NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

LÊN NHÃ NAM THĂM NGUYÊN HỒNG

( 01-12-2018 - 06:04 PM ) - Lượt xem: 658

Trong một chuyến đi công tác thường kỳ đến Hà Nội vào mùa thu năm 1971, giáo sư đã bày tỏ với Ban lãnh đạo Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam một nguyện vọng tha thiết là được lên Nhã Nam thăm nhà văn Nguyên Hồng, tác giả thiên truyện nổi tiếng Bỉ vỏ đã được dịch và xuất bản ở Nga dưới cái tên VOROVKA (Con mẹ ăn cắp) trước đó ít lâu.

Giáo sư tiến sĩ N.I.Nikulin (1931 -2005) là một nhà Việt Nam học lỗi lạc của nước Nga, một người bạn lớn chung thủy của nhân dân ta.

Suốt hơn nửa thế kỷ chuyên nghiên cứu giới thiệu Văn học Việt Nam qua hàng trăm công trình khoa học và dịch thuật, giáo sư đã bay qua Việt Nam gần hai mươi lần, đã đặt chân lên nhiều nơi của Tổ Quốc ta, từ miền Tây Bắc xa xôi hẻo lánh đến thành phố Hồ Chí Minh sôi động tưng bừng, đã kết bạn với nhiều nhà khoa học và văn nghệ sĩ Việt Nam có tên tuổi.

Trong một chuyến đi công tác thường kỳ đến Hà Nội vào mùa thu năm 1971, giáo sư đã bày tỏ với Ban lãnh đạo Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam một nguyện vọng tha thiết là được lên Nhã Nam thăm nhà văn Nguyên Hồng, tác giả thiên truyện nổi tiếng Bỉ vỏ đã được dịch và xuất bản ở Nga dưới cái tên VOROVKA (Con mẹ ăn cắp) trước đó ít lâu.

Và tôi có may mắn tháp tùng giáo sư trong chuyên đi đáng ghi nhớ này. Đoàn cán bộ Viện Văn học thế giới mang tên M.Gorki trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô sang Việt Nam lần này ngoài giáo sư Nikulin còn có tiến sĩ Semanov, chuyên gia về văn học Trung Quốc thời Trung đại, dáng người cao lớn, tính tình sôi nổi, rất hiếu động. Những ngày ở Hà Nội, sáng nào ông cũng rời khách sạn Thống Nhất (nay là Metropole) vào đúng 6 giờ, chạy thể dục dọc theo đường Ngô Quyền trong bộ đồ thể thao màu xanh xám, trước sự ngạc nhiên trầm trồ của mọi người: “Trông to béo y như phi công Mỹ!”

Để chuẩn bị cho chuyến đi lên Nhã Nam chúng tôi đã đặt khách sạn làm một số hộp thức ăn nguội cho bữa liên hoan với Nguyên Hồng vì được phổ biến rằng điều kiện sinh hoạt của gia đình ông ở Nhã Nam có nhiều khó khắn, nhất là trong những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc rất ác liệt.

Trên đường dẫn vào nhà Nguyên Hồng, Semanov đề nghị cho xe ghé thăm một khu chợ ồn ào náo nhiệt. Tại đây, “ông Tây Liên Xô” liền xà ngay vào một gánh bán thịt chó lưu động và cứ nằng nặc đòi nềm thử một miếng dồi nướng thơm phức. Tôi hoảng quá, phải dọa là ăn thịt chó ngoài chợ dễ đau bụng lắm mà tôi lại không mang theo thuốc trị bệnh. Cuối cùng Semanov đành bỏ đi với vẻ tiếc rẻ ra mặt, còn Nikulin thì chỉ cười cười và lắc đầu nhìn ông bạn đồng nghiệp.

Ít phút sau, xe chúng tôi leo lên một quả đồi mang tên đồi Cháy và dừng lại cạnh một bụi cây thưa thớt trước ngôi nhà ba giạn lợp ngói tây đơn sơ, tường gạch dính đầy vôi vữa. Mảnh sân đất trước nhà được bó thêm hàng gạch phủ rêu phong nằm dưới bóng hai cây khế và cây me sai quả. Chủ nhà Nguyên Hồng trong bộ đồ nâu đã bạc mầu, râu tóc tua tủa trong như một lão nông chính cống, cùng vợ và các con chạy ra đón khách. Ông lập cập dẫn chúng tôi vào nhà, giới thiệu các thành viên trong gia đình và nói: “Tôi được Hội Nhà văn báo tin có đoàn khách Liên Xô lên thăm nên vô cùng phấn khởi và rất cảm động – ông rưng rưng nước mắt – Các đồng chí từ Mạc Tư Khoa đến đây, không quản đường xá xa xôi và bom đạn chiến tranh  thật là quí hóa quá. Tôi rất mê văn học Nga – Xô Viết. Hồi thai nghén cuốn Bỉ vỏ, tôi rất xúc động khi được xem bộ phim Taras Bulba (dựa theo cuốn tiểu thuyến lịch sử cùng tên của Gogol - L.S). Những ấn tượng của nó để lại trong tâm trí tôi và những cảm giác đã rung chuyển tôi đến nay vẫn rõ và sắc vô cùng….Những cảnh tàn khốc, đau xót trong Taras Bulba và tâm hồn anh dũng quật cường của lão tướng Taras Bulba thỉnh thoảng lại như dội lửa lên tâm trí tôi những khi tôi ngồi một mình trước bàn viết.”     N.I.Nikulin (1) và tác giả (3)

Sau mấy tuần trà nước, ông xuống dưới nhà ngang và lễ mễ bưng lên một mâm xôi gà cùng một chai rượu ngang sủi tăm nút lá chuối khô, rồi đằng hắng cất cao giọng khàn khàn:

- Các đồng chí quá bộ đến đây, gia đình chúng tôi ở chốn khỉ ho cò gáy này chẳng có đồ cao lương mỹ vị để thết đãi, chỉ có chút cây nhà lá vườn do chúng tôi tăng gia được, rượu cũng nhà nấu lấy. Thứ “cuốc lủi” này chẳng thua kém gì loại Vodka Nga La Tư thứ thiệt đâu nhé. Hồi sang Liên Xô, tôi cũng đem theo hai chai, được các bạn Nga khoái lắm đấy.

Chúng tôi cũng ra xe khuân vào mấy hộp đồ nguội để góp phần liên hoan. Khi chúng tôi xin phép xuống nhà ngang để mời chị và các cháu lên cùng dự cho vui, thì Nguyên Hồng ngăn lại:

- Tôi xin có ý kiến thế này: Ở làng xã chúng tôi có cái lệ là đàn bà và trẻ con không được phép ngồi chung với khách. Tuy là phong kiến thật đấy, nhưng đây là hương ước. Phép vua thua lệ làng. Xin các vị thông cảm cho.

Đoạn ông rót rượu:

- Nào, xin mời các vị nâng chén vì buổi hội ngộ hiếm có này, vì tình hữu nghị bền vững giữa hai nước chúng ta.

Nheo mắt nhìn về phía xa xăm, ông kể:

- Tôi còn nhớ mùa hè năm 41, chúng tôi lo như thế nào khi được tin phát xít Đức bội ước, tấn công vào Liên Xô, chúng tôi đã theo dõi cuộc phong tỏa thành phố Leningrad suốt 900 ngày đêm, chúng tôi vui mừng trước trận đại thắng của Hồng quân ở mặt trận Stalingrad và vỡ òa trong niềm sung sướng vô hạn khi lá cờ của Hồng quân được cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức quốc xã. Đại nguyên soái Stalin và quân đội Xô viết đã cứu vớt toàn nhân loại thoát khỏi ách phát xít Đức và tạo điều kiện cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Rồi sau đó Liên Xô và Trung Quốc đã hết lòng giúp đỡ nhân dân chúng tôi trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Công ơn ấy chúng tôi không bao giờ quên. Tục ngữ Việt Nam có câu:”Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”

Nguyên Hồng vừa nói vừa khóc rưng rức. Và cuối cùng ông vung tay thật cao:

- Đất nước Liên Xô vĩ đại muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!

Nguyên Hồng là người dễ xúc động như vậy đấy. Nhưng đó là những giọt nước mắt thánh thiện nhất, đó là tấm long chân thật sâu sắc của ông đối với bạn bè chí cốt.

