NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHẬU VỚI ANH NĂM SÁNG

( 12-08-2017 - 04:51 AM ) - Lượt xem: 617

Ông ngồi đó, ăn mặc giản dị như thợ sửa xe, ăn nói rổn rảng, bất chấp người đối diện thân hay sơ. Tôi nghe mọi người nói ông hay uống rượu, tửu lượng cũng khá

Tôi được gặp anh Năm Sáng thật tình cờ. Thời gian chắc đã ngót hai mươi năm. Chiều bữa ấy có việc đi qua đường Trần Quốc Thảo, quận Ba, tôi nghe có tiếng lóc cóc như ai đó đang đánh bóng bàn trong căn nhà lợp lá của khuôn viên nhà số 81, Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Vì là dân chơi bóng bàn, như vắt gặp hơi người, tôi liền vào xem. Trước mắt tôi là một người tầm thước dáng khỏe mạnh đang chơi với một thanh niên trẻ. Đường bóng của ông cũng khá mạnh, cũng cắt giật, nhưng không điệu nghệ lắm. Đối phương thuần thục hơn. Sau này tôi biết đó là con trai ông, một vận động viên năng khiếu của đội tuyển công an.

Ông mời tôi chơi vài séc. Ông hỏi tên tuổi, tôi xưng danh. Tôi hỏi lại ông. Ông nói Nguyễn Quang Sáng, giọng Nam bộ. Vài lần giao hữu, ông thua nhiều hơn thắng. Ông nói tôi trình độ xêm xêm con trai ông.

Dần dà địa điểm trở thành quán nhậu, nơi gặp gỡ của anh chị em văn nghệ sĩ. Bàn bóng cũng đời đi đâu mất tiêu, nên anh em cũng ít khi đọ vợt.

Thỉnh thoảng tôi đến quán Leng Keng của ông ở Bình Thạnh để làm vài ve, có khi vài ly chứ không phải để đánh bóng bàn nữa. Tôi rất mừng khi ông gọi, không phải được uống mà là được gần ông, được nghe ông nói và hỏi ông về sáng tác văn học. Ông là nhà văn mà từ năm 1963 khi đang học phổ thông tôi đã đọc tiểu thuyết Đất lửa của ông, và sau này đọc Chiếc lược ngà, xem phim Cánh đồng hoang. Tôi thật sự mê phim Cánh đồng hoang. Các nhà điện ảnh nói đó là mẫu mực phim kinh điển của Việt Nam. Diễn viên Lâm Tới và Thúy An đóng rất tuyệt. Đề tài chiến tranh, mầm sống chính nghĩa không thể hủy diệt. Ấn tượng là cảnh sông nước Nam Bộ. Sự gặp gỡ của nhà văn Nam Bộ với đạo diễn Hồng Sến cũng là dân Nam Bộ. Đất và người Nam Bộ có sức hút kỳ lạ. Quê ông ở Chợ Mới – An Giang và ông là nhà văn mặc áo lính Nam Bộ bằng xương bằng thịt. Ông bảo tôi: có dịp về miền Tây, ông gọi. Được đi với ông còn gì bằng.

Ông ngồi đó, ăn mặc giản dị như thợ sửa xe, ăn nói rổn rảng, bất chấp người đối diện thân hay sơ. Tôi nghe mọi người nói ông hay uống rượu, tửu lượng cũng khá. Có lần tại nhà ông, có mặt nhà văn Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà báo Vương Thức - bạn tôi ở báo Hà Nội vào công tác. Anh em làm quen và uống. Tôi thấy ông uống nhiều, nhưng chỉ một loại, thường là Chivas. Còn tôi bị say, có lẽ do uống nhiều loại. Từ lần đó tôi đâm sợ chỉ uống cầm chừng mỗi khi có cuộc vui.

