NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGUYỄN KHOA ĐĂNG QUA THƯ – THƠ CỦA BẠN ĐỌC

( 24-09-2016 - 09:01 PM ) - Lượt xem: 1242

Nguyễn Khoa Đăng xuất thân là thầy giáo. Đồng thời có “nghề phụ” là thầy cãi. Nói vui, chẳng khác nào gói cà phê 3 trong 1(3 in 1). Nghĩa là có cả ba tư cách trong một con người – viết giáo án, viết bào chữa, viết văn. Tất cả đều xuất phát từ một tấm lòng.

Đã có nhiều nhận xét, bình luận về tác giả, tác phẩm Nguyễn Khoa Đăng – khoảng 40 bài, kể cả tự bạch, phỏng vấn  của bè bạn văn chương , bạn đọc và cơ quan thông tấn. Qua đó có thể thấy phần nào văn nghiệp và bóng dáng chân dung tác giả.

Nhà văn  là người  quê lúa Thái Bình, đã phiêu bạt lập nghiệp và nổi danh  từ Vùng Đất mới của đất nước. Huy Thắng là người quen biết tác giả hơn 50 năm nay cho biết ; “Cuộc đời Nguyễn Khoa Đăng lận đận, nhiều éo le, thậm chí cả oan trái”Vậy mà, con người ấy đã nêu tấm gương sáng kiên cường vượt lên số phận bằng ý chí mạnh mẽ và tấm lòng “thảo thơm, hồn hậu, chân chất”(Nguyễn Khoa Đăng như tôi biết ).

Gần đây, Câu lạc bộ nhận được hai bài thơ “cây nhà, lá vườn” về cảm nhận đọc sách coi như thư – thơ gửi tặng tác giả. Với tư cách bạn đọc, xin được có đôi lời bình luận, kết hợp chút hiểu biết cá nhân, để góp phần phác thảo rõ nét  chân dung con người đã một đời mẫn cảm cầm bút chưa ngưng nghỉ

Đây là bài 1.

BẠN CŨ

Mấy chục năm trời mới gặp nhau

Tóc xanh nay cũng đã phai màu

Chuyện xưa…Thôi nói làm chi nữa

Chỉ có nỗi buồn với khổ đau

Ngày ấy một thời, giọt lệ thương

Cơm chan nước măt ngọt như đường

Bao cầu Ô Thước tan trên sóng

Nước mắt chan hoà giữa Bến Tương

Phạm Thị Hoàn

Tác giả bài thơ cảm đề sau khi đọc Nước mắt một thời của Nguyễn Khoa Đăng, cuốn tiểu thuyết đã gây xôn xao dư luận một thời, không chỉ diễn đàn trong nước mà cả ở  nước ngoài.

Phạm Thị Hoàn đã cảm thán câu chuyện tình duyên oan khổ, éo le, trắc trở và tan vỡ của đôi trai gái trong cải cách ruộng đất, Vào những ngày cuối của cuộc đời, tức giai đoạn cuối của bệnh hiểm nghèo, cô gái đã tìm cách để hai người gặp nhau sau đằng đẵng xa cách, biệt tăm. Gặp gỡ bất thần, chàng trai tìm cách trốn chạy. Rồi cô gái ấy, nhà sư nữ đã nương nhờ cửa Phật bao năm, cũng đã hồn siêu phách lạc về cõi Niết bàn như để hoá giải nợ tình ở chốn dương gian. Lúc này chàng trai mới đến vĩnh biệt và nhận những lời trối trăng qua máy ghi  âm để lại .

Đây là một số phận thật khổ đau : bi kịch chồng bi kịch. Thời thanh xuân, là tình đầu tan vỡ. Đến lúc lỡ thì sau chiến tranh, thì cô thanh niên xung phong lại trở thành người khuyết tật. Đeo kính râm sậm màu để che đi một mắt bị thương đã  chột, cô nhìn đời bằng con mắt còn lại qua màn u tối. Vào chùa, trốn tránh cái  nhìn soi mói của thiên hạ, cô chuyên tâm tụng kinh gõ mõ để tu nhân tích đức, mong được siêu thoát chốn bồng lai huyền ảo.

Cô gái ấy – cô Én, sư cô Diệu Hằng – khoảng ngoài 60 tuổi, là một hiện tượng xã hội của một thời đã qua.

