NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC Ở NGHĨA CAO NHẤT (TIỂU THUYẾT "TỘI ÁC VÀ TRỪNG PHẠT")

( 22-04-2017 - 05:15 AM ) - Lượt xem: 2660

Như mọi nhà hiện thực khác, Dostoevsky luôn vươn tới sự tái tạo chân thực cuộc sống. Những chi tiết hiện thực, những cảm xúc sống động luôn quý giá đối với nhà văn. Và cũng như mọi nhà văn lớn, ông nhìn thấy bản chất chủ nghĩa hiện thực là ở sự điển hình hóa, khái quát hóa các sự kiện.

F.M.DOSTOEVSKY
1821: Sinh tại Moskva; con một bác sĩ làm việc ở một bệnh viện dành cho người nghèo;
1846: Thành công của tác phẩm đầu tay: tiểu thuyết "Những người nghèo khổ"; Dostoevsky được tôn vinh là "Gogol thứ hai";
1846-1849: Các tiểu thuyết với khuôn khổ nhỏ: "Kẻ song trùng", "Ngài Prokharchin", "Bà chủ", "Những đêm trắng", "Netochka Nezvanova";
1847-1849: Tham gia nhóm cách mạng do M.V.Petrashevsky tổ chức; trong một buổi họp đã đọc bức thư gửi Gogol của Belinsky; bị bắt cùng các thành viên của nhóm, bị kết án tử hình, sau giảm xuống án bốn năm tù khổ sai;
1849-1859: Đến Siberia, chịu án tù khổ sai, sau đó phục vụ trong tiểu đoàn tiêu binh; thường xuyên bị căn bệnh động kinh hành hạ; kết hôn với vợ góa của một công chức ở Siberia -Marya Isaeva (bà này mất vào năm 1864);
1859-1865: Trở lại hoạt động văn học; cùng anh trai lập tờ "Vremya" và tờ "Epokha", cho in tiểu thuyết "Những kẻ tủi nhục"(1861), "Bút ký từ ngôi nhà chết"(1861-62); chuyến ra nước ngoài đầu tiên trong tình trạng khốn khó về tài chính; "Những ghi chép mùa đông về những ấn tượng mùa hè"(1863); truyện "Bút ký dưới hầm"(1864);
1866-1880: Các tiểu thuyết lớn "Tội ác và trừng phạt" (1866), "Canh bạc" (1866), "Chàng ngốc" (1868), "Lũ người quỷ ám" (1872), "Đầu xanh tuổi trẻ" (1875), "Anh em nhà Karamazov" (1879-80);
1867: Kết hôn với Anna Snitkina, người nữ thư ký trẻ hơn ông 25 tuổi, bà trở thành người giúp đỡ Dostoievsky trong sáng tác cũng như trong giải quyết những khó khăn tài chính, vốn luôn là vấn đề thường xuyên của nhà văn;
1867-72 Chuyến ra nước ngoài lần thứ hai;
1873-1881: Ấn hành "Nhật ký nhà văn" (ban đầu in chung vào tạp chí "Người công dân", sau đó làm thành ấn bản riêng, ra hàng tháng), trong đó Dostoevsky còn cho đăng những tác phẩm như "Nhu mì", "Giấc mơ của một kẻ ngộ nghĩnh";
1880, tháng năm Đọc bài diễn văn nổi tiếng nhân dịp khánh thành tượng đài Pushkin ở Moskva;
1881, ngày 28 tháng 1: Qua đời tại Petersburg.
Tiểu thuyết "Tội ác và trừng phạt" của Dostoevsky là một trong những tác phẩm phức tạp nhất trong văn học Nga. Cũng như những tiểu thuyết tiêu biểu khác của Dostoevsky, "Tội ác và trừng phạt" có khuôn khổ rất lớn. Không phải dễ dàng khi tiếp nhận dòng tự sự chậm rãi của tác phẩm, tuy cốt truyện đầy tính hình sự hấp dẫn. Lại càng không dễ dàng khi tìm hiểu bản chất quá trình tâm lý mà tác giả đã tỉ mỉ mô tả, phân tích trong suốt tác phẩm. Tuy nhiên, nếu đọc tác phẩm một cách cẩn thận, và suy ngẫm kỹ về các nhân vật, về cuộc vật lộn đầy khổ đau của họ với môi trường xã hội xung quanh và với chính bản thân mình thì ta sẽ thấy rõ thiên tài của nhà văn trong việc khám phá những tính cách đầy phức tạp, đầy mâu thuẫn. Những chấn động đạo đức và những hành động táo bạo mà nhà văn mô tả gây xúc động cho độc giả ở mọi thời đại.
"Tội ác và trừng phạt" xuất hiện trước công chúng độc giả vào năm 1866. Những năm 60 là những năm nước Nga chứng kiến nhiều biến động xã hội: năm 1861, Nga hoàng Alexandr đệ Nhị đã ký sắc lệnh xóa bỏ chế độ chiếm hữu nông nô và đưa ra một số cải cách dân chủ; tuy nhiên những cải cách của Nga hoàng không đáp ứng được những mong đợi của những người Nga tiến bộ, bởi những mâu thuẫn xã hội vẫn ngày càng trở nên gay gắt; cuộc sống cá nhân con người, đặc biệt là của những "con người nhỏ bé", cũng càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn, nhiều xung đột hơn.
Dostoevsky đã tìm tòi và sáng tạo nên một hình thức tiểu thuyết đặc biệt, cho phép làm nổi bật bi kịch của nhân vật, và bi kịch đó như giọt nước trong suốt, trong đó phản ánh cả thế giới con người.
"Tội ác và trừng phạt" mở đầu cho hàng loạt tiểu thuyết lớn của Dostoevsky: "Chàng ngốc"(1868), "Lũ người quỷ ám" (1872), "Đầu xanh tuổi trẻ"(1875), "Anh em nhà Karamazov"(1880). Trước nó là thời kỳ của những tác phẩm từng khiến Dostoevsky nổi danh "Gogol thứ hai". Dostoevsky được xem là người đã phát ngôn câu nổi tiếng: "Tất cả chúng ta đều bước ra từ "Chiếc áo khoác" của Gogol". Với tác phẩm đầu tay "Những người nghèo khổ" (1846), Dostoevsky được xếp vào hàng ngũ của các nhà văn của "Trường phái tự nhiên". Thực ra, tên gọi "trường phái tự nhiên" vốn được một nhà phê bình có tên F.V.Bulgarin dùng để phê phán những nhà văn bắt chước Gogol mô tả hiện thực trần trụi, tầm thường làm mất đi tính chất lý tưởng, cao đẹp của văn học. Belinsky đã nắm lấy thuật ngữ này và cho nó một ý nghĩa tích cực: văn học không phải là sự hoa mỹ, lý tưởng hóa mà là sự mô tả chân thực cuộc sống.
