NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGƯỜI QUY TỤ TRÁI TIM NGA

( 01-05-2017 - 09:25 PM ) - Lượt xem: 1033

Dường như những chất nhựa huyền bí từng nuôi dưỡng tác phẩm của ông được ông khai thác ngay tại chỗ và nó đã cạn kiệt khi ông rời khỏi mảnh đất quê hương “Không sao viết được, Nikolai Nikolaevich ạ, hoặc viết ra với nỗi cơ cực vô cùng. Có chuyện gì vậy – tôi không thể hiểu nổi.

Hình hài đồ sộ của Tolstoi vẫn còn che kín cả chân trời, nhưng cũng giống như ở miền núi, người ta trong khi nhìn ra xa mới phát hiện ra rằng ở phía bên trên đỉnh núi gần với chúng ta còn hiện ra một đỉnh núi cao hơn vốn bị che khuất khỏi tầm mắt chúng ta bởi quả núi bên cạnh, một số khối óc tiên tiến có lẽ đã nhận thấy rằng ở phía sau chàng khổng lồ Tolstoi, hình hài của Dostoevski đã xuất đầu lộ diện và đang lớn dần lên.
Chính ông – cái đỉnh núi hãy còn bị che lấp mất một nửa, là trung tâm bí ẩn của cả dãy núi. Đó là ngọn nguồn của những con sông đầy ắp nước vốn có khả năng hiện nay làm dịu đi cơn khát mà châu Âu đang bị hành hạ. Ngang hàng với những cái tên Ibsen và Nietzsche, cần phải gọi tên cái tên không phải Tolstoi, mà là Dostoevski, một người cũng vĩ đại như Tolstoi, và có lẽ còn lớn lao hơn cả ba vĩ nhân trên.
Cách đây chừng mười lăm năm, ngài De Vogue trên chiếc khay bạc của tài hùng biện của mình đã tặng cho nước Pháp những chiếc chìa khóa sắt để mở vào nền văn học Nga. Khi đi tới Dostoevski, ông ta tỏ ý xin lỗi vì tác giả thiếu giáo dục đó và, nói cho đúng, trong khi không phủ nhận ở nơi Dostoevski một kiểu tài năng nhất định và không thể làm ngơ do chỗ ông ta là một người có học, ngài Vogue vẫn cảm thấy bối rối trước những quy mô đồ sộ. Ông ta xin độc giả lượng thứ và thú nhận rằng “ý đồ muốn làm cho cái thế giới đó dễ hiểu đối với chúng ta đã khiến độc giả thất vọng”. Sau khi nói tràng giang đại hải về những tác phẩm của Dostoevski viết ở thời kỳ đầu mà, theo ông ta, có thể trông đợi, nếu không phải ở sự thành công thì chí ít cũng là thái độ khoan dung, ông ta đã dừng lại ở “Tội ác và hình phạt” và thông báo cho độc giả là những người buộc phải tin lời ông ta, bởi lẽ hồi đó chưa có một tác phẩm nào khác được dịch ra tiếng Pháp, biết rằng “cùng với cuốn sách này, tài năng của Dostoevski đã ngừng phát triển”, rằng nhà văn, thật ra đã hơn một lần vỗ cánh một cách hùng hổ, nhưng chỉ để lượn tròn trong cái vòng sương mù trong bóng tối nhá nhem dày đặc”. Sau khi bằng một giọng độ lượng miêu tả tính cách của “Gã khờ”, ông ta nói đến “Những người quỷ ám” như là một cuốn sách rối rắm, được bố cục cẩu thả, đôi khi phi lý và đầy rẫy những thứ lý thuyết về ngày tận thế, còn về “cuốn “Nhật ký nhà văn” với tư cách là những bài ca tụng khó hiểu, không thể phân tích, không thể đưa ra thảo luận một cách logic”, ông ta không đả động gì tời “Người chồng vĩnh cửu”, “Bút ký trong nhà hầm” và viết: “Tôi không nói đến cuốn tiểu thuyết mang cái tên “Đầu xanh tuổi trẻ” vốn thua xa những người anh nó”, và càng với vẻ thoải mái hơn khi nhận định: “Tôi cũng không dừng lại ở “Anh em nhà Karamazov”; theo sự thừa nhận chung, trong số những người Nga, rất ít người có gan đọc đến hết câu chuyện bất tận ấy”. Và ông ta kết thúc: “Tôi chỉ đặt cho mình nhiệm vụ thu hút sự chú ý tới một nhà văn nổi tiếng ở bên đó, nhưng hầu như chưa được biết tới ở đây, nêu lên ba bộ phận trong sáng tác của nhà văn đó cho chúng ta thấy rõ những khía cạnh khác nhau trong tài năng của ông – đó là “Những người nghèo khổ”, “Bút ký từ ngôi nhà chết”, “Tội ác và hình phạt”.
Và kết quả là ta không biết cảm giác nào phải chiếm ưu thế trong ta: phải chăng là lòng biết ơn bởi vì, xét cho cùng, ông ta, người đầu tiên giới thiệu Dostoevski với chúng ta, hay là sự bực bội bởi vì Vogue dường như chống lại lòng ham muốn của mình, với tất cả thiện chí rõ rệt, ông ta đã cung cấp cho chúng ta một hình ảnh hết sức nghèo nàn, không đầy đủ và lại bị bóp méo của thiên tài phi thường đó, và ta đâm ra ngỡ ngàng! Phải chăng tác giả công trình “Tiểu thuyết Nga” đã đền ơn Dostoevski bằng cách làm cho công chúng chú ý đến ông, hay là đã đã làm hại ông bằng cách chỉ lưu ý tới ba cuốn sách của ông, thật ra, cũng nổi tiếng, nhưng chưa phải là những tác phẩm có giá trị nhất, mà chỉ ở ngoài phạm vi của chúng, lòng khâm phục của chúng ta mới đạt tới sự đầy đủ. Vả lại, cũng có thể, sự nhận thức sau lúc trà dư tửu hậu ở phòng khách khó mà nắm bắt hay hiểu thấu được Dostoevski… “Ông không cho ta nghỉ ngơi, ông làm ta mệt lử như những con ngựa thuần chủng không thể đứng yên tại chỗ; cộng thêm vào là sự cần thiết phải tìm hiểu rõ trong cái mớ bòng bong ấy… Kết quả là độc giả phải hết sức chú ý… phải cảm thấy mình là bất lực về mặt nội tâm và v.v… Cách đây 30 năm, những ý kiến của giới thượng lưu quý tộc về khúc tứ tấu cuối cùng của Beethoven không khác mấy so với lời nhận xét này.
Những ý kiến chê bai này, thật ra, có thể trì hoãn việc dịch, xuất bản và phổ biến các tác phẩm của Dostoevski, làm cho nhiều độc giả hoảng sợ và cho phép ông Charles Morris đưa ra cho chúng ta “Anh em nhà Karamazov” dưới dạng què quặt thảm hại. Song rất may là chúng không thể ngăn cản việc các nhà xuất bản khác nhau dần dần cho ra mắt bạn đọc, hết tập này đến tập khác, những trước tác của Dostoevski.