Nguyễn Quang Sáng và tác giả tháng 1/2014

Khi tôi về Nhà xuất bản Thành phố, mỗi dịp tổ chức Hội sách, bao giờ tôi cũng mời ông tham gia với tư cách là tác giả, diễn giả. Cuộc giao lưu có ông bao giờ cũng xôm trò. Chúng tôi thân nhau lúc nào không biết. Có sách mới, ông ký tặng. Ông cho tôi cuốn sách mỏng Nhà văn về làng. Ông kể chuyện thành thật, thỉnh thoảng nói tục, dân dã. Anh em cười thấy sướng. Một nét hài hước hóm hỉnh ở ông. Lạ nhất là giữa năm 2012, ông cho tôi cuốn sách Những cột mốc lịch sử 100 năm bóng đá Việt Nam ( Nxb Trẻ)của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức do ông đứng tên chủ biên. Sách dày 450 trang khổ 16x24cm, có nhiều tư liệu quí về phát triển của bóng đá Việt nam từ 1905 đến nay. Đặc biệt có một phần gần 50 trang giới thiệu bóng đá nữ Việt Nam. Đội bóng đá nữ đầu tiên ở cái Vồn – Vĩnh Long được ra đời năm 1932, nay còn hai bà lão cầu thủ còn sống. Ông kể đi làm cuốn sách này đã lắm, biết nhiều chuyện về thể thao và con người. Thế là ông trúng đậm vốn sống rồi.

Hơn năm nay ông yếu hẳn. Thỉnh thoảng tôi và Dũng Nguyên, một người làm kinh doanh hải sản ở Lagi, Bình Thuận, nhưng có sáng tác truyện và thơ, đến chơi thăm ông tại nhà ở quận 7. Dũng Nguyên tặng ông tập thơ Yêu em từ hạt bụi ( chưa in), còn tôi chuyển cho ông  Tạp chí Người Đô thị ( bộ mới) để ông xem. Ông khen tạp chí đọc được, ông bảo tôi: “Mày về hưu rồi mà còn hoạt động dữ. Thời buổi này còn ra được tuần báo là giỏi”. Tôi thưa với ông rằng cố được lúc nào hay lúc ấy. Với lại tôi chỉ đứng tên, còn lại là công sức của anh em Tòa soạn.

Gần tết Giáp Ngọ, chúng tôi lại sang chơi, chủ yếu cho ông vui. Vợ ông cứ luẩn quần bên chồng ra chiều áy náy: “Các chú uống với anh một chút gì chứ .”

Chúng tôi tranh thù chụp với ông vài kiểu ảnh làm kỷ niệm. Hôm 28 tết, Dũng Nguyên có nói với tôi: “Anh Năm gọi điện bảo là : Tao bết lắm rồi. ” Có lẽ chúng tôi, trong số bạn vong niên của ông, là người cuối cùng được hiện diện trong khuôn hình có ông.

Thế là một nhà văn chịu uống, chịu chơi, chịu làm đã ra đi. Mười ba tuổi ông cùng cha làm thợ bạc ở thị trấn: quay lò nấu vàng, phân kim.  Mười bốn tuổi vào bộ đội đánh giặc cứu nước, rồi thành nhà văn, đi khắp nơi, cảm thấu nhân tình, và bằng câu chữ làm nên trang vàng cuộc sống. Chắc ông sẽ gặp Lý Bạch, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Tuân, Trịnh Công Sơn… và bảo trời Sài Gòn mùa khô này buổi chiều đã mát và hôm nay là mười bốn, mai Rằm tháng Giêng.

Ông đi thật nhẹ nhàng. Bấc đã khô, dầu đã cạn. Tám mươi ba tuổi trời cho, thế là đã thọ. Mới đó còn hiện hữu, giờ lặng phắc. Tôi ngước nhìn lên bức chân dung thật đẹp đặt trên quan tài để mọi người viếng ông, bên tai còn vẳng tiếng ông thân thuộc :”Uống đi mậy.”

Các Bài viết khác