NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

Mấy cảm nghĩ nhân đọc “CHÂN DUNG NHÀ VĂN” của XUÂN SÁCH

( 29-06-2018 - 06:37 PM ) - Lượt xem: 945

Tôi hát chiến tranh như trảy hội Đừng nên xấu hổ khi nói dối Việc gì mặt ủ với mày chau Trời mỗi ngày lại sáng có sao đâu! (Huy Cận*)

Tôi có may mắn được đọc tập “Chân dung Nhà văn” của Xuân Sách khi cuốn sách vừa mới ra lò vào năm 1992. Một ấn phẩm xinh xắn chỉ vừa bằng bàn tay, trình bày trang nhã, với những con chữ duyên dáng, đều đặn do chính tay tác giả viết ra. Trong số 99 nhà văn được khắc họa chân dung bằng chính những tác phẩm của họ, có nhiều vị tôi chưa biết hoặc chưa có dịp tiếp xúc nên khó đoán ra được, còn những vị tôi đã gặp hoặc đã đọc tác phẩm, thì tôi thấy rằng qua những vần thơ tài tình, hóm hỉnh, ngắn gọn này, Xuân Sách quả thật với tấm lòng yêu mến trân trọng đã dựng lên được những bức tượng đài sống động, có xương có thịt, với những cá tính sáng tạo không thể nhầm lẫn:

Thiên Thai từ giã về dương thế

Nhắc chi ngày ấy buồn lòng ta

Sân đình ngất ngưởng ngôi tiên chỉ

Uống rượu say rồi hát Quốc ca

(Văn Cao *)

Vang bóng một thời đâu dễ quên

Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên

Chén rượu tình rừng cay đắng lắm

Tờ hoa lại chút lệ ưu phiền

(Nguyễn Tuân*)

Anh còn đôi mắt ngây thơ

Sống mòn mà vẫn đợi chờ tương lai

Thương cho Thị Nở ngày nay

Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo

(Nam Cao*)

Em ơi buồn làm chi

Em không buồn sao được

Quan họ đã vào hợp tác

Đông Hồ gà lợn nuôi chung

Bên kia sông Đuống em trông

Tìm đâu thấy lá diêu bông hỡi chàng

(Hoàng Cầm*)

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”

Về làm xiếc khỉ với đời thôi

Nhà đồi một góc chênh vênh lắm

Sống tạm cho qua một kiếp người

Áo sờn thay chiếu anh về đất

Mây đầu ô trắng, Ba Vì xanh

Gửi hồn theo mộng về Tây Tiến

“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Quang Dũng*)

 

Tài ba thằng Mõ cỡ chuyên viên

Chia xôi, chia thịt lại chia quyền

Việc làng, việc nước là như vậy

Lộn xộn cho nên phải tắt đèn

(Ngô Tất Tố*)

Đã ai qua một thời giông tố

Qua một thời cơm thày cơm cô

Còn để lại những thằng Xuân tóc đỏ

Vẫn nghênh ngang cho đến tận bây giờ

(Vũ Trọng Phụng*)

Hồn đã vượt Côn đảo

Thân xác còn trong lao

Bởi nghe lời mẹ dặn

Nên suốt đời lao đao

(Phùng Quán*)

Mấy lần đất nước đứng lên

Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm

Hại thay một mạch nước ngầm

Cuốn trôi đất Quảng lẫn rừng xà nu

(Nguyên Ngọc*)

Bốn mươi tuổi mới vào đời

Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ

Giữa hai trận tuyến ngu ngơ

Trong lòng Hà Nội bây giờ ở đâu?

(Hà Minh Tuân*)

Trái tim với nỗi nhớ ai

Như cây trong phố đứng hoài chờ trăng

Như người đàn bà ngồi đan

Sợi dọc thì rối, sợi ngang thì chùng

(Ý Nhi*)

Tuy nhiên trong tập sách cũng có một số bài thơ tạm gọi là “nhạy cảm”. “Nhạy cảm” là vì chúng vẽ lên chân dung không mấy hay ho của dăm “ông kẹ” trong làng văn, song không phải là không có cơ sở. Hay nó theo kiểu dân dã, trong những vần thơ bất hủ này, Xuân Sách đã cả gan “mó dái ngựa”:

… Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát

Trông về Việt Bắc tít mù mây

Nhà càng lộng gió, thơ càng nhạt

Máu ở chiến trường, hoa ở đây

(Tố Hữu*)

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Các vị gầy quá, tôi thì béo

Năm xưa tôi hát vũ trụ ca

Bây giờ tôi hát đất nở hoa

Tôi hát chiến tranh như trảy hội

Đừng nên xấu hổ khi nói dối

Việc gì mặt ủ với mày chau

Trời mỗi ngày lại sáng có sao đâu!

(Huy Cận*)

Tưởng anh dọn về làng xưa

Nào ngờ anh đến thủ đô nhận nhà!

Sướng cái bụng lắm lắm à

Đêm là đèo gió, ngày là Hồ Tây

(Nông Quốc Chấn*)

 

Vị nghệ thuật nửa đời người

Nửa đời còn lại vị người ngồi trên

Thi nhân còn một chút duyên

Lại vò cho nát, lại lèn cho đau

Bình thơ tới thuở bạc đầu

Vẫn chưa thể tắt nổi câu nhân tình

Giật mình, mình lại thương mình

Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan

(Hoài Thanh*)

Có những vị tuy chưa đạt tới tầm cỡ “ông kẹ”, nhưng cũng có vai vế nhất định trong giới sáng tác, đã hiện lên thật buồn… cười:

Tấm áo hào hoa bạc gió mưa

Anh thành đồng chí tự bao giờ?

Trăng còn một mảnh treo đầu súng

Cái ghế quan trường giết chết thơ

(Chính Hữu*)

Đôi vai thì gánh lập trường

Đôi tay sờ soạng ven đường, cuối thôn

Nghe anh kể chuyện đầu nguồn

Về nhà thấy mất cái hồn của em

(Xuân Thiều*)

Xưa thơ anh viết không ai hiểu

“Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”

Nay anh chưa viết người đã hiểu

Sắp sáng thì nghe có tiếng gà

(Nguyễn Xuân Sanh*)

Trời thí cho ông vụ lúa chiêm

Ông xây sân gạch với xây thềm

Con đường mòn ấy ông đi mãi

Lưu lạc lâu rồi, mất cả tên

(Đào Vũ*)

Tưởng chuyện như đùa hóa ra thật

Biết ông sòng phẳng tự bao giờ

Cái con thò lò quay sáu mặt

Vồ hụt mấy lần, ông vẫn trơ

(Mai Ngữ*)

Bên cạnh đó cũng có đôi bài thơ về mấy nữ sĩ xem ra không được tế nhị cho lắm:

Đất làng vừa một tấc

Bao nhiêu người đến cày

Thóc giống còn mấy hạt

Đợi mùa sau sẽ hay.

(Nguyễn Thị Ngọc Tú*)

Từ trong hom giỏ chui ra

Đã toan gánh vác sơn hà chị ơi

Định đem cái lạt buộc người

Khổ thân ông lão vịt trời phải chăn.

(Vũ Thị Thường*)

Mặc dầu khi ra mắt độc giả, tập thơ đã được Nhà xuất bản Văn Học rào trước đón sau khá kín kẽ để tránh hậu họa, nhưng rồi nó vẫn bị ăn đòn hội chợ. Một bức thư ngỏ với những lời buộc tội như một bản cáo trạng, có hơn 40 chữ ký, được gửi đến các cơ quan quyền lực của Đảng và Chính phủ đòi trừng trị tác giả vì tội phạm thượng, vì những lời lẽ đả kích nói xấu chế độ, mạt sát các đồng chí lãnh đạo, bôi nhọ những tinh hoa của dân tộc, xuyên tạc sự thật v.v… và v.v…

 Còn nhớ trước đó hai mươi năm, nhà văn thương binh đáng kính Hoàng Cát cũng đã phải một phen lên bờ xuống ruộng vì đã “phạm húy” trong một truyện ngắn hiền lành, đáng yêu mang tên “Cây táo ông Lành” (1973). Sự trùng khớp ngẫu nhiên giữa danh tính của một ông lão nông dân tốt bụng, chất phác với cái tên cúng cơm của một vị lãnh đạo “thét ra lửa, mửa ra khói” vốn cũng có “cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt”, đã khiến cho Hoàng Cát thân bại danh liệt và gia đình ông gặp muôn vàn khốn khổ suốt mười mấy năm trời dưới thời bao cấp rùng rợn.

 Mấy cây bút phê bình nịnh thối “ăn theo nói leo” cùng một số nhà văn quá khích hý hửng tưởng lại có dịp vùi dập một văn tài xuống tận đất đen (!). Nhưng thời thế đã khác. Ngọn gió đổi mới không cho phép ai ngậm máu phun người, hãm hại đồng nghiệp một cách bất công. Ngay đến cả vị tai to mặt lớn mà Xuân Sách đưa vào thơ cũng phải lên tiếng: “Có chi mô! Lão ấy đùa dai thôi mà!”. Sau đó, vào một dịp khác, ổng còn khẳng định: “Anh Xuân Sách viết đúng về tôi!” (Tố Hữu). Các bậc nhà văn cao niên khác cũng tỏ thái độ tán thành và ủng hộ tác giả tập thơ:

“Hóm, thằng này hóm!” (Nguyễn Tuân)

“Chúc mừng họ Ngô nhà ta. Những bài thơ của cậu đã đi vào cõi bất tử!” (Xuân Diệu)

“Tay này biết mình mê Kiều nên nó dùng lối lẩy Kiều để vẽ chân dung mình thì khéo thật. Tuy vậy, câu thứ hai nói oan và nói ác quá!” (Hoài Thanh)

Vị đại lão “Thái Thượng Hoàng”  Đặng Thai Mai đã cho vời Xuân Sách đến tận nhà để đọc thơ  “Chân dung”; sau khi nghe xong, cụ cười khùng khục và mắng yêu: “Cái thằng tiểu quỷ!”.

 Thế là Xuân Sách thoát nạn.  Và có thể khẳng định tập thơ “Chân dung nhà văn” đã vượt lên trên tất cả những sáng tác khác mà trở thành tác phẩm để đời của ông.

 Và hôm nay, ngự trên cõi Thiên đường ngó xuống lũ chúng sinh dưới hạ giới đang mở cuộc hội thảo về văn nghiệp của mình tại Câu lạc bộ Người yêu sách mang tên Nguyễn Huy Tưởng, chắc hẳn Xuân Sách sẽ vui vẻ vỗ đùi mỉm cười sảng khoái: “Mẹ kiếp, tụi này xem ra cũng chơi được đấy nhỉ!”.

LÊ SƠN

Sài Gòn đầu tháng Sáu 2018

(*) Trong “Chân dung nhà văn” mỗi khổ thơ Xuân Sách đặc tả một nhà văn đương đại bằng các tác phẩm của họ nhưng không ghi tên ai. Tên nhà văn ghi dưới mỗi khổ thơ là của tác giả Lê Sơn (BT)

Các Bài viết khác