NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHẬN RÕ TIỂU THUYẾT TỰ LỰC VĂN ĐOÀN MỘT BƯỚC TIẾN ĐÁNG KỂ HIỆN ĐẠI HÓA VĂN XUÔI VIỆT NAM

( 20-07-2014 - 01:10 PM ) - Lượt xem: 3425

Qua hội thảo khoa quốc gia học chuyên đề Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn Đoàn (2013) gần đây nhất, nhìn lại đã có những đánh giá ngày càng công bằng và xác đáng về hiện tượng văn học đã lùi xa 80 năm. Cần tiếp tục nhìn lại khảo sát thêm và tiếp cận, đánh giá đầy đủ hơn về phương diện giá trị hiện đại hóa tiểu thuyết Tự lực văn Đoàn (TLVĐ) trên tiến trình lịch sử văn học, chủ yếu trong những năm 30, 40 của thế kỉ XX.

  1. 1.      NHỮNG TIỀN ĐỀ CHO HIỆN ĐẠI HÓA VĂN HỌC

1.1. Ảnh hưởng chính trị, văn hóa, xã hội

Bối cảnh xã hội những năm 1930- 1945 có những diễn biến phức tạp. Đấu tranh cách mạng mặc dù đã trải qua nhiều khủng bố nhưng vẫn phát triển, nổi bật là các cuộc khởi nghĩa lớn và cao trào cách mạng dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Thời kì Mặt trận dân chủ đã có phong trào đấu tranh đòi triệu tập Đông Dương đại hội (8/1936). Phong trào báo chí phát triển nhất là từ sau khi Chính phủ có nghị định ban hành tự do báo chí ở Nam Kỳ (30/8/1938). Hội nghị báo giới Bắc Kỳ lần thứ hai với 150 đại biểu, bầu ban thường trực gồm: Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Vũ Đình Liên, Trương Tửu, Trần Khánh Giư (Khái Hưng),…để chủ trì hội nghị các nhà báo Đông Dương

Để đối phó, thực dân Pháp dùng chính sách mị dân và khuynh hướng cải lương làm suy yếu phong trào cách mạng. Đặc biệt là nhằm đánh lạc hướng thanh niên bằng các phong trào Âu hóa, hội hướng đạo, chợ phiên,…

Thống sứ Châtel trực tiếp chỉ đạo cho hội Ánh sáng (8/1937) một hoạt động cải lương của nhóm TLVĐ

1.2. Cục diện phức tạp và chuyển động hiện đại hóa

Lĩnh vực văn học cũng diễn ra cuộc đấu tranh và tác động qua lại của các nền văn học cách mạng, văn học lãng mạn và hiện thực phê phán. Có ảnh hưởng của văn học, triết học nước ngoài, chủ yếu là phương Tây. Các khuynh hướng sáng tác, các trường phái có xung đột làm cho nền văn hóa xã hội càng thêm phức tạp

   Tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX đã có những đổi thay lớn. Báo chí quốc ngữ phát triển tạo điều kiện cho văn xuôi hình thành từ đầu thế kỉ, tạo ra những bứt phá mới. Văn học ở thành thị tiêu biểu cho xu thế tiến bộ đầu tiên đi vào hiện đại hóa mà nhân tố đã tiềm ẩn từ văn học cận đại. Đó là kinh nghiệm bước đầu của nền văn học chiến đầu gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc để mạnh dạn đưa văn học thích ứng với thời đại mới.

  1. 2.      VĂN XUÔI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN VÀ BIỂU HIỆN HIỆN ĐẠI HÓA

Tiểu thuyết TLVĐ cần được lưu ý mấy tương quan sau đây:

- Văn chương báo chí ba mươi năm đầu thế kỉ đã tạo tiền đề quan trọng cho văn chương nghệ thuật nói chung và của tiểu thuyết TLVĐ nói riêng. Từ văn chương báo chí đã nảy sinh các truyện ngắn, tiểu thuyết. Phong hóaNgày nay là cái nôi của TLVĐ. Ở đây có mối quan hệ mật thiết giữ văn chương báo chí và văn chương nghệ thuật.

- Văn xuôi TLVĐ phát triển khá mạnh mẽ trong khoảng mười năm (1933-1943). TLVĐ gồm bảy cây bút thành viên, trong đó có bốn chủ lực là Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Ngoài ra nhà thơ Xuân Diệu cũng có một vài sáng tác văn xuôi, Thế Lữ cũng vậy. TLVĐ cũng thu hút được một số cây bút văn xuôi bên ngoài. Vì vậy, có thể nói đến một khối lượng văn xuôi TLVĐ khá đồ sộ. Các tác giả sáng tác nhiều thể loại văn xuôi. Trong đó, riêng Thạch Lam thì hầu hết chỉ tập trung vào truyện ngắn. Mảng văn xuôi TLVĐ khá phong phú, cần được đánh giá tổng thể. Tuy nhiên, trong đó tiểu thuyết nổi bật như một thể loại mũi nhọn đạt nhiều thành tựu sâu sắc.

- Văn xuôi nói chung và tiểu thuyết TLVĐ nói riêng tiếp nhận những thành quả hiện đại hóa của văn học trong 30 năm đầu thế kỉ, phát huy ở một tình thế mới trong hoàn cảnh văn chương, văn hóa xã hội đã có nhiều đổi khác. Yêu cầu hiện đại hóa tiểu thuyết cũng đặt ra bức thiết hơn.

Sau đây là mấy biểu hiện cơ bản của hiện đại hóa tiểu thuyết TLVĐ:

2.1.Thể tài mới và sự đổi mới thể tài

   Nhìn chung lại, nổi lên ba thể tài cơ bản. Đó là tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết tâm ký và tiểu thuyết phong tục xã hội.

   Trước kia Hồ Biểu Chánh từng nổi tiếng với tiểu thuyết luận đề. Luận đề tổng quát là luận đề đạo đức. Qua đó có sự phân biệt thiện và ác, chính và tà, tốt và xấu... Các vấn đề cụ thể là đạo lý gia đình và đạo đức xã hội như: tình nghĩa cha con, đạo vợ chồng, quan hệ tình nghĩa,… Tiểu thuyết TLVĐ cũng có loại gọi là tiểu thuyết luận đề, nhưng luận đề ở đây nhiều ý nghĩa xã hội hơn, kết hợp được những vấn đề gia đình và xã hội, con người và nhân sinh. Chẳng hạn, Nửa chừng xuân (Khái Hưng) nêu mâu thuẫn gia đình, cá nhân- thực chất là xung đột mới, cũ giữa lề thói phong kiến bảo thủ, lạc hậu với quan niệm sống tân tiến của xã hội mới, quan niệm sống mới. Ở loại tiểu thuyết khác, luận đề trực tiếp là quan niệm xã hội mới tân tiến như khai sáng tâm trí người dân bần cùng, nghèo khổ.

   Có một vài loại tiểu thuyết phong tục cũng đi theo hướng đó.Tuy nhiên, nổi bật như sản phẩm đặc biệt của TLVĐ là tiểu thuyết tâm lý.

   Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất của ảnh hưởng tiểu thuyết phương Tây. Trước TLVĐ, đã có Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đi vào dạng tiểu thuyết tâm lý. Tuy nhiên diễn biến tâm lý còn tương đối đơn giản, một chiều, mặc dù có gay cấn, căng thẳng. Các tác gia tiểu thuyết TLVĐ đã đi sâu vào thế giới tâm hồn nhân vật, làm cuộc phiêu lưu vào lĩnh vực tâm lý. Thuyết Phân tâm học của S. Freud và sau được tiếp tục bởi K.Jung có ảnh hưởng tới văn học thế giới. Đã có ý kiến phân tích tiểu thuyết TLVĐ theo cách tiếp cận Tâm lý học hiện đại này (1). Theo nhận thức tâm lý ấy thì trong con người có cái ngã (Ego) và siêu ngã (Superego). Nói cách khá, có ý thức, vô thức và cả nửa ý thức. Thế giới tâm hồn con người vì vậy là phức tạp. Thường là sự xuất hiện, giằng co, đấu tranh giữa các mặt đối lập: thiện ác, tốt xấu,..Đời mưa gió (Khái Hưng, Nhất Linh) có những nhân vật mang tâm lý phức tạp ấy. Chương do nghịch cảnh tinh thần trở nên có những diễn biến tâm lý phức tạp, Chàng luẩn quẩn trong những xu hướng đối nghịch ám ảnh mâu thuẫn. Chương gặp Tuyết và có tình yêu kì lạ. Một ông giáo có vẻ đạo đức, căm ghét phụ nữ lại lao vào say mê một cô gái điếm trụy lạc. Trong cuộc tình này, chính Chương cũng không hiểu nổi mình. Có những mâu thuẫn không lý giải được giữa lí trí và bản năng. Tuyết là một cô gái cũng có tâm lý kì lạ, có một bản ngã- ý thức hết sức mạnh mẽ. Đó là tượng trưng cho một hành trình của bản ngã bị lôi kéo bởi một chủ nghĩa tự do phóng túng. Diễn biến tâm lý của Tuyết cực kì phức tạp. Đi vào thế giới dục vọng, Tuyết sống cuộc đời phóng đãng. Trong đầu óc lẫn lộn yêu, ghét, có lúc muốn hoàn lương, coi Chương như người tình lý tưởng, nhưng rồi lại bỏ đi, quăng thân vào cuộc đời giang hồ.

   Tiểu thuyết TLVĐ sáng tác theo trường phái lãng mạn. Tuy nhiên, một số tác giả chủ chốt cũng chuyển dần từ chủ nghĩa lãng mạn sang chủ nghĩa hiện thực. Tiểu thuyết tâm lý đã chuyển theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa, nhưng chưa bước sang phạm trù của chủ nghĩa hiện thực phê phán.

1.1. Chủ đề và đề tài xã hội mới

Trào lưu dân chủ trên thế giới đã có những bước phát triển mới. Ở Trung Quốc, Tôn Dật Tiên chủ trương chủ nghĩa Tam dân. Vào trước, sau 1930, ở Pháp, Phan Chu Trinh cũng đi theo khuynh hướng đó. Nguyễn Ái Quốc một mặt tuyên cáo Bản án chế độ thực dân Pháp, mặt khác yêu cầu những cải cách tự do dân chủ. Tại chính quốc, phong trào dân chủ tiến tới thành lập Mặt trận Bình dân.

   Để xoa dịu phong trào đấu tranh cách mạng, thực dân Pháp nêu chiêu bài Pháp- Việt đề huề và cũng tìm cách nới rộng tự do dân chủ trên một số phương diện. Chủ nghĩa cải lương tư sản xuất hiện trong hoàn cảnh đó.

   Các chí sĩ yêu nước lợi dụng chủ trương trên để đòi cải thiện dân sinh, dân chủ, dân quyền. Phong trào Duy Tân được dấy lên mang nội dung đòi hỏi phát triển, cải cách dân chủ trên nhiều phương diện- kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa,…

   TLVĐ theo hướng cải lương tư sản trong tình thế ấy là một hiện tượng được xác nhận về mặt khuynh hướng tư tưởng chính trị, xã hội. Những nhà lãnh đạo TLVĐ là phái Tân học có xu hướng tân tiến, muốn cải cách dân chủ. Đó là xuất phát điểm của những thiện ý tiến bộ. Trong đổi mới tư duy lâu nay đã thay đổi được những nhận định có tính chất áp đặt, quy chụp, có tính chất tiêu cực cho khuynh hướng tư tưởng đó.

   TLVĐ có những hoạt động cải cách xã hội như lập ra hội Ánh sáng và phong trào vận động “Âu hóa”. Tôn chỉ, mục đích của vận động có cốt lõi là đề cao tự do cá nhân, ý thức duy tân, dân chủ, ý thức về bản ngã, bản thể. TLVĐ đồng hành với Thơ mới mở ra một thời đại văn chương được mệnh danh là Thời đại lên ngôi của cái tôi như nhận xét của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam.

   Những chủ đề lớn, nổi bật của tiểu thuyết TLVĐ là cải cách dân chủ, cải cách xã hội, mà trọng tâm là ý thức tự do cá nhân.

