NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ĐỂ GÓP PHẦN KHƠI DÒNG MAI LĨNH

( 13-04-2018 - 06:47 AM ) - Lượt xem: 877

Biên soạn cuốn Nhà xuất bản Mai Lĩnh sau nửa thế kỷ NXB này ngừng hoạt động. Đó lại là thời gian của những biến động xã hội lớn (đặc biệt những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ). Mặt khác cơ sở hoạt động của nhà Mai Lĩnh nằm rải rác trên nhiều vùng địa dư (Hà Nội, Hải Phòng, Phúc Yên, Sài Gòn...). Do đó việc khôi phục lại những dấu ấn của NXB này thực sự là một thách thức lớn đối với tôi.

Tôi theo học ngành văn và rất may mắn sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia) tôi được về làm việc tại Viện Nghiên cứu Văn học (thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chuyên nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại. Chính vì vậy, tôi có cơ hội tiếp cận và khai thác thư Viện – một kho tư liệu sách, báo đồ sộ với nhiều nguồn tư liệu quý hiếm. Qua khảo sát, tôi nhận thấy rất nhiều tác phẩm có giá trị của các nhà văn, nhà báo tên tuổi như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Lan Khai, Phan Trần Chúc, Phạm Cao Củng, Nguyễn Triệu Luật, Tam Lang, Phùng Bảo Thạch, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân... được in ấn tại Nhà xuất bản (NXB) Mai Lĩnh. Đặc biệt hầu như toàn bộ sáng tác của nhà văn, nhà văn hóa lớn Ngô Tất Tố từ tiểu thuyết, phóng sự đến tạp văn, khảo cứu đều do nhà Mai Lĩnh ấn hành. Tôi đã có ấn tượng đặc biệt và thầm cảm phục NXB Mai Lĩnh. Đặt trong hoàn cảnh khi đó, phải có tâm, có tài, có uy tín và “khéo” lắm mới có thể phát hiện, tập hợp được hàng loạt văn tài, học giả lớn nổi tiếng đương thời, mới in ấn được hàng loạt tác phẩm hay, có giá trị góp phần nâng cao dân trí, truyền bá những kiến thức văn hóa và tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc như thế. Chỉ riêng điều đó đã đủ để khẳng định xu hướng tiến bộ và phần đóng góp đáng quý của nhà Mai Lĩnh vào sự phát triển của văn hóa, văn học và dân trí nước nhà. Tuy nhiên đến thời điểm đó, nhà xuất bản này lại hầu như chưa được quan tâm. Tôi quyết định trong kế hoạch tìm hiểu chung về vai trò của báo chí, xuất bản đối với tiến trình hình thành, phát triển của văn học dân tộc những thập niên đầu thế kỷ XX, tôi sẽ đặc biệt tìm hiểu sâu kỹ hơn về NXB Mai Lĩnh.

Rất may sau đó ý định của tôi được NXB Hội Nhà văn, trực tiếp là biên tập viên kỳ cựu, nhà nghiên cứu sắc sảo Vương Trí Nhàn và nhà văn Ngô Văn Phú – Giám đốc NXB - ủng hộ, khích lệ. Tôi quyết tâm bắt tay vào công việc “khơi dòng Mai Lĩnh” dù biết rằng đó là điều vô cùng khó khăn và thú thực khi đó tôi cũng chưa hình dung nổi, chưa biết mình sẽ “khơi” bằng cách nào và “khơi” như thế nào.

Biên soạn cuốn Nhà xuất bản Mai Lĩnh sau nửa thế kỷ NXB này ngừng hoạt động. Đó lại là thời gian của những biến động xã hội lớn (đặc biệt những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ). Mặt khác cơ sở hoạt động của nhà Mai Lĩnh nằm rải rác trên nhiều vùng địa dư (Hà Nội, Hải Phòng, Phúc Yên, Sài Gòn...). Do đó việc khôi phục lại những dấu ấn của NXB này thực sự là một thách thức lớn đối với tôi.

Để tiến hành công việc, tôi bắt đầu đi sâu, khảo sát kỹ lưỡng kho tư liệu của Viện Văn học, Thư viện Viện Thông tin KHXH, Thư viện Quốc gia. Đồng thời mày mò tìm đến các nhà nghiên cứu, nhà văn, các chuyên gia từng sống và hoạt động văn học báo chí cùng thời với NXB Mai Lĩnh và biết về hoạt động của nhà Mai Lĩnh như ông Lê Giản (nguyên Giám đốc Nha Công an Bắc Bộ, Chánh án Tòa án Tối cao, Thứ trưởng Bộ Nội vụ); Nhà giáo Từ Ngọc – Nguyễn Lân; Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh, nhà văn Ngô Văn Phú...để tìm hiểu và đặt viết bài. Ngay lần đầu gặp ông  Lê Giản tại nhà riêng của ông (phố Nguyễn Thượng Hiền), ông không ngần ngại khẳng định “Gia đình Mai Lĩnh là một gia đình cách mạng, có truyền thống yêu nước”, tận tình giúp đỡ cách mạng. Ông rất “nể phục” cách tổ chức công việc “thật ngăn nắp, chu đáo, minh bạch và khoa học” của Nhà xuất bản này. Ông đánh giá cao Nhà xuất bản “làm ăn đứng đắn, có uy tín”, “các thành viên của NXB đều “rất cần cù, rất khoa học, chịu nghĩ ngợi và lại có sự thành tâm”. Cụ Từ Ngọc – Nguyễn Lân, người từng cộng tác và in nhiều  bộ sách có giá trị ở nhà Mai Lĩnh trầm tĩnh kể cho tôi nghe về nhà Mai Lĩnh, về sự tri kỷ giữa cụ với ông giám đốc Nhà xuất bản Mai Lĩnh, về những tình cảm và sự ngưỡng mộ của cụ với NXB, đặc biệt về định hướng đúng đắn: phục vụ  quốc dân, nâng cao dân trí, chỉ in những gì có lợi cho dân trí và về chí hướng của nhà Mai Lĩnh khi lập ra Mai Lĩnh tu thư cục với mục đích “Liên tiếp xuất bản những sách, hoặc biên dịch, hoặc trước tác bàn và khảo về các vấn đề văn học, triết học, sử học, y học, khoa học...”. Nhà văn Ngô Văn Phú tâm sự: “Nhìn lại toàn bộ công việc của một nhà xuất bản thời tiền chiến, một nhà xuất bản do tư nhân chủ trương, tôi cũng học thêm được những kinh nghiệm cho công việc xuất bản bây giở. Đó là làm sao in được những tác phẩm hay hoặc bổ ích của những tác giả, học giả nổi tiếng đương thời, những trước tác góp phần làm nâng cao dân trí, phổ biến kiến thức văn hóa hoặc những tư liệu quý có thể lưu truyền cho đời sau”. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh – người từng sống cùng thời nhà Mai Lĩnh hoạt động, từng được biết và được đọc sách của nhà Mai Lĩnh khích lệ tôi nên dành công sức cho việc biên soạn  cuốn sách về NXB Mai Lĩnh. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến uy tín, khả năng tập hợp và sự đứng đắn trong cách làm ăn, ứng xử của nhà Mai Lĩnh, đặc biệt với các cộng tác viên – điều mà nhiều NXB cùng thời với Mai Lĩnh thường bị tai tiếng. Ông cũng đánh giá cao sự năng động, sáng tạo trong việc tìm tòi một lối đi riêng, việc đa dạng hóa các ấn phẩm phù hợp với nhiều đối tượng độc giả, cùng với đó là nghệ thuật thu hút thiện cảm, sự đồng cảm của độc giả, là khả năng tổ chức mạng lưới phát hành rộng rãi cả trong nước và nước ngoài. Qua tiếp xúc và những tư liệu, những ý kiến đánh giá, thu thập được, tôi càng vững tâm, quyết tâm và vui vì biết rằng mình đang làm một công việc rất cần và có ý nghĩa.

Đặc biệt tôi rất may mắn có được sự hỗ trợ vô cùng quý báu của các thành viên thuộc các thế hệ của gia đình Mai Lĩnh: Cụ Nguyễn Hữu Lược (người từng trực tiếp tham gia điều hành hoạt động của NXB), gia đình GS. Đỗ Tất Lợi, GS. Đỗ Như Lân; gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn – Hà Phương...Trên cơ sở thu thập, chiu chắt những nguồn tư liệu ít ỏi và khá rời rạc tại các thư viện, kết hợp với những ý kiến, hồi nhớ đánh giá của các cộng tác viên, chuyên gia từng biết về nhà Mai Lĩnh và những tư liệu do gia đình cung cấp, tôi đã có thể hình dung (tuy không đầy đủ) về quá trình hình thành, hoạt động và phần đóng góp rất đáng trân trọng của NXB Mai Lĩnh. Vậy là, sau nửa thế kỷ im ắng, những dấu ấn của  NXB Mai Lĩnh đã được khôi phục qua cuốn Nhà xuất bản Mai Lĩnh do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1997.  Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn cần tiếp tục khơi dòng Mai Lĩnh.

 

Tranh minh họa trong cuốn “Lều Chõng”

Tôi rất mừng là suốt thời gian qua, gia đình Mai Lĩnh vẫn tiếp tục khơi dòng Mai Lĩnh bằng những công việc rất thiết thực: “Chủ trương ra đời Trung tâm Văn hóa Mai Lĩnh với mục đích duy trì truyền thống cha ông” đúng như ý nguyện sâu xa “linh mãi” của cha ông khi đặt tên cho nhà xuất bản; tái bản có bổ sung cuốn Nhà xuất bản Mai Lĩnh, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo và hợp tác với các nhà xuất bản nhằm tái bản, xuất bản những tác phẩm có giá trị, gần gũi với tiêu chí của Mai Lĩnh. Tôi cũng rất vui khi lại một lần nữa được cùng tham gia nhìn nhận lại một cách thấu đáo hơn những hoạt động, những thành quả, những đóng góp thiết thực và giá trị của Nhà xuất bản Mai Lĩnh trong lĩnh vực văn hóa, văn học của dân tộc. Thực tế những “bí quyết” thành công của nhà Mai Lĩnh vẫn đang là những bài học kinh nghiệm quý báu cho hoạt dộng xuất bản hiện nay.

Tháng 3/2018

TS Mai Hương

Các Bài viết khác