NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHÌN LẠI CON ĐƯỜNG NGHỆ THUẬT THẾ LỮ

( 16-09-2014 - 06:04 AM ) - Lượt xem: 2562

Thế Lữ là người có ý thức vượt thoát về cả chính trị, xã hội, cũng như nghệ thuật. Ông luôn đóng vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực – thơ, văn, cũng như nghệ thuật sân khấu.

Thế Lữ nổi lên như một ngôi sao thời Thơ mới, và là một cây bút có đóng góp nổi bật trong văn xuôi Tự lực văn đoàn. Không lâu sau, ông chuyển sang sáng tác về kịch, và chuyển mạnh sang nghệ thuật kịch nói. Thế Lữ nổi bật trong sự nghiệp như một nghệ sĩ đa tài. Ông sáng tác trên nhiều thể loại trữ tình, tự sự, kịch: làm thơ, viết văn và viết kịch. Thường là “ba trong một”: về văn có sáng tác, phê bình và tiểu luận. Riêng về kịch, ông kiêm cả kịch tác gia, diễn viên và đạo diễn. Sự nghiệp của Thế Lữ như vậy là đa dạng. Ông đã được định vị như một tác gia lớn trong văn học hiện đại. Trong nhiều thập niên, nhất là vào những dịp kỷ niệm lớn như 60 năm, 80 năm Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn, đều có đánh giá thành tựu chung và riêng  của Thế Lữ.

Bài viết này nhằm đánh giá tổng thể sáng tác và vai trò của Thế Lữ trong Thơ mới và Tự lực văn đoàn. Đồng thời, tác giả cũng góp phần lý giải con đường chuyển biến từ thơ, văn xuôi đến nghệ thuật sân khấu của Thế Lữ.

1.NHÌN LẠI THÀNH TỰU SÁNG TÁC NGHỆ THUẬT

1/ Thơ: Sáng tác thơThế Lữ có Mấy vần thơ in năm 1935 và Mấy vần thơ tập mới in năm 1941. Tập Mấy vần thơ (1935) là tác phẩm tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới, được đưa vào tuyển Thi nhân Việt Nam. Một số  bài thơ nổi bật, đặc sắc là Nhớ rừng, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo thiên thai, Vẻ đẹp thoáng qua, Bên sông đưa khách, Giây phút chạnh lòng... Thơ Thế Lữ có chủ đề nổi bật là tôn thờ cái Đẹp. Cây đàn muôn điệu là tuyên ngôn của thơ ca để phụng sự cái Đẹp của thế giới, con người và tình yêu.

Tôi chỉ là một khách tình si

Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.

Mượn lấy bút nàng Ly Tao ,tôi vẽ.

Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca

Đó là “vẻ đẹp u trầm, đắm đuối”. Cũng như “vẻ đẹp cao siêu, hùng tráng” của non nước, của thi văn, của khách giai nhân. Ở đây, ta thấy có sự gặp gỡ về nhiều mặt giữa Edgar Poe và Thế Lữ về tuyên ngôn tôn thờ nghệ thuật phụng sự cái Đẹp. Tâm hồn thơ rộng mở của Thế Lữ được ca ngợi “như vừng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam” (Hoài Thanh). Thế giới thơ Thế Lữ rộn ràng âm thanh, màu sắc, hầu như “hết thảy mọi vẻ Đẹp trong trời đất đều làm cho lòng ông rung động” (Vũ Ngọc Phan). Đó chính là tuyên ngôn về lẽ sống thoát ly bằng nghệ thuật và quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” của thơ ca một thời.

Thiên nhiên trong thơ Thế Lữ đầy lãng mạn, là những bức tranh lộng lẫy và hư ảo, có khi hùng vĩ, uy nghi; lại có khi thơ mộng đầy bí ẩn.