Tuy nhiên, nếu như ngay cả bây giờ Dostoevski chiêu mộ độc giả rất chậm chạp, hơn nữa chỉ trong một môi trường hẹp, được tuyển chọn khá biệt lập, nếu như ông xua đuổi không chỉ lớp công chúng rộng rãi có trình độ học vấn hạn chế, không mấy nghiêm túc, không hoàn toàn có thiện ý – lớp công chúng không tiếp thu được kịch của Ibsen nhưng lại biết đánh giá “Anna Karenina” và thậm chí cả “Chiến tranh và hòa bình”… thì không nên đổ cả trách nhiệm lên đầu ngài Vogue. Ở đây tôi thấy có những nguyên nhân khá phức tạp, cho phép chúng ta làm rõ việc nghiên cứu các thư từ. Và ở đây tôi cũng không định nói về sáng tác của Dostoevski nói chung mà chỉ nói về cuốn sách cuối cùng của ông được in tại nhà xuất bản Mercure de France trong tháng 2 năm 1908 (“Thư từ”).
I
Chúng ta mong đợi nhìn thấy một vị thần linh, thế mà đứng trước chúng ta lại là một con người – một con người ốm yếu, nghèo nàn, luôn luôn băn khoăn lo lắng và bị mất đi một cách kỳ quặc cái phẩm chất rởm mà ông hay mắng mỏ người Pháp: ấy là tài hùng biện. Trong khi nói về một cuốn sách không giả tạo như vậy, tôi đặt ra cho mình một mục đích duy nhất là thái độ tận tâm. Nếu như có những độc giả hy vọng nhìn thấy ở đây kỹ xảo, phẩm giá văn chương hoặc muốn tiêu khiển đầu óc thì tôi xin nói ngay rằng tốt nhất là họ sẽ làm điều đó nếu dừng việc đọc này lại.
Ngôn ngữ của những bức thư ấy rối rắm, không khéo léo, sai văn phạm, và chúng ta biết ơn ngài Biustox ở chỗ ông đã hoàn toàn khước từ thứ văn chương hoa mỹ giả tạo và không định sửa chữa lại những câu chữ vụng về rất tiêu biểu đó.
Đúng là ấn tượng đầu tiên rất khó chịu. Hofman, một người Đức chép tiểu sử của Dostoevski đã nhận xét rằng việc lựa chọn những bức thư do các nhà xuất bản Nga cung cấp cho chúng ta có thể đạt hơn; ông ấy không thuyết phục được tôi ở chỗ làm như vậy thì giọng điệu của chúng có thể khác đi. Cuốn sách dưới dạng như hiện nay – đó là một cuốn sách dày, đọc rất vất vả - không phải vì có nhiều bức thư mà bởi vì mỗi bức thư viết theo một phách nên rất khó xác định hình thức của nó. Có lẽ ở ta chưa có một ví dụ nào về các bức thư của nhà văn được viết một cách tồi tệ, tức là không có chủ đích đến như vậy. Là người biết nói nhân danh người khác một cách tuyệt vời, Dostoevski rất khó khăn khi ông phải nói nhân danh cá nhân mình. Người ta cảm thấy rằng những ý nghĩ không phải nằm trực sẵn dưới ngòi bút của ông mà chúng cào cấu ông trong lúc ông lôi chúng ra ánh sáng, chúng cứ níu chặt lấy bất cứ cái gì, trên đường đi, vì thế cho nên có nhiều chỗ rối rắm ghê gớm trong những cuốn tiểu thuyết của ông. Là người kiên trì nghiêm khắc trong công việc sửa chữa, tiêu hủy và viết lại bản thảo không ngừng cho đến khi ông đưa được vào trang viết ý nghĩa sâu sắc chứa đựng trong đầu óc. Dostoevski ở đây viết đại, không tẩy xóa bất cứ chỗ nào, song luôn luôn rà soát lại mình, cố nói ra cho thật nhanh nhưng kỳ thực lại kéo dài vô tận và không có gì cho phép ước lượng một cách chính xác hơn khoảng cách giữa tác phẩm và tác giả tạo ra nó. “Nhưng anh đưa ra cái lý thuyết gì vậy hở anh bạn của tôi – Dostoevski viết cho người anh trai của mình khi ông hầu như mới bước vào con đường hoạt động văn học – khi anh nói rằng bức tranh cần được vẽ lại ngay tức khắc v.v… và v.v… Anh tin vào điều đó từ bao giờ thế? Anh hãy tin rằng ở bất cứ chỗ nào cũng cần phải có sự lao động cật lực. Xin hãy tin rằng một bài thơ nhẹ nhàng thanh thoát chỉ gồm có mấy câu của Pushkin mà thiên hạ cứ tưởng như được viết ra ngay lập tức, kỳ thực được nhà thơ thai nghén rất lâu với bao nhiêu trăn trở… Tất cả những gì được viết ra ngay lập tức đều là chưa chín muồi. Người ta đồn rằng trong các bản thảo của Shakespeare không có những chỗ sửa chữa, gạch xóa. Vì thế cho nên ông ta mới có đầy rẫy những chỗ quái gở và nhạt nhẽo. Giá như ông ta làm việc cẩn thận hơn thì có thể khá hơn nhiều…”
Đấy là cái giọng điệu của toàn bộ thư từ. Những giờ phút hào hứng nhất, hạnh phúc nhất của mình, Dostoevski đã dành cho công việc sáng tác. Ông không viết một bức thư nào chỉ vì một sự thích thú. Ông luôn luôn nói đến sự khó chịu lạ lùng của mình khi phải viết thư. “Thư từ là trò nhảm nhí – ông nói – tôi tán thành không nói ra một điều gì cả”. Và ông nói rõ hơn: “Tôi đã miêu tả cho anh tất cả và tôi thấy rằng cái điều chủ yếu nhất – cuộc sống tinh thần, cuộc sống tình cảm của tôi – tôi không nói ra và thậm chí tôi cũng không cung cấp khái niệm về nó. Bao giờ cũng sẽ là như vậy trong khi chúng ta còn viết thư cho nhau. Tôi không biết viết thư và không biết viết về bản thân mình cho đúng mực”. Ở một chỗ khác ông tuyên bố: Trong thư từ không bao giờ viết được một cái gì cả. Chính vì thế mà tôi không thể chịu nổi M-me de Sevigne. Bà ta đã viết những bức thư rất hay”. Hoặc còn bằng giọng hài hước: “…Nếu tôi rơi xuống địa ngục thì tôi, lẽ cố nhiên, do những tội lỗi của mình, bị xử phạt phải viết hàng chục lá thư mỗi ngày chứ không ít hơn” và đây dường như là câu nói đùa duy nhất mà ta có thể tìm thấy trong cuốn sách buồn thảm này.
Như vậy là ông sẽ viết khi nào bị thúc ép bởi sự tối cần thiết. Mỗi một bức thư của ông (nói cho đúng, trừ những bức thư của 10 năm cuối cùng mà tôi sẽ nói riêng), là một tiếng gào thét: ông chẳng còn gì cả; ông đã đi đến chỗ cùng cực, ông cầu xin. Nói “tiếng gào thét” là còn ít. Đó là tiếng rên rỉ bất tận và đơn điệu của nỗi thất vọng; ông cầu xin một cách vụng về, không có một chút kiêu hãnh nào, không một chút mỉa mai nào, ông cầu xin và không biết cách cầu xin. Ông van nài, ông thúc giục, ông miêu tả tỉ mỉ cảnh túng quẫn của mình. “Tôi đang chết đuối đây, tôi đã bị chìm nghỉm hẳn rồi – Dostoevski viết – Tôi không có tiền trả nợ, tôi không biết bấu víu vào đâu và tôi hoàn toàn tuyệt vọng” (“Nếu như không có ai để mà đến, nếu như không biết đến với ai? - một nhân vật của ông nói). “Tôi đã viết thư đến Matxcơva cho người bà con và xin 600 rúp. Nếu không ai gửi tới thì tôi chết mất”. Những lời than thở này hoặc đại loại như vậy trong thư từ có nhiều đến nỗi tất cả những trích dẫn tôi chỉ lấy một cách hú hoạ…
Ở đây đó, lời yêu cầu khẩn khoản cứ lặp đi lặp lại sáu tháng một lần.