   Chủ đề cải cách thôn quê mang ý nghĩa khai sáng. Đó là ý nghĩa tinh thần cải cách, cũng là lý tưởng của cá nhân trong sáng tác TLVĐ. Con đường sáng (Hoàng đạo) có nhân vật chính là Duy- một tri thức Tây học. Duy và bạn gái Thơ yêu nhau, cưới nhau và về lập đồn điền ở vùng quê. Ông chủ đồn điền trẻ này giúp nông dân mở mang dân trí. Chọn con đường cải tạo thôn quê vừa giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo tăm tối, lại được mở mang trí tuệ. Đó là lý tưởng khai sáng của người thanh niên tân tiến. Theo đuổi chủ trương cải cách thôn quê cũng là thể hiện chủ nghĩa Bình dân, như tôn chỉ chín điểm của nhóm TLVĐ: “3. Theo chủ nghĩa Bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân,… 6. Ca tụng nét hay, vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái”.

   Hội Ánh sáng chủ trương cải thiện nhà ở cho dân nghèo thoát khỏi những ổ chuột tối tăm, bẩn thỉu với phương châm là: “ Xã hội- Nhân đạo- Cải cách”. Những cải cách của nhóm TLVĐ như đã nói là những ý tưởng đẹp. Nhưng trong xã hội thuộc địa- xã hội thực dân nửa phong kiến, thì đó chỉ là những ảo tưởng. Không có công cuộc giải phóng dân tộc thì không thể có giải phóng những con người lao động.

   Dù sao, những nhân vật tiểu thuyết ấy: Duy- Thơ (Con đường sáng- Hoàng Đạo) hay Bảo- Hạc (Gia đình- Khái Hưng) cũng gợi lên được những giá trị tinh thần tốt đẹp cho phong trào cải cách xã hội thời đó.

   Một chủ đề nổi bật khác là phá bỏ những trói buộc lễ giáo phong kiến cổ hủ, lạc hậu. Vấn đề cụ thể ở đây là: đòi hỏi tự do yêu đương. Những tác phẩm tiêu biểu thể hiện tinh thần chống đối sự bóp nghẹt tình cảm trong tự do yêu đương.

Nửa chừng xuân (Khái Hưng) là tác phẩm tấn công mạnh mẽ vào đại gia đình phong kiến. Mai là một nạn nhân đau khổ khi bị ép gả làm vợ bé cho huyện Lộc, chống đến cùng chế độ đa thê, bảo vệ tình yêu lý tưởng. Nhất Linh chủ trương giải phóng hoàn toàn người phụ nữ trong đại gia đình phong kiến, ca ngợi tình yêu tự do lứa đôi trong Đoạn tuyệt, giải phóng họ khỏi những quan niệm trinh tiết hẹp hòi của lễ giáo khắc nghiệt trong Lạnh lùng. Đoạn tuyệt được ca ngợi là “một vòng hoa tráng lệ trên đầu chủ nghĩa cá nhân”- như bình luận của báo chí đương thời.

Nhìn chung, trên chủ đề xã hội này đã mở rộng đến quyền tự do cá nhân của phận người. Ở đây TLVĐ lại nêu cao ngọn cờ đấu tranh đòi quyền sống cho con người, đòi giải phóng cá nhân khỏi đại gia đình phong kiến.

Tóm lại, cần ghi nhận tinh thần nhân văn của lý tưởng xã hội mà nhóm TLVĐ đã thể hiện trên những cuốn tiểu thuyết đặc sắc về

các chủ đề lớn.

1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới nhân vật mới

   Trần Đình Sử khi nghiên cứu sự cách tân của nghệ thuật đã đề cao quan niệm nghệ thuật về con người: “Quan niệm nghệ thuật là một phạm trù nghệ thuật. Nó gắn bó với quan niệm về thế giới quan, về triết học, xã hội học, về con người và thế giới nói chung nhưng bản thân nó đã là một ý thức hệ đặc biệt gắn với nhiệm vụ miêu tả nghệ thuật” (2). Lê Dục Tú (3) khi bàn về con người cá nhân trong TLVĐ có phân tích những cấp độ như sau:

- Xung đột của con người cá nhân với gia đình truyền thống.