Thế Lữ thể hiện cái tôi thoát ly (Người phóng đãng, Con người vơ vẩn,...). Đó là người tài tử bất hoà với xã hội, ngông ngênh trong niềm kiêu hãnh cô độc. Nổi bật là bài thơ Nhớ rừng – thể hiện một tâm sự tù túng, chán ghét thói tầm thường, giả dối, nhưng bất lực phải chìm đắm trong dĩ vãng oai hùng quá khứ. Cũng giàu tính chất xã hội là bài Tiếng hát bên sông: hình ảnh khách chinh phu dũng cảm lên đường, trong lúc “non sông mờ cát bụi”. Điều đó cũng thể hiện lòng yêu nước thầm kín của nhà thơ. Ông đã từng tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, hoạt động cùng Nguyễn Đình Thi từ 1928.

Thế Lữ có nhiều mạnh dạn trong cách tân nghệ thuật thơ. Đó là khuynh hướng hiện đại hoá, chống những ước lệ, sáo mòn của thơ cũ. Diễn đạt thơ mới mẻ, khúc chiết hơn. Ông thử bút ở đủ thể loại: lục bát, thơ năm, bảy, tám chữ, nhưng thiên về loại phá thể.

Nhìn chung lại, có thể thấy mấy điểm nổi bật.

Thơ có khuynh hướng thoát ly, chủ yếu là lên Tiên (“tiên nga”, “ngọc nữ”, “mỹ nữ”,...) nhưng không lạc lối theo Tiếng sáo thiên thai mông lung, vô định để xa lìa trần gian mà vẫn nặng lòng với cuộc sống hiện thực, tương tự như Xuân Diệu thoát ly nhưng vẫn bám riết của cuộc đời. Tuy theo thuyết duy mỹ như Edgar Poe nhưng ông không khổ đau tuyệt vọng như Beaudelaire. Điều đó cũng chứng tỏ Thế Lữ sớm từ bỏ quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” để chuyển dần sang “nghệ thuật vị nhân sinh”.

Do ảnh hưởng của phong trào xã hội, thơ Thế Lữ có những ý tưởng tiến bộ, phù hợp với thời thế. Nhớ rừng thể hiện rõ nhất ý thức khát khao cuộc sống tự do tung hoành của nhà thơ.

Thế Lữ là người tiên phong trong phong trào Thơ mới, có những đột phá mạnh mẽ chống lại thơ cũ. Ông được ghi nhận với những thành tựu chắc chắn, xác định được địa vị mới cho Thơ mới trên con đường hiện đại hoá thơ ca Việt Nam. Đương thời, ông đã được đánh giá cao bởi các nhà phê bình nổi tiếng. Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Phan Khôi, Lưu Trọng Lư làm cho người ta chú ý Thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai Thơ mới”. Còn Hoài Thanh khẳng định Thế Lữ: “chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ cũ phải tan vỡ”.

2/ Truyện: Thế Lữ viết khoảng gần 40 truyện, chia làm 3 thể loại chính – truyện kinh dị (Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi), truyện trinh thám (Lê Phong và Mai Hương, Gói thuốc lá, Tay đại bợm,...), truyện lãng mạn núi rừng (Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh,...).

Mảng truyện của Thế Lữ không đặc sắc như của Khái Hưng và Nhất Linh, cũng như Thạch Lam, tuy nhiên cũng mang một số đặc điểm.

Thế Lữ học tập và tiếp thu những kiểu loại, hình mẫu truyện trinh thám của Edgar Poe, tổng hợp Conan Doyle, Agatha Christie, Maurice Leblanche để cùng với các nhà văn Tự lực văn đoàn đặt nền móng cho thể loại này ở Việt Nam. Nói cách khác, đó là sự nỗ lực khơi mở một nhánh rẽ riêng biệt trong văn học.

Khái Hưng cho rằng, Thế Lữ là người đã lập nên kỳ tích “dung hợp được văn Thái Tây với văn Á đông... có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm, huyễn hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya” (1).

Tuy nhiên, chủ tâm của Thế Lữ chính là giải thích một cách khoa học, chống những thuyết hoang đường. Ông lý giải các hiện tượng kỳ dị, bí hiểm bằng những tri thức khoa học hiện đại. Điều đó thống nhất với tôn chỉ mục đích của Tự lực văn đoàn.

Mặt khác, truyện thường gây kích thích, gây tò mò, xúc động cho người đọc.

