NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ĐỌC NGUYỄN DU NGÀY HÔM NAY

( 10-11-2015 - 03:14 PM ) - Lượt xem: 1326

Thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều được đánh giá từ lâu – đã qua hai trăm năm. Tác phẩm có lịch sử tiếp nhận phong phú nhất, nhưng cũng phức tạp nhất do những quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, tôn giáo và học thuật khác nhau trong nhiều tình hình thời thế đã đổi khác .

Từ sau 1945, dưới ánh sáng của thời đại cách mạng mới, Nguyễn Du và Truyện Kiều đón nhận sự tôn vinh gần như tuyệt đối của dư luận xã hội, cũng như của giới văn hóa nghệ thuật.

Lấy lập trường, quan điểm ngày nay để xem xét tác gia, tác phẩm quá khứ hiển nhiên là điều cần thiết. Tuy vậy, cũng rất cần một sự đánh giá khách quan, khoa học theo cái nhìn lịch sử chính xác, nghiêm minh và phương pháp luận đúng đắn, hiệu quả nhất.

I/ NGUYỄN DU – “NGƯỜI XƯA CỦA TA NAY”

Không phải ngẫu nhiên mà những nhà cách mạng, những chính khách đồng thời là học giả, văn nhân chính là những người sớm đón nhận chính xác và phát huy ảnh hưởng của thiên tài Nguyễn Du và tác phẩm bất hủ Truyện Kiều.

Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đồng chí Trường Chinh – nhà văn hóa lớn cũng là nhà thơ Sóng Hồng đã xác định giá trị của Truyện Kiều theo quan điểm mới. Chiến sĩ cách mạng – nhà sử học Trần Huy Liệu cũng sớm có sự đồng cảm qua giọt lệ cùng Tố Như qua bài Khóc Kiều. Học giả, nhà văn hóa cách mạng Hoài Thanh cũng đã có tiểu luận Quyền sống của con người trong Truyện Kiềucủa Nguyễn Du (1949).

Đó là những người đọcgặp Nguyễn Du sớm nhất. Ấy là chưa kể đến Lý Tự Trọng – người thanh niên anh hùng của Thanh niên cách mạng đồng chí hội, mới chỉ 17 tuổi, bị kết án và xử tử năm 1931. Trong xà lim án chém, anh vẫn đọc Truyện Kiều như tiếp nhận thêm sức mạnh hồn dân tộc để nâng cao ý chí và tinh thần cách mạng.

Những sự hội ngộ kỳ lạ với Nguyễn Du trước hết chính là sự gặp gỡ của lòng thương yêu , của lý tưởng sống.

Sau này, cũng rất sớm là nhiều nhà  hoạt động  xã hội, nhiều nhà thơ lớn  đã đọc Nguyễn Du và chia sẻ đồng cảm, tôn vinh bậc thi hào. Chế Lan Viên đã nhắc tới Kim, Kiều qua thơ từ 1955, Tố Hữu đồng cảm nỗi đau xưa và niềm vui  mới với thi hào “Hỡi người xưa của ta nay / Khúc vui xin được so dây cùng Người” (Bài ca mùaxuân 1961 )

*

Kiệt tác Truyện Kiều và thi  phẩm đặc sắc Văn chiêu hồn, cùng bộ phận Thơ chữ Hán, nhất là đỉnh cao Bắc hành tạp lục , đã nâng Nguyễn Du lên vị thế nhà nhânvăn chủ nghĩadân tộc và nhân loại.

Truyện Kiều xưa nay được đánh giá là tấm lòng thương cảm mênh mông về phận người và kiếp người. Nổi bật là thân phận người phụ nữ, nạn nhân oan khổ đau thương tột độ của một xã hội vô cùng  bạc ác:

Đau đớn thay phận đàn bà

Đó cũng chính là niềm cảm thương vô hạn với những thân phận nữ nhi tài hoa bạc mệnh ,  ca kỹ bất hạnh  như trong Đc Tiểu Thanh ký, trong Long Thành cầm giả ca, Điếu La thành ca giả. Qua đó, ta thấy được nỗi niềm và tâm sự sâu xa của chính thi nhân.

