NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ĐỘC ĐÁO NGUYỄN TUÂN

( 30-07-2015 - 07:24 AM ) - Lượt xem: 2002

Sự độc đáo của Nguyễn Tuân là trên nhiều phương diện, nhưng đều có mối quan hệ biện chứng và thống nhất giữa văn và người. Đó là biểu hiện cá tính sáng tạo mạnh mẽ của nhà văn và mỹ cảm sâu sắc của một nhà văn hóa.

Đã gọi là văn tài thì phải độc đáo. Nhà văn lớn lại càng  độc đáo. Nguyễn Tuân chính là nhà văn độc đáo có hạng.

Sống có một phong thái riêng, khác với mọi người, viết có dấu ấn đặc hiệu, Nguyễn Tuân đã đóng một con triện đỏ chói đặc sắc vào văn đàn Việt Nam hiện đại.

Độc đáo là giá trị thẩm mỹ của Nguyễn Tuân – nhà văn được mệnh danh là Người đi tìm cái đẹp, cái thật trong đời.

***

Mỹ cảm độc đáo là cảm nhận tự thân của nhà văn lớn về sống đẹp và viết đẹp. Đối với độc giả, ai đọc Nguyễn Tuân cũng thấy được cái đẹp toát ra từ con người và trên trang viết độc đáo.

Trước hết là cách sống – từ ăn, mặc, ở, cách hành xử, giao tiếp,… bao giờ cũng lộ rõ nét đặc trưng:

Phòng ở của ông riêng biệt, được trang trí đơn giản, nhưng trên tường treo đầy tranh chân dung của bạn bè họa sĩ vẽ tặng. Kệ sách mở với la liệt tài liệu, hồ sơ, sách báo vừa như triển lãm vừa như bảo tàng.Nổi bật tươi mát là bình hoa, thường là hoa hồng.

Hoa là điểm thẩm mỹ trong cuộc sống, cũng là trong cuộc đời của nhà văn.Hoa để vui mắt và cũng là để thư giãn tâm hồn.

Khi đến thăm ông bạn già Đặng Thai Mai, nhà văn Nguyễn Tuân tâm sự: “Khi nào có cái gì bực trong lòng, ông cứ nhìn một bông hoa, thích ông ạ” [2, tr 526].

Hoa là thú chơi của Nguyễn Tuân từ lâu. Đúng như quan niệm của ông, chơi hoa là để con người tìm niềm vui, tìm tâm trạng thư thái nhưng còn có được mối giao hòa với thiên nhiên.

Năm nào,vào dịp áp Tết,  ông Nguyễn cũng rũ bạn đi chợ hoa ở Cổng Chéo Hàng Lược, để ngắm hoa, thưởng hoa và sắm hoa. Cách chọn cành đào cũng thể hiện tâm tiính riêng: đào thắm hay đào phai là tùy người. Nhưng, cành đào của Nguyễn Tuân phải có lá, chứ không phải chỉ toàn hoa: “Hay gì một cành đào chi chít hoa. Nó chỉ toàn hoa. Mùa xuân thì phải có màu xanh của lá, của sự đâm chồi nảy lộc, mới là xuân” [2, tr 472].

Hoa có ngôn ngữ riêng. Hoa cũng là phương tiện giao lưu tình cảm với Nguyễn Tuân.

Sang Liên Xô, nhà văn được một cô phiên dịch tiếng Pháp giúp đỡ giao tiếp. Cô gái xinh đẹp như pho tượng cổ Hy Lạp, được ông phong là Thiên thần hộ mệnh. Ông Nguyễn nhờ cô mua ba bông hồng. Cô gái rất ngạc nhiên vì giữa mùa đông, hoa hồng đắt như vàng! Hoa mang về, ông tặng cho cô với lời thân tình: “Tonia, mon ange gardien – thiên thần hộ mệnh của tôi!”. Tonia sững sờ. Cô ôm ba đóa hồng trên ngực, mặt đỏ bừng. Và cô khóc… [2, tr 533].

Đã thành lệ, Tết nào Nguyễn Tuân cũng đến nhà Tố Hữu để tặng một chùm hoa như tri ân người bạn đã dắt tay nhà văn theo con đường cách mạng. Hoa tím của nhà thơ lớn  đề tặng nhà văn lớn: “Thủy chung tình bạn chùm hoa tím/ Hôn nhuỵ hoa thơm, tưởng Huế gần…”.