Vào những năm cuối đời, dường như bị say mê bởi tính ẩn nhẫn mà ông biết cách làm mê hoặc các nhân vật của mình, bởi tính ẩn nhẫn lạ lùng của người Nga mà cũng có thể là tính ẩn nhẫn của đạo Cơ đốc, nhưng, như Hofman đã khẳng định, thường bắt gặp trong mỗi một tâm hồn Nga thậm chí không có đức tin Cơ đốc giáo, mà, theo lời ông ta, người phương Tây vốn coi sự kiêu hãnh là một phẩm giá không bao giờ hiểu được một cách thực sự, Dostoevski viết:
“Tại sao họ lại từ chối tôi, hơn nữa, tôi không đòi hỏi mà tôi cầu xin một cách ngoan ngoãn”.
Nhưng cũng có thể những bức thư này đánh lừa chúng ta khi vẽ lên trong tâm trạng tuyệt vọng vĩnh cửu một con người mà chả viết được khi ở trong tâm trạng đó. Không: những khoản tiền vừa nhận được lần nào cũng chỉ trong nháy mắt đã bị các món nợ vét sạch sành sanh, do đó, ở tuổi 50, Dostoevski có thể viết: “Suốt đời tôi làm làm việc vì tiền và suốt đời tôi túng thiếu từng phút một, bây giờ càng túng thiếu hơn lúc nào hết”. Rinzenkampf, một người bạn của Dostoevski ở tuổi 20 đã phải thốt lên: “Dostoevski thuộc số những người mà ở cạnh họ tất cả sống sung túc nhưng chính bản thân họ thì lại thường xuyên túng thiếu”.
Ở tuổi 50 ông viết: “Cuốn tiểu thuyết tương lai này (ở đây nói về cuốn “Anh em nhà Karamazov” mà ông sẽ viết sau đó 9 năm), đã ba năm nay giày vò tôi, nhưng tôi không ngồi vào bàn để viết nó bởi vì tôi muốn viết nó không phải theo đúng thời hạn như Tolstoi, Turgenev và Goncharov… đã viết. Mong rằng chí ít một cuốn sách của tôi sẽ được viết ra một cách thoải mái, không theo thời hạn”.
Công việc viết lách của ông bao giờ cũng gắn liền với vấn đề tiền nong và với sự lo ngại rằng ông sẽ không nộp được cuốn sách đúng thời hạn: “Tôi sợ không kịp nộp đúng hạn, tôi sợ bị chậm mất. Tôi không muốn làm hỏng vì sự vội vã. Thật ra, đề cương đã được soạn thảo và được nghiên cứu, nhưng sự vội vã có thể làm hỏng tất cả”.
Chính điều đó đã khiến ông hết sức mệt mỏi bởi lẽ đối với ông, lòng trung thành vô hạn đối với nghĩa vụ của mình là vấn đề danh dự, ông thà chết còn hơn là đưa ra một cái gì không hoàn hảo, và ở cuối đời, ông có quyền nói: “Trong suốt cuộc đời viết văn của tôi, tôi luôn luôn thực hiện nghĩa vụ văn học của mình một cách cực kỳ chính xác và tôi chưa lần nào lơ là trễ nải; hơn thế nữa, tôi chưa lần nào chỉ viết vì tiền để thoát ra khỏi cái nghĩa vụ mà chính mình đã chấp nhận”. Và, lại nữa, cũng trong bức thư ấy ở phía trên một chút: “Tôi không bao giờ hư cấu cốt truyện vì tiền, vì nhiệm vụ mình nhận viết đúng hạn. Tôi bao giờ cũng cam kết và bán mình khi trong đầu đã có đề tài mà quả thực tôi muốn viết và cho rằng cần phải viết”. Như vậy là nếu ở một trong những bức thư ở thời kỳ đầu được viết khi ông 24 tuổi, Dostoevski thốt lên: “Cho dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa, thì tôi đã thề rằng nếu cực chẳng đã thì tôi vẫn cố chịu đựng và không viết theo đơn đặt hàng – Đơn đặt hàng bóp chết, huỷ hoại tất cả. Tôi muốn mỗi một tác phẩm của tôi phải hay một cách rõ ràng” Có thể nói một cách không quá khe khắt rằng dầu sao đi nữa ông vẫn giữ lời hứa.
Nhưng suốt đời ông bị giày vò bởi suy nghĩ là giá như ông có nhiều thời gian hơn nữa, giá như ông được tự do hơn nữa thì ông có thể viết được những tác phẩm hay hơn, hoàn hảo hơn.
Mỗi một cuốn sách đều gợi lên ở ông nỗi lo lắng đó, cái cảm giác không hài lòng đó: “Cuốn tiểu thuyết lớn gồm 6 phần (“Tội ác và hình phạt”). Đến cuối tháng 11, nhiều chương đã được viết xong và đã hoàn thành; tôi đã đốt ráo; bây giờ có thể thú nhận điều đó. Chính bản thân tôi không vừa lòng. Một hình thức mới, một đề cương mới đã cuốn hút tôi, và tôi bắt đầu viết lại từ đầu”. Và ở một chỗ khác: “Tôi làm việc mệt đến mức người mụ mẫm và đầu óc lú lẫn cả”. Lại nữa: “Tôi ở đây như ở nơi làm việc khổ sai, và mặc dầu có những ngày tuyệt đẹp cần tận hưởng, song tôi cứ ngồi viết suốt ngày đêm”.
Đôi khi một bài báo bình thường đã buộc ông lao động giống như cả một cuốn sách, bởi lẽ đối với một tác phẩm nhỏ, lương tâm của ông cũng vẫn nghiêm khắc như đối với một tác phẩm lớn.
“Tôi đã kéo dài đến ngày hôm nay và cuối cùng đã nghiến răng kết thúc (thiên hồi ký về Belinski mà cho đến nay chưa tìm thấy). Mười tay sách tiểu thuyết còn dễ viết hơn nhiều so với hai tay sách này! Cái bài báo tệ hại này, tôi đã bắt đầu tới năm lần rồi xoá đi hết và lại viết lại từ đầu. Rút cuộc đã hoàn thành bài viết một cách đại khái, nhưng nó dở đến mức tức đến lộn cả ruột”. Và nếu như ông tin tưởng sâu sắc vào giá trị của công việc sáng tạo của mình, chí ít vào giá trị của những tư tưởng của mình, thì ngay cả đối với những tác phẩm khá nhất của mình, ông bao giờ cũng là một người cầu toàn trong quá trình viết lách và tỏ ra không hài lòng đối với phần kết thúc của chúng:
“Rất ít khi ở tôi có một cái gì đó mới mẻ hơn, đầy đủ hơn và độc đáo hơn, (“Anh em nhà Karamazov”). Tôi có thể nói như vậy mà không bị buộc tội háo danh là bởi vì tôi mới chỉ nói về đề tài, ý tưởng ở trong đầu chứ không phải về việc thực hiện. Việc thực hiện còn phụ thuộc vào Chúa, tôi cũng có thể làm vấy bẩn - điều này thường xảy ra với tôi”.
