NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHÀ XUẤT BẢN MAI LĨNH – MỘT PHÁC THẢO VỀ VỊ TRÍ TRONG NGÀNH XUẤT BẢN VIỆT NAM – NHÌN LẠI VÀ SUY NGẪM

( 12-04-2018 - 06:41 AM ) - Lượt xem: 877

Bài viết này xin được nói rõ ngay đó chỉ là một phác thảo về “nhà Mai Lĩnh”. Nhà Mai Lĩnh ở đây là cách gọi tắt của cụm từ nhà in Mai Lĩnh và nhà xuất bản Mai Lĩnh trong lịch sử xuất bản Việt Nam đầu thế kỷ XX. Trong đó, chúng tôi tập trung vào hoạt động xuất bản vì thế mà ngay tiêu đề chúng tôi đã lựa chọn là “Nhà xuất bản Mai Lĩnh”.

NHÀ IN VÀ NHÀ XUẤT BẢN

Chúng tôi khu biệt rõ 2 hoạt động xuất bản và in như GS Đỗ Tất Lợi đã viết:

“Nhà in và Nhà xuất bản Mai Lĩnh là một hoạt động kinh tế xã hội của Đại gia đình Mai Lĩnh”[1]. Trong đó, in là một hoạt động kinh tế thông thường, ít có ý nghĩa thể hiện tư duy và tư tưởng của ông chủ Mai Lĩnh. Về mạng lưới phát hành, “Mai Lĩnh có gần 200 đại lý khắp nước từ Bắc chí Nam. Có đại lý mua tiền mặt, có đại lý nhận sách, báo ký gửi bán rồi mới thanh toán hàng theo tháng theo thống kê tiền gửi về. Ngoài các đại lý trong nước, còn có đại lý ở Lào, Cao Miên, Quảng Châu văn và các đảo quốc thuộc Pháp ở quần đảo Nam Dương”[2].

Tuy nhiên, hoạt động xuất bản mới thể hiện rõ tư tưởng và dấu ấn cá nhân riêng của ông chủ Mai Lĩnh như câu đối là tôn chỉ của gia đình: “Mai thụ hoa khai, Mai thụ diễm/ Lĩnh đầu nguyệt chiếu, Lĩnh đầu minh” (Cây mai già nở hoa, cây mai già xanh tươi/ Trăng chiếu đỉnh núi Lĩnh, đỉnh núi Lĩnh được rọi sáng).

Hiện nay, Bộ Thông tin & Truyền thông có một cơ quan cấp Cục mang tên Cục Xuất bản, In và Phát hành để quản lý về mặt Nhà nước. Lấy dấu mốc từ năm 1945 – năm ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – đến nay, trên 70 năm, nhìn lại và suy ngẫm về vị trí của Nhà xuất bản Mai Lĩnh cũng đặt ra cho chúng ta nhiều điều đáng quan tâm.

Nhà báo Kiều Mai Sơn tham luận tại buổi tọa đàm

Bài viết này sẽ so sánh Nhà xuất bản Mai Lĩnh với 3 đơn vị xuất bản cùng thời đó là: Nhà xuất bản Tân Dân (Vũ Đình Long), Nhà xuất bản Đời Nay (Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam) và Nhà xuất bản Hàn Thuyên (Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa). Tân Dân, Đời Nay và Hàn Thuyên là những nhà xuất bản vào loại tiêu biểu ở Hà Nội hoạt động cùng thời với Mai Lĩnh. Các nhà xuất bản này theo khuynh hướng xã hội khác nhau, đều có số phận riêng, hơn 70 năm qua, tên tuổi vẫn được nhắc đến. 

Do còn nhiều hạn chế về mặt tài liệu cho nên chắc hẳn khi so sánh chúng tôi chưa thể nhìn đầy đủ và toàn diện vì thể không tránh khỏi phiến diện hoặc thiếu sót, chúng tôi mong rằng sẽ được các nhà nghiên cứu đi trước, cùng những người quan tâm đến “nhà Mai Lĩnh” chỉ bảo thêm.

Có lẽ đơn vị đầu tiên tự xác định tư cách của một nhà xuất bản và cũng có quy mô bề thế hơn cả là Nhà xuất bản Tân Dân. Nhà xuất bản Tân Dân gắn liền với tên tuổi nhà viết kịch Vũ Đình Long. Tân Dân có nhà in riêng, có cả báo và tạp chí xuất bản rất đều đặn.