Ngày Nguyễn Tuân ra đi, các hàng hoa ở Hà Nội vãn hẳn đi . Bao nhiêu hoa như dồn hết vào tang lễ. Tất cả hoa và bạn bè như cùng tiễn biệt nhà văn. Kim Lân đã thốt lên: “Thế thì anh Tuân ạ, trước sau anh vẫn đúng là người sung sướng nhất”[2,tr 550].

Vậy đấy, người yêu hoa, quý hoa, có tâm hồn hoa độc đáo đã làm nên Tờ hoa cực đẹp cho đời!

Nguyễn Tuân là người sành ăn uống. Ông là nhà văn hóa ẩm thực. Chúng ta không phải bàn thêm về cách thưởng trà của tác giả Chén trà trong sương sớm. Uống rượu cũng có cách rót rượu, độc ẩm, đối ẩm. Như vậy, đây cũng là cả một nghệ thuật – nghệ thuật mang vẻ độc đáo Nguyễn Tuân.

Xưa kia, nhà văn ăn chơi khét tiếng đến mức có cả hiện tượng trác táng. Nay, Nguyễn Tuân vẫn tài tử, tài hoa, nhưng lành mạnh. Độc đáo là để giữ bản lĩnh, đẹp mình và cũng là đẹp người. Xưa độc đáo đôi khi có vẻ  lập dị, nay là hòa đồng, thân thiện.

Hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Tuân thường bao giờ cũng có nét đặc sắc riêng. Ông là một trong những người khởi xướng nghệ thuật diễn kịch ở nước ta.Đã có so sánh Đoàn Phú Tá có nét hào hoa, bay bướm, nhưng Nguyễn Tuân lại có nét sâu đằm của phong vị rất Việt Nam. Điều đó thể hiện ở thời tham gia đoàn kịch Tiền tuyếnnhững ngày đầu kháng chiến, hoặc khi đóng phim Tắt đèn sau này.

Có thể coi đó là nét độc đáo lớn mang bản sắc dân tộc. Thêm vào đó là sự tìm kiếm những phương thức biểu hiện riêng, luôn đào sâu kịch bản để vật chất hóa cảm xúc thành diễn xuất, như ý kiến của Đình Quang [2, tr 536].

Độc đáo Nguyễn Tuân rõ nhất và tập trung nhất là ở trang viết, ở sự hành nghề văn chương. Nhà văn đã tự nhận xét: “Lòng kiêu căng của ta đã xui ta chỉ chơi có một lối độc tấu” (Vô đề).

Về thể loại, Nguyễn Tuân được mệnh danh là ông vua tùy bút. Tùy bút Việt Nam thời hiện đại làđặc sản của Nguyễn Tuân. Tùy bút là thể loại viết tương đối tự do, phóng khoáng, rất hợp tạng riêng. “Tùy bút là viết tùy theo bút, theo cảm hứng” – Đó là định nghĩa dí dỏm của Nguyễn Tuân.

Tuy vậy, thể loại này dễ mà khó. Nếu viết lan man, tản mạn, non tay sẽ gây nhàm chán. Đọc ông, người ta thích thú vì một cái tôi – bản ngã rất rõ nét và đầy hấp dẫn.

Tùy bút Nguyễn Tuân có nhiều đặc điểm.

Trước hết, đó là lượng thông tin phong phú, chân thật, sinh động về cuộc sống và thế giới tâm hồn. Qua đó, là cách cảm, cách nghĩ bằng lăng kính chủ quan của người viết. Trí tuệ sắc sảo và phong cách trữ tình đậm đà kết hợp với nhau làm nổi bật đặc sắc của bài văn.

Điểm nổi bật thứ hai là sự tương tác thể loại trong tùy bút của Nguyễn Tuân. Có cả trên trang văn ấy phóng sự, ký sự với khảo sát, điều tra cụ thể, tỉ mỉ. Ở đây, chất thơ chan hòa đằm thắm qua cảm xúc trữ tình từ hình ảnh thiên nhiên đến một khung cảnh cuộc sống hay tâm trạng con người.

Tính tạo hình cao khiến nhiều trang như có khắc họa phim ảnh. Thủ thuật dựng (montage) của điện ảnh được sử dụng đắc địa như tả gió, mây, tả sông nước và hoạt động của con người. Người lái đò sông Đà là một minh chứng cho sự tổng hòa của các bút pháp trên.

Trong tùy bút Nguyễn Tuân có cả truyện. Ngược lại, trong truyện cũng có ký và tùy bút.

Từ xưa, đã có nhận xét về ông: “Chỉ xuất nhập lối đoản thiên, có nhiều tính cách ký sự, có nhiều tính cách ký sự” (Phan Thế Ngũ – Việt Nam học sử giản ước tân biên, 1965). Lại có ý kiến cho rằng, tùy bút Nguyễn Tuân là sự kéo dài tản văn của Tản Đà.

Đó là đôi điều nhận xét về con đường tùy bút của nhà văn.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng tùy bút Nguyễn Tuân ngày nay mang tính hiện đại rõ rệt. Một cuốn từ điển văn học định nghĩa “Được gọi là tùy bút là những tác phẩm mà ở đó, nổi lên trên bình diện thứ nhất những phẩm chất riêng, cốt cách riêng của tác giả. Chỉ những người muốn làm rõ các giọng điệu độc đáo của riêng mình, những ngưởi thích tự biểu hiện, tự phân tích, đồng thời là những bút pháp vừa giàu chất hình tượng, vừa có khả năng viết chặt chẽ như châm ngôn… những người đó mới đi vào tùy bút [2, tr 151].

Theo đó, tùy bút chứa những yếu tố rất riêng – yếu tố độc đáo. Nguyễn Tuân chơi lối “độc tấu” tùy bút lại càng chứng tỏ ông muốn độc đáo trên cả sự độc đáo tiềm ẩn của thể loại. Cái trên tài thiên hạ, phải chăng là sự tổng hòa nghệ thuật (thơ, nhạc, vẽ, kịch, phim,…) trên trang viết? Đó là sự tổng hợp, lồng ghép rất tài hoa trong một chỉnh thể văn bản tùy bút.

Đã có nhận xét xác đáng: “Văn tùy bút Nguyễn Tuân quả có nhiều nét đặc biệt dễ nhận thấy, khiến người đọc có thể dễ dàng phân biệt ông với những cây bút khác” [2, tr 144]. Đó cũng chính là món “lẩu” như đặc sản văn chương – nói theo ngôn ngữ “ẩm thực” của nhà văn sành điệu mà Nguyễn Tuân dâng hiến cho bạn đọc.

Sự độc đáo về ngôn ngữkhiến các nhà nghiên cứu, sáng tác đến bạn đọc trí thức hay bình dân đều phải tâm phục, khẩu phục. Đó chính là sự công nhận hoàn toàn cả về mặt lý luận lẫn tình cảm, đặc biệt là trong tâm thế hay trong văn cảnh.

Ta có thể dẫn ra vô số trường hợp về đặt câu, dùng từ ngữ, nhất là ngữ dụng (ngôn ngữ ứng dụng trong giao tiếp thực tế đời sống). Đó là những nét rất Việt Nam, rất thời sự, được cập nhật liên tục, không mang nặng tính sách vở, dông dài.

Như loại ngôn ngữ ứng với loại người ăn chơi: “những tiếng cười khệ, nắc, dâm, ngấy”. Đây là loại ngôn ngữ tắt của từ lấp láy: khệ nệ (có bộ dạng cố làm ra vẻ bệ vệ, khệnh khạng), nắc nỏm (ở trạng thái nôn nao, hồi hộp về một việc đoán định sẽ xảy ra); dâm trong cụm dâm bôn, dâm dật, dâm dục, dâm đãng, dâm loạn,cònngấy từ chán ngấy, ngánngấy mà ra.

Ta có băm sáu kiểu cười điển hình. Nhà văn góp vào từ điển đó những cái cười đa sắc, đa dạng bằng ngôn ngữ độc đáo.

 Tả tiếng khóc của một tên tù Mỹ, nhà vănmô tả như tiếng rên của người - lợn: “… Đến mục nhắn tin gia đình thì thằng Kên  bỗng khóc nấc lên (…). Tiếng nấc thành một điệp khúc. Cái tiếng nấc Hoa Kỳ của một thằng tù rên, có nốt lại nghe ẳng lên như tiếng bị hóc xương nơi cổ họng” (Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào).

Hãy chú ý các từ nấc, rên, ẳng, tiếng bị  hóc xương – như của một quái vật!

Một lối dùng từ độc đáo là nói lược, thay loại từ, bỏ động từ,… để nhấn mạnh ý nghĩa, ấn tượng là cách riêng của Nguyễn Tuân.Con Hồ…”,Nó bê - năm - hai phốKhâm thiên”,… Tưởng đâu nhà văn viết sai ngữ pháp. Nhưng sau đó, ta ngẫm kỹ thì lại thấy chữ nghĩa  rất ý vị, rất thấm thía. Điều này chỉ có thể hiểu trong văn cảnh ấy, chỉ người trong cuộc ấy mới biết. Cách dùng của Nguyễn Tuân rất đúng mẹo mực, rất đúng luật, rất Việt Nam.

