NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT VÀI CẢM TƯỞNG KHI ĐỌC TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN KHOA ĐĂNG

( 19-11-2023 - 04:32 PM ) - Lượt xem: 769

Đầu năm 2023 vào lúc “nông nhàn” tôi tranh thủ đọc một loạt tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng như: Nước mắt một thời, Ngõ tre rì rào, Hoàng hôn lạnh, Mây chiều bảng lảng... Giống nhiều con mọt sách trong nhân gian, tôi thích nhất hai tiểu thuyết “Nước mắt một thời” và “Hoàng hôn lạnh”. Và để lại một tình cảm đặc biệt với tác phẩm “Ngõ tre rì rào” bởi số phận nghiệt ngã của nhân vật Thiệp – liệt sĩ/tử sĩ của hai chế độ đối kháng nhau trong chiến tranh; suy cho cùng, Thiệp là anh hùng trong mắt các chiến binh Việt ở cả hai bên chiến tuyến?

Văn của bác Nguyễn Khoa Đăng nhẹ nhàng đến như gió thoảng, chốc chốc lại nổi lên quạt một cái thật dào dạt vào cánh đồng làng tạo nên sóng lúa trên biển vàng, làm cho ngõ tre gần đó xôn xao hát theo rì rào, rì rào...

Đầu năm 2023 vào lúc “nông nhàn” tôi tranh thủ đọc một loạt tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng như: Nước mắt một thời, Ngõ tre rì rào, Hoàng hôn lạnh, Mây chiều bảng lảng... Giống nhiều con mọt sách trong nhân gian, tôi thích nhất hai tiểu thuyết “Nước mắt một thời” và “Hoàng hôn lạnh”. Và để lại một tình cảm đặc biệt với tác phẩm “Ngõ tre rì rào” bởi số phận nghiệt ngã của nhân vật Thiệp – liệt sĩ/tử sĩ của hai chế độ đối kháng nhau trong chiến tranh; suy cho cùng, Thiệp là anh hùng trong mắt các chiến binh Việt ở cả hai bên chiến tuyến?

   Tôi sinh ra trong một gia đình có ông ngoại là nạn nhân bị chết oan trong biến cố lịch sử của dân tộc. Có lần bà ngoại kể rằng, bà và một người bạn khác cũng có chồng chết oan sang Hà Nội, nhiều lần xin vào gặp cụ Hồ để hỏi cho ra nhẽ. Chờ mãi, cuối cùng cụ Hồ tiếp bà bạn, sau đó bà ấy về nhà thuật lại rằng: Cụ Hồ tự tay bưng cốc nước mời khách, nhưng nước trong cốc cứ sóng sánh trào ra... Bà kia vội đứng lên chìa tay đỡ lấy cốc nước đã vơi và lời của cụ Hồ: “Nước đổ rồi khó mà lấy lại được...”. Nghe tới đây, bà bạn cảm ơn cụ Hồ đã đón tiếp rồi chúc Cụ sức khỏe và ra về; mấy hôm sau kể lại với bà ngoại tôi như vậy. Còn bà ngoại tôi, từ ngày ông bị giết oan cứ vào lúc ngồi không lại khóc dấm dứt, sụt sùi mãi thành ra mắt mờ, lòa dần như Lục Vân Tiên khóc mẹ... Nên tôi ít nhiều cảm nhận được hoàn cảnh nhà văn Nguyễn Khoa Đăng viết “Nước mắt một thời” và “Hoàng hôn lạnh” trong làn nước mắt của một văn nhân khi ông phải nhớ lại sự kiện cải cách ruộng đất (CCRĐ) sau nửa thế kỷ.

Có thể nói, hầu như các tác phẩm viết về CCRĐ đều có những tình tiết, tình huống và tình cảm khá giống nhau, bởi biến cố xảy ra bắt nguồn từ cùng một chính sách, đường lối lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Thời ấy đã sinh ra một tầng lớp lãnh đạo bần cố nông man rợ, được điều khiển bởi những cán bộ cải cách gọi là ông Đội trong câu nói “Nhất Đội nhì Giời”, mà ông Giời thì chưa ai thấy bao giờ.

