả tháng với anh Nguyễn Quang Thân, hình như là khi anh hoàn chỉnh lần cuối cuốn “Chú bé có tài mở khóa”. Để rồi, ngoài những lúc viết lách theo nội quy của trại, tôi theo anh rong chơi núi non, bơi thuyền ra đảo nhỏ giữa hồ để . . . nghe anh kể về “tình yêu sét đánh” của anh ở trại viết Vũng Tàu . . .  Sau này đọc các tácphẩm của Dạ Ngân, nhất là “Gia đình bé mọn” thì mới hiểu hơn nỗi khắc khoải của đôi người yêu lúc đó). Hỏi Dạ Ngân thế nào, anh bảo có nhan sắc của X và cái đầu của Y . . . Anh còn bảo: Đàn bà tuổi Thìn bọn em (chả tôi cùng tuổi với Dạ Ngân) ghê lắm đấy, mười hai con Giáp con nào cũng bị người ta xơi thịt, chỉ riêng con Rồng là chả ai biết nó ra sao, chỉ có thể tưởng tượng vẽ vời ra thôi nhé. Kèm theo là cái cười tươi rói kiểu Nguyễn Quang Thân. Phụ nữ được người đàn ông của mình ngày đêm khắc khoải trong mong đợi như vậy tưởng cũng thật bõ hơn mười năm lặn lội vì nhau! Trại viết ngày đó có cả các nhà văn cao niên: Tô Hoài, Hải Hồ, Hoàng Nguyên Cát, Nguyễn Đức Hiền . . . Còn có các anh chị Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Hiền Hòa, Vũ Kim Dũng . . . Sau giờ cơm chiều, nhất là vào các buổi tối có trăng, đám nhà văn gọi là trẻ trong  trại hay tụ bạ chuyện trò, chỉ các cụ cao niên là lại vào bàn viết nghiêm ngắn. Giữa trà dư tửu hậu ấy, anh Thân có lần hát “Thiên thai”, có lần thì đọc“Tây tiến”. Có lẽ đó cũng là dịp đầu tiên tôi được nghe trọn vẹn “Thiên thai”, không đàn mà nghe thật thích. Anh Thân đọc “Tây tiến” hào sảng và truyền cảm, không phải theo cái cách “diễn thơ” ta hay gặpở một vài nhà thơ khác. Anh hát và đọc thơ hay thế có lẽ còn vì cả những cảm khái về đường đời nhiều nỗi của hai cụ Văn Cao, Quang Dũng chăng ?!

Cũng ở trại viết này, anh em thân tình anh Thân còn cho tôi nhiều lời khuyên tôi nhớ đến tận bây giờ: “Em đừng tặng sách cho người nào mà em biết là họ sẽ không đọc, thân mấy cũng không tặng; tặng họ quà khácđi!”. Có cả đôi lời khuyên về bếp núc mới lạ: “Mua thịt bò, em nhớ phải ngửi nhé. Phải có mùi gây gây mớilà bò, không thì chỉ ngựa hoặc trâu thôi. Mà ướp bò tuyệt đối không được cho nước mắm đấy, phá hết cả vị bò”. Hỏi anh sao thạo việc đàn bà thế, anh lại cười tươi, bảo anh từng tự mình chăm nom các con hàng năm để chị Hải Đường đi học Tài chính tận Vĩnh Phú. Sau này có lần cùng các bạn Kim Đồng xuống Kim Giang chơi với anh (khi Dạ Ngân còn “kẹt” ở Cần Thơ), được anh nấu cho ăn, thấy anh đúng là cái gì cũng biết thực !

Từ ngày anh Thân và Dạ Ngân vào định cư Sài Gòn, anh em chỉ còn “gặp nhau” qua những cuốn sách vợ chồng anh in ở Kim Đồng. (Nhân thể cũng nói: tôi thật có duyên với vợ chồng anh, Mẹ mèo, Mùa đốt đồng, Lục bình mải miết Miệt vườn xa lắm của Dạ Ngân in ở Kim Đồng cũng là tôi biên tập). Mãi khi anh lập lại Fb, tình cờ gặp lại nhau trên mạng, tôi nhắn chúc mừng Chú bé có tài mở khóa lại vừa được giải thưởng thì, anh hỏi lại tôi ngay: “Bé Na giờ sao rồi em?”. Trí  nhớ của  anh thật đáng nể : Nhớ ngày xưa khi anh đến chơi với gia đình tôi, có khen cháu gái đầu của chúng tôi khi đó chừng mười tuổi, xinh. Tôi bảo nó đâu có xinh, cao nhỏng nhỏng, các nét chả đâu vàođâu. Anh nói chắc như đinh đóng cột: “Rồi em xem, những đứa trẻ gái lúc nhỏ các nét lộn xộn, linh hoạt lớn lên mới xinh đẹp lanh lợi!” Giờ con gái tôi đã gần bốn mươi tuổi, có một đàn con mà anh vẫn nhớ cái tên nôm na của nó. Anh đâu chỉ tài hoa, đào hoa, mà còn cực kì chu đáo!

Giờ lại sắp giỗ 100 ngày anh Nguyễn Quang Thân rồi. Tự nhiên cứ nhớ lại tất cả như thế chứ, cả bí mật về cái cúc áo ở Vũng Tàu mà anh kể cho nghe ở Đại Lải. . . .

Tôi có một người anh, là chồng của một người bạn rất thân, cũng ra đi đúng cách ra đi của anh Thân, vào tháng 9 năm ngoái khi đi công tác ở Nga. Sao mà trùng hợp, đều là những người đàn ông khỏe cho đến lúc qua đời, cả về tinh thần và thể lực. Và tôi luôn nghĩ: đời người, được rời cõi tạm này theo cách các anh là cách ra đi nhẹ nhõm nhất, tu nhiều kiếp mới có được. Cứ nghĩ các anh chỉ là rời cõi này “đi chỗ khác chơi ” thôi (xin mượn ý của một nhà văn Nam bộ lịch lãm).

Còn lại là tài năng, phong độ của các anh trong lòng mỗi chúng ta.

 TRẦN MINH

Hà Nội, ngày đầu tháng 6/2017

Các Bài viết khác