Báo của nhà Tân Dân thiên về văn nghệ. Đó là Tiều thuyết thứ bảy ra hằng tuần, rồi tờ Ích Hữu báo văn nghệ có kết hợp cả chính trị thời sự, tập san Tao Đàn. Những cây bút phụ trách về báo của Tân Dân là Thanh Châu, Ngọc Giao, J.Leiba v.v…

Về sách, nhà Tân Dân cho ra loại Phổ thông bán nguyệt san, mỗi số là một cuốn tiểu thuyết cỡ vừa. Đồng thời Vũ Đình Long lại cho ra mắt bạn đọc những tủ sách riêng. Ví dụ như tủ sách: “Những tác phẩm hay” là tiểu thuyết tình, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết lịch sử. Các nhà văn Lê Văn Trương, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê gần như chuyên trách về sách cho nhà Tân Dân.

Trừ nhóm Tự lực Văn đoàn, rất nhiều người cộng tác với Nhà xuất bản Tân Dân như Nguyễn Đỗ Mục, Ngô Văn Triện, Nguyễn Công Hoan, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nam Cao…

“Trong khoảng thời gian từ 1925 đến 1945, Vũ Đình Long là người đỡ đầu tài năng và tâm huyết cho rất nhiều tác phẩm văn chương mà ngày nay đã trở thành kinh điển và niềm tự hào cho nền văn học dân tộc.”[3]

Năm 1932 Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam cùng Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, cho ra tờ Phong Hóa, mở đầu hình thành nhóm Tự lực Văn đoàn (Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ… sau có thêm Xuân Diệu, Huy Cận,…). Sau khi báo Phong Hóa ra được vài tháng, Nhất Linh liền nghĩ ngay đến việc lập nhà xuất bản.

Theo Phạm Thế Ngũ, ban đầu, Nhất Linh nhờ một nhà tư sản là bác sĩ Nguyễn Văn Luyện mở "An Nam xuất bản cục". Mấy tác phẩm đầu tiên nhóm, như Hồn bướm mơ tiênNửa chừng xuân... đều in ở đó. “Ít lâu sau, để tự chủ hơn, Tự Lực văn đoàn lập nhà xuất bản Đời Nay. Ban đầu, nơi đây chỉ xuất bản những tác phẩm của nhóm, về sau mới in cả những sách được giải thưởng Tự Lực văn đoàn, và của các văn gia khác mà họ công nhận có giá trị... Đến năm 1940, tờ Ngày Nay đóng cửa, nhưng nhà xuất bản Đời Nay vẫn còn và tiếp tục công việc phổ biến các sách của họ”[4].

Nhà xuất bản Đời Nay của nhóm Tự lực văn đoàn thu hút được lớp học sinh trung học và tầng lớp viên chức, trí thức thời bấy giờ. Nội dung hoạt động của Nhà xuất bản Đời Nay chịu ảnh hưởng từ khuynh hướng xã hội của Tự lực văn đoàn: Chống lễ giáo phong kiến, giải phóng phụ nữ, giải phóng con người khỏi những ràng buộc của gia đình phong kiến cũ, đấu tranh cho tự do hôn nhân, ủng hộ cải cách xã hội…

Nhà xuất bản Đời Nay như một luồng gió mới cách tân văn chương Việt Nam cả về nội dung và nghệ thuật. Nhiều tập thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới được Đời Nay xuất bản: Mấy vần thơ (Thế Lữ), Thơ thơ (Xuân Diệu), Lửa thiêng (Huy Cận), Thơ say (Vũ Hoàng Chương), Dòng nước ngược (Tú Mỡ)… Sau tiều thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng hàng chục tiểu thuyết hấp dẫn với bút pháp tân kỳ được Đời Nay xuất bản: Bướm trắng (Nhất Linh), Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Gánh hàng hoa (Nhất Linh – Khái Hưng), Trống mái (Khái Hưng), Con trâu (Trần Tiêu), Nằm vạ (Bùi Hiển),… 

Nhà xuất bản Hàn Thuyên tập hợp các nhà khảo cứu gồm những cây bút chủ chốt là Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa), Nguyễn Đức Quỳnh, Lương Đức Thiệp, Bùi Huy Phồn, Lê Văn Siêu, Phạm Ngọc Khuê (P.N Khuê), Đặng Thai Mai…

