NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NAM CAO VỚI KHÁT VỌNG SỐNG VÀ VIẾT

( 29-10-2015 - 11:29 AM ) - Lượt xem: 1467

Nam Cao là nhà văn tài năng, xuất sắc, nhưng lại có đời viết ngắn ngủi nói chung và đời sống văn nghệ nói riêng thật ít ỏi. Khối lượng tác phẩm mà ông để lại cho đời là rất khiêm tốn. Tuy nhiên, Nam Cao đã được định vị trong lịch sử văn học như một nhà văn lớn. Sự nghiệp sáng tác của ông gói trọn trong khoảng 15 năm (1936 – 1951), nhưng giá trị văn chương vẫn có sức lan tỏa mãi.Năm nay nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn, BBT gửi đến bạn đọc bài viết của PGS. Đoàn Trọng Huy với tựa đề "Nam Cao khát vọng sống và viết"

Nam Cao mang cốt cách một nhà văn – chiến sĩ mới, là một nhân cách lớn với khát vọng sống và viết mãnh liệt và cao cả.

***

SỐNG THẬT SỰ, LUÔN VƯƠN LÊN VỚI LÝ TƯỞNG CAO ĐẸP NHẤT

Trước Cách mạng, nhà văn đã sống cuộc sống vất vả, cực nhọc, gặp không ít khó khăn, khổ ải. Có được mảnh bằng có giá, nhưng thất nghiệp, Nam Cao đã sống cảnh khốn khó gieo neo của một anh giáo khổ trường tư. Sống mòn chính là cuốn tiểu thuyết mang đậm yếu tố tự thuật: “Cuộc sống quẩn quanh, nhỏ hẹp, tù túng, thiểu não của mấy anh tiểu tư sản nghèo là một cuộc sống mù xám c “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra””.

Đó chính là bi kịch sống mòn – cũng có nghĩa là chết mòn của một lớp người.

Thành thị và thôn quê chỉ là hai mảng sống, với những u ám, xám xịt của cuộc sống đau khổ một thời nô lệ. Nam Cao có một nửa cuộc đời ở làng quê – cái làng Vũ Đại nổi tiếng trong đời và cả trong văn. Ở đó là gia đình, vợ con, họ tộc, chòm xóm, làng quê nghèo khổ mà nạn đói đã có lúc lan tới, vợ con nhà văn đã phải ăn cháo hàng tháng để cầm hơivà một  đứa con đã chết đói.

Chính ở nơi đây, nhà văn đã chứng kiến bi kịch của những phận người trong cái xã hội đầy rẫy những bạc ác, những bất công. Đó là nơi hoành hành của bọn cường hào, ác bá – chúng ra sức bóc lột, bòn rút đến tận xương tủy người nông dân nghèo khổ và đàn áp những kẻ khốn cùng.

Chí Phèo là bản cáo trạng đanh thép của cái xã hội phi nhân ấy, mà Nam Cao là một chứng nhân lịch sử. Qua tác phẩm, nhân vật là cả một khát vọng sống làm người, sống lương thiện.

Học dở dang, Nam Cao phải đi kiếm sống tận Sài Gòn, giúp việc cho một hiệu may. Bị ốm nặng do bệnh tim và tê thấp, anh phải trở ra Bắc và tiếp tục tự học để thi đậu tấm bằng Thành chung.

Nam Cao đến với nghề viết như một cách kiếm sống nhọc nhằn thời ấy. Vốn liếng để viết chính là thực tế trải nghiệm xã hội và nhân tình thế thái con người với đủ mọi thành phần. Người cầm bút đã có quãng sống trần đời, sống sát sạt với một hiện thực tăm tối, mù xám của kiếp sống nô lệ.

Tất cả cuộc sống ấy sẽ hun đúc  khát vọng sống chân chính, làm nên một nhà văn hiện thực xuất sắc từ trước Cách mạng.

Từ 1943, Nam Cao đã gia nhập một tổ chức văn hóa cách mạng – Hội Văn hóa cứu quốc. Từ đây, nhà văn đã sống và nhìn cuộc đời theo hướng khác.

Đó là sống có trách nhiệm với con đường sống của dân tộc.

Nhật – Pháp bắn nhau, Nam Cao về quê và lao vào cuộc sống như cuộc chiến đầu tiên: lo tổ chức mặt trận Việt Minh, và tham gia cướp chính quyền ở huyện. Nhà văn trở thành một chủ tịch xã – là lớp cán bộ cách mạng đầu tiên ở cơ sở.

Nam Cao sống sôi nổi với không khí ào ạt, cuốn hút mới cách mạng.

Nam Bộ nổ súng kháng chiến, Nam Cao thuộc lớp nhà văn xung phong Nam tiến đầu tiên. Ông hăm hở xông vào mặt trận phía Nam.

Kháng chiến đã tạo ra một cách sống mới cho một thế hệ nhà văn. Riêng với Nam Cao, đó là cách sống với quan niệm thật đổi mới của một nhà văn đã từng bị tù túng, kìm hãm  trong xã hội cũ. Nhà văn đắm mình vào cuộc sống mới của cộng đồng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Sống tức là thay đổi -  lời nhân vật trong Sống mòn, cũng chính là quan niệm và ý thức sống của Nam Cao.

Sự thay đổi rõ rệt nhất là Nam Cao đã trở thành  nhà văn -  công dân. Nhà văn đã không ngần ngại làm bất cứ việc gì cần thiết và có ích cho cách mạng.

Ở Việt Bắc, Nam Cao cùng Tô Hoài làm cán bộ quần chúng, từng làm cán bộ phụ trách huấn luyện chính trị ở địa phương. Ông viết báo, viết tin, làm công tác  bình dân học vụ,... đủ cả. Nam Cao còn tham gia viết sách cùng với Văn Tân về những cuốn địa dư phổ thông: Địa dư các nước châu Âu (1948), Địa dư các nước châu Á, châu Phi (1949), Địa  dư Việt Nam (1950).

Nhà văn làm chuyến đi thực tế đồng bằng với ý định viết một cuốn tiểu thuyết mới về quê hương kháng chiến. Chiến dịch Biên giới bùng nổ, Nam Cao đi chiến dịch với bộ đội, viết Chuyện biên giới.Củng Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn đi công tác tới Khu Ba và dự Hội nghị văn nghệ Liên khu. Sau đó, Nam Cao tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp vào  vùng địch hậu. Bị phục kích, nhà văn đã anh dủng hy sinh cùng đồng đội.

Cuộc sống chiến đấu cùng nhân dân trong những năm đầu cách mạng và kháng chiến của Nam Cao đã thể hiện cốt cách của một nhà văn – chiến sĩ.

Nổi bật là đức tính kiên cường, quả cảm : nhà văn  thực sự lăn lộn trong cuộc sống đầy gian lao, khắc nghiệt và hiểm nguy. Đặc biệt, Nam Caoluôn là người đi đầu với vai trò chiến sĩ xung kích.

Chuyến đi công tác vào vùng địch hậu Khu Ba là chuyến đi định mệnh, Nam Cao là người đi ở chiếc thuyền đầu tiên trong cả đoàn thuyền, vượt khu trắng đêm ấy vào địch hậu. Chính Tô Hoài, bạn văn thân thiết chí cốt, đã kể lại chuyện này, nhưng từ lâu, trong nhiều dịp đã thấy được con người dũng cảm của người chiến sĩ Nam Cao.

Trước và sau Cách mạng, rõ ràng là Nam Cao đã có hai cuộc sống, hai cảnh sống và hai quan niệm sống khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn chung lại thì, trước sau Nam Cao đều là con người có nhân sinh quan tiến bộ, sống trung thực, luôn luôn có khát vọng sống cho ra sống, và hy vọng những đổi thay mang tính cách mạng.

Sau Cách mạng, Nam Cao đã sống hết mình, sống xứng đáng – là nhà văn biết sống và viết vì sự nghiệp của nhân dân trong cuộc đời mới và sớm trở thành một nhà văn kiểu mới như đòi hỏi của cách mạng.

VIẾT VỚI KHÁT VỌNG CHÂN – THIỆN – MỸ CAO NHẤT

Trước Cách mạng, Nam Cao viết  hai tác phẩm đặc sắc – Sống mòn Chí Phèo thể hiện hai hạng người tiêu biểu, là trí thức tiểu tư sản nghèo thành thị và nông dân  nghèo khổ, khốn  cùng ở nông thôn.

Qua đó, nhà văn đã bộc lộ rõ quan niệm sống, và nhất là viết thật đúng đắn và chính xác.

Trong Sống mòn, nhân vật Thứ đã tự phơi bày những bi kịch sống thảm hại của cá nhân – cũng là của một hạng người đông đảo trong xã hội – một cuộc đời mòn mỏi, tàn lụi ở một xó nhà quê: “Rồi y cũng sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống...”. Anh ao ước sống vượt lên cái tầm thường – cơm ăn, áo mặc: “Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống là phải làm thế nào phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại một chút gì cho nhân loại”.

Ý nghĩ này thể hiện đỉnh cao tuyệt đẹp của tư tưởng nghệ thuật Nam Cao.

Nhà văn quan niệm phải sống tận lực, sống triệt để sức lực và khả năng bản thân. Chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao đã mang màu sắc cách mạng, hơn hẳn chủ nghĩa nhân đạo truyền thống, kể cả chủ nghĩa nhân đạo tư sản là ở khát vọng giải phóng triệt để con người, giải phóng thân phận nô lệ để trở thành con người tự do, được phát triển hết mình. Đó là quan niệm chính xác của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản theo học thuyết Mác.

Lại nữa, quan niệm danh phận con người cũng vượt hẳn cái chí của Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Với Nam Cao, khát vọng đã ở phạm vi thế giới, mang tầm nhân loại. Nói cách khác, đó là sự đóng góp “chút gì” giá trị cho văn hóa, văn minh nhân loại.

Nhân sinh quan ấy đã thực sự vượt thời gian rất xa, như một dự cảm chính xác để mang tầm tư tưởng thời đại mới – thời đại của độc lập, tự do của đất nước phát triển, hội nhập toàn cầu ngày nay.

Trước Cách mạng, Nam Cao đã là nhà văn dấn bước mạnh mẽ trên con đường của chủ nghĩa hiện thực.

Trăng sáng được coi là tuyên ngôn viết của Nam Cao: “Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lần than”. Với quan niệm ấy, nhà văn đã viết về những kiếp người sống đau khổ, quằn quại dưới đáy xã hội – kiếp sống của những người nghèo khổ bị áp bức cùng cực ở nông thôn.

Mặt khác, nhà văn cũng miêu tả cuộc đời khốn khổ, tù túng, quẫn bách của tiểu tư sản trí thức và lao động nghèo ở thành thị. Nhà văn nêu lên bản cáo trạng về một xã hội phi nhân trong chế độ thực dân nửa phong kiến một thời.

Nam Cao đã kiên quyết dứt bỏ ảnh hưởng văn học lãng mạn buổi đầu, và đoạn tuyệt với thứ văn chương thi vị hoá  cuộc sống đau khổ, xa lạ với đời sống lầm than cuả người lao động. Nhà văn đã gián tiếp phê phán và đưa ra quan niệm viết tiến bộ.

Nam Cao xuất hiện trong giai đoạn cuối của chủ nghĩa hiện thực phê phán –giai đoạn  đang đi vào con đường bế tắc. Cùng với Tô Hoài,  nhà văn đã mở ra một hướng mới được gọi là chủ nghĩa hiện thực cách mạng.

Đời thừa (1943) đã khẳng định một cách viết mới, định hình cho một tác phẩm kiểu mới: “Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi, ca tụng tình yêu bác ái, công bằng”. Từ đây đã có đề xuất về lương tâm và nhân cách của một nhà văn chân chính.

Như vậy, qua các “tuyên ngôn” viết, ta đọc được lý tưởng chân – thiện – mỹ cao đẹp của người viết.

Thời kỳ đầu Cách mạng và kháng chiến, Nam Cao đã viết theo một quan niệm xác định rất chính đáng.

Nhật ký Ở rừng (1948) chủ trương : “Sống đã rồi hãy viết” “góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho  một nghệ thuật cao hơn”. Nhà văn viết cả báo tay, báo tường  cho đơn vị trong chiến dịch Cao – Bắc – Lạng, làm ca dao, hò vè để tuyên truyền khi đi công tác thuế nông nghiệp.

Suy nghĩ này đồng nhất với ý tưởng của Trần Đăng .Nhà văn chủ trương hãykhoan làm những bức sơn mài mà làm ngay những bức ký họa chân thực về hiện thựckháng chiến. Nam Cao cũng nghĩ rằng, phải sẵn sàng tạm hy sinh thứ nghệ thuật cao siêu để tập trung phản ánh kịp thời những sự kiện lịch sử.

Đôi mắt (1948) đã là tác phẩm chất lượng cao, và qua đó cũng tiếp tục là một tuyên ngôn nghệ thuật mới. Đó là một đề xuất về cách nhìn, quan điểm viết của nhà văn – qua đối chiếu “đôi mắt” của Hoàng và Độ: không thể có thái độ bàng quan, đứng bên lề kháng chiến mà phải thực sự dấn thân, thâm nhập vào cuộc sống.

Đi, sống và viết là công thức của văn nghệ sĩ kháng chiến, và Nam Cao đã thực hiện nó một cách nghiêm chỉnh và hết mình. Chuyến đi vào vùng địch hậu  Khu Ba là để sống, lấy tư liệu viết cuốn tiểu thuyết lớn về quê hương nhà văn hằng ao ước.

Đó là chuyến đi mà mạng sống “nghìn cân treo sợi tóc” – trong sự vây ráp, giết chóc, khủng bố của giặc. Phải đắm mình vào thực tế ấy để viết. Khát vọng viết của nhà văn thật cháy bỏng.

Mặc dù đùa cợt với nguy hiểm, nhà văn vẫn thắp sáng niềm  hy vọng: “Nếu giời còn chứng sống và không bị bắt, tôi sẽ dự hội nghị tổng kết. Viết được gì sẽ viết...”. Và Nam Cao  đã ngã xuống như một anh hùng.

Đạt tác phẩm đỉnh cao vẫn là nguyện ước sâu thẳm của Nam Cao từ lâu trong đời viết. Tô Hoài kể, nhiều lần chuyện vui hay quá chén, Nam Cao rung đùi bốc lên, tưởng như coi trời bằng vung: “ Gorki cũng xoàng, Lỗ Tấn thì khá một tí. Mình sâu tý nữa thì có thể kịp Tsekhov”.

Đời tha (1943) khẳng định một tác phẩm văn học phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người.

Vậy là, đã rõ, Nam Cao có khát vọng chính đáng – phải đạt những đỉnh cao nghệ thuật tầm cỡ thế giới. Chủ đề, triết lý và nhân vật phải mang  tầm nhân loại.

Ngay từ trước kia, một văn sĩ trong tác phẩm đã mơ về giải thưởng Nobel văn chương. Anh ta nói lên hộ  cái khát vọng thật cao cả và thiết tha của Nam Cao. Khát vọng ghê gớm ấy, nhà văn nào ngày nay  dám công khai tuyên bố ?

Nêu cao vọng cho đời viết, nhưng Nam Cao lại biết khiêm tốn thực hiện  một lộ trình trên con đường còn dài dặc và đầy chông gai, thử thách.

Bước đầu là sự thống nhất sống và viết về những yêu cầu trước mắt của sự nghiệp chung. Sống và viết là vì Tổ quốc, nhân dân, chủ nghĩa nhân đạo phải gắn liền với chủ nghĩa yêu nước.

Viết cái gì có ích là mục tiêu tối cao trước hết.Nhà văn đã vượt lên được những băn khoăn, dằn vặt: “Tôi viết như vậy (những cái tin  ngắn, những câu ca dao mộc mạc – BT) có thể làm hỏng lối văn tiểu thuyết đã có ít nhiều người yêu thích của tôi” [1, tr 21]. Và khẳng định: “Bây giờ tôi thấy yên lòng về những bài  con con của tôi hơn... Nhưng nó làm cho người đọc hiểu biết hơn…nó đẩy họ cùng hăng hái giúp ích cho cuộc kháng chiến…gọi cho họ những việc họ  có thể làm để giúp ích cho kháng chiến.Tôi chỉ mong có thế.”[1,tr 21]. Nguyễn Đình Thi từng nhận xét Nam Cao ngày đầu kháng chiến: “ Anh nắm cổ nghệ thuật của anh, bắt nó phục vụ cho cuộc chiến đấu sống chết của dân tộc”[1,tr48].

Ngoài Chí Phèo (1941), sáng tác của Nam Cao tập trung vào Đôi mắt (tập truyện - 1954), Chuyện Biên giới (ký -1951), Sống mòn (tiểu thuyết -viết 1944, in 1956).

