NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

BÙI HIỂN – CÂY BÚT TRUYỆN NGẮN NỔI BẬT CỦA VĂN ĐÀN MỚI

( 20-03-2017 - 02:48 PM ) - Lượt xem: 1729

“Bùi Hiển là tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, là hiện thân đẹp đẽ cuả một trí thức kiểu mới đã đem hết tài năng và tâm huyết nhằm “đánh thức cái lương tri, thiên lương sẵn có ở mỗi con người””.

Thuộc lớp người viết từ trước 1945, Bùi Hiển đã sớm tham gia hoạt động xã hội của phong trào yêu nước tiến bộ, và trở thành một trong những cốt cán của thế hệ nhà văn cách mạng và kháng chiến. Ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở Vinh, và từ đó bước vào đại lộ của đời sống và văn học cách mạng.
Cuộc đời đầy trải nghiệm của nhà văn với 90 tuổi đời (1919 – 2009), và sự nghiệp văn chương trong suốt khoảng thời gian hơn 60 năm cầm bút chính là một tấm gương sáng đẹp trên văn đàn hiện đại.

I. ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ VĂN NGHIỆP
Bùi Hiển quê ở Phú Nghĩa Hạ (nay là xã Tiến Thuỷ), Quỳnh Lưu, Nghệ An – một vùng quê nghèo ven biển.
Biển là ấn tượng đầu đời, cũng là suốt đời của Bùi Hiển. Đây là hình ảnh của biển qua truyện dịch đầu tay: Ở biển (En mer) của Guy de Maupassant, làm thơ Đời ngư phủ, qua những sáng tác đầu đời và cả trong đời viết sau này. Vì thế, thật dễ hiểu vì sao Bùi Hiển lại trở thành người kể chuyện hay nhất về quê hương vùng biển.
Bùi Hiển học hết bậc Thành chung ở Trường Quốc học Huế. Sau đó, ông đi duy tu, và làm công chức mấy năm, sống chủ yếu ở Vinh.
Sớm có tình yêu văn chương và thiên hướng viết văn, Bùi Hiển mạnh dạn gửi những tác phẩm đầu tay tới báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn. Nằm vạ là tập truyện ngắn được in năm 1941, đã tạo nên tiếng vang lớn trong dư luận đương thời. Đây được xem như thuận lợi đầu tiên để đi vào con đường mà nhà văn đã chọn.
Thạch Lam đã nhận xét khá thiện cảm: “Nằm vạ đã phác hoạ rất đúng một vài nhân vật thôn quê. Đó là bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt làng xóm”.
Trong giai đoạn đầu đời sáng tác, Bùi Hiển đã viết trên các báo Ngày nay, Hà Nội tân văn, Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Bắc chủ nhật, Thanh Nghị,...
Thời gian sau Cách mạng, nhà văn tiếp tục hoạt động văn hoá, văn nghệ. Bùi Hiển đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ty Thông tin Tuyên truyền, kiêm Chủ tịch Hội Văn hoá Cứu quốc tỉnh Nghệ An. Sau đó, ông giữ thêm chức vụ Uỷ viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ Liên khu IV.
Hoà bình lập lại, ông làm phóng viên báo Nhân Dân, và giữ chức Uỷ viên Ban biên tập báo Văn nghệ, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn học. Nhà văn là một trong những thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, và đã tham gia vào Ban Chấp hành Hội các khoá I, II, III (1958 – 1982), giữ trọng trách Ủy viên Thường vụ, Thường trực Hội, và nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội.
Bùi Hiển là nhà văn rất tự giác đi vào thực tế đời sống sản xuất, và chiến đấu trong suốt 30 năm của cả hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhà văn từng đến với những mũi nhọn, những vùng trọng điểm, bám sát vùng tuyến lửa Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Vĩnh Linh để tìm hiểu tập trung về người nông dân tay cày, tay súng, chiến sĩ bộ đội và công nhân giao thông.

Từ giữa năm 1949 – 1950, Bùi Hiển vào công tác ở vùng địch hậu Bình Trị Thiên. Nhờ có được vốn sống phong phú, tình cảm sâu nặng, và kỷ niệm tươi nguyên, nhà văn đã sáng tác nên những tác phẩm giá trị như Gặp gỡ (1954), và những truyện trong cả 10 năm sau như Ánh mắt (1951 – 1961).
Từ những chuyến đi thâm nhập vào đời sống còn nhiều vất vả, gian lao và hiểm nguy, là những trang viết về người thật – việc thật, bút ký, truyện ngắn sinh động, đầy ắp hơi thở của cuộc sống, tràn đầy tình người nơi hậu phương, cũng như ở chiến trường đau thương và anh dũng.
Tác phẩm của Bùi Hiển chủ yếu phản ánh về cuộc chiến đấu của nhân dân trên chiến trường, cũng như ở hậu phương. Một số truyện ngắn tiêu biểu, được nhắc tới với nhiều sự trân trọng, có thể kể đến như Đánh trận giặc lúa (1951), Gặp gỡ (1954), tập truyện Ánh mắt (1961),...
Đánh trận giặc lúa là câu chuyện thể hiện mưu trí và tinh thần dũng cảm của nông dân và bộ đội để giành giật với địch từng hạt thóc, cụm lúa, cũng là để bảo vệ và duy trì hoạt động sản xuất và chiến đấu. Gặp gỡ là những giờ phút gặp gỡ của đôi vợ chồng cán bộ kháng chiến giữa những trận càn quét của giặc. Ta thấy nổi lên ở đây là tình vợ chồng đằm thắm, hoà lẫn với tình đồng chí, đồng bào.
Những năm đầu đánh Mỹ, có thể nhắc đến tập bút ký Đường lớn (1966), các tập truyện ngắn Tiếng bút hậu phương (1970), Hoa và thép (1972), Giản dị (1973),... Tiếp theo sau đó là Một cuộc đời (1976), Ý nghĩa ban mai (1980), Tâm tưởng (1985), và các tuyển tập Hai mươi lăm truyện ngắn 1940 – 1995 (1996), Tuyển tập Bùi Hiển (Tập I – 1987; Tập II – 1997)…
Tác phẩm cho thiếu nhi có một số truyện, như Bên đồn địch (1962), Quỳnh xóm Cháy (1965), Nhớ về một mùa thị chín… (1983).
Đặc biệt là mảng phê bình – tiểu luận và chân dung văn học: Bước đầu viết truyện… (1960), Hướng về đâu, văn học? (1996), Bạn bè một thuở (1999) đều là các tác phẩm có ý nghĩa đóng góp bổ ích cho nghề văn.
Mấy truyện dịch riêng và chung của Bùi Hiển cũng rất đáng kể (từ thập niên 60 đến thập niên 90 của thế kỷ XX). Trong đó, có mấy cuốn nổi tiếng: Tuyển tập truyện ngắn Antonov (1956), Đội thanh niên cận vệ - A. Fadeev (1960), Những người chết còn trẻ mãi – Anna Seghers (1963), Những kẻ văn minh – Cl. Farrère (1990), Những truyện ngắn phương Đông – Margueritte Yourcernar (1996), Bản di chúc Pháp – Andrei Makine (1998),...
Bùi Hiển nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 với cụm tác phẩm :Ánh mắt, Tuyển tập Bùi Hiển, Bạn bè một thuở, Ngơ ngẩn mùa xuân
II. ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN
Nhìn chung lại, các sáng tác của Bùi Hiển khá toàn diện về các mặt báo chí văn chương và dịch thuật.
Tuy nhiên, theo hứng thú cá nhân và sở trường của cá tính sáng tạo, hầu như nhà văn chỉ chú trọng viết và thành công đặc sắc về truyện ngắn.
Bùi Hiển nổi bật như cây bút truyện ngắn sáng giá, viết đều tay và lên tay, được tôn vinh là bậc thầy trên phương diện này. Những sáng tác truyện ngắn mẫu mực, cùng với kinh nghiệm từng trải một đời viết là một di sản quý giá cho văn nghiệp của Bùi Hiển. Có thể nói, truyện ngắn là nghiệp văn chương thực sự của nhà văn.
