NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

LEV TOLSTOY, TÔN GIÁO CỦA LƯƠNG TÂM

( 06-05-2016 - 05:24 PM ) - Lượt xem: 1764

Về cuối đời, Tolstoi tỏ ra tâm đắc với những tư tưởng giáo dục và tôn giáo hơn văn chương. Trong giao tiếp hàng ngày và thư từ trao đổi, ông luôn khẳng định rằng trong toàn bộ trước tác của mình, các tác phẩm tôn giáo (Tự thú, Đức tin của tôi, Vương quốc của Đức Chúa trời là ở trong bạn, Chúng ta phải làm gì?, Tóm tắt Phúc Âm) có một vị trí quan trọng

Tolstoi được coi là một nhà tư tưởng lớn và đặc biệt. Đặc biệt vì triết học của ông mang nhiều đặc trưng của tôn giáo, thậm chí là một thứ tôn giáo, nhưng lại không phải tôn giáo của Nhà thờ chính thống lúc đó. Về cuối đời, ông bị cả chính quyền, cả Nhà thờ, cả phe cách mạng công kích. Uy quyền của ông đối với Nhà nước lúc bấy giờ là một thứ uy quyền của “Sa hoàng thứ hai của nước Nga", chính quyền và ban kiểm duyệt luôn phải để mắt đề phòng ông. Nhà thờ rút phép thông công đối với ông, và trong thực tế khi hấp hối ông đã không chịu lễ rửa tội. Ông cùng không đứng về phía phe cách mạng, bởi trước sau ông không tán thành bạo lực vũ trang.

Về cuối đời, Tolstoi tỏ ra tâm đắc với những tư tưởng giáo dục và tôn giáo hơn văn chương. Trong giao tiếp hàng ngày và thư từ trao đổi, ông luôn khẳng định rằng trong toàn bộ trước tác của mình, các tác phẩm tôn giáo (Tự thú, Đức tin của tôi, Vương quốc của Đức Chúa trời là ở trong bạn, Chúng ta phải làm gì?, Tóm tắt Phúc Âm) có một vị trí quan trọng. Nhiều khi độc giả tiếp xúc với ông, cất lời ca ngợi Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina, ông lịch thiệp chờ họ nói dứt. liền sốt sắng giới thiệu các sách tôn giáo của mình.

Vậy tôn giáo của ông thực chất là gì?

Trước hết cần nói ngay ý định thể hiện mình như một nhà lập thuyết. Ông đến với tôn giáo do nhu cầu tìm một chỗ dựa trong cuộc sống trần thế, nhu cầu ấy đến với ông ở lứa tuổi trưởng thành và đã thành đạt chứ không phải lúc còn nông nổi, lầm lạc chưa định hướng nổi cuộc đời. Đó là năm ông bước vào tuổi năm mươi, đã lừng danh khắp châu Âu với tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình và đang hoàn thành kiệt tác Anna Karenina, thế rồi bỗng nhiên, giống như nhân vật Ivan Ilich trong tác phẩm Cái chết của Ivan Ilich, ông tự hỏi trong cơn kinh hoàng: “Có phải tôi đã không sống như tôi phải sống?”. Ông không sao giải đáp nổi những câu tự lục vấn: Nguyên nhân nào tôi tồn tại? Cuộc đời tôi có mục đích gì? Tôi phải sống như thế nào? Là người luôn chủ động, Tolstoi có ngay giải pháp: tìm đọc những nhà triết học uy tín đủ mọi khuynh hướng: Schopenhauer, Platon, Kant, Pascal, xem họ giải nghĩa về ý nghĩa cuộc đời. Nhưng họ đã không thỏa mãn được Tolstoi. Rời bỏ các triết gia và các nhà khoa học, ông quay sang tìm chỗ dựa ở tri thức tôn giáo. Ông nghiên cứu hầu như tất cả các tôn giáo lớn của thế giới: Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Hindu giáo, Phật giáo; sau đó còn say mê đọc các tư tưởng minh triết phương đông như Khổng giáo, Đạo giáo. Lao vào lĩnh vực này. Tolstoi lần hồi lấy lại được sự bằng an của tâm hồn. Ông biết rằng mình cần làm gì trong cuộc trong đời này, đó là cần mẫn và sốt sắng truyền bá tới mọi người niềm tin vào tình yêu thương, sự nhẫn nhịn và lòng vị tha, để đạt tới một xã hội công bằng.