Một đặc điểm dễ thấy nữa là truyện của Thế Lữ, dù thể loại nào, cũng thấm đẫm chất thơ, nhất là ở loại truyện lãng mạn đường rừng, qua đó là mối tình thơ mộng giữa chàng trai người Kinh miền xuôi với cô gái vùng sơn cước.

3/ Kịch - Nghệ thuật sân khấu: Thế Lữ sáng tác kịch không nhiều. Tổng số chỉ khoảng 20 kịch bản, kịch nói và 2 vở kịch thơ (Tục luỵ Dương Quý phi). Chủ yếu Thế Lữ xuất hiện với tư cách diễn viên và người dàn cảnh (đạo diễn). Từ thơ qua truyện, rồi vào sân khấu. Kịch của ông, vì vậy, giàu chất thơ. Thế Lữ đến với kịch từ rất sớm và là người tổ chức sân khấu đầy tài năng và tâm huyết. Năm 1935, ông cùng Lan Sơn và Lê Đại Thanh lập nhóm kịch Hải Phòng mang tên Thế Lữ đã diễn kịch Vi Huyền Đắc (trước đó, 1921, đã có Chén thuốc độc của Vũ Đình Long được trình diễn). Đến 1936, Thế Lữ cùng Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Vũ Đình Liên lập ban kịch Tinh Hoa (dựa vào báo Tinh Hoa làm cơ quan ngôn luận). Các cuộc trình diễn đáng lưu ý: 3/1937, diễn Sau cuộc khiêu vũ, Ghen (Đoàn Phú Tứ); 2/1938, diễn Kim tiền (Vi Huyền Đắc). Nhóm Tin tức, cơ quan Mặt trận Báo chí Đông Dương gợi ý mời diễn ở Hà Nội: Ông Ký Cóp (11/1938), Lọ vàng (5/1939).

Ban kịch Thế Lữ (1942) diễn Tục luỵ Kinh Kha bị Pháp cấm đoán.

Năm 1943, Thế Lữ lập ban kịch Anh Vũ diễn Dương Quý phi dựa trên Trường hận của Vi Huyền Đắc. Thế Lữ đóng vai Đường Minh Hoàng gây xúc động mạnh cho khán giả.

Thế Lữ đương thời của Tự lực văn đoàn được Khái Hưng và Nhất Linh hết lời ca ngợi.

Từ sau Cách mạng, Thế Lữ chuyển hẳn sang hoạt động sân khấu. Ông sáng tác nhiều vở kịch trong kháng chiến về đề tài kháng chiến và lịch sử (Đề Thám xuất quân). Thế Lữ tham gia đoàn Chiến thắng (tức đoàn Sân khấu Việt Nam) diễn, đóng, dàn dựng các vở Đợi chờ, Giác ngộ, Anh Sơ đầu quân Tin chiến thắng Nghĩa Lộ. Năm 1952, ông còn dựng 4 màn vở Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng.

Từ hoà bình lập lại, ông chủ yếu đóng vai trò nhà lý luận và tổ chức về sân khấu.

Năm 1955, ông có tham luận Nghệ thuật sân khấu Việt Nam và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Nhân dân Trung Ương. Năm 1957, ông làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đầu tiên và đảm đương chức vụ tới 1977.

Thế Lữ còn tham gia dịch thuật kịch nước ngoài. Năm 1958, vở kịch Xô Viết đầu tiên Luba được trình diễn. Ông là đồng đạo diễn với nghệ sĩ sân khấu  Liên Xô.

Về hoạt động sân khấu, nhìn chung lại, Thế Lữ có vai trò quan trọng trên nhiều phương diện.

-Sớm tiếp thu lý luận kịch nói Âu – Tây: từ kịch cổ điển đến kịch hiện đại. Cho đến sau này, học tập cả những lý luận mới nhất, hiện đại nhất. Như vận dụng đồng thời và kết hợp các thế hệ Aristotle và thể hệ Stanilavski.

-Là người tổ chức các đoàn kịch từ địa phương: các ban kịch trước 1945 đến các đoàn kịch Trung ương sau này.