Ở một chỗ khác ông nói: “Những cái tôi sẽ viết, cho dù có tồi tệ đến mấy đi nữa nhưng ý tưởng của cuốn tiểu thuyết mà công việc sáng tác ra nó, đối với một tác giả nghèo như tôi, bao giờ cũng cao quý hơn mọi thứ trên đời”.
“Tôi không hài lòng với cuốn tiểu thuyết đến mức kinh tởm – ông viết trong thời kỳ sáng tác cuốn “Gã khờ”. – Tôi ráng sức làm việc một cách kinh khủng, nhưng không thể; tâm hồn không khoẻ mạnh. Bây giờ tôi cố dốc chút sức lực cuối cùng để viết phần thứ ba. Nếu như tôi sửa được cuốn tiểu thuyết thì tôi sẽ khỏi bệnh, bằng không, tôi sẽ chết”.
Sau khi viết được không chỉ những cuốn sách vốn được ngài Vogue coi là những kiệt tác, mà còn cả “Bút ký trong nhà hầm”, “Gã khờ”, “Người chồng vĩnh cửu”, Dostoevski đã bị hấp dẫn bởi một cốt truyện mới (“Những người quỷ ám”) và đã thốt lên: “Rút cuộc đã đến lúc phải viết một cái gì đó thật nghiêm chỉnh”.
Vào năm ông từ trần, thậm chí trong một bức thư gửi N. là người ông viết lần đầu tiên, ông nói: “Tôi biết rằng ở tôi với tư cách là một nhà văn, có nhiều thiếu sót, bởi vì chính tôi là người đầu tiên không bằng lòng với chính mình. Bà có thể hình dung là vào những giây phút nặng nề của việc tự kiểm điểm, tôi thường đau đớn nhận thấy rằng tôi chưa thể hiện được 20% những gì mà tôi muốn và có lẽ tôi cũng có thể thực hiện được. Ở đây chỉ có một niềm hy vọng thường xuyên là cứu vãn được tôi: một lúc nào đó Chúa sẽ ban cho tôi nguồn cảm hứng và sức mạnh và tôi sẽ tự thể hiện một cách đầy đủ hơn, nói tóm lại, tôi sẽ nói ra tất cả những gì chứa đựng trong trái tim và trí tưởng tượng của tôi”.
Chúng ta thật cách xa Balzac, thật cách xa lòng tự tin của ông và sự hoàn hảo vô tư của ông. Liệu ngay cả Flauber có biết được sự đòi hỏi khe khắt đối với mình như vậy, sự làm việc vô cùng căng thẳng như vậy không? Tôi không nghĩ như vậy. Sự đòi hỏi khe khắt của ông trên một mức độ đáng kể mang tính chất văn học một cách phiến diện, còn nếu như tính trung thực không khoan nhượng về mặt văn học, nếu như câu chuyện về sự lao động vất vả của ông nổi lên hàng đầu trong những bức thư của ông thì nguyên nhân còn là ở chỗ chính sự lao động ấy đã cuốn hút ông và tuy không khoe khoang, nhưng nói chung ông đã tự hào về nó. Không phải ngẫu nhiên ông huỷ diệt mọi thứ khác, vì nhìn thấy trong cuộc sống “một cái gì đó xấu xa đê tiện và cách duy nhất để chịu đựng nó là lẩn tránh nó”, và ông đã ví mình với “những người đàn bà Amazon đã đốt cháy ngực mình để giương cung”. Dostoevski không huỷ diệt một thứ gì ở nơi ông cả: ông có vợ con, ông yêu quý họ; ông không khinh ghét cuộc sống; khi ra khỏi nhà tù khổ sai ông viết: “Chí ít tôi đã sống, mặc dầu chịu đau khổ nhưng đã sống!” Sự chối bỏ của ông vì nghệ thuật không mang tính chất kiêu căng, không có ý thức và không chủ tâm vì thế nó chỉ vàng? mang tính chất bi kịch hơn và càng đẹp hơn. Ông thích dẫn lời của Terence và không muốn rằng những cái gì đó thuộc về con người lại xa lạ đối với ông: “Con người không có quyền đoạn tuyệt và xem thường những cái xảy ra trên trái đất, và có những lý do đạo đức cao siêu “Homo sum et nihil humanum”…”. Ông không lẩn tránh những đau khổ của mình mà chấp nhận chúng với tất cả sự đầy đủ của nó. Sau khi mất người vợ thứ nhất và người con trai Mikhail, ông viết: “Và thế là tôi bỗng dưng còn lại một thân một mình và tôi thấy khủng khiếp quá. Cả cuộc đời tôi bị bẻ gãy làm đôi. Trong một nửa mà tôi đã kinh qua, đã có tất cả những cái mà vì nó tôi sống, còn trong nửa kia, một nửa chưa ai biết gì, mọi cái đều xa lạ, đều mới mẻ. Và không có một trái tim nào có thể thay thế được cho tôi cả hai con người ấy. Tôi còn sống trên đời này để làm gì? Làm lại những mối quan hệ mới, phịa ra một cuộc sống mới ư? Chỉ nội nghĩ đến chuyện đó thôi cũng đủ làm tôi khó chịu. Ở đây lần đầu tiên tôi cảm thấy rằng không ai có thể thay thế họ được, rằng trên cõi đời này tôi yêu quý họ đến mức là tôi không thể nào tạo ra được một tình yêu mới mà cũng chẳng cần phải tạo ra”. Sau đó hai tuần ông viết: “Trong toàn bộ kho dự trữ sức mạnh và nghị lực của tôi nay chỉ còn lại trong tâm hồn tôi một cái gì đó đầy lo âu và xao xuyến, một cái gì đó giống như sự tuyệt vọng. Nỗi lo âu, nỗi đau khổ, bản thân sự bất tận lạnh lùng, bản thân cái trạng thái không bình thường đối với tôi, cộng thêm vào đó là tôi còn một mình, cái bốn năm trước đây không còn bên tôi nữa. Thế nhưng tôi vẫn cứ có cảm giác là tôi vừa mới sửa soạn bước vào cuộc sống. Thật nực cười, có đúng thế không? Một sức sống dai ghê gớm!” Vào thời gian đó ông 44 tuổi và chỉ sau đó một năm nữa ông lại cưới vợ.
Năm 28 tuổi, khi ở trại tạm giam để chờ đợi đi Xibiri, ông đã thốt lên: “Tôi chờ đợi một cái gì còn tồi tệ hơn nhiều, và bây giờ tôi thấy rằng sức sống trong tôi được dự trữ nhiều đến nỗi không bao giờ cạn kiệt”. Và ngay từ Xibiri (năm 1856), sau khi đã mãn hạn tù khổ sai và cưới bà quả phụ Maria Dmitrievna Isaeva, ông viết: “Bây giờ không như trước đây nữa có biết bao nhiêu công việc phải thu xếp, có biết bao điều phải cân nhắc cẩn thận, thế mà vẫn còn đủ sức để viết thư! Chẳng nhẽ sau khi có được biết bao sự dũng cảm và nghị lực sau 6 năm trời để chống chọi với những nỗi đau chưa từng thấy, tôi lại không có khả năng kiếm ra tiền để nuôi sống mình và nuôi vợ? Thật vô lý! Bởi lẽ điều chủ yếu là không ai biết được sức lực của tôi, trình độ tài năng của tôi, mà chính tôi lại hy vọng vào cái điều chủ yếu đó”.