Các nhà văn mổ xẻ CCRĐ dưới các góc nhìn, ở nhiều cấp độ nhưng lại hao hao về bố cục của nội dung, chỉ khác nhau ở phần nghệ thuật viết văn. Đặc biệt là những đoạn (trang) văn mô tả về bối cảnh và phong cảnh miền quê Bắc Bộ, sự trả thù tàn bạo của những kẻ mù chữ, sự tàn độc của những kẻ có chữ là những ông Đội, sự tham lam và dâm dục của kẻ nắm quyền sinh sát là ông Đội và đám tay chân; và nhiều cái sự oái ăm, ấu trĩ khác mà ngày nay nghĩ lại vẫn sởn da gà, dựng tóc gáy.

Như các tác phẩm viết về CCRĐ, “Nước mắt một thời” đã lột tả được những cái sự kia, nhưng lại không bị cấm xuất bản như các tác giả khác. Là vì, ông viết nhẹ nhàng nhưng không kém sâu sắc, sâu cay... lại còn biết tha thứ. Nghe kể rằng, còn là do người biên tập (nhà văn nổi tiếng Tạ Duy Anh) điều chỉnh câu cú, cắt bớt những đoạn quá ư là nhạy cảm. Nếu tái bản, tôi sẽ đề nghị tác giả viết lại phần nhận lỗi của Đảng và cụ Hồ về CCRĐ. Bởi bây giờ thoáng hơn, không cần thiết phải đưa vào như một yếu tố để có được giấy phép xuất bản.

Trong tác phẩm này, nhà văn xây dựng thành công một tình yêu mong manh... tưởng như sẽ tan vỡ... hóa ra là vỡ oà trong nước mắt của hai nhân vật “Tôi” và “Én”. Tình yêu này là một mạch văn có mầu hoa đào xuyên suốt tác phẩm nói lên bản chất nhân ái của dân tộc ta, chứ không phải như cố nhà văn nào đó đã nhầm lẫn, cay cú cho rằng: sự tàn bạo là bản chất của người Việt.

Chính vì thế, không như các tác giả khác chỉ nhìn thấy mầu xám xịt của nông thôn, Nguyễn Khoa Đăng vẫn thấy được cái đẹp thơ mộng của làng quê Việt trong những đêm dài đen tối ấy. Đó mới là cái nhìn khách quan của người cầm bút, chẳng thể để cảm xúc tức giận, căm thù chen vào làm quên đi truyền thống văn hóa yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn – Được thể hiện ở những đoạn tả cảnh đẹp như những áng văn mà không phải văn nhân nào cũng có được trong sự nghiệp cầm bút của mình. Trong cái màn đêm u tịch, nước mắt một thời đầy bi kịch, đau đớn ấy không phải ai cũng tỉnh thức để nhớ ra cái đẹp muôn thuở là thứ cứu rỗi linh hồn hiệu nghiệm nhất. Thử đọc một đoạn ở trang 10 trong “Nước mắt một thời”:

Mùi thơm hoa ngâu ngập tràn không khí khiến cả khu vườn lúc nào cũng như được ướp hương. Rồi cái giậu bằng ruối cũng thế, quả chín vàng rực như những giọt mật ong1, lấp ló trong đám lá cây hàng trăm ngọn đèn nhỏ xíu. Lại nữa, hai bên cổng ra vào là những bụi tầm xuân, mùa này hoa đang nở rộ tươi tắn hồng hào, thứ hoa lúc nào cũng gợi cho người thưởng ngoạn ý nghĩ thấy cần phải có sự công bằng trong sự đánh giá thang bậc các loài hoa. Rằng tầm xuân đẹp không thua kém gì hoa hồng mà sao phải chịu số phận đắng cay thế, một bên cứ suốt đời lính gác, làm giậu, một bên chuyên sống trong chậu cảnh sang trọng, chúa dấu vua yêu, trai thanh gái tú nâng như nâng trứng mỏng...

Áng văn và câu thơ đắt là tiêu chí nghệ thuật thuộc loại đỉnh cao. Tiêu chí này tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là chuyện khó với tới của nhiều văn nhân và thi sĩ. Tôi đánh giá cao phần nghệ thuật viết văn và năng khiếu viết văn của Nguyễn Khoa Đăng trong tiểu thuyết “Nước mắt một thời” hơn hẳn những nhà văn nổi tiếng khác, kể cả một số người từng học trường viết văn Nguyễn Du. Nếu ông làm thơ chắc chắn sẽ trở thành thi sĩ có hạng. Vì trong áng văn của ông có chất thơ, bởi giọng văn của ông khá mượt mà, đọc đến đâu trôi tuột đến đấy; nó không ngắc ngứ như một vài nhà văn đoạt giải thưởng này nọ.

Ở một góc cạnh nhạy cảm khác...

Trong phim ảnh và tiểu thuyết thường có những màn diễn hoặc tả cảnh làm tình. Căn cứ vào cách miêu tả sex này có thể chia tiểu thuyết thành các loại như phim ảnh.

Chẳng hạn, điện ảnh có “phim cấp ba” thì tiểu thuyết cũng có “tiểu thuyết cấp ba” – lấy khiêu dâm làm chủ đề câu khách. Nghệ thuật thứ bảy còn có “diễn viên cấp ba”, trong viết văn tất sẽ có “nhà văn cấp ba” để phân biệt trình độ với những tác giả thuộc đẳng cấp I & II. Nếu đẳng cấp I thuộc về triết học, thì các tiểu thuyết như “Nước mắt một thời”, “Ngõ tre rì rào” của Nguyễn Khoa Đăng cho thấy ông thuộc đẳng cấp II bởi hình ảnh sex trong tác phẩm của ông không hừng hực nhưng vẫn đầy gợi cảm nhục dục, rung động trái tim hơn là rung động bản năng “hùng hục như trâu húc mả” của những tác giả bị nhiễm vi trùng “Bệnh hoạn” (maladie) hoặc virus “Thô bỉ” (vulgaire) hoặc vi khuẩn “Tục tĩu” (obscène). 

Có những câu chuyện, từ ngữ có thể nói trong lúc trà dư tửu hậu, bông phèng khi chém gió vỉa hè đạt đến độ tán thưởng ầm ĩ, cười nắc nẻ với nhau... nhưng không thể mang nó vào văn chương, vì maladie - vulgaire - obscène chưa bao giờ được xem là nghệ thuật, kể cả đó là nghệ thuật nói tục giảng thanh. Chúng ta cùng thưởng lãm một đoạn sex ở trang 33-34 trong “Nước mắt một thời”:

Vừa nói Én vừa có ý muốn bỏ chạy. Và rồi Én bỏ chạy thật. Nàng tuột khỏi tay tôi. Không còn cách nào tôi chỉ còn biết nhanh như con sóc nắm lấy tà áo của Én kéo lại. Thế là, xoạc một cái, áo và người bị phân ly để phần chạy đi là tấm thân trần nõn nà, căng tràn sức sống, phần còn lại trong tay tôi là mảnh áo rách của Én. Không còn cách nào khác, Én buộc lòng phải quay lại với tôi. Tôi lấy cái áo cũ của người em họ tôi khoác hờ lên cơ thể Én. Khuôn ngực thanh xuân lồ lộ dưới ánh trăng. Ôi, tạo hóa ơi, Người thật vĩ đại, thật tài hoa khi Người tạo ra cho loài người báu vật có một không hai này. Tình yêu rồi cả dục vọng nữa thôi thúc tôi phải nhanh chóng chiếm lĩnh lấy kỳ quan ấy. Nhưng tôi đâu dám....

Ở tiểu thuyết “Ngõ tre rì rào” (NTRR), mặc dù đã được nghe tóm tắt câu chuyện liệt sĩ hai chế độ, nhưng tác phẩm vẫn hấp dẫn tôi qua lối miêu tả nhân vật, phản ánh đúng tâm trạng của một người hiểu biết tâm lý, am tường các kiểu người, rành rẽ phong tục tập quán... Khiến người đọc cảm nhận (hoặc nhầm lẫn) tác giả chính là một trong những nhân vật của truyện, chứ không phải chỉ đơn thuần là một nhà văn đi thâu lượm ngữ liệu.

Bằng tiểu thuyết “Hoàng hôn lạnh” (HHL) với motip nghệ thuật mang hình thái triết học mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn giữ được chất triết luận khá là sâu sắc... thì tác giả Nguyễn Khoa Đăng đã vô tình bước vào bậc thềm ngôi nhà có tác phẩm thuộc về Đẳng cấp I. Dẫu HHL chưa bước ra khỏi dòng văn học Giải Trí (literary line entertainment), nhưng HHL đã khơi dậy ở người đọc những ý niệm tâm linh Nhân quả/Nghiệp quả/ Nghiệp chướng – một đặc điểm cơ bản của dòng văn học Thay Đổi (literary line change). Do đó có thể nói, HHL là bước chuyển biến mới trong cách viết của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

Đã có người làm luận văn thạc sĩ về tác phẩm “Nước mắt một thời”. Dẫu chưa đọc luận văn đó, tôi vẫn cảm thấy tác phẩm và tác giả Nguyễn Khoa Đăng có nhiều cái để khám phá về nghệ thuật viết văn. Chắc chắn, hơn hẳn một nhà thơ nổi tiếng từng có đến 4-5 luận văn thạc sĩ & tiến sĩ viết về tác phẩm của ông ta; bởi một điều đơn giản, thơ của ông ấy chỉ ngang tầm đọc được, hiếm có bài hay, chẳng có nổi một câu thơ đắt trong sự nghiệp.

Đặc biệt trong cuộc đời Nguyễn Khoa Đăng, ông có ba năm làm “thầy cãi” – lăn lộn khắp các vùng sâu vùng xa An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao, Giồng Riềng... để hỗ trợ pháp lý cho nông dân nghèo. Từ năm 1989 đến 1992, do chưa có luật sư, nên tỉnh Kiên Giang phải thành lập Đoàn bào chữa viên. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng là một trong 20 thành viên của Đoàn bào chữa viên tỉnh Kiên Giang và ông là người được tín nhiệm ra tòa nhiều nhất2. Chỉ bấy nhiêu thôi đã cho ta hình ảnh một Nguyễn Khoa Đăng dấn thân, làm nên sự khác biệt với vô số văn nhân khác đã và đang khiếp sợ cái ác, co dúm vào vỏ ốc, vô tâm trước những bất công đang xảy ra hàng ngày trong xã hội.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng không chỉ để lại những tác phẩm văn xuôi có giá trị cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Chỉ cần nghe qua những cái tựa sách như “Nước mắt một thời”, “Hoàng hôn lạnh”, “Ngõ tre rì rào”, “Mây chiều bảng lảng”, “Nước xanh biêng biếc”, “Giai điệu xanh”, “Khói đốt đồng”, “Đội nón cho cây”... người ta đã cảm nhận được phần nào chữ nghĩa đậm chất văn hơn người của ông, với đặc điểm giầu chất thơ.

Chẳng thế mà, ngay từ năm 1966 lúc Nguyễn Khoa Đăng mới 25 tuổi đã có bài thơ “Mùa lúa chín” được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ thành ca khúc “Em đi giữa biển vàng” – được bầu chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX do Hội nhạc sỹ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam bình chọn năm 2000... Để người đời sau còn nhớ mãi, nhắc mãi về ông khi nghe đài, tivi hay một bé gái hàng xóm bỗng cất lên tiếng hát: Em đi giữa biển vàng... Nghe mênh mang trên đồng lúa hát... Hương lúa chín thoảng bay3...

Cái gọi là nổi tiếng trong văn đàn Việt Nam...

Bên cạnh số ít văn nhân nổi tiếng do tài năng thực sự, cũng tồn tại một số không nhỏ nhà văn nhà thơ “nổi tiếng” nhờ vị trí quản lý trong xã hội – chức vụ, hàm phẩm đã bắn họ bay lên lơ lửng ở tầm cột điện cao thế, ngồi đấy như một em ngáo đá... Ngược lại, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng với bài hát “Em đi giữa biển vàng” lại nằm ở một phương diện khác mang tính nghệ thuật cùng với Trần Đăng Khoa bài “Hạt gạo làng ta”, Hoàng Cầm bài “Lá diêu bông”, Xuân Quỳnh bài “Thơ tình cuối mùa thu”... thực sự làm lay động lòng người. Vào lúc tiếng hát cất lên người ta lại nhận ra tác giả của lời thơ được phổ nhạc. Và hơn hết, nhân gian lại được nhìn thấy đâu đó nhân cách của một nhà văn đúng nghĩa văn nhân tài hoa!

