NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

DOSTOEVSKY - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

( 21-04-2017 - 05:21 AM ) - Lượt xem: 3099

Nikolai Berdiaev nhận định: “Tác phẩm của Dostoevsky mang lại một đóng góp đáng kể vào ngành nhân chủng triết lí, vào triết học về lịch sử, về tôn giáo và về luân lí. Giá trị của Dostoevsky vĩ đại đến nỗi dân tộc Nga chỉ cần gọi tên ông cũng đủ biện minh sự hiện hữu của mình trên thế giới”.

Fedor Mikhailovich Dostoevsky là một nghệ sĩ vĩ đại Nga. Bộ mặt văn học hiện đại thế giới thật khó hình dung nếu thiếu vắng ông. Là một nhà văn cổ điển châu Âu thế kỉ XIX, ông có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ cuộc sống nhân loại thế kỉ XX và XXI. Nikolai Berdiaev nhận định: “Tác phẩm của Dostoevsky mang lại một đóng góp đáng kể vào ngành nhân chủng triết lí, vào triết học về lịch sử, về tôn giáo và về luân lí. Giá trị của Dostoevsky vĩ đại đến nỗi dân tộc Nga chỉ cần gọi tên ông cũng đủ biện minh sự hiện hữu của mình trên thế giới”.
1. Dòng dõi - gia thế - học vấn
Theo lịch Nga cũ, Fedor Dostoevsky sinh ngày 30/10/1821, tại con phố nhỏ có tên Bezhedomca mà hồi đó mới chỉ được coi là ngoại ô Moskva. Ông là con trai thứ hai trong số bảy đứa con của bác sĩ quân y Mikhail Aleksandrovich Dostoevsky – một quý tộc nghèo phục vụ tại bệnh viện tế bần Marina. Mẹ ông là một phụ nữ mộ đạo, rất mực yêu chồng yêu con.Tài năng thiên bẩm của Dostoevsky không thể giải thích bằng sự di truyền. Dòng họ Dostoevsky cho đến đời nhà văn tương lai không hề có dấu hiệu gì nổi bật về tài năng văn chương, thậm chí văn chương không phải là con đường mà thân phụ ông muốn con cái mình đi theo, nên khi Fedor vừa học hết bậc trung học người cha đã gửi con vào trường Cao đẳng công binh Sainkt-Peterburg. Chỉ đến khi cha mất, Dostoevsky mới rời bỏ nghề mà cha buộc ông theo, và từ đó suốt đời đeo đuổi nghiệp văn chương.

Tuổi thơ của Dostoevsky có nhiều trang sáng mà ông gìn giữ, yêu quý suốt đời. Tuy cả ghen, nóng nảy và khắc nghiệt, nhưng Mikhail Aleksandrovich là một người chồng yêu vợ, một người cha biết chăm sóc các con chu đáo. Những đứa trẻ được học hành đến nơi đến chốn, đặc biệt có điều kiện tiếp xúc với văn chương nghệ thuật và tri thức khoa học hiện đại. Cho dù không dư dả, nhưng người chủ gia đình vẫn đăng kí dài hạn cho các con tờ Thư viện đọc – một trong những tạp chí nổi tiếng hồi đó, cập nhật thông tin văn học trong và ngoài nước. Bên cạnh đó lũ trẻ còn được sống trong tình yêu thương của người mẹ dịu dàng, nhu mì, có tâm hồn thánh thiện, nhạy cảm.
Một trong những nhân vật yêu quý nhất trong cuốn sách cuối đời của Dostoevsky Anh em nhà Karamazov đã thay ông phát biểu: “Không có gì cao quý, lành mạnh và có ích cho cuộc sống phía trước hơn một kỉ niệm tốt lành nào đó trải nghiệm từ thời thơ ấu, từ mái nhà cha mẹ… Nếu cóp nhặt được nhiều kỉ niệm như vậy thì cả cuộc đời sẽ được cứu rỗi”.