Gogol được xem như ngọn cờ đầu, các tác phẩm của ông, "Chiếc áo khoác" và "Những linh hồn chết" là những kiểu mẫu cho các tiểu thuyết hiện thực những năm 40, tuy Gogol với các nhà văn thuộc trường phái tự nhiên vẫn có những khác biệt. Văn xuôi Gogol mang phong cách hết sức chủ quan, hoa mỹ, chứa đựng nhiều yếu tố lãng mạn, cường điệu, châm biếm, đả kích đến thái quá, nhân vật "con người nhỏ bé" của ông là những tính cách tầm thường, hèn mọn, gợi nên sự thương xót. Một phần những đặc tính trên, nhất là là tinh thần thương xót đối với những kiếp người hèn mọn, đau khổ có ảnh hưởng đến một bộ phận văn xuôi những năm 40 và thời kỳ sau: đó là những tác phẩm tập trung mô tả những số phận nghèo khó, tủi nhục, thông qua đó vạch trần cái xấu, cái ác trong xã hội. Tinh thần đó cũng đã tác động đến Dostoevsky khi ông viết "Những người nghèo khổ". Tuy nhiên, ngay trong tác phẩm mang tinh thần Gogol nhất đó, Dostoevsky cũng đã vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của Gogol. Tác phẩm của Gogol mở ra cho Dostoevsky những chủ đề mới và những thủ pháp nghệ thuật mới, cách vận dụng từ ngữ cũng như cách tạo hiệu quả hài hước, châm biếm. Thế nhưng "Những người nghèo khổ" đồng thời là một sự "tu chỉnh, sửa chữa Gogol", theo như nhận xét của nhà phê bình văn học Strakhov. Cái thiếu vắng nơi Gogol - nghệ thuật khám phá tâm lý con người - thì Dostoevky lại học được từ Pushkin và Lermontov. Nhân vật Devushkin trong "Những người nghèo khổ" là một công chức lớn tuổi, nghèo khổ, cô đơn giống như Akaky Akakievich trong "Chiếc áo khoác" của Gogol, song đó không phải là một cái máy chép giấy tờ như Akaky, mà là một con người với thế giới tâm hồn phong phú. Chính điều này khiến Devushkin gần với "con người nhỏ bé" Samson Vyrin trong truyện vừa "Người coi trạm" của Pushkin hơn nhân vật trong "Chiếc áo khoác". Đối với Dostoevsky, Samson Vyrin là con người sống động, tự nhiên, trong khi Akaky chỉ là một bức biếm họa phi hiện thực.
Ngay từ cuối năm 1846, một số nhà phê bình đã nhận ra sự độc đáo của nhà văn trẻ này. "Cả Gogol và Dostoevsky đều mô tả xã hội hiện thực. Nhưng Gogol trước hết là nhà văn mang tính xã hội, còn Dostoevsky là nhà văn tâm lý. Đối với Gogol, cá nhân có ý nghĩa như đại diện của một giai tầng xã hội nhất định; còn đối với Dostoevsky, xã hội được quan tâm ở phạm vi tác động lên tính cách của cá nhân" . Bản thân Dostoevsky đã viết trong một bức thư gửi anh trai sau khi "Những người nghèo khổ" được xuất bản: "Họ (tức Belinsky và các nhà phê bình khác) đã thấy trong em một tinh thần mới và độc đáo, ở chỗ em tiến hành những phân tích chứ không phải sự tổng hợp, nghĩa là em đi vào bề sâu, và trong khi phân tích từng phần tử, em tìm ra cái tổng thể; Gogol chọn con đường trực tiếp và do đó không sâu sắc được như em. Anh cứ đọc đi và sẽ thấy là em có một tương lai tươi sáng nhất trước mắt" .
Dostoevsky hết sức độc đáo trong văn xuôi hiện thực Nga. Ông rất sớm rời bỏ trường phái tự nhiên và tạo nên một trường phái của riêng mình.
Chủ nghĩa hiện thực của Dostoevsky, theo cách hiểu của chính nhà văn, là "một chủ nghĩa hiện thực hoàn hảo để tìm ra con người trong con người". Ông xác định sự cách tân của mình là một thử nghiệm miêu tả những hiện tượng tinh thần nằm ngoài hay nằm trên những thực tế xã hội, lý giải những xung đột tâm lý của con người để tìm ra "bản chất người" chân thực và vĩnh cửu. Nhà văn viết: "Người ta gọi tôi là nhà tâm lý. Đó không phải là sự thật. Tôi chỉ là nhà hiện thực trong ý nghĩa cao nhất của nó; nghĩa là tôi khắc họa mọi bề sâu của tâm hồn con người" .
Như mọi nhà hiện thực khác, Dostoevsky luôn vươn tới sự tái tạo chân thực cuộc sống. Những chi tiết hiện thực, những cảm xúc sống động luôn quý giá đối với nhà văn. Và cũng như mọi nhà văn lớn, ông nhìn thấy bản chất chủ nghĩa hiện thực là ở sự điển hình hóa, khái quát hóa các sự kiện.
Tuy nhiên, Dostoevsky chế nhạo quan niệm "cần phải mô tả hiện thực như nó có" mà trường phái tự nhiên đề xuất. "Chẳng hề có cái hiện thực đó, và cũng chưa từng bao giờ có nó trên mặt đất này, bởi vì con người không nắm bắt được bản chất các sự vật, mà tiếp nhận thế giới như nó được phản ánh trong tư tưởng của họ, thông qua những cảm xúc của họ; cho nên cần phải mở rộng đường hơn cho tư tưởng và không sợ cái thuộc về tư tưởng" . Bản thân sự vật trong đời sống được lựa chọn làm đối tượng mô tả đã mang ý nghĩa điển hình. Người nghệ sĩ khi tái tạo sự vật đó vào tác phẩm nâng cái điển hình "tự nhiên" đó lên tầm khái quát cao hơn bởi đã đặt nó dưới ánh sáng những quan điểm, những tư tưởng chủ quan. Đối với Dostoevsky, tư tưởng cũng là một hiện thực chính đáng, con người trưởng thành cùng với các tư tưởng, tư tưởng trở thành thiên tính thứ hai của con người. Chính vì vậy, tiểu thuyết của Dostoevsky luôn là tiểu thuyết mang tính triết lý với các nhân vật là những con người - tư tưởng.