Học thuyết của Tolstoi dựa vào đức tin, lột bỏ về thần bí, chối bỏ sự bất tử cá nhân. Ông đề cao các giáo lí của Phúc Âm, trong đó có lời răn dạy đạo đức của Chúa Jesus “Không chống cự cả với quỷ” được lấy làm nguyên tắc. Ông chối bỏ mọi quyền lực Nhà thờ, quyền lực mà vốn ủng hộ Nhà nước, cái bộ máy vốn gây ra bạo lực và tham nhũng.

Đọc kĩ Kinh thánh, nhất là các sách Phúc Âm, ông nhận thấy nhiều điều răn dạy của Chúa trong nguyên văn bị người đời sau hiểu sai lạc, và nhiều điều nhà thờ quan phương chính thống Nga đang rao giảng không đúng với các luật giới của Phúc Âm. Nhà thờ đang phản bội tinh thần Phúc Âm bằng việc cấu kết với chính quyền tước đoạt tự do, áp chế niềm tin bằng bạo lực, làm chỗ dựa vững chắc cho chế độ tư hữu, ủng hộ thế lực quý tộc và tư sản bóc lột người nghèo, mà kết quả làm cho tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Tóm lại, Tolstoi thấy Nhà thờ quan phương là kẻ thù thực sự của Chúa, là hiện thân của cái Ác.

Lên án mạnh mẽ Nhà nước và Giáo hội như những thế lực bạo hành, nhưng Tolstoi không chủ trương đấu tranh với nó bằng bạo lực. Ông muốn có một cuộc cách mạng từ bên trong tâm hồn con người, một nắm đấm của lương tâm chứ không phải quả đấm của vũ lực. Biện pháp cụ thể để đạt được xã hội hòa đồng là các giai cấp hữu sản hãy tự nguyện từ bỏ những đặc quyền đặc lợi, trí thức hãy từ bỏ sự cao ngạo của mình, giật đổ bức tường cách biệt người với người, khai hóa dân chúng. “Đây là tư tưởng trung tâm của Tolstoi: Sự quân bình xã hội phải được thực hiện không phải từ bên dưới, như những nhà cách mạng yêu cầu bằng cách tước đoạt tài sản từ những người hữu sản, mà từ bên trên, bằng một sự tự giác nhường lại của những giai cấp hữu sản” .

Từ những điều trên, Tolstoi kêu gọi con người hãy nhìn tôn giáo “như là một quan niệm mới của cuộc đời, chứ không phải như một học thuyết thần bí”, các tín dồ Thiên Chúa giáo thay vì dựa vào Nhà thờ hoặc chính quyền, hãy nhìn vào trái tim mình để tìm hạnh phúc từ bên trong, niềm tin của lương tâm mình. Vương quốc của Chúa trời thực sự sẽ đến trên trái đất này khi mỗi người sở hữu niềm tin trong mình và mọi người cùng sống chung trong một cộng đồng đều là anh em thuần phác.

Bản thân Tolstoi đã tự nguyện là người đầu tiên thực hiện những biện pháp trên. Để cảm thấy mình tự lập được về nguồn sống, ông lao động chân tay, hạn chế ăn tiêu xa xỉ. Tiếp theo, ông từ bỏ thú vui đi săn và không ăn thịt vì khỏi sát hại muông thú, dành tiền nhuận bút cho những mục đích từ thiện. Nhưng, như chúng ta biết, ông đã thất bại trong việc triển khai lí thuyết của mình ngay trong nhà mình, giữa sự phản ứng của vợ con. Một trong những trang cuối Nhật kí của ông ghi dòng chữ thống thiết: “Lev Tolstoi, anh có đang sống phù hợp với học thuyết của anh không?”. Và ngay đó là câu trả lời cay đắng: "Không, tôi đang chết vì nhục nhã. Tôi có tội và tôi đáng khinh".

Ớ xã hội Nga bấy giờ, hệ thống tư tưởng xã hội và tôn giáo của Tolstoi không được ngay những người thân cận ông lắng nghe, còn những người xa viễn cho là không tưởng. Nhưng, ngoài biên giới Nga, ở Ẩn Độ có một người anh em của ông đã lắng nghe và thực hiện thành công phương thức đấu tranh bằng bất bạo động, đó là Mahatma Gandhi.

Những tư tưởng tôn giáo của Tolstoi được lần lượt chuyển vào các bài giáo dục sư phạm và các tác phẩm nghệ thuật của ông, rõ nhất qua hình ảnh một số nhân vật mang tính tự thuật, như Nekhliudov, Levin, Pie Bezukhov. Các nhân vật quý tộc này, bằng các hình thức và mức độ khác nhau, đều khước từ đặc ân đặc quyền của giai cấp mình, xích lại gần "những người anh em cần lao” hơn. Tương tự, chúng ta thấy tinh thần hòa giải trong Luysern, Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina, và nhất là trong Phục sinh.