Dostoevsky được lĩnh hội một nền giáo dục hoàn hảo và hệ thống: ông thành thạo nhiều ngoại ngữ, am tường triết học, lịch sử, hội họa, âm nhạc và văn chương thế giới, nắm vững nhiều tri thức khoa học tự nhiên. Trong tầm hiểu biết rộng rãi ấy, dường như đã mơ hồ phác thảo chí hướng của nhà văn từ rất sớm, biểu lộ khuynh hướng độc lập và độc đáo trong lựa chọn: ông yêu thích hơn cả văn chương lãng mạn châu Âu với hai phân nhánh chính là xã hội – tình cảm và kì ảo – giả tưởng. Những gắn bó với V. Hugo, F. Schiller, E. Hoffmann, E. Poe từ thủa thiếu thời đã hướng ngòi bút của Dostoevsky sau này đến với chất lãng mạn, trí tưởng tượng phóng túng. Ông đặc biệt đánh giá cao Balzac , không phải như một “thư kí của xã hội”, mà ở việc đi sâu vào thế giới nội tâm hết sức phức tạp và lí thú của con người. Ông thường tìm đến những chất liệu phi hiện thực như yếu tố kì ảo, giấc mơ, tưởng tượng... để mô tả hiện thực. Khi mới 18 tuổi, trong một lá thư gửi anh trai, ông đã phát biểu quan niệm về hiện thực ấy: “Con người là một bí ẩn. Cần tìm ra bí ẩn ấy, và nếu có tìm suốt đời, thì cũng đừng cho là mất thời giờ. Em vật vã với nó, bởi em muốn làm người”. Sự độc lập lựa chọn và tự do trong tư duy sáng tạo mà được hình thành từ thủa thiếu thời sẽ theo nhà văn trong suốt cuộc đời thăng trầm, làm nên giá trị tự tại cho sáng tác của ông.
Bên cạnh những cơ sở có tính nền tảng trên, ở Dostoevsky còn được xác lập một lập trường tôn giáo. Dòng họ Dostoevsky vốn có truyền thống mộ đạo. Một trong những cuốn sách đầu đời mà ông thuộc lòng nhiều trang là cuốn Kinh thánh. Một trong những báu vật ông gìn giữ tận phút lâm chung là cuốn Phúc Âm – cuốn sách ông được tặng trên đường đến nơi lưu đày. Ông sinh ra và sống vào đúng thời kì châu Âu đang trong cơn khủng hoảng niềm tin tôn giáo mà sự kiện trọng đại nhất là “cái chết của Chúa”. Trước sự ưu thắng của chủ nghĩa vô thần, Dostoevsky suốt đời kiên trì bảo vệ lập trường Chính thống giáo của dân tộc mình.
Bản tính Dostoevsky kín đáo, không biết màu mè trong giao tiếp, ít giao du rộng rãi. Nhưng những người từng tiếp xúc với ông luôn đánh giá cao ở ông sự chân thành và nồng nhiệt trong ứng xử, sự nhạy cảm và khả năng đồng cảm sâu sắc đối với mỗi nỗi bất hạnh của kẻ khác, tinh thần vị tha và không biết oán giận ai lâu, sự nhẫn nại và tận tụy hi sinh. Những phẩm tính ấy ở ông cũng chính là đặc điểm của những tín đồ Chính thống giáo chân chính.
Một đặc tính đáng ghi nhận nữa ở Dostoevsky là lòng yêu thương con trẻ, gần như là điểm yếu mềm dễ thương nhất nơi ông. Trước sự phiền nhiễu của trẻ em bao giờ nhà văn cũng nhượng bộ. Con người có vẻ ngoài khắc khổ ấy 47 tuổi mới tận hưởng được làm cha lần đầu. Biết bao yêu thương biết bao trìu mến người cha dành cho các con và biết bao đau đớn, tưởng chừng không chịu nổi khi con gái đầu lòng Sonia bé bỏng qua đời.
Thế giới nghệ thuật của Dostoevsky còn bị chi phối một phần bởi tâm sinh lí cá nhân. Hai cái chết cách nhau không xa của song thân vào năm 1837 và 1839 đã làm chấn động chàng thanh niên mới lớn, và sau đó xuất hiện những cơn động kinh – căn bệnh mà ông sẽ mang suốt đời – di chứng để lại là sự tàn phá cơ thể và những phút giây thiên khải cực lạc, những cảm hứng xuất thần trước khi đi vào cơn hôn mê ngất lịm và sau đó là những ngày trầm uất kéo dài. Điều này góp phần tạo nên cấu trúc đặc thù của thế giới nghệ thuật Dostoevsky.
2. Đường đời – đường văn
Năm 1843 Dostoevsky tốt nghiệp trường Cao đẳng công binh, được bổ nhiệm về Vụ Kỹ thuật Sainkt-Peterburg, nhưng rồi, mặc dù túng thiếu, trung úy - kĩ sư họa hình Dostoevsky đã xin giải ngũ, quyết định không vẽ cầu cống đường xá để chỉ chuyên tâm vẽ tâm hồn và đường đời.
Được tiếp thụ và say mê những tinh hoa văn chương thế giới, được tập dượt bằng phác thảo sáng tác thể nghiệm và dịch thuật từ hồi đi học, từ đây Dostoevsky thật sự cảm thấy tự do trên con đường lựa chọn cho mình một phong cách, định hướng cho toàn bộ sự nghiệp văn chương. Dostoevsky viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình là cuốn Những kẻ đáng thương mà ông hoàn thành vào năm 1846. Từ cột mốc này trở đi, những tác phẩm của nhà văn trẻ liên tục ra đời: Kẻ song trùng, Bà chủ, Trái tim yếu đuối, Những đêm trắng...
Bản thảo Những kẻ đáng thương đến tay hai ngự sử văn chương thời đó là N. Nekrasov (1821–1878) và V. Belinski (1811–1848). Cả hai đều đồng thanh tán thưởng cuốn tiểu thuyết, ví tác giả của nó như “một Gogol mới”. Belinski vui mừng thấy ngay trong buổi bình minh sự nghiệp của một con người đã báo hiệu tài năng lớn: “Mới có hai lăm tuổi mà đã viết được một cuốn truyện như thế thì chỉ có thể là một thiên tài, một thiên tài mới đủ sức thâu tóm trong một phút những cái mà người bình thường phải qua nhiều năm kinh nghiệm”. Nhà phê bình ân cần căn dặn nhà văn trẻ: “Là một nghệ sĩ, anh đã được sự thật mở rộng cánh cửa và ban cho tài năng, anh hãy biết quý trọng và gìn giữ tài năng đó, rồi anh sẽ trở thành một nhà văn vĩ đại” . Những ngày đó Dostoevsky sống trong sự ngất ngây. Ông sung sướng vì đã được chính vị thủ lĩnh của văn học Nga trang trọng tiếp nhận vào hàng ngũ các nhà văn nước nhà. “Đó là giây phút tuyệt diệu nhất đời tôi. Hồi đi tù khổ sai, mỗi khi nhớ đến giây phút ấy, tinh thần tôi vững vàng hẳn lên” – sau này ông viết vậy.
Trong niềm hứng khởi, Dostoevsky ngồi vào bàn say mê viết tiếp. Một tháng sau, cuốn sách thứ hai có nhan đề Kẻ song trùng ra mắt bạn đọc. Khác hẳn sự đón nhận nồng nhiệt dành cho cuốn trước, lần này độc giả tỏ ra dè chừng trước một “vật thể lạ”. Bằng sự mẫn cảm, Belinski nhận ra “một thế giới hoàn toàn mới mẻ” và “một chiều sâu của tư tưởng”, được thể hiện bằng “một tài nghệ kì lạ” , nhưng đồng thời ông cũng tỏ ra thất vọng về nhiều khía cạnh nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật của tác phẩm.
Đang được ca tụng, giờ đón nhận những chỉ trích từ giới phê bình, dĩ nhiên Dostoevsky rất buồn, nhưng sửa đổi theo chỉ dẫn của họ thì ông không chấp nhận. Đó là cách ứng xử của một nghệ sĩ biết rõ và tin tưởng ở chân tài của mình. Trở lại với mối quan hệ giữa Dostoevsky và Belinski. Phải công nhận rằng nhà phê bình vĩ đại Nga đã có ảnh hưởng rất lớn đối với nhà văn trẻ tuổi trong bước đi ban đầu. Và cho đến cuối đời, Dostoevsky vẫn giữ mãi mối thiện cảm và lòng tôn kính đối với Belinski. Tuy nhiên, hai con người vĩ đại lại có những bất đồng sâu sắc về rất nhiều quan điểm chính trị – xã hội, tôn giáo và thẩm mĩ.
