NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGUYỄN MINH CHÂU – NGƯỜI VIẾT “LỜI AI ĐIẾU” CHO MỘT THỜI “VĂN NGHỆ MINH HỌA”

( 06-01-2015 - 06:37 AM ) - Lượt xem: 9296

Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của nhà văn Nguyễn Minh Châu có đoạn viết: “Sợ nhất ở một nhà văn là cái chất máu cá, cái thái độ lãnh đạm, dửng dưng trước mọi việc”, và “cái tội lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp đảm trước cái xấu và cái ác, nhất là khi cái xấu và cái ác đã nắm quyền lực”.

Tháng 12 năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề xướng công cuộc đổi mới toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, trong đó có đổi mới văn nghệ. Ngày 17-10-1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có cuộc gặp mặt với các văn nghệ sĩ, giữa những ngày cả nước, trong đó có giới văn học nghệ thuật phấn khởi bắt tay vào công cuộc đổi mới. Tại cuộc gặp mặt, đồng chí Tổng Bí thư đã có lời phát biểu quan trọng, khuyên các văn nghệ sĩ phải tự cởi trói, và tự cứu mình trước khi trời cứu. Nhà văn Nguyễn Minh Châu là một người được mời tham dự, ông đã chuẩn bị một bài phát biểu nhưng rồi do viêm họng nên không đọc được. Bài phát biểu đó về sau được đăng báo Văn nghệ với tiêu đề: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa. Trong đó ông thổ lộ, do được “chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá” mà văn nghệ sĩ “hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó”. Thói quen né tránh, đối phó đó trong văn học nghệ thuật chính là cái mà ông gọi là “văn nghệ minh họa”. Và Nguyễn Minh Châu thẳng thắn phát biểu: “Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn”. Là một nhà văn trung thực và dũng cảm, có thể nói là người quyết liệt trong sự nghiệp đổi mới văn học, ông kêu gọi mình và đồng nghiệp: “Chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng… chúng ta không bao giờ giơ tay ngăn cản cái mới, cái tiến bộ, mà sẽ xuất hiện một quyết tâm làm mới lại mình với thái độ chân thành, xởi lởi, cởi mở, để cùng nhau xây dựng một giai đoạn văn học và văn nghệ mới”.

Những “lời ai điếu” ấy đăng báo Văn nghệ không chỉ có tác động mạnh mẽ đến giới cầm bút mà còn được bạn đọc nhiệt liệt tán thưởng. Sau này, khi Nguyễn Minh Châu bị ung thư máu, một người bạn ở Đà Nẵng kiếm được ít lá thuốc “hoàng cung” nghe đồn chữa được bệnh này. Không sẵn có người quen nào ra Hà Nội để nhờ cầm cho người bệnh, người bạn đó đánh liều ra sân bay, nhờ người hành khách cuối cùng của chuyến bay Đà Nẵng - Hà Nội hôm ấy chuyển giúp gói lá thuốc đến nhà văn Nguyễn Minh Châu. Người được nhờ chỉ hỏi có phải ông Châu “ai điếu cho một nền văn chương” không, và khi biết đúng thì nhận lời liền. Gói lá thuốc đó đã được chuyển đến đúng địa chỉ ngay ngày hôm ấy…

Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa chỉ là một trong những bài tiểu luận đầy tinh thần đổi mới và trách nhiệm công dân của Nguyễn Minh Châu đối với những vấn đề của văn học nói riêng, đất nước nói chung. Cho đến trước lúc mất, ở một trong những trang viết cuối cùng ông vẫn không thôi tự vấn về thái độ của nhà văn trước cuộc đời: “Sợ nhất ở một nhà văn là cái chất máu cá, cái thái độ lãnh đạm, dửng dưng trước mọi việc”, và “cái tội lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp đảm trước cái xấu và cái ác, nhất là khi cái xấu và cái ác đã nắm quyền lực”.

Một mảng sáng tác khác của Nguyễn Minh Châu cũng rất đặc sắc là các chân dung văn học. Ông từng viết một loạt bài về các bậc đàn anh, trong đó có bài được giải thưởng văn nghệ, có bài được coi là mẫu mực của thể loại, như bài Phỏng vấn nhà thơ Thanh Tịnh (1981), bài Vô cùng thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng khi nghe tin tác giả Những ngày thơ ấu qua đời, thiên chân dung văn học về Nam Cao nhân 70 năm ngày sinh tác giả Chí Phèo, bài Bên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cùng ngắm Hồ Gươm và các hồi ức về Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân… Qua tấm gương lao động của Nguyên Hồng, ông đúc kết: “Làm việc phải nhiều hơn nói và làm việc phải thật tốt. Làm thật tốt hơn là nói hay nói giỏi”.

Sau thành công của Khách ở quê ra, Nguyễn Minh Châu bắt tay viết Phiên chợ Giát, vẫn với nhân vật lão Khúng, nhưng lần này có thêm “nhân vật” con khoang đen – con bò trứ danh của lão. Với người nông dân Việt Nam, con trâu là đầu cơ nghiệp, thì với lão Khúng, suốt mười tám năm trời, con khoang đen vừa là sức cày bừa, sức kéo, vừa là nguồn phân ngồn ngộn để lão chăm bón cho các thửa ruộng lẫn cây trồng. Thế mà rồi cũng đến lúc con bò phải đem “thanh lí”, và dưới ngòi bút tài hoa đầy tính phát hiện của Nguyễn Minh Châu, con vật ấy đã trở thành một biểu tượng của cái thủ cựu đến độ, quá quen với việc mang ách trên vai, nó không thể nào chấp nhận một cuộc sống tự do, mặc dù đã được lão Khúng thả về với bầy đàn hoang dã của nó.

Truyện đang trên đà tiến triển thì một ngày tháng 3-1988, nhà văn được phát hiện là bị... ung thư! Ung thư, mà lại ung thư máu, nghĩa là người bệnh đã cầm chắc cái chết! Song ông vẫn lạc quan. Nguyễn Minh Châu vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, ông được bạn bè giới thiệu đến điều trị tại chùa Pháp Hoa. Với ông, từ đây bắt đầu cuộc vật lộn giữa cái sống và cái chết, giữa cái buông xuôi và sự gắng gượng viết giữa những cơn đau. Và ông đã chọn cái thứ hai. Mấy tháng ở chùa, Nguyễn Minh Châu vẫn luôn có bài cho các báo, vẫn viết thư đều cho bạn bè, người thân. Và chắc chắn, ông vẫn tiếp tục nghiền ngẫm về truyện Phiên chợ Giát đang viết dở...

Tháng 6 năm ấy, Nguyễn Minh Châu ra Hà Nội, nằm điều trị ở Viện quân y 108. Lúc này ông đã yếu lắm rồi. Song ông vẫn nén đau, cố giữ vẻ bình thản để được bác sĩ cho phép viết. Trong tư thế nằm ngay trên giường bệnh, Nguyễn Minh Châu đã hoàn thành thiên truyện Phiên chợ Giát, trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ trong bài Trò chuyện văn chương với Nguyễn Minh Châu... Bạn bè vào thăm, ông luôn tỏ ra thoải mái, lạc quan, thậm chí còn tếu táo nữa. Nhà văn Triệu Bôn kể lại rằng, khoảng hơn một tháng trước khi Nguyễn Minh Châu mất, ông có vào bệnh viện thăm bạn. Và giữa hai ông đã có một cuộc “phỏng vấn” sau:

- Anh Châu! Anh định chết đấy à?

- Chết thế đ. nào được.

- Không định chết, thì anh định viết gì?

- Mệt lắm, chưa viết được...

Cuộc phỏng vấn còn tiếp tục vài ba câu hỏi đáp như thế, tất cả đều một giọng bỗ bã để xua đi bầu không khí vốn chẳng sáng sủa gì...

Thế nhưng nhà văn vẫn tiếp tục viết, bất chấp cái mệt, cái đau. Những dòng viết cuối cùng của ông là bài Ngồi buồn viết mà chơi (ban đầu được đặt tên là Sợ nhất ở nhà văn là có chất máu cá), đăng trên Tiền phong, Văn nghệ quân đội. Chữ “máu cá” trong bài, cũng như “lời ai điếu” ngày nào, cũng như nhân vật lão Khúng mà nhà văn trở đi trở lại… rồi đây sẽ là những gì người đọc nhớ nhất về Nguyễn Minh Châu. Vài giờ trước khi nhắm mắt xuôi tay, nhà văn vẫn đòi vợ đưa cho giấy bút, khi ông đã bị xuất huyết toàn thân, hạch nổi đầy mình. Trong trạng thái mê sảng lúc lâm chung, lời nói cuối cùng của ông vẫn là: “Đưa tôi giấy, đưa tôi bút đây”. Và ông đã ra đi như thế, với cây bút và trang giấy trong tay. Như một người lính khi chết rồi vẫn không buông cây súng...

Rút từ cuốn Nguyễn Minh Châu - từ dấu chân người lính

đến lão Khúng ở quê, in trong tủ sách Nhà văn của em

của NXB Kim Đồng, Nguyễn Huy Thắng biên soạn

Các Bài viết khác