NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

BẢN NGÃ VÀ CẢM QUAN LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG

( 16-10-2016 - 06:17 PM ) - Lượt xem: 1118

Ba mươi năm cuộc đời được ghi chép trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng chính là một thời đại diễn ra những sự kiện và hiện tượng vô cùng lớn lao của lịch sử dân tộc.

1. Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912- 25/7/1960) là một nhà văn lớn với cảm quan vô cùng sâu sắc về lịch sử. Chính vì vậy, phần lớn những kịch bản, thiên truyện hay tiểu thuyết của ông đã lấy đề tài từ lịch sử dân tộc. Bằng nghệ thuật ngôn ngữ đặc sắc đầy biểu cảm, các tác phẩm đó đã phục dựng rất sinh động những sự kiện nổi bật trong tiến trình lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại.

 Truyện cổ viết cho thiếu nhi nhan đề “An Dương Vương xây thành Ốc” đã đưa độc giả trở về thời nhà nước cổ đại Âu Lạc của An Dương Vương-Thục Phán với công trình xây dựng độc đáo là đô thành Cổ Loa mà di tích vẫn còn sừng sững cho đến ngày nay. Vở kịch “Cột đồng Mã Viện” đã khắc sâu dấu ấn một sự kiên bi tráng về vận mệnh dân tộc dưới thời Bắc Thuộc. Các tiểu thuyết “An Tư công chúa”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Đêm hội Long Trì” cũng như vở kịch đặc sắc mang tên “Vũ Như Tô” đã góp phần miêu tả những trang sử vẻ vang cùng những biến chuyển thăng trầm của các triều đại văn minh Đại Việt với một số nhân vật đặc sắc của thời đại đó. Các vở kịch “Bắc Sơn”, “Những người ở lại”, “Anh Sơ đầu quân”, kịch bản phim “Lũy Hoa” cùng các tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”, “Truyện anh Lục”, “Bốn năm sau”  là những tác phẩm minh họa sinh động cho các sự kiện lịch sử hiện đại, trong đó Nguyễn Huy Tưởng vừa là người trực tiếp tham gia lại vừa là nhân chứng lịch sử từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn qua Cách mạng tháng Tám và cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi cuộc Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) cho đến thời kỳ xây dưng lại đất nước sau khi hòa bình lập lại.

 Minh họa các sự kiện, nhưng Nguyễn Huy Tưởng vẫn cố gắng thoát khỏi những khuôn khổ khô cứng được quy định, để có thể trình bày bằng bản ngã và cảm quan của chính mình, nên các nhân vật văn học của ông vẫn có sức sống để đại diện cho thời đại lịch sử của họ. Chẳng hạn, “Sống mãi với thủ đô” vẫn là những Người Hà Nội hào hoa thanh lịch đậm tính nhân văn đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, chứ không phải những người bần cố chiến đấu vì bát cơm manh áo của mình.

 Bên cạnh những tác phẩm đã được chính thức xuất bản, Nguyễn Huy Tưởng còn để lại một di sản văn chương đồ sộ khác cho gia đình mình bảo quản mà chưa hề được ra mắt công chúng lúc sinh thời; trong đó có hơn 40 cuốn nhật ký-sổ tay mà ông đã ghi chép liên tục từ lúc thành niên (chính xác là từ ngày 2-1-1930 khi ông 18 tuổi) cho đến cuối đời mình (chính xác là ngày 21-6-1960, hơn một tháng trước ngày ông qua đời).

Ba mươi năm cuộc đời được ghi chép trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng chính là một thời đại diễn ra những sự kiện và hiện tượng vô cùng lớn lao của lịch sử dân tộc. Nền kinh tế và văn hóa tiên tiến từ phương Tây do người Pháp du nhập vào nước ta đã dẫn đến những biến chuyển văn hóa- xã hội sâu sắc theo hệ tư tưởng Khai sáng về Nhân quyền. Trong khi đời sống chính trị lại liên tiếp diễn ra những biến động to lớn về chiến tranh và cách mạng, dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) với bản Tuyên ngôn Độc lập theo hệ tư tưởng Khai sáng. Nhưng rồi những diễn biến của cuộc kháng chiến chống Pháp trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh giữa hai phe trên thế giới đã thúc đẩy Việt Nam DCCH từ bỏ hệ tư tưởng này để gia nhập phe Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) do Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo theo hệ tư tưởng Cộng sản về đấu tranh giai cấp. Theo đó, cuộc CCRĐ cùng những cuộc “chỉnh huấn”, “chỉnh quân” và “chỉnh đốn tổ chức” khốc liệt đã liên tiếp diễn ra, dẫn tới một cuộc đấu tranh gay gắt về văn hóa-tư tưởng được gọi là “Vụ Nhân văn-Giai phẩm”.

 Bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, do Nguyễn Huy Thắng - người con trai và cũng là người nối nghiệp xứng đáng của ông - biên soạn để NXB Thanh Niên xuất bản vào năm 2006 (46 năm sau ngày Nguyễn Huy Tưởng từ trần). Toàn bộ Nhật ký dày hơn 1700 trang, được chia thành 3 tập: Tập I - Đến với Văn chương và Cách mạng, Tập II - Những năm Kháng chiến, Tập III – Nghệ sĩ và Công dân.

 Trong các thể loại văn chương, không gì có thể sánh được với nhật ký về tính chân thật của những điều được viết ra từ những nơi sâu kín nhất của tư tưởng và tâm hồn người viết. Vậy mà khi viết những dòng tâm huyết trong nhật ký của mình, Nguyễn Huy Tưởng còn tự nhủ rằng “Người là thật. Phải thật với người”. Qua đó đủ thấy giá trị khoa học và văn chương của Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng to lớn biết nhường nào.

2. Nhiều trang trong bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng mang dáng dấp tự truyện hay ký sự, trở thành nguồn tư liệu phong phú và quý hiếm để nhận thức và phục dựng các sự kiện trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Trong đó, những trang nhật ký chuyến đi của ông cùng Nguyễn Hữu Đang lên Việt Bắc vào trung tuần tháng Tám năm 1945 để đại diện cho Hội Văn hóa Cứu quốc (thuộc mặt trận Việt Minh) tham dự Quốc dân Đại hội chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám chính là một tư liệu lịch sử đặc biệt về cách mạng trong thời kỳ Tiền Khởi nghĩa (đã đăng trên tạp chí “Tiên Phong” dưới tựa đề “Ở chiến khu”).

Do một sự trục trặc nào đó, hai ông không kịp đến dự Quốc dân Đại hội (đã chính thức khai mạc ngày 16-8); nhưng thay vào đó, Nguyễn Huy Tưởng đã ghi nhận được nhiều điều mới lạ về thực tiễn cách mạng ngay trong ngày 17-8. Khi ấy, thế lực và ảnh hưởng của Việt Minh đã vượt khỏi khu giải phóng Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái. Ngay cả tỉnh trung du Bắc Giang cũng đã thuộc về khu giải phóng với cả “chiến khu” trong đó. Các “ủy ban giải phóng” được thành lập cùng với các đội tự vệ vũ trang bằng súng và đao kiếm để phát triển cách mạng, chống bọn Việt gian, bọn đầu cơ tích trữ lúa gạo và cả trộm cướp lưu manh. Nhân dân tin tưởng và ủng hộ cán bộ cách mạng; những thanh niên thôn quê ít học hăng hái gia nhập tự vệ, say mê học chính trị và hát các bài ca cách mạng.

 Nhưng phát hiện mới lạ nhất của Nguyễn Huy Tưởng lại là sự lạm dụng bạo lực cách mạng dẫn đến những hậu quả tai hại.

 Anh Nhâm là một người xuất thân từ tầng lớp vô sản lưu manh, trở thành một chiến sĩ cách mạng tài ba dũng cảm khét tiếng, lập nhiều chiến công  trong việc tiêu trừ bọn Việt gian, đánh quân Nhật, dẹp tan ổ trộm cướp, tuyên truyền vận động đông đảo nhân dân và cả lính đồn theo Việt Minh, nên đã được nhân dân mến phục và cấp trên tín nhiệm. Rồi bỗng nhiên anh lại “kéo cờ Việt Minh đi ăn cướp”; nên lại bị bạn chiến đấu của mình là anh Yên kết án tử hình. Một đội viên tự vệ đã chứng kiến sự việc kể lại: “Anh Yên cho người đến bắt, giá anh Nhâm trốn đi cũng được, nhưng anh để cho anh em trói dẫn đi. Anh tỏ ý hối hận, nhưng vẫn vui như thường. Chúng em cũng tưởng công của anh to, đoàn thể cũng khó kiếm được những người như anh, chắc là anh chỉ bị phê bình, cùng lắm thì đến bị khai trừ đã là nặng. Ngờ đâu anh Yên đề nghị nhất định xử tử” (1). Nhân chứng kể tiếp: “Thế rồi anh Nhâm bị đem ra chợ chém như một tên cướp thường, như một Việt gian. Khi biết tin mình bị xử tử, anh Nhâm thét lên kêu trời và khóc rũ rượi. Anh không ngờ. Chúng em tiễn anh ra chợ; già trẻ, con trai, con gái, người nào cũng khóc. Trông anh quỳ giữa chợ, cúi gằm mặt xuống, không dám nhìn ai, khóc hết cơn này đến cơn khác, em thương quá…” (1).