Trong đó Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa là tác giả các công trình nghiên cứu: Kinh thi Việt Nam (1940), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943), Nhân loại tiến hóa sử (1943), Nguồn gốc văn minh (1943), Văn minh sử (1943), Nguyễn Công Trứ (1944), Văn chương Truyện Kiều (1944), Tương lai văn nghệ Việt Nam(1945); bộ Sức khỏe mới của P. N. Khuê: Nguồn sinh-lực, Yêu đời, Nghị lực, Cải tạo sinh lực, phần thực hành bộ Sức khỏe mới; Lương Đức Thiệp tác giả Xã hội Việt Nam (1944), Văn chương và xã hội (1944), Nguyễn Đổng Chi tác giả Việt Nam cổ văn học sử (1942); Đặng Thai Mai: Văn học khái luận; Lê Văn Siêu: Vua ô tô Ford và tổ chức kỹ nghệ hợp lý hóa (1946), Hồ Hữu Tường (Nguyễn Huệ Minh): Tương-lai kinh-tế Việt-Nam (1945)…

Ra đời ngày 25 tháng 12 năm 1940 và kết thúc hoạt động ngày 17 tháng 12 năm 1946 (hiến toàn bộ máy móc cho Nhà in Quân đội – nay là Nhà in báo Quân đội Nhân dân và Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân), chỉ 2 ngày trước khi toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 nổ ra. Giám đốc trị sự là Nguyễn Xuân Tái và Giám đốc văn chương là Trương Tửu. Với 6 năm tồn tại và hoạt động, Nhà xuất bản Hàn Thuyên đã trở thành một hiện tượng độc đáo, nói như Truyện Kiều “chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau”[5].

EDITION MAI LĨNH

Các tài liệu nghiên cứu cho biết Nhà xuất bản Mai Lĩnh ra đời năm 1936. Ra đời vừa lúc Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939) hình thành, đẩy tới một cao trào báo chí sôi nổi với nhiều xu hướng, chính kiến khác nhau. PGS Vũ Ngọc Khánh đánh giá: “Sách của Nhà Mai Lĩnh được bạn đọc gần xa – ngoài Bắc trong Nam – biết đến, một phần rất quan trọng là do xu thế hướng về văn hóa dân tộc”.

Theo PGS Vũ Ngọc Khánh, lúc đầu, Mai Lĩnh cho in hàng loạt sách kiếm hiệp, sách mỏng, giá ba xu, ra hàng tuần. Nhà văn Phạm Cao Củng (bút danh Văn Tuyền) chuyên trách loại sách này: Chu long kiếm, Lục kiếm đồng, Hồng giang nữ hiệp, Khánh sơn tiêu hiệp, Phi hành đao, Dã quang tình hợp v.v… Chỉ trong một thời gian ngắn, loại sách này tự nó không còn chỗ đứng nữa, Mai Lĩnh chuyển hướng và dần trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu hơn.

Mấy chữ “Mai Lĩnh xuất bản” hay “Edition Mai Lĩnh” được chính thức ghi lên các bìa sách.  “Tôi đã thấy nhiều trường phổ thông (lúc ấy gọi là Cao đẳng Tiểu học) mua cả bộ sách làm phần thường hàng năm cho học sinh các lớp đệ nhất, đệ nhị v.v…”[6]

Chuyển hướng và dần trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu hơn, đó là khi Nhà xuất bản Mai Lĩnh có các nhà văn tên tuổi, tác giả các bộ sách giới thiệu hoạt động cách mạng của các chí sĩ thời “cận đại”.

Đó là nhà văn Đào Trinh Nhất tác giả của: Đông kinh nghĩa thục, (1937), Phan Đình Phùng (1937), Đời cách mạng Phan Bội Châu (1938) v.v… Viết về các chí sĩ Việt Nam chống Pháp mà qua được vòng kiểm duyệt của chính quyền thực dân, để truyền bá lòng yêu nước cho quần chúng. Những sách này được đánh giá cao lúc bấy giờ.

Đó là nhà văn Ngô Tất Tố có thể gọi là cộng tác viên gần gũi nhất với nhà Mai Lĩnh với các tác phẩm: Gia Định Tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt (1937); Tiểu thuyết Tắt đèn (1939), Việc Làng (1939), Lều chõng (1941), sách Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim (1940), Mặc Tử (1942), Lão Tử (1942 – viết chung với Nguyễn Đức Tịnh), Kinh Dịch (1943), Thi văn bình chú (1941) và cả bộ Việt Nam văn học: Đời Lý, đời Trần (1942) v.v…

Tác phẩm mở đầu cho thể loại phóng sự là “Tôi kéo xe” của Tam Lang – Vũ Đình Chí cũng được Nhà xuất bản Mai Lĩnh “đỡ đầu” năm 1938. Các tác phẩm của “Ông vua phóng sự Bắc Kỳ” Vũ Trọng Phụng như Làm đĩ (1940), của Nguyễn Tuân như Ngọn đèn dầu lạc (1941) … lần lượt ra đời một lúc ở Nhà xuất bản Mai Lĩnh.

