NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ĐOÀN GIỎI – “CẬU BÉ” NHIỀU TUỔI

( 11-04-2014 - 06:06 AM ) - Lượt xem: 1597

Ngay từ những ngày đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông đã đi vào tuổi thơ tôi bằng cuốn “Trần Văn Ơn”. Nhân vật “trò Ơn” của ông là nhân vật anh hùng đầu tiên của học sinh Việt Nam mà tôi được đọc. Hình ảnh của người học sinh trường Pétrus Ký đi đầu trong đám biểu tình phản đối tàu Mỹ cập cảng Sài Gòn và hi sinh đã đánh thức trong tôi lòng dũng cảm.

Trong “Từ điển văn hóa Việt Nam” phần nhân vật chí ở phần cuối trang 124 và đầu trang 125 có 14 dòng dành cho nhà văn Đoàn Giỏi. Để bước vào đội ngũ nhân vật chí Việt Nam từ ngày lập quốc, thật không phải dễ dàng. Từ trước công nguyên, mấy chục thế kỷ đã trôi qua …

     Sinh thời, Đoàn Giỏi trước mắt tôi là một người Nam Bộ thuần khiết. Ông cao to, gương mặt có vẻ thô tháp của một võ tướng nhiều hơn là nhà văn. Giọng nói ồm ồm. Trầm và vang.

     Ngay từ những ngày đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông đã đi vào tuổi thơ tôi bằng cuốn “Trần Văn Ơn”. Nhân vật “trò Ơn” của ông là nhân vật anh hùng đầu tiên của học sinh Việt Nam mà tôi được đọc. Hình ảnh của người học sinh trường Pétrus Ký đi đầu trong đám biểu tình phản đối tàu Mỹ cập cảng Sài Gòn và hi sinh đã đánh thức trong tôi lòng dũng cảm. Ngày ấy, tôi thầm nhủ, phải sống thật dũng cảm, trung thực như “trò Ơn”. Việc ấy được tôi áp dụng ngay từ ngày đầu tiên đến trường. Số là như sau: tôi vốn là con của thầy hiệu trưởng trường cấp một mà tôi tới học. Bố tôi đưa tôi vào đó học để kèm cặp “thằng con quỷ sứ” của ông. Song ông đâu biết, đám học sinh của ông – những thằng “nhất quỷ, nhì mà, thứ ba học trò” bị ông tạt tai, phạt đuổi nhiều lần ngầm thù ông. Vì vậy, việc tôi – thằng con trai của thầy hiệu trưởng – tới trường học là cái cớ “ngàn năm có một” của tụi nó để được dịp “ra tay trả thù” cho bõ những khi chịu lép.

     Buổi chiều đó, khi lững thững đi bộ từ trường về nhà, tôi vừa rảo bước vừa nhặt những quả đa chín dọc đường, phủi bụi và nhai dòn tan với vẻ khoái chí thì bất ngờ xuất hiện trước ngã ba có đến mười gương mặt hầm hầm lì lợm. Chúng nó tính chọn bãi cỏ xanh ở ngã đường này làm “quyết chiến điểm” đấy. Tôi nhìn ngơ ngác chẳng hiểu vì sao lại có chuyện kỳ quặc này. Không cần giải thích, ngay lập tức cái mũ của tôi bị quăng vèo lên bụi tre. Một thằng khác giật ngay cái cặp trên tay tôi. Lọ mực tím ở tay kia cũng bị đã tung. Những giọt mực vương trên cỏ xanh. Những câu hỏi xỉa xói được ném ra sắc lẻm.

-         Công tử của ông hiệu trưởng hộp thế?

-         Trông mặt nó cứ nghền nghệt như giả vờ, ghét thế!

-         Nó ở gần nhà tao mà chẳng bao giờ thấy nó ra đường. Trắng cứa như cục bột ấy! Hôm nay thì cho nó nếm “quà” của anh mày nhé.

Tôi vượt qua mặt một thằng định với cái mũ trên bụi tre. Lập tức chiếc mũ được bay sang tay thằng khác. Tôi chạy lại phía cái mũ được ném tới thì nó đã bay sang tay một đứa khác nữa. Vừa chuyền, chúng vừa diễu cợt.

-         Mũ công tử đẹp quá. Cho xem nhờ với.

-         Về bảo bố mày “hách” nó vừa vừa thôi.

-         Cậu vào lớp cứ như ông tướng ấy.

Tôi đuổi theo cái mũ mấy vòng đã thấy nóng cả người người. Bỗng dưng tôi thấy tay ướt ướt. Thì ra mực đổ cả trên tay. Nhiều vết tím tròn đã loang vào áo trắng. Có cái gì nghẹn ngào uất ức lên như lửa cháy. Có một ai đó bình thản hiện ra trong trí nhớ của tôi. “Trò Ơn!”. Đúng rồi, phải dũng cảm chống lại bọn “áp bức” này. Không đuổi theo nữa, tôi chạy theo một thằng đang cười nhăn nhở, giang thẳng một cú đấm. Nhưng nó tránh rất nhanh. Tôi mất đà ngã xấp xuống bãi cỏ. Nhưng tôi lại vùng dậy ngay. Thế là đá đấm túi bụi vào phía đám đông. Cuộc ẩu đả không cân sức khiến tôi lại ngã xấp xuống lần nữa. Ném lại mũ xuống cạnh tôi, cả lũ ùa chạy. Bất giác, tôi bật khóc và tự mình gượng đứng lên. “Trò Ơn bảo phải cứng rắn. Con trai mà …”. Thế là tôi lại nén khóc. Lần đầu tiên tới trường, tôi đã một mình chống chọi và một mình đứng lên khi ngã xuống.

     Sau đó ít lâu, chính những thằng ấy lại trở thành bạn tôi. Chúng nó coi như tôi “đã vượt qua thử thách đầu tiên” và cho nhập hội. Dần dà, tôi lại trở thành “kẻ đầu têu” các cuộc nghịch ngợm. Dù rằng học vẫn giỏi nhưng những hậu quả do chúng tôi để lại ở trường đã khiến bố tôi không làm ngơ được. Và lần ấy, lần xảy ra “vụ án ở ruộng thí nghiệm” thì chính bố tôi đã phải thành “quan tòa” luận tội ông “con trai quý tử” trước toàn thể hội đồng giáo viên và học sinh. Đất! Cái ảnh hưởng đầu tiên của văn chương Đoàn Giỏi đối với tôi là như vậy đó.

*

     Vài năm sau, tôi lại gặp Đoàn Giỏi ở “Đất rừng Phương Nam”. Một thế giới của những người dân Nam Bộ vốn là những người mộ nghĩa, những gia đình thất cơ lỡ vận đã ẩn hiện trong những trang văn xuôi Đoàn Giỏi. Họ hiện lên sinh động và rất bản thể trong giọng văn hồn nhiên của Đoàn Giỏi. Bây giờ, tôi đã hiểu nhiều hơn. Không hề lên gân, bằng một cái gì đó rất tinh tế, thủ thỉ như chính đời sống, Đoàn Giỏi đã mở ra cho tôi thấy một sức sống mãnh liệt của những người dân Nam Bộ. Và với sức sống như thế, Nam Bộ không thể chịu nô lệ được. Và quả nhiên cuối năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời sau 6 năm Bắc – Nam chia cắt và lãnh đạo nhân dân miền Nam đứng lên giành độc lập. Và chính những điều mà Đoàn Giỏi gửi gắm trong “Đất rừng Phương Nam” không những đã thôi thúc riêng tôi mà còn thôi thúc cả thế hệ tôi lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

     Len lỏi trong Trường Sơn nhiều năm, ngoài công việc chiến trường, chúng tôi – những thằng lính xa nhà lại một lần nữa chiêm nghiệm cái thú săn bắn mà Đoàn Giỏi đã kể trong văn xuôi của mình. Đấy là thú bắn đón những con sóc bay trong chiều choạng vạn. Đấy là thú lấy bình pin lắp đèn bắn đêm để hạ những chú chồn “bắt đèn” bên một khe suối rậm rì của đất rừng Quảng Nam. Đấy là cái thú rình bắt lợn rừng ở bãi cỏ tranh bắc Kon Tum. Đấy là những đêm hể hả ăn cháo trứng rùa ở Phù Hom rừng Lào heo hút. Mỗi thức rừng Trường Sơn là bao nhiêu kỷ niệm. Và đặt biệt là cuộc bố trí hạ bò tót ở rừng Gia Nghĩa. Bò phá nương quá dữ. Chúng tôi quyết định hạ bò tót để bảo vệ mùa màng, một người lính dân tộc Mường đảm nhiệm ngồi trên cây đối diện phía bò tót lao tới. Một du kích Mơ Nông đảm nhiệm nấp ở bụi cây vuông góc với đường di chuyển của bò tót nhằm bắn vào tai bò khiến cho chú ta phải lồng lên phía trước. Trận đồ được bày đặt và chú bò tót đã trúng kế. Người lính Mường xả chính xác một băng AK vào đầu bò tót khiến nó quỵ xuống giữa nương. Người lính được bầu ngay làm chiến sĩ thi đua của đơn vị, còn anh nuôi thì phóng ô tô đi khắp các đơn vị khác yêu cầu đến chia thịt bò tót. Ăn thịt bò tót sau chiến thắng Gia Nghĩa. Những người lính tiếp tục xuống núi về Sài Gòn. Văn xuôi của Đoàn Giỏi và thực tế Trường Sơn cứ thôi thúc mãi tôi phải viết một cái gì đó đại loại như “Đất rừng Phương Nam”. Nhưng cho đến nay, tôi mới chỉ trả nợ được cuốn “Trần Văn Ơn” của ông bằng cuốn “Một lần thơ trẻ” đã phát hành vào dịp cả nước kỷ niệm 30 năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc (1964 – 1994). Còn cuốn sách về Trường Sơn không biết đến bao giờ mới khỏi “nợ áo cơm hằng ngày” để bắt tay vào thực hiện.