Belinski từng châm biếm khá nặng nề về “Màu sắc hoang tưởng” của Dostoevsky: “Trong thời đại chúng ta hoang tưởng chỉ có chỗ trong nhà thương điên, chứ không ở trong văn học, chỉ nằm trong hồ sơ bệnh án của thầy thuốc chứ không ở nhà thơ”. Đón nhận tất cả những chỉ trích ấy, Dostoevsky không hoang mang. Không chấp nhận lối đi đã cũ mòn, ông tự mình mò mẫm tìm một sinh lộ mới cho chủ nghĩa hiện thực mà theo ông là “đích thực” và “cao nhất” – đó là “khám phá mọi bề sâu của tâm hồn con người”.
Từ mùa xuân 1846 Dostoevsky làm quen với nhóm Pet’rashevski – gồm những người, theo nguồn gốc xuất thân là tầng lớp quý tộc, theo nghề nghiệp là viên chức, theo lí tưởng xã hội là các môn đệ của Fourier. Họ thường xuyên họp mặt vào ngày thứ Sáu trong tuần (nên còn gọi là nhóm Thứ Sáu), trao đổi văn học và tình hình chính trị. Dostoevsky không tán thành nhiều điểm trong học thuyết Chủ nghĩa xã hội Không tưởng, nhưng trước thực tại lạc hậu và bất công của nước Nga nông nô chuyên chế, ông hi vọng vào sự hợp sức của giới trí thức có thể cải tạo xã hội bằng tuyên truyền, và, nếu cần, có thể dùng võ trang xóa bỏ chế độ nông nô, đem tự do tinh thần và vật chất đến với dân chúng. Tháng Tư 1849, sau buổi họp nhân kỉ niệm ngày sinh Fourier, cả nhóm bị chính quyền Nga hoàng bắt giữ và tra hỏi. Đích thân Nga hoàng Nikolai I liệt Dostoevsky vào số “những kẻ nguy hiểm nhất” vì đêm trước nhà văn được chỉ định đọc trước cả nhóm bức thư nổi tiếng của Belinski gửi Gogol – một văn bản bị coi là có ngôn từ và tư tưởng “nổi loạn”. Sau 7 tháng giam cầm và xét hỏi là quyết án tử hình đối với 21 thành viên nhóm Pet’rashevski. Thực ra, ngay sau nghị án, Nga hoàng đã giảm án xuống thành 4 năm tù khổ sai và 4 năm làm lính phạt không lương ở Sibiri, nhưng lệnh ân xá được giữ đến phút cuối cùng buổi hành quyết giả mới được công bố. Ngày 22/12/1849 những kẻ bị kết án bị dẫn ra trường bắn Semionov, buộc quỳ xuống để người ta bẻ gãy thanh gươm thép trên đầu , sau đó cởi áo tù mặc áo liệm, bị bịt mắt và trói vào cột hành quyết, rồi nghe tiếng đạn lên nòng. Đến lúc đó, người ta mới đọc lệnh thay án.
Suốt 7 tháng bị giam cầm xét hỏi và 45 phút khủng khiếp trên pháp trường trong trò chơi tàn bạo của Nga hoàng, Dostoevsky đã chứng tỏ một bản lĩnh vững vàng và một tâm hồn cao thượng. Các cứ liệu trong hồ sơ thẩm vấn cho thấy trước tòa án, nhà văn công khai nêu chính kiến của mình, thẳng thắn tranh luận về chế độ kiểm duyệt.
Dostoevsky bị giam cầm ở đảo ngục Omsk suốt bốn năm trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chế độ lao động khổ sai cực nhọc và môi trường thiếu vệ sinh khủng khiếp. Nhưng trải qua tất cả cực hình trần gian đó ông vẫn giữ được niềm tin trong trẻo vào cuộc đời. Thời gian tù đày đã cho ông biết bao kinh nghiệm sống, mở mắt cho ông biết bao chân lí xác thực. Ông lục vấn lại những khái niệm thiện – ác, mối quan hệ giữa môi trường và nhân cách, giữa tự do và trách nhiệm của cá nhân. Ông đã đi đến tận cùng của niềm tin Chính thống giáo: Chỉ có tình thương, sự hòa giải, khước từ bạo lực dưới mọi hình thức sẽ là giải pháp duy nhất cứu vãn con người thoát khỏi thù hằn, xa cách nhau. Đó cũng chính là điều cơ bản của Kinh Phúc Âm – cuốn sách ông được những phụ nữ Tháng Chạp tặng mà ông giữ bên mình đến cuối đời, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.
