NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

KHÁI HƯNG VỚI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

( 19-09-2014 - 06:31 AM ) - Lượt xem: 1454

Đóng góp của Khái Hưng cho Tự lực văn đoàn dồi dào và thành công hơn cả là sáng tạo văn chương, với nhiều thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện trẻ em...). Tác giả vào nghề văn không phải là sớm, 36 tuổi mới có tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản (Hồn bướm mơ tiên

Khái Hưng là nhà văn sáng tác dồi dào nhất Tự lực văn đoàn. Hoạt động báo chí và sáng tạo văn chương của Khái Hưng khá phong phú. Theo Tú Mỡ, tác giả đã tham gia rất   nhiều   mục   trên   báo Phong   hoá   và Ngày   nay.   Trên   báo Phong   hoá   nhà   văn   phụ trách các mục: Hạt đậu dọn (vạch làm trò chơi những câu văn viết sai), Cuộc điểm báo (nhặt nhũng điều sai trái lố bịch của các báo), những phóng sự về mặt trái của xã hội, đặc biệt là truyện ngắn, truyện dài. Trên báo Ngày nay, Khái Hưng phụ trách các mục: thời sự (cùng Tứ Ly, Đoàn Phú Tứ), phê bình (cùng Thạch Lam, Thế Lữ), kịch nói (cùng Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ), truyện ngắn, tiểu thuyết (cùng Nhất Linh, Thế Lữ, Thạch Lam, Đỗ Đức Thu, Thanh Tịnh, Trần Tiêu).

Với vai trò nhà báo, Khái Hưng xuất hiện khá  đều  đặn trên Phong hoá Ngày nay. Dường như không mấy số là không có ông góp mặt. Viết báo, tác giả xoay quanh mấy đề tài: đấu tranh mới cũ, phê bình các báo, thời sự, chính trị... Từ mục đích, tôn chỉ của văn đoàn Tự lực là báo chí sống về độc giả, ngòi bút của tác giả theo dòng đời vận động, biến đổi thật mau lẹ. Những bài khảo cứu của Bán Than đăng trên Văn học tạp chí Phong hoá trước lúc chưa đổi mới còn suy tư, tìm kiếm  "sửa sang vườn cũ cây xưa, biết cái hay thì nêu ra để lấy  đấy mà trau dồi biết cái dở cũng nêu ra để người nhớ lấy mà ruồng bỏ, đến ngòi bút của Nhị Linh trên Phong hoá thì đã chuyển hẳn sang lập trường duy tân cấp tiến, triệt để theo mới, bỏ vũ chống hủ tục, tệ đoan, chống tinh thần hương đảng, phê phán lễ giáo lỗi thời đưa ra một lối sống mới, đề cao tư tưởng tự do phương Tây... đến những bài báo của Khái Hưng đăng trên báo Ngày nay trong chuyên mục Chuyện kết luận bàn luận về thời sự, chính trị, chiến tranh và hoà bình, các ông nghị, các chính đảng, đôi khi dòng đời đã xô đẩy tác giả đi khá xa cái Tôn chỉ, Mục đích của văn đoàn ngày nào, khiến ông có lúc đả phong bài thực rất mạnh mẽ, có lúc lại tỏ ra non nớt, ngây thơ, thậm chí có cả sa chân, lạc bước. Những bài báo của Khái Hưng ngày nay chẳng còn mấy bài có thể đọc được, trừ ít bài văn khảo cứu phê bình, giới thiệu tác phẩm, ghi lại tình trạng lạc hậu, cổ hủ của xã hội ta thời tiền chiến, về thực trạng viết văn trong các báo những năm 30 của thế kỷ trước. Mặt khác, nếu như trên Phong hóa và Ngày nay mục tin thơ, điểm thơ, bình thơ, luận bàn về thơ của Thế Lữ và Thạch Lam... rất là phong phú, thì mục tin và bàn về tiểu thuyết của Khái Hưng lại rất khiêm tốn.

Đóng góp của Khái Hưng cho Tự lực văn đoàn dồi dào và thành công hơn cả là sáng   tạo   văn   chương,   với   nhiều   thể loại   (truyện   ngắn,   tiểu   thuyết,   kịch,   truyện   trẻ em...). Tác giả vào nghề văn không phải là sớm, 36 tuổi mới có tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản (Hồn bướm mơ tiên), nhưng ông thành đạt rất nhanh, liền ngay năm sau đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ hai (Nửa chừng xuân). Cả hai cuốn  đã gây được tiếng vang đáng kể trên văn đàn lúc đó. Là người có tài, lại lao động nghệ thuật rất miệt mài (Tú Mỡ viết: "Làm việc đến rạc người, hom hem, xanh xám như Khái Hưng ai không biết cứ tưởng là "dân làng bẹp ) [107, 136] ), nên chỉ trong khoảng 10 năm Khái Hưng đã để lại một sự nghiệp văn chương khá phong phú, đồ sộ, bao gồm 12 cuốn tiểu thuyết, 8 tập truyện ngắn, 4 tập kịch, 4 tác phẩm viết chung và một số sáng tác chỉ đăng báo không xuất bản thành sách.

Về kịch, Khái Hưng có bốn tập: Tục luỵ, Đồng bệnh, Nhất tiểu Khúc nghê thường.

Trong các tập truyện ngắn rải rác cũng xen một vài kịch ngắn. Nếu sưu tầm hết kịch của tác giả đăng trên báo Phong hoá và Ngày nay số tác phẩm của ông có thể lên đến hơn 30. Kịch của nhà văn phần lớn là tiểu phẩm, ngắn gọn, nhẹ nhàng, vui vẻ, nêu lên một vài sự kiện, tâm sự đáng cười, đáng quan tâm. Tuy nhiên đôi khi cũng có những tác phẩm ngụ một ý tình sâu sắc tinh tế. Nhìn một cách tổng thể, kịch của Khái Hưng, phong phú, dồi dào nhất nhóm Tự lực văn đoàn.

Về truyện ngắn, sáng tác của nhà văn nếu gom hết có thể đến vài trăm truyện. Chỉ tính riêng 8 tập truyện đã được xuất bản cũng đã là 114 truyện. (Đội mũ lệch: 27, Dọc đường gió bụi: 12,  Tiếng suối reo: 24, Hạnh: 5, Số đào hoa: 5, Cái ve: 13, Đợi chờ: 17, Cắm trại: 1, và Lời nguyền: 6). Sự tuyển chọn trong các tập trên chưa phải đã thâu tóm hết những truyện tiêu biểu. Đọc báo Phong hoá, Ngày nay, ta có thể tìm thấy một số truyện nữa.

Khái Hưng có nhiều truyện ngắn hay, quan sát tài tình, ngòi bút điêu luyện thể hiện một khía cạnh trong văn tài ông. Tác giả đã dựng người, dựng việc rất bình dị nhưng khơi gợi, cảm động. Bút pháp, giọng điệu lại đa dạng: khi bông đùa, dí dỏm, lúc triết lý ngụ một ý, tình sâu xa, man mác, thơ mộng. Tuy nhiên, truyện ngắn của ông chất lượng không đồng đều, có những truyện đơn giản, ý nghĩa không sâu xa, chỉ là truyện vui, truyện phiếm, thậm chí còn như viết nháp, viết để lấp cho đầy cột báo.

Truyện nhi đồng của Khái Hưng cũng đầy thi vị, vui, thường hợp với tâm lý trẻ em. Có thể xem đây là những giai phẩm nho nhỏ không phải không đáng kể trong các tác phẩm thành công nhất của ông.

Đặc biệt về tiểu thuyết, Hồn bướm mơ tiênNửa chừng xuân là hai cuốn truyện đầu đầu tiên và đã gây được tiếng vang rất lớn. Ở hai tác phẩm này, bước đầu những quan niệm mới của nhóm Tự lực văn đoàn về xã hội và nhân sinh đã in sâu vào thế giới nghệ thuật tiểu thuyết. Những ý hướng đả phá xã hội Nho phong với tập tục lễ giáo hủ lậu, đả phá cái không khí sầu bi, phong thái đạo mạo, những thành kiến chán đời, và khẳng định tự do cá nhân, tin theo lẽ phải, sống theo âu hoá, cải cách đời sống dân quê... đã được thể hiện rất linh động trong các vai truyện. Đó là sự khẳng định tình yêu tự do tìm đến với nhau vượt ra khỏi sự chi phối của tôn giáo trong Hồn bướm mơ tiên. Đó là cuộc đấu tranh mới cũ, khẳng định hôn nhân một vợ, một chồng, phê phán lễ giáo phong kiến chà đạp lên hạnh phúc của tuổi trẻ, ca ngợi vẻ đẹp  thiên nhiên đất nước và vẻ đẹp của người bình dân trong Nửa chừng xuân.

Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng cũng được đánh giá là một trong những mốc mở đầu cho một thời kỳ mới của văn học. Đúng như Giáo sư Thanh Lãng nhận xét:

Nhưng điều đáng chú ý là sự ra đời của mấy truyện như Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Tôi kéo xe của Tam Lang. Từ cách xây dựng truyện, cách đặt vấn đề, cách mô tả tâm lý các vai truyện mà nhất là lời văn dễ dãi linh động, ba tác giả này như vạch ra một đường rạch lớn phân đôi hai thế hệ trước (13 - 32) và thế hệ sau (32 - 45)  

Khái Hưng đã góp phần làm phong phú các tiểu loại tiểu thuyết. Theo Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, nhà văn có các loại tiểu thuyết: lãng mạn, phong tục, tâm lý. Theo Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học, tiểu thuyết của Khái Hưng có các ý hướng: ý hướng thơ, ý hướng tranh đấu, ý hướng lịch sử, ý hướng tâm lý. Có người lại cho rằng tác giả viết các loại tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết tâm lý. Có thể nói, với Khái Hưng tiểu thuyết đã có nhiều hình thức: tiểu thuyết lý tưởng, tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tâm lý...

Riêng Khái Hưng đã viết mười hai (chưa kể hai cuốn viết chung với Nhất Linh), trong số bộ mươi cuốn tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Trong đó nhiều cuốn có giá trị đáng kể.

Rõ ràng, từ khi tham gia Tự lực văn đoàn, được cổ vũ, góp ý khuyến khích, Khái Hưng đã chuyển biến nhanh cùng với Nhất Linh và các bạn trong văn đoàn. Ông thực sự trở thành một trong những nhà văn trụ cột, có sáng tạo dồi dào và tiêu biểu nhất Tự lực văn đoàn. Ông là nhà tiểu thuyết có biệt tài, đã góp phần làm cho tiểu thuyết trở thành thể loại chủ lực của văn đoàn Tự lực và cũng góp phần không nhỏ làm cho bạn đọc tin tưởng, yêu mến văn đoàn của ông.

Ts. NGÔ VĂN THƯ

Các Bài viết khác