NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HÃY ĐỂ CÁI ĐẸP CỨU RỖI CHÚNG TA

( 01-05-2017 - 09:28 PM ) - Lượt xem: 1449

“Cái Đẹp cứu rỗi con người” (Fyodor Mikhailovich Dostoevsky – “Thằng ngốc”, 1868),

Đó là lời của Dostoevsky - một con người khốn khổ, cả cuộc đời ngụp lặn trong nỗi đau, bệnh tật, cô độc, người cho ra đời hàng loạt tác phẩm mà đa số đều chứa đựng tội ác và sự hoành hành của cái xấu: “Những kẻ bần hàn”, “Tội ác và trừng phạt”, “Những kẻ tủi nhục”, “Lũ người quỷ ám”... Khi mà cuộc đời gần như nhấn chìm chúng ta thì chính Cái Đẹp giúp chúng ta vượt qua tội lỗi, vượt qua những cơn thống khổ, như chính lời cầu nguyện của Dostoevsky “Cái Đẹp cứu rỗi con người”. “Tội ác và trừng phạt” là một ví dụ điển hình.Tác phẩm nói về Raskolnikov là một sinh viên nghèo, đã giết một mệnh phụ già keo kiệt để lấy tiền của bà ta. Cuối cùng, chính vì vẻ đẹp lương tâm vẫn luôn tồn tại trong con người anh, khiến anh bị dằn vặt ghê gớm rồi chính nó đã buộc anh phải thú tội. Trên hết, tình bạn, tình yêu thương của những người thân xung quanh cũng góp năng lượng không nhỏ giúp anh có được sức mạnh hối lỗi. Và, anh đã được tha thứ. “Suối nguồn của Cái Đẹp chính là Tình Yêu"...
Ở điểm này, Dostoevsky rất gần với Chúa. Đối với những con người tội lỗi, chúng ta rất cần quan tâm, thương xót họ, chỉ ra cho họ thấy bản chất tốt đẹp bên trong con người họ, cái vẻ đẹp vô tình bị điều xấu điều ác che lấp. Cũng như Chúa luôn tha thứ trước rồi nhận tội thay họ, nhận đau khổ về mình, vì ở Chúa có tình yêu chân thành nhất, trong sáng nhất, cao cả nhất. Chính tình yêu đó đã khiến họ được cứu rỗi, được rửa tội, thanh tẩy ô uế để phát huy được bản chất tốt đẹp vốn có. ( Phúc Âm theo thánh Gioan - nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa thánh Pétros và chúa Jesus trên đường Appian ở Rome. Khi đó Phero chạy trốn các cuộc bách hại của hoàng đế Nero và gặp chúa Jesus vác theo thánh giá trên đường, Pétros hỏi : “Thưa Thầy,Thầy đi đâu? “. Chúa Jesus trả lời : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo”. Chúa dâng hiến chính mình trước, để rồi sau đó, Pétros có được sức mạnh để ăn năn. Trước đó, Pétros đã từng nguyện chết thay cho Chúa, ước nguyện đó là chân thành nhưng không mạnh mẽ bằng ước nguyện được đi theo Chúa sau khi đã ăn năn hối lỗi vì nhận được sự tha thứ bắt nguồn từ tình yêu của Chúa dành cho mình và tình yêu của mình dành cho Chúa..)
Con người cần được cứu rỗi vì họ chứa đựng đầy tội lỗi...
Mỗi chúng ta luôn có thể là một Raskolnikov, xã hội chúng ta cũng giống như xã hội trong “Tội ác và trừng phạt”. Thông qua tin tức hằng ngày, chúng ta thấy những gì? Những lùm xùm về học vấn của các hoa hậu. Nhiều công trình khắp nơi mọc lên với tiêu chí to nhất, cao nhất, tiêu tốn nhiều tiền của nhất và cho đó là đại diện của một đất nước đẹp đẽ văn minh trong khi còn bao mảnh đời vất vưởng nghèo khổ tồn tại. Rồi thì Biển đông vẫn đang dậy sóng, cướp giật, giết người, và vụ án ấu dâm gây hoang mang dư luận khi thủ phạm còn nhởn nhơ, rồi kể không hết những tai nạn giao thông kinh hoàng ... Thực đơn tin tức của chúng ta nếu chỉ có thế thì cuộc đời thật sự trở nên đem ngòm, tối hù. Vậy nên, để tìm cảm hứng sống, cảm hứng cống hiến chúng ta phải thanh lọc cảm xúc, thanh lọc tâm hồn, việc nên làm có lẽ là đi tìm Cái Đẹp và hãy để Cái Đẹp cứu rỗi chúng ta. Cái Đẹp đó, nhất quyết phải là sự thống nhất của Chân - Thiện - Mỹ .
Ở đâu có Cái Đẹp, ở đó có con người...
Hôm trước xuống nhà chị bạn chơi, chị kể có một nhà sư cũng vừa ghé thăm cái “am” mà chị “trụ trì”. Sau câu chuyện về sư thầy hết sức tài giỏi và thâm trầm, chị cảm khái “đẹp trai lắm, mà đi tu, thật uổng”. Mình phì cười, chợt nhớ lại “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, bà cô già của Meggie mang nỗi bất mãn đến tận lúc chết về Ralph, người đàn ông đẹp ngời ngời đúng nghĩa khiến không chỉ các cô gái trẻ như Meggie mà ngay cả bà già “gần đất xa trời” đó cũng phải ôm hận vì không có được anh vì anh đã hiến đời mình cho nhà thờ. Thế rồi đến khi xem bộ phim “Những con chim ẩn mình chờ chết” chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển trên, cô bạn của mình cũng thốt lên một cách đau xót khi nhìn thấy diễn viên thụ vai Ralph: “đẹp trai vầy mà đi tu chi vậy trời”...
Đó là một sự nhầm lẫn thật đáng tiếc, không lẽ cứ phải xấu thì mới tu hành đắc đạo được à, đã đi tu mà xấu thì mới không tiếc? Và nếu thế thì Cái Đẹp đừng bao giờ chạm đến cửa Chùa chăng, hay cứ cái gì xấu thì hãy dành hết cho Nhà thờ? Nếu bạn để ý, không chỉ những người tu hành, mà những kiến trúc tôn giáo đều rất đẹp, là biểu trưng văn hóa của một vùng đất. Rồi bạn đã được nghe chưa - những bài thánh ca, những câu kinh kệ với giai điệu tuyệt diệu... Tất cả những điều đó được đặt cạnh sự cống hiến và đạo hạnh sáng ngời của những bậc chân tu...
Khi nói về tôn giáo, chúng ta toàn nói về chân lí, về thiện, lương mà không nghĩ rằng đó chính là Cái Đẹp. Có lẽ bây giờ người ta đang nhầm lẫn Cái Đẹp dung tục, thứ khơi dậy những điều rất bản năng ở con người, thứ mà mọi tôn giáo đều né tránh, mà với cái Đẹp nâng cao tâm hồn và chính vì thế không dám gắn Cái Đẹp vào những điều vĩ đại, sợ ô uế chăng? Không nói đâu xa xôi, các cụ nhà ta có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là đã đề cao đạo đức, đề cao giá trị thật và xác định đó mới là đẹp. Đẹp không chỉ là biểu hiện bề ngoài như nước sơn mà Cái Đẹp giống như vân gỗ ta nhìn thấy được, nhưng vân gỗ nó không chỉ là bề mặt (tức khác với nước sơn) nó là biểu hiện ra ngoài của cái tiềm ẩn bên trong.
Ở đâu có con người ở đó có Cái đẹp...
Con người sáng tạo các giá trị vật chất và tinh thần theo qui luật của cái Đẹp, con người sáng tạo ra nghệ thuật và xem nghệ thuật như là phương tiện chắp cánh cho khát vọng của con người vươn tới Chân – Thiện – Mỹ.
Mình may mắn có một người bạn rất quý, anh đam mê nhiếp ảnh. Anh chia sẻ, những điều anh muốn chụp không đơn thuần là cảnh đẹp, người đẹp, mà đa số những tác phẩm của anh là hình ảnh những người phụ nữ có ngoại hình không hoàn hảo theo chuẩn vẻ đẹp ngoại hình ngày nay. Tuy nhiên, trong từng bức ảnh, anh tập trung nắm bắt thần thái, cảm xúc, nét trong sáng thơ ngây hay thiện lương nhân hậu ở mỗi người và thể hiện nó trên bức ảnh. Chính những bức ảnh được chụp với tất cả cái Tâm, cái Tình đối với cuộc sống và con người của người nghệ sĩ làm toát lên vẻ đẹp viên mãn vĩnh cửu của những người phụ nữ được chụp khiến cho họ trước nay chưa từng thấy mình đẹp luôn tự ti về bản thân trở nên tự tin hơn, hạnh phúc viên mãn hơn.
Hãy để cái đẹp hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của chúng ta, vì cái đẹp có thể cứu rỗi con người!

LAN HƯƠNG

Các Bài viết khác