NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CÁC THÀNH VIÊN TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

( 23-07-2014 - 10:04 AM ) - Lượt xem: 7370

Họ gồm 7 người là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu (không có Trần Tiêu) (2). Đứng về mặt xã hội phải nói họ đều là “chân trắng”. Nhưng họ lại tập hợp nhau lại vì một lý tưởng muốn cống hiến cho văn học, thông qua văn học mà đóng góp cho xã hội, và cùng chung sức nhau xã hội hóa hoạt động sáng tác của họ, trong sự vận hành của cơ chế thị trường văn học nghệ thuật đang dấy lên từ Nam ra Bắc thuở bấy giờ. Nghĩa là họ chấp nhận sự cạnh tranh để sống còn bằng nghề văn của mình. Họ không chỉ biết đến tiểu thuyết, thơ ca mà còn ràng buộc với nhau trong việc sống nhờ vào hai tờ báo và một nhà xuất bản. Họ không hy sinh mục đích văn chương cao quý cho việc kiếm kế sinh nhai bằng mọi giá, nhưng việc kiếm kế sinh nhai lại chính là điều kiện để họ giữ vững thiên chức văn học như một “mục đích tự thân”, điều mà có lẽ, từ 1945 đến nay, chưa một văn đoàn nào trên đất Việt làm nổi và có ý thức, có gan làm. (Nguyễn Huệ Chi)

1/NHẤT LINH, tên thật là Nguyễn Tường Tam còn có thêm bút hiệu là: Đông Sơn, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng Du, Tân Việt. Ông là Giám Đốc cùng Chủ Bút báo Phong Hóa và Thủ lĩnh nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Gốc làng Cẩm Phô, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sinh ngày 25 tháng 7 năm 1906, tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, nguyên vì từ đời ông nội ra làm Tri huyện ở Cẩm Giàng, gia đình đã định cư luôn tại đây.

Thân sinh của Nhất Linh là Nguyễn Tường Nhu làm Thông phán Tòa sứ bên Lào và mất tại đó năm 1918, để lại tại quê nhà người vợ mới 38 tuổi và bảy người con gồm sáu trai, một gái. Trong cảnh nghèo túng khó khăn, người đàn bà góa ấy đã hết sức xoay xở làm ăn để tất cả các con đều được ăn học thành tài.

Ngoài người anh cả Nguyễn Tường Thụy là công chức ngành bưu điện, không dính líu đến văn chương và chính trị, từ người anh thứ hai Nguyễn Tường Cẩm, đến Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam, Tứ Ly Hoàng Đạo-Nguyễn Tường Long, Nguyễn Thị Thế, Thạch Lam-Nguyễn Tường Lân và bác sĩ Nguyễn Tường Bách, đều là những người tham dự vào văn chương. Nguyễn Thị Thế viết hồi ký về gia đình Nguyễn Tường; và năm anh em Nhất Linh có những đóng góp tích cực trong việc viết lách và quản trị các cơ sở báo chí, xuất bản và nhà in của Tự Lực Văn Đoàn.

Thích văn chương từ nhỏ, năm 16 tuổi Nhất Linh làm thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi, có bài Bình Luận Văn Chương Về Truyện Kiều trong Nam Phong Tạp Chí. 1923 ông thi đậu bằng Thành Chung, nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên làm thư ký sở tài chính Hà Nội. Tại đây ông quen thân với một người là Hồ Trọng Hiếu, sau này sẽ là nhà thơ Tú Mỡ. Thời gian này, ông viết Nho Phong là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, rồi lấy vợ. 1924 ông vào trường Y khoa, nhưng học được mấy tháng, ông bỏ trường thuốc thi vào trường Mỹ thuật, nhưng được một năm cũng bỏ. 1926, Nguyễn Tường Tam vào Nam, gặp Trần Huy Liệu, Vũ Đình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh, hai người này bị bắt, Nguyễn Tường Tam phải trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ tranh để bán và vẽ phông màn cho các rạp hát, rồi đi du học. 1927 du học Pháp. Đậu cử nhân khoa học về Lý Hóa. Ở Pháp ông nghiên cứu về nghề báo và nghề xuất bản, đồng thời dành nhiều thì giờ nghiên cứu văn học Pháp và các nước khác.

1930 trở về nước. Nhất Linh cùng hai em là Hoàng Đạo và Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng Tiếng Cười, nhưng thiếu tiền, chưa ra được báo thì giấy phép quá hạn, bị rút. Từ 1930 đến 32, Nguyễn Tường Tam dạy tư ở các trường Thăng Long và Gia Long. Ở đây ông quen với Trần Khánh Giư - Khái Hưng. Sẵn có tờ Phong Hóa của giáo sư Phạm Hữu Ninh sắp đình bản, Nhất Linh mua lại và tiếp tục tờ Phong Hóa, nhưng vẫn giữ tên Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai trên báo. Kể từ ngày 22 tháng 9 năm 1932, báo Phong Hóa số 14 ra tám trang lớn, có ban biên tập mới  chịu trách nhiệm. Nguyễn Tường Tam vừa là Giám Đốc cùng Chủ Bút, vừa là một cây viết rất hứng thú.

Báo  Phong Hoá chú trọng về văn chương và trào phúng:  Về minh hoạ cho báo, thoạt đầu chính Đông sơn Nhất Linh lo, ông vẽ cả những tranh vui cười. Sau ông tạo ra nhân vật Lý Toét (Phong Hóa số 48, 1933) ngày càng chuyên nghiệp hơn, nổi tiếng hơn và hơn một năm, hoạ sĩ Bút Sơn ở Saigòn phóng tác ra Xã Xệ (Phong Hóa số 89, 1934). Sau lại có Bang Bạnh Sau và Ba Ếch, của Nguyễn gia Trí thêm vào. Bốn nhân vật này đã cùng ban biên tập hoạt động trên báo suốt từ 1933 tới 1940, không nhường bước một ai.