Nhà thơ – chiến sĩ Phạm Tiến Duật, năm 1991 có viết bản trường ca thế sự Tiếng bom và tiếng chuông chùa nói về bi kịch của các cô gái thanh niên xung phong quá lứa lỡ thì sau chiến tranh. Đề từ là Kinh Phật Thủ Lăng Nghiêm – đầy triết lý nhưng lại là chuyện đời.

Trường ca có mấy  chương, và mỗi chương có nhiều đoạn, nhiều khúc. Chương I: Gặp Sư thầy Đàm Phương; Chương II: Gặp Sư thầy Đàm Thân; Chương III: Khước từ lộc NgườiLuôn là sự so sánh, đối chiếu sóng đôi hai hình ảnh, cũng là hai biểu tượng:

Có lẽ nào tiếng chuông chùa lại gợi tiếng bom

Có lẽ nào khói hương thơm lại gợi khói súng một thuở

Đàm Phương có tình yêu đã mất trong chiến tranh. Cô cắt tóc đi tu, quy y cửa Phật: “Nửa đời trước hy sinh, nửa đời sau nữa lại hy sinh”. Vậy thì Đàm Phương, Đàm Thân, Diệu Hằng cùng chung số phận.

Nhớ bạn nhắc lại chuyện tình oan trái của đôi trai gái.

Chàng gặp lại em vào phút từ giã cõi đời sau 45 năm – đã quá nửa đời người. Nhưng chính cô gái đã gửi lại tâm sự vào cuốn băng ghi âm: “Những gì anh viết về quá khứ đau buồn, em sáng ra một điều là anh không hề có ấn tượng nặng nề không hề hằn học, cay cú… Trái lại, anh còn tỏ ra thông cảm, độ lượng, gọi đó là “Nước mắt một thời”, là “Cơn sốt vỡ da”, hoặc nữa “Bão năm Mùi”…”.Cô gái đã biết rất nhiều về người yêu cũ, và trở thành tri âm, tri kỷ của nhà văn.

Phạm Thị Hoàn là một bạn đọc đời thường mà uyên bác. Biết làm thơ Đường luật, lại biết nhiều điển tích văn chương, cũng như văn học dân gian. Cầu Ô Thước là tích Ngưu Lang – Chức nữ, hai người hai bến, hai bờ của một mối tình. Sông Tương một dải lại là chuyện tình yêu đầu ngọn, cuối nguồn. Hai tình nhân cùng uống nước để nhớ nhau, cho đỡ khát tình. Họ được  hôn nhau và gửi tình yêu bồng bềnh trên làn nước.(Truyện Kiều , Chinh phụ ngâm  đều dẫn tích này).

Tác giả không chỉ kể lại chuyện oan trái khổ đau. Tình yêu qua truyền thuyết trở thành mỹ lệ, thăng hoa trong vẻ đẹp thần thánh của huyền thoại.

Người làm thơ – bạn đọc đã hiểu rõ tấm lòng của nhà văn đúng như những lời để lại của sư cô Diệu Hằng. Bi kịch có kết thúc theo tinh thần lạc quan vì được giải toả bằng sức mạnh tâm linh. Chỉ còn lại tình thương yêu, chỉ còn lại trái tim nhân văn làm xúc động người đọc hôm nay.

                                          *

Đây là bài thơ thứ 2.

TẶNG BẠN VĂN

Ngọn bút xông pha mấy chiến trường

Trái tim mang lý lẽ tình thương

Trong vòng nhân thế tôn nhân ái

Giữa chốn tụng đình trọng kỷ cương

Nước mắt một thời chôn dĩ vãng

Tình yêu…” muôn thuở chắp“… Uyên Ương

“…Biển vàng”lộng gió bình minh hát

Giai điệu xanh vang rộn bốn phương

               Lão Nhân

Ngọn bút xông pha mấy chiến trường

Trái tim mang lý lẽ tình thương

Nguyễn Khoa Đăng xuất thân là thầy giáo. Đồng thời có “nghề phụ” là thầy cãi. Nói vui, chẳng khác nào gói cà phê 3 trong 1(3 in 1). Nghĩa là có cả ba tư cách trong một con người – viết giáo án, viết bào chữa, viết văn. Tất cả đều xuất phát từ một  tấm lòng.

Trừ dạy học phải học nghề, các nghề còn lại đều là tự học. Như là luật sư không qua trường luật, người viết  cũng không qua trường đào tạo nhà văn. Trên thế giới, kể cả ở ta, chỉ có trường bồi dưỡng viết văn. Công cụ cũng là vũ khí duy nhất để xông pha là trái tim. Nhưng đó là con  tim nóng kết hợp với bộ óc lạnh. “Trái tim mang lý lẽ tình thương” là như vậy.