Ngay từ khi mới cầm bút, Bùi Hiển đã xác định một quan niệm văn chương chính xác. Xuất hiện vào cuối đợt tranh luận nghệ thuật từ 1935, nhà văn đã hướng ngòi bút vào đời sống vì con người. Đó là dòng văn chương hiện thực tiến bộ mà Nam Cao, Tô Hoài chính là những đại biểu xuất sắc nhất. Dòng văn chương này nổi bật với chủ nghĩa nhân đạo chân chính, gần gũi với tinh thần nhân văn cách mạng.
Bùi Hiển không có những tuyên ngôn ồn ã về nghề văn. Có một vài suy nghĩ riêng trên ý thức trách nhiệm, như sự nhấn mạnh đến lương tâm của người cầm bút.
Bùi Hiển có phần giống với Nam Cao là viết văn trước hết xuất phát từ tấm lòng của một con người nhân hậu. Ngoài sự chân thật, “thật hơn cả sự thật” – tức điển hình hoá, nhà văn còn coi trọng tính thiện, cái thiên lương, tức cái tốt – cái thiện bên cái chân qua cái đẹp của văn chương. Nói cách khác, nhà văn trước hết tìm đến cái tốt đẹp trong một hoàn cảnh xã hội tăm tối, xấu xa. Phải chăng, xuất phát điểm đó là thiên lương của chính nhà văn?
Gần như trong suốt hành trình viết văn, Bùi Hiển đều tuân thủ và trung thành với định hướng đó.
Cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Bùi Hiển có phần gần gũi với Tô Hoài. Đó là cảm hứng nhân văn đời thường như hạt nhân của tư tưởng nghệ thuật. Cảm hứng này sẽ quy định hướng xây dựng chủ đề, khám phá hiện thực, tạo dựng thế giới nhân vật và bút pháp tự sự trong thể loại chủ yếu mà truyện ngắn đã lựa chọn.
Không đi vào bầu trời, mà đi từ những ngọn gió, áng mây, trước khi vùng vẫy biển cả tìm ra qua giọt nước cái mênh mông, bát ngát. Bùi Hiển là người rất chú ý đến sự việc có vẻ vặt vãnh mà lại mang ý nghĩa lớn lao, những chuyện thường ngày mà nói lên được cả sự đời.
Đó là những khám phá tưởng như bình thường, mà ý nghĩa – từ chuyện nhỏ nhặt ở xóm làng, đến những eo xèo đời sống nơi phố thị. Sự chú ý đặc biệt của nhà văn trước hết là ở những sự kiện nhỏ nhoi nhất, những thân phận nhỏ bé nhất trong cuộc sống đời người.
Và, cùng với thân phận là những tình người.
Đó là cái gốc của nhân bản. Bùi Hiển đã có dịp tự bạch về ý tưởng viết về thân phận của những con người nhỏ bé với tình cảm rất đáng trân trọng. Nhà văn, qua những trang viết của mình ngay từ đầu đời sáng tác, muốn níu giữ lấy cái tình người ấm áp mà ông coi nó như là cái gì còn lớn lao hơn cả tình bạn và tình yêu cộng lại.
Bùi Hiển chú trọng phát hiện những vẻ đẹp tinh tế, lấp lánh trong tâm hồn những con người bình dị. Nói như Nguyễn Minh Châu sau này, đó là việc đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người. Hoặc, nói theo cách một thời, đó là đi tìm cái phi thường trong cái bình thường. Những người nông dân cần cù, lam lũ, nghèo khổ một đời đã trở thành những con người tự do, được giải phóng để tham gia vào sự nghiệp đánh giặc, giữ nước và dựng nước chính là những kiểu người ấy.
Ngay cả những truyện về người dân chài trên quê hương cũng nói lên một khía cạnh mới.