Dostoevsky tuyên bố: "Tôi có quan niệm riêng về hiện thực, và cái mà phần đông mọi người coi là huyền thoại và ngoại lệ, thì đối với tôi đôi khi nó lại chứa đựng cốt lõi hiện thực nhất. Những hiện tượng thường nhật và cái nhìn quan liêu đối với chúng theo tôi chưa phải là chủ nghĩa hiện thực, mà thậm chí còn ngược lại. Trong mỗi số báo bạn có thể bắt gặp thông tin về những sự kiện hiện thực nhất nhưng cũng quái dị nhất. Các nhà văn của ta coi chúng là huyền thoại, họ chẳng để ý đến chúng, thế mà trong khi đó chúng lại chính là hiện thực, bởi chúng là các sự kiện có thực".
Trong các ghi chép của mình Dostoevsky nhiều lần nhắc lại rằng những biến cố dị thường - thường là những biến cố bi kịch - chính là hiện thực sâu sắc hơn cả đối với người nghệ sĩ, hiện thực không chỉ bởi chúng thực sự đã xảy ra trong cuộc sống, mà còn bởi chúng còn thách đố nhà văn phải lần mò tìm hiểu những yếu tố tâm lý thúc đẩy hành động của con người.
Tất nhiên cái "chủ nghĩa hiện thực dị thường" (fantastichesky realizm) này đã chi phối hành động của các nhân vật của Dostoevsky. Ông là người rất ham đọc báo, cuốn hút vào các sự kiện giật gân được đưa lên báo để từ đó xây dựng nên những cốt truyện với nhiều yếu tố kỳ quái và những nét tính cách dị thường. Một ví dụ về điều này là tác phẩm "Nhu mì": vụ tự tử của một phụ nữ được đăng trên báo qua trí tưởng tượng kỳ diệu và khả năng phân tích tuyệt vời đã trở thành cái khung cho một bức tranh tâm lý hiện thực, một bi kịch sâu sắc của con người.
Phong cách văn xuôi của Dostoevsky đã hình thành ngay từ giai đoạn sáng tác đầu tiên (1846-1849). Thời kỳ này, ngoài "Những người nghèo khổ" ông còn có nhiều tác phẩm có khuôn khổ nhỏ, một số trong đó đã thể hiện cách tự sự độc đáo: Nhà văn luôn đi ngay vào sự kiện, bỏ qua những mô tả tì mỉ không gian, diện mạo, hoàn cảnh của nhân vật, hầu như không thấy nhân vật của ông sinh hoạt như thế nào, ăn uống, học hành ra sao. Bức tranh thiên nhiên cũng rất thiếu vắng, điều này rất khác với Turgenev và Tolstoy. Dostoevsky là thi sĩ của thành thị: mọi sự việc đều diễn ra ở những thành phố, các nhân vật phần lớn là những công chức hèn mọn và những sinh viên nghèo khổ sống trong hỗn loạn những cảm xúc, tình cảm, và cái thế giới tâm hồn phức tạp của họ đã cuốn hút hết tâm lực, trí lực của nhà văn khiến cho ông không còn quan tâm nhiều đến thiên nhiên và khung cảnh xung quanh con người nữa.
Năm 1849, Dostoevsky bị chính quyền Nga hoàng bắt do tham gia vào nhóm chính trị bí mật của anh em nhà Petrashevsky. Ông trải qua gần 10 năm lưu đày: 4 năm tù khổ sai và 6 năm làm lính trơn trong quân đội ở Siberia. Nhà tù đã giúp Dostoevsky cảm nhận rõ hơn, sâu sắc hơn những thôi thúc sáng tạo trong ông, cũng như làm nhiều điều trong tư tưởng của ông thay đổi. Tinh thần xã hội chủ nghĩa không tưởng thời tuổi trẻ đã biến chuyển thành niềm tin vào Chúa Kitô và vào quyền năng của Thiên chúa giáo chính thống có thể làm chấm dứt những đau khổ của con người trên đất Nga, niềm tin vào sự cứu vớt bằng con đường cam chịu và hòa giải. Sau khi được tự do, ông đã viết về đức tin mới của mình trong một bức thư: "...không có gì đẹp hơn, sâu sắc hơn, tình cảm hơn, hợp lý hơn, con nguời hơn và hoàn hảo hơn Chúa Kitô... Ngoài ra, nếu ai đó chứng minh cho tôi rằng Chúa Kitô ở bên ngoài sự thật, và quả đúng là sự thật nằm ngoài Chúa, thì tôi muốn ở lại với Chúa hơn là với sự thật" .
Tín điều mới mẻ đó nơi Dostoevsky đã có tác động lớn đến nội dung tư tưởng của các tiểu thuyết lớn ông viết sau này, trong đó có "Tội ác và trừng phạt". Thêm vào đó, chưa bao giờ Dostoevsky có dịp hiểu biết về thế giới của những kẻ tội phạm, về đời sống tâm lý và những động cơ phạm tội của họ nhiều và kỹ như thời gian ở tù. Đồng thời, đây cũng là dịp nhà văn được tiếp xúc gần gũi với những người lao động bình dân, và chính ở những năng lực tự nhiên giản dị, ở sức nhẫn nại cam chịu những đau khổ của họ Dostoevsky nhìn thấy nhiều hy vọng cho tương lai nước Nga.
Năm 1859, Dostoevsky rời Siberia trở về lại Petersburg, với một ký ức chất đầy những tư liệu sống động cho một thời kỳ sáng tạo mới, thời kỳ của các tiểu thuyết lớn mà "Tội ác và trừng phạt" là tác phẩm khởi đầu.
Dostoevsky đã dốc hết tâm lực trí lực vào "Tội ác và trừng phạt", và trong quá trình viết, chủ đề cũng như hình thức tác phẩm đã được nhà văn thay đổi mấy lần. Ý đồ ban đầu của nhà văn là một tiểu thuyết ngắn về một kẻ nghiện rượu, về căn bệnh nghiện rượu đang gây nhức nhối ở Nga thời bấy giờ, và như vậy vấn đề đặt ra trong tác phẩm mang ý nghĩa phản ánh xã hội theo truyền thống mà Belinsky và trường phái tự nhiên đã đề cao. Thế nhưng sau đó Dostoevsky đột nhiên thay đổi hoàn toàn ý định. Gã nghiện rượu, kẻ lẽ ra được nhắc đến ngay từ nhan đề tác phẩm, bỗng bị đẩy xuống vị trí hoàn toàn phụ, và tiểu thuyết biến thành "bản trần thuật tâm lý của một tội ác" như Dostoevsky giới thiệu với tờ tạp chí in tác phẩm của ông "Người đưa tin nước Nga". Cốt truyện được nhà văn vạch ra như sau: một sinh viên nghèo giết một mụ chủ hiệu cầm đồ già độc ác và vô dụng cùng với người em gái của mụ để cướp của; anh ta giết người nhưng không để lại dấu vết gì, nên thoát được khỏi vòng truy đuổi của pháp luật; tuy nhiên những bức bách trong lương tâm đã buộc anh ta phải thú tội. Dostoevsky đặt câu chuyện trên dưới hình thức của một bản tự thú, sau đó ông từ bỏ hình thức này, chuyển sang viết dưới dạng nhật ký của nhân vật, rồi cũng từ bỏ (các bản thảo này được lưu giữ và đã được xuất bản). Mặc dù hình thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất dưới dạng hồi ký, nhật ký, thư tín của người trong cuộc, hoặc người chứng kiến vốn là sở trường của Dostoevsky (phần lớn các truyện vừa và tiểu thuyết của ông được viết dưới dạng này), song Dostoevsky đã chọn cho "Tội ác và trừng phạt" hình thức tự sự khác: nhân vật Raskolnikov đứng ở ngôi thứ ba, và các sự kiện diễn ra một cách tự nhiên không có sự tham gia của cái "tôi" - người kể chuyện. Hẳn là nhà văn thấy được tính phức tạp của "bản trần thuật tâm lý tội ác" này và những tư tưởng được đặt vào đó, mà có lẽ chỉ có hình thức kể chuyện khách quan mới có thể đảm đương nổi.
Nhân vật chính Raskolnikov là một chàng trai đầy sức trẻ, đầy tri thức và những xung lực cao cả. Tuy nhiên, anh ta lại mất khả năng hội nhập với cộng đồng là cái cần thiết cho một đời sống đạo đức lành mạnh. Tên của anh ta cũng nói lên nét tính cách đó: Raskolnikov xuất phát từ raskol (ly khai, chia rẽ), raskolnik (kẻ ly khai, chia rẽ). Những con người sống cuộc đời không thực tế, cô đơn cô độc với những suy tư, mộng tưởng của riêng mình từng đã ám ảnh trí tưởng tượng của Dostoevsky từ trước, ông gọi họ là những "kẻ mộng mơ"(mechtatel), là những "người dưới hầm" (chelovek v podpolye). Chân dung "kẻ mộng mơ" đã được khắc họa rõ nét trong truyện ngắn "Những đêm trắng", tác phẩm trữ tình trong sáng nhất của Dostoevsky ra đời năm 1848: đó là một sinh linh thèm khát sự sống nhưng bản tính yếu ớt đã ngăn cản anh ta hòa nhập vào cuộc sống của những người xung quanh, khiến anh ta chỉ biết sống với những mộng tưởng, dần dần đánh mất ý thức về hiện thực; tình yêu không thành của nhân vật là biểu trưng cho sự bất lực trong việc hội nhập với hiện thực của kẻ mộng mơ. Hình tượng "người dưới hầm" được nói đến trong "Bút ký dưới hầm" (1864) và là hình tượng "con người - tư tưởng" đầu tiên của Dostoevsky. Con người đó cô đơn, xa lánh mọi người, xây cho mình một thế giới riêng để tự khẳng định mình, tự khám phá mình. Căn bệnh tự cao khiến anh ta thường xuyên sợ bị sỉ nhục, luôn mong muốn được trả thù những kẻ sỉ nhục mình nhưng chưa bao giờ dám hành động. Rúc vào nhà hầm, gặm nhấm sự sỉ nhục, trả thù trong tưởng tượng, cảm nhận rõ sự bất lực của mình - đó là nguồn khoái cảm bệnh tật của con người dưới hầm.
Raskolnikov là hậu duệ của những "kẻ mộng mơ" và những "người dưới hầm": anh ta như con rùa rúc mình trong mai và nung nấu trong lòng những ý tưởng dị thường. Tuy nhiên, Raskolnikov lại cũng rất khác biệt với những "kẻ mộng mơ" và những "người dưới hầm": ở họ những xung lực nội tâm đầy mâu thuẫn đã làm tê liệt ý chí, khiến cho không còn khả năng hành động; còn ở Raskolnikov ý chí sục sôi trong lòng sớm hay muộn cũng sẽ bùng nổ thành hành động. Và đó là hành động giết người. Từ "tội ác" ở nhan đề tác phẩm, trong tiếng Nga là "prestuplenie" (tiếp đầu tố pre- chỉ sự quá mức, vượt quá mức, gốc từ -stup- chỉ hành động bước, đi) có nghĩa là sự vượt quá, sự vi phạm giới hạn cho phép: khi Raskolnikov thực hiện hành động giết người, anh ta đã vượt quá giới hạn tự do được pháp luật cho phép, đồng thời ở nghĩa sâu xa hơn, anh ta đã vượt ra khỏi bản chất người, vì thế bị bứt ra khỏi cuộc sống bình thường của con người, chìm sâu vào trong mặc cảm tội lỗi.
Raskolnikov vốn không phải là kẻ độc ác. Anh ta có trái tim nhạy cảm với những nỗi đau của con người. Khi còn ở trường đại học, anh ta từng giúp cho người bạn nghèo túng bị ho lao và hầu như đã nuôi người bạn ấy suốt nửa năm trời, rồi sau khi người bạn chết lại phụng dưỡng người cha già của bạn. Có lần, trong một cuộc hỏa hoạn, Raskolnikov đã xông vào gian buồng đang bốc cháy để cứu sống hai đứa trẻ. Đi trên đường, gặp cô bé say rượu không quen biết bị kẻ gian làm hại, anh ta lập tức can thiệp để bênh vực cô ta. Đối với gia đình lão say rượu Marmeladov, cha của Sonya, Raskolnikov cũng đã trút những đồng xu cuối cùng để giúp khi họ gặp nạn. Với tấm lòng nhân ái, vô tư hào hiệp ấy, tại sao tay Raskolnikov lại có thể vung rìu bổ xuống đầu hai người phụ nữ và lục lọi lấy đi những món nữ trang còn dính máu như vậy? Trong đau đớn thống khổ, anh ta cũng đã tự hỏi mình bao lần, rằng điều gì đã thôi thúc anh ta đến hành động vô nhân tính đó.
Chẳng lẽ Raskolnikov giết người để cướp của? Sau khi hành động anh ta đã lấy đi bóp tiền và một số nữ trang của mụ chủ hiệu cầm đồ, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện dùng tới số của cải cướp được. Raskolnikov là một kẻ nghèo khó túng quẫn. Với số tiền của mụ chủ hiệu cầm đồ, anh ta có thể làm được gì đó cho bản thân mình, có thể giúp bà mẹ già thoát khỏi cảnh thiếu thốn khốn khổ, giúp cô em gái thoát được cuộc hôn nhân không tình yêu với một kẻ đốn mạt. Thêm nữa, mụ chủ hiệu cầm đồ là một kẻ cho vay nặng lãi độc ác, bất nhân, tích cóp của cải trên nỗi bất hạnh của những người nghèo khó, giết mụ là để phục vụ cho xã hội, giúp quét ra khỏi xã hội một con rệp hút máu người bẩn thỉu. Một tội lỗi nhỏ xíu đổi được hàng ngàn điều tốt lành. Một cái chết đổi được hàng trăm sự sống.