 Anh Phái nghèo rớt mùng tơi mà cũng tham gia Việt Minh. Khi chị Thuận (một cán bộ cùng cỡ với anh Yên) đẻ con đã phải đến ở nhờ nhà anh Phái. “Anh cố xoay xở, chạy gạo, chạy tiền để nuôi chị Thuận và để thuốc thang nữa, vì chị ấy ốm, cả đứa bé cũng ốm. Chị ấy ở đây tám tháng. Anh Phái sau phải bán nhà. Thế rồi, về sau anh Phái cũng kéo cờ Việt Minh đi ăn cướp. Chính chị Thuận kết án chém anh ấy” (1).

 Nguyễn Huy Tưởng cùng Nguyễn Hữu Đang đã “trố mắt nhìn nhau” (1) vì kinh ngạc về hai vụ hành quyết phi pháp bất chấp lương tâm và đạo lý làm người như vậy. Riêng về hai nhân vật đã hành xử quyền giết người theo lập trường cách mạng là anh Yên và chị Thuận, Nguyễn Huy Tưởng cảm thấy “hơi rờn rợn sự quyết liệt của hai người cán bộ ấy” (1). Còn Nguyễn Hữu Đang phải cố lý giải rằng: “Có lẽ đất này là đất nghịch, nhiều cướp, và muốn cảnh cáo bọn ấy, đồng thời làm rõ tôn chỉ của Việt Minh cho dân gian, nên đoàn thể đã xử một cách nghiêm khắc một đồng chí có lỗi lầm nhưng có tài, có đảm lực và đã có công lớn ấy chăng?”(1). Với tấm lòng nhân đạo bao la, chắc rằng Nguyễn Huy Tưởng đã phải suy tư trăn trở nhiều hơn thế. Nhưng ông không viết thêm một lời bình luận nào, mà chỉ ghi lại tường tận lời kể của nhân chứng, để cho bản thân sự việctự nó đưa ra lời phán xét:

 “Anh Nhâm khóc như mưa, nghẹn ngào mãi mới dám ngửng đầu trông lên anh Yên (…). Anh bảo anh Yên: ‘Em giúp đoàn thể đã nhiều. Em tranh đấu để đánh đuổi giặc Nhật, giặc Pháp. Em định đan lưới để bắt quân thù, ai hay em đan lưới để tự bắt em’. (…). Anh Nhâm lại còn nói: ‘Anh Yên, em biết em có lỗi. Em không oán anh đâu. Nhưng em xin anh một điều, anh cứ trao cho em một khẩu súng, vài viên đạn, cho em đi giết giặc, em chết vì tay giặc còn hơn chết thế này, chết dưới lưỡi gươm của đoàn thể. Anh ơi, nhục lắm, nhục cho em lắm’. Anh Nhâm kêu rống lên. Em lạnh buốt cả người, em không dám nhìn anh Nhâm vì người anh cứ rung lên, nước mắt em cứ chảy ròng ròng. Khi biết rằng xin cũng không được, anh thét lên: ‘Giời ôi! Nhục lắm, giời ôi!’ rồi anh ngất đi một lúc lâu mới tỉnh…”(1). Và đây là thái độ của “đao phủ” và tình cảm của nhân dân dành cho tử tội: “Anh Trương Hoán phải chém anh Nhâm, khóc mãi rồi mới chém. Chém xong anh ngã lăn ra, vừa khóc vừa kêu: ‘Anh Nhâm! Sao tôi lại giết anh? Anh Nhâm ôi!’. Em thương anh Nhâm quá, bây giờ vẫn còn thương. Trong làng, ai cũng thương, ai cũng nói đoàn thể chỉ nên khai trừ cũng đủ…” (1). Toàn dân thương xót người tử tội ấy; chỉ riêng các “cán bộ đoàn thể” đã kết án anh là không chút động lòng. Vậy, họ là loại người gì? Họ làm cách mạng vì cái gì? Và do đâu mà họ có quyền sinh sát bất chấp công lý, lương tâm và đạo lý như vậy? Trả lời những câu hỏi này tức là đã đưa ra lời phán xét đầy đủ.