Sự nhẫn nhịn, vị tha của Dostoevsky đáng ngạc nhiên. Đó là phẩm hạnh ông học được từ những năm tháng này. Ông hầu như không bao giờ ta thán về những cực nhọc thể xác. Người đồng sự thân tín của ông là St’rakhov nói: “Không bao giờ Dostoevsky thể hiện dấu hiệu gì của những bất hạnh, đau đớn, thất vọng mà ông từng trải qua, không bao giờ ông đóng vai một người đau khổ. Dostoevsky ứng xử như một người chưa từng trải qua khổ nạn, không có vết thương tấy nào cả, mà, ngược lại, khi sức khỏe cho phép, trông ngoài ông vui vẻ và sảng khoái. Tôi nhớ có lần một quý bà lần đầu tiên gặp ông ở tòa soạn, quan sát ông và bảo: “Tôi nhìn ông và cảm thấy trên gương mặt một nỗi đau nào đó mà ông trải qua”. Dostoevsky tỏ ra bất bình: “Làm gì có nỗi đau khổ nào hết!”. Nói xong ông chuyển sang một câu chuyện đùa cợt khác” .
Những ấn tượng, trải nghiệm kinh qua 4 năm tù đày sẽ thành cứ liệu để nhà văn viết những kiệt tác sau này: Bút kí từ Căn nhà chết, Tội ác và hình phạt, Anh em nhà Karamazov...
Bắt đầu từ tháng 3/1854 Dostoevsky mãn hạn khổ sai, chuyển sang chế độ quân dịch. Thời gian phục vụ quân đội tại Sibiri ông có điều kiện hơn để đọc và viết. Tại đây ông làm quen với Maria Dmitrievna Isaeva – một thiếu phụ bị bệnh lao phổi nặng, và khi chồng bà này chết, ông đã cưới bà. Cuộc hôn nhân đầu tiên của Dostoevsky không được mĩ mãn vì tính nết thất thường và cả ghen của vợ, nhưng trước sau như một, ông luôn quý trọng, ân cần chăm sóc bà cho tới khi bà mất vào năm 1864.
Tháng 4/1857 Nga hoàng Nikolai I tạ thế. Lên kế vị, Aleksandr II ban lệnh trao trả tước hiệu quý tộc cho các thành viên Pet’rashevski. Trở về thủ đô vào năm 1859, Dostoevsky hối hả gia nhập lại vào đời sống văn học Peterburg. Trước tiên là ông trao nạp lại đời sống những trải nghiệm đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần của mình bằng cuốn sách gây xúc động toàn Nga đêm trước của những cải cách xã hội lớn lao: cuốn Bút kí từ căn nhà chết (1860). Tiếp theo, cùng với cuốn này, ông viết Những kẻ tủi nhục (1861), khẳng định lí tưởng đạo đức mà ông học được từ nhân dân Nga trong những năm cùng chung sống và chia sẻ đau khổ với họ. Đây là lần đầu tiên vang lên một giọng nói rất đặc trưng cho ngòi bút của nhà văn giai đoạn sau: vị tha và chấp nhận đau khổ là số mệnh thiết yếu của tinh thần Chính thống giáo chân chính.