Bảng liệt kê một số “Hình tượng nghệ thuật nổi bật”4 dưới đây như là thương hiệu của tác giả, thể hiện sự cống hiến của các văn sĩ cho sự nghiệp văn chương Việt Nam, trong đó có đóng góp của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

TT

HỌ TÊN

HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT NỔI BẬT

1

Nguyễn Du

•Vầng trăng ai sẻ làm đôi

•Trải qua một cuộc bể dâu

2

Hồ Xuân Hương

•Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

•Một lạch đào nguyên suối chửa thông

3

Hàn Mặc Tử

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

4

Hồ Chí Minh

Trăng vào cửa sổ đòi thơ

5

Tố Hữu

Có con người từ chân lý sinh ra

6

Xuân Diệu

Yêu là chết trong lòng một ít

7

Lưu Trọng Lư

Tiếng thu (...đạp lên lá vàng khô...)

8

Hoàng Cầm

Lá diêu bông

9

Trần Đăng Khoa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

10

Nguyễn Khoa Đăng

•Em đi giữa biển vàng •Đội nón cho cây •Ngõ tre rì rào •Hoàng hôn lạnh

 

Vào những buổi chiều trước năm 1975 ở ngoài miền Bắc, mấy cái loa phóng thanh (bây giờ người ta chế diễu gọi là loa phường) lại cất lên tiếng hát “Em đi giữa biển vàng” vang vang khắp thôn làng ngõ xóm. Ký ức ấy không thể nào phai trong tâm trí của nhiều người. Mỗi khi chợt nghe em đi giữa biển vàng nghe mênh mang trên đồng lúa hát, hương lúa chín thoảng bay...không chỉ...làm lung lay hàng cột điện, làm xao động cả rặng cây3... còn làm xáo động cả tâm hồn tôi. Trong phút chốc bài hát đã đưa tôi về tới cánh đồng tuổi thơ có hương lúa trĩu trong lòng tay như đựng đầy mưa gió nắng, như mang nặng giọt mồ hôi của bao người nuôi lúa lớn lúa ơi3...

---------------------------------------------------------------------

(Võ Xuân Tòng, SG: 23/10/2023)

▪ Chú thích:

(1): Nguyên văn đoạn này ở trang 10: “Rồi cái giậu bằng ruối cũng thế, vàng rực quả chín, lấp ló trong đám lá cây hàng trăm ngọn đèn nhỏ xíu”. Trang 20 có “Vào mùa xuân quả chín vàng rực...[...]...những chùm quả ruối chín vàng như những giọt mật ong”, nên mạo phép tác giả ghép vào: “Rồi cái giậu bằng ruối cũng thế, quả chín vàng rực như những giọt mật ong, lấp ló trong đám lá cây hàng trăm ngọn đèn nhỏ xíu” để bạn đọc cảm nhận được đầy đủ sự tinh tế của nhà văn khi tả về cây ruối, chứ không phải là sửa/bổ sung câu văn của ông – làm một thí dụ minh họa cho bài viết;

(2): Đoạn văn trích từ: https://www.vietnamplus.vn/ vinh-biet-nha-van-nguyen-khoa-dang-tac-gia-em-di-giua-bien-vang/820132.vnp;

(3): Là lời thơ của bài hát “Em đi giữa biển vàng”;

(4): Bảng liệt kê này mang tính gợi ý, minh họa, chưa phải là một nghiên cứu (khảo sát) đầy đủ về tác quyền “Hình tượng nghệ thuật nổi bật” trong sự nghiệp của tất cả các nhà thơ Việt Nam. Cũng như chưa phải là sự đánh giá về thang bậc của “Hình tượng nghệ thuật nổi bật”; theo chủ quan của tôi, hiện nay “Lá Diêu Bông” vẫn là đỉnh?

VÕ XUÂN TÒNG

 

Các Bài viết khác