- Con người cá nhân tìm sự giải thoát trong tình yêu, trong thế giới nội tâm hay trong những ước mơ về cải cách xã hội.

Dễ nhất trí với nhau rằng, TLVĐ đã có một quan niệm nghệ thuật mới về con người, trong đó thể hiện con người cá nhân xã hội lãng mạn đến cá nhân cực đoan.

   Tiểu thuyết TLVĐ đề cao hình ảnh cái tôi cá nhân của con người cá nhân, muốn phát triển đi đến hiện tượng cực đoan. Cái tôi ấy ở mức độ không kiềm chế chính là cái tôi cá nhân tư sản cực đoan. Con người ý thức cá nhân mang tính xã hội nhiều hơn, từ khát vọng yêu đương đến khát vọng dân chủ tự do, từ xung đột trong phạm vi gia đình đến phạm vi rộng lớn ngoài đời đã thể hiện nhiều diễn biến trong quan hệ đa dạng và phức tạp. Điều đó giúp cho nhân vật tiểu thuyết TLVĐ được phát triển đa dạng nhiều chiều, thế giới nội tâm được khai thác sâu sắc và phong phú hơn.

   Quan niệm nghệ thuật về con người sẽ định hướng cho việc xây dựng nhân vật tiểu thuyết. Mặt khác, sự biến đổi xã hội và xuất hiện những con người mới sẽ là cơ sở để sáng tạo thế giới nhân vật.

   Nông thôn có nhiều đổi thay. Đô thị trở thành những trung tâm mới của xã hội hiện đại. Hình thành một công chúng thành thị gồm: công chức bộ máy hành chính, những người buôn bán, hoạt động dịch vụ. Có trí thức tân học, có viên chức thư lại và đông đảo tầng lớp thị dân nghèo. Giai cấp xã hội mới xuất hiện như: công nhân, tư sản, tiểu tư sản và có sự phân chia các tầng lớp trong mỗi giai cấp. Đặc biệt cư dân thành thị gồm nhiều hạng người. Trong sự phân hóa tầng lớp, có sự vươn lên của lớp trên, tụt xuống của lớp dưới. Phần lớn là những người làm thuê, dịch vụ, lao động tự do và dân nghèo cùng khổ. Ở nông thôn, sự phân hóa những tầng lớp cũng ngày càng rõ rệt. Ngoài địa chủ bóc lột thì nông dân gồm nhiều tầng lớp khác nhau, dưới đáy là bần cố nông. Khái niệm người bình dân của TLVĐ có thể bao gồm những người cùng khổ ở nông thôn và dân nghèo thành thị.

   Ngoài ra, giới quan lại phong kiến cũng có nhiều đại diện kiểu mới. Trí thức tân học cũng làm nhiều nghề khác nhau.

Xét về mặt loại hình có hai loại rõ rệt là con người duy tân với những chính kiến và cải cách xã hội và con người nổi loạn cả trong gia đình cũng như trong xã hội. Con người lý tưởng hay con người cá nhân của tiểu thuyết TLVĐ chính là con người mang lý tưởng và đấu tranh cho ý thức cá nhân.

Thế giới nhân vật như vậy là đa dạng.

   Đại diện cho con người tiên tiến là lớp trẻ tri thức cải cách xã hội trong hàng loạt truyện về đề tài cải cách thôn quê- như các nhân vật trong Gia đình, Con đường sáng đã nêu trên.

   Nhân vật phụ nữ thành thị như hình mẫu của “phụ nữ tân thời”, “phụ nữ tân tiến” chính là lớp người tiêu biểu cho đấu tranh xung đột mới, cũ, chống lễ giáo phong kiến. Đó là Mai trong Nửa chừng xuân và một số nhân vật khác trong tác phẩm cùng đề tài. Tương tự là nhân vật Nhung trong Lạnh lùng của Nhất Linh. Ngoại trừ trường hợp Tuyết trong Đời mưa gió nổi bật như một nhân vật phụ nữ nổi loạn cực đoan. Nói chung, phần lớn được miêu tả là những con người đáng thương cảm và đáng trân trọng, có nhiều đức tính phụ nữ tốt đẹp, có thế giới tinh thần phong phú, nhất là có ý thức đấu tranh mạnh mẽ để cải tạo số phận.

   Có một hình ảnh thấp thoáng nhưng mang dấu ấn đậm nét. Đó là những nhà hoạt động xã hội mới thể hiện bóng dáng một khách chinh phu mới, một chí sĩ yêu nước mới có khí phách và nhân cách cao đẹp.

   Tóm lại, đó là thế giới nhân vật được xây dựng theo những chủ đề xã hội lớn, nổi bật của tiểu thuyết TLVĐ.

1.3. Nghệ thuật trần thuật mới

Đã có nhiều nhận xét thống nhất về sự đóng góp của tiểu thuyết TLVĐ như sự vượt thoát quỹ đạo của văn học trung đại. Đó là sự đổi mới hiện đại về phương thức tự sự. Sau đây là đôi điều nổi bật cần nhấn mạnh:

   Điểm nhìn trần thuật thay đổi, mà chủ yếu là cái nhìn, điểm nhìn từ ngôi thứ ba.

   Có hai hình thức tự sự phổ biến trong văn học hiện đại là hình thức tự sự từ ngôi thứ ba nhưng nhìn sự vật từ tiêu cự bên trong của nhân vật, tạm gọi là hình thức tự sự chủ quan. Nội dung kể được chuyển vào cái nhìn chủ quan của nhân vật. Hình thức tự sự bàng quan, ngược lại tiêu cự đặt bên ngoài nhân vật. Người kể không miêu tả nội tâm, không phân tích tâm lý nhân vật.

   Hầu hết tiểu thuyết TLVĐ đều được kể theo ngôi thứ ba. Điểm nhìn trần thuật chuyển vào ngôi thứ ba, phù hợp với khuynh hướng tiểu thuyết tâm lý. Đây là cách đi sâu, khám phá thế giới nội tâm nhân vật, làm nhân vật phải bộc lộ những diễn biến tâm lý trước mọi hoàn cảnh chủ quan và khách quan. Trong tiểu thuyết Lạnh lùng, Nhung là cô gái góa còn ở tuổi đôi mươi. Tuy nhiên, do quy định khắc nghiệt của lễ giáo, người phụ nữ góa bụa phải thủ tiết thờ chồng. Điều này bóp nghẹt khát vọng tình yêu chính đáng, không cho cô được phép đi thêm bước nữa. Những diễn biến tâm trạng xảy ra không dứt giữa khát vọng chính đáng và sự ngăn cản, đè nén, ép buộc của những dây trói vô hình nghiệt ngã. Chàng thanh niên Duy trong Đôi bạn, cũng phải bộc lộ tâm trạng bất ổn, kéo dài giữa cuộc sống tầm thường và ước muốn ra đi để tìm kiếm một cuộc sống lý tưởng xã hội, có thể giúp mình tự giải thoát. Diễn biến tâm lý của nhân vật như vậy là: trong nhiều trạng huống, với những cảm giác suy nghiệm nhiều hình vẻ, màu sắc. Thế giới cảm giác sẽ tạo ra con người cảm giác của TLVĐ. Độc thoại nội tâm như một thủ pháp đầy hiệu quả trong trường hợp thể hiện tâm lý nhân vật. Trương (Bướm trắng- Nhất Linh) có rất nhiều độc thoại nội tâm làm bộc lộ tâm lý bị giằng xé về hai phía. Chàng thanh niên bệnh tật bị ám ảnh không dứt về mặc cảm cái chết cận kề với day dứt, hy vọng về tình yêu với Thu và lo lắng về hệ lụy của mối tình đó.

   Sử dụng giọng điệu trần thuật khách quan, tác giả tiểu thuyết không thêm một lời bình phẩm chủ quan nào kiểu trữ tình ngoại đề. Điều này sẽ dẫn tới sự tiếp nhận khách quan của người đọc.

   Thanh Đức (hay Băn khoăn) của Khái Hưng là trường hợp rất tiêu biểu. Ở đây có những khuynh hướng tiếp nhận khác nhau. Có những người bình phẩm nhân vật theo những hướng khác nhau: khen, chê, khẳng định, phủ định,… Trong tác phẩm thể hiện những cô gái chạy theo tự do yêu đương một cách cực đoan, nhân vật thường bị phê phán nhưng ngược lại cũng có ý kiến thông cảm, chia sẻ. Miêu tả những thanh niên tân tiến, những trí thức điền chủ không hẳn là tác giả hoàn toàn ca ngợi, tán thưởng mà cũng có chút hoài nghi, thiếu tin tưởng như nhan đề của tác phẩm- Băn khoăn.

   Lý luận tiếp nhận văn bản hiện đại chứng tỏ đây là một khuynh hướng mở của tiểu thuyết mà TLVĐ có những thể nghiệm đầu tiên.

   Ngoài ra, về phương tiện thể hiện nghệ thuật có thể lưu ý thêm mấy điểm sau:

Kết cấu tác phẩm, mô típ cốt truyện có nhiều đổi mới linh hoạt, khác với cốt truyện vòng tròn (đầu cuối tương ứng) hoặc theo tuyến tính thời gian, tiểu thuyết TLVĐ đã có những bứt phá mới có tính phá cách. Theo các loại hình hiện đại, tiểu thuyết TLVĐ nổi bật cốt truyện số phận, cốt truyện tư tưởng, chưa có cốt truyện tính cách. Cốt truyện tiểu thuyết vì vậy có sức hấp dẫn mới.

_ Ngôn ngữ hiện đại hóa. Diễn đạt câu văn của tiểu thuyết có nhiều mới mẻ. Tác phẩm TLVĐ coi như chấm dứt lối văn xuôi biền ngẫu còn rơi rớt trước đó (ngay cả Từ Lâu ở Cậu bé nhà quê). Vốn từ thông dụng nhưng chọn lọc là ngôn ngữ hàng ngày, ngôn ngữ đời thường tức ngôn ngữ chủ yếu của tiểu thuyết. Tuy có ảnh hưởng lối văn Âu Tây mới nhưng tiểu thuyết TLVĐ vẫn cố gắng giữ bản chất Việt Nam như tôn chỉ. Ngôn ngữ ấy nói chung thích hợp với đời sống thành thị xã hội hiện đại.

Tiểu thuyết và văn xuôi TLVĐ đã có sự cách tân khá toàn diện: trên cả thi pháp lẫn phong cách nghệ thuật. Sự đổi mới ở cả phương diện nội dung lẫn hình thức. Tác phẩm mang lại nhiều hiệu quả nghệ thuật mới.

Thành tựu của TLVĐ cần được ghi nhận như một bước tiến đáng kể trên đường hiện đại hóa để tạo đà chuyển văn xuôi Việt Nam sang thời hiện đại chính thức kể từ sau Cách Mạng.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY *

Chú thích

(*) PGS.TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

1) Nguyễn Thị Minh (2013), Tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết Đời mưa gió của Nhất Linh và Khái Hưng, in trong Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn Đoàn, Thanh niên.

2) Trần Đình Sử (1990), Lý luận phê bình văn học, Hội nhà văn, Hà Nội.

3) Lê Dục Tú (1997), Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn Đoàn, Khoa học xã hội.

Tài liệu tham khảo

1. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu (1999), Văn học Việt Nam 1900-1945, Giáo dục, Hà Nội.

2. Đoàn Trọng Huy (2006), Những biểu hiện hiện đại hóa trong văn học Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX, Tham luận hội thảo khoa học Quốc tế, Tham luận Hội thảo Quốc tế Đại Học KHXH- NVTP/HCM, Quá trình hiện đại hoá văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hoá chữ Hán: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc từ cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX.

3. Nguyễn Thành (2013), Những điểm nổi bật về trần thuật trong tiểu thuyết Tự lực văn Đoàn, in trong Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn Đoàn, Thanh niên.

4) Nguyễn Thành Thi (2013)- Văn xuôi Tự lực văn đoàn 80 năm “nhìn lại”, in trong Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn Đoàn.

 

Các Bài viết khác