*

     Có thể là trêu đùa và cũng có thể có một chút ác ý với nhà văn đầy cá tính này, một dạo ở Hà Nội hay có câu: “Ở Trung Quốc có nhà văn Tào Ngu nhưng viết văn rất giỏi, ở Việt Nam có nhà văn Đoàn Giỏi nhưng viết văn rất ngu”. Được theo ông và Nguyễn Sáng làm “tửu tử” ở quán “Thủy Hử” nhiều trận, tôi thường hay nghĩ đó là một câu đùa kiểu “Bắc cày” thâm nho vì họ biết ông hóm và đặc biệt uống rất trầm tĩnh. Ông ít “sửng” như Sáng. Hình như rượu vào Đoàn Giỏi chỉ để tưới tắm cho thêm rười rượi ra mà thôi. Song nhờ gần ông mà tôi được biết cả ông và Nguyễn Sáng đều hay làm thơ. Ông đã có tập thơ “Giữ trọn niềm tin” từ năm 1954. Đoàn Giỏi còn mê cả hội họa nữa. Ông phục Nguyễn Sáng với cái vụ “vẽ như thơ” của chàng họa sĩ này nhưng cũng không ít trêu đùa. Bởi vì ông Sáng khi “sửng” lên một chút thì dễ thương vô cùng. Cả hai ông đã uống ở quán “Thủy Hử” từ khi Nguyễn Huy Tưởng còn sống. Và chính các ông đã phong cho tác giả “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” chức Cập Thời Vũ Tống Công Minh ở cái quán xép tồi tàn này. Dạo ấy còn đi lại dập dìu những Văn Cao, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái … Quán “Thủy Hử” bây giờ đã khuất chìm vào trí nhớ. Thay vì vào đó bây giờ là một cửa hàng với căn lầu xây đẹp đẽ. Nhưng mỗi lần tới đó, tôi đều không khỏi không nhớ tới Nguyễn Sáng và Đoàn Giỏi. Các ông đã để lại một “huyền thoại nghệ sĩ” của nhau “một thời không thể quên lãng”.

     Nhiều năm sau, chúng tôi lại hay uống bia bock cùng nhau ở 81 Nguyễn Văn Trỗi (bây giờ là Trần Quốc Toản) Sài Gòn. Vẫn là những chuyện xưa được gợi ra khi men đã đượm. Vẫn là những nhìn nhận trìu mến, kính trọng nhau hơn bao nhiêu năm chung hình. Và cũng không ít lần “sửng” với nhau vì sốt ruột về rừng, sốt ruột về thế hệ sau.

     Lần cuối cùng tôi uống cùng ông là sau đại hội nhà văn hình như là cuối 1989. Chúng tôi nhắc đến ngày giỗ đầu của Nguyễn Sáng, chợt ít nói hẳn. Tôi trông vào mắt ông vời vời niềm tiếc thương. Chính lúc ấy, tôi thấy con người đã tới 69 tuổi ngồi trước mặt tôi không hề là người già, ông chỉ là một “cậu bé” nhiều tuổi. “Cậu bé Đoàn Giỏi” đã nuôi trong tôi cho đến bây giờ vẫn còn một “cậu bé Nguyễn Thụy Kha” dù tôi đang bước tới cái ngưỡng cửa “Lục tuần”.

NGUYỄN THUỴ KHA

Các Bài viết khác