-Là người đi đầu, đóng góp rất lớn cho việc chuyên nghiệp hoá nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Ông có ý tưởng lớn là xây dựng kịch nói có tính dân tộc Việt Nam. Học tập kịch nói châu Âu, nhưng không rập khuôn mà tìm “một cách phô diễn Việt Nam cho sân khấu” (2).

 

  1. II.                CON ĐƯỜNG TỪ THƠ VĂN ĐẾN NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU

Con đường đến với nghệ thuật của Thế Lữ có tính chất đặc biệt. Nhìn một cách đại thể, là từ thơ đến kịch.

Tất nhiên, mỗi một người sáng tác, dù văn, thơ, hay kịch đều phải có một năng khiếu. Năng khiếu ấy, cùng với cảm hứng sáng tạo, được định hình và phát triển trong cả quá trình làm nghề. Có những nguyên nhân chủ quan và khách quan tạo ra sự chuyển biến cho năng khiếu và cảm hứng. Đối với nghệ sĩ, chủ yếu là do tâm lý sáng tạo nghệ thuật.

Có người chỉ chuyên viết văn xuôi, người khác lại chỉ làm thơ. Trường hợp vừa làm thơ, vừa viết kịch không nhiều (Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Thi.Lưu Quang Vũ…). Riêng Nguyễn Đình Thi, làm thơ hay, mà viết kịch cũng đặc sắc. Có một sợi dây vô hình liên kết: chất duy lý của thơ và chất triết lý của kịch.

Giải mã con đường từ thơ đến kịch của Thế Lữ phải tìm ở nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Có một lõi cấu trúc quan trọng. Đó là xung độtmâu thuẫn. Đây chính là sợi dây liên kết nội tại các sáng tác của Thế Lữ.

Hãy phân tích về thơ.

Mảng sáng tác thơ thoát ly lên tiên cảnh xem ra có vẻ mơ màng, mông lung, nhưng chính là nói lên một sự trái ngược: cảnh Bồng lai ở thượng giới đối chiếu với cảnh lầm than “địa ngục trần gian” nơi hạ giới, Tiếng sáo Thiên thai trái ngược với những tiếng kêu rên xiết, lầm than những phận người. Cái ảo đối nghịch với cái thực. Thoát ly nhưng vẫn nặng lòng với trần thế. Đó là tâm trạng chung của các thi sĩ thời Thơ mới: sầu đời, đau đời nhưng không chán đời.

Bài Nhớ rừng rất tiêu biểu về “khối căm hờn” với thực tại. Bài thơ đầy nghịch lý, nghịch cảnh. Đó là sự đối chọi về thời gian. Thời oanh liệt đã mất, quá khứ huy hoàng xưa: “Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa” đối lập với “Nay sa cơ, bị nhục nhằn, tù hãm”. Hiện tại “sỉ nhục” quá khứ. Không gian cũng là một nghịch cảnh nghiêm trọng: “Sơn lâm, bóng cả, cây già” kỳ bí  chọi lại  với cảnh tầm thường “Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” đối lập cảnh rừng già oai nghiêm và vườn thú  buồn tủi. Trong cảnh bị giam hãm tù túng, hiện lên một sự thật tàn nhẫn: cuộc đời trần trụi, khắc nghiệt và tồi tệ, với sự giả tạo, màu mè đáng xót xa. Từ tâm lý bức xúc, ngột ngạt ấy là khát vọng mạnh mẽ. Cái mộng tưởng lớn lao muốn lấn át cái cảnh nhỏ bé, hạn hẹp: “Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!... Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn”.

Về truyện, ta thấy cũng có những đối lập, đối nghịch bên trong. Làm gì có  chuyện những chàng trai tân tiến chạy theo “Tiếng gọi của rừng thẳm” lên xây dựng tình yêu hạnh phúc trên miền sơn cước vào thời ấy. Hy hữu lắm lắm, đó là sự tưởng tượng giữa thực và mộng – cũng tức là giữa thực và ảo. Truyện trinh thám, truyện kinh dị cũng mang bên trong nội dung những nghịch cảnh, nghịch lý: sự việc thật và hiện trường giả, tức sự thật và sự giả tạo. Cũng vậy, một nghịch lý lớn là hoang đường, mâu thuẫn với khoa học, kỳ bí lẫn lộn với sự thật cuộc đời.