Nhưng hỡi ôi! Ông phải chống chọi không phải sự túng thiếu! “Nói chung tôi làm việc như điên khi tôi ráng sức làm việc thì tôi đau cả về mặt thể xác”. “Tôi làm việc cả ngày lẫn đêm, bất kể những cơn đau”. Và ở một chỗ khác: “Thế nhưng những cơn đau đã làm tôi kiệt sức hoàn toàn, và sau mỗi cơn đau, đến bốn ngày tôi không thể nào tỉnh táo ngồi viết được”.
Dostoevski không che giấu căn bệnh động kinh của mình. Những cơn đau kéo đến dồn dập và nhiều bạn bè, thậm chí cả người ngoài đôi khi cũng trở thành các nhân chứng của những cơn đau ấy.
Strakhov trong hồi ký đã miêu tả cho chúng ta thấy một trong những cơn đau ấy và, cũng như Dostoevski, không nhìn thấy ở bệnh động kinh một cái gì xấu xa nói lên mức độ “thấp kém” về đạo đức hoặc trí tuệ, ngoài cái điều gây khó khăn cho công việc sáng tác. Thậm chí trong một bức thư gửi các nữ ký giả không quen biết, Dostoevski đã hồn nhiên nói rằng ông lấy làm tiếc vì đã trì hoãn viết thư trả lời: “Tôi đã chịu đựng ba cơn bệnh chết tiệt của tôi, điều mà nhiều năm nay chưa bao giờ xảy ra một cách ghê gớm và dày như thế. Nhưng sau những cơn ấy, tôi hai ba ngày không thể làm việc, không thể viết lách, thậm chí không thể đọc được, bởi vì tôi bị tê liệt cả về thể xác lẫn tinh thần. Do đó, giờ đây khi biết được điều này, chắc các bạn sẽ tha lỗi cho tôi vì lâu không trả lời”.
Căn bệnh này của ông bị từ khi chưa đi Xibiri, đã nặng thêm vào những năm tù khổ sai rồi giảm đi trong thời gian ra nước ngoài sau đó lại hành hạ ông một cách khủng khiếp hơn. “Khi trong một thời gian dài không lên cơn rồi đùng một cái bột phát thì một nỗi buồn ghê gớm, một nỗi buồn đạo đức bắt đầu xâm chiếm lấy tôi, Tôi đang đi tới chỗ tuyệt vọng. Trước kia (ông viết ở tuổi 50) nỗi ưu tư đó thường kéo dài chừng ba ngày sau khi lên cơn, còn bây giờ thì bảy, tám ngày”.
Bất chấp những cơn đau, ông vẫn ráng sức để viết để hoàn thành công việc đã nhận: “Họ cho biết trong số tháng 4 (tờ “Tin tức Nga”) sẽ đăng phần tiếp theo của “Gã khờ”, thế mà tôi chưa chuẩn bị được gì, ngoài một chương không có mấy giá trị. Tôi không hiểu tôi sẽ gửi đi cái gì đây! Đến ngày thứ ba tôi lại lên một cơn dữ dội. Song hôm qua tôi vẫn cứ viết trong trạng thái như kẻ mất trí”. Ông nhiều lần phàn nàn rằng trí nhớ và óc tưởng tượng của ông kém đi, và trước khi mất hai năm, ở tuổi 58, ông nói: “Từ lâu tôi đã nhận thấy rằng càng nhiều tuổi, tôi càng làm việc vất vả hơn. Tất cả những ý nghĩ vì thế đều không hay và u tối…” Thế nhưng trong lúc đó ông viết “Anh em nhà Karamazov”.
*
Do chỗ tôi không nghiên cứu tiểu sử Dostoevski mà chỉ phác hoạ chân dung của ông trên cơ sở những tài liệu được khai thác từ những bức thư của ông nên tôi chỉ dừng lại ở chỗ trở ngại cơ bản như sự túng thiếu thường xuyên mà dường như bản chất của ông ngấm ngầm đòi hỏi… Tất cả mọi cái đều chống lại ông: ngay từ khi bắt đầu hoạt động, mặc dù hồi nhỏ bị ốm đau quặt quẹo, ông được công nhận là có đủ điều kiện phục vụ, trong khi đó anh trai ông, Mikhail, trông bộ khoẻ mạnh hơn, lại bị loại. Rơi vào nhóm những kẻ bị tình nghi, ông bị bắt, bị kết án tử hình, sau đó được ân xá và bị đày đi Xibiri để chuộc tội. Ông đã ở đó 10 năm: 4 năm tù khổ sai và 6 năm phục dịch trong quân đội. Ở đó ông không nề hà làm bất cứ việc gì và đã lấy người vợ goá của một bạn tù khổ sai Isaev, mẹ của một chú bé đã lớn, rất lười biếng, chả biết làm gì và từ đó được ông nuôi nấng. Ông cũng nuôi cả gia đình người anh là Mikail sau khi anh ta chết. Khi có tiền dư dật và do đó có chút thời gian rảnh rỗi, ông nhận bảo trợ mấy tờ tạp chí mà ông đứng ra sáng lập, giúp đỡ và biên tập. “Cần phải bạo gan áp dụng những biện pháp cương quyết. Tôi cùng một lúc in tại ba nhà in, không tiếc tiền, không tiếc sức. Một mình tôi làm biên tập, tôi đọc bông, giao thiệp với các tác giả, với cơ quan kiểm duyệt, sửa bài, xoay tiền, tôi thường ngồi đến 6 giờ sáng và mỗi ngày ngủ 5 tiếng, và mặc dầu tôi cố chấn chỉnh tờ tạp chí, nhưng đã muộn mất rồi. Quả thật, tờ tạp chí không tránh khỏi sự lụn bại. Nhưng cái chính là với tất cả công việc khổ sai, tạp dịch, chính tôi không thể viết và in trên tạp chí một dòng nào cả. Ngay cả ở Peterburg chứ không riêng ở tỉnh lẻ, công chúng không gặp tên tôi, không hay rằng tôi làm chủ biên tờ tạp chí…”
Dù sao thì ông vẫn tiếp tục, vẫn kiên trì, bắt đầu lại từ đầu, không cái gì làm ông tuyệt vọng, buồn nản. Tuy nhiên, ngay cả vào năm cuối cùng của cuộc đời ông vẫn còn phải đấu tranh nếu không phải với dư luận xã hội mà ông đã hoàn toàn tranh thủ được, thì cũng với các báo vẫn đang còn chống lại ông: “Vì những ý kiến của tôi phát biểu ở Matxcơva (về Pushkin) mà tôi bị giới báo chí của chúng ta bôi gio trát trấu: cứ y như tôi đi ăn cắp, lừa đảo hoặc giả mạo trong một nhà băng nào đó không bằng. Ngay cả Jukhansev (một tên bịp bợm khét tiếng thời đó) cũng không bị xỉ vả thậm tệ như tôi”.
Nhưng ông đi tìm không phải những phần thưởng, và không phải tính sĩ diện hay thói hám danh chi phối ông. Về phương diện này, thái độ của ông với sự thành công vang dội đầu tiên của mình thật đáng ghi nhớ: “Đã ba năm hoạt động trong môi trường văn học – ông viết – tôi như người mê mẩn tâm thần. Tôi không biết cuộc sống là gì, tôi không có lúc nào hoàn hồn… Họ mang lại cho tôi sự nổi tiếng đáng ngờ, và tôi không rõ cái địa ngục ấy còn diễn ra đến bao giờ nữa”.
Ông tin chắc vào giá trị của tư tưởng của mình đến nỗi giá trị của ông với tư cách là một con người bị hòa tan trong đó và biến mất. “Tôi đã làm gì cho anh để anh yêu mến tôi đến thế?” và cuối đời ông nói với một phóng viên chưa quen biết: “Cô nghĩ rằng tôi thuộc loại người cứu vớt trái tim, đem lại sự thanh thản cho tâm hồn, xua tan nỗi ưu phiền ư? Nhiều người đã viết về tôi điều đó, nhưng có lẽ tôi biết rằng tôi chỉ có khả năng gieo rắc nỗi thất vọng và chán chường. Tôi không phải là tay ru ngủ thành thần, mặc dầu đôi khi tôi cũng làm điều đó”. Và tuy thế, có biết bao nhiêu sự dịu dàng trong tâm hồn ốm yếu đó! “Em đêm nào cũng nằm mơ thấy anh, em vô cùng lo lắng – từ Xibiri ông viết cho người anh trai của mình – em không muốn anh chết, em muốn trong đời mình được nhìn thấy anh và hôn anh một lần nữa, người anh vô giá của em. Vì Chúa hãy làm cho em yên tâm đi, hãy vứt mẹ nó tất cả công việc và những chuyện bận bịu đi, và hãy viết thư cho em ngay bây giờ, nếu không thì em phát điên lên mất”.
Không biết ở đây ông chí ít có tìm thấy một chỗ dựa nào không? – “Mong anh sẽ viết cho tôi tỉ mỉ và nhanh hơn nữa: anh thấy ông anh tôi ra sao? (Thư gửi nam tước Vràngel ngày 23/3/1856). Hiện anh ấy đang nghĩ gì về tôi. Trước đây anh ấy là một người rất yêu quý tôi! Anh ấy khóc khi chia tay với tôi. Liệu anh ấy có thái độ lạnh nhạt đối với tôi hay không? Tính tình anh ấy có thay đổi hay không. Điều đó làm tôi rất buồn! Liệu anh ấy có biến thành một kẻ chỉ biết kiếm thật nhiều tiền và quên mất tất cả những cái cũ. Tôi thật khó tin điều đó. Nhưng làm thế nào mà giải thích được rằng có khi đến bảy, tám tháng anh ấy không viết thư cho tôi… (Bức thư gửi Mikhail ngày 22/2/1801 không có ở Binshtok). Và tôi ít thấy có nhiệt tình như trước đây nữa. Không bao giờ tôi có thể quên được những gì anh ấy nói với Khomentovski là người truyền đạt đến anh ấy lời yêu cầu của tôi là cố chạy chọt cho tôi. Anh ấy nói rằng tốt nhất là tôi nên ở lại Xibiri”. Thật ra ông đã viết ra điều đó, nhưng ông chỉ muốn quên đi những lời tàn nhẫn ấy. Bức thư dịu dàng gửi Mikhail mà tôi vừa trích dẫn một số đoạn, được viết mãi về sau này, sau đó ít lâu ông viết cho Vràngel: “Xin anh hãy nói cho anh tôi biết rằng tôi ôm hôn anh ấy, mong anh ấy bỏ quá những nỗi đau khổ mà tôi đã đem lại cho anh ấy; tôi quỳ trước anh ấy”. Cuối cùng, ngày 21/8/1885 ông viết cho chính người anh trai: “Anh thân yêu, tháng 10 năm ngoái anh viết rằng anh rất buồn về những lời phàn nàn của em, rất đau khổ khi đọc chúng. Missa thân yêu, đừng giận em nhé, vì Chúa, mong anh hãy nhớ rằng em rất cô đơn như hòn đá bị quẳng đi, rằng bản tính em bao giờ cũng buồn, đau khổ và cả lo. Anh hãy lưu ý tới tất cả những điều đó và tha thứ cho em, nếu như những lời phàn nàn của em không đúng, còn những điều dự đoán là ngu ngốc. Thậm chí ngay bản thân em cũng tin rằng em không đúng”.
Tất nhiên, Hofman có lý, và độc giả phương Tây phản đối sự hối hận mang tính chất ẩn nhẫn như vậy. Văn học của chúng ta vốn hay mang phong cách Tây Ban Nha, thường dạy chúng ta rằng lòng cao thượng không cho phép quên đi sự xúc phạm!
Người “độc giả phương Tây” ấy sẽ nói gì khi đọc thấy: “Ngài viết rằng tất cả mọi người đều yêu quý đức vua. Chính bản thân tôi cũng quý mến Người”. Nhưng Dostoevski khi viết những dòng ấy vẫn còn đang bị đi đày ở Xibiri. Liệu trong câu nói này có sự mỉa mai nào chăng? Không có đâu. Ông thường xuyên trở lại vấn đề này trong các bức thư của mình: “Đức vua nhân từ, tốt bụng”. Còn khi, sau 10 năm phát vãng, ông xin được trở về Peterburg và xin cho người con riêng của ông là Paven vào trường trung học thì ông nói: “Tôi cho rằng nếu người ta từ chối một việc thì có thể người ta không muốn từ chối một việc khác và nếu đức vua không muốn cho phép tôi sống ở Peterburg thì chí ít người ta cũng nhận Pasha để không từ chối hoàn toàn”.
Quả thật, thái độ ngoan ngoãn phục tùng như vậy làm ta phát ngượng. Những người theo chủ nghĩa hư vô, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, thậm chí những người theo chủ nghĩa xã hội không thể rút ra được lợi ích gì từ điều đó. Thế đấy! Không có lấy một tiếng kêu phản kháng? Nếu không chống lại nhà vua mà ông tôn sùng thì chí ít cũng chống lại nhà tù mà ông đã ra khỏi khi mái đầu đã bạc chứ? Ta hãy nghe ông nói như thế nào về nhà tù đó: “Chuyện gì đã xảy ra với tâm hồn em, với đức tin của em, với trái tim và khối óc của em trong 4 năm đó – em sẽ không nói cho anh biết đâu. Phải kể dài lắm. Nhưng sự tập trung vĩnh cửu vào bản thân mình là nơi em chạy trốn khỏi thực tại cay đắng, đã mang lại kết quả. Bây giờ em có nhiều nhu cầu và hy vọng, những thứ mà trước đây em không hề nghĩ tới”. Và ở một chỗ khác: “Nếu như anh nghĩ rằng em vẫn còn dấu vết của tính đa nghi khó chịu và của sự ngờ vực đối với tất cả bệnh tật trong người mình như hồi còn ở Peterburg thì anh hãy đừng tin thế và cái trước đây hoàn toàn không còn nữa…” Và cuối cùng, sau một thời gian dài, trong bức thư viết năm 1872 gửi S. D. Janovski, có sự thú nhận đáng chú ý: “Ngài quý mến tôi và bận bịu với tôi, với người mắc bệnh tinh thần (bây giờ tôi đã thừa nhận điều đó) trước khi tôi đến Xibiri, ở đó tôi đã chữa khỏi bệnh”.
Như vậy là không có một lời phẫn nộ nào! Ngược lại, chỉ thấy lòng biết ơn. Con người tuẫn tiết đó đã làm chúng ta bối rối! Ông sống vì lòng tin vào đâu? Những tín hiệu nào đã nâng đỡ ông? Có thể trong khi nghiên cứu quan điểm của ông vốn thể hiện ra chí ít qua thư từ, chúng ta sẽ hiểu rõ những nguyên nhân bí ẩn, nhưng đã hơi hé mở cho chúng ta, khiến cho Dostoevski không có được sự thành công ở đông đảo công chúng, chúng ta sẽ hiểu nguyên nhân của sự ghét bỏ ấy và của việc ông chậm được lên đài vinh quang.
II
Không thuộc về một đảng phái nào, rất sợ tinh thần nổi loạn gây nên cảnh phân ly, ông viết: “Lại nữa, ở đây có một tư tưởng càng ngày càng lôi cuốn tối: ‘tính cộng đồng của chúng ta ở đâu, đâu là những điểm mà tất cả chúng ta thuộc những khuynh hướng khác nhau có thể hội tụ?’”
Vững tin rằng “tư tưởng cao cả nhất của nước Nga là sự tổng hòa giải của mọi tư tưởng” ở Châu Âu, Dostoevski, “con người Nga Âu châu cổ lỗ ấy”, như ông tự gọi mình, bằng tất cả sức mạnh của tâm hồn đã lao vào lao động vì sự thống nhất mang tính chất Nga đó; chính sự thống nhất này phải liên kết tất cả các đảng phái trong một tình yêu lớn đối với tổ quốc và nhân loại. “Vâng! Tôi tán thành với ngài tư tưởng cho rằng nước Nga sẽ hoàn tất châu Âu và sứ mệnh của nó. Đối với tôi, điều đó đã rõ từ lâu”, ông viết từ Xibiri. Ở một chỗ khác ông nói về nước Nga như về “một tổ quốc bỏ trống”, “có khả năng đương đầu sự nghiệp toàn nhân loại”. Và nếu như ông nhầm lẫn và tầm quan trọng của dân tộc Nga (điều mà tôi tuyệt nhiên không nghĩ vậy) có thể chỉ do có một niềm tin quá sớm, thì nguyên nhân không phải là sự ham thích mang tính chất sôvanh, mà là một sự hiểu biết sâu sắc về những nguyên tắc và những dục vọng xác định mối hiềm khích mang tính chất đảng phái ở châu Âu, một sự hiểu biết mà ông cảm thấy rằng ông có được chính là vì ông là một người Nga. Nói về Pushkin, ông ca ngợi: “khả năng vị tha mang tính chất thế giới” của nhà thơ và bổ sung thêm: “Khả năng này hoàn toàn là một khả năng của dân tộc Nga, và Pushkin chỉ là người chia sẻ khả năng đó với toàn dân tộc”. Trong tâm hồn Nga ông nhìn thấy “khuynh hướng vị tha mang tính chất thế giới và khuynh hướng tổng hòa giải” và thậm chí đã thốt lên: “Có người Nga chân chính nào mà trước hết lại không nghĩ tới châu Âu!”, thậm chí đã nói lên những lời tuyệt vời: “Chính người Nga phiêu lãng cần một niềm hạnh phúc mang tính chất thế giới để được yên lòng”.
Ông tin rằng tính chất của hoạt động trong tương lai của chúng ta cần mang tính chất toàn nhân loại ở mức độ cao nhất, rằng tư tưởng Nga có thể sẽ là tổng hợp của tất cả những tư tưởng mà châu Âu đang phát triển một cách kiên trì và dũng cảm trong các dân tộc riêng biệt của mình. Cái nhìn của ông luôn luôn hướng tới châu Âu; những ý kiến của ông về đời sống chính trị xã hội của Pháp và Đức thuộc số những đoạn hay nhất đối với chúng ta trong thư từ của ông. Ông hay đi du ngoạn, đã dừng lại khá lâu ở Ý, Thụy Sĩ, Đức. Thoạt tiên ông say mê các nước đó do lòng ham hiểu biết của mình, sau đó ông lưu lại hàng tháng trời do những khó khăn triền miên về tiền bạc, bởi vì ông không đủ tiền để tiếp tục đi du lịch, để trả những món nợ mới hoặc bởi vì ở Nga ông sẽ gặp những chủ nợ cũ của mình và lại phải ngồi tù… “Với sức khỏe của tôi – ông viết năm 40 tuổi – đến nửa năm ngồi tù tôi cũng không chịu nổi, nhưng cái chính là tôi không kiếm được xu nào”.
Nhưng ở nước ngoài ông lập tức cảm thấy thiếu bầu không khí Nga, thiếu sự tiếp xúc với nhân dân Nga. Không ở nơi nào ông có thể thích nghi được với cuộc sống và cảm thấy thoải mái dù trong một giây lát. “Trời, Nikolai Nikolaevich, - Ông viết cho Strakhov, - sống ở nước ngoài tôi không sao chịu nổi và cũng không thể nào diễn tả được điều đó!” Không có bức thư nào mà không có lời than vãn của nhà văn: “Cần phải trở về Nga. Ở đây buồn chết đi được!”
Dường như những chất nhựa huyền bí từng nuôi dưỡng tác phẩm của ông được ông khai thác ngay tại chỗ và nó đã cạn kiệt khi ông rời khỏi mảnh đất quê hương “Không sao viết được, Nikolai Nikolaevich ạ, hoặc viết ra với nỗi cơ cực vô cùng. Có chuyện gì vậy – tôi không thể hiểu nổi. Tôi chỉ nghĩ rằng đó là nhu cầu về nước Nga. Bằng bất cứ cách nào cũng phải quay trở lại thôi” Và ở một chỗ khác: “Nước Nga cần cho tôi, cho sáng tác của tôi và cho lao động của tôi…” “Tôi cảm thấy rõ ràng bây giờ cho dù sống bất kỳ ở đâu thì vẫn thế thôi, ở Dresden hay ở một nơi nào đấy, chỗ nào cũng là đất khách quê người”. Lại nữa “Nói tóm lại, nếu như anh biết được rằng ở đây tôi cảm thấy mình hoàn toàn là một con người thừa và một kẻ xa lạ như thế nào… Ở đây tôi đang cùn dần và bị hạn chế, tôi đang bị rớt lại sau nước Nga. Không có không khí Nga và không có người Nga. Sau hết, tôi hiểu được những kiều dân Nga. Đó là những người điên”.
Tuy nhiên ông đã viết “Gã khờ” ở Geneve, ở Vevơ, viết “Người chồng vĩnh cửu”, “Những người quỷ ám” ở Dresden. Nhưng phải chăng đằng nào cũng thế “Anh đã nói những lời tốt đẹp về sáng tác của tôi ở đây. Quả thật tôi đã bị lạc hậu, không phải với thời đại, với kiến thức, với sự hiểu biết chuyện gì đang xảy ra ở ta (có lẽ tôi còn biết rõ hơn anh vì ngày nào tôi cũng đọc từ đầu đến cuối 3 tờ báo Nga và tôi nhận được 2 tờ tạp chí), nhưng tôi bị lạc hậu với hơi thở sống động của cuộc sống, với máu thịt của cuộc sống chứ không phải với tư tưởng của nó – mà điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc sáng tác của tôi”.
