NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CẢM NHẬN VỀ NHÀ VĂN TRẦN HOÀI DƯƠNG

( 01-06-2016 - 11:12 PM ) - Lượt xem: 1797

Cho đến khi được đọc bài viết của nhà văn Trần Mạnh Hảo nhan đề “Bơ vơ Trần Hoài Dương” để tiễn người bạn văn chương ấy của ông lên Đài Hỏa thiêu Bình Hưng Hòa sáng 12-5-2011, tôi mới biết đến nhà văn ở gần phường và cùng quận với mình.

 

   1. Nhà tôi ở đường Trần Kế Xương thuộc phường 7 quận Phú Nhuận, tức là rất gần ngôi nhà nhỏ xinh xắn trên đường Thích Quảng Đức thuộc phường 5 cùng quận ở thành phố Hồ Chí Minh - nơi cư trú những năm cuối đời của nhà văn Trần Hoài Dương. Khi ấy tôi phụ trách Bảo hiểm Xã hội của quận - một lĩnh vực công tác có quan hệ mật thiết với mọi cán bộ hưu trí ở Phú Nhuận; vậy mà không hề biết rằng ở quận mình đang có một nhà văn mang tên Trần Hoài Dương sinh sống. Thế tức là nhà văn này không có chế độ hưu trí, không tham gia các hội đoàn ở địa phương; nhìn chung là rất ít giao tiếp với xã hội quanh mình. Có lẽ vì vậy, nên ngay cả tang lễ đưa ông về cõi vĩnh hằng cũng ít được công chúng biết đến; khiến tôi và đa số các bạn đồng nghiệp không hề hay biết, ngoại trừ một thông tin xác nhận rằng người cao tuổi ấy ở một mình nên đã chết đột ngột mà mãi hai ngày sau thân nhân mới biết để lo hậu sự cho ông. Nói chung, đó là một người ẩn dật tuyệt đối cô đơn mà tôi cũng không biết vì sao ông ấy lại sống như vậy.

 Cho đến khi được đọc bài viết của nhà văn Trần Mạnh Hảo nhan đề “Bơ vơ Trần Hoài Dương” để tiễn người bạn văn chương ấy của ông lên Đài Hỏa thiêu Bình Hưng Hòa sáng 12-5-2011, tôi mới biết đến nhà văn ở gần phường và cùng quận với mình. Đoạn văn này của Trần Mạnh Hảo đã giúp tôi hiểu vì sao Trần Hoài Dương lại sống ẩn dật cô đơn đến thế:

“Sinh ra và lớn lên trong thời loạn của những tiên tri giả, thời của trắng đen phải trái lẫn lộn thời của cái ác cái xấu tự do tung hoành, Trần Hoài Dương phải núp vào căn hầm trú ẩn để giữ lấy đôi mắt trẻ thơ trong sáng lương thiện của mình đặng nhìn thế giới bằng đôi mắt chưa nhiễm bụi đời”.

Tư đó, tôi bắt đầu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của con người mà Trần Mạnh Hảo bảo rằng “cuộc đời anh là một cuộc chạy trốn vĩnh viễn”.

2.  Những thông tin đầu tiên về ông đã được tôi ghi lại sau khi tra cứu trên mạng:

- Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8 - 11- 1943 tại Hải Dương nhưng nhiều năm sau theo gia đình về sống ở Hà Nội. Ông mất ngày 6 - 5 – 2011 sau một cơn đột quỵ tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 68 tuổi .

 - Trần Hoài Dương xuất thân từ gia đình khá giả nhưng sau đó dần khánh kiệt, 12, 13 tuổi đã phải xa nhà vừa làm vừa học. Hồi ức của ông được trải dài từ đồng bằng (Hải Dương) qua trung du (Bắc Giang) đến thù đô Hà Nội rồi thành phố Hồ Chí Minh.

- Trần Hoài Dương yêu quý sách hơn cả sinh mệnh của mình.