Tự lực văn đoàn được thành lập công bố tôn chỉ trên báo Phong Hoá số 87 ngày 2/3/1934, với sáu người: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, và Thế Lữ; sau này thêm Xuân Diệu là bảy. Văn đoàn dùng một lối văn bình dị, ít sử dụng chữ Hán, nhờ thế văn quốc ngữ trở nên trong sáng, nhiều người thích đọc. Về vai trò lãnh đạo của Nhất Linh, Tú Mỡ kể lại: "Anh Tam thuê một cái nhà nhỏ ở ấp Thái Hà để mấy anh em làm việc. Tôi đi làm thì chớ, về đến đấy bàn bạc về cái tôn chỉ của nhà báo và soạn bài vở dự bị cho đủ in trong sáu tháng. Anh Tam vừa viết, vừa vẽ. Anh đặt ra mục này, mục nọ, giao cho mọi người. Anh có lối làm việc rất khoa học. Anh đã giao cho ai việc gì thì chỉ có chuyên việc ấy. Nhiều lúc tôi muốn viết những bài thuộc về loại khác, anh khuyên chỉ nên chuyên về một lối. Có lẽ là một điều rất hay cho chúng ta. Tôi có thể nói, anh Tam là người đã tạo ra Tú Mỡ vậy".

Nhà văn Trương Bảo Sơn mô tả phong cách làm báo của Nhất Linh: “Anh bỏ hết mọi việc để làm báo: anh say mê tổ chức tòa soạn, nhà in, làm quảng cáo, soạn thảo và lựa chọn bài vở, vẽ tranh ảnh, thôi thúc anh em làm việc, chia công tác cho từng người. Việc gì anh cũng nghĩ tới một cách chu đáo và tất cả hướng vào một tôn chỉ, một mục đích rõ ràng là bài phong đả thực, xây dựng một đời sống mới, một xã hội mới, một nền quốc văn mới".

Thêm vào đó, Nhất Linh viết rất khoẻ, các truyện ngắn truyện dài của ông xuất hiện đều đặn trên báo trong suốt 9 năm Phong Hoá, Ngày Nay. Nhất Linh thật xứng danh văn hào của Việt Nam với số lượng sách to lớn, rất có giá trị, và được đông đảo người đọc hâm mộ. Đặc biệt những tiểu thuyết luận đề của ông như Đoạn Tuyệt đã làm sôi động xã hội, gây tranh cãi khắp mọi nơi, thúc dục sự cải cách phong tục cổ hủ trong các gia đình, cùng đổi mới tư tưởng trong lòng người. Những nhân vật lý tưởng như Loan và Dũng được giới trẻ thực sự say mê. Sau này, khi chuyển sang viết tiểu thuyết tâm lý, bớt lý tưởng, người hơn, như Bướm Trắng với Thu và Trương, ngay cả Đôi Bạn cũng vẫn Loan Dũng ấy, tác giả thấy thích thú hơn trong mục đích viết truyện cho hay.

Năm 1934 Nhất Linh giao cho Lemur Cát Tường mục “VẺ ĐẸP riêng tặng các các cô”, và hoạ sĩ đã đưa ra Y Phục Phụ Nữ Tân Thời Lemur, thay đổi cách ăn mặc của phụ nữ Việt Nam. Một cải cách thay đổi bộ mặt xã hội sau này.

Sau số 150, 31 tháng 5 năm 1935, Phong Hóa bị đóng cửa ba tháng. Nguyên nhân tại sao bị đóng cửa được bàn tán rất nhiều, nào là do bài đả kích Hoàng Trọng Phu, nào là vì Nguyễn Tiến Lãng, nào vì loạt bài Hậu Tây Du Ký… Nhưng thực ra vì tất cả! Vì Phong Hoá đã đả kích các quan lại Nam triều chứ không hẳn vì một loạt bài riêng nào. Phong Hoá trở nên một tờ báo thành công, được công chúng yêu thích nhất trên văn đàn, số in ra đã tới 10 ngàn số, xưa nay không có đối thủ. Nhưng chính quyền Bảo Hộ Pháp không muốn thế, nên đã rút giấy phép, đóng cửa báo sau số 190, tháng 6 năm 1936.

Tờ Ngày Nay - trước đã ra kèm với Phong Hóa - lại tiếp tục và dần thay thế Phong Hóa.

Tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh phát động phong trào Ánh Sáng cùng nhóm Tự Lực, chống lại các nhà ổ chuột ở các khu lao động.

Năm 1939 Nguyễn Tường Tam lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt Dân Chính. Hoạt động chống Pháp của ông trở thành công khai.

Năm 1940, Ngày Nay bị Pháp đóng cửa, số 224 ngày 7-9-1940 là số cuối cùng.

Năm 1941, Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, sau đó Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, bị đưa lên Vụ Bản, Hoà Bình, đến 1943 mới được thả.

Sau những biến động, Nhất Linh ở lại Hương Cảng 4 năm, và bắt đầu trở lại văn chương, ông viết nhiều lần Xóm Cầu Mới.

Năm 1951, Nhất Linh trở về Hà Nội, tuyên bố không thuộc đảng phái nào, không hoạt động chính trị. Vào Nam, thường sống ở Đà Lạt ông mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách Tự Lực Văn Đoàn. 1958 về Sài Gòn, chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay, phát hành được 11 số thì đình bản vì bị chèn ép của Chính phủ.

Dính líu đến vụ đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm gọi ra xử ngày mùng 8 tháng 7 năm 1963. Để phản đối chế độ Ngô Dình Diệm, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam uống thuốc độc tự vẫn ngày mùng 7 tháng 7 năm 1963.

Các sách của Nhất Linh đã được xuất bản:

  • Nho phong, viết năm 1924.
  • Người quay tơ, 1926.
  • Anh phải sống, viết chung với Khái Hưng  1932-1933.
  • Gánh hàng hoa, viết chung với Khái Hưng  1934.
  • Đời mưa gió, viết chung với Khái Hưng  1934.
  • Nắng thu, 1934.
  • Đoạn tuyệt, 1934-1935.
  • Đi Tây, 1935.
  • Lạnh lùng, 1935-1936.
  • Hai buổi chiều vàng, 1934-1937.
  • Thế rồi một buổi chiều, 1934-1937.
  • Đôi bạn, 1936-1937.
  • Bướm trắng, 1938-1939.
  • Xóm Cầu Mới, 1949-1957.
  • Viết và đọc tiểu thuyết, 1952-1961.
  • Giòng sông Thanh Thủy, 1960-1961.

 

2/KHÁI HƯNG tên thật là Trần Dư, hoặc Trần Giư, Trần Khánh Dư.Từ các âm chính của tên Khánh Dư ông dùng một phép “nói lái vui” thành Khái Hưng. Ông còn có bút hiệu khác là Nhị Linh, KH, Nhát Dao Cạo, Hàn Đãi Đậu, Bán Than.

Khái Hưng sinh năm 1896, trong một gia đình quan lại tại Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng, bố ông có năm bà vợ nên nhiều dòng con cháu. Thuở nhỏ ông bị bà dì ghẻ ác nghiệt hành hạ tàn nhẫn. Ông được đi học chữ nho với thày đồ. Lớn lên, học chữ Pháp tại trường trung học tây Albert Saraut, Hà Nội. Sau khi đỗ tú tài I, ông không đi học tiếp, về mở đại lý bán dầu hỏa ở Ninh Giang. Được ít lâu, Khái Hưng lên Hà Nội đi dạy cho trường tư thục Thăng Long của ông Phạm Hữu Ninh. Khái Hưng gập Nhất Linh tại đây. Hai người cùng lý tưởng văn học và xã hội đã trở thành một đôi bạn tri kỷ, dù rằng Nhất Linh kém Khái Hưng 10 tuổi.

Năm 1932 Nhất Linh mua lại tờ Phong Hóa, thành lập ban biên tập mới, có Khái Hưng, Tứ Ly và Tú Mỡ tham gia. Tờ báo Phong Hóa số 14, là số báo đầu tiên của nhóm, ra ngày 22-9-1932. Khi Nhất Linh chính thức thành lập Tự lực văn đoàn (Phong Hóa số 87, 1934). Khái Hưng và Nhất Linh  trở thành hai cột trụ của báo. Các tác phẩm của ông từ1932 tới 1940 thường đăng trên Phong Hóa và Ngày Nay, sau đó một phần được nhà xuất bản Đời Nay của Văn Đoàn in thành sách. Những sách truyên của ông rất được công chúng hâm mộ.

Tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng là Hồn bướm mơ tiên (1933), cũng là tiểu thuyết đầu tiên của Tự lực văn đoàn đăng trên báo Phong Hóa, đã gây tiếng vang lớn.  Sau đó Khái Hưng viết đều tay, nhanh, dễ dàng, văn phong giản dị nhưng thanh thoát của một tâm hồn thi sĩ. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài, kịch, văn vui, phê bình văn học, phê bình kich…Với một bề dầy tác phẩm ít ai bì kịp, nhà văn Khái Hưng được biết đến như một tiểu thuyết gia được tuổi trẻ yêu mến nhất thời đó. Ông cũng viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết Gánh hàng hoa,và  Đời mưa gió cùng tập truyện ngắn họp chung Anh phải sống.Tiểu thuyết cuối cùng của ông là  Băn Khoăn (Thanh Đức) (1943) và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của văn đoàn Tự Lực trước khi tự tan rã.

Khái Hưng là người giầu tình cảm, hay đùa vui, rất khăng khít và yêu mến các bạn đồng nghiệp. Ông đối xử hòa nhã, thân kính với mọi người, nên được nhiều người yêu quý, kính trọng. Trong tác phẩm, ông thường đề cao tình yêu trong sáng, tự do, mang tính cách lý tưởng, ít nhiều chống lại các hủ tục trong xã hội. Những tiểu thuyết phong tục của ông rất đặc sắc, về sau ông thiên về tiểu thuyết tâm lý. Khái Hưng cũng viết một số vở kịch ngắn, thường chỉ một hồi, để đăng báo hơn là để công diễn. Tuy nhiên vài vở kịch dài của ông đã nổi tiếng một thời như Tục Tụy, Đồng Bệnh… Ngoài ra Khái Hưng còn có một số tranh vẽ, thường để minh họa tiểu thuyêt của ông trên báo, ông có một vài bức tranh rất đẹp.

Sau khi báo Ngày Nay bị thực dân Pháp đóng cửa 1940, Khái Hưng và Thạch Lam ra tờ Chủ Nhật, nhưng bị rút giấy phép sớm. Sách Xuân Đời Nay cũng chỉ ra được một số. Năm 1941, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và một số bạn đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại Hà Nội, sau bị đưa đi an trí ở Vụ Bản, Hòa Bình, tới năm 1943 mới được tha. Trong khi đó Thạch Lam bị bệnh lao qua đời 1942. Nhà xuất bản Đời Nay còn in khá nhiều sách, và dòng sách Hồng nhi đồng, rồi nghỉ. Năm 1945, Khái Hưng cùng Hoàng Đạo, và Nguyễn Tường Bách cho ra tờ Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, được 16 số thì đình bản. Khái Hưng còn viết một số truyện ngắn, kịch ngắn trên các báo thời đó.

Về gia đình - Bà Khái Hưng tên là Lê thị Hòa, hiệu là Nhã Khanh, hiểu biết chữ nho sâu rộng, người làng Dịch Diệp, Trực Ninh, Nam Định. Bố là một vị Thượng Thư triều Nguyễn, gia đình rất khá giả, nên bà có ruộng nương kế tự, lại khéo léo thu vén nên đã giúp nhiều cho kinh tế gia đình. Ông bà sống rất thuận hòa, không bao giờ ông làm bà phật ý, tuy hai người hiếm muộn, không con. Nhất Linh đã cho bạn một đứa con trai của mình: Nguyễn Tường Triệu thành Trần Khánh Triệu.

Khái Hưng mất tích sau Tết Ðinh Hợi 1947. Khi biết ông đã qua đời, bà Khái Hưng trở bệnh tim nặng, và từ trần năm 1954.

Khái Hưng tin tưởng nơi đạo Phật, thuở nhỏ mỗi khi bị uất ức chuyện gia đình, thường vào chùa niệm Phật, tụng kinh cứu khổ. Khi mẹ ông mất năm 1944, ông thức khuya tụng kinh Địa TạngA di đà cầu siêu cho mẹ. Trong các tác phẩm của ông thường có điều gì phảng phát những ý tưởng siêu thoát của đạo Phật (Theo Ba Tôi, N T Triệu). Cách hành sử hòa ái, cung cách tương kính trong gia đình, trong xã hội, cũng như lòng tin người, không hận thù của ông phải chăng là lý tưởng sống nhẹ nhàng thanh thoát của một Phật tử? Các tác phẩm của Khái Hưng thường được xuất bản nhiều lần, do nhu cầu người đọc, có khi lên tới 10.000 cuốn.

Những sách đã được Nhà xuất bản Đời Nay in là: Hồn bướm mơ Tiên, Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân, Đời mưa gió, Trống mái, Dọc đường gió bụi, Anh phải sống, Tục lụy, Tiếng suối reo, Gia đình, Thoát Ly, Đọi chờ, Thừa tự, Tiêu sơn tráng sĩ, Hạnh, Đẹp, Đội mũ lệch, Những ngày vui, Đồng bệnh, Băn khoăn ( Thanh đức), Số đào hoa, (Cái Ve, Đồng xu :chưa thấy in).

Những truyên nhi đồng trong loại Sách Hồng, gồm có: Ông đồ bể, Cái ấm đất, Thày đội nhất, Quyển sách ước, Cắm trại, Cây tre trăm đốt, Thế giới tí hon, Cóc tía, Bông cúc huyền, Lưu bình-Dương lễ...

 

3/HOÀNG ĐẠO tên thật là Nguyễn Tường Long. Ông sinh ngày 11/10 năm Đinh Mùi tức 16/11/1907, tại làng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Các bút hiệu khác: Tứ Ly, Tường Vân. đôi khi ký Phúc Vân (tên quy y Phật pháp)

 Thuở nhỏ Nguyễn Tường Long học trường huyện, tên là Nguyễn Tường Tư (chính ra là Tứ), sau không đủ tuổi để đi thi, gia đình khai thêm bốn tuổi đổi tên thành Tường Long, và đổi ngày sinh (trên giấy khai sinh) thành 3/4/1903.

Năm 1924, đậu bằng Cao đẳng tiểu học Pháp và đỗ vào trường Luật Đông Dương tại Hà Nội.

1927, tốt nghiệp ông vào làm tham tá Ngân khố Hà Nội.  Ông vẫn tiếp tục học thêm.

1929, đậu tú tài Pháp, làm tham tá lục sự trong các toà án Chính quyền Bảo Hộ Pháp ở các tỉnh Trung, Nam và Bắc.
 
Trong thời gian này, có lần đã được bổ tri huyện, nhưng ông từ chối.

Nguyễn Tường Long lập gia đình với cô Marie Nguyễn Bình (1913-1975), được bốn người con: hai trai, hai gaí.

Năm 1932, Nguyễn Tường Long đang làm việc ở Sài Gòn, được đổi về Hà Nội, vừa lúc Nhất Linh mua lại tờ Phong Hoá của Phạm Hữu Ninh.

Ngày 22/9/1932 báo Phong Hoá số 14, có nội dung hoàn toàn mới, và toà soạn mới ra đời. Trên Phong Hoá, Nguyễn Tường Long lấy bút hiệu là Tứ Ly (giờ xấu nhất trong ngày), viết những bài đả kích châm biếm toàn bộ hệ thống quan lại của chính quyền thuộc địa và Triều đình Huế, bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Những bài lý luận thời sự của ông, dẫn dắt tờ báo, điều khiển linh hồn cả hai tờ  Phong Hoá và sau này Ngày Nay. Ông rất gần Nhất Linh với chủ trương diệt ngu dốt, đả phá những phong tục cổ hủ, nâng cao dân trí và theo mới triệt để. Lý luận của ông rất sắc bén và gây ảnh hưởng sâu đậm tới thanh niên thời bấy giờ.

Tháng Sáu 1936, Phong Hoá sau số 190 đã bị Pháp đóng cửa. Tờ Ngày Nay, từ tháng Một 1935, là tờ báo thứ hai dự trữ của Tự lực văn đoàn đã dần thay thế. Nguyễn Tường Long đổi bút hiệu thành Hoàng Đạo (Giờ tốt nhất trong ngày), ông hoàn tất những hồ sơ lớn về Vấn đề thuộc địa, Vấn đề cần lao, Công dân giáo dục, và phụ trách những mục:

-          Người và Việc (cùng với những cây bút khác của Tự Lực Văn Đoàn).

-          Trước vành móng ngựa – một loại Phóng sự ghi lại những tình cảnh bi hài của dân nghèo trước toà tiểu hình của Pháp đặt ra, nơi chính Hoàng Đạo có mặt, làm việc hàng ngày.

Khi còn đăng báo hàng tuần với từng bài nhỏ, người ta chưa thấy được hết ý nghĩa của loạt bài này. Nhưng khi thu góp tất cả trong một cuốn sách, thì đó chính là một lời tố cáo rõ nét nhất của cái chế độ nô lệ tàn nhẫn ghê gớm mà thực dân Pháp áp đặt lên dân thuộc địa nghèo đói, ngây dại Việt Nam. Đồng thời trong đó Hoàng Đạo đã sử dụng nghệ thuật viết văn phóng sự bằng một ngôn ngữ phải nói là đã đổi mới lạ lùng so với thời đó: sắc cạnh, châm biếm, sâu sắc và đau đớn vô cùng.

Sau số báo Ngày Nay 224 ngày 07 tháng 9, 1940, Tòa Soạn bị Pháp đóng cửa. Lúc đó nhiều người trong tòa báo, thời thế và tinh thần dân chúng đã chuyển sang chính trị.

Năm 1941, Hoàng Đạo, Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt ở Hà Nội cùng nhiều người làm cách mạng, sau đó bị đưa đi an trí tại Vụ Bản thuộc Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Mãi đến năm 1943  Hoàng Đạo và Khái Hưng mới được giải về quản thúc tại Hà Nội. Sau Thế Chiến thứ Hai, Pháp trở lại Việt Nam tháng 12/1946. Việc hoà giải bất thành, một số chính trị gia lánh sang Trung Hoa, trong đó có Hoàng Đạo. Ông mất đột ngột ngày 22/7/1948 (16/6 năm Mậu Tý), trên chuyến xe lửa từ Hương Cảng về Quảng Châu, thi hài ông được an táng tại thị trấn Thạch Long Trung Quốc.

Tác phẩm đã in:

  • Trước vành móng ngựa (phóng sự, Đời Nay, Hà Nội, 1938),
  • Bùn lầy nước đọng (Đời Nay, 1938, vừa xuất bản đã bị chính quyền thưộc địa cấm lưu hành),
  • Mười điềutâm niệm (tiểu luận, Đời Nay, 1939),
  • Con đường sáng (tiểu thuyết, Đời Nay, 1940)
  • Tiếng đàn (truyện ngắn, Đời Nay, 1941).

 

4/THẾ LỮ tên thật là Nguyễn Đình Lễ, hoặc Thứ Lễ. Thứ Lễ nói lái thành Thế Lữ: Người khách phiêu du qua trần thế.

Ông dùng bút hiệu Lê Ta, và cả Lê Tây khi viết văn vui (bài Lê Tây viết cho Lê Ta, Ngay Nay,số 169 trang 15) . Các tên của ông lập thành một vế câu đối, không ai đốI nổi.: Thế Lữ làm quà hai thứ lễ : Một quả Lê tây, một quảy Lê ta.

Thế Lữ sinh ngày 6 tháng 10 năm 1907, tại Thái Hà Ấp, Hà Nội. Bố là Nguyễn Thuận, làm xếp ga đường săt, người làng Phù Đổng, Tiên Du, Bắc Ninh, nay là Gia Lâm, Hà Nội. Mẹ quê Nam Định, theo đạo Thiên chúa, lúc trẻ đi buôn tơ, vượt phép gia đình lấy ông xếp ga. Sau về Hải Phòng làm nghề thuốc chữa bệnh trẻ con gia truyền, là bà Lang Thụ (Thụ là tên con trai lớn).

Khi Thế Lữ còn nhỏ, cụ nội bắt về Lạng Sơn làm con nuôi vợ cả của bố để mong bà cả chóng có con. Suốt mười năm tuổi thơ, buồn nhớ mẹ ở xa và bố đi vắng quanh năm, chú bé Lễ đã sống thấm đẫm không khí rừng núi tỉnh Lạng, đầy cảm giác nhớ và sợ. Tám tuổi học chữ nho, sợ đòn đi trốn, bị trói gánh về trường, nên càng sợ. Đến năm mười tuổi, anh chú Lễ bị bệnh mất. Mẹ chú bầy mưu đánh tháo mang về Hải Phòng, từ đó mới được sống với mẹ. Mẹ đưa lên nhà thờ làm “của lễ”, vì là con thứ, nên gọi là Thứ Lễ. Thế Lữ bắt đầu đi học trường bảo hộ Pháp Việt, đến năm thứ ba trung học thì xin nghỉ.

Năm 17 tuổi, lập gia đình với cô Nguyễn thị Khương, 19 tuổi, thuộc họ đạo tỉnh Hà Nam, do mẹ hỏi cưới cho.( Ông bà được ba trai, một gái. Con trai đầu là Nguyễn Đình Nghi, sau này được ông hướng dẫn, bồi đắp đã trở thành một đạo diễn xuất sắc.) Thế Lữ là một người con rất có hiếu, trong thời gian làm việc ở Hà Nội, tháng tháng đều về Hải Phòng thăm nom mẹ và vợ con.

1928-1932 học bàng thính tự do trường Mỹ thuật Hà Nội, một năm thì bỏ. Quen nhiều bạn, chia sẻ nhau sách vở, văn chương…lập thành một salon văn chương nhỏ, cùng tập viết văn quốc ngữ và dịch sách. Thế rồi vì bệnh lao, ông về Hải Phòng nghỉ dưỡng ở vùng quê, vẫn chăm chú viết thơ, văn. Truyện Vàng và Máu và nhiều bài thơ đầu tiên được viết trong thời kỳ này. Bắt đầu có bài đăng báo, sách xuất bản.

1932 khỏi bệnh lao, về Hà Nội làm nhà in, ông gửi truyện ngắn, thơ đến báo Phong Hóa, bài nào cũng được đăng. Thơ Thề Lữ bừng sáng rực rỡ với phong cách hoàn toàn khác lạ, từ ngôn từ tới giai điệu, từ ý tưởng tới cách chọn lọc chữ.

Nhất Linh công nhận chất sáng tạo mới của ông trong: Nguyễn Thế Lữ, một nhân vật mới trong làng thơ mới trên báo Phong Hóa số54,1933.

Thế Lữ ra nhập ban biên tập Phong Hóa, và trở thành thành viên Tự lực văn đoàn 1934 ngay khi Nhất Linh thành lập. Ông hoạt động tích cực cùng các bạn văn nghệ sĩ trên hai báo Phong Hóa, Ngày Nay từ 1932 tới 1940.

Thời kỳ 1934-1937, sau khi Mấy Vần Thơ ra đời, ông được người đời ưa thích nhất trong số các nhà thơ mới.

Ông là người tiên phong trong việc xây dựng nền thơ mới, những câu thơ của ông còn mãi trong lòng người yêu thơ như:…

Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu! (Hổ Nhớ Rừng)
 Hay:

Rũ áo phong sương trên gác trọ

 Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang…

(Giây Phút Trạnh Lòng)

 Hay :

   Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên

(Lời Than Thở Của Nàng Mỹ Thuật)

   Những tiêu mục Tin Thơ, Tin Văn Vắn… của ông, là những bài phê bình thơ, dậy cách làm thơ, thưởng thức thơ được thanh niên đón đọc sôi nổi. Ông đã đỡ đầu nhiều nhà thơ trẻ như Xuân Diệu, Huy Cận…. Ngoài ra, những truyện đường rừng, truyện kinh dị, truyện trinh thám … của ông cũng rất được hâm mộ… vì chúng đột nhiên cùng ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam. Thế Lữ còn là một người làm báo tài hoa. Với bút hiệu Lê Ta, (Lễ =Lê ngã, với chữ nho ngã = Ta, một cách đùa với luật chiết tự, phân tích chữ.), ông viết phóng sự, bút chiến, văn vui…rất thu hút, như loạt bài Lê Ta Làm Báo, Lê Ta Xuống Hải Phòng

 Khi nền móng thơ mới thiết lập xong, rực rỡ hơn bao giờ hết với hàng loạt thi sĩ đầy tài năng: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, … mà nhiều thi nhân đã được chính ông khám phá và giới thiệu. Thế Lữ quay sang kịch nói, tuy vẫn viết, vẫn làm báo Ngày Nay. Là một nghệ sĩ say mê kịch, đầy tài năng, tự học trước một thể loại hoàn toàn mới, ông đã trở thành một diễn viên kỳ đặc, một nhà dàn cảnh (đạo diễn) xuất sắc đầu tiên. Ông muốn xây dựng nền kịch nói riêng của Việt Nam. Vì sân khấu bao giờ cũng là bộ mặt văn hoá của một nước. Đó là lúc ông tìm thấy nơi dừng lại, sau bao nhiêu tìm kiếm, khám phá, xây dựng, rồi để lại con đường cho người đi sau: Có lẽ chỉ nơi sân khấu đầy biến đổi, những màn kịch phù du, như thật như ảo…  là phù hợp với tâm hồn vô trụ, lúc nào cũng đi tìm cái mới của ông.

1937 Thế Lữ dàn cảnh, huấn luyện diễn viên cho ban kịch Tinh Hoa của Đoàn Phú Tứ.

1938  Tại Hà Nội, kết bạn cùng cô giáo Song Kim Phạm thị Nghĩa, một người say mê và giỏi thiên bẩm về kịch, để phụng sự sân khấu nghệ thuật.

1940  Báo Ngày Nay bị Pháp đóng cửa.

1942  Lập ban kịch Thế Lữ, rất thành công, nhưng phải rã cánh vì những đòi hỏi của  thực dân Pháp lúc đó.

1943  Lập ban kịch Anh Vũ cùng Vũ Đức Diên.  Ông phụ trách dàn cảnh và diễn kịch.

1945-1946  Lưu diễn miền Trung, tới Quy Nhơn vì chiến tranh quay về Bắc.

1947  Tham gia kháng chiến chống Pháp, viết kịch, dựng vở diễn liên tục.

1957  Chủ tịch hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tới khi nghỉ hưu.

1977  Thế Lữ trở về sum họp với gia đình vợ con tại TP HCM tới khi mất 3-6-1989, hưởng thọ 82 tuổi.

Tác phẩm của ông, một phần lớn đã được nxb Đời Nay ấn hành trước 1945:

  • Mấy Vần Thơ
  • Vàng và Máu
  • Bên Đường Thiên Lôi
  • Mai Hương và Lê Phong
  • Lê Phong Phóng Viên
  • Gói Thuốc Lá
  • Gió Trăng Ngàn
  • Trại Bồ Tùng Linh…
  • Thoa  (trong Giai Phẩm Đời Nay1944)

Sau 1945 có: Tay Đại Bợm, và nhiều truyện ngắn, sách dịch, kịch bản…

 

5/TÚ MỠ tên thật là Hồ Trọng Hiếu sinh năm 1900, nhà nghèo, sau khi học xong trung học tại trường bảo hộ nổi tiếng Trường Bưởi, (sau đổi tên là trường Chu Văn An, bên cạnh Hồ Tây, phía bắc Hà Nội), ông không tiếp tục học lên cao, mà đi làm thư ký sở Tài Chánh để kiềm tiền nuôi mẹ, cô, và bốn em ăn học.

Năm 1920, gặp Nguyễn Tường Tam đến làm cùng sở. Hai người thành bạn tâm giao ngay, trao đổi những điều tâm đắc, những việc văn chương đang thai nghén… khuyến khích, an ủi lẫn nhau. Nguyễn Tường Tam tìm thấy sở đắc của Hồ Trọng Hiếu, đã khuyên : “Anh khá đấy, nên làm thơ hài hước đi, anh có khiếu về trào phúng đấy” Một lời đã biết đến nhau. Câu nói của anh Tam đã thấm vào tâm trí Hồ Trọng Hiếu.

Hơn chục năm sau, 1932, Nguyễn Tường Tam mua lại tờ báo Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh sắp đóng cửa, tụ họp các anh em, bạn hữu, những người viết mới, biến đổi Phong Hóa cũ thành một tờ báo mới lấy khôi hài làm chủ đề, đưa ra một cách viết mới, một cách nhìn ra xã hội mới …

 Nhóm đã thành công lừng lẫy, tạo nên nền móng cho văn học Việt Nam: Họ đã tạo ra một cuộc cách mạng văn hóa.

Hồ Trọng Hiếu lấy bút hiệu Tú Mỡ, ông phụ trách mục Giòng Nước Ngược, thơ hài hước đùa cợt chế diễu, nổi tiếng một thời.

Tú Mỡ là chuyên viên cười của Phong Hóa Ngày Nay trong suốt thời gian hoạt động văn học từ 1932 tới 1940. Có chân trong Tự lực văn đoàn từ ngày thành lập. Năm 1934, ngày 27 tháng 5, Tú Mỡ viết mấy câu cám ơn người “đã biết đến ta”:

Ít lời lẽ ngang phè,
Mấy vần thơ lỗ mỗ
Tặng anh Nguyễn Tường Tam
Đáp tấm ơn tri ngộ

Tác phẩm của Tú Mỡ thời đó, gồm vào hai tập thơ trào phúng: Giòng Nước Ngược I, 1934, và Giòng Nước Ngược II, 1941, nhà xuất bản Đời Nay, Hà Nội. “Hai tập thơ có cái giọng bình dân rất trong sáng chúng ta vốn ưa thích xưa nay: Giọng đùa cợt lẳng lơ của Hồ Xuân Hương, giọng nhạo đời của Trần Kế Xương, giọng thù ứng ý nhị của Nguyễn Khắc Hiếu, giọng giao duyên tình tứ của Trần Tuấn Khải, từng ấy giọng thơ, nay ta thấy cả trong hai tập thơ của Tứ Mỡ. (Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại)

 Khái Hưng trong bài Tựa Giòng Nước Ngược thêm vào: “Mà câu văn của Tú Mỡ cũng như của Tú Xương, của Hồ Xuân Hương, cũng như những câu ca dao tục ngữ, quả thực hoàn toàn có tính cách Việt Nam”.

1947, Tú Mỡ đi kháng chiến chống Pháp, thường nhớ đến bạn cũ: “Kể về công, các anh em đã thực hiện được mục đích của đoàn, điều chính là làm giầu thêm văn sản trong nước, đã có một đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam, tạo cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thành tích mà các văn đoàn đời sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong một giai đoạn nhất định, mà giới văn học ngày nay và ngày mai phải công nhận.”(Hồi Ký của Tú Mỡ, Láng, 12 tháng 8, năm 1969)

Tú Mỡ và Thế Lữ sau này vẫn là đôi bạn tri kỷ lui tới với nhau, một đời.

Năm 1974, bà vợ tào khang chung thủy của ông mất, Tú Mỡ đã viết bài thơ Khóc Người Vợ Hiền, đáng kể là một trong những bài thơ tình hay nhất:

Bà Tú ơi! Bà Tú ơi
Té ra bà đã qua đời, thực ư?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao.
Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai…

Hai năm sau 1976, Tú Mỡ mất, hưởng thọ 77 tuổi.

 

6/THẠCH LAM sinh ngày 7-7-1910, tại Thái Hà Ấp, gần Hà Nội. Bút hiệu khác: Việt Sinh, Thiện Sĩ. Là con thứ sáu trong gia đình, cha là Nguyễn Tường Nhu. Quê nội làng Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Quê ngoại: huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Tên khai sinh hồi nhỏ là Nguyễn Tường Vinh, năm 15 tuổi làm giấy khai sinh lại, đổi tên là Nguyễn Tường Lân. Năm lên bảy, cha qua đời. Thủa nhỏ học trường sơ học Cẩm Giàng tới 14 tuổi. 15 tuổi, đỗ bằng cơ thủy, xin tăng 4 tuổi để được vào học ban thành chung. Đỗ bằng Thành Chung năm 16 tuổi, sau đó, vào học trường canh nông, được một năm, xin thôi, vào học trường tây Albert Sarraut. Sau khi đỗ tú tài phần thứ nhất, quyết định nghỉ học để tham gia công việc làm báo với các anh.

Từ 1932, Thạch Lam bắt đầu làm báo, viết cho Phong Hoá.

Về văn chương,  ông viết nhiều truyện ngắn và một truyện dài. Trong tác phẩm đầu tay Gió đầu mùa , văn Thạch Lam nhẹ nhàng bình lặng, phân tích tới phần sâu lắng của tâm lý con người. Với một văn phong lịch lãm và tinh tế, tuy được độc giả hoan nghênh, nhưng sách của ông kén người đọc, tương đối vẫn bán chậm nhất trong Tự Lực văn đoàn. Ngoài ra Thạch lam viết nhiều thể loại khác như: phê bình mỹ thuật, phê bình kịch nghệ, văn học, dịch thuật…

Người ta còn kể mãi chuyện chiếc bánh Madeleine mà Thạch Lam không biết là bánh , đã dịch nhầm. Khi được người đọc nhắc, lập tức ông đã thành thật xin lỗi độc giả trên báo… Điều này rất ít khi sẩy ra, đã chứng minh sự thành thật của một nhà văn hiếm có. Những bài kể chuyện Nhà Thương, gần như phóng sự  của một nhà văn bệnh nhân, thật hay, tỉnh táo nhìn cuộc đời….

Tập Hà Nội 36 Phố Phường gồm những áng văn rất hay về Hà Nội, một cách sống rất văn hoá còn lại của chốn kinh kỳ xưa.

Trong khi tập tiểu luận Theo giòng gom lại những bài viết về văn học đã đăng báo của ông, chứng tỏ Thạch Lam có một quan niệm rõ ràng về sáng tác và một lý luận văn học chặt chẽ

Trong khoảng thời gian dài, khi các anh lớn đi làm chính trị, Thạch Lam làm chủ bút, Gérant cho báo Ngày Nay, ông bao sân, nghĩa là viết tất cả những gì còn lại sau những bài của những tác giả khác, cho đầy tờ báo. Công việc này rất nặng nhọc, lo từ đầu tới cuối tờ báo.

Thạch Lam tuy trẻ nhưng đã đứng vững và làm cho báo Ngày Nay tăng tiến đều, cũng như tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cộng sự viên và độc giả. Điều này chứng tỏ khả năng và tư cách của ông.

Tháng 6 năm 1940, sau số 224, báo Ngày Nay bị đình bản do Pháp rút giấy phép.

Năm 1941, Pháp bắt đầu khủng bố nhóm Tự lực văn đoàn vì những hoạt động chống đối chế độ thực dân.

Khi tất cả các anh em khác phải tạm lánh ra ngoài Hà Nội, chỉ còn một mình Thạch Lam quản lý nhà xuất bản Đời Nay, và nhà in Ngày Nay. NXB đã cho in nhiều sách cũng như loạt Sách Hồng cho nhi đồng, để sinh lời.

Có lẽ vì công việc nặng nề, lại thêm bị bệnh phổi nên sức khỏe Thạch Lam ngày một sút kém, chỉ nửa năm phải ngưng công việc.

Thạch Lam mất ngày 28-6-1942 tại làng Yên Phụ cạnh Hồ Tây, Hà Nội, vì bệnh lao.

Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét về Thạch Lam: "Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc (…) Xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam là một nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước sự sống của mọi người chung quanh".

Tác phẩm đã in:

  • Gió đầu mùa, truyện ngắn, Đời Nay, Hà nội, 1937.
  • Nắng trong vườn, truyện ngắn, Đời Nay, Hà nội, 1938.
  • Ngày mới, truyện dài, Đời Nay, Hà Nội, 1939.
  • Theo giòng, tiểu luận văn học, Đời Nay, Hà Nội, 1941
  • Sợi tóc, truyện ngắn, Đời Nay, Hà Nội, 1942.
  • Hà Nội băm sáu phố phường, Đời Nay, Hà Nội, 1943.

 

7/ XUÂN DIỆU tên thật là Ngô Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1916, quê gốc làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. còn có bút danh là Trảo Nha. Cha là ông Ngô Xuân Thọ, tú tài Hán học, làm thầy giáo tại Bình Định. Mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp. Xuân Diệu lớn lên ở Qui Nhơn, học cha chữ nho, chữ quốc ngữ và cả chữ Pháp.

1927 học trung học ở Quy Nhơn, lúc này Xuân Diệu làm thơ cổ thi và rất thích Tản Đà. Ra Hà Nội học, đỗ tú tài I năm 1936, tại trường Trung học bảo hộ (Trường Bưởi).

Vào Huế, học trường Khải Định, đỗ tú tài II 1937. Tại đây Xuân Diệu gập Huy Cận đang học dưới hai lớp, hai người kết bạn thâm giao, tới hết cuộc đời. Bắt đầu làm thơ và gửi cho báo Phong Hóa Ngày Nay.

Thế Lữ,người điều khiển tin Thơ và Tin Văn Vắn thời đó, đã giới thiệu Xuân Diệu như sau: “Một tâm sự nồng nàn mà kín đáo, một linh hồn rạng rỡ mà say mê, đằm thắm hiện ra ở trong những điệu thơ êm dịu mà ái ân…  của tấm lòng yêu thấm thía nhưng rụt rè… gợi cho ta thấy những hình ảnh, những tư tưởng bát ngát và tươi đẹp không ngờ”. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam ngẩn ngơ trước cái xôn xao nồng thắm của những câu thơ chưa bao giờ được nghe:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng phai nhạt
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
 Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
(Vội Vàng)

1938-1940 thi sĩ được Tự lực văn đoàn mời ra Hà Nội làm việc, và trở thành thành viên thứ bẩy của Văn Đoàn. Mùa đông 1938, cuốn Thơ Thơ ra mắt, xuất bản bởi Đời Nay, tựa của Thế Lữ và trình bầy bởi họa sĩ Lương Xuân Nhị, đã được tiếp đón rất nồng hậu, tuy nhiên vẫn còn nhiểu người dị ứng với lối diễn tả quá mới của Xuân Diệu, không thấy rằng khi ý tưởng dồn dập sôi nổi quá thì cấu trúc của câu thơ phải bị sô lệch đi …Lúc này Xuân Diệu dậy học tại trường tư thục nổi tiếng Thăng Long, và Huy Cận học trường Canh Nông.

Năm 1939, Xuân Diệu cho xuất bản Phấn Thông Vàng, trong bài Tựa thi sĩ viết: “…Ở đây chỉ có một ít đời và rất nhiều tâm hồn, hợp lại thành bao nhiêu nghĩ ngợi bâng khuâng, không cốt để giải trí ngưòi ta, mà trái lại để xui trí người thêm bận vẩn vơ, lưởng vưởng…. vì cảnh ngoài cảm xúc tới…họ chỉ chép những vang động của lòng mình…”

1940 Xuân Diệu có cử nhân Luật, thi vào làm tham tá thương chánh Nhà Đoan ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Tới 1943 Huy Cận tốt nghiệp kỹ sư Canh Nông. Xuân Diệu  từ chức về Hà Nội ở hẳn với Huy Cận.

Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh), "ông hoàng của thơ tình". Tác phẩm tiêu biểu của ông cho đến 1945: Thơ Thơ (1938), Gửi Hương Cho Gió (1945), truyện ngắn Phấn Thông Vàng (1939), Trường Ca (1945).

Huy Cận đã viết về thơ Xuân Diệu như sau: “Hai tập Thơ ThơGửi Hương Cho Gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh”. (Huy Cận, tháng 4 năm 2000).

Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.

Theo Web trường đại học Hoa Sen

Các Bài viết khác