NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ĐỂ HÌNH DUNG TRẦN DẦN

( 09-09-2015 - 02:58 PM ) - Lượt xem: 1513

Trên con đường cách tân thơ, Trần Dần không chỉ ở trong lĩnh vực thuần túy của thơ. Ông đẩy thơ sang cả địa hạt văn xuôi, phối trộn cả hai, nhưng mục đích vẫn là tìm thơ, làm thơ. Cổng tỉnh là thơ-tiểu thuyết. Jờ Joạcx là thơ-tiểu thuyết một bè đệm. Đọc thơ cũng là đọc tiểu thuyết, nhưng là tiểu thuyết trong thơ

I.

Cho đến lúc này, đầu năm tây 1998 sắp sang năm ta Mậu Dần, khi ông vừa tròn sáu giáp nhưng đã khuất hình đúng một năm, Trần Dần vẫn là một người thơ lạ giữa chúng ta. Bao phủ lên ông huyền thoại. Một huyền thoại trong bóng tối. Ông đã vỡ ra từ rất sớm. Tự vỡ và bị vỡ. Tôi vỡ / Trên đời tôi chưa đánh vỡ gì cả / Tất cả đã đồng lòng đánh vỡ tôi đi. Vỡ ra rồi rắn lại. Và khi đã rắn lại là thành tảng. Tiếc thay (hay may thay) suốt quãng tồn tại cõi thế của ông cái tảng Trần Dần mới chỉ nhô lên một phần. Phần còn chìm khuất là phần lớn ít người ngờ tới.

Nếu quả thực anh không lường đảo
Hãy trữ đủ đau thương
Cho mãn hạn làm người
(Cổng tỉnh)

Chúng ta bây giờ đã ít nhiều biết về Trần Dần mãn hạn làm người với đầy đủ đau thương thế nào. Tất cả những đau thương đó ông đã nén vào thơ. Âm thầm, lầm lũi tháng ngày. Viết, viết, và viết. Những con chữ được ông huy động đến tối đa mọi giác quan, góc cạnh ngữ nghĩa để ghi lại, để chuyển tải những ý tưởng, cảm xúc đã được nung chín trong lò cừ tâm và trí ông. Những con chữ quánh lại. Những trang viết dày lên. Một năm, hai năm... Năm năm, mười năm... Ba mươi năm... Cả một phần chìm đồ sộ của tảng băng Trần Dần chưa lộ sáng.

Tôi đã bất ngờ cảm động khi nhận từ tay người con trai trưởng của ông một tập bản thảo thơ ông. Thơ tự tay ông viết với những mẫu tự ông dùng riêng cho mình, với những hình vẽ người thân hình to mà đầu nhỏ. Ðây là một trong nhiều tập bản thảo được ông cho là "Trần Dần tự xuất bản". Tập này đề Thơ 63-64 được bắt đầu từ tháng Chạp 1963. Ðọc nó xong tôi sững sờ trước một Trần Dần chưa được biết.

Gió thổi quá tay
Lạnh cây bàng bé...
Chiều thu cổ lỗ sĩ
Công viên đông chí
Sương sa cà khịa
Cho tôi một ngày chức năng vô lí
Ðể tôi ngồi vô nghĩa nhất
Vô tri...

Con người đã bị lâm tình thế thấy đến cả thời gian cũng là "chức năng vô lí", thấy đời như vô nghĩa mình như vô tri đó, chỉ còn niềm an ủi, chỗ dựa duy nhất là CHỮ. Và Trần Dần đã luyện chữ như người ta luyện yoga để sống. Ông khởi tự ca dao. Trong tập bản thảo có những bài đánh  được ông ghi chú cho biết "đều lấy ở ca dao trực tiếp". Giống như nhạc  sĩ biến tấu trên một chủ đề cho trước, Trần Dần từ một bài ca dao có sẵn phát triển lên, mở rộng ra để bắt buộc mình phải gọi về những con chữ đích đáng, mỗi chữ một chỗ đứng không thể thay thế, gạt bỏ. Bài "Giúp em một thúng xôi vò" được triển khai thành một bài thơ 75 câu, bài "Cái cò chết tối hôm qua" - 96 câu, bài "Gặp nhau từ quán chín gian" - 106 câu. Ở những bài luyện chữ này ta thấy Trần Dần là một người rất thấu đáo chữ nghĩa tiếng Việt. Ông công phu thật sự ở những bài luyện này. Từ một chữ số chín của ca dao ông tập hợp gần một trăm chữ chín khác để vừa diễn ý dân gian theo mạch đồng dao vừa nói được tâm tình hiện tại của mình.

Ai xui khách sạn chín tầng
Thềm lên chín bậc
Nhà cao chín nóc
Cửa quay chín góc
Anh trèo chín gác...

Trước khi biến tấu nghĩa, tạo nghĩa mới cho từ bằng những kết hợp mới của từ, ông tập cách dùng từ đúng nghĩa gốc của nó trong những kết hợp mà nó phải thế. Bao giờ em đi lấy chồng, ca dao nói thế, và nhà thơ đau thương xin nhận làm đầu cỗ cho em:

Vật bò mổ lợn
Con dao anh cắt
Nuột lạt anh thắt
Chân giò anh chặt
Que xiên anh vót
Nạc mỡ anh pha
Giò thủ anh nén
Nước suýt anh nếm
Cỗ lòng anh thuốn
Chả quế anh nướng...

Người đọc có thể học được ở đây cách dùng từ chính xác và biết được cách nói cách gọi các lối làm thực phẩm, và nói chung, cách nói cách gọi đúng sự vật, sự việc. Giai đoạn này ta thấy thơ ông quen mà lạ. Vì sao ông lại xuất phát từ ca dao? Tôi đồ rằng vì ca dao là cái đã vốn quen vốn biết thành ra thường ra nhàm nên Trần Dần muốn thử sức mình làm mới lại nó, làm lạ nó đi. Ngẫu nhiên, vào khoảng thời gian này ở miền Nam có một thi sĩ kém ông mười tuổi cũng xướng lên sự cách tân thơ Việt và cũng đã đi từ ca dao sang thơ tự do. Kinh nghiệm này có gợi ý gì chăng cho lớp nhà thơ đang háo hức làm mới thơ hiện nay?

Mưa rơi phay phay
Ngã tư năm ngoái
Biết tôi khờ dại
Em đi không sao chống cự nổi
Ðại lộ tai hại
Em dài man dại
Em dài quên che đậy
Em dài tê tái
Em dài quên cân đối
Em dài bối rối
Em dài vô tội
Em dài - khổ tâm

Xin nhớ cho rằng bài thơ này làm năm 1964. Từ những kết hợp từ quen ông chuyển sang những kết hợp từ lạ, từ nghĩa đúng ông chuyển sang nghĩa mới. Lúc này ông vẫn rất chú trọng vần, cố hết sức huy động đến tối đa khả năng cặp vần để gọi cho hết ra những chữ có thể có. Ðọc ông, vì thế, sướng về mặt thẩm âm trước tiên.

Mưa rơi đỗ xanh
Lanh tanh đường nhựa;
Ðùi len mã vĩ
Triển lãm vườn hoa loã thể
Anatomie lá hẹ;
Noel
Ðêm
Sương quen
Ðùi đen
Bôi kem
Cà phê phin
Mưa len...

Cái bài Noel này đã ảnh hưởng tới một bạn thơ của ông và khi bài thơ của người bạn đó xuất hiện dư luận đã bị thách thức, thấy như mình bị thơ xúc phạm. Ðó là do không hiểu. Phép luyện chữ của"école" Trần Dần đấy. Nói theo cách của A. Musset, Trần Dần và những người đồng chí hướng với ông trên con đường cách tân thơ Việt đã thực hiện phương châm "hãy đập vào chữ, thơ là ở đấy". Cố nhiên đẩy tới là cực đoan. Nhưng nếu sợ cực đoan mà không đẩy tới thì sẽ chẳng có sự phát triển, tiến bộ nào cả. Vả chăng "làm gì có chừng mực yêu? Làm gì có chừng mực thơ?" (Phùng Quán). Trong cuộc "cách mạng chữ" này, Trần Dần là người tiên phong và quyết liệt nhất. Và từ những di cảo của ông mà rồi đây tin chắc sẽ được công bố chúng ta sẽ thấy có một phần ông để lại được cho thơ.

Ngày đưa tang ông tôi mới gặp ông. Muộn rồi.

Vườn hoa vô ý
Cặp đùi vô lý
Ngôi sao vô vị
Phố dài vô lễ
Chiều xanh vô nghĩa...