Một điều đặc biệt thú vị là có thế tìm thấy tư tưởng bất bạo động, không dùng bạo lực chống lại cái ác, sự khước từ lí trí của Tolstoi có sự gặp gỡ với tư tưởng “Vô vi” của Lão Tử, một tư tưởng minh triết bậc nhất của phương Đông. Rất nhiều đặc điểm của nhân vật Pie Bezukhov,Platon Karataiev, Kutuzov trong tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình hoàn toàn phù hợp với những nguyên lí cơ bản trong thuyết Vô vi.

Đây chỉ có thể là sự gặp gỡ của các tư tưởng lớn, chứ không phải là sự ánh hưởng qua lại. Hai bậc vĩ nhân Đông - Tây này sống cách xa nhau 25 thế kỉ (niên đại của Lão Tử là thế kỉ VI Trc.CN, của Tolstoi - thế kỉ XIX). Khi Tolstoi viết Chiến tranh và Hòa bình, ông chưa hề được biết gì về Lão Tử. Phải mười năm sau, do lục tìm câu hỏi cho cú sốc tinh thần, nhà văn đã tìm sang triết học Trung Hoa, ngạc nhiên và thú vị gặp được Lão Tử. Ông tự tìm cách học tiếng Trung để hiểu các triết gia trong nguyên tác, ông đánh giá Đạo giáo thậm chí cao hơn Khổng giáo.

Chủ trương bất bạo động, không dùng bạo lực chống lại cái ác của Tolstoi thực chất là chủ trương “bất tương tranh” cúa Lão Tử. Nhà hiền triết Trung Hoa cho rằng cái ác nảy sinh là do lòng tư dục “hữu vi”của con người. Vì vậy cần hạn chế sự ham muốn. Dục vọng càng ít, cuộc sống càng thanh thản, thân thể và tâm hồn càng tươi tốt. Người tốt là nguời không ganh ghét đố kị, không hư vinh, tóm lại, biết “vô vi” - nghĩa là biết sống thuận theo tự nhiên. Trong thiên Luận đức, ông nói:“người có đức cao không làm gì (vô vi) mà cái gì cũng cảm thấy được làm, người đức thấp thì làm (hữu vi) và cái gì cũng cảm thấy bị làm”. Với lão Tử, “sống bất tương tranh” là tốt nhất; với Tolstoi, sự nhường nhịn và tha thứ là khả năng tốt nhất để có một xã hội hòa đồng. Thật ra, ý hai ông là một.

Nhà văn Nga nhìn thấy thuyết Vô vi và thuyết Bất bạo động chẳng qua chỉ là hai tên gọi của một cách hành động: “Theo học thuyết của Lão Tử, tất cả bất hạnh của con người bắt nguồn không chỉ từ việc họ không làm điều cần làm, mà còn cả từ việc họ làm cả những việc không cần làm. Bởi thế, con người hẳn sẽ thoát khỏi mọi tai họa cá nhân, đặc biệt là tai họa xã hội mà nhà triết học Trung Quốc đã nói về căn bản, nếu họ tuân thủ vô vi... Và tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn đúng” . Vậy, vô vi và Bất bạo động không phải là không làm, mà là một cách làm, khác với cách làm “hữu vi”, “bạo động”. 

Theo nghĩa trên, nhân vật Kutuzov của Tolstoi luôn hành động theo cách vô vi – bất bạo động. Vị tướng quân nói: “Chiếm pháo đài không khó, cái khó là thắng cả chiến dịch. Mà được như thế thì không cần xung phong và tấn công mà cần kiên nhẫn và thời gian”. Quyết định cho lui quân và bảo toàn lực lượng, thống chế Nga giải thích: “Nếu tấn công, chúng ta chỉ có thể thua. Sự kiên trì và thời gian, đó chính là những chiến binh tráng sĩ của chúng ta”. Ông lập luận: “Không nên lấy quả táo khi nó còn xanh. Nó sẽ rụng xuống khi nó đã chín, còn nếu hái quả xanh chỉ hại cho quả, cho cây và cho mình nữa”. Những điều trên có một gạch nối trực tiếp với quan điểm “vô vi” của Lão Tử: “Không nên cố sức lôi chú gà con ra từ trong vỏ trứng… làm như thế chỉ hại cho con gà. Đúng thời điểm, nó sẽ tự chui ra, bằng sức mạnh bản chất của mình”.

Nhà văn đánh giá người lãnh đạo cuộc kháng chiến bằng cảm nhận của nhân vật Andrey: “Ở ông ta chẳng có gì của mình cả. Ông ta chẳng nghĩ ra được điều gì, chẳng quyết định một điều gì. Nhưng ông ấy sẽ nghe tất, nhớ tất, đặt tất cả vào đúng vị trí, không cản trở bất cứ điều gì có ích, và sẽ không cho phép một điều gì có hại. Ông ấy hiểu rằng có một cái gì mạnh hơn và có ý nghĩa hơn ý chí của ông ta, - đó là tiến trình tất yếu của các sự kiện”. Theo lập luận này, sức mạnh của Kutuzov chứa đựng ở thao tác tư duy bên trong: nhớ, nhìn, hiểu và cùng với chúng là biểu hiện vô vi bên ngoài: không quyết định, không cho phép, biết tránh không tham gia. Vậy, công lao của Kutuzov không phải là ở thao diễn chiến lược mà là ở sự “vô vi” có ý thức.

Trong cuộc chiến tranh, Napoléon đặt cái tôi của mình lên cao hơn tất thảy, luôn phải diễn kịch, kể cả với người thân trong gia đình, coi chiến tranh như một trò chơi; còn Kutuzov đại diện cho số đông, thủ tiêu cái tôi để hòa mình vào nhân dân, coi chiến tranh là một tất yếu đáng sợ, cố làm giảm bớt tổn thất.

Sau khi chủ trương “Vô vi” mà rút khỏi Moskva, Kutuzov lo sợ nhất là địch thủ sẽ chống lại ông bằng chính “vũ khí” của ông, nghĩa là thay vì “hữu vi” như đang làm, Napoléon sẽ không ráo riết thực hiện những hành động quân sự nữa, mà cũng ngồi “vô vi” ở Moskva và chờ sự thất bại của quân Nga. Nhưng may thay, hoàng đế Pháp đã không hiểu cần phải hành động như thế. Cái thông tuệ của lí trí trong con người phương Tây đã không cho ông nhận ra cái mẫn tuệ kiểu phương Đông của đối phương.

Khi nghe tin quân Pháp triệt thoái khỏi Moskva, vị thống lĩnh quân đội Nga đã òa lên khóc và chấp tay cảm ơn Chúa vì “nước Nga đã được cứu rồi”. Ông khóc vì sung sướng thấy đất nước đã qua cơn nguy biến khủng khiếp và khóc vì đau lòng hiểu rằng đằng sau chiến công là bao tổn thất, mất mát không gì bù đẳp nổi. Điều này cũng rất phù hợp với quan điểm của Lão Tử: “Cần kỉ niệm chiến thắng bằng tang lễ”.

Khi quân Nanoléon rút chạy khỏi nước Nga. Kutuzov không cho truy sát. Ông nói: “Đánh nhau, chặn đường, tồn thất mạng người, đánh đập dã man những kẻ bất hạnh để làm gì?". Chống lại cái ác chỉ có thể bằng việc làm điều thiện. Đó cũng là lời căn dặn của Lão Tử: “Người tướng giỏi chiến thắng và dừng lại ở đó, ông ta không dám thực hiện bạo lực". Sứ mệnh của người lãnh đạo cuộc chiến tranh nhân dân đã hoàn tất. Tolstoi cho nhân vật Kutuzov lui vào hậu trường, để ông chết trước vài tháng, không tham gia vào cuộc viễn chinh như trong chính sử.

Học thuyết “vô vi” của Lão Từ ra đời từ tình yêu con người. Trong thời đại chiến tranh huynh đệ tương tàn ông đã kêu gọi con người dừng lại để ngoái lại nhìn quanh mình, nghĩ về mình và mọi người. Tolstoi cũng kêu gọi con người điều đó trong thời đại mà không lâu sau sẽ diễn ra những cuộc đại chiến với quy mô toàn cầu và với mức độ tàn khốc chưa từng thấy của lịch sử nhân loại.

Cũng như Dostoievski, Tolstoi giải quyết vấn đề xã hội không phải bằng con đường chính trị, mà bằng con đường đạo đức. Xét cho cùng, quan niệm của nhà văn về tình yêu thương, sự ăn năn, không hận thù, tự hoàn thiện mình là những quan niệm hết sức nhân bản và không phải là không có ý nghĩa trong thời đại chúng ta. thời mà biết bao giá trị tốt đẹp bị hạ thấp và bao giá trị phi nhân tính khác đang đắc thắng lên ngôi.

PGS.TS PHẠM THỊ PHƯƠNG

Các Bài viết khác