Có lẽ lấy mốc từ năm 1940 trở đi, khi cho ra đời cuốn “Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim”, tác giả Ngô Tất Tố, thì Nhà xuất bản Mai Lĩnh đặt chân vào mảng sách khảo cứu. Từ đây, nhiều đầu sách có giá trị đã ra đời. Đó là các tác phẩm khảo cứu của Ngô Tất Tố: Thi văn bình chú (1941) và cả bộ Việt Nam văn học: Đời Lý, đời Trần v.v… (1942), Mặc Tử (1942), Lão Tử (1942 – viết chung với Nguyễn Đức Tịnh), Kinh Dịch (1943); Phan Khoang: Trung dung chú giải (1943), Trung Quốc sử lược (1943); Phan Trần Chúc: Bằng Quận công (1942), Tĩnh Đô Vương (1943),Việt Nam sử học (về triều Tây Sơn, thế kỷ XVIII) – 1942; Phó Đức Thành: Việt Nam dược học (tập 2 – 1942; tập 5 - 1943); Thái Phỉ: Giáo dục nước Nhật (1942); Doãn Kế Thiện: Lược khảo thơ Trung Quốc (1943); Nguồn gốc và phương pháp học chữ Hán (1943); Đoàn Nồng: Sự tích và nghệ thuật hát bộ (1943); Phạm Quỳnh: Thượng Chi văn tập (1943); Nguyễn Lân: Nguyễn Trường Tộ (1942), Những trang sử vẻ vang (2 tập – 1943)…

Theo tài liệu của nhiều tác giả trong cuốn “Nhà xuất bản Mai Lĩnh” (2015) thì sau năm 1944, Nhà xuất bản Mai Lĩnh ngừng hoạt động sau gần 10 năm “đã đóng góp phần hữu ích với học thuật nước nhà”[7].

Để tạm đóng lại phần phác thảo về Nhà xuất bản Mai Lĩnh, chúng tôi xin dẫn ý kiến của Hà Xuân Trường trong bài Vài ý kiến nhân “Nhìn lại một thế kỷ văn học Việt Nam” (Chủ đề của Hội thảo do Viện Văn học thuộc UBKHXHNV tổ chức đầu tháng 7-2001):

“Các nhóm “Tự lực văn đoàn”, “Tiểu thuyết thứ bảy”, những nhà xuất bản như Mai Lĩnh, Tân Dân và sau này (khi phát xít Nhật đã vào thống trị ở Đông Dương) như Hàn Thuyên, Tân Việt đều có đóng góp vào tiến trình của văn học nước ta trước Cách mạng tháng Tám. Đánh giá sự đóng góp này đến đâu cần có sự nghiên cứu khách quan. Trước đây có lúc chúng ta đánh giá chưa đủ, chưa đúng về một số trào lưu, một số tác giả thì sau này chúng ta đã lần lượt điều chỉnh sự đánh giá đó cho phù hợp với thực tế của văn học. Không phải mọi chữ “nhìn lại” đều suôn sẻ, nhưng hết sức tránh thái độ từ cực đoan này sang cực đoan khác”[8].

TỒN NGHI

Trong bài “Mai Lĩnh nguồn gốc và sự hình thành”, ông Nguyễn Hữu Lược viết: “Năm 1941, Nhà in Mai Lĩnh dọn về 21, phố Hàng Điếu, làm ăn buôn bán cho đến ngày “Toàn quốc kháng chiến”. Ngày 19/12 khi có tiếng súng, kẹt ở Hàng Điếu có 4 chú cháu: ông Ba, ông bà Mai, anh Thụ và anh Lược. sau đêm Noel 24, đêm 25 anh Thụ và anh Lược trốn ra khỏi Hà Nội để về Phúc yên, chỉ còn các ông ở lại. Nhà in bị tiêu hủy, người ở Hà Nội, người về quê rồi cùng theo kháng chiến. Diễn biến sau này vui có, buồn có, tan tác có, tụ tập lẻ tẻ có…, theo thời cuộc.

Còn ở Hải Phòng thì toàn gia đình đi tản cư, lần mò tụ tập về Xuân Mai, Lập Chí, kẹt lại mình ông Năm ở trại Mai Lĩnh, gần nhà thờ Nam Pháp, trên đường Hải Phòng – Đồ Sơn, giữa vùng du kích và vùng tạm chiếm. Ông Năm mất tại trại Mai Lĩnh trong những năm đầu của cuộc kháng chiến 9 năm”[9].