Thực ra, đây cũng là nét nhân đạo truyền thống của văn học dân tộc có từ Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc đến bi kịch tình yêu Sơ kính tân trang của Phạm Thái  và nỗi khổ đau của người phụ nữ qua thơ Hồ Xuân Hương với những tiếng than bi hận và cả tiếng thét phẫn nộ. Văn học Đông, Tây từ thời Phục hưng đến thế kỷ XIX cũng có truyền thống nhân văn ấy.

Tuy nhiên, chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du đã mang những đặc điểm vượt trội, nâng thi hào lên tầm một nhà tư tưởng lớn.

Lòng thương cảm của Nguyễn Du vừa có chiều sâu trong thân phận con người như Thúy Kiều, lại có chiều rộng qua tình người ở xã hội Kiều.

Đó là sự phát hiện từ tâm của Chung ông, sự trợ giúp của Mã Kiều, lòng thương cảm cưu mang của mụ quản gia nhà Hoạn Thư. Tột cùng may mắn là sự cứu sống của Giác Duyên. Lòng thương người của Nguyễn Du còn được mở rộng tới một xã hội khác qua Bắc hành tạp lục – tác phẩm khi ông được làm sứ giả ở Trung Hoa. Đó là tâm sự không kém đau đớn cho kiếp người qua cảnh ông già mù lòa dắt em bé đi hát rong (Thái Bình mi ca giả), bốn mẹ con dắt nhau đi ăn xin (Sở kiến hành). Hay thảm thương hơn, là tình cảnh ở Trở binh hành: dân đói ăn cám, rau dại chết hàng trăm.

Văn chiêu hồn có thế giới đau khổ dương gian và một thế giới vẫn còn khổ đau, oan trái của những cô hồn ở cõi âm. Nguyễn Du làm văn tế cho thập loại chúng sinh – thực ra là  cho đủ loại kiếp người.

Từ kiếp người nhỏ bé nhất: “Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé/ Lỗi gi sinh lìa mẹ, lìa cha... U ơ  tiếng khóc thiết tha não lòng” đến những kẻ thất cơ lỡ vận, với những cái chết bất đắc kỳ tử”, “kẻ chìm  sông, lạcsuối” đến “người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành”...

Họ trở thành những cô hồn, bơ vơ nơi cầu này, quán nọ, hoặc đầu chợ cuối sông… Thêm một lần bi thảm của những oan hồn:

Thương thay thập loại chúng sinh

Hồn đơn phách chiếc, lênh đênh quê người

Nguyễn Du có tấm lòng thương cảm vô hạn. Tình thương không biên giới cả trong nước và ở nước ngoài, và vượt cả thế giới hiện thực của con người. Thương người sống và thương cả người chết ở cõi âm – một tình thương nhuốm  màu sắc tâm linh.

Cuộc đời thi nhân đã kinh qua những nỗi truân chuyên, rõ nhất là “ mười năm gió bụi” sống gần gũi với những người lao động vất vả, lam lũ, nghèo hèn. Bản thân từng nếm trải nghèo khổ. Ông làm quan thanh liêm, cuối đời vẫn khốn khó.

Đó là điều kiện quan trọng để có thể dễ dàng cảm thông với những con người oan khổ.

Tuy nhiên, đặc điểm cũng là tính chất của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du chính là ở chiều sâu của tình người, chứ không hẳn là ở tấm lòng quảng đại.

Đã có lời ca ngợi tuyệt đỉnh: Nguyễn Du có “con mắt trông  thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” (Mộng Liên Đường). Trừ ba cõi về thời gian – tức ba chiều quá khứ - hiện tại – tương lai, thì còn là ba cõi không gian – nhân gian: cõi trời, cõi đất, cõi người (Thiên – Địa – Nhân).“Trông trời, trông đất, trông mây” (ca dao)... nhưng “trông người” thật khó vì “lòng người” không thể đo lường rộng hẹp, nông sâu. Khám phá hồn người, tình người là cực khó, cực kỳ công phu, nhưng Nguyễn Du đã làm được điều đó: tìm ra thiện và ác, đẹp đẽ và xấu xa, cao thượng và hèn hạ,... Phát hiện ra con người là kỳ công, kỳ tài của thi hào.

Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du không chỉ duy nhất  có lòng thương cảm con người. Đáng quý hơn,  còn  là lòng tôn trọng tin yêu con người.

Kiều là con người bị chà đạp, vùi dập xuống tận đáy bùn đen của sự ô nhục, oan khổ, nhưng vẫn bảo toàn được tiết nghĩa, phẩm giá cao quý. Nàng được tôn vinh về vẻ đẹp tinh thần, chẳng khác nào đóa sen tỏa sáng ngát hương. Đặc biệt, đó là một nhân cách tự chủ, kiên cường, luôn  giãy giụa ngoi lên khỏi ngập ngụa bùn lầy.

Nguyễn Du đã gắn cho nàng một đức tính rất đẹp, đó là ý chí vượt thoát. Cũng như thế, ở nhân vật Từ Hải là con người khát vọng tự do“Đội trời, đạp đất mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Ở đây ta thấy có sự gửi gắm ý tưởng muốn vượt thoát cho con người của chính Nguyễn Du, mặc dù đó chỉ là ước mơ lãng mạn của thi hào.

Văn chiêu hồn cũng thể hiện một giấc mơ giải thoát. Chiêu hồn là cầu mong: “Nhờ phép Phật siêu sinh tnh độ/ Phóng hào quang cứu khổ độ ưu”. Nhà thơ hy vọng ở một phép thuật siêu linh giải thoát cho những cô hồn. Có hy vọng là vì nhân văn.

Đây chính là nét tiến bộ đặc biệt, thể hiện lý tưởng nhân văn Nguyễn Du đã tiệm cận với quan điểm mới cách mạng. Chủ nghĩa nhân đạo mác xít chủ trương giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột – nguồn gốc cơ bản của mọi khổ đau trần thế. Quan điểm nhân đạo này là tiên tiến nhất, là cao hơn hết thảy mọi thời đại.

“Đục trong thân cũng là thân” là ý tưởng cho con người là thực thể cao nhất. Nguyễn Du, qua nhân vật lý tưởng của mình đã thể hiện quan niệm trân trọng giá trị người, “thân tàn gạn đục khơi trong”, năng lực người hy vọng người“còn duyên may lại còn người”, con người là tất cả.

Kiều không chết, Kiều trở về giữa gia đình và xã hội. Nàng có thế đứng đàng hoàng trước mọi người như một con người chiến thắng. Siêu hình mà vẫn lạc quan, vẫn nhân đạo. Nguyễn Du nói về định mệnh nhưng cũng tuyên ngôn: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

Yêu thương căm ghét là hai mặt của một vấn đề. Khẳng định  cái thiện, phủ định cái ác thường đi liền với nhau.

Tiếng nói tố cáo, phê phán  của Nguyễn Du  cũng là một sức mạnh chiến đấu hiệu lực  trong những trước tác Hán cũng như Nôm

Truyện Kiều đã được khẳng định là bản cáo trạng đanh thép xã hội đương thời.Chính danh các thủ phạm gây nên đau khổ, oan trái, bất hạnh cho con người trong xã hội là một lũ từ quan chức chóp bu  “phương diện quốc gia” đến tầng lớp hạ cấp, bọn quan lại sai nha địa phương. Xúm quanh là bọn ác ôn “đầu trâu mặt ngựa”của tệ nạn xã hội . Quan tham lại nhũng sâu mọt đục khoét cùng  thuộc hạ phi nhân vô đạo  “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”.Rồi bọn bạc ác buôn người, những kẻ vô lương  dìm dập   thân phận bất  hạnh vào cuộc sống ô nhục. Cả lũ lĩ “ loài báo hổ, ruồi xanh’“phường gian ác hôi tanh” của xã hội vạn ác đã “hại người” như cảm nhận ngày nay  của Tố Hữu ( Kính gửi Cụ Nguyễn Du). Cả một hệ thống phạm nhân đã nhúng tay vào tội ác, gây nên thảm cảnh bi ai  cho nạn nhân xã hội.