Giáo sư Nikulin đáp từ bằng tiếng Việt khá sõi. Ông nói đại ý: Nhân dân Liên Xô rất ngưỡng mộ văn tài của nhà văn Nguyên Hồng. Chúng tôi cũng biết rõ ông đã hoàn thành một kiệt tác – cuốn Bỉ vỏ khi mới mười bảy tuổi. Chúng tôi đồng thời xin bày tỏ sự kính phục trước khí phách của nhà văn Nguyên Hồng, người đã cương quyết rời bỏ thủ đô Hà Nội hoa lệ ngàn năm văn hiến để đưa gia đình lên đóng đô ở miền sơn cước từ cuối thập kỷ 50. Chúng tôi cũng muốn thông báo với nhà vắn kính mến rằng tác phẩm Bỉ vỏ của đồng chí đã được dịch ra tiếng Nga và được đông đảo độc giả Xô Viết rất hoan nghênh. Những người Xô Viết chúng tôi cũng rất thông cảm với cuộc đời ba chìm bảy nổi của Tám Bính và Năm Sài Gòn.

Kết thúc bài phát biểu, giáo sư trao tặng Nguyên Hồng cuốn Bỉ vỏ bằng tiếng Nga cùng một món quà lưu niệm.

Cơm nước xong xuôi, Nguyên Hồng liền hướng dẫn các vị khách đi thăm cơ ngơi mới được tu bổ của mình trên khu đồi Cháy nhờ món nhuận bút của hai tập tiểu thuyết Sóng gầm.

Địa điểm này mang tên ấp Cầu Đen. Gọi là Cầu cho oai chứ kỳ thực cây cầu có mầu đen này chỉ dài bằng cái cống lớn xả nước trên con suối mà phía dưới người ta lấy vải màn giăng ra để bắt cá. Nơi này nhà văn thường ra ngồi hóng mát, câu cá vào những buổi chiều hè oi bức.

Còn thư phòng của văn nhân vẫn là gian nhà ngang tuềnh toàng, nơi bàn viết là một chiếc chõng tre do dùng lâu ngày đã lên nước bóng loáng và một manh chiếu cũ. Khi sáng tác, nhà văn trải chiếu trên nền nhà, ngồi khoanh chân xếp bằng, tập giấy, lọ mực, cây bút sắt đặt trên mặt chõng.

Trên bức tường nham nhở và ẩm mốc có treo một bức tranh sơn dầu của nhà danh họa Dương Bích Liên vẽ hai em bé gái gày guộc, mắt mũi xanh lét. Song chính trong gian nhà xập xệ này đã ra đời hai bộ tiểu thuyết đồ sộ gồm mấy ngàn trang là Cửa biểnNúi rừng Yên Thế mà Nguyên Hồng đã vắt cạn sức để viết trong những đêm dài thao thức của mùa đông rét buốt và những ngày hè nóng như thiêu như đốt. Rồi ông dẫn khách rời khỏi khu nhà với bao kỷ niệm còn in đậm dấu vết thời gian để đi thăm mấy đoạn giao thông hào còn sót lại của đồn Phồn Sương nằm trong chiến khu của cụ Đề Thám. Nguyên Hồng rất hâm mộ cái tính khí ngang tàng bất khuất và lòng khao khát tự do của Đề Thám cũng như của vị lão tướng Taras Bulba. Ông rất tâm đắc câu nói khẳng khái của người anh hùng Yên Thế trong bức thư trả lời bọn thực dân Pháp dụ ông đầu hàng: “Chết thì thôi chứ Thám tôi quyết không chịu qùi gối. Chặt đầu thì chặt chứ cúi đầu thì không!”

Chúng tôi ra xe khi hoàng hôn đã buông xuống. Ấp Cầu Đen, đồi Cháy, chiến khu Yên Thế đang lùi dần lại phía sau, và hình ảnh lão nông Nguyên Hồng tóc râu bay bay trước gió, đôi mắt hấp háy sau cặp mục kỉnh đứng vẫy tay tiễn khách mờ dần trong bóng chiều bảng lảng.

Trên đường về Hà Nội, giáo sư Nikulin đưa ra một nhận xét chí lý: “Không phải ngẫu nhiên mà Nguyên Hồng chọn Nhã Nam làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Chính khí thiêng của núi rừng Yên Thế đã hun đúc nên ý chí quật cường và lòng yêu tự do của người anh hùng áo vải Đề Thám và của Nguyên Hồng, một cây bút đầy bản lĩnh, giàu lòng nhân ái và gắn chặt đời mình với quần chúng cần lao”./.

LÊ SƠN

Sài Gòn 30/10/2018

Các Bài viết khác