NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT KỶ NIỆM VỚI NHÀ XUẤT BẢN MAI LĨNH

( 17-04-2018 - 08:40 PM ) - Lượt xem: 913

Vậy là tôi đã chịu ơn tác giả và nhà xuất bản nhờ một cơ duyên từ cái rương sách được gửi ở nhà cha mẹ tôi trong những tháng ngày chiến tranh đang ác liệt ở một vùng quê khu Bốn.

Gọi là “kỷ niệm” có quá chăng, khi mà tôi chỉ tiếp xúc với một cuốn sách của nhà Mai Lĩnh in từ 1941. Đó là vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi tôi đang học năm cuối cấp hai trường làng Thạch Linh (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Trong nhà tôi có một cái rương của một thầy giáo dạy văn cấp ba nơi cha tôi làm việc gửi nhờ. Thầy bảo cái rương đó đựng sách quý và cha tôi bảo tôi không được tự tiện mở xem. Ngày qua tháng lại cái rương để trong buồng, mỗi lần ra vô tôi nhìn nó và thấy tò mò. Những sách quý gì ở trong đó nhỉ? Cũng xin nói là cha tôi rất chịu khó mua sách văn học cho tôi vì thấy tôi có thiên hướng văn. Tiền lương viên chức hồi ấy của cha 60đ/tháng nuôi cả gia đình năm người mà có tháng cha trích ra đến mười đồng để cho tôi mua sách. Cha biết tôi ham đọc sách nên ông phải ngăn trước thằng con lục lọi cái rương sách được gửi ở nhà để giữ lời hứa với người đồng nghiệp. Nhưng rồi cái tính tò mò của một cậu học sinh thích sách trong tôi đã vượt lên lời dặn của cha. Một hôm tôi đã cậy cái rương ấy ra.

Đến bây giờ đã nửa thế kỷ qua tôi vẫn không thể nói hết cái bất ngờ ngơ ngác của mình khi nhìn vào những cuốn sách có trong rương hiện ra trước mắt. Đó hầu hết là những cuốn sách in trước 1945 như “Thi nhân Việt Nam” (Hoài Thanh – Hoài Chân), “Bướm trắng” (Nhất Linh), “Làm đĩ” (Vũ Trọng Phụng), “Thi văn bình chú” (Ngô Tất Tố)…, cuốn nào cũng có đóng dấu hai chữ “Hương Sa” như là tên hiệu của chủ nhân sách. Khỏi nói là tôi đã vồ lấy từng cuốn mà đọc, dẫu là phải đọc lén cha, nhất là vào buổi đêm sau khi cha đã đi nằm và tôi đã làm xong bài vở. Tôi đã thuộc bài thơ “Nghỉ hè” của Xuân Tâm ngay từ hồi đó sau khi đọc “Thi nhân Việt Nam”. Đọc “Bướm trắng” tôi chưa hiểu lắm. Đọc “Làm đĩ” tôi thấy khiếp. Và đọc “Thi văn bình chú” thì tôi thích thú.

“Thi văn bình chú” cuốn một in năm 1941 ở nhà Mai Lĩnh đã lần đầu cho tôi biết đến văn học trung đại nước nhà qua sự bình chọn chú giải của nhà nho Ngô Tất Tố. Có thể nói nó đã đặt nền móng cho lòng yêu văn học cổ của tôi và cho đến khi vào học khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, vốn hiểu biết của tôi về các tác gia văn học thời trước là từ cuốn sách này. Tôi đã thuộc ngay bài “Tự thán” tương truyền của Nguyễn Trãi, bài “Đèo Ngang” và bài “Đề miếu nàng Trương” của Lê Thánh Tông, bài “Sai thằng Cam” (Nguyễn Gia Thiều). Bài “Đèo Ngang” mãi về sau này vẫn không thôi làm tôi ngạc nhiên, nhất là khi so với bài “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, ở ngôn ngữ thuần Việt của nó, mà còn là thuần Việt theo kiểu nói của người miền Trung nữa, khiến tôi cũng có mối ngờ như Ngô Tất Tố là bài đó chưa chắc đã của ông vua sáng tác thế kỷ XV. Bài “Sai thằng Cam” thì đến nay lại càng thêm có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh phê bình văn học sinh thái đang được quan tâm. Ông Đầu xứ Tố cũng đã khơi gợi cho tôi cách bình văn qua cách ông phẩm bình những tác phẩm được chọn. Tôi nói thế là để nói rằng “Thi văn bình chú” của Ngô Tất Tố là một cuốn khảo cứu có giá trị và nhà Mai Lĩnh in ra cuốn đó là một việc làm giá trị.

Vậy là tôi đã chịu ơn tác giả và nhà xuất bản nhờ một cơ duyên từ cái rương sách được gửi ở nhà cha mẹ tôi trong những tháng ngày chiến tranh đang ác liệt ở một vùng quê khu Bốn.

Sau này học ra, về làm việc tại Viện Văn học, cái vốn ban đầu từ những cuốn sách trong cái rương ấy đã được tôi bồi đắp, phát triển thêm trên bước đường phê bình nghiên cứu của mình. Nhưng theo thời cuộc văn hóa tinh thần của một thời, tôi cũng bị mù dốt về đời sống văn học nước nhà từ trước 1945, trong đó có mảng xuất bản, báo chí văn học. Những nhà xuất bản như Tân Dân, Mai Lĩnh, Hàn Thuyên… nếu tôi nhớ không nhầm thì ngay cả ở chương trình văn đại học cũng không được nói đến, hoặc giả có nói thì là để phê phán, kiểu như nhà Hàn Thuyên là dính đến Troskit. Mãi khi công cuộc đổi mới diễn ra, nhiều hiện tượng lịch sử, trong đó có lịch sử văn học, mới bắt đầu được gột rửa và soi sáng. Năm 2011 khi đang là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội tôi đã phối hợp giữa Hội và chính quyền quê hương Vũ Đình Long làm một hội thảo khoa học về ông chủ nhà xuất bản Tân Dân ngay tại xã Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội). Với nhà Mai Lĩnh, tôi thú thực ít biết hơn, dù sau “Thi văn bình chú” tôi cũng biết là có mấy tác phẩm nữa của Ngô Tất Tố đều in ở đây như “Tắt đèn”, “Lều chõng”. (Tôi đã viết lời giới thiệu cho bản in “Lều chõng” năm 2014 trong tủ sách “Việt Nam danh tác” của công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam). Năm 2011 trong lần xuống đường ở Tp HCM đấu tranh cho chủ quyền biển đảo nước nhà tình cờ tôi gặp anh Đỗ Thái Bình, kỹ sư hàng hải, một người trong gia tộc họ Đỗ đã dựng nên cơ nghiệp và tên tuổi Mai Lĩnh. Qua câu chuyện vắn tắt của anh khi đó tôi mới thấy ra lịch sử của một sự nghiệp văn hóa từ trong một gia đình họ Đỗ (bắt đầu từ cụ Đỗ Văn Long) cống hiến cho sự phát triển văn hóa tinh thần của đất nước. Đến khi được đọc “Thư mục các ấn phẩm của nhà xuất bản Mai Lĩnh”[1] thì tôi thực sự thấy rõ tầm vóc của sự nghiệp này. Đó là một sự nghiệp khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đích thực của dân tộc, một sự nghiệp khơi dòng cho văn chương hiện đại nước nhà. Cùng với những nhà xuất bản tư nhân đương thời, Mai Lĩnh đã đóng phần xứng đáng của mình cho cuộc gìn giữ văn hóa văn chương nước nhà ngay ở thời Pháp thuộc. Chỉ tồn tại mười năm (1936 – 1946) nhưng Mai Lĩnh đã in được những sách khảo cứu lịch sử, văn hóa, những sách sáng tác văn chương để lại dấu ấn sâu đậm trong công cuộc tiến hóa tinh thần của nước Nam ta. Sự nghiệp của Mai Lĩnh và những nhà xuất bản khác cùng loại trước đây đã bị ngừng lại một thời gian lâu. Đến nay các nhà sách, các công ty văn hóa tư nhân đang tiếp tục con đường và sự nghiệp của họ. Đó là một quá trình hợp quy luật và tất yếu.

Trở lại “kỷ niệm” của tôi với nhà Mai Lĩnh khi còn là cậu học trò trường làng. Đó vẫn là kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi. Và tôi nghĩ bài thơ “Tự thán” được cho là của Nguyễn Trãi có thể gói ghém nỗi lòng của những người họ Đỗ đã lập nên Mai Lĩnh, tạo nên danh tiếng Mai Lĩnh, mà giờ đây đọc lên ta hãy cùng giải cho nỗi lòng ấy một ước nguyện “cứ cái gì có lợi cho dân trí, lợi ít lợi nhiều là in hết”[2]:

Chiếc thuyền lơ lửng bên sông

Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay

Chắc chi thiên hạ đời nay

Mà đem non nước làm rầy chiêm bao

Đã buồn vì trận mưa rào

Lại đau vì nỗi ào ào gió đông

Mây trôi nước chảy xuôi dòng

Chiếc thuyền hờ hững trên sông một mình.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Hà Nội 21.III.2018



[1] Trong sách: Nhà xuất bản Mai Lĩnh (Mai Hương biên soạn), Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2015, tr. 139.

[2] Dẫn theo: Phạm Thế Cường “Về thăm từ đường Mai Lĩnh” in trong nguyệt san “Người yêu sách” số 71 (11/2017), tr. 100.

Các Bài viết khác