Nguyễn Du – vị  quan toà nghiêm minh – đã vạch rõ các rường mối trụ cột như tam cương của thể chế đã mọt ruỗng, báo hiệu sự khủng hoảng không tránh khỏi và suy vong tất yếu của nhà nước phong kiến .

Bắc hành tạp lục  như gián tiếp góp thêm lời buộc tội cho bản cáo trạng ấy. Những cảnh mắt thấy tai nghe về cảnh đói khổ ở xứ người  là kết quả của chính sách trị dân tàn ác của vua chúa triều đình.Thấy xa để nhìn gần, lấy ngoài để nói trong:chuyện xứ người cũng là chuyện đất mình.

Những vấn đề trong trước tác của Nguyễn Du – chữ Hán cũng như chữ Nôm, mở rộng ra là những vấn đề của xã hội đương thời – xã hội nhân gian. Thi hào đã mang một cảm thức nhân loại và suy nghiệm thời đại.

Điều đó càng chứng tỏ tầm vóc lớn lao của nhà tư tưởng Nguyễn Du, người có chân trong guồng máy triều chính đã vượt khỏi những ràng buộc thế giới quan, hệ ý thức  để có những chính kiến minh triết .

Nhà đạo đứcNguyễn Duluôn hiện diện trong sáng tác. Hiển nhiên, nho sĩ thể hiện quan niệm đạo đức trong khuôn khổ của chế độ phong kiến đương thời. Đạo Khổng là mực thước, là tiêu chuẩn của đạo lý trong Truyện Kiều.

Tuy nhiên, xét kỹ ta thấy có những ý tưởng và hành động phá cách. Như Kiều “lấy hiếu làm trinh”. Hoặc quan niệm tình yêu của Kiều cũng đã có những điều đổi mới. Đó là một tình yêu chủ động, có hiện tượng “xé rào” cả trong ý thức lẫn hành động. Tiến bộ hơn nữa là một tình yêu xây dựng, tôn trọng lẫn nhau như trong quan hệ Thúy Kiều – Từ Hải, hoặc thủy chung như một – tình cảm Kim – Kiều.

Có một khuôn khổ ràng buộc cao hơn được chế định. Đó là đạo lý dân tộc xuyên thấm hồn người. Kiều giữ mình tránh được sự vượt quá giới hạn – “Gieo thoi trước chẳng giữ giàng/ Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?”. Dù tình yêu là tự do, nhưng vẫn phải đúng mực, đây là điều có giá trị hiện đại, có ý nghĩa như lời phản đối mọi sự buông thả của chủ nghĩa hiện sinh – sống gấp, chỉ biết hưởng thụ có biểu hiện trong xã hội ngày nay.

Chế Lan Viên rất có lý khi rước Nguyễn Du về trong cuộc sống của chúng ta trong thời đại mới – “Thời đại xã hội chủ nghĩa rồi đây, thời đại Hồ Chí Minh rồi đây, thời đại thủy chung nhân nghĩa rồi đây...”. Nhà thơ lớn hiện đại đối thoại với thi hào cổ điển Tố Như bởi trên đại thể, ngày nay chúng ta vẫn chấp nhận đạo đức Truyện Kiều, đạo đức “thủy chung nhân nghĩa” đã được bày tỏ của Nguyễn Du.

 Nguyễn Du rất thức thời, nên đạo đức đề xuất  còn thể hiện tính cách hợp thời. Đạo đức cách mạng ngày nay gắn với đạo lý dân tộc, với thuần phong mỹ tục truyền thống là như vậy.

Kiều có đạo đức cá nhân, nhưng lại mang những nét nổi bật của cả đạo lý dân tộc. Như báo ân, báo oán mà không tàn ác, lại thể hiện nét khoan dung, nhân hậu của con người dân tộc, có cái cảm thương tình nghĩa dân tộc. Kiều thương thân cũng biết thương người – “Thương người như thể thương thân” (ca dao). “Thân” là một “chữ thần” rất phong phú, có nghĩa thần diệu trong Truyện Kiềugắn liền với tâm tư, tâm lý dân tộc.