Tuy nhiên, Raskolnikov giết người cũng không phải để giúp mẹ và em gái, cũng không phải để có được tài sản, trở thành ân nhân của những kẻ nghèo khổ. Anh ta có thể đi đến mục đích trên bằng con đường cần cù làm việc, nhẫn nại, thậm chí nhẫn nhục chịu đựng mọi sự xúc phạm, sỉ nhục, như em gái anh ta đã làm, như cô gái điếm Sonya đã làm. Raskolnikov bị thúc đẩy bởi những động cơ hoàn toàn khác. Anh ta rúc mình trong cái phòng trọ chật hẹp như cỗ quan tài của mình, ủ ê ảm đạm, không giao tiếp với ai. Có lẽ anh ta hơi điên, có lẽ vì một sự đau yếu, bệnh tật nào đó, nhưng một ý tưởng mới mẻ đã chế ngự anh ta. Raskolnikov chia nhân loại ra thành hai: một loại người tầm thường, sống tuân theo những luật lệ được xã hội định ra và không thể vượt ra ngoài phạm vi đó; loại thứ hai là những kẻ siêu việt, phi thường có thể thay đổi luật lệ, làm nên luật lệ mới và họ có quyền gây đổ máu mà không phải chịu sự trừng phạt - trước pháp luật cũng như trước lương tâm. Raskolnikov muốn thử nghiệm xem mình là một kẻ tầm thường, một con sâu bọ hèn mạt run sợ trong vòng của những luật lệ cũ kỹ, hay là một người phi thường, người có quyền, và có can đảm để vượt ra khỏi chúng. Tuy nhiên, nhu cầu cần phải thử nghiệm mình lại là một minh chứng anh ta không thuộc nhóm của những kẻ phi thường, anh ta hoài nghi khả năng và ý chí của mình. Hơn nữa, trong thâm tâm anh ta cảm thấy việc mình sẽ làm không phải là một hành động anh hùng, và sẽ biến anh ta thành tội phạm. Những băn khoăn, hoài nghi dằn vặt, hành hạ anh ta, và phải chăng anh đi đến hành động để giải thoát mình khỏi tâm trạng đó?
Thật khó có thể giải quyết dứt khoát câu hỏi về động cơ giết người cũng như những hành vi của Raskolnikov. Trong tác phẩm, nhân vật công tố viên Porfiry Petrovich, một người hiểu biết sâu sắc tính cách những kẻ phạm tội, đã tìm cách lý giải hành vi của Raskolnikov, cho rằng đó là hành động của kẻ có thể giết người hoặc tự sát vì một tư tưởng, thế nhưng những lý giải của ông ta chưa phải đã làm sáng tỏ tất cả. Chính Raskolnikov, dù là một trí thức và thường có thói quen tự xem xét bản thân, cũng không hiểu điều gì đã đẩy mình đến hành động giết người. Một phần ý chí anh ta chống lại nó, dường như anh ta đến với tội ác không phải trên đôi chân của mình, và hành động hệt như một kẻ bị mắc vạt áo vào bánh răng cưa của một cỗ máy và cả người anh ta bị lôi vào đó. Sau khi gây án, trong Raskolnikov trải qua hai trạng thái tâm lý đối nghịch nhau: một tính toán để che dấu tội ác và lẩn trốn pháp luật, một lại muốn tự vạch trần. Khi bị gọi lên đồn cảnh sát ngay hôm sau, Raskolnikov đã như trút được gánh nặng khi biết lý do bị gọi lên là vì việc nợ tiền thuê nhà, chứ không phải vì "việc đó", nhưng đồng thời anh ta lại có ý muốn đến ghé tai viên cảnh sát trưởng để kể lại sự việc (ý muốn đó mạnh đến nỗi anh ta đã đứng dậy toan thi hành ngay, nhưng rồi lại dừng lại). Khi nghe viên trung uý Thuốc Súng và viên chánh văn phòng nhắc đến vụ giết mụ chủ hiệu cầm đồ, Raskolnikov ngã ngất - vô tình đã thu hút sự nghi ngờ về phía mình. Việc anh ta quay trở lại căn hộ của mụ chủ cầm đồ cũng là một hành động tự tố giác: kẻ tội phạm thường có nhu cầu trấn an mình bằng việc quay lại nơi gây án, như muốn"diễn lại" trong tâm tưởng tộc ác đã làm, với cảm tưởng mình vừa là người trong cuộc, vừa là kẻ đứng ngoài cuộc. Những lần gặp gỡ công tố viên Porfiry Petrovich đối với Raskolnikov là những cuộc vờn đuổi giữa pháp luật và kẻ tội phạm, Raskolnikov khôn khéo che giấu hành vi của mình, tuy nhiên đồng thời cũng tự tố cáo mình một cách vô ý thức. Cuối cùng Raskolnikov tìm đến với Sonya và kể lại tất cả.
Trạng thái tâm lý và các hành động (ý thức hay vô ý thức) của Raskolnikov cho thấy nhu cầu tự thú trong anh ta. Bởi vì, sau khi giết người, tuy còn chưa bị pháp luật hỏi đến, nhưng Raskolnikov đã rơi vào trạng thái tinh thần mà anh ta chưa hề trù tính được trước đó: anh ta cảm thấy như bị nhát kéo cắt lìa khỏi những người xung quanh, cô đơn, hoảng loạn, kiệt quệ tinh thần - tình trạng đó ngày càng trở nên không thể chịu đựng nổi. Anh ta cần có sự trừng phạt để xoa dịu những đau đớn trong tinh thần. Sự trừng phạt đem lại sự giải tỏa cho anh ta dưới hình thức mà chính anh ta cũng không hiểu.
Raskolnikov thú tội do bức bách của những động cơ mà anh ta không hoàn toàn hiểu rõ. Tuy nhiên, không có sự ân hận nơi anh ta, cả khi đã đến nơi lưu đày ở Siberia. Tất cả những thống khổ tinh thần mà anh ta đã chịu đựng trước đó cũng không buộc anh ta công nhận hành động mình đã làm là tội ác. Anh ta tiếp tục bám víu lấy tín điều bệnh hoạn của mình: kẻ phi thường có quyền gây đổ máu mà không bị lương tâm cắn rứt. Sai lầm của anh ta là đã thất bại trong cuộc thử nghiệm, đã không chứng tỏ mình là kẻ phi thường. Anh ta cho rằng nỗi thống khổ của anh ta là do lòng tự hào bị tổn thương.
Sự hồi sinh trong tâm hồn Raskolnikov đã diễn ra vào cuối năm thứ nhất cuộc đời tù nhân. Đó một phần là do lòng thương xót, cảm thông của Sonya dành cho anh ta. Sonya, cô gái điếm đã tình nguyện ra đường bán thân để nuôi sống bà mẹ kế lao phổi và những đứa con của bà ta (bởi căn bệnh nghiện rượu của ông bố cô đã đẩy họ xuống cảnh khốn cùng), là một cái nền hoàn hảo cho Raskolnikov. Nếu như anh ta bị Sonya cuốn hút một cách không cưỡng lại được, nếu như Sonya chính là người đầu tiên anh ta đến để thú tội, thì đó là bởi vì anh ta và Sonya - cả hai đều bị xã hội ruồng bỏ. Sonya đã hy sinh thân mình, còn Raskonikov tuy giết người khác, song bằng hành động đó thì anh ta cũng giết chính bản thân. Tuy nhiên, khác biệt giữa hai người cũng rất lớn: Raskolnikov là kẻ nổi loạn, còn Sonya là tấm gương cam chịu, hy sinh. Một chi tiết đầy tính tượng trưng trong tác phẩm là cảnh Raskolnikov yêu cầu Sonya đọc trong sách Phúc Âm cho nghe tích Chúa Jesus làm cho Lazarus sống dậy: Một người xứ Bethani tên Lazarus bị ốm chết. Một trong hai người em gái là Martha đi đón Chúa Jesus, xin cho anh mình sống lại. Chúa phán rằng: ta là sự sống lại và là sự sống, kẻ nào tin ta thì dẫu chết đi rồi cũng sống lại, còn ai sống và tin ta thì muôn đời chẳng hề chết. Sau đó Chúa đến phần mộ của Lazarus, yêu cầu lăn phiến đá khỏi hang nơi người chết đang nằm, rồi hướng mắt lên trời mà nói với Chúa Cha: thưa Cha, tôi tạ ơn Cha đã nhậm lời tôi. Tôi cũng biết Cha vẫn hằng nhậm lời tôi, nhưng tôi nói vậy là vì cớ đoàn dân này đứng quanh đây ngõ hầu họ tin rằng ấy chính Cha là đấng đã sai tôi đến. Chúa nói xong bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: "Lazarus, hãy ra!", và người chết đã sống dậy. Tích Lazarus trong Phúc Âm, lời hứa hẹn phục sinh đã làm khuấy động tâm hồn đang chìm trong đau khổ của Raskolnikov, dẫu anh ta là kẻ vô thần. Sonya giống như một thứ hạt giống, rút dần sự sống trong mình để để ươm cho mầm sống khác vươn lên, bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên, khi ở cuối tác phẩm, chính cô chứ không phải ai khác là người đi theo Raskolnikov để cứu vớt linh hồn anh ta.
Nước Nga giữa thế kỷ XIX đã tiếp nhận rất nhiều tư tưởng từ Phương Tây, trong đó có khuynh hướng vô thần, duy vật, duy lý được gọi với cái tên chủ nghĩa hư vô, mà Turgenev là người đầu tiên nói đến trong tiểu thuyết "Cha và con". Dostoevsky phê phán chủ nghĩa hư vô, ông cảm thấy rằng nó đang làm suy yếu cội rễ đạo đức những người đương thời. Chủ nghĩa hư vô đối với Dostoevsky là sự đánh mất đức tin mà tội ác được được xem như con đẻ của nó. Raskolnikov là một con người hư vô chủ nghĩa, ở anh ta không có đức tin. Sonya đã nói với anh ta: "Anh quay lưng lại với Chúa, và Chúa đã trừng phạt anh, trao anh cho quỷ sứ". Không có đức tin, mà chỉ được lý trí dẫn dắt, Raskolnikov trở thành con mồi của một tư tưởng khủng khiếp: những kẻ phi thường có quyền phạm tội ác mà không bị lương tâm trừng phạt. Trong đoạn kết của tác phẩm, Raskolnikov trải qua một cơn ác mộng: một bệnh dịch đã gây kinh hoàng khắp mặt đất. Do bị một thứ virus tấn công, tất cả mọi người hóa điên, ai cũng cho rằng mình là kẻ duy nhất nắm giữ chân lý và không thể đồng tình với nhau trong cả những việc bình thường nhất. Không còn phân biệt được đúng sai, thiện ác. Người người chém giết lẫn nhau, hỏa hoạn và nạn đói lan tràn, loài người bị đe dọa diệt chủng. Đó là cái nhìn mơ hồ của tác giả về một thế giới bị tan rã nếu con người chỉ sống dựa trên lý trí và đánh mất đức tin.
Trong các ghi chép và thư từ, Dostoevsky đã cho chúng ta nhiều thông tin về bản chất nhân vật Raskolnikov và những tư tưởng mà anh ta là hiện thân. Nhà văn mô tả tư tưởng nảy sinh trong Raskolnikov là sự nổi loạn chống lại xã hội. Lý thuyết siêu nhân của Raskolnikov và hành động tội ác của anh ta là sản phẩm của cái mà Dostoevsky cho là những suy nghĩ bị bóp méo của những người xã hội chủ nghĩa đương thời, những người tin rằng có thể tổ chức hệ thống xã hội theo một mô hình duy lý, rằng bằng lý trí có thể nắm giữ bản chất con người, nắm giữ tiến trình của sự sống. Trong các bài báo của mình, cũng như trong tác phẩm "Bút ký dưới hầm", Dostoevsky đã phản đối điều này, ông tin rằng cuộc sống không quy phục những phép tắc máy móc, cũng như tâm hồn sống động thì không thể quy phục logic luận lý. Và đó là tư tưởng chính của tác phẩm "Tội ác và trừng phạt" - mô tả chân dung một nạn nhân của những tư tưởng què quặt, một con người định sắp đặt cuộc đời mình theo một kế hoạch hoàn toàn lý trí.
Sự mơ hồ về động cơ tội ác, cũng như động cớ thú tội của Raskolnikov phát xuất từ sự nhị nguyên trong tính cách anh ta. Raskolnikov là một "kẻ song trùng" - hình tượng thể hiện một quan niệm về con người từng được Dostoevsky quan tâm xây dựng ngay từ thời kỳ sáng tác đầu tiên. Trong tác phẩm, nhân vật Razumikhin đã nói về Raskolnikov: "Sự thực, dường như trong anh ta có hai tính cách đối lập luân phiên nhau". Trong hình dung của nhà văn, những kẻ song trùng mang những đặc điểm tính cách của hai loại người đối nghịch nhau: một ngoan ngoãn phục tùng và một bướng bỉnh phá phách. Mâu thuẫn giữa hai tính cách đó trong bản chất con người Raskolnikov khi bộc lộ ra thành hành động đã tạo nên bi kịch. Tính nhị nguyên trong tính cách đã phá hoại lý thuyết nổi loạn của anh ta, và cuối cùng khiến anh ta hoàn toàn lúng túng về động cơ giết mụ chủ hiệu cầm đồ. Sau khi giết người, Raskolnikov hầu như bị xé ra làm hai: một hướng tới con đường của Sonya phục tùng để chuộc lại tội lỗi, một ngoan cố với niềm tin rằng anh ta trở thành kẻ tội phạm chỉ vì đã lỡ để hỏng việc và đã hèn nhát thú tội.
