NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ALEXANDRE DUMA,S ÔNG HOÀNG CỦA TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ

( 16-07-2019 - 08:14 PM ) - Lượt xem: 993

Tuy không tạo được tiếng vang lớn và tầm hưởng sâu sắc như Victor Hugo nhưng Alexander Dumas (cha) cũng là một tên tuổi đáng nể của nền văn học Pháp thế kỉ XIX. Ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, với hơn 100 tiểu thuyết, 140 vở kịch lớn nhỏ và nhiều truyện ngắn. Với văn giản dị và nhuần nhuyễn cùng các kể chuyện hài hước, tác phẩm của ông vẫn được đọc một cách say mê sau gần hai thế kỉ. Đặc biệt hầu hết các tác phẩm của ông đều có đề tài về lịch sử, vì ông đã từng nói “ Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi treo ý tưởng của tôi vào đấy”

Tuổi thơ gian khó

Người ta gọi Alexander Dumas cha là “đứa con lai” vĩ đại của nền văn học Pháp. Câu nói này dường như mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta hãy nói qua một chút về thân thế của ông. Alexander Dumas là con của tướng quân Thomas-Alexandre Dumas, một tướng quân làm việc dưới trướng của Napoleon, còn mẹ ông là con gái của một chủ nhà trọ. Với thân thế này thì cũng chẳng có gì để bàn, nhưng hãy nhìn về quá khứ một chút. Mẹ của tướng quân Thomas-Alexandre Dumas hay bà nội của văn hào nổi tiếng là người gốc Phi, còn ông nội của ông là hầu tước Alexandre Antoine Davy de la Pailleterie. Từ nhỏ cậu bé Thomas đã mặc cảm vì mình là con ngoài giá thú, là một “quý tộc không thuần chủng”. Dĩ nhiên, cậu bé Alexander Dumas cũng có một phần dòng máu của lục địa đèn. Họ Dumas của hai cha con ông để tưởng nhớ tới người mẹ tội nghiệp luôn phải sống trong sự ghẻ lạnh và khinh thường của người đời.

Tuy sinh ra trong gia đình có nguồn gốc quý tộc, nhưng tuổi thơ của Alexander Dumas không êm đềm như người ta vẫn nghĩ. Năm ông lên 4 thì tướng quân Thomas-Alexandre Dumas qua đời. Người vợ góa của ông không thể chèo chống nổi gia đình, nên cảnh nhà ngày một sa sút. Đứa con trai duy nhất của bà cũng không được học hành đầy đủ, cậu bé đành phải tự học dưới sự chỉ bảo của mẹ thay cho việc thuê gia sư riêng.

Để giúp đứa con bé bỏng vơi đi nỗi nhớ cha, bà Marie- mẹ của Alexandre Dumas kể cho con về những trận đáng của chồng trong những cuộc viễn chinh dài trên lưng ngựa. Trí tưởng tượng cùng sự ham thích phiêu lưu, khám phá của nhà văn được khơi dậy từ đó. Khi chưa có điều kiện đi chu du khắp nơi, ông  cùng trí tưởng tượng siêu phàm của mình phiêu lưu trên trang giấy.

Năm 20 tuổi, chàng trai trẻ Alexandre Dumas đã được nhận vào làm tại một văn phòng công chứng ở Paris vì viết chữ đẹp. Tại đây, người thanh niên giàu trí tưởng tượng đã viết những vở kịch đầu tiên. Vài năm sau, khi các tác  phẩm của ông được công chúng đón nhận nồng nhiệt, Alexandre Dumas bỏ hẳn công  việc bàn giấy nhàm chán và tập trung vào viết lách.

Sự nghiệp văn chương

Sự nghiệp văn chương của Alexandre Dumas thực sự bắt đầu bằng vở kịch “Vua Hăngri III và triều đình” ra mắt năm 1829 đã thành công hơn cả mong đợi. Hai năm sau, năm 1831 với vở kịch “Angtony” đầy màu sắc hiện thực  và lãng mạn được nhiệt liệt hoan nghênh đã đánh dấu một bước cách mạng trong nền nghệ thuật sân khấu  và đưa ông lên hàng những người mở đường cho trường phái mới và trở thành nhà viết kịch nổi tiếng.

Alexandre Dumas dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu lịch sử các nước phương Tây, nhất là lịch sử nước Pháp, coi đó là nguồn cảm hứng sáng tác không bao giờ cạn, Dưới ngòi bút của ông, từng thời kỳ lịch sử đã sống lại và phong phú thêm: Thời vua Saclơ V với “Đứa con hoang Môlêông”; thời Frăngxoa I và Hăngri II với “Người thị đồng của quận ông Xavoa” và “Hai nàng Đian; thời Hăngri III với “Hăngri III và triều đình”, “Bốn mươi năm”, Phu nhân Môngxôrô”, “Hoàng hậu Macgô”; thế kỷ XVII với “Hăngri IV”, “Lui XIII”, “Risơliơ”, “Lui XIV và thế kỷ của ông”, “Hoa tuylip đen”, “Ba người lính Ngự lâm” và những phần tiếp theo; thời nhiếp chính và vua Lui IV với “Một người con gái vị nhiếp chính”, “Olympơ Clevơ”, “ Hiệp sĩ Acmănglan”; thời cựu hoàng với “Chuỗi hạt cuat Hoàng hậu” và “Hiệp sĩ Nhà đỏ”; thời cận đại với Bá tước Môngtơ Crixtô…

Với 140 vở kịch, A.Dumas hầu như là một trong những nhà văn lãng mạn bậc nhất giành được vinh quang rực rỡ trong nghệ thuật sân khấu và cách mạng sân khấu.

Từ nhà viết kịch Alexandre Dumas đã nhanh chóng trở thành nhà viết tiểu thuyết lớn, viết nhiều và viết khỏe. Sức sống dồi dào, trí tưởng tượng phong phú và táo bạo. Với năng lực làm việc phi thường đã giúp cho ông có một sự nghiệp thật lớn lao. Truyện của ông đưa cho các nhà xuất bản và báo chí thường chưa bao giờ xong chọ vẹn mà viết đến đâu đưa đến đấy. Ông thường viết liền một mạch không tẩy xóa, sửa chữa, cứ y như các truyện tự nó hình thành và phát triển và nó chỉ mượn bàn tay thần ký của ông để trào ra trang giấy. Tuy nhiên ông làm việc một cách tập thể , thường mượn nhiều người giúp việc nghiên cứu, soạn tư liệu, sơ thảo. Ông cũng trả công lao họ sòng phẳng và khi giới thiệu hoặc đưa tên chung của họ vào tác phẩm của mình.

Ngoài kịch và tiểu thuyết,  Alexandre Dumas còn viết nhiều thể loại khác nhau. Như bộ “Lịch sử dòng họ Buôcbông xứ Napôli” gồm mười tập và các biên niên sử khác là tài liệu quí giá và phong phú . Bộ “Những hồi ức của tôi” cũng mười tập theo ông nói “ không phải là gì khác hơn là một truyện kể bao la không bao giờ hết được”. Bộ “Cảm tưởng du hành” hai mươi chín tập của ông với cách viết rất linh hoạt phản ánh sinh động những điều mắt thấy tai nghe ở nhiều địa phương, nhiều nước mà ông đã đi qua đã đưa ông lên hàng bậc thầy của thể “ký phóng sự” lớn.

Sự ham thích phiêu lưu của Alexandre Dumas thể hiện rõ trong một số sáng tác của ông, đặc biệt là hai tác phẩm nổi tiếng “Ba chàng lính ngự lâm” và “Bá tước Monte Cristo”. Trong các tác phẩm này, người đọc cũng sẽ nhận ra tiếng nói nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc, khi tác giả đã đứng lên bênh vực cho những người nghèo, những nguời cần được bảo vệ trong xã hội. Nhà văn còn muốn gieo vào lòng người đọc niềm tin về công lý và công bằng trong xã hội đầy rẫy những bất công. Dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi, chúng ta hãy luôn tin rằng lẽ phải rồi sẽ thắng.

Thiếu vắng tình phụ tử từ tấm bé, nên thứ tình cảm thiêng liêng này đã trở thành một trong những chủ đề đáng chú ý trong tác phẩm của Alexandre Dumas. Hình tượng cha Pharia trong “Bá tước Monte Cristo” là một ví dụ điển hình cho điều này. Đối với nhà văn, nguời . cha không chỉ có ơn sinh thành, mà quan trọng hơn cả, đó còn là nguời dưỡng dục và uốn nắn cho đứa con nên người, là một tượng đài để con cái noi theo.

Trong các tác phẩm của mình, Alexander Dumas còn dùng ngòi bút để bóc trần bộ mặt giả dối và hào nhoáng của chế độ quân chủ phong kiến đã hết thời ở châu Âu, mà đặc biệt là tầng lớp quý tộc hợp hĩnh, luôn cậy thế ức hiếp người khác. Không chỉ có chất phiêu lưu, sự trào lộng hài hước, các tác phẩm của Alexander Dumas cha còn có những “mầm mống” của chủ nghĩa hiện thực phê phán.

Khi nói tới đây, chúng ta phải nhắc đến một tiểu thuyết khá quen thuộc trong sự nghiệp sang tác của ông, đó là “Hoa tuy-líp đen”. Đưa độc giả ra khỏi không gian quen thuộc của Paris hoa lệ, đến với thành phố La Haye rực rỡ của Hà Lan. Tác phẩm là câu chuyện đẹp về đam mê, sự công bằng, tình yêu và lòng dũng cảm. Công lý là điều đáng quý vô ngần, như chính bông hoa tuy-líp đen mà anh chàng  Cornélius van Baerle đã dày công nghiên cứu.

Tiểu thuyết của Dumas nổi tiếng đến mức chúng sớm được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Ông kiếm được rất nhiều tiền, nhưng ông thường xuyên vỡ nợ, vì tiêu xài hoang phí cho phụ nữ và cuộc sống xa hoa. Năm 1846, ông đã xây dựng một ngôi toà lâu đài tại Le Port-Marly ngoại ô Paris mang tên Lâu đài de Monte-Cristo, ông mở “xưởng viết tại đây. Lâu đài thường xuyên mở cửa đón tiếp đầy những nhà văn lạ và quen, họ đã ở lại lâu dài và tận dụng sự hào phóng của ông. Hai năm sau, gặp khó khăn về tài chính, ông đã bán toà lâu đài này.

Sau khi vua Louis-Philippe bị lật đổ, Louis-Napoléon Bonaparte đã được bầu làm tổng thống. Khi Bonaparte không chấp thuận tác giả, A.Dumas đã trốn đi vào năm 1851 tới Brussels, Bỉ, đây cũng là một nỗ lực để trốn các chủ nợ của ông. Khoảng năm 1859, ông chuyển đến Nga, nơi tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ hai của giới thượng lưu và các tác phẩm của ông rất nổi tiếng. A.Dumas đã dành hai năm ở Nga trước khi rời đi để tìm kiếm những cuộc phiêu lưu khác. Ông đã xuất bản sách du lịch về Nga.

Vào tháng 3 năm 1861, vương quốc Ý tuyên bố, Victor Emmanuel II là vua Ý. Dumas đi du lịch sang đó và trong ba năm tiếp theo tham gia vào phong trào thống nhất Ý. Ông thành lập và lãnh đạo một tờ báo, Indipereee. Trở về Paris năm 1864, ông xuất bản sách du lịch về Ý.

Bất chấp nền tảng quý tộc và thành công cá nhân của Dumas, ômg đã phải đối phó với sự phân biệt đối xử liên quan đến tổ tiên chủng tộc hỗn hợp của mình. Năm 1843, ông đã viết một cuốn tiểu thuyết ngắn, “Chàng Georges”, đề cập đến một số vấn đề về chủng tộc và ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân. 

Với một sức viết phi thường và óc sáng tạo khiến cho nhiều bạn văn cùng thời phải kinh ngạc, Alexander Dumas đã kiếm được một số tiền không nhỏ từ việc sáng tác. Thế nhưng ông đã dùng chúng để chiêu đãi bạn bè và chu cấp cho những đứa con ngoài giá thú của mình. Khi được hỏi, đâu là sáng tác khiến bản thân ông tâm đắc nhất, nhà văn cười lớn và trả lời: “Đó không phải là Ba chàng lính ngự lâm, mà chính là Alexander Dumas con”

Cái chết và di sản

Khi qua đời vào tháng 12 năm 1870, Dumas được chôn cất tại nơi sinh của Villers-Cotterêts trong khoa Aisne. Cái chết của ông bị lu mờ bởi Chiến tranh Pháp-Phổ. Sự thay đổi thị hiếu văn học làm giảm sự nổi tiếng của ông. Vào cuối thế kỷ XX, các học giả như Reginald Hamel và Claude Schopp đã gây ra sự tái xuất hiện quan trọng và đánh giá cao nghệ thuật mới của ông, cũng như tìm kiếm các tác phẩm bị mất.

Năm 1970, nhà ga Alexandre Dumas Paris Métro được đặt tên để vinh danh ông. Quê hương của ông ở ngoại ô Paris, Lâu đài de Monte-Cristo, đã được khôi phục và mở cửa cho công chúng như một bảo tàng.

Các nhà nghiên cứu đã tiếp tục tìm thấy các tác phẩm của Dumas trong các tài liệu lưu trữ như vở kịch “Kẻ trộm vàng” được tìm thấy vào năm 2002 bởi học giả Réginald Hamel (fr) trong Bibliothèque Nationale de France. Nó được xuất bản tại Pháp vào năm 2004 bởi Honoré-Champion.

Frank Wild Reed (1874-1953), chưa bao giờ đến thăm Pháp, nhưng ông đã thu thập bộ sưu tập sách và bản thảo lớn nhất liên quan đến A.Dumas bên ngoài nước Pháp. Nó chứa khoảng 3350 tập, bao gồm khoảng 2000 tờ viết tay của Dumas và hàng chục phiên bản đầu tiên của Pháp, Bỉ và tiếng Anh. Bộ sưu tập này đã được tặng cho Thư viện Auckland sau khi ông qua đời. 

Vào tháng 6 năm 2005, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Dumas, Hiệp sĩ Ste-Hermine, đã được xuất bản tại Pháp, cuốn tiểu thuyết này được viết vào năm 1869, Dumas gần như đã hoàn thành nó trước khi chết. 

Claude Schopp, một học giả nghiên cứu Dumas, đã tìm thấy một lá thư trong một kho lưu trữ vào năm 1990 dẫn ông khám phá ra tác phẩm còn dang dở này và ông đã dành nhiều năm để nghiên cứu nó, chỉnh sửa các phần đã hoàn thành và quyết định cách xử lý phần còn dang dở. Schopp cuối cùng đã viết tiếp hai chương rưỡi cuối cùng, dựa trên các ghi chú của tác giả, để hoàn thành cuốn tiểu thuyết. Được xuất bản bởi Éditions Phébus, nó đã bán được 60.000 bản, khiến nó trở thành sách bán chạy nhất. Được dịch sang tiếng Anh, nó được phát hành năm 2006 với tên gọi The Last Cavalier, và đã được dịch sang các ngôn ngữ khác.

Schopp cũng đã tìm thấy tài liệu bổ sung liên quan đến câu chuyện Saints-Hermine. Schopp đã kết hợp chúng để xuất bản phần tiếp theo Le Salut de l'Empire vào năm 2008.

Tôn vinh

Mãi đến 200 năm sau, Alexandre Dumas mới được vinh danh, một cuộc vinh danh vô cùng đặc biệt. Vào ngày 30 Tháng Mười Một, 2002, tại thủ đô Paris, nhúm tro tàn của ông đã được chuyển vào nghĩa trang dành cho những danh nhân nước Pháp: điện Panthéon.

Buổi lễ vinh danh này đối với nước Pháp, là một “biến cố” văn chương nhưng cũng là một biến cố chính trị. Bài xã luận của nhật báo Le Monde (30 Tháng Mười Một, 2002) có tựa đề khá vui là “La France métisse” cho rằng đưa thi hài A.Dumas vào điện Panthéon là dấu hiệu cho thấy thái độ của nhà cầm quyền Pháp đương nhiệm “bài bác tất cả những kẻ cực đoan” chủng tộc.

Một số tác phẩm của A.Dumas xuất bản tại Việt Nam

Người ta gọi đó là sự bù trừ mà nước Pháp dành cho đứa con lai, hậu duệ của một người nô lệ da đen, tuy thành công lúc sinh thời, nhưng phải chịu đựng không biết bao nhiều là dè bĩu, khinh khi vì gốc gác hèn mọn của mình. Thế là cuối cùng, ông được nằm bên cạnh những nhân vật kiệt xuất của nước Pháp từ cổ chí kim (mà danh sách không quá 60 người) về đủ mọi mặt, từ chính trị kinh tế, khoa học cho đến văn chương nghệ thuật như Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie, Victor Hugo, Émile Zola…

Tổng thống Pháp lúc đó, Jacques Chirac, trong bài diễn văn đọc trong buổi lễ, thú nhận rằng: “Cùng với ông, chúng tôi trở thành những d’Artagnan, những Monte-Cristo hoặc Balsamo, cưỡi ngựa rong ruổi trên những con đường Pháp quốc, vượt qua những chiến trường, viếng thăm những cung điện và những pháo đài. Cùng với ông, với ngọn đưốc cầm tay, chúng tôi được đi vào những hành lang tối tăm, những địa đạo bí mật. Cùng với ông, chúng tôi mơ mộng. Và cùng với ông, chúng tôi vẫn còn mơ mộng. Có hai năm thuộc thế kỷ 19, người ta chứng kiến sự ra đời của hai đứa con mà về sau là hiện thân cho tinh thần của thời gian và mang lại cho nước Pháp hai tác phẩm tự hòa tan trong nó. Ðó là Victor Hugo và Alexandre Dumas.”

Trong ngày lễ, trên đường về Paris, linh cữu dừng tại lâu đài Monte Cristo là lâu đài mà Dumas cho xây dựng lúc sinh thời để vinh danh chính nhân vật của ông trong truyện dài “Comte de Monte Cristo” (Bá Tước Monte Cristo). Quan tài được phủ một lá cờ màu xanh đậm có ghi lại dòng chữ trích từ trong truyện “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ:” Tous pour un et un pour tous”. Hai bên quan tài có bốn người đàn ông ăn mặc theo kiểu mấy chàng ngự lâm hộ tống trong khi một số người khác ăn mặc áo quần cổ truyền. Linh cữu được tổng thống Pháp đón tiếp vào điện Panthéon, một tòa nhà có mái vòm nằm trên tả ngạn sông Seine.

Buổi lễ vinh danh này là thành quả của một cuộc vận động lâu dài và tích cực của “Hiệp Hội Những Người Bạn của Alexandre Dumas” bao gồm nhiều khuôn mặt hàn lâm và văn chương nổi tiếng Pháp. Họ cho rằng Dumas có thể không phải là người viết văn xuôi vĩ đại nhất, nhưng với các tác phẩm được dịch ra cả 100 thứ tiếng và được quay thành 200 phim, ông là người, hơn bất cứ nhà văn Pháp nào khác, mang lịch sử và văn hóa Pháp đến với toàn thế giới. Dù cuộc sống của Dumas đầy tranh cãi, Dumas là hiện thân của một sự thành công mà nước Pháp phải lấy làm vinh hạnh. Hơn nữa, nước Pháp phải sửa chữa lại một bất công mà ông đã từng chịu đựng và phải dành cho ông một vị trí mà ông xứng đáng được hưởng.

Cuộc vận động không phải dễ dàng gì. Vì vấp phải sự chống đối – cũng tích cực không kém – của một số nhà văn, sử gia, nhà trí thức khác cũng như của các hội phụ nữ. Họ tố cáo Dumas là dâm đãng vì quan hệ tình ái bừa bãi, cử chỉ phóng đãng, ngông nghênh. Còn tài năng thì rất đáng ngờ vực vì ông thuê cả một đạo quân viết thuê.

 

 

Alexandre Dumas của Achille Devéria (1829)

Vả lại, tự bản chất, ông là một người viết feilleton chỉ nhằm mục đích thương mại, hoàn toàn không có một chút văn chương nào. Một người như thế, theo họ, mà đưa vào điện Panthéon nằm bên cạnh những danh nhân nước Pháp thì thật là một điều sỉ nhục. Ðã vậy, trong lúc cho Dumas vào điện Panthéon thì những nhà văn kiệt xuất khác của nước Pháp lại nằm ngoài như Proust, Flaubert hay Stendhal chẳng hạn.

Nhưng bất chấp mọi chống đối, chính phủ Pháp quyết định tiến hành việc đưa nhà văn vào điện Panthéon bằng một sắc lệnh được Tổng Thống Jacques Chirac ký vào Tháng Ba, 2002.

Trong buổi lễ vinh danh Dumas, sử gia Pháp Alain Decaux thuộc loại hàng đầu nhắc lại lời của đứa con trai của Dumas là Alexandre Dumas-fils: “Cha tôi giống như một dòng sông và là một dòng sông thì ai cũng có thể đái vào đó được.”

Ông được đánh giá cao khi làm sống lại tiểu thuyết lãng mạn Pháp xuyên qua nhiều truyện nhiều kỳ và có một tài kể chuyện độc đáo pha lẫn giữa thực và hư cho đến độ người ta không còn phân biệt nổi đâu là thật lịch sử và đâu là hư cấu. Nhiều nhà phê bình cho rằng, truyện của ông lấy cảm hứng từ những sự liều lĩnh mang nặng dấu vết di truyền da đen của tổ tiên bên ngoại ở vùng biển Ca-ri-bê.

Thật vậy, Alexandre Dumas là một nhà văn Pháp được ngưỡng mộ trên toàn thế giới, nhà văn Pháp được đọc nhiều nhất, dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất, được yêu mến nhất và ngưỡng mộ nhất bởi hàng triệu người. Và ông hoàn xứng đáng là “Ông hoàng của tiểu thuyết lịch sử thế giới”.

LÊ QUỲNH ANH

 

Các Bài viết khác