Nhà văn, nhà giáo chân chính – đã là một nhà nhân văn, biết yêu con người theo lý tưởng chân, thiện, mỹ. Gỡ tội cho bị can, kể cả giải oan nếu có, cũng là xuất phát từ lòng thương cảm. “tôn nhân ái” nhưng vẫn “trọng kỷ cương”. Bên công tố buộc tội, người trạng sư bào chữa đều dựa trên cơ sở luật pháp. Tình có lý, lý gắn tình!

Tôi đã dự một buổi xử án hồi kháng chiến. Một chị du kích vì cuồng ghen đã phạm tội giết chồng bằng lựu đạn. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã nêu ra 3 tiêu chí giảm nhẹ tội chết: 1/ Ghen tuông chứng tỏ thâm tâm còn yêu. 2/ Vứt lựu đạn về phía chân (chắc hẳn chỉ muốn làm què cẳng!). 3/ Hoảng loạn thao tác sai sót. Như vậy, vị luật sư danh tiếng này đã có một trái tim thông minh – là tình thương kết hợp với lý lẽ.

Nhà giáo, nhà văn được mệnh danh là kỹ sư tâm hồn. Nhà tư pháp, về một phương diện, là người tái thiết tâm hồn. Cùng là mang một sứ mệnh cao quý vì con người Pháp luật chân chính có nền tảng nhân văn, trị tội cứu người. Ba nhà, nhưng chung một trái tim nhân ái..

Nguyễn Khoa Đăng đa tài, và có thể…đa tình vì là nhà văn mà lại có số “đào hoa” (như chuyện thực thực , hư hư trong tiểu thuyết ).Và, do đó cũng… đa đoan.

Nhà văn đã viết  nhiều thể loại trong vòng hơn 30 năm nay – văn, thơ, kịch…( Ấy là chưa kể cũng có lúc học đòi các vị trưởng lão làng văn Nguyễn Tuân, Kim Lân, tham gia đóng phim, mà là phim nhiều tập hẳn hoi !). Vào tuổi đã trải đời, thậm chí vào lớp người  “xưa nay hiếm”  ông còn viết hai cuốn tiểu thuyết gây xôn xao dư luận: Nước mắt một thời ( 2009), Hoàng hôn lạnh (2011) về cùng một cái nền thời cuộc – vấn đề đất đai của người nông dân. Truyện có yếu tố tự thuật rõ rệt nhưng vẫn là tiểu thuyết. Đó là tác giả mà cũng là hình tượng tác giả trong trang văn. Quan trọng là  triết lý nhân bản. Lê Thanh Sơn viết Những trang tự truyện đấy tính nhân văn  là nói ý đó. Có  chuyện thế sự, lại có cả thời sự. Xa xưa như sửa sai trong cải cách ruộng đất đã được nhận diện và rút kinh nghiệm nghiêm túc, gần hơn, mới hơn như vấn đề “tam nông” có ý nghĩa chiến lược về nông nghiệp, nông dân, nông thôn  cần đầu tư công sức để giải quyết vấn đề xã hội lớn lao căn bản và lâu dài. Vì lợi ích chung chứ không thể vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm tham nhũng đất đai được nguỵ trang dưới danh nghĩa dự án này nọ mà thục chất là dự án …ma ! Đất đai ở nông thôn không chỉ mang một giá trị vất chất mà thường khi còn mang ý nghĩa tài sản tinh thần thiêng liêng.Trên trang bìa 4 Hoàng hôn lạnh  là một cảm nhận có lý: “Xã hội nông nghiệp hình thành ý thức sở hữu đất đai và cũng sản sinh bi kịch đất đai.”(Lê Thiếu Nhơn). Nhưng tư duy của con người thời đại  phải  đổi mới. Đây là  tâm trạng cũng là ý thức công dân của bà mẹ : “nếu ông Nhà nước lấy đất của cụ để làm các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh hoặc quốc phòng cụ sẵn sàng nhường hết”

Phải có tầm nhìn nhất là có bản lĩnh mới dám viết đề tài “nhạy cảm”, “vùng cấm”. Sắp cưới nói về tình yêu tan vỡ trong cải cách ruộng đất của Vũ Bão cũng bị khốn đốn một thời, sau mới mở mày, mở mặt được. Vào trường văn, trận bút phải có gan chịu trận. Nổi chìm theo dư luận, nhưng, như định luật Archimède  (Archimède là nhà vật lý học  sinh 287 mất 212 trước JC) – Cái gì phải nổi sẽ nổi. Đến như tác phẩm đã được giải thưởng Hội Nhà văn từ nhiều năm nay vẫn còn có ý kiến trái chiều kia mà!

