NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HOÀNG MINH TƯỜNG - NHÀ BÁO VIẾT VĂN

( 13-12-2018 - 05:19 AM ) - Lượt xem: 1094

Ông viết Gia phả của đất, Thời của thánh thần, Đầu sông và nhiều tác phẩm khác… Vì khuôn khổ bài viết có hạn, là độc giả, cũng không đọc hết được khối lượng đồ sộ toàn bộ các tác phẩm, chỉ xin được viết theo cảm nhận cá nhân về cuốn sách Thời của thánh thần.

Theo tư tưởng Trang Tử, có ai đó  vẫn thường nói: dưới một cuộc tranh luận  là điều không cần phải tranh luận. Tranh luận thì cần phải có người tranh luận chứ. Người tranh luận cũng cần phải có tư duy thì mới tranh luận được chứ. Cái tư duy của Pascal: “Tôi tư duy là tôi tồn tại” đã bao hàm một cơ thể khỏe mạnh để có thể suy nghĩ tư duy được. Vậy thì khi đọc một tiểu thuyết có nghĩa là ta đang đọc cái nền, cái background, cái suy nghĩ, tư duy của tác giả. Đành rằng anh là người viết ra câu chuyện nhưng anh phải để cho nhân vật được sống với cuộc sống người ta. Muốn như vậy anh phải đứng ở bên ngoài, tưng  tửng coi như không biết chuyện gì, quan sát từng hành động, lời nói cách cư xử  của nhân vật để tự thân nhân vật toát lên được cái họ cần biểu lộ. Mỗi tác giả như một đấng sáng tạo, là một đức chúa trời có thể điều khiển thế giới nhân vật  hỷ nộ ái ố… đem lại cảm xúc cho bạn đọc.

Vâng, hôm nay, tôi muốn nói đến ông Chúa có tên Hoàng Minh Tường. Chúa Ông sinh ngày  21-1-1948, nay tròn 70 tuổi. Theo xếp hạng của Nguoinoitieng.tv, ông là người nổi tiếng thứ 5648 thế giới và đứng thứ 23 trong số nhà văn hiện đại Việt Nam nổi tiếng. Có sự trùng hợp nào chăng khi  là nhà văn tuổi Đinh Hợi viết được nhiều tác phẩm nổi tiếng về đề tài  nông thôn?

Có người bảo, vì ông sinh ra lớn lên ở nông thôn, nên ông hiểu cuộc sống người nông dân, sống cùng nhau, hiểu thì viết càng cặn kẽ. Mảnh đất Ứng Hòa quê ông nằm giữa Chương Mỹ và Tả Thanh Oai, dù có nhiều khó khăn nhưng tràn đầy  những câu ca dao đắm đuối:

Phủ Ứng Thiên có làng Cầu Gáo

Đất phì nhiêu dân số cũng đông

Năm trăm tám tám đàn ông

Sáu trăm tám sáu mẫu đồng tốt tươi

Kiểu danh thắng lắm nơi đáng kể:

Trước sông dài sau kế Dộc Sen
Trai tài, gái đẹp như tiên
Ngôi đình to đẹp cạnh sông, giữa làng.

Đồng cao thấy miên man gò đống

Làng hình rồng, đất rộng, của nhiều
Người hiền, cảnh cũng mến yêu

Học hành thi cử có điều đáng khen.

Có thể cái chất đất, chất người, chất văn hóa Sơn Nam ấy thấm đượm vào trang văn tự lúc nào không biết… Gọi ông là thầy giáo cũng không sai, ông là cử nhân địa lý Đại học Sư phạm  Hà Nội, dạy học, làm Sở Giáo dục khu Tự Trị Việt Bắc 7 năm. Ông cũng là nhà báo của Người giáo viên nhân dân (Báo Giáo dục và thời đại) và  là trưởng ban văn xuôi của báo Văn nghệ.

Ông được nhiều giải thưởng như Giải A Văn học Công nhân với tác phẩm “Những người ở khác cung đường” năm 1985 – 1990, Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc năm 1997. Năm 2011, ông được tặng thưởng văn học Thời kỳ đổi mới 1985-2010 cho 10 tiểu thuyết hay nhất về nông thôn - nông nghiệp do Hội NVVN và Bộ NN&PTNT trao tặng cho bộ tiểu thuyết Gia phả của đất (T1 Thủy hỏa đạo tặc, T2 Đồng sau bão).

Ông viết Gia phả của đất, Thời của thánh thần, Đầu sông và nhiều tác phẩm khác… Vì khuôn khổ bài viết có hạn, là độc giả, cũng không đọc hết được khối lượng đồ sộ toàn bộ các tác phẩm, chỉ  xin được viết theo cảm nhận cá nhân về cuốn sách Thời của thánh thần.