Vài ngày sau lần xuất bản đầu tiên "Tội ác và trừng phạt", báo chí đăng tin một sinh viên đã thực hiện một vụ giết người hết sức giống như trong tác phẩm mô tả. Điều này làm nhà văn hài lòng, bởi đó là một bằng chứng cho thấy hành động của Raskolnikov không phải chỉ là sự tưởng tượng, hư cấu của ông, mà là triệu chứng của căn bệnh tàn phá một thế hệ đang đánh mất cội rễ. Những người trẻ tuổi đầy xung lực sẵn sàng làm những điều tàn bạo. Khi tiểu thuyết được in mới một phần rất nhỏ, vào một ngày tháng 4 năm 1866, một thanh niên, thành viên của một phong trào sinh viên đã thực hiện vụ ám sát Nga hoàng Alexandr II. Dostoevsky đã hết sức xúc động vì cái tin này và cảm thấy sự đảo lộn đạo đức diễn ra ở khắp nơi, mà nạn nhân của sự đảo lộn đó là những trí thức trẻ tuổi.
Khoảng 10 năm sau khi "Tội ác và trừng phạt" ra đời, tác giả của nó lại nhận được một bức thư của một người vốn làm nghề báo, sau trở thành nhân viên ngân hàng, từng bị tù vì tội biển thủ một số tiền công quỹ lớn. Bởi đồng lương quá eo hẹp không đủ cho cuộc sống, anh ta quyết định lấy cắp đúng ba phần trăm tiền lãi hàng năm của ngân hàng để trợ cấp cho cha mẹ, lo tương lai cho các em và những đứa con thiếu mẹ của anh ta, giúp đỡ vị hôn thê và gia đình của cô ta. Anh ta biện hộ cho hành động của mình, rằng mình làm thế để giúp đỡ những con người bị sỉ nhục và bị tổn thương mà không làm hại ai cả. Anh ta là một độc giả thân thiết của Dostoevsky, rất có thể anh ta phạm tội một phần dưới tác động của Raskolnikov, và cũng như Raskolnikov, anh ta không hối hận về tội lỗi của mình. Trả lời cho người độc giả đó, Dostoevsky đã viết: "Tôi nhìn nhận tội lỗi của anh cũng hệt như chính anh tự phán xử", nhà văn khiêm nhường cho mình cũng không tốt gì hơn anh chàng kia. Tuy nhiên, điều ông cảm thấy không thích là ở anh ta không có sự ăn năn hối cải. "Ngoài những lý lẽ và sức mạnh của hoàn cảnh còn có cái gì đó cao hơn mà trước nó mọi người đều phải cúi đầu".
Dostoevsky cho rằng con người nếu chỉ hành động theo sự chỉ dẫn của lý trí thì sẽ rơi vào tội lỗi, đó là bài học từ "Tội ác và trừng phạt". Đạo đức của con người, theo nhà văn, nằm ở đức tin, ở nền tảng tôn giáo. Con người nhiều tội lỗi nên không thể sống thiếu Chúa - đó là ý tưởng xuyên suốt các tác phẩm của Dostoevsky. Đối với kẻ phạm tội, linh hồn được cứu vớt nhờ sự chịu đựng đau khổ. Trong các ghi chép của mình, ông viết: "Con người phải giành được hạnh phúc, và luôn luôn giành được qua đau khổ". Đó là "quy luật của hành tinh chúng ta" mà Dostoevsky xác lập trong "Tội ác và trừng phạt" cũng như trong các tiểu thuyết khác của ông.
Nhà đạo đức học Dostoevsky không tách khỏi nhà hiện thực chủ nghĩa Dostoevsky. Bài học đạo đức của Dostoevsky, dẫu còn nhiều điểm còn phải bàn luận tranh cãi, song vẫn gây ấn tượng là nhờ vào sức nặng của câu chuyện về Raskolnikov. Người ta không cảm thấy những đoạn tầm thường, nhàm chán, những chỗ vụng về bởi bị cuốn hút vào không khí căng thẳng, nghiêm trọng của một tấn kịch gay cấn.
Không gian trong tiểu thuyết giúp tạo nên một không khí u ám lẻ loi: căn phòng trọ trông như cỗ quan tài "kẹp chặt tâm hồn và trí não ", quán rượu tồi tàn dưới tầng hầm, khu chợ Hàng Rơm với những căn nhà ổ chuột, căn hộ sạch sẽ tinh tươm của mụ chủ hiệu cầm đồ... Mọi thứ đều được mô tả một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng với những chi tiết chính xác, ví dụ như chi tiết cái ly "đựng chất nước gì màu vàng vàng" mà người ta đưa Raskolnikov uống khi anh ta bị ngất ở đồn cảnh sát (vào những năm 60 thế kỷ XIX, chưa có hệ thống lọc sạch nước uống ở thủ đô Petersburg). Trong cái khung cảnh ảm đạm đó là những mảnh đời đen tối, hư hỏng, yếu hèn của những gã nát rượu, những kẻ phóng đãng, những tên giết người, những cô gái điếm. Dostoevsky là một nhà văn hết sức giàu cảm xúc, giàu nỗi xót thương con người, đồng thời cũng có một khả năng vận dụng từ ngữ tuyệt vời, cho nên những trang ông viết về những nỗi thống khổ của con người đã lay động con tim người đọc.
Các nhân vật trong "Tội ác và trừng phạt", mỗi người đóng một vai trò của mình, góp một tiếng nói riêng của mình tạo thành một dàn "đa thanh", nhưng đồng thời tất cả đều cùng hợp vào tuyến hành động chính: bi kịch của Raskolnikov. Nhân vật Raskolnikov được khắc họa bằng một tài năng nghệ thuật phi thường. Mỗi cử động trong cơ thể cũng như trong trí não của kẻ giết người, mỗi chi tiết về tác động giữa những cảm xúc vật chất với trạng thái tinh thần của anh ta, cuộc vờn đuổi giữa anh ta và những người đại diện cho pháp luật - tất cả đều được mô tả sinh động đầy sức cuốn hút , và đó cũng là ấn tượng về tác phẩm: người đọc cảm thấy mình cùng đau khổ, cùng suy nghĩ, cùng cảm xúc, cùng mê man với Raskolnikov. Nhà văn Ba Lan Stefan Jeromsky viết trong nhật ký của mình:”Hôm qua tôi đọc tập 1 "Tội ác và trừng phạt" của Dostoevsky gần như suốt đêm... Những lập luận của Raskolnikov sau khi phạm tội được viết với một sức gây ấn tượng mạnh đến nỗi sau khi tắt đèn, tôi hốt hoảng nhảy bổ vào giường và cảm thấy không thể đọc tiếp được nữa - nếu bạn thực sự nhập vào ý nghĩ của anh ta, bạn sẽ cảm thấy chính bạn trở thành kẻ cuồng loạn. Không một quyển sách nào lại làm tôi xúc động như vậy. Tâm lý ấy đã vượt ra khỏi ranh giới của những tình cảm bình thường... Thật là một trực giác thiên tài, một nghệ thuật phán đoán ý nghĩ phi thường” .
Ý đồ của Dostoevsky là bênh vực những nguyên tắc đạo đức không thể bị vi phạm, là những giá trị vĩnh cửu trong đời sống tinh thần của con người. Tuy thế ông lại trình bày một cách đầy thuyết phục tư tưởng của Raskolnikov, một tư tưởng tiên báo học thuyết siêu nhân của Nietzsche, khiến người ta cảm tưởng như nhà văn đóng vai trò người bào chữa cho quan điểm của kẻ ác. Cũng có thể nhà văn phần nào cũng đồng tình với lý thuyết của Raskolnikov. Trong bản thảo ban đầu của tác phẩm, Raskolnikov, khi tranh luận với viên công tố viên về động cơ phạm tội và luật lệ đạo đức trói buộc tất cả mọi người, đã nói: "Nếu lương tâm không kết tội tôi tức là tôi đã nắm giữ được quyền lực, tôi có được sức mạnh - tiền bạc hay thế lực - và đó không phải là điều xấu. Tôi mang lại hạnh phúc. Thế mà, chỉ vì một cái rào chắn nhỏ mọn mà phải đứng lại mà ngó sang bên kia rào, thèm muốn, căm hận mà vẫn đứng đó. Đó là sự hèn hạ!" Bên rìa của đoạn văn này, Dostoevsky ghi chú: "Quỷ tha ma bắt nó đi! Anh ta có phần đúng đấy!" Dostoevsky thông cảm với nhân vật, bởi khi thai nghén "Tội ác và trừng phạt", nhà văn cũng trải qua những bức bối về tiền bạc, những khủng hoảng về tinh thần, sự hành hạ của căn bệnh động kinh
Tương tự như vậy, những lý lẽ của Raskolnikov trong cuộc đấu tranh giữa nên hay không nên thú nhận tội ác và chịu sự trừng phạt của pháp luật, cũng đã làm nảy sinh trong Dostoevsky những băn khoăn, nghi ngờ, rằng đoạn kết của bản thảo tác phẩm mà nhà văn đưa cho nhà xuất bản liệu đã phải là cái kết hợp lý chưa. Những ghi chép cho thấy sự dao động của nhà văn về điều này. Một người như Raskolnikov, với một phần bản chất là kiêu ngạo coi mình hơn người, liệu có thể tìm đến cái chết để kết thúc bi kịch của mình không? Nhân vật Svidrigailov trong tác phẩm, một kiểu ông chủ coi mình là trên hết, tự phá bỏ mọi đạo đức để buông thả vào cuộc sống phóng đãng, không từ một hành động tội ác nào để thỏa mãn dục vọng. Raskolnikov căm thù những "ông chủ" như vậy, nhưng chính anh ta cũng không khác xa họ lắm (Svidrigailov đã không ngạc nhiên khi biết về tội ác của Raskolnikov bởi hắn và anh ta "là quả dại của cùng một cánh đồng". Hành động của Raskolnikov, nếu gạt bỏ đi cái lý thuyết về quyền giết người, thì chỉ còn lại trần trụi sự thỏa mãn chủ nghĩa cá nhân vị kỷ). Svidrigailov đã tự tử sau khi biết mình hoàn toàn không thể chinh phục được người thiếu nữ mà hắn say mê. Còn Raskolnikov? Trong các ghi chép của Dostoevsky, dưới nhan đề "Kết thúc tiểu thuyết", nhà văn viết: "Raskolnikov tự bắn vào mình". Tuy nhiên, cuối cùng ông đã hy sinh cái kết đó cho ý tưởng ban đầu của tiểu thuyết - ý tưởng của bản thân nhà văn nhiều hơn là của nhân vật - Raskolnikov thú nhận tội ác của mình, chấp nhận hình phạt và cuộc sống trong tù sẽ giúp anh ta hiểu ra được rằng hạnh phúc không thể đạt được bằng sự nổi loạn, mà bằng sự cam chịu. Cam chịu là niềm an ủi, là sự cứu rỗi, là cách giải quyết chất nhị nguyên trong nhân vật, làm tiêu tan cái "ý tưởng méo mó" đã dẫn anh ta đến tội ác.
Trên thực tế, sự cứu rỗi đó chưa thể diễn ra, bản thân Dostoevsky cũng nhận thức được như vậy. Trong tù, Raskolnikov vẫn đơn độc, cao ngạo. Các bạn tù căm ghét anh ta, coi anh ta là kẻ quý tộc với lưỡi rìu giết người trên tay, là tên vô đạo. Khi chia tay với em gái, Raskolnikov hứa hẹn: "Anh sẽ cố gắng dũng cảm và trung thực suốt đời, dẫu cho anh có là kẻ giết người. Có thể một khi nào đó em sẽ nghe đến tên anh... anh sẽ còn chứng minh..." Ước muốn làm siêu nhân vẫn chưa rời bỏ nhân vật.
Ở đây, nhà hiện thực đã vượt lên trên nhà đạo đức học, tuy nhiên, Dostoevsky tin rằng mình đã đặt nhân vật vào hướng đi đúng đắn. Với cuốn sách Phúc Âm, với sự giúp đỡ của Sonya, Raskolnikov có thể phục sinh. Dẫu không phải ai cũng tán thành những quan điểm chính trị, đạo đức, tôn giáo của nhà văn, song không thể phủ nhận trong bức tranh thế giới con người tối tăm mà ông vẽ nên vẫn luôn sáng lên niềm tin vào sự phục sinh của con người. Niềm tin ấy xuyên suốt các tiểu thuyết của Dostoevsky đã khiến ông trở thành nhà văn nhân đạo chủ nghĩa, là nhà hiện thực "ở nghĩa cao nhất".

PGS.TS TRẦN THỊ PHƯƠNG PHƯƠNG
(Trích trong: Trần Thị Phương Phương, Tiểu thuyết hiện thực Nga thế kỷ XIX, NXB Khoa học xã hội, 2005.)

Các Bài viết khác