Bắt đầu từ những năm 60 trở đi Dostoevsky trở thành nhà tư tưởng của “thuyết cội nguồn” , một học thuyết chủ trương quay trở về với tinh thần dân tộc, tìm thấy trong đó niềm tin Chính thống giáo. Xuất phát từ quan điểm trên, nhà tư tưởng Dostoevski sẽ tiếp cận với mọi vấn đề văn hóa – xã hội. Sau Cải cách dân cày (1861) nước Nga đứng trước một câu hỏi lớn: sau khi chấm dứt chế độ phong kiến, nước Nga mới sẽ xây dựng theo thể chế xã hội nào? Các phe phái trả lời rất khác nhau. Chủ trương của phái cách mạng dân chủ (đại diện là Chernyshevski) dùng vũ lực thay đổi chế độ cũ bằng chế độ xã hội chủ nghĩa. Khẩu hiệu của phái tự do thân Tây phương (đại biểu là Turgenev) là du nhập từ các nước Tây Âu mô hình tư bản chủ nghĩa. Phái thân Slave đòi phục hồi thể chế trật từ thời tiền Pët’r Đại Đế. Không tán thành tất cả các phe phái đó, Dostoevsky nhìn thấy sự bảo đảm vững chắc cho một xã hội công bình, bác ái, văn minh và tiến bộ bằng một hình thức khác – đó là sự hợp nhất trong hòa giải giữa các phe phái và sự liên kết của tầng lớp trí thức với nhân dân. Nghĩa là ông phản đối phương thức bạo lực của phái cách mạng dân chủ, không tán thành tách nước Nga khỏi nền văn minh tiến bộ chung châu Âu như phái thân Slave, đồng thời chủ trương không theo mô hình tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa vì cho đó không phải là khuôn mẫu phù hợp với tính chất độc đáo của nước Nga. Điều kiện để giải pháp của ông có thể thực hiện được, đòi hỏi trình độ dân trí phải được nâng cao và tầng lớp trí thức phải nỗ lực học hỏi ở nhân dân những phẩm hạnh thấm nhuần đạo lí Chính thống giáo. Lập trường trên sẽ được Dostoevsky kiên trì diễn đạt trong tất cả sáng tác của mình từ những năm 60 đến cuối đời.
Truyện vừa Bút kí viết dưới hầm (1864) được coi là tác phẩm lớn đầu tiên của Dostoevsky kể từ khi ở Sibiri về, đặt tiền đề cho một loạt kiệt tác sau này. Đây cũng là lần đầu tiên trong sáng tác của ông xuất hiện kiểu nhân vật tư tưởng, tiền thân của hàng loạt nhân vật lớn tiếp theo.
Chọn một hướng tiếp cận nhân vật như vậy, Dostoevsky lại chọn tiếp cho nhân vật mình không gian thuận lợi cho việc “tự thú” – đó là nhà hầm, nơi thích hợp hơn cả để tôi không bị cặp mắt nào bên ngoài theo dõi, tha hồ lộn trái hồn mình, phơi ra, xăm soi, tự “tấn phong” hay “hạ bệ” tùy thích. Trong sự tự truy bức đến tận cùng, tôi vừa hả hê vì thoả mãn một thứ libido quái lạ, nhưng vừa không thoải mái lắm vì phải đối diện với bản ngã trần truồng của mình mà chỉ cần có đôi chút trí tuệ và đầu óc thẩm mĩ cũng cảm thấy không được diễm lệ cho lắm. Nhân vật dưới hầm trở nên bất hạnh và đáng thương trong “xó tối”. Từ cõi sâu vô thức, anh ta thấy mình thất bại trong sự tự khẳng định, thấy cần một “ai khác”, “ngoài mình” thừa nhận cái tôi của anh ta. Và cuộc sống không là lí thuyết, nó rộng và sống động hơn rất nhiều, nên khi va chạm với nó, nhân vật mới ý thức rõ rằng mình hoàn toàn thất bại trong việc tự khẳng định. Bảo vệ cá tính và tự do tinh thần con người, Dostoevsky không đồng tình với sự tuyệt đối hóa tự do cá nhân mà dứt bỏ mọi ràng buộc của luân lí xã hội.
3. Những kiệt tác để đời
Dưới hầm – được hiểu như trạng huống tâm lí – chính là khởi điểm có tính bi kịch của tất cả các nhân vật tư tưởng của Dostoevsky, như Raskolnikov, Ippolit, Satov, Kirillov, Ivan Karamazov... Những nhân vật nổi tiếng này sẽ lần lượt xuất hiện trong 5 kiệt tác mà Dostoevsky viết trong vòng 15 năm cuối đời: Tội ác và hình phạt, Chàng Ngốc, Lũ người quỷ ám, Đầu xanh tuổi trẻ, Anh em nhà Karamazov.
TỘI ÁC VÀ HÌNH PHẠT– một trong những tiểu thuyết nằm trong bộ “ngũ kinh” của Dostoevsky – được coi là tác phẩm mở đầu cho giai đoạn mới, giai đoạn tài năng của nhà nghệ sĩ đạt đến độ chín muồi nhất. Với cuốn sách này, Dostoevsky ghi dấu một loại tiểu thuyết mới trong văn học thế giới – tiểu thuyết tư tưởng – bi kịch.
Tác phẩm dựa trên một cốt truyện hình sự, xoay quanh một vụ giết người đẫm máu và bí hiểm, càng ngày càng gia tăng các tình tiết khiến vụ án rối tung rối mù, nhất là trong việc nhận tội giả và nhận tội thật, cuối cùng thủ phạm lộ mặt, bị pháp luật trừng phạt. Thế nhưng cuốn sách này hoàn toàn không phải là cuốn sách hình sự hay trinh thám, mà là một tiểu thuyết triết học, đề cập đến những vấn đề rộng hơn, tính chất siêu hình của nó vượt tràn bờ nội dung vật chất của cốt truyện. Để nhận diện được những điều đó, người đọc cần chú tâm vào một số đặc điểm nổi bật trong cấu trúc tác phẩm, được thể hiện trước hết trong chính nhan đề.
Tiểu thuyết CHÀNG NGỐC là tác phẩm trữ tình nhất của Dostoevsky. Viết tác phẩm này, Dostoevsky mong muốn xây dựng một “nhân vật lí tưởng tuyệt đẹp” mà ông hằng ấp ủ – một con người mang hình ảnh của Chúa Christ: đức khiêm nhường, lòng nhân ái, sự bao dung, sự nhạy cảm trước mỗi nỗi đau của kẻ khác, sự tự nguyện hy sinh, sự kiên định trong đạo đức kết hợp với quan niệm sống khổ hạnh. Tất cả những điều đó được đúc kết vào nhân vật Myshkin. Cảm hứng để nhà nghệ sĩ sáng tạo nên hình tượng này là Don Quichotte, kẻ có gương mặt ngây thơ, sống tách rời khỏi thực tế tàn nhẫn, mang hình hài của kẻ lố bịch, nhưng lại tiêu biểu cho khát vọng muôn đời của nhân loại muốn vươn tới cái đẹp, lẽ công bằng. Dostoevsky nhìn thấy trong hình tượng bất hủ đó của Cervantes “lời phát ngôn vĩ đại cuối cùng của tư tưởng loài người”. Qua cuộc đụng độ giữa những khát vọng cao đẹp nơi Myshkin với những cái tầm thường, dung tục đã dẫn đến sự bại vong của cái đẹp, Dostoevsky muốn gửi gắm một suy tư của ông về số phận của cái đẹp trong xã hội đầy bóng tối hắc ám của sự ti tiện, dục vọng và tội ác; mong ước một ngày nào đó cái đẹp sẽ lên ngôi, “cứu chuộc thế giới”.
Tiểu thuyết cuối cùng của Dostoevsky là ANH EM NHÀ KARAMAZOV, kiệt tác bậc nhất của văn chương thế giới, đỉnh cao sáng tạo của Dostoevsky, được coi là bản đại hợp xướng xâu chuỗi và tổng kết những suy tư triết học và nghệ thuật của cả đời nhà tư tưởng - nhà nghệ sĩ, cho nên nó cũng chính là bản thân nhà văn trong khối vẹn toàn thẩm mĩ của mình. Tác phẩm được khởi công và hoàn thành trong vòng hơn 2 năm gần cuối đời Dostoevsky, nhưng đã được thai nghén, nghiền ngẫm trong vòng 30 năm – khoảng thời gian mà nước Nga nông nô - phong kiến đang chuyển sang nước Nga nông nô - tư sản, biết bao biến động và xáo trộn xảy ra, nhất là trong mối quan hệ xã hội. Phạm Vĩnh Cư nhận định: “Trong văn học thế giới ngày nay, sau một thế kỉ phát triển phong phú và phức tạp chưa từng thấy, với rất nhiều tài năng lỗi lạc, nhiều trào lưu, trường phái cách tân táo bạo đối đầu và phủ định lẫn nhau, xem ra Dostoevsky vẫn giữ vị trí bảng đầu, ít nhất trong địa hạt văn xuôi: sau ‘Anh em nhà Karamazov’ rõ ràng chưa xuất hiện tác tác phẩm tiểu thuyết nào có thể đặt ngang hàng với nó” .