Cuốn sách  thực sự là một tiếng bom khi tháng 8 năm 2008 vừa phát hành ra đã bị thu hồi. Đội ngũ các nhà biên tập xuất bản cũng đều là các nhà văn có tiếng Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh (bị thu hồi cuốn “Đi tìm nhân vật”)… Năm 2014, NXB La Fremillerie – Paris cho ra mắt với tên gọi Le temps des Genies Invincibles - Tháng 3 năm 2016, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Nhật ấn hành bởi NXB Đại học Ngoại ngữ Tokyo – Tokyo. Ở Việt Nam đa phần bạn đọc tiếp xúc qua ebook hay những cuốn sách fake mua từ những tay buôn sách cũ…

Cùng với “Dưới chín tầng trời” của Dương Hướng, “Cuồng phong” của Nguyễn Phan Hách, tác giả Hoàng Minh Tường cũng chọn cho mình một phả hệ 3 đời để kể lại câu chuyện sinh mệnh của dân tộc, từ “Cách mạng tháng Tám”,“Cải cách ruộng đất” đến”Nhân văn giai phẩm”, “Cải tạo công thương”….

(Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã phải kêu lên: Hỡi các ông nhà văn, các ông đừng đi theo lối mòn, hãy thoát khỏi lối  văn kể chuyện, làm sao viết để bạn đọc xúc động. Vì thế cần sự sáng tạo, cần đi con đường chưa ai đi qua.)

Gia đình lý trưởng Nguyễn Kỳ Phúc chơi con dao hai lưỡi mang tên thời cuộc, vừa theo cách mạng (Kỳ Khôi, Kỳ Vỹ), vừa theo cộng hòa (Kỳ Vọng), lại vẫn giữ một anh Kỳ Cục tàn tật ở nhà để lo hậu sự… (Độc giả hay suy diễn có thể nhớ đến một Nguyễn Cao Kỳ quê Sơn Tây, theo đường binh nghiệp vào Nam mà leo lên tới Phó tổng thống Việt Nam cộng hòa…) Ông bố Kỳ Phúc vì hai mang, tư sản dân tộc bị đấu tố trong Cách mạng ruộng đất, treo chân, lao đầu xuống đất tự vẫn. Kỳ Khôi thăng trầm với con đường làm quan cách mạng bôn sê vích, chuyển biến từ thời thanh niên vô thần về tuổi già “tri thiên mệnh”, tâm linh. Kỳ Vỹ với nghiệp văn thơ  lẫy lừng có tập thơ “Thời của thánh thần” rũ tù vì ngang, vì dám chê thơ lãnh đạo, gợi nhớ vụ “Nhân văn giai phẩm”. Kỳ Vọng vào nam, làm kỹ sư công chính trong chế độ Cộng hòa Sài Gòn, làm thuyền nhân vượt biên sang Mỹ… để sau này có tập hồi ký “Kẻ tha hương” vô tình làm cầu nối anh em hai phía gặp nhau…

Lạ thay, toàn những tên đẹp đại diện cho lý tưởng Kỳ Phúc, Kỳ Khôi, Kỳ Vỹ, Kỳ Vọng… lại phải nhờ cậy một người tên rất kỳ cục. Đó là Kỳ Cục – đứa trẻ bị đẻ rơi, quặt quẹo, được nhận làm con nuôi trong nhà Nguyễn Kỳ. Có sự châm biếm nào không? Những gì gọi là lý tưởng, kỳ vĩ, kỳ vọng đều biến thành kì cục hết. ”Cải cách ruộng đất”, “Nhân văn giai phẩm”, Vụ đổi tiền năm 1985 … đều có thể nói là cười ra máu, chứ không còn nước mắt nữa… Nói về sự châm biếm sâu cay, tác giả Hoàng Minh Tường cũng có ý tưởng, có dụng ý nhưng không thể xây dựng được những nhân vật hoạt kê một thời như Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng. Bởi cái khung ý niệm ba đời dòng họ Nguyễn Kỳ trải qua vận mệnh dân tộc. Cái khuôn hình lịch sử  ấy nặng quá. Nặng đến nỗi các nhân vật trong truyện vắt chân lên cổ đuổi theo các sự kiện lịch sử mà không kịp. Họ không được sống đời sống của mình. Họ vẫn bị ông Chúa trời là tác giả giật dây không hơn không kém. Là một nhà báo, tác giả có rất nhiều kiến thức để trích dẫn, để “tầm chương, trích cú” từ chuyện phòng the Tố Nữ Kinh, đến nhiều bí quyết mẹo mực chi ly trong cuộc sống. Thời buổi ăn chẳng đủ, mưa bom bão đạn, yêu đương vụng trộm, gần nhau hương lửa, đượm hồng quấn quýt lao vào nhau đầy cảm xúc… Viết thế là ổn. Viết chuyện ấy  phải cần bí quyết nọ kia là gượng, là chưa hóa thân hết vào đời sống nhân vật…

Về  đề tài “Cải  cách ruộng đất”, đọc “Nước mắt một thời” của Nguyễn Khoa Đăng, hay “Ba người khác ” của Tô Hoài thấy thú hơn, vì đều đi từ góc nhìn, cảm xúc cá nhân. Nhà văn có xu hướng chia nhỏ ra, tách nhỏ ra để mà phân tích tâm trạng nhân vật. Nhưng với Hoàng Minh Tường, ông có xu hướng tập trung các nhân vật lại để diễn tả, kể lại các khung, các mốc sự kiện lịch sử về một thời kỳ thần thánh… Với ông các chi tiết kém quan trọng hơn cái tổng thể. Để có được cái khung tổng thể, hình như người ta phải mất bớt những logic cá nhân… Một chị Là nông dân sao lại sính chữ nghĩa khoe cái tủ lạnh Serơkhop? Đọc lá thư con gái Kỳ Vọng viết thư về cho bố mà có nhắc đến New Orleans có cầu Pontchartrain 24 dặm, mái che Superdome của sân vận động 100.000 chỗ (Chương 24) rõ ràng là ngôn ngữ của một nhà báo kỹ lưỡng con số chi tiết…

Tôi  thấy thích thú khi đọc chương 16 - Đứa con lưu lạc và chương 26 - Đến miền đất hứa của tác phẩm. Ở hai chương này đều là trích hồi ký “Kẻ tha hương” của Nguyễn Kỳ Vọng. Có lẽ anh là một nhân vật có không gian dễ thở nhất trong truyện, những ngày lênh đênh trên biển, những lá thư của vợ con từ Mỹ gửi về… Có lẽ một phần nào đó đời sống của vợ chồng Nguyễn Kỳ Vọng ở ngoài vùng hiểu biết khu biệt của tác giả buộc phải tưởng tượng. Tưởng tượng đem lại cảm xúc đó chính là giá trị của văn chương. Nhưng sau những tưởng tượng thư giãn ấy, ông lại quay trở về với chương trình khung được định sẵn của mình. Ông vẫn không quên mình là một nhà báo…

Nói về những cuộc “Cải tạo công thương”, có thể so sánh thêm với tác phẩm “Những khoảng cách còn lại” của Nguyễn Mạnh Tuấn. Ông Tuấn làm việc ở miền Nam ngyay trên đất Sài Gòn dù ít dù nhiều cũng được chứng kiến, trải nghiệm, có thể tập trung vào lát cắt chính, thời điểm chính, một gia đình với những tư tưởng trái ngược, éo le, nay đoàn tụ với nhiều đánh đổi. Cũng vì tập trung vào một thời kỳ nên tác phẩm có chiều sâu, gây  nhiều dấu ấn với bạn đọc….

Các đoạn mang yếu tố sex của ông, dù ngắn dù dài, ít nhiều đã mềm dịu bớt, để có thể trở nên hài hòa hơn. Đó là những đoạn như Nữ ni cô Đàm Hiên (Đào Thị Cam) tình tự với anh thanh niên Kỳ Khôi (tên sau này là Chiến Thắng Lợi ) được mô tả khá đạt, một tình cảm yêu đương nhiệt thành nóng hổi…

Nhân vật  Đào Thị Cam  có  hai người con riêng, mỗi đứa một người cha ở hai thái cực trái ngược một là Trương Phiên-thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa, một là Chiến Thắng Lợi – thuộc phe Cách mạng. Đây là hình tượng nhân vật có sáng tạo riêng của tác giả, một người phụ nữ cuộc đời đầy éo le oan trái, đã từ bỏ công danh chức vị để được làm một người mẹ bình thường, một người mẹ với đầy lòng bao dung trước khi nhắm mắt xuôi tay đã mãn nguyện được nói ra câu chuyện lớn nhất đời mình, nối kết tình anh em máu rủ ruột thịt giữa Nguyễn Kỳ Cục và Lê Kỳ Chu. Nếu chuyện cậu bé sơ sinh tàn tật Kỳ Cục làm con  nuôi cụ Kỳ Phúc mở đầu cuốn tiểu thuyết, thì hành trình đi tìm bố của Lê Kỳ Chu đóng lại cuốn sách. Hai anh em nhận nhau trước khi mẹ qua đời. Cái kết xúc động nhưng thiếu kịch tính. Độc giả đoán già đoán non, không sớm thì muộn họ cũng nhận nhau thôi. Thế là hết chuyện!

Nguyễn Kỳ Cục, cái tên rất kỳ cục nhưng lại là người làm được nhiều nhất trong bốn anh em. Đây là nhân vật khá tĩnh, cả đời không đi xa, quanh quẩn nơi xó bếp quê mùa. Anh cũng gặp quá nhiều bất hạnh, biến cố của gia đình. Anh lo phần tâm linh cho cả gia đình dòng họ, là người giữ gôn, là người chịu trận những biến chuyển, anh như đại diện cho lớp bà con nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời…Anh cũng những nhân vật khác cũng đều là những sản phẩm què quặt của tạo hóa, của lịch sử…

Với những câu chuyện lịch sử có thật, với những con người nguyên mẫu có thật, nhà văn Hoàng Minh Tường cũng rất khó thoát khỏi những liên hệ ám chỉ của bạn đọc. ”Cưới chạy” làm người ta nhớ đến “Sắp cưới” của Vũ Bão, Tư Vuông làm người ta nhớ đến các lãnh đạo văn nghệ, Xuân Sơn lưu vong ở Mỹ làm người ta nhớ đến Xuân Vũ, Nguyễn Kỳ Vọng làm người ta nhớ đến Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Cung… của “Nhân văn giai phẩm”… Vậy là tác giả phản ánh sự thật lịch sử bằng những nhân vật tượng trưng? Khó có thể chắp đôi cánh cho các nhân vật bay lên vì độc giả thấy những mối liên hệ quá rõ ràng. Đó cũng là một sức nặng vô hình chung kéo tác phẩm đi xuống về phương diện nghệ thuật.

Sự chuyển biến tư tưởng của Chiến Thắng Lợi  từ vô thần, khinh mạn  việc văn hóa cũ, coi là hủ tục, vô tình quên mất những khía cạnh truyền thống, cuối đời đã biết làm giỗ cho bố, biết hương khói phụng thờ tổ tiên. Cái giá trị tâm linh có từ ngàn đời, nó vượt quá những thiên kiến cá nhân, trải qua bao thăng trầm cuộc sống, nhất là với lương tâm của một người cha, cái phần hồn ấy trỗi dậy đã cứu rỗi cả một con người. Tác giả có đôi chút châm biếm không khi  mô tả Lê Kỳ Chu và Chiến Thống Nhất là những thế hệ được ăn quả ngọt của hòa bình cách mạng, lại mau chóng nhảy sang những chiêu trò ma quái của nền kinh tế thị trường? Cuộc sống nhào lặn lên những con buôn và khi các con buôn ấy có nhiều tiền thì thái độ trở nên hợm hĩnh. Anh em, chú cháu có thể giết nhau vì tiền, vì tranh cãi chuyện xây nhà thờ xây thấp, xây cao… Nhân phẩm con người luôn luôn bị đánh đố, gắn theo bánh xe thời cuộc.

Lịch sử dân tộc từ những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 đến ngững ngày Liên Xô sụp đổ năm 1991 được gói gọn trong một cuốn tiểu thuyết. ”Thời của thánh thần” đã qua rồi. Ở thời kỳ ấy con người ta nhiều oan trái nhưng buộc phải vượt lên bằng những đôi cánh thần thánh “duy ý chí”. Con người không được sống, họ cần ra mặt trận để chết, chết cho lý tưởng để rồi khi trở lại mặt đất, làm người bình thường họ trở nên hụt hẫng vì đã phải trả giá quá đắt. Đó chính là sự khốc liệt của chiến tranh!

Đọc “Thời của thánh thần ” của Hoàng Minh Tường với nhiều xúc động về một “Thời xa vắng” đã  qua

… Những bạn đọc thế hệ sau như tôi có thể hiểu được lịch sử qua quả bom văn chương 2008 nhiều sức nặng này. Tôi chỉ là một bạn đọc nhỏ nhoi, những lời bình luận của tôi cũng chẳng gây sứt mẻ gì đến một cọng lông của nhà văn Hoàng Minh Tường. Thậm chí ở một góc độ khác tôi còn hâm mộ và muốn xin nhiều nhiều bút tích nhà văn vào những cuốn sách  của tôi. Xin chúc ông dồi dào sức khỏe để có thể viết tiếp nhiều tác phẩm mới. Chẳng có nhà văn nào có thể làm hài lòng tất cả các độc giả. Đến Chúa cũng chẳng làm hài lòng mọi người, Chúa cứ làm gì để Chúa vui! Thế là được! Thưa ông Chúa Hoàng Minh Tường!

CHAN KIEN VAN

Các Bài viết khác