 Trong quá trình cách mạng, những vụ hành quyết tương tự như thế không phải hiếm. Nhưng dù sao đi nữa, cuộc Cách mạng tháng Tám đã thành công để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc tiến lên con đường Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.

 3. Khi cuộc CCRĐ (1953-1957) diễn ra “long trời lở đất” theo tư tưởng Mao Trạch Đông (được coi là “kim chỉ nam” của Đảng ta hồi ấy), thì Nguyễn Huy Tưởng lại phải viết những dòng đẫm lệ để ghi lại những sự ngang trái, bất công, phi pháp, vô nhân đạo và tội ác diễn ra trước mắt mình. Đây là một cảnh đấu tố địa chủ: “Tình hình ngày càng trầm trọng. Vẫn là cải cách ruộng đất. Không còn chút tình cảm gì. 3 sào cũng là địa chủ. [Có nơi] ngụy binh là chỗ dựa của đội. Nó đứng ra đấu đồng chí đã vào sinh ra tử. Có đồng chí hô: Hồ Chủ tịch muôn năm, nó mắng miệng mày bẩn mà cũng hô à?” (2). Đây là những cảnh khác: “Đốt tay người bị tra. Nhục hình tàn khốc. Bắt anh đấu em, vợ đấu chồng, con đấu bố, bạn đấu bạn. Kích diện tích, sản lượng lên [để quy thành phần: địa chủ, phú nông…]. Một thứ vô nhân đạo kinh khủng, tạo nên một thứ căm hờn giả tạo nguy hiểm. Bố Phạm Ngọc Khuê bị giam chết. Mẹ 75 tuổi bắt đi lao động cải tạo. Con địa chủ bị chia ruộng xấu + sản lượng đã kích lên. Thuế không đủ. Đi lấy củi không cho. Đi bắt tôm, bắt cua không được. Có những đứa chết. Thảm thiết là không thương hại những đứa nhỏ, bố mẹ bị đấu, đem cả trẻ con ra. Một bác sĩ bị đem ra đấu: mày đã tiêm chết con tao!”(2). Đây là chân dung của các cán bộ CCRĐ: “ Cán bộ cải cách ruộng đất lập thành tích, chóng lên Đoàn ủy, vì Đoàn ủy là ngang Tỉnh ủy. Dựng cả nên những âm mưu để bắt người. Bắn trượt. Rồi bắt. Để tỏ ra tích cực công tác, phụ trách xã khó khăn, nhưng cuối cùng khám phá được hết, bắt được nhiều phản động v.v…” (2); và biện pháp để bắt người vô tội phải nhận tội (gán cho họ là Quốc dân đảng, phản động, làm gián điệp cho địch…):  “Cái ác của nông dân thật không biết thế nào mà kể cho hết. Giam rất chật chội. Ăn bắt ăn nhạt, cơm với lạc. Khát bắt uống nước muối. Khổ vô cùng. Bốn tỉnh ủy viên thì ba nhất định không nhận tội, chỉ có một người khổ quá phải tự sát” (2). “Trong cải cách ruộng đất. Một đôi trai gái yêu nhau ngoài ruộng. Đội thấy, cho là âm mưu phá hoại. Cuối cùng dựng lên cả một vụ gián điệp. Hai người nhận là phản động, nhưng không dám thú là yêu nhau, và bị giết thảm hại”(2). Và tình hình chung là: “Biết bao những người oan uổng. Đau xót vô cùng là đồng chí có công lao trong kháng chiến vào sinh ra tử, ở hầm, ở hố, nay bị đem ra bắn. Có những người theo lệnh của Trung ương ký giấy cho bà con di cư, nay bị đem ra xỉ vả, không có một lời khiếu nại, minh oan. Có những người đeo huy hiệu Điện Biên Phủ, cải cách ruộng đất, huân chương đội trưởng đem lột để bỏ tù, đánh đập. Có những người [được] Bác cho áo, chúng cũng lột cho là làm giả và nghi cho là gián điệp. Rất buồn là đưa lên những cốt cán 17, 18 tuổi không biết gì nhân tình thế thái, cũng không hề tham gia kháng chiến, nay là đôi trưởng điều khiển bao nhiêu cán bộ đã tham gia kháng chiến, lăn lộn trong cải cách ruộng đất, và áp bức nông dân, ho ra lửa, thét ra khói. (…). Bần cố nông chủ nghĩa. Đâu là nhân đạo cách mạng?”(2).

 

Chỉ qua một sự việc nhỏ mà mình quan sát được, Nguyễn Huy Tưởng đã cho thấy thế lực “nhất đội nhì trời” của đội cải cách là như thế nào: “Vương Thừa Vũ [tư lệnh Đại đoàn 308] về làng, chưa kịp báo với đội. Đội trưởng là một cán bộ trung đội của Đại đoàn [này]. Mắng Vũ là sai nguyên tắc. Vũ sợ quá, xách ba lô đi” (2). Thật dễ hiểu vì sao, ngay cả bố mẹ của Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh đã có thể bị đấu tố nếu không được giải cứu kịp thời. Tình hình đã trở nên kinh khủng, đến mức “Hôi nghị cán bộ đòi xét lại vấn đề chỉnh đốn tổ chức, vấn đề cải cách ruộng đất, thi hành kỷ luật các cán bộ, kể cả các đồng chí Trung ương [mắc khuyết điểm]. Rất nhiều cán bộ lâu năm, cao cấp của Đảng, bị bắt, bị nhục hình, có người vào sinh ra tử trong kháng chiến, bị xử tử” (2). “Trần Huy Liệu gặp Cụ Hồ, kể các chuyện cải cách ruộng đất. Cụ cũng đau xót, nhưng nói phải bình tĩnh. Cuống thì không giải quyết được” (2).

Đảng-Bác đã phải thừa nhận CCRĐ là sai lầm, và quyết định tiến hành một cuộc sửa sai. Nhưng ngay trong quá trình sửa sai, xã hội vẫn tiếp tục rối loạn vì nông dân nổi dậy trả thù theo tinh thần “ác giả ác báo” đối với những kẻ từng gây những nỗi oan khiên tày trời cho họ. “Tình hình nông thôn vẫn căng thẳng. Đánh nhau luôn. Cốt cán bị chửi, có nơi bị rạch mép. Có nơi nhét cứt vào mồm cốt cán. Cốt cán không dám ở làng. Lang thang ngoài tỉnh hay trên tàu. Quân nói dối. Do cán bộ dựng nên: cũng khổ” (2). “Việc rạch mồm cốt cán phổ biến trong các xã. Có xã, cốt cán cưới vợ. Nông dân tới, bắt chị cốt cán đem cắt môi đi”(2). “Không khí nghi ngờ, khủng khiếp, xơ xác. Đội không dám về các xã. Những người có con em bị giết đòi đội về để tự tay xử. Có đội treo bố người ta lên cành cây bắn. Nay họ chỉ xin làm như thế đối với đội”(2).“Một em bé, trước mồ côi, sài đẹn, được một bà nuôi. Nay đội quy bà này là địa chủ, bồi dưỡng em bé đấu, chửi rủa. Quy lại bà chỉ là trung nông. Em bé về, bà không nuôi. Em không ở được, bơ vơ. Không ai dám nuôi. Có thể bị chết đói”(2). “Một anh bộ đội hỏi giấy một cán bộ cải cách ruộng đất. [Người cán bộ] không đưa. Biết là đội cải cách ruộng đất, anh bộ đội giơ báng súng nện” (2).

Từ hàng loạt sự việc với người thật việc thật như vậy, Nguyễn Huy Tưởng đã nhận rõ những hậu quả vô cùng thảm khốc của cuộc CCRĐ đối với nền tảng kinh tế, văn hóa, đạo lý và cả sức mạnh chính trị của toàn dân tộc, khi “nhân phẩm con người bị chà đạp nhiều quá, thậm chí không còn có lòng nhân đạo, mà chỉ theo cái thú tính hạ đẳng của con người” (2).Ông đã phải thét lên rằng: “Dân tộc Việt Nam ơi! Sao mà người mang nhiều nỗi đau thương thế. Ta biết làm gì để cứu giúp Tổ quốc trong lúc này!” (2).

Tiếp liền với cuộc CCRĐ,  vụ Nhân văn-Giai phẩm đã bùng lên trong giới văn nghệ sĩ. Cũng như nhiều nhà văn Việt Nam cùng thời với mình, Nguyễn Huy Tưởng đã trải qua một giai đoạn thử thách về bản ngã và nhân cách trong vụ này. Qua từng trang nhật ký của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã dành rất nhiều tâm huyết để miêu tả và tường thuật kỹ lưỡng những sự việc diễn ra cùng những con người tham gia trong đó. Khi ấy, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán… đã dùng báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm để đấu tranh đòi tự do dân chủ cho văn nghệ và cho xã hội. Thế là một làn sóng chống họ đã được phát động rầm rộ. Dưới sự lãnh đạo của Tố Hữu và Hà Xuân Trường, hàng loạt văn nghệ sĩ đã tham gia vào trận đánh Nhân văn-Giai phẩm: Hoài Thanh, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Đỗ Nhuận, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…

Trước tình hình đó, Nguyễn Huy Tưởng cho rằng: “Đảng có sai lầm, nhưng cái chính nghĩa vẫn là ở Đảng”(2); và ông quyết định: “Chung thủy với Đảng, với đồng chí. Khi thuận lợi, lúc khó khăn, đem hết sức mình ra mà phấn đấu cho lợi ích Đảng”{2). Do đó, người ta không thấy Nguyễn Huy Tưởng trong hàng ngũ của nhóm Nhân Văn; mà ông cũng không cùng hội cùng thuyền với những người đang cùng nhau đánh họ. Có lẽ bản chất hiền lành đã giữ ông đứng ngoài những cuộc đấu tranh gay cấn; để bảo vệ Đảng bằng cách chỉ ra những sai lầm giúp Đảng sửa đổi theo hướng dân chủ hóa. Nguyễn Huy Tưởng có cơ sở để hy vọng ở cách thức sửa sai này, khi ông đã được chứng kiến Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 2-1956) lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin cùng những tội ác mà ông này gây ra: “Ánh sáng Đại hội hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô chiếu khắp. Một cuộc duyệt lại cách sống, cách nghĩ. Một cuộc duyệt lại nhiều chính sách từ trước tới nay được coi như kinh thánh. Trăm tiếng nói cất lên, không phải chỉ là một tiếng nói từ trên dội xuống. Cùng với cuộc đấu tranh chống bệnh sùng bái cá nhân ngày càng mạnh, cái sợ vu vơ dần dần bị đánh bạt, phong trào tự do dân chủ lên cao” (4). Tuy nhiên, trong vụ Nhân văn-Giai phẩm, ông vẫn nhìn nhận các nhân vật thuộc cả cả hai bên theo tiêu chuẩn riêng của mình về nhân cách con người. Qua những trang nhật ký riêng tư, ông thể hiện rõ ràng thái độ của mình với những người cao thượng dũng cảm chịu đòn để bảo vệ chân lý, và với những kẻ thấp hèn khuất phuc cường quyền vì quyền lợi cá nhân. Nhờ đó, những trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành nguồn tư liệu quý giúp các nhà nghiên cứu phục dựng lại một sự kiện đặc biệt gay cấn trong lịch sử văn hóa-tư tưởng và văn học Việt Nam. (3)

4.  Đúng như nhận định của Karl Marx về “bản chất con người là sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”, con người Nguyễn Huy Tưởng đã hình thành từ hoàn cảnh xã hội mà ông đã và đang sống. Kế thừa đạo lý nhân nghĩa truyền thống của dân tộc, lại được tiếp nhận thêm hệ tư tưởng Khai sáng về Nhân quyền từ nền văn hóa-giáo dục Pháp-Việt đương thời, Nguyễn Huy Tưởng tham gia cách mạng giành độc lập tự do cho Tổ quốc vì lý tưởng giải phóng con người. Ông khẳng định rằng:

“Điểm xuất phát của cách mạng là con người. Đế quốc phong kiến khinh rẻ con người như cỏ rác. Chúng ta hãy nâng niu từng sợi tóc, từng giọt máu, từng tình cảm nhỏ của con người. Hơn lúc nào hết, phải đề cao cái ý thức tôn trọng con người, tôn trọng cái địa vị chủ nhân của mỗi một người Việt Nam. Không để cho một cử chỉ thô bạo nào xâm phạm đến con người. Mỗi một con người là một lâu đài thiêng liêng mà chúng ta phải tới với một tấm lòng chân thành tôn kính” (4).

 Xuất phát từ lý tưởng này, Nguyễn Huy Tưởng đã phán xét các hiện tượng bất công, phi lý, phi pháp, phi nhân tính và vô nhân đạo trong các sự kiện lịch sử đương thời, để tìm ra chân lý cho con đường phát triển tương lai của dân tộc. Thực tiễn đã chứng minh rằng những sự phán xét và những định hướng mà ông chỉ ra là vô cùng chính xác. Chỉ một thiên tùy bút “Một ngày chủ nhật” (tức ngày 11-11-1956) của ông cũng đã chứa đựng đầy ắp những suy tư về tình hình chính trị, văn hóa và xã hội của đất nước sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp với cuộc CCRĐ đã bước vào giai đoạn sửa sai. Từ đó, ông đưa ra những phán xét - tiên đoán sáng suốt mà chẳng bao lâu sau đã trở thành hiện thực:

“Ông dự cảm những mảng tối mà mình phát hiện chứa đựng nguy cơ tồn vong của chế độ chính trị và của cả cả phe XHCN; thì nguy cơ ấy đã biến thành hiện thực hiển nhiên.

Ông đặt niềm tin vào cuộc đấu tranh sửa chữa sai lầm để trở lại với đường đi đúng; thì thực tiễn đã cho thấy nơi nào không chịu sửa sai hay đổi mới thất bại thì chế độ chính trị ở nơi ấy đã tiêu vong.

Ông lo lắng trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa hai miền; thì chiến tranh thực sự đã nổ ra với quy mô và sự ác liệt ngoài sức tưởng tượng.

Ông đau xót trước sự tàn phá nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc nhân danh cách mạng; thì hậu quả của sự tàn phá ấy tồn tại mãi về sau mà chưa có cách nào khắc phục được.

Ông nhìn thấy sự trì trệ của ‘bộ máy quan liêu cồng kềnh’; thì cuộc đổi mới ở Việt Nam đã phải đặt ra mục tiêu xóa bỏ cơ chế quan liêu-bao cấp để thay thế bằng cơ chế thị trường ‘định hướng XHCN’.

Ông bất bình với cách dùng người dựa trên lý lịch với lập trường chính trị mà không cần đến trình độ chuyên môn; thì đó vẫn là vấn đề nhức nhối kéo dài mãi, mặc dù ngày nay bằng cấp chuyên môn đã được chú trọng  hơn trước.

Ông muốn cuộc cách mạng của chúng ta phải xuất phát từ con người chứ không phải từ quan niệm tập thể giản đơn đồng loạt hóa cuộc đời; thì cho đến nay, nhân quyền vẫn là vấn đề bức xúc nhất của Việt Nam trong các chính sách đối nội và đối ngoại”(5).

*

Với bản ngã vững vàng và cảm quan lịch sử vô cùng sâu sắc, Nguyễn Huy Tưởng đã để lại cho dân tộc những tác phẩm đặc sắc cùng những di cảo đồ sộ có giá trị khai sáng vĩnh hằng. Qua đó, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã hiến dâng cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam những bài học lịch sử vô giá.

 -----------------

(1) Nguyễn Huy Tưởng, Ở chiến khu, Tập san Người yêu sách số 56, Câu lạc bộ Người Yêu sách Nguyễn Huy Tưởng ấn hành nội bộ tháng 7-2016.

(2) Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký, Tập 3- Nghệ sĩ và Công dân, NXB Thanh Niên, 2006.

(3) Xem: Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký, Tập 3-Nghệ sĩ và Công dân, NXB Thanh Niên, 2006.

(4) Nguyễn Huy Tưởng, Một ngày chủ nhật, NXB Văn nghệ, Hà Nội 1957.

(5) Lê Vinh Quốc, Nỗi lòng Nguyễn Huy Tưởng trong “Một ngày chủ nhật”, trong tập  Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú-Đông Anh (nhiều tác giả), NXB Kim Đồng, 2015.

TS LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác