NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MAI LĨNH, NGUỐC GỐC VÀ SỰ HÌNH THÀNH

( 13-11-2017 - 09:53 PM ) - Lượt xem: 1219

Gia đình xuất thân ở làng Xuân Mai, có đền thờ Đức Thánh Quan chống ngoại xâm đời nhà Hồ, trông ra quả núi thuộc làng Thanh Tước tên gọi là núi Lĩnh. Cụ đồ Chưng cho ý kết hợp tên làng và tên núi, đặt tên hiệu là Mai Lĩnh. Bắt đầu có tên hiệu là Mai Lĩnh, treo biển, tổ chức buôn bán vào qui mô.

MAI LĨNH,NGUỐC GỐC VÀ SỰ HÌNH THÀNH

NGUYỄN HỮU LƯỢC

 

Cụ ông, Đỗ Văn Phong, sinh ra ở một gia đình canh nông căn bản, theo học văn nho thời ấy. Cụ là con thứ ba. Nguyên quán thôn Mơi ( Mai), thuộc xã Xuân Phương (He), Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Thời cụ còn trẻ, địa phương còn gọi cụ là “ông ba He”, “ông đồ Ba”, “ông Ba Nghệ” (tên người con trai đầu của cụ). Đương thời, cụ cắt thuốc, kê đơn chữa bệnh cho dân địa phương, bạn bè quen thuộc. Cụ thường giao du đó đây: Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên…với các cụ nho học có trình độ. Từ đó cụ gia nhập và hoạt động Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) ở Hà Nội vào nguyên thập kỷ của thế kỷ XX.

Cụ bà, Lê Thị Nhu, người làng Phù Xá Đoài, cùng huyện.  Cụ chuyên làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, dệt sợi nuôi các con. Gia đình ở Xuân Mai, có thêm ấp ở Hiền Lương, cách Xuân Mai 6 km. Có thời cụ và các con chăm chú vào chăn nuôi, nuôi tới hàng trăm con gà, vào núi cắt cỏ guột[1], xếp đống để mối xông, rồi đào lên cho mối ra, gà thi nhau bu lại đống mối nhặt ăn.

Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị cấm, tan rã. Các cụ địa phương nào về địa phương ấy để nhóm hoạt động thành tổ chức “Phong trào Đàn Thiện” mượn cớ cúng bái để nâng cao dân trí.

Phong trào Đàn Thiện đang hoạt động, các nơi lẻ tẻ nổi dậy bạo động chống Pháp như Đề Kiều ở Vĩnh Yên, Đề Tuyền ở Phù Xá Đoài, Đội Ca ở Phù Lỗ Phúc Yên. Đề Thám ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Đông đều có. Hồi này Pháp mới ra tay bắt các người ở tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục và Đàn Thiện, các vị trong các tổ chức đó đều bị tù đày biệt xứ, phát vãng đi các lao tù, trại tập trung ở nơi rừng sâu nước độc, cụ Phong chung số phận này.

Sau khi cụ bị bắt thì lần lượt ba người con đầu của cụ cũng bị bắt luôn để uy hiếp tinh thần. Qua thời gian ngắn, lần lượt cho về, gia đình luôn bị guồng máy cai trị để ý, theo dõi.

Gia đình hết sức khó khăn bi đát về kinh tế, chính trị, lắm lúc còn bị sách nhiễu của các quan chức địa phương.

Một mẹ với tám con: con cả Đỗ văn Nghệ, được về, cần cù làm ruộng sinh sống với mẹ và các em, con thứ hai Đỗ Văn Thuật về, được người cậu ruột đưa về Phù Xá nhận làm con nuôi, ăn học thêm đổi tên là Đỗ Văn Kiêm, con thứ ba Đỗ văn Kỷ về, được bạn bè của cụ ông dắt díu đi Hà Đông, cho ăn học đỏi tên là Đỗ Văn Kỳ, con thứ tư Đỗ Văn Phượng được người họ ruột thịt chuyển về Xuân Na để thừa kế cúng bái tổ tiên ở đấy; con thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám ở nhà với mẹ cùng với anh cả ở Hiền Lương.

Ông Đỗ Văn Kiêm, lập gia đình ở Phù Xá, xin làm ký ga (facteur) ở Hỏa xa Gia Lâm, đón em thứ sáu Đỗ Xuân Mai đi ở cùng, nuôi ăn học ở Hà Nội; vợ ở nhà làm ruộng và mở thêm cửa hàng nhỏ bán quà, hàng xén, dầu tây, nước mắm…xen lẫn làm nón, áo tơi ngay ở cổng xóm, bên đường quốc lộ số 2 ở Phù Xá.

Ông Mai học thi đỗ bằng Cơ thủy (Certificat d’etudes primaries), tiếp tục vào học Trường Sư phạm hà Nội (Ecole Normale) theo lớp Trợ giáo ( Cours Normaux), ra trường đi dạy học ở Trình Phố, Thái Bình rồi Cổ Loa, Đông Anh, Phúc Yên.

Dạy học ở đâu, có mang theo các cháu, con các anh đi nuôi ăn học. Năm 1925 ông thôi dạy học, về Phúc yên mở trường tư rồi đi Hài Phòng xin việc làm ở Hãng Bảo Hiểm ( Assurance) do ông Albert Bleton điều khiển .

Trong lúc gia đình gặp muôn vàn khó khăn, ở Hà Đông ông Đỗ Văn Kỳ vào tổ chức Nguyễn Văn Tráng chống Pháp, có sản xuất bom vỏ xi măng ở Thái Bình.

Nguyễn Văn Tráng, một bộ phận tổ chức đầu độc tại Hà Nội, ném bom ở Khách sạn Con Gà Vàng (Hotel Coq d’Or – Hanoi). Ông Đỗ văn Kỳ là một nòng cốt quan trọng đã từng chuyển bom từ Thái Bình đi Hà Nội, tập trung tin tức các nơi cho cơ quan đầu não. Sau vụ “Hà thành đầu độc” và ném bom, các người hoạt dộng của Nguyễn văn tráng bị bắt hầu hết. Ông Đỗ Văn Kỳ bị bắt, kết án trên 10 năm khổ sai bị đày lên Sơn La, tỉnh mới thành lập ở thượng du. Khi đi Sơn La cả bọn có 23 người.

Hà Nội đi Sơn La đường giao thông chưa thuận tiện. Phương tiện giao thông vận tải thô sơ, hoàn toàn đi bộ; thỉnh thoảng có đoạn thuận tiện thì đi bằng xe trâu, lính áp tải và tù thuê được xe trâu lấy làm sung sướng lắm. Cứ như vậy, hàng mấy tuần lễ mới tới được Sơn La để lao động lập tỉnh và lập trại giam. Năm 1923, ông Đỗ Văn Kỳ được về, tính ra đi phát vãng Sơn La được gần chục năm trời. Trong số 23 người đi cùng đợt chỉ còn có 7 người sống sót trở về còn đâu bị chết ở nơi lao tù!

Con thứ năm, ông Đỗ Văn Năm lấy vợ ở Hiền Lương. Con thứ tám là gái bị chết đuối khi còn ít tuổi. Gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều, lại thêm ông Kỳ bị bắt tù đày, công vào những sự phiền nhiễu cho gia đình, nên bán ấp ở Hiền Lương, rút cả về Xuân Mai, kiếm kế sinh nhai và cho con thứ bảy là Đỗ Như Ngọc đi học ở Phúc Yên.

Ông Hai, Đỗ Văn Kiêm đề xuất với mẹ và anh, chị em trong nhà lập cửa hàng tạp hóa ở Phúc Yên; một phần thành viên làm ruộng ở Xuân Mai, cụ bà, ông Ngọc và các con của ông Cả ra hiệu ở Phúc Yên buôn bán và ăn học. Ông Hai về Phù Xá dẹp cửa hàng ở Xóm, tập trung lên cả Phúc Yên. Hiệu Phúc Yên thường có phù trợ của ông Hai và ông Tư. Còn ông Năm, gia đình tập trung ít vốn để ông ra Hà Nội chung lò thủy tinh (thổi thông phong, cốc, chai lọ, bầu đèn…) ở phố Hàng Bồ.

Học ở Phúc Yên, ông Ngọc đỗ bằng Certificat d’etudes primaires xong thì theo ông Mai đi Hải Phòng xin làm y tá (infirmier) nhà thương Hải Phòng.

Ông Ba được về, cả nhà họ hàng nội ngoại mừng vui. Cụ đồ Chưng là chú ruột vợ ông Ba đến thăm cháu rể, vui chung với gia đình, cả nhà mới đề xuất vấn đề đặt tên hiệu, vì được thêm ông Ba về có thêm người trông nom trách nhiệm kế hoạch mở rộng buôn bán, nhờ cụ góp ý kiến.

Gia đình xuất thân ở làng Xuân Mai, có đền thờ Đức Thánh Quan chống ngoại xâm đời nhà Hồ, trông ra quả núi thuộc làng Thanh Tước tên gọi là núi Lĩnh. Cụ đồ Chưng cho ý kết hợp tên làng và tên núi, đặt tên hiệu là Mai Lĩnh. Bắt đầu có tên hiệu là Mai Lĩnh, treo biển, tổ chức buôn bán vào qui mô.

Cả gia đình chung sức buôn bán, có quy mô phát triển, mở rộng, bỗng nhận được tin vui đột ngột. Có chú Lưỡng, người Tàu, hiệu Đồng Nhân Đường Phúc Yên, mời sang nhà nói nhỏ cho biết được tin của cụ ông gửi về qua bên này. Chú Lưỡng đưa ra bức thư chữ Hán, đọc tiếng tàu và dịch ra tiếng Việt cho nghe. Rồi từ đó thư từ qua lại. Gia đình sắp xếp cử người vào Nam Kỳ tìm gặp cụ.

Được sắp xếp ổn định, cả nhà cử ông Hai, ông Năm và anh Thụ ( con ông cả, cháu đích tôn) vào nam. Ông Hai nghỉ làm ga, ông Năm thôi chung lò thủy tinh, thu nhặt tiền hai chú và một cháu lên đường lấy  vé tàu thủy đi vào Nam tìm gặp cụ.

Cụ lấy địa chỉ Đồng Nhân Đường vì ở nhà cụ thường đi lại mua bán thuốc men với bố chú Lưỡng, trở nên quen thân đảm bảo tin cậy, cụ mới nhờ nhận thư và báo tin cho gia đình.

Cụ Đỗ Văn Phong mang quốc tịch Tàu, theo như các cụ lớp sau ở nhà cụ Võ Hoành kể lại. Cụ Phong cùng 12 cụ nữa, đóng mảng vượt ngục, kết hợp với người Tàu có tinh thần và tình cảm với các cụ che chở cho. Các cụ cho biết, các cụ không thể đi lại truyền đạt ý kiến với nhau vì không sao qua được mắt tụi mật thám Anh. Tĩnh tại, làm ăn không sao, nhưng làm việc gì có tính chất cách mạng hoạt động tuyên truyền là tụi nó ngăn cản, cấm đoán ngay. Có anh mới đến, tụi nó chưa rõ tung tích, phân công anh làm việc này ngay cho tổ chức. Chúng tôi gửi gấp và bắt đường dây, anh mang quốc tịch Trung Hoa, về nước anh tìm các tổ chức chống Pháp, truyền đạt ý kiến cho họ: “Theo Ấn Độ, Xiêm La luôn luôn đấu tranh đòi độc lập đi đôi với nâng cao trình độ dân tình, dân ý, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chưa vội bạo động, không cần cầu cứu sự giúp đỡ của nước ngoài. Vì sau kết quả thành công, chúng ta phải đối đáp bằng điều kiện, không nước nào họ giúp đỡ vô tư cả”.

Trong nước,vào thập kỷ 20 dấy lên phong trào cụ Phan Bội Châu về nước. Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh…khắp mọi nơi và mọi tầng lớp.

Tổ chức bên Trung Hoa lại cử cụ Phong về nước hoạt động. Trên đường về nước, cụ đi xe hỏa từ Vân Nam đến Hải Phòng. Xe hỏa qua ga Phúc Yên, cụ ngồi trên xe trông xuống cánh đồng làng, lũy tre xanh quanh làng, cổng làng kia, đền thờ Đức Thánh Quan kia, nhà ta, gia đình vợ con chỉ còn gang tấc không thể về thăm được, muôn vàn bùi ngùi, ứa hai hàng nước mắt…

Hải Phòng đi Sài Gòn cụ đi tàu thủy Claude Chappe. Chẳng hiểu tổ chức liên lạc tin tức thế nào, khi tàu cấp bến Sài Gòn đã có các cụ ra đón, gặp gỡ hoan hỉ, mời cụ về nhà cụ Võ Hoành ở núi Sập, Long Xuyên, địa điểm gặp gỡ của các cụ bị tù đày, biệt xứ thuộc các hoạt động chống Pháp khắp đất nước.

Dần dần, các cụ xa gần mượn cớ đến thăm cụ Võ Hoành, gặp cụ Phong nhận tin mới ở nước ngoài về. Hầu hết các cụ dạy Nho học, làm thuốc, kê đơn  chữa bệnh cho người khắp đó đây để kiếm sống. Do việc làm thuốc này, các cụ gặp gỡ quen thuộc đủ mọi tầng lớp nhân dân, các cụ cảm hóa được cả công chức ta có, Tây có, nông dân có, thợ thuyền có.

Không qua được mắt tụi mật thám, tổ chức bị lộ. Tây bị triệu hồi về nước, công chức tùy to nhỏ bị giáng chức, huyền chức, cách chức, nông dân, công nhân bị la rầy, quản chế, quản thúc, thậm chí có người bị tù tội, có người có gia đình bị đổi ra Bắc làm việc, danh nghĩa được ăn lương Tây, nhưng thực tế là đày cả gia đình biệt xứ.

Các cụ nhận thấy tập trung cả nơi cụ Võ Hoành không ổn, xé lẻ phân công nhiều vùng: Vĩnh Long, Rạch Giá, Châu Đốc, Trà Vinh, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau… mỗi nơi một hoặc hai cụ. Cụ Phong được phân công đi Bạc Liêu. Các cụ tổ chức mạng lưới tuyên truyền mở mang dân trí bằng cách kê đơn, cắt thuốc chữa bệnh, phát ra những bản “sấm truyền”, bản “kinh truyền” hòng nâng cao trình độ của dân chúng theo tinh thần yêu nước giành độc lập.

Hai chú, một cháu vào Nam tìm gặp cụ không đơn giản, khuất khúc, thiếu tiền, có lúc ba chú cháu phải nai lưng làm việc cực nhọc, kiếm thêm tiền ăn tiêu trên đường đi từ Sài Gòn đến Long Xuyên. Tới Long Xuyên được gặp cụ ở nhà cụ Võ Hoành núi Sập. Cha con, ông cháu được đoàn tụ ít lâu. Ông Kiêm về Bắc trước, ông Năm và anh Thụ ở lại trông nom chăm sóc cụ làm lụng và buôn bán.

Về tới nhà ở Phúc Yên, vợ và con ông Năm bị bệnh đã chết. Cụ bà và gia đình lo cưới vợ nữa cho ông Năm từ Bắc đi vào Nam góp sức làm lụng buôn bán chăm sóc cụ.

Cụ Phong được phân công đi Bạc Liêu, ông bà Năm dọn nhà, hàng họ theo cụ đi Bạc Liêu. Anh Thụ ở lại với gia đình cụ Võ Hoành (cụ và hai con gái). Đến năm 1928, anh Thụ về Bắc, cụ ông có gửi về câu đối, sau này Nhà Mai Lĩnh có làm bức hoành phi và câu đối sơn son thiếp vàng treo thờ. Mai Lĩnh là hoành phi. Câu đối cụ gửi về: “Mai thụ hoa khai, Mai thụ diễm; Lĩnh đầu nguyệt chiếu, Lĩnh đầu minh” (dịch là: Cây mai già nở hoa, cây mai già xanh tươi; trăng chiếu đỉnh núi Lĩnh, đỉnh núi Lĩnh được rọi sáng).

26 tháng 10 âm lịch năm 1930, cụ mất tại Bạc Liêu. Ông, bà Năm đưa tin về gia đình ngoài Bắc. Lo ma chay cho cụ, mộ chí đàng hoàng, đầy đủ. Năm 1932, ông bà Năm đưa cả gia đình về Bắc nốt gồm ông, bà (có bầu chú Bách), chú Tùng và số tiền 1500 đồng Đông Dương. Về Bắc, quà cáp bên nội, bên ngoại và thêm vào cửa hàng Phúc Yên để khuếch trương buôn bán. Sau khi sinh chú Bách, cửa hàng Phúc Yên có thêm hàng, nhưng không có người tiêu thụ, hàng bị đọng xem chừng không thể mở mang được, số tiền chỉ còn lại có 800 đồng.

Ông Kiêm về Bắc không đi làm hỏa xa nữa. Hồi này cả nước việc đo đạc đất đai đến độ chính xác địa phận từng làng, từng thửa ruộng để làm thuế điền thổ. Tỉnh có địa chính đứng đầu, làng có trưởng bạ đo đạc, làng nào biết làm thì tự đo đạc lấy, không thì phải thuê người. Ông Kiêm có máy đo đạc, có máy tính diện tích, nhận đo đạc thuê cho các làng. Năm 1928, ông nhận đo đạc thuê cho làng Lập Chí, ông có nhờ và mướn nhà của cụ Tổng Định để làm việc, thuê thêm người và phu phen cộng tác.

Ông ngỏ ý và bàn với cụ Tổng Định muốn lập ấp ở Lập Chí, được cụ tham gia kế hoạch mua gom ruộng gò để lập ấp. Cụ có khu ruộng ở xa nhà, cày cấy thu hoạch không thuận tiện. Cụ đổi cho làm khu ruộng cửa cổng của trại ấp. Hai nhà ý hợp tâm đầu, thân nhau như một. Năm 1929, lập thành ấp ở Lập Chí, trại cắm ngang quả gò trên khu ruộng cụ Tổng Định đổi cho.

Tuy gia đình hoạn nạn, lâm vào cảnh khó khăn mọi bề, uẩn khúc bất kỳ liên tiếp, gia đình vẫn kiên nhẫn giữ vững nền nếp, làm ăn qui củ, ăn chung ở đụng hòa thuận, trên bảo dưới nghe, ai làm việc gì hưng thịnh cho gia đình cứ cố gắng. Tiền của, ruộng vườn, nhà cửa dù ở Xuân Mai, Xuân Na, Lập Chí, Phúc Yên đều là của chung không phân biệt là của riêng ai, không ganh tị; chăm lo cho em, con cháu học hành đạt kết quả, nối tiếp sự nghiệp của cụ Phong, nổi tiếng một vùng là gia đình đoàn tụ, nề nếp gương mẫu. Năm 1945 nạn đói kém, lụt lội. Cụ bà vận động các con bỏ tiền mua lương thực phát chẩn cho các nhà bị quá đói, quá thiếu trong làng xóm hoặc dân chúng thập phương hành khất…

Dựa vào ông Mai làm việc ở Hải Phòng, giao thiệp rộng, bạn bè nhiều. Ông ba có óc tổ chức kinh doanh nên cả gia đình nhất trí chung sức mở cửa hàng ở Hải Phòng năm 1932.

Ở Phúc Yên, cửa hàng có cụ bà, ông Tư ra trông nom quán xuyến cùng anh Thụ. Bà Tư trông nom ruộng vườn ở Xuân Na, ở Phù Xá bà Hai chịu trách nhiệm, ở Lập Chí mới thành lập ấp do ông Hai tổ chức qua lại quán xuyến chung.

Năm 1933 cưới vợ cho ông Ngọc, ông thôi làm nhà thương ở nhà trong nom cửa hàng cùng ông Năm. Ông Ba chuyên xuôi ngược Hà Nội – Hải Phòng mua bán vận chuyển hàng về bán, giao dịch xin làm đại lý sách, báo, nhà thuốc ăn hoa hồng. Ông Mai vẫn đi làm Hãng Bảo Hiểm, giao dịch lấy khách mua hàng.

Mỗi người, mỗi việc, mỗi nơi Mai Lĩnh trở nên phồn thịnh, vững chắc, tín nhiệm, có tiếng, rồi nổi tiếng…

Sẵn đầu óc tổ chức, ông Ba để cửa hàng ở Hải Phòng ông Năm và ông Ngọc chịu trách nhiệm, lên Hà Nội tổ chức mở cửa hàng mới nữa vào tháng 4 năm 1935 ở 73, phố Hàng Bông. Năm 1935 cũng là năm bán cửa hàng ở Phúc Yên đi, thêm vốn mở mang cửa hàng ở Hải Phòng với số vốn 800 đồng của ông Năm cộng với tiền bạn bè bà con quen thuộc giúp đỡ, cửa hàng phồn thịnh. Năm 1935 được thêm số tiền bán cửa hàng Phúc Yên vun đắp, Mai Lĩnh ngày càng phồn vinh…

Khi mới mở cửa hàng ở Hà Nội có ông Ba, anh Thụ và anh Lược (con rể ông Hai, mới thôi học ít lâu) được 3 tháng ở Hàng Bông, chuyển gọn cửa hàng sang số 104 phố Hàng Gai chuyên bán tạp hóa, sách vở, giấy bút, sách báo cũng như các mặt hàng bán ở Hải Phòng, đồng thời chịu trách nhiệm, mua hàng gửi về Hải Phòng qua thư từ, đỡ người phải ngược xuôi.

Năm 1936 thôi mở hàng tạp hóa, dọn về số 7 phố Hàng Phèn, chuyển sang mở nhà in, tính việc phát triển văn hóa. Dù có nhà in ở Hà Nội, Mai Lĩnh Hải Phòng bắt đầu xuất bản những tập truyện ngắn bán 3 xu, thuê in ở Hải Phòng chứ không phải do Mai Lĩnh Hà Hội in.

1936 ông Mai cho ra tờ Hải Phòng tuần báo, thuê nhà in Viễn Đông in rất đẹp, giấy tốt, bán được nhiều, có nhiều độc giả rất lợi cho quảng cáo nhà in, cửa hàng. Nhà Mai Lĩnh bước đầu đi vào nghề xuất bản sách, báo chí. Có các cộng tác viên như Phùng Bảo Thạch, Lan Khai, Phạm Cao Củng, Nguyễn Công Hoan (về sau cộng tác với nhà Tân Dân), Tam Lang…

1937 có nhà in Thano phố Hàng Trống phá sản, nợ ngân hàng, nhà in bị tịch biên, đưa ra bán đấu giá. Mai Lĩnh mua được và chia ra một phần đưa xuống Hải Phòng, một phần chuyển về Hàng Phèn, Hà Nội.

Nhà in Mai Lĩnh ở số 7 Hàng Phèn dọn sang số 57 phố Phúc Kiến (phố Lãn Ông bây giờ) với số máy và vật liệu in ấn mua của nhà in Thano, lập thành Nhà in và xuất bản Mai Lĩnh Hà Nội – Hải Phòng.

Từ 1937, về tiếng Pháp xuất bản tờ tuần báo học sinh Pour la jeunesse scolaire, kèm theo phụ trương như Livre du petit cho học sinh, Pour l’Eude du Francais cho người lớn, sách Cours abgrégé de l’Histoire du Viet – nam, Analyse logique et grammatical du Francais, một loại sách học ngoại ngữ thao phương pháp thực hành: Etude pratique du Francais, Etude pratique de l’Anglais, Etude pratique du Japonnais, Etude pratique du Chinois; các bảng hình treo tường cách trí và sinh vật. Về tiếng Việt có tuần báo Dư luận, “Tiểu thuyết Thứ Ba” có đăng tải Lấy nhau vì tình, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, kèm theo phụ chương các truyện giải trí; về học sinh có chuyên truyện tranh, bài hát, truyện ngắn, câu đố cùng nhiều thể loại  dành cho các em học trò nhỏ tuổi; các loại sách về nghiên cứu, dạy nghề, y tế, khoa học, lịch sử, tiểu thuyết, v.v…như Kinh Dịch, Lão tử, Hoàng Lê nhất thống chí, Sấm Trạng Trình, Phan Bội Châu, Làm đĩ, Tắt đèn, Lều chõng…Thụ thai theo ý muốn, Khoa học huyền bí, Sách dạy đan len…sách giải trí có Giang Tống kiếm hiệp, Chu long kiếm, Lục kiếm đồng, Càn Long du bắc v.v….

Thời kỳ này có rất nhiều công tác viên như các ông Phùng Bảo Thạch, Vũ Liên, Lan Khai, Tam Lang, Ngô tất Tố, Nguyễn Tuân, Doãn Kế Thiện, Phạm Tất Đắc, Bùi Quang Huy, Trúc Đình, Nguyễn Triệu Luật, Đào Trinh Nhất, Phan Trần Chúc, Vũ bằng, Đinh Khắc Dao v.v…

Sách báo, tiểu thuyết in ra, cần có mạng lưới phát hành. Nhà Mai Lĩnh có gần 200 đại lý khắp nước từ Bắc chí Nam. Có đại lý mua tiền mặt, có đại lý nhận sách, báo ký gửi bán rồi mới thanh toàn hàng theo tháng theo thống kê tiền gửi về. Ngoài các đại lý trong nước, còn có đại lý ở Lào, Cao Miên, Quảng Châu văn và các đảo quốc thuộc Pháp ở quần đảo Nam Dương.

Năm 1938, Nhà in và Xuất bản Mai Lĩnh hà Nội – Hải Phòng vào nề nếp ổn định rồi, ông Ba đi Sài Gòn lập thêm cửa hàng ở số 120, đường Chợ Cũ ( G. Guynemer), bán tạp hóa, sách vở, báo chí, đồ dùng học trò, đứng đại lý hàng ký gửi như ở Hải Phòng. Cũng từ 1938 thành Nhà in và Xuất bản Hà Nội - Hải Phòng - Sài Gòn. Ông Ba lấy thêm bà vợ từ ngoài Bắc vào, đưa theo gia đình anh Tiếp. Bà này tính cách bớt xén riêng tư, sinh va chạm với anh Tiếp, gia đình anh Tiếp rút về Bắc, mở cửa hàng ở Phúc Yên; hai ông bà ly hôn, được một con gái, bà về Bắc. Có một mình không thể tự làm được cả, ông Ba về Hà Nội tính việc thôi cửa hàng ở Sài Gòn.

Năm 1938 vợ chồng anh Lược đang mở cửa hàng ở Phú Thọ, ông Mai gọi dây nói báo cho biết như vậy và ngỏ ý muốn anh Lược vào Sài Gòn phụ trợ ông Ba để khỏi đóng cửa hàng ở Sài Gòn. Phí tổn về thôi cửa hàng ở Phú Thọ, ông Mai sẽ chịu cho một phần. Thế là cuối năm 1939 đầu năm 1940, anh Lược vào Sài Gòn với ông Ba tậu thêm ruộng đất ở Chợ Lớn của ông Phan Cao Đoán, cháu cụ Phan Văn Trường rộng 400 hecta. Ruộng thì ít, bưng thì rất nhiều nên phải đào con kênh 2,5 km cho nước tiêu ra kênh Xáng cái, phí tổn đáng kể. Làm một cơ ngơi ở đó, ông Ba khi đi, khi về Sài Gòn. Cửa hàng Sài Gòn hoàn toàn do anh Lược trông nom, làm việc.

Năm 1944 có thêm chú Bảo, con trai ông Hai vào, anh Lược về Bắc. Chú Bảo lấy vợ. Ông Ba cũng lấy thêm bà khác. Công việc cửa hàng tiến hành bình thường. Chú Bảo theo hướng đạo sinh, hoạt động cách mạng, anh em bạn bè qua lại nhà, nên lúc quân đội Anh trao quyền lại cho Pháp, tụi nó dập phá tan hoang cửa hàng. Lúc này chú Bảo về quê vợ và theo kháng chiến, hy sinh trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Ông Ba thu thập và bán cửa hàng, thực tế chỉ là bán cái biển tên hiệu, trong nhà không có gì.

1946, sau khi bán cửa hàng, ông Ba để lại ít tiền cho bà và con gái mới sinh chưa đầy năm, ông về Bắc. Ông Ba và chú Bảo, chú cháu chẳng được gặp nhau và cũng chẳng rõ chú Bảo ở đâu. Ông về Bắc tháng 6, tháng 12 toàn quốc kháng chiến, ông bị kẹt không thể vào Nam được nữa, ông mất ở Hà Nội.

Năm 1943, ông Mai vào Sài Gòn, phối hợp với ông Ba, anh em bốc mộ cụ ở Bạc Liêu về Sài Gòn. Đi Bạc Liêu bốc mộ cụ có ông Ba, ông Mai, ông Hiên (bạn) làm thầy địa lý và ông Ban (bạn), trách nhiệm dị đoan trên đường đi và xếp hài cốt. Anh Lược và một người phụ việc mượn một ô tô của ông Vương Hòa (bạn) chở cốt thuê, một ô tô chở người, đưa về táng tại khu đồng một làng ở bên sông Đồng Nai, cách quốc lộ 1 độ hơn trăm mét, cách Sài Gòn hơn 20km.

Năm 1941, Nhà in Mai Lĩnh dọn về 21, phố Hàng Điếu, làm ăn buôn bán cho đến ngày “Toàn quốc kháng chiến”. Ngày 19/12 khi có tiếng súng, kẹt ở Hàng Điếu có 4 chú cháu: ông Ba, ông bà Mai, anh Thụ và anh Lược. sau đêm Noel 24, đêm 25 anh Thụ và anh Lược trốn ra khỏi Hà Nội để về Phúc yên, chỉ còn các ông ở lại. Nhà in bị tiêu hủy, người ở Hà Nội, người về quê rồi cùng theo kháng chiến. Diễn biến sau này vui có, buồn có, tan tác có, tụ tập lẻ tẻ có…, theo thời cuộc.

Còn ở Hải Phòng thì toàn gia đình đi tản cư, lần mò tụ tập về Xuân Mai, Lập Chí, kẹt lại mình ông Năm ở trại Mai Lĩnh, gần nhà thờ Nam Pháp, trên đường Hải Phòng – Đồ Sơn, giữa vùng du kích và vùng tạm chiếm. Ông Năm mất tại trại Mai Lĩnh trong những năm đầu của cuộc kháng chiến 9 năm. ([2])



[1] Một loại dương xỉ, mọc ở đổi hoang.

[2] Lịch sử về “Sự hình thành và phát triển  của nhà Mai Lĩnh” bác Lược mới viết đến đây, mong rằng nó sẽ được các con, cháu của nhà Mai Lĩnh bổ sung, hiệu đính và viết tiếp.

Rất tiếc bác Lược, tuy là con rể của nhà Mai Lĩnh, nhưng sự gắn bó không khác gì con đẻ của gia đình Mainh,đã sớm từ giã chúng ta, trước khi tất cả mọi người: các anh, chị em, các con, các cháu của bác Lược được đọc và thảo luận với bác, để hiểu biết thêm về truyền thống của cha ông. Bác từ giã chúng ta ngày 24 – 1- 1995 tức ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Tuất thọ 82 tuổi. ( Đỗ Như Lân).

Các Bài viết khác