Đó là sự phát hiện những hình ảnh đẹp đẽ, cao cả về con người chiến đấu với thiên nhiên. Họ chống chọi sóng gió, bão tố nơi biển khơi để mưu sinh với ý chí kiên cường, quả cảm với nhân cách môt Con Người theo quan niệm của chủ nghĩa nhân văn cách mạng mới. Con người ấy ngày càng có tư thế cao vời, lớn lên theo thời đại – từ Chiều sương đến Bám biển.
Thế giới nhân vật của Bùi Hiển ngày càng phong phú, đa dạng, sinh động như con người cuộc đời ùa vào tác phẩm.
Nói một cách chung nhất, đó là hình tượng quần chúng nhân dân trong thời đại mới. Trong đó có đủ cả: nông dân, công nhân, cán bộ, bộ đôi, dân quân, thanh phụ lão ấu. Nổi bật nhất là thanh niên, phụ nữ. Nhà văn chú ý dõi tầm nhìn và thể hiện vào thế hệ trẻ, sức trẻ – Hoa và thép là một trong số các tác phẩm tiêu biểu.
Tuy nhiên, có sự chuyên chú đặc biệt vào một lớp người, một hạng người. Có thể coi nhân vật đặc trưng trong truyện của Bùi Hiển là người dân vùng biển.
Gần giống như Tô Hoài, nhà văn trẻ Bùi Hiển đầu tiên là viết về những người bà con gần gũi với quê hương, làng chài.
Trong hồi ký văn học của mình, Bùi Hiển đã viết: “Do sống kề cạnh những người dân chài, tôi nhận thấy tâm, sinh lý của họ phần nào khác với những người dân đồng ruộng. Nói chung, họ khoẻ mạnh, vạm vỡ, nói rất to (ăn sóng, nói gió!), cười rất lớn, cuộc đời vật lộn với sóng gió, bão táp tạo cho họ một ý chí kiên cường, khung cảnh sống giữa biển khơi khoáng đạt hình như cũng tạo cho họ tính phóng khoáng, vô tư, lạc quan, yêu đời (theo kiểu giản đơn, thô lậu của họ)”.
Đó là những người nông dân – vừa mang tính cách chung, vừa mang những nét đặc tính của địa phương – cái nét để phân biệt với người đồng bằng Bắc Bộ như trong truyện của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài,...; hoặc người nông dân Nam Bộ như của Hồ Biểu Chánh, Đoàn Giỏi,...
Người nông dân trong những trang viết đầu tay của Bùi Hiển là những Anh Đỏ, Chị Đỏ hoặc Chị Đỏ Câu, Lão Năm Xười, Thằng Xin, Kẻ hô hoán,.... chính là những con người của quê hương bước vào trong trang sách.
Họ là những người lao động nghèo khổ, tâm hồn nhất thời còn u mê bên cạnh những tính cách tốt đẹp, mạnh mẽ. Tức là, những con người dân quê còn mang những phong tục tập quán, nếp sống tốt và cả những thói tật xấu như thô lậu, mê tín dị đoan. Tuy nhiên, những con người bình thường ấy vẫn có những tình cảm đẹp, khát vọng về cuộc sống lương thiện và hạnh phúc tươi sáng.
Bùi Hiển thường có nhiều sự thương yêu và thông cảm, tấm lòng đầy thiện chí, bao dung với con mắt đầy niềm tin và nụ cười vui nhỏ nhẹ. Ông không có những phê phán gay gắt và giễu cợt sâu cay.
Truyện Nằm vạ kể chuyện vợ chồng chị Đỏ xích mích nhau vì một chuyện nhỏ nhặt không đâu, đến mức chị giận dỗi vào buồng tối “nằm vạ”. Bị bỏ đói, may nhờ chú chuột nhắt mách bảo, chị phát hiện ra ché khoai khô cầm cự qua ngày. Ông Lý đến phân xử, chị làm lành, hai vợ chồng lại nhìn nhau mỏm cười đoàn tụ.
Một dạo ở làng quê, có dịch đậu mùa. Lão Năm Xười giả làm con ma đậu, hù doạ chị Đỏ Câu làm cho chị hoảng sợ. Vốn chê chồng, bỏ đi nằm riêng, nay chị buộc phải chạy vào giường chồng, để rồi... sinh hạ một bé trai kháu khỉnh (Ma đậu).