Vậy là, như đã nói trên, cấu trúc nội tại của thơ và truyện là xung đột, mâu thuẫn, nghịch lý, nghịch cảnh, chính cũng là cốt lõi của cấu trúc kịch.

Về phía khách quan, mâu thuẫn cuộc đời giữa nô lệ và tự do, giữa tù túng và vượt thoát chính là cảnh đời và thân phận chung của một thế hệ người cầm bút một thời, trong đó Thế Lữ là một trường hợp biết cảm nhận, thấm thía và đau đớn.

Cách mạng rồi kháng chiến bùng nổ. Cuộc đối đầu lịch sử giữa dân tộc và kẻ thù xâm lược thể hiện sự giải quyết lịch sử những xung đột, mâu thuẫn lớn của dân tộc trong thời đại.

Vậy là, nhìn chung, con đường sáng tác của Thế Lữ có vẻ ngẫu nhiên, kỳ lạ nhưng chính là có sự liên kết nội tại của quá trình ấy. Xung đột, mâu thuẫn là nhân tố cơ bản trong kịch. Thắt nút rồi mở nút là hành động kịch. Từ viết đến đạo diễn là một diễn biến thuận chiều. Nhà thơ Thế Lữ trở thành nghệ sĩ sân khấu là qua hành trình tất yếu ấy.

***

Đã hai mươi lăm năm nay, Thế Lữ xa văn đàn, vắng bóng trên sân khấu. Ông đã được vinh danh xứng đáng – Nghệ sĩ Nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2000.

Một phần tư thế kỷ từ cuộc ra đi, hơn 80 năm từ phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn đã là một chỗ lùi lịch sử đáng kể để đánh giá ngày càng xác đáng về nhà nghệ sĩ tài năng Thế Lữ. Sự nghiệp của Thế Lữ đã để lại dấu ấn đậm nét trên một số phương diện.

Từ một nhà thơ lãng mạn, nhờ ảnh hưởng của phong trào yêu nước và cách mạng, Thế Lữ đã trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ mới.

Thế Lữ là người có ý thức vượt thoát về cả chính trị, xã hội, cũng như nghệ thuật. Ông luôn đóng vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực – thơ, văn, cũng như nghệ thuật sân khấu.

Khuynh hướng đổi mới thường trực trong Thế Lữ, thôi thúc ông luôn tìm tòi, sáng tạo. Ông đã tìm đường trong sáng tác thơ, văn, đặc biệt là tìm một hướng mới, hiện đại trong việc xây dựng một bộ môn nghệ thuật mới – vừa tiếp thu giá trị văn hoá thế giới, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc. Thế Lữ, nhờ vậy, đã trở thành người có công đầu trong việc xây dựng ngành kịch nói Việt Nam hiện đại, là bậc thầy trong các bậc thầy nổi tiếng về sân khấu.

Thế Lữ còn tồn tại trong lịch sử văn học nghệ thuật như một tấm gương sáng, có sức ảnh hưởng qua các thế hệ.

Thành phố Hồ Chí Minh, 20/7/2014

 ĐOÀN TRỌNG HUY (*)

(*) PGS – TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

(1) Theo Phạm Đình Ân (2006) – trong Thế Lữ  Về tác gia và tác phẩm – Giáo dục.

(2) Theo Hoài Anh (2001) – trong Tác gia kịch nói và kịch thơ – Sân khấu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 – Nhiều tác giả (2006) - Thế Lữ Về tác gia và tác phẩm – Giáo dục.

2 – Hoàng Kim Oanh (2013) – Thế giới nghệ thuật thơ Thế Lữ và Edgar Allan Poe in trong Nhìn lại thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn – Giáo dục.

3 –Vũ Ngọc PhanNhà văn hiện đại 2 – Văn học, 1998.

4 Hoài Thanh Hoài Chân Thi nhân Việt Nam (17) – Văn học, 2000.

Các Bài viết khác