Nhưng còn cả đấy: vợ con ông, bạn bè ông, những người hoạn nạn cùng ông, những lớp người thơ tiếp bước ông. Còn đấy phần di cảo im lặng chờ người tri âm. Và như thế tôi đã được catharsis một lần để dẫu cách một ô vuông kính gặp ông bình tâm nói với ông:

Tôi học nơi ông một cách Sống
Tôi sống nơi ông một dòng Thơ
Tôi thờ nơi ông một Con Người
(Lời ghi sổ tang)

II

Đầu xuân Mậu Tý, người yêu thơ và yêu văn học nói chung vui mừng chào đón sự ra đời của tập sách Trần Dần-Thơ do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam phối hợp xuất bản. Tập thơ dày gần năm trăm trang bao gồm những tác phẩm đã được in lại trước đây của nhà thơ (Nhất định thắng, Đây Việt Bắc, Cổng tỉnh, Mùa sạch), nhưng phần quan trọng hơn là những sáng tác của Trần Dần lần đầu tiên xuất hiện. Đây cũng chỉ mới là một phần nhỏ trong di cảo thơ nhiều mặt của ông. Theo họa sĩ Trần Trọng Vũ, con trai út nhà thơ, người giữ vai trò chính trong việc biên soạn tập thơ này của bố mình, thì để đọc cuộc đời Trần Dần không có cách nào khác là phải đọc bằng văn học, cụ thể là đọc bằng chính thơ ông. Từ 1954 đến 1989 Trần Dần trong im lặng và bóng tối đã ghi chép rất nhiều sổ tay, và ông đã đặt tên cho những cuốn ghi chép đó là Ghi vặt, Sổ đời, Sổ bụi, trong đó bên cạnh thơ còn nhiều nội dung khác. Trần Dần-Thơ hôm nay chỉ mới tập hợp “những câu thơ hoặc bài thơ nằm rải rác khắp nơi trong ba mươi tư sổ tay-nhật ký văn học của ông, như những hạt bụi trong muôn vàn cơn mưa bụi” (Trần Trọng Vũ). Cấu trúc tập thơ sẽ giúp người đọc hiểu được những chặng đường đời và hành trình sáng tạo của một trong nhà cách tân thơ Việt lớn nhất thế kỷ XX.

Điều nói trên không quá lời đối với những ai quan tâm và có hiểu biết về thơ Việt hiện đại. Sau thời Thơ Mới rực rỡ đưa thơ Việt vào con đường thơ hiện đại thế giới, thơ Việt chưa kịp tiếp tục chặng đua nước rút của mình theo các trào lưu mới của thế kỷ XX thì đã phải ngưng lại, trở về truyền thống. Ở tại điểm ngưng đó, năm 1946, Trần Dần mười chín tuổi đã lập nhóm thi sĩ Tượng Trưng cùng với Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương. Nhóm này ra tạp chí Dạ Đài, số 1 (16/11/1946) đăng bản tuyên ngôn tượng trưng: “Thơ cũng phải âm u như cảnh giới của cái tôi thầm lặng. Không thể rung cảm chúng ta nữa cái văn chương cổ tích chỉ có một chiều, chỉ nhắc gợi một cõi đất, một tâm tình. Thơ phải cấu tạo bằng tinh chất của vô biên. Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ, phải ẩn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy. Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của những thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân, mà cũng là của cái thế giới âu sầu đây nữa”. Có thể nói, Trần Dần suốt cả đời thơ của mình, dù trong bất kỳ cảnh huống đau thương, hoạn nạn nào, ông vẫn nhất quán theo con đường sáng tạo đã được vạch ra từ rất sớm một cách quyết liệt và triệt để. Chính ông đã đưa có hai câu nói nổi tiếng về cách tân thơ: “Phải chôn Tiền chiến!” và “Nhân cách của nhà văn chính là văn cách!”.

Trần Dần đã học Maiakovsky cách làm những câu thơ bậc thang xuống dòng để diễn tả đắc lực cái hào khí của cách mạng, cái cuồn cuộn của cuộc sống đấu tranh. Đến những cung bậc tình yêu được diễn tả theo kiểu thơ Maia cũng đầy đắm đuối và đau đớn.