Lẽ ra nói “cái hồ” khỏi phải bàn cãi. Nhưng trong tiếng Việt, có hai cách dùngmạo từ như  “con”, “ cái”đều đúng. Cái đườngcon đường. Phổ biến gọi con đường có lý vì đường trở nên sinh động như có sức sống: đường chạy, đường bò, đường uốn  lượn,… Con hồ (Con Hồ Thủ đô) là sự biến báo trên nguyên tắc ấy. Cái hồ tĩnh lặng. Con hồ như nổi sóng, khuấy động hẳn lên. Chưa kể ở đây là Hồ(hồ viết hoa).

Cũng vậy, thường tình ta phải viết “nó bỏ bom rải thảm phố Khâm Thiên” hoặc “nó bỏ bom rải thảm bằng bê năm hai ở phố Khâm Thiên”. Nguyễn Tuân lại khác, ông bỏ qua luôn điều này và lại viết  thành “Nó bê- năm- hai phố Khâm Thiêni”. Câu này, người trong cuộc – người Hà Nội, người Việt Nam quá hiểu.

Cùng với từ là ngữ – đơn vị ngữ pháp nằm trung gian giữa từ và câu, nhất là định ngữ ( nêu lên thuộc tính đặc trưng của sự vật, hiện tượng), định nghĩa (nghĩa của từ và bổ sung làm rõ nghĩa của từ hoặc nội dung, khái niệm).

Xin nêu ra vài ví dụ.

Để tránh trùng lặp, Nguyễn Tuân sử dụng nhiều từ đồng nghĩa để chỉ những chiếc cà vạt bị bỏ quên trong tủ: đám cà vạt tơ, những dải lụa màu, những thân tơ óng ả, những kiếp tơ tằm nhuộm thắm, loại tơ quấn cổ, những cung nhân bị bỏ rơi, những cung phi thất sủng… (Cái cà vạt đen – Nguyễn ).

Phi công Mỹ sau này cũng được gọi bằng giặc lái, thằng bay, ác điểu Mỹ, cướptrời, giặc trời, vân phỉ,… Chỉ riêng cái xác B52 cũng được mô tả linh hoạt bằng những sáng tạo hết sức độc đáo – “con đại bàng Mỹ”, “pháo đài bay”, khi bị hạ thì được chuyển thành “xác đại bàng Mỹ gãy cánh”, là “cái tủ đứng Mỹ”, rồi “hòn non bộ Hoa Kỳ đuy-ra”, “tảng cánh Mỹ”, “đầu lâu đuy - ra khổng lồ”, “đầu B52 cháy đen trên cái sọ dừa vĩđại”, “cục đuy - ra Mỹ vãi rụng”, “cục Mỹ giết người” và mô tả kết thúc: “cục Mỹ to tướng chềnh ềnh trên mặt hồ đó” (Cánh B52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội).

Lối mô tả có truyền thống của nhà văn được phát triển rất đa dạng, phong phú. Tất cả chỉ nhằm làm tôn thêm hình vẻ, màu sắc của hình tượng nghệ thuật, gợi những cảm xúc với nhiều sắc thái.

Ta có thể gán cho Nguyễn Tuân nhiều danh hiệu: Chuyên viên tiếng Việt (như ông tự ghi trong lý lịch); Nhà kiến tạo ngôn từ; Người phát minh, sáng chế ngôn ngữ; Chuyên gia lập pháp ngôn ngữ hiện đại. Gần đây, Lã Nguyên còn phong thêm   cho nhà văn – Nguyễn Tuân – nhà văn của hình dung từ (nguồn: nguvan.hnue.edu.vn, 22/9/2014).

Nói một cách văn chương: ngôn ngữ Việt Nam mới lạ, sáng đẹp lên một cách kỳ diệu,  tuyệt vời dưới ngòi bút của nhà văn kỳ tài Nguyễn Tuân.

Viết văn phải có văn phong, bút pháp, phải thấm nhuần lý luận và trải nghiệm thực tế. Cách viết của Nguyễn Tuân mang nhiều dấu ấn độc đáo rõ rệt.

Có thể nhận xét một cách tổng quan, lối viết của Nguyễn Tuân là lối tổng hợp, tổng hòa nhưng mang giọng điệu rất riêng. Văn Nguyễn Tuân là tập đại thành của văn chương, văn hóa truyền thống và hiện đại, dân tộc và thế giới.

Cứ tưởng rằng Nguyễn Tuân – tác giả Vang bóng một thời, chỉ thiên về sự nền nã, mộc mạc, cổ điển. Thế nhưng, ngay thời ấy, ông đã có sự bứt phá ngoạn mục với Chùa Đàn.

Con đường đi tới của bút pháp, phong cách có nhiều độc đáo. Đã có nhận xét tinh tế: “Có giọng thiên hẳn về hoài niệm trữ tình trong Tóc chị Hoài, đượm cả màu sắc huyền ảo tâm linh trong Chùa Đàn. Lại có giọng đậm về tả thực nóng hổi thời sự về Đám cưới giữa trận địa pháo…Bên vị Hương cuộisâu lắng mỹ cảm cổ truyền, là không khí Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi sục sôi hiện đại…” (Nguyễn Thị Hồng Hà, Tiếng vọng – Hội Nhà văn – Câu lạc bộ sách Nguyễn Huy Tưởng, 2013).

Khái quát về mặt lý luận phương pháp, ta thấy Nguyễn Tuân đã kế thừa được nhiều thành tựu từ nhiều nguồn Đông, Tây, kim, cổ, từ dân gian đến bác học, từ truyền thống đến hiện đại Việt Nam… Cái hư ảo, phong vị tâm linh ở Chùa Đàn (1946) có bóng dáng từ truyền thống, còn  như cái kỳ ảo thần thánh trong Cỏ Độc lập (nhạc kịch, được duyệt in tại Kiểm duyệt Báo chí Bắc bộ ngày 6/5/1946, xuất bản Hội Nhà văn, 2007) thì yếu tố này của  văn  phẩm rõ ràng là có liên quan tới chủ nghĩa huyền ảo của Marquez – Mỹ Latin hiện đại.

Đôi khi, tác phẩm của Nguyễn Tuân thấp thoáng nét của trường phái bố cục – một trong những trường phái mới lạ nhất của hội họa hiện đại: “Một cái nhà ga xép. Một ngọn đèn xanh. Một tiếng còi đồng. Một lá cờ đỏ. Những hơi khói than đá” (Theo Nguyễn Thị Hồng Hà, sách đã dẫn trên).

***

Đã có nhiều giai thoại về độc đáo Nguyễn Tuân. Các giai thoại đó có đúng, có sai, bị thêm bớt, thêu dệt, nhưng đều thống nhất với nhau về nét riêng, nổi bật của nhà văn

Nguyễn Tuân là người…đến chết vẫn độc đáo như chuyện lạ có thật để lại cho đời sau đây.

Cái ban thờ kỳ lạ.

Năm ấy nhằm ngày giỗ nhà văn, mấy thầy giáo vănchúng tôirủ nhau đến thắp hương tại nhà riêng  Nguyễn Tuân. Rất đỗi ngạc nhiên vì ban thờ là một cái bàn rất thấp kê sát tường, có bày bát hương và lọ hoa với bức di ảnh treo phía trên. Người hành lễ phải ở vàotư thế ngồi hoặc quỳ trên chiếc chiếu trải sẵn.Nếu muốn đứng chắp tay cúng vái, trước hết cũng phải khom mình để thắp hương.

Ban thờ chắc được sắp đặt theo di nguyện như mang thông điệp độc đáo.

Tiếp mẩu chuyện  mini (100 chữ hoặc 105 chữ kể cả nhan đề) tác giả mẩu chuyện  trên xin có lời bình luân ngắn gọn về thông điệp (50 chữ)

1-    Nhà văn vẫn gắncõi đời dù đã bay lên cõi trời. Ông đang bám riết cuộc sống nhân gian.

2-    Cần phải tự hạ thấp mình để nhìn rõ chân dung người quá cố kính yêu. Cũng tức là lần nữa tôn cao thêmmột Con Người đã đi xa.

Sự độc đáo của Nguyễn Tuân là trên nhiều phương diện, nhưng  đều có mối quan hệ biện chứng và thống nhất giữa văn và người. Đó là biểu hiện cá tính sáng tạo mạnh mẽ của nhà văn và mỹ cảm sâu sắc của một nhà văn hóa.

Độc đáo là một dấu ấn, cũng là giá trị thẩm mỹ của văn tài lớn Nguyễn Tuân.

ĐOÀN TRỌNG HUY 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đoàn Trọng Huy (2001),Nguyễn Tuân – Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX – Giáo dục.

[2] Nhiều tác gia [1999], Nguyễn Tuân – Về tác gia tác phẩm – Giáo dục.

Các Bài viết khác