NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MIKHAIL ALEKSANDROVITCH SHOLOKHOV (1905 – 1984)

( 07-12-2016 - 05:58 PM ) - Lượt xem: 1205

Thiên tài M.A Sholokhov của nước Nga đã trở thành hiện tượng trứ danh có ý nghĩa trên toàn thế giới. Nhà văn đã là một vinh dự lớn cho đất nước khi nhận giải Nobel Văn chương năm 1965. Những bóng đen mờ ảo đã tan biến để lộ rõ một tài năng và vinh quang đích thực sau mười hai năm vĩnh biệt cuộc đời nhân thế.

Thiên tài M.A Sholokhov của nước Nga đã trở thành hiện tượng trứ danh có ý nghĩa trên toàn thế giới.
Nhà văn đã là một vinh dự lớn cho đất nước khi nhận giải Nobel Văn chương năm 1965. Những bóng đen mờ ảo đã tan biến để lộ rõ một tài năng và vinh quang đích thực sau mười hai năm vĩnh biệt cuộc đời nhân thế.
Năm 1996, cuộc giải oan lớn nhất đã được thực hiện một cách công khai, minh bạch, càng làm ngời sáng tên tuổi một văn hào.
YYY
I/ ĐÔI NÉT VỀ CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA NHÀ VĂN SHOLOKHOV
Vào ngày 24/5/1905, cậu bé M. A. Sholokhov đã chào đời giữa quê hương thảo nguyên mênh mông tuyệt đẹp thuộc tỉnh Rostovky. Đây là một vùng miền đặc biệt được miêu tả đầy kỳ thú: “Sông Đông đêm ngày chảy xiết qua nhiều vùng đất của nước Nga, và khi chảy tới trấn Vesensko, thì dòng nước trở nên êm đềm, hiền hoà tuôn chảy, soi bóng bầu trời xanh và thảo nguyên bao la vô tận”. Mùa xuân trên thảo nguyên trở nên rực rỡ, lộng lẫy sắc màu nhất: “Mặt trời chiếu rọi xuống những ngọn đồi thoai thoải và những cánh rừng sát đôi bờ. Luồng gió ấm áp lay động đám khổ ngải màu xanh xám, cỏ vũ màu bạc trắng, và trên thảo nguyên đua nở những bông hoa tuylip với những màu đỏ, trắng, vàng, hồng trông như cả một dải cầu vồng mênh mông tô điểm cho mặt đất, đem lại niềm vui cho con người” [1, tr 807].
Đây chính là cảnh tượng gây xúc động trong mỹ cảm của nhà văn Phần Lan Marti Lami, thấy như trước mắt mình – “thứ hội hoạ của Goya, Delacroix và Repin”– như còn in bóng dáng lịch sử: biển cỏ bao la cuộn sóng như còn hằn lên những vết móng ngựa, lăng mộ những người Tartar như đang lặng lẽ canh chừng những vinh quang đã bị chôn vùi của người Kozak...
Có thể nói rằng, đây là cái may mắn thứ nhất và lớn nhất trong đời cậu bé.
Quê hương hùng vĩ, và tráng lệ là cái nôi sinh thành con người. Và, nhà văn tương lai Sholokhov đã coi đây là vùng thẩm mỹ lớn nhất, có tiềm năng khai thác vô hạn. Hầu như cuộc đời nhà văn chỉ triển khai tập trung đề tài quê hương, trải qua bao biến thiên của thời gian lịch sử: “Truyện Sông Đông”, “Thảo nguyên xanh”, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Số phận con người...
Sholokhov cũng là người may mắn gặp thời. Được sinh ra và lớn lên vào một trong những thời kỳ sôi động nhất của lịch sử nước Nga. Ông chính là chứng nhân lịch sử từ thời niên thiếu.
Lên chín tuổi, Đại chiến lần thứ nhất bùng nổ. Mười lăm tuổi, gia nhập Hồng quân và được đi khắp vùng sông Đông. Người thanh niên – nhà văn trẻ đã tận mắt chứng kiến và tham gia vào nhiều sự kiện lịch sử: Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ. Nội chiến xảy ra. Đất đai và con người sông Đông “êm đềm”, phẳng lặng nhưng chất chứa bao sóng ngầm “dữ dội”. Vùng đất thơ mộng, mỹ lệ , với những con người Kozak quả cảm, thượng võ và yêu tự do, phóng khoáng ấy đã giúp nhà văn viết nên bộ sử thi nổi tiếng Sông Đông êm đềm.
Với vốn văn hoá còn rất khiêm tốn – dở dang trung học, nhưng cũng như văn hào M. Gorki, nhà văn trẻ Sholokhov đã dấn thân vào đại học trường đời. Chịu học hỏi, nhà văn đã dành rất nhiều thời gian đi sâu vào khảo cứu lịch sử từ những bộ hồ sơ lưu trữ ở Moscow và Rostovky, lặn lội tới nhiều vùng quê, gặp gỡ và trao đổi với đủ hạng người, và ghi chép rất công phu về những tư liệu đời sống và văn học, kể cả những bản dân ca.
Năm 1928, quyển I của Sông Đông êm đềm xuất hiện sau bảy năm gian truân, vất vả trong hoàn cảnh sống thiếu thốn. Rồi tạm dừng với bộ tiểu thuyết sử thi, nhà văn lại bắt tay vào viết Đất vỡ hoang – một việc làm kịp thời và táo bạo.
Đời văn M. A. Sholokhov đã trải qua những thăng trầm đáng kể. Hầu như các tác phẩm lớn của ông đều có số phận ban đầu không suôn sẻ. Sông Đông êm đềm và Đất vỡ hoang – khi xuất hiện bị giới phê bình văn học chính thống đả kích kịch liệt. Ông bị vu cáo là đạo văn – khi viết bộ tiểu thuyết sử thi kéo dài trong dời viết. Mãi đến sau này sự kiện mới được giải toả.
M. A. Sholokhov, cho tới nay, vẫn được đánh giá đúng với thực tài lớn lao của một cây bút giàu sức sáng tạo và quả cảm. Dù qua nhiều trầm luân, nhưng nhà văn vẫn có vị trí cao trong tổ chức, và trên văn đàn, được tôn vinh lên hàng nhà văn kiệt xuất của thời đại.
Tuy nhiên, nhà văn đã vượt qua nhiều bức xúc của dư luận, vượt qua nhiều trở ngại, rào cản nhờ lương tri và thiện chí của những nhà văn lớn đương thời – M. Gorki, A. Serafimovich, và sự công tâm, sáng suốt của dư luận độc giả chân chính qua thời gian.
II/ KIỆT TÁC SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM CỦA M. A. SHOLOKHOV
Tác phẩm lớn của M.A. Sholokhov đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam khá nhiều, đặc biệt là với số dịch giả đáng tin cậy, từng học tập và nghiên cứu tại Nga. Riêng Sông Đông êm đềm được in lại nhiều lần. Dịch giả Nguyễn Thuỵ Ứng năm 79 tuổi còn nhiệt tình sửa chữa chế bản, đề tựa cho lần tái bản thứ 6 mới nhất (2005).
Xin tập trung giới thiệu qua về tác phẩm lớn – được tôn vinh và cũng trải qua tranh luận trong dư luận độc giả một thời.
Sông Đông êm đềm được coi là tác phẩm quan trọng nhất của Sholokhov.
Với nghệ thuật sử thi tác phẩm Sông Đông êm đềm là sáng tác công phu, tâm huyết nhất – mà nhà văn đã dành trọn 15 năm lao động nghệ thuật với biết bao sóng gió của dư luận.
Với quy mô đồ sộ, và hệ thống chủ đề phong phú, lớn lao, Sông Đông êm đềm đã đạt được các tiêu chí của một tiểu thuyết sử thi mẫu mực.
Tác phầm đã dựng được một hiện thực sử thi. Đó là bức tranh rộng lớn về đời sống nhân dân trong một bước ngoặt lịch sử, thông qua những xung đột gay gắt về mặt xã hội và tâm lý.
Với tư duy sử thi, hiện thực đời sống của nhân dân Kozak vùng sông Đông được đưa lên bình diện thứ nhất. Hình tượng nhân dân là hình tượng trọng tâm cho bộ tiểu thuyết trong hoàn cảnh Cách mạng bùng nổ, tiếp theo sau sự kiện xảy ra nội chiến.
Thắng bại của cách mạng trong nội chiến tuỳ thuộc vào sự giác ngộ và sự lựa chọn con đường của nhân dân. Số phận của cá nhân cũng tuỳ thuộc vào số phận của cộng đồng, rất đúng với nhận xét của nhà nghiên cứu L. Akimenko: “Số phận của con người trong sử thi Sholokhov luôn có liên hệ và tuỳ thuộc vào cuộc sống lịch sử của nhân dân”.
Kết cấu đồ sộ của tiểu thuyết đã góp phần bao quát một hiện thực rộng lớn trên, với nhiều tuyến hành động, và sự kiện. Các biến cố lịch sử - diễn ra ttrong vòng 12 năm: từ 1912 đến trước Đại chiến thế giới lần I tới năm 1922, khi kết thúc nội chiến.
Hành động diễn ra từ thôn Tartar bên bờ sông Đông đến các tuyến hành động xảy ra trên các chiến trường ở Ukraina,Austria, Romania, Poland thời Đại chiến thứ I. Xen kẽ đó là các tuyến hành động ở cung điện Mùa Đông và Petrograd trong cách mạng Tháng Mười, rồi lan ra khắp các vùng miền, thôn trấn thượng lưu sông Đông và mặt trận miền Nam. Đội ngũ nhân vật vô cùng đông đảo với đủ mọi tầng lớp, những đám đông quần chúng, rồi các đơn vị Hồng quân và Bạch vệ.
Trọng tâm của bức tranh hiện thực giàu tính sử thi là cuộc xung đột giai cấp quyết liệt giữa phe Hồng quân và nhân dân cách mạng với quân Bạch vệ, bọn Kulak và đám dân Kozak ngoan cố đứng về phe phản động. Đa số nhân dân Kozak thì dao động, ngả nghiêng. Cuộc đấu tranh có diễn biến cực kỳ phức tạp, sự tranh chấp xảy ra quyết liệt.
Nhà văn đã phân tích sâu vào những nguyên nhân kinh tế xã hội và lịch sử. Nga hoàng từng mua chuộc nhân dân Kozak, vì thế họ tự nguyện đi đánh thuê cho vị Đế vương trong các cuộc chiến tranh với các nước đế quốc khác, và làm công cụ trấn áp các cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.
Đó chính là “một lầm lẫn lịch sử” của nhân dân vùng sông Đông. Với sự tinh tường của một nhà sử học, Sholokhov cũng mạnh dạn chỉ rõ các sai lầm của một bộ phận lãnh đạo bolcheviks – là đã có chính sách cô lập tầng lớp trung nông – một bộ phận khá đông đảo trong nhân dân Kozak, và cả bạo hành nên đã đẩy họ tham gia vào cuộc nổi loạn.
Chấn động xã hội lịch sử đã gây những xung động phức tạp, gay gắt đến những cảnh ngộ ngay từ trong các gia đình. Họ đã trở thành con người trong trung tâm của các biến cố lịch sử. Gia đình cụ Panteley Melekhov là một điển hình rất rõ. Sự phân hoá cũng khá quyết liệt giữa các thành viên: Cụ Panteley Melekhov và hai con trai Petro và Gregori, hai con dâu Daria và Natalia. Chủ đề lớn bao quát được đặt ra là số phận con người trong vòng xoáy của lịch sử buộc họ phải vượt thoát.
Nghệ thuật điển hình hoá cũng là đặc sắc của bộ tiểu thuyết.
Gia đình Panteley Melekhov vốn sống yên phận, tôn thờ đức Chúa Trời và trung thành với Nga hoàng. Hai ông bà già là những người thủ cựu, ít hiểu biết chính sự, nên không khỏi lo lắng, hoảng sợ trước thời cuộc. Sau khi đi lễ nhà thờ về, là lời phàn nàn bộc lộ tâm trạng bối rối của người già cả “Cuộc sống khó khăn quá! Không còn là đời người nữa mà là địa ngục”.
Anh con trai nông dân Petro từng đi lính bảo hoàng, nhưng bản chất hèn nhát, thủ đoạn, đã luồn cúi cấp trên để có được cái lon thiếu uý. Hắn nghe theo sự xúi giục của bọn Kulak, đã nổi loạn chống lại cách mạng. Petro lập tức nhậm chức chỉ huy một đội quân Kozak đi truy kích các đơn vị Hồng quân. Hắn chết trận. Daria – vợ hắn đã cầm súng bắn chết người chiến sĩ bolcheviks để trả thù.
Trong khi đó, cô em gái Gregori là Danhiaxka là người duy nhất trong gia đình đi theo con đường khác hẳn. Cô có mối tình chung thuỷ với người chiến sĩ bolcheviks có xuất thân Kozak là Miska Kosevoi. Danhiaxka đã vượt lên được dĩ vãng tối tăm, lầm lạc của người Kozak để đến với ánh sáng, là tiêu biểu cho tương lai của nhân dân vùng sông Đông đến với cách mạng.
Gregori Melekhov là nhân vật trung tâm điển hình đậm nét nhất, là con người phức tạp nhất được đạt vào giữa dòng xoáy thời cuộc. Nhân vật giúp thể hiện rõ rệt ý đồ nghệ thuật của tác giả, mang ý nghĩa như bản chất thẩm mỹ của sáng tạo độc đáo và táo bạo của Sholokhov.
Đây là nhân vật thể hiện “khát vọng của con người”. Không hẳn là, nhân vật tiêu cực, mà trong chiều sâu tâm khẩm của Gregori cũng có một cốt cách nhân bản. L. Yamenko bình luận: “Con đường sai lầm của Gregori trong cách mạng đẩy anh tới chỗ xa rời nhân dân, chính là con đường làm mất mát nhiều thuộc tính và phẩm chất đẹp đẽ trong con người” (Sông Đông êm đềm của M. A. Sholokhov, dẫn theo [1]).
Thoạt đầu, Gregori đã rơi vào bi kịch tình yêu. Bất chấp sự phản đối của gia đình, anh đã yêu say đắm Aksinia – cô gái gặp nhiều bất công, oan trái trong xã hội, phải qua nhiều đời chồng. Trong khi đó, gia đình bắt anh phải cưới Natalia – cô gái mà anh không yêu. Đó là cuộc chiến của chàng thanh niên dám đi ngược lại chế độ gia trưởng phong kiến của người Kozak. Nhưng rồi, Aksinia chết, Gregori như cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa.
Gregori bị đưa ra chiến trường làm bia đỡ đạn cho đế quốc đại Nga. Nhưng, dần dần, anh cảm thấy mơ hồ tính chất phi lý, tàn bạo của cuộc chiến tranh đế quốc. Rồi, được người chiến sĩ bolchevitks giải thích, Gregori tỉnh ngộ, nhận ra bản chất cuộc chiến giữa các nước đế quốc đã đưa đến tấn bi kịch nhân loại một thời. Hình ảnh Gregori cuối cùng đã vứt hết công cụ giết người xuống sông – là một tuyên ngôn dứt khoát : giã từ vũ khí, vĩnh biệt chiến tranh !
Đời Gregori là một chuỗi liên tục giằng xé gay gắt trong cuộc sống và sự dằn vặt dữ dội trong tâm can. Có lúc, anh đã gia nhập Hồng quân, có lúc lại bị cuốn vào phe đối nghịch, luôn ngả nghiêng giữa “phe đỏ” và “phe trắng”, có lúc đã quay về với ý định đầu thú, song lại trốn chạy.
Cuộc đời ấy đã có kết cục bi thảm, bản thân anh phải sống trong mặc cảm – trọng tội phản bội cách mạng, gia đình tan vỡ, Natalia và Aksinia đều đã chết, chỉ còn lại duy nhất đứa con trai trong tay. Số phận cay đắng, nghiệt ngã, thảm thương, phũ phàng ấy là sự trả giá cho quãng đời lầm lỗi của Gregori.
Con người vốn là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Gregori đã được đặt trong rất nhiều mối liên hệ riêng – chung: từ gia đình, họ tộc đến làng xóm, quê hương, đất nước, giữa những thành viên thân thuộc,ruột thịt với cộng đồng đội ngũ, phe phái; giữa nhân dân vùng miền đặc trưng và cả non sông, Tổ quốc.
Tóm lại, đây là số phận cá nhân trong số phận dân tộc.
Tuy nhiên, ngòi bút nhân văn của Sholokhov vẫn khẳng định bản chất con người phức tạp Gregori. Đó là con người chính trực, có lòng tự trọng, nồng nhiệt, mạnh mẽ rất Kozak, nhưng có mặt xấu và yếu kém như đầu óc tư hữu, mắc định kiến cố chấp, lừng chừng, dao động, lại có phần thô bạo và ít nhiều tàn nhẫn. Đó cũng là phong cách hiện thực tỉnh táo của nhà văn. Hình tượng nhân vật được miêu tả với tất cả những gì tốt đẹp, bình thường, thậm chí xấu xa như cuộc đời chân thật.
Trong tác phẩm có những điển hình đẹp về con người mới trong xã hội mới, mà đại diện nổi bật là nhóm các chiến sĩ bolcheviks– những người cách mạng. Được khắc hoạ sinh động là Stokman, Buntruc, Kosevoi. Có người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng nhân dân Kozak, như Stokman, có người tồn tại như cán bộ lãnh đạo của Xô Viết địa phương như Buntruc.
Miska Kosevoi là hình tượng được miêu tả đậm nét nhất. Là con người can trường, Kosevoi vượt qua bao thử thách, hiểm nguy, qua những năm tháng chiến đấu, rồi khi bị thương, trở về quê hương thành người cán bộ mẫn cán trung thành của chính quyền cách mạng. Anh cũng đã vượt lên được tình cảnh éo le trong tình yêu với Danhiaxka – em gái của Gregori và Petro, vì phải cương quyết xử bắn người anh rể phản động Petro.
Tuy nhiên, với các nhân vật tích cực, đại diện cho lực lượng tiến bộ cách mạng này, Solokhov cũng mạnh dạn và táo bạo vạch rõ những tính cách xấu xa, như cơ hội, độc đoán, giáo điều, áp chế – những phần tử cặn bã, gây tác hại cho sự nghiệp chung ; ở Sông Đông êm đềm cũng như ở Đất vỡ hoang sau này
Sông Đông êm đềm có tới hơn 100 nhân vật, được phân loại thành những nhóm người, loại người. kiểu người mang tính tiêu biểu khác nhau. Tuy nhiên, sự miêu tả những đám đông quần chúng nhân dân, đặc biệt là thể hiện những đặc điểm, tính cách cộng đồng cũng được thể hiện rõ. Họ là những người Kozak đại diện cho hồn đất, hồn người vùng sông Đông. Họ mang những số phận chung, sự tìm đường chung trên con đường tiếp cận chân lý đầy gian nan, vất vả nhưng quả cảm, kiên cường.
Sông Đông êm đềm còn nổi bật ở nghệ thuật tâm lý.
Rõ nhất là thủ pháp kết hợp trữ tình ngoại đề với lời bình luận của tác giả và trữ tình cá nhân với độc thoại nội tâm của nhân vật.
Miêu tả tâm lý đạt mức tinh tế, sắc sảo trong các diễn biến tâm trạng của nhân vật, mà rõ nhất là những con người trong gia đình Melekhov.
Chẳng hạn Gregori trong bi kịch tình yêu có diễn biến tâm trạng thật rắc rối, phức tạp.
Lấy Natalia do bắt buộc, anh vẫn thầm yêu “mối tình đầu” sâu đằm với Aksinia đã có chồng. Natalia sống nhẫn nhục, cam chịu, nhưng vô cùng đau khổ, đã phải nhờ dứt bỏ một giọt máu chung rất tội nghiệp. Nàng đã tự tử nhưng không chết. Sau này, Gregori về sống lại với Natalia, nhưng cuối cùng nàng cũng ra đi theo định mệnh. Aksinia từng ngả vào tay người khác sau Gregori, cùng được rủ trốn chạy, nhưng đã chết trên tay Gregori vì bị bắn. Cuối cùng, một cô gái mạnh mẽ, táo tợn, rất có cá tính đã chịu bỏ mạng theo số phận nghiệt ngã trong sự nuối tiếc khôn nguôi của người tình Gregori.
Nhìn chung lại, Sông Đông êm đềm đã làm nổi bật tài năng nghệ thuật của Sholokhov trên cả ba phương diện cơ bản: nghệ thuật sử thi, nghệ thuật điển hình hoá và nghệ thuật tâm lý.
Đã có bình luận chính xác: Sông Đông êm đềm đã kết hợp được di sản nghệ thuật của Tolstoy và Gogol và trên cơ sở đó có những cách tân nghệ thuật để sáng tạo.
III/ NHÌN LẠI MỘT CON NGƯỜI VĨ ĐẠI CỦA VĂN HỌC NGA
M.A.Sholokhov là một tấm gương về con người mang khát vọng văn chương lớn với một nghị lực kiên cường hiếm có .
Thời trẻ, chàng thanh niên đã bắt đầu hoạt động tuyên truyền, cổ động trong nhân dân, và có lúc đã trở thành linh hồn của đoàn kịch không chuyên của địa phương. Lúc này, anh đã viết kịch bản để diễn, nhưng còn dấu tên tác giả.
Sholokhov bắt tay vào viết truyện ngắn cho các tờ báo văn học ở Moscow với lòng tự tin lớn về khả năng của bản thân. Tuy kiếm sống bằng nghề kế toán, nhưng anh vẫn đến liên hệ với toà soạn báo Thanh niên để làm quen với một số nhà văn, và tham gia vào nhóm văn học Đội cận vệ trẻ.
Trong hai năm ở Moscow, nhà văn đã cho đăng trên báo Sự thật thanh niên ba bài ký sự và một số truyện ngắn. Đó là những bước đi đầu tiên có ý nghĩa như thử sức, tập dượt trên con đường văn học.
Với mong muốn khai thác đề tài vùng quê hương như một vùng thẩm mỹ lớn đầy hứa hẹn với bao di tích văn hoá, lịch sử, cùng với lòng quyết tâm và sự tự tin không gì lay chuyển, năm 1925, Sholokhov lại trở về quê hương – vùng sông Đông. Đây là vùng khởi nghiệp và lập nghiệp một đời của M.A.Sholokhov.
Sông Đông êm đềm từ được khởi thảo đến lúc hoàn thành là ròng rã 15 năm trời (1925 – 1940). Bộ tiểu thuyết đồ sộ có tất cả là 4 tập, mang tính chất sử thi, cũng mang số phận gian nan và dữ dội. Giữa chừng, nhà văn phải dừng lại để viết một đề tài thời sự về hợp tác hoá, cuộc sống tập thể mới với Đất vỡ hoang.
Đất vỡ hoang cũng là một tập tiểu thuyết đồ sộ, và có số phận gian nan tương tự.
Cuối năm 1930, nhà văn đã bắt tay vào viết. Năm 1932, quyển I hoàn thành, và được đăng trên tạp chí Thế giới mới. Sau đó, chiến tranh bùng nổ, vùng sông Đông bị máy bay phát xít oanh tạc, nên bản thảo gửi Viện lưu trữ địa phương bị thất lạc. Sau chiến tranh, tác giả phải viết lại toàn bộ. Vì thế, năm 1960, tập II mới hoàn thành, được in toàn bộ tác phẩm, được xuất bản và được phong tặng giải thưởng Lênin cùng năm.
Trở lại với Sông Đông êm đềm, mãi đến năm 1928, quyển II mới được đăng trên tạp chí Tháng Mười.Tuy nhiên, ngay trên tạp chí Cao trào (số 1 năm 1929), xuất bản ở thành phố Rostovky đã có bài phê phán. Từ 1929 – 1931, Sholokhov gặp khó khăn, vì một số nhà phê bình của nhóm RAPP mang quan điểm giáo điều đã buộc tội tác giả là “mang nặng ý thức hệ của tầng lớp Kulak”, đứng về phía “người trung nông động dao”.Nổi lên dư luận vu cáo tác giả đã đánh cắp bản thảo của người khác ( tức nhà văn – sĩ quan Bạch vệ Fedor Kriulov,đồng ngũ đồng hương của Sholokhov). Mặc dầu vậy, các cơ quan của Đảng, báo Pravda và nhiều nhà văn danh tiếng có lương tri như A.Serafimovich, A.Fadeev, V.Stavkin đã bảo vệ tích cực nhà văn.
Năm 1930, quyển III được đăng tải trên tạp chí Tháng Mười nhưng vẫn gặp trở ngại là dư luận vu cáo vẫn dai dẳng.Mãi tới 1932 tạp chí mới cho đăng tiếp toàn bộ quyển III nhờ sự can thiệp tích cực của M.Gorki. Quyển IV kéo dài hàng mấy năm trời vì tác giả còn tiếp tục Đất vỡ hoang. Mãi đến 1940 mới hết trọn bộ.
Phải đến năm 1984, các nhà khoa học Bắc Âu đứng đầu là Giáo sư Geiar Kjetsaa,trường đại học Oslo, bằng máy móc hiện đại đã phân tích, so sánh để kết luận Sholokhov là tác giả của Sông Đông êm đềm. Tháng 11/1999, Ủy ban Di sản văn hoá công bố thêm bằng chứng xác thực tìm thấy bản thảo 70 năm thất lạc của kiệt tác, thanh minh hoàn toàn cho M.A Sholokhov.
Viết gian nan, vất vả, kéo dài nhiều năm, lại còn dành thời gian sửa chữa, và có khi phải viết lại hoàn toàn, nhưng tất cả những khó khăn ghê gớm đó đều đã được Sholokhov vượt qua. Đặc biệt là dư luận trái chiều, nỗi oan trái kéo dài, nhưng tác giả vẫn giữ niềm tin sắt đá và một quyết tâm thực hiện ghê gớm, vượt lên cơn chấn thương tinh thần kéo dài cho mãi đến khi nhà văn mất.
Vinh quang đã đến với một tài năng kiệt xuất. Năm 1965, Sông Đông êm đềm được trao giải Nobel Văn chương, Tuy rằng, sự đánh giá tác giả, tác phẩm là có phần muộn màng, nhưng có còn hơn không.
Trong số các nhà văn Nga – Xô Viết được giải Nobel, Sholokhov là người đàng hoàng nhất, nhận được sự đồng thuận của văn giới trong nước, cũng như sự mến phục của bạn đọc thế giới. Đó chính là tấm gương phấn đấu một đời quyết liệt để thực hiện khát vọng lớn lao, đẹp đẽ của một nhà văn.
M.A.Sholokhov là một tấm gương học hỏi và lao động nghệ thuật bền bỉ một đời.
Nhà văn đã tự học rất quyết liệt để có được một vốn kiến thức tổng hợp đa dạng về nhiều mặt, cả về lịch sử, văn hoá, xã hội và dân tộc học để có được tầm nhìn rộng lớn cùng với sự bổ sung chân thực sinh động của hiện thực đời sống, nhất là vùng sông Đông.
Sông Đông êm đềm là kết quả của một vốn sống hết sức phong phú, cùng với tài năng biến hoá nghệ thuật. Đất vỡ hoang lại là sự khảo sát một cuộc cách mạng mới chưa từng có, cùng với sự thấu hiểu về đường lối chính sách cũng hoàn toàn mới. Các tác phẩm lớn đó đã là sự học tập, nghiền ngẫm thực tế và suy nghiệm của tư duy thông minh, sắc sảo, cũng như lao động nghệ thuật công phu, bền bỉ qua những tháng năm thăng trầm của lịch sử.
Một điều có thể suy ngẫm từ Sholokhov là mạnh dạn táo bạo trong cách tân nghệ thuật.
Như ta đã thấy, M.A. Sholokhov chịu ảnh hưởng và tiếp thu học tập của các thế hệ bậc thầy và đàn anh từ nhiều thế kỷ. Nhà văn tiếp tục truyền thống sử thi từ Lev Tolstoy, nhưng đã vận dụng vào hoàn cảnh mới. Chiến tranh và hoà bình có phông nền bao quát là chiến tranh để thể hiện đời sống nhân dân. Sông Đông êm đềm lại miêu tả chiến tranh, xung đột máu lửa như chính sự kiện của đời sống nhân dân. Học tập William Shakespeare về bi kịch, nhưng lồng bi kịch của cá nhân vào bi kịch của lịch sử, số phận của cộng đồng. Sholokhov đã gắn kết được tính quyết liệt của mọi xung đột của thời đại Phục hưng và thời đại cách mạng trong bước ngoặt lịch sử. Thủ pháp bi kịch đã thể hiện được một cách sâu sắc ý nghĩa lịch sử và thời đại trong số phận và tính cách con người, rõ nhất là qua Gregori ở Sông Đông êm đềm.
Một khuynh hướng nổi bật làm nên nét phong cách của Shololkhov chính là chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo.Với Sholokhov,sự thật lịch sử là chân lý nghệ thuật. Miệu tả tất cả sự thật dù tàn nhẫn,cho dù đôi khi khắc nghiệt, đắng cay.
Việc tìm đường của nhân vật, cũng như một bộ phận tộc người Kozak, là một quá trình gian nan, vất cả ghê gớm, phải trả giá đắt vì những sự ngộ nhận, ý thức tự do cực đoan. Gregori lúng túng, trăn trở, cực khổ, bất hạnh trong bi kịch tìm đường để “quay đi, trở lại” là một điển hình rất tiêu biểu. Bộ phận cán bộ đảng viên bolcheviks thoái hoá ở Sông Đông êm đềm và Đất vỡ hoang được miêu tả chân thực cũng là nét táo bạo trong cách nhìn đời sống nghiêm nhặt của nhà văn có lương tri, tâm huyết và lòng dũng cảm.
Sholokhov còn khá nhiều đổi mới trên các phương tiện thể hiện nghệ thuật.
Nổi bật là kết cấu – tức cấu trúc tác phẩm lớn với nhiều tầng hiện tượng và sự kiện. Khát vọng tác giả là sáng tạo nên “một thế giới sử thi mới” để thể hiện được ý nghĩa lịch sử thế giới của biến cố Cách mạng tháng Mười và cuộc nội chiến trên đất nước Nga. Đó là sự tiếp nhận di sản từ sử thi Hy Lạp tới Lev Tolstoy, và cả thời đại Phục hưng với William Shakespeare. Tuy nhiên, điều nổi bật ở đây là “sử thi về lịch sử nhân dân” như nhiều đánh giá của phê bình Xô Viết
Ngoài nghệ thuật, kết cấu, cũng như phong cách, Sholokhov còn nổi bật ở sự kết hợp xung đột tâm lý cá nhân với những xung đột giai cấp và lịch sử. Vấn đề chiều sâu tâm lý được thể hiện rõ nét qua ảnh hưởng của chính lịch sử.
Nghệ thuật điển hình hoá nhân vật qua ngòi bút Sholokhov cũng có nhiều thành tựu đổi mới đặc sắc. Ngoài loại nhân vật pha trộn “sáng – tối” như ở Sông Đông êm đềm, còn có những điển hình trong sáng, nhưng chân thực về người bolcheviks trong chiến đấu và lao động như những kiểu nhân vật mới của nền văn học mới cả ở Sông đông êm đềm và Đất vỡ hoang cũng như tác phẩm khác.
YYY
Sholokhov là một nhân cách lớn lao, một tài năng kiệt xuất. Nhà văn là đại diện ưu tú cho văn học Nga – Xô Viết ở thế kỷ XX, được mở đầu bằng các tên tuổi lớn M. Gorki, V. V. Maiacovski, và tiếp nối với A. A. Fadeev… như ánh sáng một nền văn hoá rực rỡ vẫn tồn tại trong lòng nhân loại “Con đại bàng non tung cánh trên bầu trời văn học” (A.Serafimovich) ngày nào đã trở trành cánh đại bàng dày dạn quả cảm – vị trưởng lão, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Đúng như nhà văn Iu Bondarev nhận xét: “Tên tuổi này dường như đã tách rời khỏi một con người, và giờ đây thuộc về nền văn học Xô Viết, đồng thời thuộc về toàn bộ nền văn hoá thế giới”.
Ở Việt Nam, hầu hết các tác phẩm của M.A.Sholokhov đều đã được dịch, một số được chuyển thành phim như Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Số phận một con người đã được trình chiếu rộng rãi từ nhiều thập kỷ trước đây. M.A.Sholokhov là một trong những nhà văn đã được nhiều thế hệ và tầng lớp bạn đọc Việt Nam dành nhiều ưu ái và mến mộ nhất./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nhiều tác giả (1998), Lịch sử văn học Nga, Giáo dục.

PGS.TS Đoàn Trọng Huy

Các Bài viết khác