- Trần Hoài Dương rất yêu hoa lá.

Càng hiểu thêm về ông, tôi càng hối tiếc vì một cây bút tên tuổi như vậy mà mình lại chưa hề hay biết suốt hàng chục năm khi ông còn sống ở gần nhà mình. Tôi đặc biệt chú ý đến đoạn đời này của ông qua bản tóm tắt trên internet:

“Tốt nghiệp trường báo chí trung ương năm 1961, vừa 20 tuổi Trần Hoài Dương đã sớm được nhận về công tác tại Tạp chí Học Tập ( sau này là Tạp chí Cộng sản ), cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam. Thời gian này có 2 năm 1968 – 1969 Trần Hoài Dương  đi thực tế ở trường giáo dục trẻ em của Bộ Giáo dục trên Bắc Giang. Từ năm 1971 đến năm 1981 làm biên tập rồi phụ trách ban văn xuôi báo Văn Nghệ- Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1982 đến 1992 chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm ở nhà xuất bản Măng Non (sau được đổi tên là Nhà xuất bản Trẻ ), làm trưởng ban Văn học. Năm 1992 anh xin ra khỏi biên chế, thôi tham gia sinh hoạt Đảng, để được sống cuộc đời của một nhà văn tự do”.

Tôi nghĩ, ông đúng là một người trung thực và dũng cảm khi quyết định xa lánh cuộc đời nhiều phức tạp để không bị ràng buộc bởi cơ chế làm việc, để được tự do sống cuộc đời của chính mình.

Sự nghiệp sáng tác của Trần Hoài Dương đã để lại hơn hai mươi tập sách, trong đó cuốn sách mà ông vô cùng trân trọng, có thể coi là một thiên hồi ký mang tựa đề “Miền xanh thẳm” đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải B (không có giải A) năm 2001.

Tôi rất tâm đắc với lời mở đầu thiên hồi ký ấy: "Tuổi ấu thơ đã xa rồi, không bao giờ tôi còn được hưởng lại những ngày thần tiên ấy nữa. Những ngày ấy cứ xa vời, xanh thẳm, hun hút bay về phương trời phía sau, tôi cố ngoái lại, cố nắm bắt mà không sao níu giữ lại được...”.

Qua đó, tôi chợt ngộ ra rằng ai cũng có một thời tuổi thơ hạnh phúc, đáng yêu và luôn luyến tiếc thời xa xưa ấy:

“Ngày thơ  ấu ta mơ giấc mơ người lớn,

Giờ lớn rồi vẫn mơ giấc trẻ con”. 

Phải chăng trong những ngày xa xưa thuở ấu thơ, cậu bé Trần Bắc Quỳ đã lớn lên trong sự đùm bọc tràn đầy lòng yêu thương nhân ái. Thời ấy cuộc sống tuy nhiều chật vật, thiếu thốn nhưng xã hội yên lành không như thời nay, cuộc sống đã mất dần sự bình an. Đến nỗi khi hoài niệm về tuổi thơ của mình, Trần Hoài Dương đã xem đó là miền xanh thẳm.  Chính vì vậy mà ông từng tâm sự: “Tôi cũng hi vọng những trang viết của tôi dành cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống bình yên trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện.”

Tôi còn phát hiện một điều thú vị về Trần Hoài Dương. Nếu các truyện dành cho thiếu nhi của nhà văn lão thành Vũ Hùng chuyên về muông thú như ông voi bồ tượng, con ong cái kiến mỏng manh...; thì Trần Hoài Dương xuất phát từ sở thích yêu hoa lá “đắm đuối đền kỳ lạ” đã tả nhiều nhất là các loài hoa cỏ bình dị trong các truyện dành cho thiếu nhi của mình. Nhà văn Trần Đức Tiến đã từng kể về Trần Hoài Dương:  “Khi sống ở thành phố lớn phương Nam, anh lại mách với tôi rằng anh đã biết con đường, góc đường nào ở đây cũng có cây hoa sữa; thí dụ ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai cắt Nam Kỳ Khởi Nghĩa có cây hoa sữa cao, lá dày, tỏa tròn, xen kẽ những chùm hoa trắng xanh, rất Hà Nội, rất đẹp”.

Dưới đây là  vài đoạn trong tác phẩm của ông mà tôi thích thú:

“Hoa giấy đẹp một cách giản dị. Mỗi cánh hoa giống hệt một chiếc lá, chỉ có điều mỏng manh hơn và có màu sắc rực rỡ…”(Hoa giấy).

“Góc vườn ẩm ướt mọc đầy cây chua me đất. Những chiếc lá mềm mại, xanh mướt màu cốm non. Xen giữa đám lá, những bông hoa mảnh dẻ màu tím nhạt, cánh mỏng tang tưởng như khẽ chạm vào sẽ tan biến… Vậy mà suốt cả một ngày dài, những bông hoa chuame đất ấy vẫn ngời ngợi tươi tắn…(Hoa chua me đất).  

3. Tôi cũng cảm phục và xúc động về tình cha con của ông  khi biết rằng lúc Trần Hoài Dương trở thành nhà văn tự do cũng là lúc ông phải chia tay với vợ để một mình nuôi cậu con trai duy nhất là Trần Lê Quỳnh. Khi con trai cưới vợ và định cư bên Anh, ông đã bán ngôi nhà đang sống, chọn ngôi nhà nhỏ trong hẻm để sống cuộc đời bình lặng, chỉ vui cùng bạn bè và sách vở.   

Theo ông, điều thiện cảm hóa được cái ác mãi mãi chỉ là mơ ước; nhưng nếu không mơ  ước thì con người sống chẳng để làm gì, nên nếu không thể triệt tiêu được cái ác thì vẫn phải phát huy cái thiện, cái đẹp để hạn chế cái ác.

Theo nhà văn Trần Thanh Giao: “Trần Hoài Dương có cá tính rất thẳng thắn, yêu ghét rạch ròi, thậm chí đôi khi cực đoan. Nếu không thích điều gì anh có thể phản đối đến cùng ngay cả khi việc đó có thể ảnh đến quyền lợi của mình. Anh em văn chương từ Nam ra Bắc đều hết sức thương tiếc khi hay Dương ra đi...”. Theo nhà văn Trần Đức Tiến: Bên cạnh Trần Hoài Dương lúc đó, chỉ có những quyển sách xếp hàng âm thầm đưa tiễn anh…”.

Có lẽ với lối sống ẩn dật cuối đời ít người thân bên cạnh, Trần Hoài Dương đã cố gắng làm những gì mình yêu thích. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ của cụ Mặc Đỗ*:

“Vào đời trăm háo hức,

Tiếp theo liền dằng dặc ưu tư.

Nhắm mắt còn ưu tư.”

Cảm ơn Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã chọn chủ đề sinh hoạt tháng 5 về Trần Hoài Dương để tôi có dịp giãi bày chút ít cảm nhận của mình về cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn “theo Đảng cũng bơ vơ, theo vợ cũng bơ vơ, theo văn chương càng thấy bơ vơ” (như lời nhận xét của Trần Mạnh Hảo). Nhưng tôi chưa tìm thấy chi tiết về việc ông dùng bút danh Trần Hoài Dương trong khi tên thật của ông là Trần Bắc Quỳ. Phải chăng “Hoài Dương” có ý nghĩa nhớ về quê hương Hải Dương của nhà văn?

Dù sao, tôi cũng xin được dùng bài viết này như một nén tâm nhang để tưởng niệm nhà văn đáng kính nhân kỷ niệm 5 năm ngày ông từ trần. Kính chúc hương hồn nhà văn Trần Hoài Dương không còn bơ vơ mà luôn ngập tràn hạnh phúc trên cõi vĩnh hằng.

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác