NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

LEV TOLSTOY Ở VIỆT NAM

( 07-04-2016 - 07:25 AM ) - Lượt xem: 2485

Lev Nikolayevich Tolstoy (1828 – 1910) là nhà văn cổ điển, nhà tư tưởng, đạo đức, nhà giáo dục người Nga nổi tiếng trên thế giới như một tiểu thuyết gia vĩ đại với các kiệt tác Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina.

Lev Nikolayevich Tolstoy (1828 – 1910) là nhà văn cổ điển, nhà tư tưởng, đạo đức, nhà giáo dục người Nga nổi tiếng trên thế giới như một tiểu thuyết gia vĩ đại với các kiệt tác Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina.

Tác phẩm của ông sớm được dịch, và giới thiệu ở Việt Nam từ thời trước kia, cũng như sau này trong giới nghiên cứu và học đường, nhất là ở các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, với các bộ giáo trình đồ sộ Lịch sử văn học Nga.

Đặc biệt Lev Tolstoy được nhắc đến nhiều trong các dịp kỷ niệm lớn như Hội thảo quốc tế lần 5 vào dịp gặp truyền thống 100 năm ngày Tolstoy từ trần (20/11/1910 – 20/11/2010) tại khu bảo tồn – điền trang Yasnaya Polyana (Nga) hoặc Hội thảo văn học kỷ niệm 50 năm, 100 năm ngày mất (1960,2010), 150 năm ngày sinh (1978) tổ chức tại Việt Nam.

1/ Ở Việt Nam, một số kiệt tác của L.Tolstoy đã được dịch từ rất sớm – những năm 1930 và 1940. Đào Duy Anh dịch bộ sử thi Chiến tranh và hòa bình, Vũ Ngọc Phan dịch Anna Karenina.Bản dịch Phục sinh được đăng trên báo Tiếng dân từ năm 1927, bản dịch của Vũ Ngọc Phan (nhan đề Anna – Kha Lệ Ninh) đăng trên tạp chí Pháp – Việt ở Hà Nội, và báo Tràng An ở Huế năm 1937.

Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ Chiến tranh và hòa bình do nhóm dịch Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Hoàng Thiếu Sơn thực hiện. Lần tái bản 1976 – 1977, Cao Xuân Hạo hiệu đính lại theo nguyên bản tiếng Nga. Nhị Ca và Dương Tường cũng dịch Anna Karenina thành 3 tập, theo bản Pháp văn của Sylvie Luneau (Fernand Hazan, Paris, 1949), có tham khảo các bản Nga văn và Trung văn.

Sau đó, vào những năm 1970, nhóm Phùng Uông, Nguyễn Nam …tiến hành dịch Phục sinh từ nguyên bản tiếng Nga có tham khảo bản dịch của E.Beaux, E.H. Kaninski, T de Wgena, bản Anh văn của L.Maude và bản Trung văn của Nhữ Long. Dịch giả Lê Sơn có chứng kiến cách làm việc, xác nhận công phu nghiêm túc nhiều năm của nhóm dịch giả.

Ở miền Nam Việt Nam, cùng với F. M. Dostoievski, nhà văn  Lev Tolstoy cũng thuộc số tác gia cổ điển Nga có đầu sách dịch vượt trội từ cuối những năm 50 cho đến trước 1975. Trên các tạp chí Văn hóa ngày nay, Bách Khoa, tạp chí Văn xuất hiện nhiều bản dịch của truyện ngắn và tiểu thuyết Lev Tolstoy. Nguyễn Hiếu Lê cho biết qua hồi ký Đời viết của tôi rằng, ông bắt tay vào dịch tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình từ cuối năm 1966, có tham khảo bản dịch của nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội.

Từ sau năm 1975, nhà xuất bản Văn học đã tái bản các tác phẩm dịch của Lev Tolstoy với số lượng lớn, trong đó đáng chú ý có tập truyện chọn lọc do Nguyễn Hải Hà và Thúy Toàn dịch. Từ năm 1990, sách Nga chỉ tái bản, ít bản dịch mới: Thời thơ ấu (Nguyễn Thụy Ứng, 2001); Bản sonataKreutzer (Trần Thị Phương Phương,   1999, 2011); Kịch của L. Tolstoy (Nguyễn Hải Hà, 2010).

2/ Thực ra, trước năm 1954, đã có một số bài phê bình, giới thiệu của Hải Triều, Nhất Linh, Thạch Lam về Lev Tolstoy như sự tìm tòi một hướng đi mới cho văn học một thời.

Việc tiếp xúc khá đầy đủ và nghiên cứu văn học Nga thực sự được đặt ra từ cuối những năm 50 tới đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

Thế hệ sinh viên Ngữ văn chúng tôi được trực tiếp nghe Giáo sư Liên Xô Nubarov giảng dạy trên giảng đường từ lúc đó. Đồng thời, chúng tôi cũng được đọc những cuốn giáo trình đầu tiên về văn học Nga của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị và nhiều cuốn sau đó của Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Trường Lịch… Các bộ ấy, sau tập hợp trong cuốn sách đồ sộ  880 trang Lịch sử văn học Nga (Giáo dục, 1998).

Những quan điểm của Lev Tolstoy như thấm sâu vào trí óc mỗi người. Sức hấp dẫn về nghệ thuật ngôn từ của nhà văn này là “Cái thiện và cái đẹp thống nhất trong cái “tôi” riêng hòa quyện vào những người khác như các bộ phận hòa vào cái toàn thể” [2, tr 438].

Nguyễn Tuân có cách cảm thụ văn chương độc đáo: “Cho đến ngày nhân loại du hành vũ trụ, đi hết lên các tinh cầu khác, Tolstoy vẫn là cây đa sừng sững trong rừng văn đại ngàn nước Nga”. Nhà văn bày tỏ niềm khâm phục thật lớn lao: “Nếu như chúng ta so sánh văn học Nga với rừng cây đại thụ, thì những đỉnh cao nhất là các nhà văn cổ điển thế kỷ XIX. Và hôm nay, khi chiêm ngưỡng chúng từ xa, ta cảm thấy một tình yêu và sự kính trọng vô biên với họ” (Tolstoy, Văn nghệsố 11, 1960).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trường Lịch trong chương viết về Lev Tolstoy đã từng kể rất chính xác và sâu sắc: “Đọc tác phẩm của Tolstoy, ta thấy rõ những bức tranh hiện thực đồ sộ của cả một thời đại xã hội nước Nga, gắn liền với những biến cố vĩ đại của cả châu Âu trên một chiều dài lịch sử không gian và thời gian bao la đan quyện vào nhau”(sách đã dẫn ).

Đó cũng chính là ý tưởng khen ngợi của Lênin về tính chính xác lịch sử thời kỳ từ năm 1861 đến năm 1965, như Tolstoy đã mượn lời nhân vật Levin đánh giá quá trình phát triển xã hội Nga từ chế độ phong kiến tàn tạ chuyển sang chế độ quân chủ tư sản [2,tr 434].

Thành công về nghệ thuật điển hình được đặc biệt nhấn mạnh: “Đồng thời, người đọc có thể gặp hàng loạt hình tượng điển hình, tựa như một viện bảo tàng rộng lớn mênh mông”.[2, tr439]

Mỹ học anh hùng là đặc điểm nổi bật, cũng là tiêu điểm hấp dẫn của văn học thời kháng chiến ở Việt Nam.

Các nhà văn, các nhà nghiên cứu hoàn toàn nhất trí, và đề cao tinh thần chống chiến tranh, chống chủ nghĩa quân phiệt, đồng thời ca ngợi tinh thần của chủ nghĩa anh hùng trong bộ tiểu thuyết sử thi của L.Tolstoy. Giáo sư  Hoàng Xuân Nhị đánh giá Chiến tranh và hòa bình là bộ “tiểu thuyết sử thi hiện thực đầu tiên trên thế giới ca ngợi nhân dân Nga, ca ngợi chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, sức mạnh vô địch và tài năng của nhân dân Nga, là tác phẩm được xem là một trong những đỉnh cao nhất trong văn học thế giới” [1, tr 132,  138]. Trần Vĩnh Phúc nhấn mạnh – Lev Tolstoy và chủ nghĩa anh hùng nhân dân (Tula,  1978), Trần Trọng Đăng Đàn chú trọng tới tính dân tộc và thiên tài nghệ thuật trong chiều rộng và độ đậm của chất anh hùng ca: Lev Tolstoy – đại văn hào của nước Nga, con người kỳ diệu của nhân loại, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1978).

Gần đây, giới nghiên cứu văn học Việt Nam đã tiếp thu nhiều thành tựu nghiên cứu và lý luận không chỉ của Nga mà còn của thế giới, đã vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu mới, đặc biệt là thi pháp học hiện đại.

Đáng chú ý, có các chuyên luận của chuyên gia hàng đầu Nguyễn Hải Hà – Thi pháp tiểu thuyếtL. Tolstoy (Đọc Chiến tranh và hòa bình) (Giáo dục, 1922).Nguyễn Trường Lịch có Tiểu thuyết Lev Tolstoy (Văn học, 2010). Sang những năm đầu thế kỷ XXI đáng chú ý là các bộ giáo trình, chuyên luận của Hà Thị Hòa, Đỗ Hải Phong, Phạm Thị Phương, Trần Thị Quỳnh Nga, Trần Thị Phương Phương… đều là những giảng viên cao cấp đại học.

Đã có một sự tiếp nối thế hệ từ dịch giả đến các nhà nghiên cứu, giảng dạy rất đáng tự hào về văn học Nga, và về Lev Tolstoy ở Việt Nam.

3/ Văn học Nga, đặc biệt là văn học của các tác gia cổ điển như A. S. Pushkin, N. V. Gogol, F. M. Dostoievski, Lev Tolstoy được giới thiệu, tiếp nhận ở Việt Nam khá sớm do nhiều nguyên do, nhưng có một điều đáng lưu ý là hoàn cảnh lịch sử và tính chất nhân văn tiến bộ xã hội của một nền văn học lớn.

Lev Tolstoy là một trong những nhà văn cổ điển Nga đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền văn học hiện đại  của Việt Nam. Có lẽ, chính vì dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đất nước trải qua trầm luân – 30 năm chiến tranh ác liệt, nên hơn đâu hết, hơn ai hết chúng ta đón nhận nhà văn ở mức cảm thông, nhiệt tình nhất. Đặc biệt, thế hệ trẻ – những ngườilớn lên qua chiến tranh, những nhà văn quân đội từ thời chống Pháp, rồi chống Mỹ có những sự gần gũi tự nhiên về cả ý thức, quan niệm, lẫn tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật của Lev Tolstoy.

Những năm 60, trong khuynh hướng sử thi, xuất hiện những bộ tiểu thuyết dài nhiều tập của các nhà văn tên tuổi: Cửa biển của Nguyên Hồng, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Bão biển của Chu Văn. Nhiều người viết đã quan tâm tới kinh nghiệm tiểu thuyết Nga thế kỷ XIX. Giới nghiên cứu thường nhắc tới các trường hợp Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ.

Nguyễn Đình Thi bộc lộ về lòng khâm phục nghệ thuật tâm lý của nhà văn Nga Lev Tolstoy:“Hoạt động của tâm hồn con người, có lẽ là cái gì đó phức tạp nhất trên thế giới. Theo tôi, các nhà tiểu thuyết lớn đều chú trọng miêu tả sự vận động rất biện chứng của tâm hồn con người ta. Tolstoy là bậc thầy về điều này” [5, tr 145]. Nhà văn rất  có ấn tượng với Chiến tranh và hòa bình: “Cuốn sách đã làm tôi xúc động mạnh. Trong cuốn tiểu thuyết, biện chứng tâm hồn đã hòa nhập với triết lý, với sự vận động của lịch sử, và trong sự hòa hợp đó, kết tinh rất nhiều vấn đề trọng yếu của thời đại chúng ta”. Nguyễn Đình Thi học tập một cách sáng tạo rõ nhất trong Vỡ bờ để miêu tả con người trong vận động xã hội [5, tr 158].Có thể coi Lev Tolstoy là người dẫn đường cho thành công lớn của Nguyễn Đình Thi.

 Có nhận xét rằng hình tượng Andrei Bonkonski dũng cảm, giàu lòng yêu nước ám ảnh Nguyễn Minh Châu trong cái chất anh hùng và lãng mạn của nhân vật Lữ trong Dấu chân người lính. Trước khi hy sinh, người chiến sĩ điện thanh ấy còn ngẩng cao đầu lên một lần cuối cùng: “Trên nền trời cao, rất cao và xanh, lá cờ đỏ mỗi lúc một thắm tươi đang tung bay”. Andrei trong Chiến tranh và hòa bình ngã xuống thảo nguyên Pretsen dưới bầu trời Austerlich  – “bầu trời cao, không quang đãng lắm, nhưng vẫn cao vòi vọi với những đám mây xanh chầm chậm lững lờ trôi qua”. Ý nghĩa ẩn dụ của bầu trời, đôi mắt của nhân vật thật xa lạ nhưng  lại rất gần nhau.

Phan Tứ đã xây dựng hình tượng cây đa qua cảm nhận của nhân vật Thiêm trong tiểu thuyết Mẫn và tôi cũng có nét phảng phất cây sồi trong đêm trăng huyền ảo của Natasha. Cây sồi già thân thuộc của khung cảnh văn hoá Nga, trước phép nhiệm màu của mùa xuân đang nảy ra những chùm lá xanh mơn mởn, chẳng khác nào sự hồi sinh mãnh liệt trong tâm hồn Andrei. Đó là cây sử thi của tiểu thuyết sử thi. Cây đa cổ truyền như cây thần, cây thiêng trong tâm linh Việt Nam được nhận ra dưới ánh hào quang mới: “Tôi sửng sốt một thoáng rồi nhận ra cây đa già bên mái đình, thân và cành chằng chịt những vết rạch, còn nhiều mảnh pháo cắm sâu vào gỗ lay không ra. Thật nó đấy không? Hình như loạt nổ vừa rồi đã đánh thức nó dậy, và nó lập tức trút vỏ, thay lá và đi ngay vào cuộc sống mới. Mùa xuân vọt lên giữa đêm. Đi khá xa, tôi còn thấy cây đa kỳ diệu ấy hiện trẻ măng trong quầng lửa của cuộc nổi dậy” (Mẫn và tôi, trang 83). Có những cảm nhận tương đồng ngẫu nhiên mà chứa đựng bao ý vị sáng tạo!

Lại có  “những chuyện lạ có thật” hết sức cảm động.

Sự kiện văn học lớn nhất trong năm 2015 ở Liên bang Nga đã chính thức bắt đầu vào ngày 8/12, lôi cuốn lượng độc giả đông đảo trên cả nước. Có hơn 4000 bạn đọc trên khắp mọi vùng miền toàn quốc đã đăng ký ghi danh, tham gia sự kiện “marathon văn học”, cùng nhau đọc “Chiến tranh và hòa bình” của thiên tài Lev Tolstoy nhân kỷ niệm 150 năm ngày ấn phẩm bất hủ này xuất bản lần đầu tiên. Nơi đọc là các địa danh nổi tiếng có liên quan đến tiểu thuyết, như Đài tưởng niệm trận đánh Borodino ở ngoại ô thủ đô Moscow, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Bảo tàng Hermitage, Nhà hát Helikon Opera, Sân khấu âm nhạc Drama Theater Georgy Tolstonogov... Sự kiện văn học nổi bật kéo dài trong 4 ngày (8 – 11/12) được phát trực tiếp trên kênh K – chuyên văn hóa của Đài Truyền hình Trung ương Nga qua vệ tinh đi khắp thế giới.

Các bạn Nga sẽ rất cảm động khi biết rằng, ở Việt Nam, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, diễn ra cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ác liệt của thế kỷ trước, đã có những cuộc đọc sách việt dã (marathon) không kém “hoành tráng”. Đó là những cuộc đọc sách báo trong rừng, trong hang núi, suốt  những cuộc hành quân, giữa hai trận giao chiến của các đơn vị bộ đội lớn, nhỏ. Người ta đọc thơ Tố Hữu, Hồ Chí Minh; truyện Nguyễn Thi, Anh Đức,  Nguyễn Minh Châu và cả truyện ngắn, tiểu thuyết sử thi của văn hào Nga.

Những tư tưởng, tình cảm lớn lao, cao quý thường gặp nhau dù ở bất cứ nơi đâu. Những con người Việt, Nga bình dị và quả cảm, kiên cường tìm được sự đồng cảm sâu sắc, do đó cũng “hoành tráng” vô hạn về tâm hồn.

Có những cảnh tượng thật xúc động về lòng ham đọc: các chiến sĩ chia sẻ nhau mang sách, thậm chí những bộ, những tập dày  được tách ra từng mảng, từng mảnh cho nhẹ bớt bên cạnh súng đạn và gạo. Chính nhà thơ Hoàng Trung Thông đã kể rằng, trong chiến tranh, người ta đọc các tác phẩm của Tolstoy: “Trong chiến hào, trong những ngôi làng đổ nát, ở nông thôn lẫn thành thị. Những người lính hành quân trên đường Trường Sơn đã mang theo mình Chiến tranhvà hòa bình, Phục sinh, Anna Karenina, những cuốn sách đã nhàu nát bởi chuyền tay nhau suốt những chặng đường chiến tranh” (Những ngày thu ở Liên Xô, Hà Nội, 1983).

 Và đây là những lời kể của Tiến sĩ Trần Thị Phương Phương qua tri thức thơ ca từ những nhà thơ – chiến sĩ trẻ bộc lộ cảm xúc qua tâm tư thật sống động. Đó là Bế Kiến Quốc với Bài thơ về Chiến tranh và hòa bình (Văn nghệ, 9/9/1978). Nhà thơ kể với người yêu kỷ niệm đọc Tolstoy trên sân trường, dưới hàng phượng đỏ và giờ đây là ngọn lửa thắp sáng: “Tôi đã thấy: những lời Tolstoy cháy rực lên trong bóng tối của rừng”.Vũ Từ Trang kể sự trở về với những sự kiện năm 1968, khi “lửa đạn cháy trên chiến trường mùa hạ”, và cũng kể lại sự tiếp nhận tiểu thuyết sử thi Lev Tolstoy: “Người lính trẻ mở ba lô/ Giữa đám áo bạc màu, bao gạo, thuốc men/ Là những cuốn sách đọc đến quăn cả góc/ Anh muốn đọc to cho đồng đội của mình/ Nhưng trăng đã lặn sau những vầng mây/ Anh bèn kể về những người lính Nga và những thiếu nữ Nga” (Năm ấy, Văn nghệ, 9/9/1978).

***

Nguyễn Tuân từng ca ngợi hết mức Lev Tolstoy. Nhà văn cảm thông được cái phần sâu xa nhất trong di sản như thông điệp lớn lao của nhà văn thiên tài Nga: “Cái tài lớn của Tolstoy – nghệ sĩ thì đã rõ rồi. Nhưng còn phải thấy Tolstoy ở những điều nghĩ về nhân loại, vì nhân loại, cho nhân loại”.

Trong chiến tranh và cả trong hòa bình, những tư tưởng nhân văn lành mạnh và tiến bộ của Lev Tolstoy là rất quý báu. Giờ đây, con người vẫn đang phải đối mặt với bao hiểm họa – khủng bố, bá quyền và đe dọa chiến tranh, thì lòng yêu thương nhân loại, hòa hiếu cùng với ý chí kiên cường, anh dũng vẫn là ngọn cờ tỏa sáng từ cuộc đời đến văn chương trước mắt nhân loại./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hoàng Xuân Nhị (1960), Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, Văn hóa.

[2] Nhiều tác giả (1998), Lịch sử văn học Nga, Giáo dục.

[3] Trần Thị Quỳnh Nga (2010), Lev Tolstoy ở Việt Nam (giai đoạn 1945 đến nay), Nghiên cứu văn họcsố 12.

[4] Trần Thị Phương Phương, “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy: những nhận định và những vấn đề đặt ra ở Việt Nam, http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/(30/10/2010).

[5] Nguyễn Đình Thi (1977), Đại hội lần thứ tư các nhà văn Liên Xô, Tạp chí Văn học số 5.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

Các Bài viết khác