Phần cước chú trong bài, ông Nguyễn Hữu Lược viết: “Lịch sử về “Sự hình thành và phát triển  của nhà Mai Lĩnh” bác Lược mới viết đến đây, mong rằng nó sẽ được các con, cháu của nhà Mai Lĩnh bổ sung, hiệu đính và viết tiếp”. Tuy nhiên, sau đó, ông Đỗ Như Lân viết tiếp phần cước chú này như sau: “Rất tiếc bác Lược, tuy là con rể của nhà Mai Lĩnhnhưng sự gắn bó không khác gì con đẻ của gia đình Mai Lĩnh,đã sớm từ giã chúng ta, trước khi tất cả mọi người: các anh, chị em, các con, các cháu của bác Lược được đọc và thảo luận với bác, để hiểu biết thêm về truyền thống của cha ông. Bác từ giã chúng ta ngày 24/1/1995 tức ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Tuất thọ 82 tuổi.

Như trên chúng tôi đã viết, theo tài liệu của nhiều tác giả trong cuốn “Nhà xuất bản Mai Lĩnh” (2015) thì sau năm 1944, Nhà xuất bản Mai Lĩnh ngừng hoạt động; tuy nhiên trên Thư viện Quốc gia Việt Nam, chúng tôi thấy thống kê  406 tác phẩm của nhà Tân Dân, 148 tác phẩm của nhà Đời Nay, 79 tác phẩm của nhà Hàn Thuyên, 103 tác phẩm của nhà Mai Lĩnh (Trong cuốn “Nhà xuất bản Mai Lĩnh” do Mai Hương (biên soạn), NXB Văn hóa Văn nghệ (2015), ở phần 2, “Thư mục các ấn phẩm của Nhà xuất bản Mai Lĩnh” do Phạm Hồng Toàn biên soạn, từ năm 1936 đến năm 1943, thống kê được 140 tác phẩm) thì còn nhiều tác phẩm đứng tên Mai Lĩnh trong những năm 1950 – 1952.

Đó là: “Y-học Đông phương : Toát yếu: Giản dị, dễ học, chóng hiểu, chóng biết / Nguyễn Di Luân. - H. : Mai Lĩnh, 1950. - 136tr. : hình vẽ ; 21cm (Ký hiệu: M20272); Giông tố / Vũ Trọng Phụng. - H. : Mai Lĩnh, 1951. - 182tr: ch.d ; 19cm (Ký hiệu: VN63.00501); Cạm bẫy người : Phóng sự tiểu thuyết về nghề cờ gian bạc lận / Vũ Trọng Phụng. - H. : Impr. Mai Lĩnh, 1951. - 163tr  (Ký hiệu: S87.7972); Dứt tình : Tiểu thuyết / Vũ Trọng Phụng. - H. : Mai Lĩnh, 1952. - 163tr ; 19cm (Ký hiệu: VN63.01541); Thi văn bình chú / Ngô Tất Tố. - H. : Nxb Mai Lĩnh. - 19cm Cuốn thứ nhất : Lê-Mạc-Tây Sơn (từ giữa TK XV đến đầu TK XIX) . - 1952. - 196tr  (Ký hiệu: VN63.04358; VN63.00515 ); Lều chõng / Ngô Tất Tố. - In lần 2. - H. : Mai Lĩnh, 1952. - 421tr ; 19cm (Ký hiệu: VN63.00514; VN59.05763);

Phải chăng, Nhà xuất bản Mai Lĩnh còn hoạt động trong những năm 1950 – 1952 mà chúng ta còn thiếu tư liệu để biết về khoảng thời gian này?



[1] Mai Hương (biên soạn): Nhà xuất bản Mai Lĩnh, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2015,  tr.29 (Bài: Nhà in và Nhà xuất bản Mai Lĩnh, tác giả Đỗ Tất Lợi).

[2] Mai Hương, sđd, tr. 86.

[3] Tuyển tập kịch Vũ Đình Long (NXB Hội nhà văn 2009): Ngô Tự Lập - Vũ Đình Long – nhà viết kịch tiên phong, tr. 9.

[4] Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, 1965, tập 3, tr. tr. 443-444.

[5] Kiều Mai Sơn: Nhà xuất bản Hàn Thuyên – một hiện tượng độc đáo; Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 2013.

[6] Mai Hương, sđd, tr. 20

[7] Mai Hương, sđd, tr. 21

[8] Hà Xuân Trường: Theo Bác mới một chặng đường – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật – Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc – 2002

 [9] Mai Hương, sđ d, tr. 88-89.

KIỀU MAI SƠN

Các Bài viết khác