Tác phẩm ra đời trót lọt do chủ trương cởi mở của cơ quan xuất bản nhà nước danh giá. Chắc rằng, những người có trách nhiệm nhận rõ ý đồ thiện chí của tác giả là góp phần nhận định minh triết, rút kinh nghiệm lại một cách nghiêm túc, có lý, có tình về một hiện tượng quá khứ có sai phạm.

Bậc trưởng lão Tô Hoài cũng cho in tập Ba người khác vào cuối đời, nhằm đưa ra một triết lý nhân sinh, cũng là triết luận xã hội về xây dựng và gìn giữ nhân cách, bản lĩnh con người. Trong cải cách ruộng đất, ba cán bộ Đội có nhân thân tốt đã bị tha hoá. Tha hoá nghĩa là không biết giữ bản ngã, không còn là mình mà trở thành một cá thể khác: tha là người khác, người thứ ba.

Dĩ nhiên, loại tác phẩm này dễ bị kẻ xấu lợi dụng để phản tuyên truyền. Và, thường tình, cũng không ai dại gì khoét sâu vào vết thương cũ đã lên da non, cũng không ai có thì giờ để nhấm nháp những đau thương, xót xa. Cực chẳng đã, cần thiết lắm mới phải mổ xẻ lại. Cơ thể cần tái tạo, phát triển bằng những tế bào, những  mô – cấu trúc sinh học mới, lành mạnh, cường tráng.

Những, cái đã qua nên cho qua:

Nước mắt một thời  chôn  dĩ vãng.

Xưa kia  Chế Lan viên từng viết  : “Dĩ vãng buồn thương mang lá cờ đen đến làm giặc giữa lòng ta. Ta bắn chết” Nghĩ lại thương đau thường xót xa, nhưng cần cảnh giác về những hệ luỵ nó gây ra. Hãy nắm chắc vũ khí của ta như nhà thơ lớn nhắn nhủ - Vàng của lòng tin.

Ở đây, tác giả gợi quá khứ nhằm chôn vùi dĩ vãng, để cuộc sống chỉ còn nụ cười và tình yêu, hạnh phúc.

 “Tình yêu… muôn thuở chắp… Uyên Ương”

Nước mắt một thời, Mây chiều bảng lảng là những kiểu tình yêu ấy: tình yêu trai gái, tình yêu vợ chồng; trong yêu có thương, trong tình có nghĩa…

Tình yêu muôn thuở đối lập với Tình yêu một thuở. Khác hẳn loại  tình yêu cơ hội chỉ dành cho một cuộc, một thời – tình yêu kiểu chụp giật theo chủ nghĩa hiện sinh. Tình yêu đáng ca ngợi là tình yêu chân chính, hết mình, không chút vụ lợi. Tình yêu thực sự mới đem lại hạnh phúc như sự gắn kết uyên ương – đôi trống, mái của một loài chim cực  đẹp.

Có thể coi Nguyễn Khoa Đăng là nhà văn của tình yêu. Cho dù đó là bi kịch  hay bi hài kịch. Ông thể hiện tình yêu với nhiều sắc thái, trạng huống kể cả thoáng nét  như hiện sinh của học thuyết Freud. Tình yêu được bàn luận trữ tình trên bình diện khoa học, tâm lý học, triết học… Có mặt phải như tận hiến, say mê, nồng thắm và mặt trái là đắng cay, ẩn  ức, oan khổ.

Viết về tình yêu dễ mà khó lắm. Nói chuyện muôn đời, muôn thuở chỉ cần xào xáo sách vở, thêm chút gia vị “mắm muối”. Muốn hợp thời thượng, câu khách pha thêm chất sex cho mùi mẫn. Cái khó, cái thử thách lớn cũng chính là phải vượt lên tất cả, để mình thực là mình, giúp thiên hạ cùng hỷ,nộ, ái, ố với ta. Nước mắt một thờibi kịch, nhưng cuối cùng được giải toả ngay khi còn tồn tại trên đời và siêu thoát  khi về với Phật tổ. Xét tính chất, đó là bi kịch lạc quan. Đọc Bảng lảng mây chiều, độc giả không giấu nổi nụ cười, vừa giận, vừa thương hai vợ chồng lão (nhất là lão, vừa oan Thị Kính, lại vừa oan… Thị Màu vì có số đào hoa mà!) Đây là bi hài kịch. Trên hết, ta nhận rõ trái tim nhân hậu của người viết; kết thúc đều có hậu. Gia đình đoàn tụ, tình yêu nguyên vẹn (cho dù không lấy được nhau, chỉ sống trong, sống bằng tình yêu).

Cô gái trong Nước mắt một thời chôn chặt trong tim mối tình oan trái trong tuyệt vọng. Nàng Kiều trong Truyện Kiều một đời cũng chỉ dành tấm lòng thuỷ chung với Kim Trọng. Đó là những tình yêu đẹp trong màu sắc lãng mạn, huyền ảo của văn chương và cuộc đời.

Những bậc đại văn hào như W. Shakespeare, V. Hugo chẳng phải đã nổi tiếng thế giới khi viết những kiệt tác  tình yêu đó sao?

Để phụ trợ sát  hợp phần nào cho những ý tưởng tình yêu nêu trên, xin trích dẫn vài danh ngôn của các bậc danh tài về văn hoá, nghệ thuật, chủ yếu nói về vị ngọt và chất đắng của ái tình nhân loại.

- Tình yêu thầm lặng là tình yêu thiêng liêng. Trong bóng mờ, trái tim ẩn kín một tình yêu sáng rực như trân châu (Tagore, Ấn Độ).

- Ai khổ vì yêu hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu (Victor Hugo, Pháp).

- Vì yêu, trái tim trở nên can đảm. Nó chỉ còn toàn những gì thuần khiết, chỉ dựa vào những gì cao đẹp và lớn lao (Victor Hugo, Pháp).

- Chả có kẻ nào yêu mà không mong được yêu trả lại, mới  chắc chắn là mình thật yêu ai hơn tất cả mà thôi (Meilhan, Pháp).

- Tình yêu nâng con người thoát khỏi sự tầm thường (Pascal, Pháp).

- Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió! Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ, thổi bùng ngọn lửa lớn (Bussy Rabutin, Pháp).

- Trên thế gian này, chẳng có vị thần nào đẹp hơn thần mặt trời, chẳng có ngọn lửa nào kỳ diệu hơn ngọn lửa tình yêu (M. Gorki, Nga).

- Anh chỉ mang đến cho em toàn là đau khổ… Có lẽ vì vậy mà em yêu Anh. Bởi vì niềm vui thì dễ quên, còn đau khổ thì không bao giờ (Lermontov, Nga).

- Muốn biết thế nào là tình yêu thì phải biết sống cho kẻ khác. Sống cho kẻ khác tức là yêu (Godwin, Anh).

- Người đàn bà không sợ khổ, không sợ chết, không quản đau đớn. Nhưng người đàn bà chỉ sợ đến khi mình chết mà chưa được người thương yêu biết đến tình yêu của mình (Gina Lombroso, Ý).

- Càng tiến sâu vào tình yêu, linh hồn càng bất tử ( F. Dostoevsky, Nga).

 

“Biển vàng…”lộng gió  bình minh hát

Theo văn cảnh câu thơ, thì hình như chủ thể hát là bình minh. Nếu có dấu phẩy trước “bình minh”, thì đã ra nhẽ. Đằng này, theo văn mạch, “bình minh” làm định ngữ hay trạng ngữ cho biển vàng gió lộng (vào/trong buổi bình minh). Sát hơn, là gió lộng đang ca hát, đu đưa theo tiếng hát.

Thực ra, gió chỉ đưa hương. Thi sĩ Xuân Diệu chẳng đã từng Gửi hương cho gió đó sao? Trong bài thơ Em đi giữa biển vàng, tác giả đã đặc tả: “Hương lúa chín thoang thoảng bay”. Đó chính là tác nhân “Làm lung lay hàng cột điện/ Làm xáo động cả hàng cây”.

Vậy là đã rõ. Sở dĩ em bé “Nghe mênh mang trên đồng lúa hát” được là nhờ gió, mà gió lại đưa hương. Làn hương trong gió kỳ diệu ấy làm rung chuyển cả hàng cây, cột điện. Cũng chính điều này làm lay động cả tâm hồn thơ trẻ. Lúa hát!, gió hát chính là vì tâm hồn ca hát đấy thôi. Con người hồn hậu trong tình yêu thiên nhiên. Đó chính là cái tôi trữ tinh của tác giả qua tâm hồn trẻ thơ .

Em đi giữa biển vàng là bài thơ giàu nhạc tính. Vì thế, đã được phổ nhạc. Thơ, nhạc đan lồng, hài hoà với nhau: nhạc – thơ, thơ – nhạc…Bài hát được chọn là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất trong thế kỷ !

Nhưng… chính ra lại là bình minh hát thật!

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã có bài Reo vang bình minh với những ca từ thật vui tươi, sảng khoái: “Reo vang ca, ca vang ca/ Cất tiếng hát vang đồng xanh, vang rừng/… Ta ca hát say sưa/ Hát lên chào mừng bình minh sáng muôn nơi”.

Hoá ra, người hát – ta ca hát say sưa, chim ca – chim oanh hót say sưa. Và cả đất trời chuếnh choáng: “cây rung cây, hoa đơm hoa”, “gió đón gió, sáng chiếu sáng” trongtrạng thái hoan ca, nồng say của bình minh rắc gieo hương nồng khắp nơi, khắp chốn.

Đó là tiếng hát buổi bình minh, hay bình minh hát cũng vậy. Bình minh hát Giai điệu xanh, giai điệu đẹp của bài ca vui nhân loại bất hủ.

Cần chú ý , Bình minh hát cũng là bình minh sáng :“Hát lên bình minh, luôn tươi sáng”. Và, “bình minh chiếm ngập hồn ta”. Tâm hồn như phát sáng.

Có một ẩn ý qua hình ảnh sử dụng: Bình minh sáng, Bình minh  ấm  “say sưa hương nồng”như đối lập với Hoàng hôn tối, Hoàng hôn lạnh. Nhưng thực chất thì lại có sự tương đồng. Đó là lý do để một ban đọc cảm nhân được Hoàng hôn lạnh vẫn ấm áp tình người

Xưa kia, trong cảnh tối tăm của tù đày, khổ cực, nhà thơ Hồ Chí Minh vẫn luôn hướng tới bình minh, hướng về ánh mặt trời :Giải đi sớm. Bài thơ toàn hồng: màu hồng của thiên nhiên và màu hồng trong tâm hồn, hơi ấm của vũ trụ và hơi ấm của trái tim lạc quan nồng nàn thi hứng.

Chúng ta không được phép lãng quên quá khứ một thời với đủ mọi chuyện vui buồn, anh dũng và đau thương. Nhưng, phương châm lớn hiện nay là: hãy khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Như một sáng tác nổi tiếng của Nguyễn Khoa Đăng Cài hoa vào quá khứ. Cần tin rằng ánh sáng sẽ quét dần hết bóng tối. Và hãy luôn “Nghe mênh mang trên đồng lúa hát” –  khúc hát Giai điệu xanh của một bình minh tương lai sáng ấm trong thời hội nhập mới.

Giai điệu xanh vang rộn bốn phương

Đó cũng chính là giai điệu tâm hồn: “Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/ Xanh trời, xanh của những giấc mơ…” (Tố Hữu).

Nguyễn Khoa Đăng là một tâm hồn xanh. Gìà dặn trong gốc rễ suy tư nhưng xanh tươi trên cành lá cảm xúc, nhất là mảng sáng tác cho thiếu nhi. Qua thơ cũng như văn , nhà văn đã chắp cánh ước mơ và tưởng tượng nhồn nhiên cho trẻ thơ, nhất là trẻ em bất hạnh (Chim mặt người ). Qua trang viết, nhà văn còn thể hiện là một nhà tâmlý học tài năng: tâm lý trẻ em, đặc  biệt  là “tâm lý tình ái” qua mục  “gỡ mối tơ lòng” trên một tuần báo ! Ông vẫn làm quan toà khi cầm bút, thể hiện khát vọng công lý cũng là chân lý  trên đời. Có ý kiến vinh danh Nguyễn Khoa Đăng là Nhà văn khóc với người nghèo (Lê Thiếu Nhơn), Nhà văn của những nỗi oan (Huệ Trần )  Vậy, nhà văn cũng là một tấm lòng vàng nhân ái, đôn hậu, bao dung. Vàng phải thử lửa , vàng ấy đã dám thử lửa và chứng tỏ là vàng thật !

Phải chăng đó chính là nhân cách đẹp một nhà văn chân chính.

Các Bài viết khác