Vấn đề trọng tâm của thiên tiểu thuyết là số phận con người – số phận nước Nga – số phận nhân loại. Chính sự nhận thức về số phận cá nhân được nhìn trong mối liên hệ hữu cơ với số phận nước Nga, số phận nhân loại đã làm cho tác phẩm trở thành cuốn tiểu thuyết triết lí – xã hội. Các vấn đề chính yếu khởi xướng từ Bút kí dưới hầm, được triển khai trong tất cả các tác phẩm tiếp theo, nay được tổng kết lại, mang tới nhân loại bức thông điệp và lời tiên tri về thế giới ngày mai.
Gia đình mang tính ngẫu hợp Karamazov là hình ảnh thu nhỏ của nước Nga, gồm người cha (Fedor Karamazov), ba đứa con trai hợp pháp (Dmit’ri, Ivan, Aliosha) và một đứa con bán hợp pháp (Smerdiakov). Bốn đứa con trai đó là kết quả của hai cuộc hôn nhân và một vụ cưỡng hiếp của người cha dâm dục, trơ trẽn, không coi cái gì trên đời này là thiêng liêng. Người cha ấy bị giết chết trong một vụ án không nhân chứng. Mọi nghi ngờ và chứng cứ đổ dồn lên đứa con trai cả Dmit’ri vì hai cha con vốn đang trong cao trào xích mích về tiền và tình. Phiên tòa diễn ra chóng vánh và kết quả là Dmit’ri bị kết án tù khổ sai. Thực ra, Dmit’ri không phải là thủ phạm, tội ác thực chất do hai đứa con khác gây ra: Ivan – kẻ giết người trên lí thuyết, và Smerdiakov – kẻ thừa hành tội ác. Về thực chất, trong bốn anh em họ, ba người trực tiếp hay gián tiếp giết cha, người thứ tư (Aliosha) cảm nhận được mối nguy cơ nhưng đã không bảo vệ cha. Thảm kịch của gia đình Karamazov chính là thảm kịch của thời kì Cận đại, khi niềm tin vào Chúa bị lung lay. Mô-tip giết cha trong tác phẩm có một mối liên hệ khăng khít với sự kiện trọng đại đó, cho thấy cuộc nổi loạn của con người chống lại Chúa trời.
Ý định của Dostoevsky viết tiếp về Aliosha, như một nhân vật của thế giới trong tương lai, đã bị cái chết cắt ngang. Tuy nhiên, ngay trước đó, tinh thần hòa giải và ý tưởng về một thế giới đại đồng vẫn một lần nữa vang lên trong Diễn từ nổi tiếng của nhà văn nhân lễ khánh thành tượng đài Pushkin ở Moskva (tháng 6/1880). Đó là giờ phút vinh quang nhất của Dostoevsky, khi tinh thần và niềm tin của ông đã tập hợp được các lực lượng xã hội Nga.
Ngày 28 tháng Giêng năm 1881 Dostoevsky qua đời. Một lần nữa, các lực lượng xã hội và phe phái khác nhau lại tụ về, chia sẻ và hợp nhất trong nỗi buồn về sự ra đi của vị lãnh tụ tinh thần nước Nga.
***
Trong nền văn học hiện đại thế giới hiếm tác gia nào lại có tầm vóc kì vĩ trong việc đổi mới nội dung, hình thức và nhất là tư duy nghệ thuật như Dostoevsky. Ông là nhà văn không dễ đọc nhưng dễ cuốn hút, luôn gây hứng thú cho các thế hệ độc giả khắp nơi trên thế giới. Ông là nhà tiên tri tuyệt vời sáng suốt khi nhìn thấu rõ biết bao vấn đề lớn lao của cuộc sống hôm nay ngay từ thế kỉ XIX. Những nhân vật của ông không bao giờ cũ, vẫn tiếp tục cùng chúng ta bước vào ngưỡng cửa thế kỉ XXI với bao nỗi niềm ngổn ngang về thân phận con người, với những giả thiết về vận mệnh nhân loại.
(Lược trích Giáo trình Văn học Nga, Nxb Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)

PGS.TS PHẠM THỊ PHƯƠNG

Các Bài viết khác