Từ trong căn cốt, Nguyễn Du là một nhà văn hóa lớn. Nhân dân, dân tộc đã vinh danh nhà thơ lỗi lạc từ hàng trăm năm, trước khi thi hào được nhận danh hiệu Danh nhân văn hóa thế giới.

Nguyễn Du là người am hiểu văn hóa dân tộc, thu góp được tinh hoa văn hóa truyền thống vào trước tác. Đặc biệt, ông rất am hiểu văn hóa Trung Hoa, ngưỡng mộ các danh nhân văn hóa nước người (Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch,...).

Khi được đi sứ, thi hào đã có dịp viếng thăm , đề thơ, làm thơ giao lưu, giao cảm với các thi nhân tài danh (Bắc hành tạp lục). Đặc biệt, thi hào còn ca ngợi những giá trị trong đấu tranh bi tráng cho lý tưởng nhân văn cao cả (Văn Thiên Tường, Nhạc Phi).

Là người theo Hán học và vận dụng thành thạo trong sáng tác, Nguyễn Du ham chuộng vẻ đẹp thơ ca cổ điển và chịu ảnh hưởng rõ rệt của mỹ học văn hóa phương Đông.

Quan niệm văn hóa của Nguyễn Du có căn bản là ở nhân văn: “Thiện căn ở tại lòng ta”. Tất cả là ở con người, và chỉ còn ở con người. Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa và ứng xử văn hóa.

Truyện Kiều là hồn cốt và biểu tượng văn hóa Việt Nam, chứa đựng những trầm tích văn hóa, văn hiến của dân tộc trên tất cả các phương diện nghệ thuật. Cho dù có sáng tác thơ chữ Hán, nhưng bộ phận đó cũng mang bản sắc văn hóa dân tộc rõ rệt.

II/ NGUYỄN DU – THI NHÂN – NGHỆ SĨ CỔ ĐIỂN GIÀU SÁNG TẠO

Nguyễn Du là bậc thi hào của văn học cổ điển Việt Nam. Trước tác của ông là những sáng tác tiêu biểu bậc nhất của dòng văn học cổ điển. Với thành tựu xuất sắc đặc biệt, Nguyễn Du chính là ngọn cờ đầu của một thời kỳ văn học lịch sử.

Là bậc tài hoa thi nhân – nghệ sĩ, Nguyễn Du lại có nhiều đổi mới sáng tạo rất đáng khâm phục. Ông là một cây bút có nhiều biến hóa vượt thoát những chế định và điển pháp một thời.

Lý tưởng thẩm mỹđược quy định bởi lý tưởng xã hội, nhưng vẫn mang tính đặc thù. Nguyễn Du vẫn trên định hướng mỹ học phong kiến – văn dĩ tải đạo, nhưng đã có sự phát triển mới về nội dung. Theo quan niệm Tống Nho, thì văn chương phải chuyên chở đạo lý (đạo ở đây là đạo Thánh hiền). Tuy nhiên, ở Việt Nam, thì đạo lý đã được biến đổi thành đạo lý của dân tộc, đạo lý của nhân dân.

Nhân vật mang lý tưởng thẩm mỹ tập trung nhất trong Truyện Kiều chính là Thúy Kiều. Đây là nhân vật mang giá trị đạo đức thẩm mỹ đã vượt ra ngoài quan niệm chính thống.

Sự cách tân táo bạo này mang tính  phản kháng quan niệm vô nhân đạo của đạo đức phong kiến. Lý tưởng thẩm mỹ khởi sắc của Truyện Kiều thể hiện lý tưởng xã hội tiến bộ của Nguyễn Du, được biểu hiện qua nội dung xã hội khách quan trong tác phẩm.

Về cơ bản, sáng tác của Nguyễn Du tuân thủ thi phápcủa văn học Trung đại theo hướng đạo đức hóa, mỹ lệ hóa, tích cực hóa.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý đặc biệt là có sự đồng hành và tổng hợp giữa văn học Hán và văn học Nôm của thi hào, và trong mối tương quan đó thì văn học Nôm vẫn lấn át hơn  và nổi trội hơn  và biến hoá về phong cách và thi pháp.