Tình yêu

không phải chuyện

               đưa cho nhau

               ngày một bó hoa

   Nó là chuyện

               những đêm ròng

                                       không ngủ

   tóc tai bù

               như những rặng cây to

   nó vật vã

               những đêm trời động gió

Nhưng thơ bậc thang không đủ làm thỏa khát khao sáng tạo và năng lượng cách tân thơ ở Trần Dần. Ông bắt đầu đi vào Chữ và Âm để thể nghiệm những xung năng còn ẩn giấu trong các ký tự và âm thanh. Ông tự bắt mình làm những bài tập biến tấu Chữ, biến tấu Âm, để tìm ra cách khả năng kết hợp, kết tập, kết nối các ký hiệu làm phát nghĩa, những nghĩa chưa ai biết, chưa ai ngờ tới. Như ba bài tập (1963) ông viết về Quả đất (Tôi nhất thích công tác / Xột quả đất), biến sang thành Quả đát (Tôi nhứt thích / công tác xựt quả đất), rồi biến nữa thành Quả đạt. Hoặc ông làm những bài thơ bốn câu gọi là “bốn câu Rock - biến tấu Âm” trên các con (chữ) OEE.

Yêu em chiều lành nghề

Tuy xa mành mành thề

Lá lưng gừng cắn the

Ngói chim ghìm mạy thóc

 

Không chịu dừng lại ở chữ-ký tự, Trần Dần mày mò tìm tới chữ-hình vẽ, tức là thơ thị giác. Tôi nói là ông “mày mò” vì ở trong một hoàn cảnh thiếu thông tin với thế giới bên ngoài như thời ông sống, nhưng ông và một vài bạn thơ thân thiết bằng trực cảm thơ và nhiệt huyết sáng tạo của mình đã đến được với một khám phá mới của thơ đương đại. Thơ ngoài lời, thơ thị giác, hay thơ cụ thể, những tên gọi khác nhau đó đều cùng chỉ một loại viết thơ phối trí con chữ trên trang giấy để từ cái nhìn (thay vì cái đọc thành tiếng) đưa đến cái cảm, và mở rộng ra nhiều liên tưởng.

Trên con đường cách tân thơ, Trần Dần không chỉ ở trong lĩnh vực thuần túy của thơ. Ông đẩy thơ sang cả địa hạt văn xuôi, phối trộn cả hai, nhưng mục đích vẫn là tìm thơ, làm thơ. Cổng tỉnh là thơ-tiểu thuyết. Jờ Joạcx là thơ-tiểu thuyết một bè đệm. Đọc thơ cũng là đọc tiểu thuyết, nhưng là tiểu thuyết trong thơ, vây giữa trùng điệp những biến tấu chữ, biến tấu âm. Và đến những năm cuối đời, Trần Dần lại phát minh ra loại thơ mini mà khi đưa ra “mẻ đầu” ông có những lời chỉ dẫn y như cách dùng thuốc chữa bệnh. Những câu thơ mini Trần Dần đã rất nổi tiếng, rất được truyền tụng nhờ ở tính châm ngôn sâu sắc.

Tôi khóc những chân trời không có người bay

Lại khóc những người bay không có chân trời

 

tác phẩm là bản gốc? đời là bản sao

Ối ôi, luôn tam sao thất bản.

 

trong chúng ta còn những thằng ăn cắp

ta vẫn cần khóa trái cửa từng đêm

Trần Dần đã sống đúng tinh thần một vị thánh tử vì đạo - đạo Thơ. Một hoàn cảnh sống khắc nghiệt vây bủa ông, nhưng vì Thơ ông đã sống, và nhờ ông Thơ đã sống. Những cách tân thơ Việt của Trần Dần trải dài trong nửa thế kỷ, có những cái đi trước thời gian, có những sự rất bất ngờ, để bây giờ dẫu chưa phải toàn bộ những gì ông khai phá đã được trình ra hết, nhưng chỉ một Trần Dần-Thơ hôm nay thôi, người đọc đã vô cùng kinh ngạc và biết ơn nhà thơ vô cùng. Trần Dần đã đánh thức con chữ, con âm tiếng Việt bật lên những cung bậc mới mẻ, giàu có, từ đó cho thấy những khả năng sáng tạo to lớn còn tiềm ẩn ở chính nơi ngôn ngữ của thơ, của đời.

Đọc Trần Dần-Thơ hôm nay để đồng vọng và đồng hành cùng ông. “Tôi ở đây... tôi đang ở cả đằng kia. Trên kia. Dưới nọ... Tôi ở mọi chỗ nào có một ải đầu thơ. Hai mắt đen ngàn lệ nhé... Tôi vẫn thõng tay trong chợ bụi đông người...”

III

Hà Nội, sau hơn một tháng chịu đựng cái rét lạnh lùng đến mức kỷ lục, ngày Rằm tháng Giêng (21/2/2008) bỗng bừng nắng ấm. Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI ở Hà Nội tổ chức tại Văn Miếu như thường niên vì vậy được hưởng lộc đất trời, thu hút rất đông người đến xem, đến nghe, đến gặp gỡ, giao lưu. Nhưng trong khá nhiều người đến Văn Miếu rằm này, vì xuân, vì thơ, riêng còn một lý do cũng rất thơ rất xuân: đón nhận tập thơ mới của Trần Dần. Vâng, sau những Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh, Mùa sạch từ thời đổi mới, sau giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật mới được trao vài năm trước, bây giờ Trần Dần lại xuất hiện. Trần Dần – Thơ. Một tập sách dày gần năm trăm trang in lại và in mới (chủ yếu) những sáng tác của Trần Dần trong mấy chục năm im lặng khuất mình trong bóng tối hiến mình cho con chữ. Bìa gấp ngoài tập thơ in một bức vẽ của chính Trần Dần minh họa cho một bài thơ ông viết thời 1960 – 1964:

Bài hát người lớn

Đi chởi! Đi chơi!

Đầu trọc bình vôi

Hai tay hai hòn sỏi

Đi chơi! Đi chởi!

Hai tay hai hòn sỏi

Đầu trọc bình vôi...

 

Đi chởi! Đi chơi!

Trần Dần-Thơ là một ấn phẩm thơ sang trọng, bề thế, xứng đáng với người thơ ấy và thơ này, xứng đáng sự háo hức chờ đợi của người yêu thơ. Việc ra được tập thơ là một công gian khó của Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng Nhà xuất bản Đà Nẵng. Tập thơ in ra là một sự kiện của văn học và văn hóa. Và mọi người yêu thơ, yêu Trần Dần, háo hức trông chờ ngày Thơ năm nay tại Văn Miếu được cầm trên tay Trần Dần-Thơ với tâm trạng đón chờ một sự kiện đẹp của Thơ, của Người.

Nhưng cái sự kiện ấy đã trở thành phản sự kiện.

Trong dòng người chen vai thích cánh vào Văn Miếu (một dấu hiệu đẹp cho Thơ), nhiều người đã được biết Trần Dần-Thơ ra đời, đã hay tin hôm nay tập thơ được bày bán tại quầy của Nhã Nam ở cả sân Thái Miếu và sân Thái Học. Họ đến quầy sách, họ nhìn vào các tập sách bày ra: Trần Dần-Thơ không thấy có. Họ hỏi các nhân viên bán hàng, đáp lại là sự im lặng rụt rè, và một câu trả lời nhỏ và ngắn: không được bày bán. Các nhà thơ hỏi nhau: vì sao? Các nhà báo hỏi nhau: vì sao? Chuông điện thoại réo rắt và thông tin được cập nhật truyền miệng: trước hôm rằm Cục xuất bản đã có cú điện thoại cho Nhã Nam bảo không được đưa Trần Dần-Thơ vào bán trong Văn Miếu ngày thơ. Nhưng... Nhưng... ai muốn mua, ai muốn có tập thơ ngay, hãy ra nhanh phố sách Đinh Lễ là có. Và từ Văn Miếu đã có những người ra vội Đinh Lễ.

Một số phóng viên túm lấy tôi phỏng vấn nhanh. Câu hỏi: Việc này thế nào và tại sao lại thế. Việc thế nào thì tôi cũng chỉ cập nhật tức thì những thông tin như đã nêu trên và nói lại với các phóng viên. Còn tại sao ư? Tại vì nỗi sợ của ai đó. Sợ Trần Dần-Thơ xuất hiện trong ngày thơ sẽ hút sự chú ý, đặc biệt chú ý, của mọi người vào ông và thơ ông. Sợ những con chữ Trần Dần sẽ khuấy động, khuấy đảo tâm cảm mỗi người đọc và gây ra những phản ứng thơ mạnh mẽ có thể khiến bàng hoàng trước một khối năng lượng sáng tạo cực mạnh, cực lớn từ gần nửa thế kỷ trước soi chiếu và phóng nổ vào hôm nay. Nói chung lại là sợ Chữ, sợ Thơ của một Nhà Thơ. Lẽ ra những điều này phải là mừng, là vui, và thế thì Trần Dần-Thơ là điểm nhấn đẹp cho ngày thơ năm nay, là niềm vinh quang cho những người làm thơ Việt. Nhưng đã không có sự lẽ ra đó.

Các nhà thơ ở Văn Miếu cũng đành hèn yếu và im lặng trước việc Thơ bị chặn cửa như vậy. Họ xì xào, họ xôn xao khi không thấy có Trần Dần-Thơ. Nhưng họ không dám trực tiếp lên tiếng hỏi thẳng ban tổ chức, hỏi nhà chức quyền, vì cớ gì một tập thơ đã được cấp giấy phép xuất bản, một tập thơ đã được in ra sau khi bị loại bỏ khoảng bốn chục trang, bỏ đi một số bài viết và bài thơ theo yêu cầu biên tập, tập thơ đó lại không được xuất hiện đàng hoàng, công khai tại một nơi không thể đẹp hơn cho thơ là văn Miếu và vào một ngày không thể hay hơn cho thơ là ngày thơ Việt Nam.

Một nhà báo nữ đã làm luận văn thạc sĩ về những bài viết về Trần Dần đến Văn Miếu mang theo cả toàn bộ bản thảo tập thơ với háo hức mua Trần Dần-Thơ để đối chiếu xem những chỗ nào bị cắt bỏ. Trước việc xảy ra, chị phẫn nộ và bảo tối qua tình cờ đọc đúng cái câu Trần Dần như đã tiên liệu số phận của mình và thơ mình:

Tất cả đến với tôi - phải đến tự đàng trước.

Đàng sau có gì? toàn LÁ-CHẾT những ngày qua.

Đến với Trần Dần và thơ ông là phải đến từ tương lai, chứ không phải đến từ quá khứ. Cái sự hành xử đối với Trần Dần-Thơ tại Văn Miếu trong Ngày thơ Việt Nam lần VI đúng là “LÁ-CHẾT những ngày qua”.

Từ Văn Miếu tôi và họa sĩ, nhà thơ Như Huy (người có bài viết “Tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần qua góc nhìn của Nghệ thuật Ý Niệm” in trong tập) đến trụ sở công ty Nhã Nam. Ông giám đốc dẫn chúng tôi lên tầng ba. Ba poster dành cho Trần Dần-Thơ được chuẩn bị công phu đã không ra được Văn Miếu nên đành đứng đó. Ôi, Trần Dần!

Tôi có vệ tinh

rồi có nhà ga xanh

nhà ga íim

trong một vũ trụ

chẳng hiền lành.

 

Cái lồng chim quá chật

tôi bay đâu

cũng đụng đầu.

Giám đốc Nhã Nam cho biết một thông tin từ Đinh Lễ báo về là đã có người lấy sách thật Trần Dần-Thơ mang đi. Thế nghĩa là gì anh biết không? Nghĩa là chỉ ít hôm nữa Trần Dần-Thơ sách lậu sẽ tràn lan. Mà những kẻ làm lậu cuốn này chắc phải scanner thôi, chứ không thể kỳ khu làm đúng như Nhã Nam đã làm được. Bởi vì Trần Dần-Thơ thật ngoài những bản thơ in đúng kiểu viết, kiểu chữ, kiểu trình bày của Trần Dần, còn có những bản in màu như tranh các trang thơ thị giác ông làm ra.

Trần Dần-Thơ ở đâu?

Thưa: ở thơ ông, ở người đọc thơ là bạn, là tôi. Ông không hiện diện ở Văn Miếu không phải do ông, không phải do Văn Miếu. Nhưng bạn sẽ gặp được ông, đọc được ông ở nơi bạn đến. Và khi đọc thơ Trần Dần, bạn hãy cùng ông thanh thản trong một tình yêu thương lớn và một niềm tin lớn.

Hãy ôm thế giới này, tha thứ cho nó.

Hãy thắp sáng mọi chòm sao cũ!

Cả những vì sao đã tắt lụi từ lâu.

 

Tôi chẳng muốn mang sang gì cả.

Nỗi buồn ga cuối còn nguyên.

Bạn hãy nhận lấy Trần Dần-Thơ như vậy!

Hà Nội 1998 - 2008

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Các Bài viết khác