Sau này, còn có các Tuyển tập Nam Cao (I, II) của Phong Lê (1980) và Hà Minh Đức (1997). Gần như đã có sự tổng hợp các sáng tác trước và sau Cách mạng, làm nên một gia tài văn học của Nam Cao.

Chủ nghĩa nhân đạo cách mạng thấm đẫm trên các trang viết như đặc sắc tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt cuộc đời sáng tạo của nhà văn. Đó là những tácphẩm với khát vọng là “tác phẩm chung cho cả loài người. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình,... Nó làm cho người gần người hơn”như một tuyên ngôn trước kia

Đối tượng sáng tạo của nghệ thuật mới được xác định. Qua Đôi mắt, Nam Cao phát hiện ra nhân dân, quần chúng. Hình tượng con người quần chúng  nhiều bình diện chính là sự phát hiện và sáng tạo của nền văn học mới. Nam Cao đã dự báo sự xuất hiện  của nhân vật trung tâm trong thời đại văn học cách mạng.

Trên phương diện nhân vật, Nam Cao vẫn phát huy được thế mạnh là khai thác con người trong con người. Nhân vật mang lưỡng tính từ Chí Phèo đã có sự biến hóa mới.

Trong Đôi mắt, có sự phân hóa nhân vật rõ rệt qua hai nhà văn Độ và Hoàng. Tuy nhiên, chiều sâu ở đây chính là sự phân thân vào hai tính cáchnhân vật.

Trong Hoàng có Độ: đó là những nhược điểm còn rơi rớt trong chính con người Độ. Cũng như Hoàng, những nhận xét về mặt còn yếu kém của người nông dân là chính xác như ý nghĩ sâu xa của Độ. Tuy nhiên, trong nhận định chung, thì chính họ - những quần chúng bình thường sẽ làm nên sự việc vĩ đại.

Nam Cao từng nhấn mạnh ý nghĩa sáng tạo trong nghệ thuật viết qua nhân vật Hộ ở Đời thừa: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có”. Nhà văn đồng thời lên án thứ văn chương “vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường, quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”. Nam Cao nổi lên như một người  mạnh dạn cách tân và hiện đại hóa văn xuôi về mặt thể loại.

Truyện ngắn Nam Cao đạt thành tựu xuất sắc. Sống mòn là một tiểu thuyết riêng, khác biệt nhiều với các tiểu thuyết đương thời. Đây cũng là loại tiểu thuyết đậm đặc chất tự truyện và thể hiện một thế giới nội tâm đa sự, phức tạp. Nó được coi là cuốn tiểu thuyết đa thanh, phức điệu tiêu biểu.

Trên khuynh hướng đó, Nam Cao cũng được coi là nhà văn thành công đặc sắc về chủ nghĩa hiện thực tâm lý. Đóng góp độc đáo suốt một đời viết đã hình thành phong cách nhà văn hiện thực tâm lý, hiện thực nhân bản Nam Cao”.

***

Nam Cao là nhà văn một đời mang khát vọng tha thiết và cao cả về sống và viết.

Khát vọng sống đã trở thành hiên thực cao đẹp.Nam Cao đã sống xứng đáng như một nhà văn – công dân gương mẫu,  nhà văn – chiến sĩ quả cảm, và đã hy sinh anh dũng, trở thành nhà văn – liệt sĩ  anh hùng

Sự nghiệp viết của nhà văn đã được tưởng lệ với giải thưởng cao quý – Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật, như vòng hoa thật đẹp vinh danh nhà văn một đời cầm bút vì con người, vì nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại.Trong chừng mức nhất định, khát vọng viết cao đẹp cũng đã đạt  được những đỉnh cao đáng kể có thể so sánh ở phạm vi toàn cầu. Đã có sự sắp xếp Tsekhov và Nam Cao trong một sáng tác hiện thực kiểu mới, mối gặp gỡ giữa Gorki và Nam Cao, rồi  liên hệ Nam Cao với Lỗ Tấn qua Chí Phèo và AQ [1, tr163-170; tr 171-174; 248-253].

Tóm lại, đã có sự xác định cũng là vinh danh nhà văn ở tầm thế giới như ước vọng của nhà văn ngày nào tưởng như là quá đáng,  

CHÚ THÍCH

(*) PGS. TS Đoàn Trọng Huy, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nhiều tác giả (1998), Nam Cao Về tác gia và tác phẩm – Giáo dục.

 

Các Bài viết khác