“Đói ăn vụng, túng làm càn”… nạn trộm cắp, cướp bóc xảy ra nơi xóm nghèo. Thằng ăn trộm lẩn vào đám đông và cũng hô hoán theo. Bỗng dưng, hắn cảm thấy thanh thoát trong chốc lát.Phân tích tâm lý hai mặt tinh tế như dân gian: “Vừa ăn cướp vừa la làng” không gay gắt, quyết liệt, mà lại tin vào cái đốm lương tri thức dậy trong tâm hồn đen tối. Truyện Thằng ăn trộm in ở báo Chủ nhật (do Đời nay ấn hành vào tháng 10/1940), sau này đổi lại là Kẻ hô hoán (1993).
Thời trẻ từng sống, và có lần ra khơi với dân chài, nhưng đến gần tuổi 50, Bùi Hiển lại về quê, hoà nhập vào cuộc sống của người dân chài và từng đi theo đoàn thuyền đánh cá ra khơi (1963). Lần ấy, nhà văn gặp nguy hiểm, nhưng đã trở về bình an, và sau đó viết Bám biển.
Đây thực chất chính là chuyện những con người lao động bình thường với tâm hồn chất phác, quả cảm của quê hương yêu dấu.
Trên những trang văn Bùi Hiển là những người dân chài thân thuơng và quen thuộc. Từ thuyền trưởng Lễ với giọng nói rắn chắc, gan dạ quyết tâm đương đầu với bão tố để giành chuyến đánh bắt bội thu. Rồi đến cụ Tâm hồn hậu, từ tốn, biết rõ tên nhiều vì sao và tinh thông từng ngọn thuỷ triều, từng luồng con nước, dự đoán chính xác những cơn bão tố. Cả đoàn dân chài lạc quan yêu đời và đầy quả cảm…
Nhân vật Bùi Hiển là như vậy. Như thể anh hùng mà không phải là siêu nhân!
Hình ảnh, hình tượng truyện Bùi Hiển có nét đặc sắc riêng.
Người như thế, cảnh cũng vậy. Trong vô vàn cảnh tượng thiên nhiên, hình ảnh biển cũng nổi bật như một điểm sáng trong trung tâm mỹ cảm nhà văn.
Bao nhiêu năm gắn bó với biển, từ thời trai trẻ đã từng ngụp lăn sóng biểnđến tuổi trưởng thành rồi lớn tuổi vẫn đi về với biển nhất là ở vùng quê hương xứ Nghệ. Hồn biển như thấm vào tim, vào óc, tình biển như ngấm vào da, vào thịt.Thế tất hình ảnh cũng là hình tượng biển sẽ hiển hiện ra đầu ngọn bút, trên trang viết tự nhiên như một sở trường, sở đắc đầy hứng thú và niềm mến yêu thắm thiết.
Mỗi nhà văn thường có những sở thích, cảm xúc thẩm mỹ độc đáo.
Chính Bùi Hiển đã nhận ra gió và sự đặc tả gió trên trang viết Nguyễn Tuân. Bạn văn nhận xét sự khuấy đảo những cơn gió của ông Nguyễn từ trước 1945, những cơn gió quẩn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (như gió Vàng Danh trong Thiếu quê hương và trong Chùa Đàn). Rồi sau Cách mạng, Nguyễn Tuân lại có Gió Lào và Gió Than Uyên. Đến lượt bạn văn và bạn đọc cũng tinh tường nhận ra biển với nhiều hình vẻ, dạng thái trong văn Bùi Hiển. Biển thơ mộng và dữ dội. Biển hiền dịu, hào phóng nhưng cũng tàn nhẫn, khốc liệt. Quả là, biết bao người đã vùi thây nơi đáy biển : “Thế nhưng, cuộc sống vẫn tuần hoàn, mưu sinh sau mấy cơn bão chết người, hại của lại bình thản ôm rương xuống biển giong buồm rẽ sóng ra khơi”. Họ thầm mong: “một ân huệ của biển trời có tính chất đền bù an ủi”. Đó là hình ảnh biển và, phải chăng cũng là triết lý biển – một triết lý nhân sinh hiện thực.
Kết cấu truyện thường đơn tuyến, gọn, chắc, tinh tế. Cốt truyện giản dị,ít biến cố. Thật khó có thể tìm ra những cốt truyện ly kỳ, những kết cấu phức tạp với những tình tiết éo le, gay cấn trong truyện Bùi Hiển. Truyện ngắn của nhà văn thường là một lát cắt minh bạch, sáng tỏ về một cảnh tượng, sự kiện, một tâm trạng, cảm xúc nào đó. Nhà văn từng tự bạch quan niệm: “Truyện ngắn phải gọn, linh hoạt. Tôi không thích kể lể nhiều. Phong cách truyện ngắn của tôi là conte chứ không phải nouvelle”.
Ngôn ngữ, giọng điệu truyện cũng cùng phong cách giản dị, tinh tế, sáng rõ. Không cầu kỳ, rắc rối cũng không lên giọng ồn ào. Lại càng không kiểu cách, điệu đàng. Văn cô đọng, súc tích, dung dị, linh hoạt . Gần với lời nói thường ngày nhưng đã được trau chuốt.. Có bạn văn đã nhận xét lối viết chỉn chu, kỹ lưỡng đến từng con chữ của Bùi Hiển.Giọng trữ tình đằm thắm và hài hước dí dỏm là hai giọng chủ đạo.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh phong cách khám phá hiện thực tức phong cách khám phá thẩm mỹ của nhà văn. Nhà văn vẫn phát hiện, thể hiện cuộc sống lao động, chiến đấu trong khung cảnh và không khí thời đại sử thi. Nhưng, đó là hướng đi vào “mạch ngầm” của đời sống lớn muôn hình vạn trạng. Những mạch ngầm mạnh mẽ tuôn chảy âm thầm như những cuộn sóng dư sức quẫy cựa, tung phá. Là những nỗi thương cảm, đớn đau thấm thía đến quặn thắt đủ tạo nên những cao trào phẫn nộ; là những yêu thương thầm kín nhưng mãnh liệt sẽ bùng nổ quả cảm anh hùng. Đó cũng là một dạng thái hào sảng sử thi.
Bùi Hiển từng bộc bạch chân thành : “Trong khi người khác viết về cái cao cả chiến thắng thì tôi lại không quên cái mất mát trong chiến tranh”. Có thể coi đó là những âm trầm, khoảng lặng trong khúc ca hào hùng – bản anh hùng ca thời đại. Và, đôi khi cả những đảo phách lý thú cần thiết nữa.
Luôn tìm cách giải mã những hiện tượng đời sống phức tạp, luôn trăn trở để hoá giải những bức xúc của hiện trạng xã hội đầy biến chuyển là tâm trạng thực cuả nhà văn. Hoàng Minh Châu nhận xét: “Đã có một “niềm tin bền vững” nhưng kề đó còn “những chân lý chông chênh”, “văn học hướng về đâu” vậy? Rõ ràng Bùi Hiển không né tránh, không thoả mãn và trên tuổi bát tuần, anh vẫn chưa nguôi khám phá, sáng tạo” (Đọc lại và cảm nhận mới, 2003).
Theo dòng tiến bộ nghệ thuật, truyện mang tính hiện đại rõ nét.
Đọc những truyện Bùi Hiển dù cách hàng chục năm, nhà văn xuôi gạo cội Ma Văn Kháng thấy vẫn rất mới: “vẫn là những truyện ngắn rất hay của ngày hôm nay, hiện đại, không hề xưa cũ”. Ấy là vì tài năng văn xuôi Bùi Hiển đã sớm tiếp thu và thể hiện qua bút pháp nhiều yếu tố hiện đại, thời sự.
Ví như yếu tố văn hoá tâm linh trong tâm lý được thể hiện qua văn miêu tả về cảnh tượng và cái hồn biển huyền bí, ma quái “…âm dương không phân ranh giới rõ ràng, cõi sống và cõi chết nương nhau vấn vít. Mấy chú oan hồn của những người dân chài đã bỏ mình trong bão tố trở về ngồi lặng lẽ bên mạn thuyền, chắc hẳn chỉ để tìm lại chút hơi ấm cuộc đời vì cảm thấy lòng biển quá mênh mông lạnh lẽo” (Chiều sương, 1941). Đồng hiện quá khứ và hiện tại, ngày hôm nay xen hồi ức xưa cũng được sử dụng đắc địa trong những trang viết mới. Chuyến xe thời gian (1989) là sự hồi tưởng đan xen hiện trạng và tình cảnh dĩ vãng về một mối tình xưa đã mất. Thời gian trở ngược với không gian đang chạy dài trước mắt trên một chuyến xe qua đêm trong tình trạng mơ màng nửa tỉnh nửa mê của chàng trai si tình.
Phong cách truyện Bùi Hiển vừa ổn định vừa biến hoá, luôn mở ra những hướng tìm tòi khám phá mới.Truyện trước kia thiên vế hướng ngoại dần chuyển sang hướng nội và nhà văn rất có ý thức kết hợp hài hoà cả hai xu hướng đó.Tính đa thanh hiện rõ qua đan xen giọng điệu và của nhiều chủ thể qua điểm nhìn trần thuật.
Phong cách của Bùi Hiển thể hiện thật rõ qua thể loại truyện ngắn. Đó là lối xây dựng chủ đề và nhân vật, mà có người còn gọi là kiểu cấu tạo vấn đề và kiểu nhân vật. Chỉ qua truyện ngắn, có hẳn một hệ thống chủ đề phong phú tạo nên một diện mạo khá đa dạng.
Hoàng Minh Châu nhận xét qua Tuyển tập Bùi Hiển: “... nên nói phong cách rõ nét riêng trong truyện ngắn Việt Nam... có thể dẫn ra ba người đầu tiên: Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan và Bùi Hiển” Cho đến Những tiếng hát hậu phương, theo Hà Minh Đức, vẫn đánh dấu những cố gắng mới trong phong cách sáng tạo của Bùi Hiển
Nói rõ hơn, Bùi Hiển âm thầm lặng lẽ làm một cuộc biến đổi bản thân trên hành trình viết theo thời gian như một sự nỗ lực ghê gớm. Dịch thuật là một cơ hội cho nhà văn được thường xuyên tiếp xúc với nền văn học, văn hoá nghệ thuật của thế giới phương Tây và cả phương Đông.
Bùi Hiển là người rất nhạy bén với lý luận văn học trong quá trình tiếp xúc và vận dụng.
Chẳng hạn, khi xét về Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là nói cả lý thuyết về không gian nghệ thuật của thi pháp học. Nhà văn tham gia đổi mới văn học một cách khiêm tốn nhưng lại rất loé sáng vào cuối đời: “Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, truyện ngắn Cái bóng cọc của ông in trên báo Văn nghệ gây một tiếng vang lớn, thực sự là một trong những tín hiệu tốt lành, báo hiệu cho thời kỳ đổi mới của văn học nước nhà” (Trích Điếu văn của Hội Nhà văn Việt Nam, Văn nghệ số 12, 21/3/2009).
III. ĐỜI VĂN – NHỮNG GÌ CÒN ĐỂ LẠI
Bùi Hiển là một nhân cách đẹp có sức toả sáng.
Một đời viết có biết bao quan hệ bè bạn, và cả các mối liên hệ xã hội rộng rãi thông qua công việc giao tiếp. Hầu như nhà văn nhận được rất nhiều thiện cảm, bởi đã ứng xử chân tình với tất cả. Ai ai cũng nhận thấy một trái tim nhân hậu, giàu sẻ chia , cảm thông và yêu thương. Ông là con người đức độ, biết đối nhân xử thế hợp đạo lý từ bè bạn gần xa đến bà con làng xóm quê hương và đồng bào, đồng chí. Người thì nhận ra tính cách từ tốn, độ lượng, người thì mến phục đức khiêm cung, điềm đạm…
Trong công việc, nhà văn là tấm gương tận tuỵ, cần mẫn, tuy giữ nguyên tắc nhưng lại khoan hoà, là hạt nhân đoàn kết cả cộng đồng.
Với bè bạn văn chương cùng trang lứa, Bùi Hiển có mối thâm tình đặc biệt, và qua đó cũng là sự đồng cảm và tương tác rất quý báu. Ông đọc bạn rất kỹ lưỡng, đọc sáng tác, và nhất là đọc người. Từ đó, sẽ nhận ra được cốt cách con người, và thần thái văn chương: “Sáng tác của anh toả một nguồn sáng ấm áp và phảng phất lung linh nhiều sắc độ, nó là một trong những bí quyết thành công của anh” (Tô Hoài – phác hoạ, 1984).Với Nguyễn Tuân là bao nhiêu kỷ niệm từ đầu những năm 40. Bùi Hiển nhận ra một vấn đề cốt tử: “Nguyễn Tuân đi – Đi và viết... Tiếp đó: Đi để rồi viết; Đi, đọc và rồi viết. Đọc, phải chăng đối với anh, cũng là một sự đi. Đi vào một tâm hồn khác, tới những cảnh quan tâm tưởng khác, những chân trời trí tuệ, tinh thần mới lạ hứa hẹn khám phá” (Nguyễn Tuân như tôi từng biết, 1987).
Với lứa đàn em, thậm chí bạn vong niên thua kém nhiều tuổi – như Vương Trọng, Hoàng Minh Châu… đều biết cách đi đặc biệt của bậc trưởng lão: đi vào tâm hồn, đi vào lòng người.
Chính vì vậy mà hình ảnh của nhà văn cũng nằm trong lòng người – một chân dung với nhân cách cao đẹp còn mãi với thời gian.

Cách đây đúng 8 năm, nhà văn lão thành Bùi Hiển đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) vào ngày 11/3/2009.
Lãnh đạo xã Tiến Thuỷ đã đi suốt đêm để kịp viếng ông ngày hôm sau, và ghi vào sổ tang: “Vĩnh biệt ông – nhà văn xuất sắc của đất nước, người con ưu tú của quê hương”. Con trai nhà văn đã ghi nhận một quan hệ tình cảm tuyệt đẹp: “Quê hương xã Tiến Thuỷ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã sinh ra ba tôi, và ba tôi đã mang lại niềm tự hào cho quê hương” (Bùi Quang Tú, Ba tôi,).
Hơn thế nữa, Bùi Hiển – nhà văn chiến sĩ xuất sắc đã sống trong lòng nhân dân, và là niềm tự hào của Quê hương, Đất nước.
Điếu văn do Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Hữu Thỉnh đọc tại Lễ Truy điệu ngày 16/3 tại Hà Nội cũng xác nhận:
“Bùi Hiển là tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, là hiện thân đẹp đẽ cuả một trí thức kiểu mới đã đem hết tài năng và tâm huyết nhằm “đánh thức cái lương tri, thiên lương sẵn có ở mỗi con người””. Những lời cuối định luận về vai trò có ý nghĩa lịch sử của nhà văn suốt chặng đường sáng tạo không biết mệt mỏi của đời viết : “...bạn đọc sẽ mãi nhớ đến anh, lớp trẻ lớn lên sẽ lại tiếp tục lật giở những trang sách của anh, tìm thấy những bài học lớn và lẽ sống về tình yêu thương con người”.
Người đã đi xa, nhưng giọng văn vẫn còn ở lại. Trong ngọn gió thời gian vang vọng, nếu lắng nghe, ta sẽ thấy được tiếng vang êm dịu, thì thầm của Bùi Hiển./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bùi Hiển, Tuyển tập tác phẩm (I, II) (1987, 1997), Văn học.
[2] Nhiều tác giả Bùi Hiển, tác phẩm và dư luận (2003), Hội Nhà văn.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

Các Bài viết khác