Ngay  những tính chấtnhư ước lệ, tượng trưng, quy phạm hoặc tính giáo huấn, bác học, trang nhã của văn học Hán cũng có sự biến đổi. Có những sự “phá cách”, “vượt rào” do cá tính sáng tạo của chủ thể sáng tạo từ  hình ảnh, ngôn ngữ và phương tiện biểu hiện nghệ thuật.

Cảnh miêu tả Thúy Kiều tắm vừa mỹ lệ, thanh nhã, vừa tự nhiên, thông tục đã được ca ngợi hết lời, chính là một dẫn dụ rất tiêu biểu:

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên

Một sáng tạo về thể loại đặc sắc  là Nguyễn Du đã sáng tác mới Đoạn trường tân thanh tuy có vay mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Ở đây có vấn đề phóng tác, chuyển thể nhưng đã biến báo. Sau này, mô phỏng, phóng tác quốc ngữ từ tác phẩm  cổ Trung Quốc hoặc Âu Tây mới rộ lên ở xứ Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Một tiểu thuyết tự sự đã được biến cải  thành truyện thơ trữ tình qua tay tài khéo  Nguyễn Du. Có sự tương tác hài hoà, nhuần nhuyễn rất gần gũi với lý thuyết về tương tác thể loại hiện  đại.

Trong công trình về thi pháp Truyện  Kiều, Trần Đình Sử đã có dịp phân tích sự biến hoá sáng tạo của Nguyễn Du trên nhiều phương diện[2, tr 870].Từ tư tưởng nhân vật và cách kể chuyện đến cái nhìn nghệ thuật về con người, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật.Cốt truyện tự sự chuyển thành cốt truyện tâm lý, con người đạo lý hoá thành con người tâm lý…Có ý kiến cho Truyện Kiều là tiểu thuyết phân tích tâm lý [2,tr 834]. Phần Thơ chữ Hán lại có sự sáng tạo loại thơ trữ tìnhtriết học như nhận xét của Mai Quốc Liên [2,tr 120].

Khi xét về điển hình hoá, Nguyễn Lộc nhận định Nguyễn Du đã biến chuyển từ điển hình hoá truyền thống theo lý tưởng hoá đến lối điển hình hoá hiện thục của chủ nghĩa hiện thực [1,tr 396].

Ngôn ngữ tuyệt đẹp Truyện Kiều là tập đại thành cũng là sự thăng hoa của tiếng Việt. Ở  phương diện này có sự tổng hợp, kết hoà cuả ngôn ngữ bác học trang trọng với ngôn ngữ văn học nhân dân ( ca dao, thành ngữ, tục ngữ…) cùng với ngôn ngữ quần chúng ( lời ăn tiếng nói hàng ngày). Đó là sự tìm tòi độc đáo vượt trội, thể hiện rõ bản sắc dân tộc như một định hướng chính thống của văn học mới hiện  nay

Bút pháp tài hoa Nguyễn Du cũng là sự tổng hoà của nghệ thuật văn chương với  nhiều nét mới lạ. Có lãng mạn, có hiện thực  qua con mắt nhìn, kể  và tả linh hoạt đan xen trữ tình, tự sự. Bên lời phê phán đanh thép có nụ cười mỉa mai châm biếm, trào phúng sâu cay. Đủ cả thi, văn, nhạc, hoạ trên những trang viết. Thể hiện bốn lần đánh đàn trong những  hoàn cảnh khác nhau với những tâm sự, sắc thái tình cảm  phân  biệt tinh vi.

Đặc biệt nổi bật là cách diễn  đạt, lối nói vừa văn hoa, thanh nhã  vừa giản dị, hồn nhiên.Thơ điệu ngâm như tiếng hát tâm tình réo rắt, ngậm ngùi … nhiều vẻ. Nhờ vậy, Truyện Kiều là kiệt tác đạt được  tính phổ thông, tính quần chúng cao nhất, có số lượng công chúng thưởng thức vô xiết kể từ xưa tới nay, từ trí thức đến bình dân. Xét trên lý thuyết tiếp nhận văn học hiện đại, Truyện Kiều  là tác phẩm mở - có độ mở khoáng đạt không giới hạn cho mọi đối tượng, mọi thời đại, và đạt sức hấp dẫn  ghê gớm với bạn đọc. Cách viết (viết cho ai?, viết làm gì?, viết thế nào?) để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất như vậy là hết sức tiến bộ , rất gần gũi với phương châm văn học, văn hoá mới  ngày nay đặc biệt là dân tộcđại chúng.

Tất cả lại xuất phát từ một quan niệm văn chương rất tiến bộ. Như đã nêu, Nguyễn Du có con mắt chính trị – lịch sử tinh tường. Bằng quan sát hiện thực nhân tình thế thái  và những vấn đề xã hội, thi nhân   đã cảnh báo sự suy vi dẫn đến cáo chung  của thể chế đương thời. Cái ung nhọt đang ủ mầm nung bệnh  nguy hiểm là chế độ quan trường mục nát và tác hại ghê gớm của đồng tiền thời kỳ tiền tư bản  “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.Tuy nhiên, như Hegel từng nói :  thơ ca cao hơn  sử học . Lý luận về văn học hiện đại đã đề cập chức năng dự báo của văn chương. Nguyễn Du không chỉ là một sử gia dự cảm thiên tài mà còn là một nhà tiên tri văn học xuất chúng.

                                           ***

Nhìn chung lại, cho tới nay, Nguyễn Du vẫn nổi bật là bậc đại thi hào. một nghệ sĩ tài năng lớn đã có tư tưởng và nghệ thuật tiến bộ xuất sắc, tạo nên được những tác phẩm đỉnh cao lỗi lạc có sức sống vĩnh cửu trong đời sống tinh thần, văn hoá dân tộc. Cái bút lực mạnh mẽ kỳ lạ ấy cũng là do tầm tư tưởng, cái nhìn nghệ thuật tiên tiến vượt thời đại, con mắt thấu thị “sáu cõi”, “nghìn đời” của thiên tài bác học văn chương. Nguyễn Du và kiệt tác của Người  đến được với chúng ta ngày qua , ngày nay và mai sau  chính vì điều căn bản ấy.

Đã có những nghiên cứu liên tưởng hợp lý, sâu sắc về những tác phẩm đỉnh cao của thi hào:Văn chiêu hồn  thẳm sâu nhân ái sánh với Thần khúc của Dantes, Phản chiêu hồn đậm đà triết lý nhân bản  đặt bên Hamlet của Shakespear…trong tiến trình văn hoá thời  Phục hưng. Kiệt tác  như vượt khỏi biên giới, thi hào đã đến với nhân loại từ lâu  thật xứng tầm danh nhân văn hoá thế giới.

Câu thơ như tâm sự “di chúc” ở cuối Độc Tiểu Thanh ký  “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên  hạ hà nhân khấp Tố Như” là một thông điệp vừa âu lo, vừa hy vọng, suy tư đấy  mà cũng tin tưởng biết bao. Câu hỏi đặt ra mênh mông thời gian mà như đã sớm  dự cảm được lời đáp. Tiếng gọi bạn tri âm , tri kỷ mong mỏi từ lâu  đã nhận được những giọt lệ  hồi âm và những nụ cười đền đáp của người đời sau.

Cảm nhận của Chế Lan Viên ngày nào vẫn còn nguyên xúc động với hôm nay: “Nguyễn Du, có phải Anh mới viết ngày hôm qua, mới chết ngày hôm qua hay Anh còn sống? Ghé vào tác phẩm còn hôi hổi hơi Anh thở, tôi còn nghe đập trái tim tôi trong trái tim Anh. Những gì Anh yêu, mãi mãi chúng tôi còn yêu. Chúng tôi ghét những gì Anh ghét…Nguyễn Du, Anh hiện đại biết bao nhiêu!”[3,tr267,268)

ĐOÀN TRỌNG HUY, PGS – TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Lộc (1999), Văn học Việt Nam (Nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX), Giáo dục.

[2] Nhiều tác giả (1998), Nguyễn Du – Về tác gia và tác phẩm, Giáo dục.

[3] Chế Lan Viên (2009), Nguyễn Du hay lòng một người Anh – Chế Lan Viên toàn tập, tập III, Văn học.

Các Bài viết khác