Như vậy “lòng vị tha mang tính chất thế giới” đi kèm theo và được củng cố bởi tinh thần dân tộc nồng cháy mà trong nhận thức của Dostoevski là sự bổ sung cần thiết cho nó. Ông kiên quyết chống lại những chính trị gia vốn trông đợi sự tiến bộ của văn hóa Nga không phải do sự phát triển hữu cơ của các cơ sở dân tộc mà do sự tiếp thu vội vàng những bài học của phương Tây (bởi thế những người này hồi đó được gọi là “những người tiến bộ”). “Người Pháp trước hết là người Pháp, còn người Anh trước hết là người Anh và mục đích cao nhất của họ là giữ đúng bản chất của mình. Đó chính là sức mạnh của họ”. Ông phản đối những kẻ biến người Nga thành những người mất gốc… Tôi tuyệt nhiên không muốn mở rộng phạm vi chủ đề, vốn đã quá rộng, và tôi cũng không muốn xác định một cách chính xác những quan điểm của Dostoevski. Tôi chỉ muốn nêu lên những mâu thuẫn có ở Dostoevski xét theo quan điểm ý thức phương Tây vốn không hòa giải những thái cực. Dostoevski trước sau vẫn tin chắc rằng những mâu thuẫn giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa châu Âu, giữa chủ nghĩa cá nhân và sự từ bỏ bản thân mình chỉ là những mâu thuẫn tưởng tượng. Ông cho rằng những quan điểm trái ngược nhau, do chỗ mỗi quan điểm chỉ chú ý tới một mặt của vấn đề trong cuộc sống, đều xa rời chân lý như nhau. Tôi xin phép được dẫn ra đây một trích đoạn nữa, nó, hơn bất cứ một lời bình luận nào, sẽ cho ta thấy quan điểm của Dostoevski (Trích đoạn này được lấy từ chương Kinh nghiệm về người tư sản, một trong những chương của “Những ghi chép mùa đông về ấn tượng mùa hè”):
“Các vị sẽ bảo tôi: cần phải không có cá tính để được hạnh phúc phải không? Lẽ nào sự cứu rỗi lại nằm ở sự phi cá tính. Ngược lại, tôi nói rằng không chỉ không nên trở thành phi cá tính mà chính là cần phải trở thành một cá tính, thậm chí ở mức độ cao nhất so với cá tính hiện được xác lập ở phương Tây.
Xin hãy hiểu tôi: sự hy sinh quên mình một cách tự nguyện hoàn toàn có tính chất tự giác và không bị ai ép buộc, vì lợi ích của cộng đồng, theo tôi, là dấu hiệu về sự phát triển cao nhất của cá tính, của nhân cách, - là dấu hiệu về sự hùng mạnh cao nhất, sự tự chủ cao nhất, sự tự do cao nhất của cá tính, của ý chí cá nhân. Tự nguyện hy sinh thân mình vì mọi người, tự nguyện gánh vác thánh giá, sẵn sàng nhảy vào đống lửa vì mọi người – chỉ có thể làm được điều đó khi có sự phát triển mạnh mẽ của cá tính. Một cá tính được phát triển mạnh mẽ, hoàn toàn tin vào quyền của mình được trở thành một nhân cách, không sợ hãi một điều gì, không biến mình thành một kẻ khác, hiến dâng toàn bộ đời mình cho những người khác để họ cũng trở thành những cá tính bình đẳng và hạnh phúc như vậy. Đó là quy luật của tự nhiên có sức thu hút bất cứ một người bình thường nào”.
Quyết định đó được Đức Chúa chỉ ra cho ông: “Kẻ nào muốn gìn giữ linh hồn mình thì kẻ đó sẽ đánh mất nó, còn kẻ nào đánh mất linh hồn vì ta, thì kẻ đó sẽ giữ được nó”.
Sau khi trở về Peterburg vào mùa đông năm 1871-1872, ở tuổi 50, Dostoevski viết cho Janovski: “Thế đấy, cần phải thú nhận rằng tuổi già đã tới, thế mà tôi lại không hề nghĩ tới, tôi vẫn thu xếp viết một tác phẩm mới, vẫn muốn in một cái gì đó khiến tôi bằng lòng, vẫn đang chờ đợi cái gì đó ở cuộc sống trong khi đó có lẽ tôi đã được đủ thứ. Tôi đang kể cho anh nghe chuyện của mình. Đấy nhé, tôi hoàn toàn là người hạnh phúc”. Niềm hạnh phúc đó, niền vui đó vốn được đổi bằng nỗi đau khổ đã bí mật thâm nhập vào toàn bộ cuộc đời và toàn bộ sáng tác của Dostoevski.
Giọng điệu của những bức thư ở thời kỳ cuối đã thay đổi hẳn. Những người trao đổi thư từ với ông sống ở Peterburg cũng như ông, và ông không viết cho họ nữa, mà viết cho những người không có tên tuổi, những người tình cờ muốn xin những lời chỉ giáo, những lời an ủi của ông.
Cuối cùng, sau khi thoát khỏi cảnh túng quẫn, trong những năm cuối đời, ông đã tập trung công việc để xuất bản cuốn ”Nhật ký nhà văn” vốn được in ra một cách gián đoạn. “Xin chân tình thú thực với anh rằng trong khi định sang năm cho ra cuốn “Nhật ký” (sắp tới tôi sẽ cho đăng quảng cáo), tôi luôn luôn cầu Chúa để Người ban cho tôi trái tim trong sáng, ngôn từ trong sáng, vô tội, không đố kỵ, không gây hiềm khích – ông viết cho Aksakov vào tháng 11 năm 1880, tức là trước khi ông mất 3 tháng.
Trong cuốn “Nhật ký” này, nơi mà ngài de Vogue chỉ có thể nhìn thấy những bài ca khó hiểu, không thể phân tích nổi, không thể luận bàn về mặt logic thì, may mắn thay, nhân dân Nga đã nhìn thấy một cái gì khác, và có thể cảm nhận được rằng xung quanh sáng tác của Dostoevski, niềm mơ ước về sự thống nhất vốn đạt được không phải bằng bạo lực đã thực hiện.
Sự thống nhất đó và sự bối rối của những khối óc đã bộc lộ rõ khi mọi người được tin ông qua đời, và nếu như lúc đầu “những phần tử phá hoại của xã hội định dùng sức mạnh chiếm đoạt thân xác ông” thì ít lâu sau mới vỡ lẽ ra rằng “nhờ một trong số những phản ứng đột ngột ấy mà bí mật được khám phá ra cho nước Nga, khi tư tưởng dân tộc cổ vũ đất nước này, tất cả các kẻ thù, tất cả những mảnh giẻ vương vãi của đế chế được gắn kết lại với nhau bằng niềm phấn khởi chung”. Đó là những lời của ngài de Vogue và tôi vui mừng thấy rằng sau tất cả những ý kiến phê phán do công trình của ông ta đã làm dấy lên ở tôi, tôi có thể trích dẫn câu nói đầy lòng cao quý đó. “Nếu những ông vua đầu tiên của nước Nga được gọi là những người quy tụ đất nước Nga” – ông ta viết tiếp – thì vị quân vương này trong lãnh vực tinh thần là người quy tụ trái tim Nga”.
Nhờ Dostoevski sự thu gom sức mạnh như vậy cũng đã diễn ra ở châu Âu một cách chậm chạp, gần như là bí mật. chủ yếu là ở Đức, nơi tác phẩm của ông được xuất bản ngày một nhiều hơn, và ở Pháp, nơi thế hệ mới hiểu ông kỹ hơn và đánh giá ông cao hơn so với những người cùng thời đại với ngài de Vogue. Những nguyên nhân ngấm ngầm từng làm cho sự thành công của ông chậm lại sẽ bảo đảm độ vững bền cho sự thành công ấy.

ANDRÉ GIDE*


Lê Sơn (dịch) Theo tạp chí “Slovo”
*André Gide (1869-1951). Nhà văn Pháp - Giải thưởng Nobel về văn học (1947). “Người quy tụ trái tim Nga” là công trình nghiên cứu của Gide về Dostoevski, được công bố năm 1923.

Các Bài viết khác