NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ÔNG CƯỜNG SÁCH

( 10-02-2014 - 11:29 AM ) - Lượt xem: 2243

Báo Thời Nay số 416, thứ năm ngày 9/1/2014 có đăng bài \"Ông Cường sách\" của nhà báo Nguyễn Thị Việt Hà viết về thư viện tư nhân Phạm Thế Cường. được phép của tác giả BBT đăng lại bài viết này.

       “Cuốn sách đầu tiên của tôi là “Không gia đình “ của  Hector Malot do bố tôi tặng, đó là là cuốn “tập đọc” đầu đời của tôi. Năm ấy tôi 6 tuổi, gần 50 năm gìn giữ từng cuốn sách quý, “tài sản” tôi có được là hơn 25.000 cuốn sách. 6 năm thành lập thư viện tư nhân miễn phí dành trẻ em đọc tôi vẫn thấy thời gian ấy ít ỏi. Tôi đã từng bỏ qua nhiều chọn lựa tốt để chọn sách, đã vượt qua rất nhiều mệt mỏi và hành trình gian nan để đến được với sách. Tôi chỉ ước mình còn sức khỏe, để gieo hạt mầm đam mê sách đến với các em. Để các em thấy rằng đằng sau những trang sách là ước mơ, là yêu thương, là lòng nhân ái, là chân trời rộng mở đón các em vào đời…” – Ông Phạm Thế Cường ( Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường 130/1B, đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) tâm sự…

       Cuốn “tập đọc” đầu đời…

       Những năm đất nước còn khó khăn, sách là một cái gì đó rất xa lạ với tuổi thơ, bố mang về cho Thế Cường cuốn “Không gia đình”  mới tinh còn thơm mùi mực mùi giấy, thỉnh thoảng có vài bức tranh minh họa. Tuổi lên 6, Thế Cường chưa rõ mặt chữ nhưng những dòng chữ chi chít trong cuốn sách dầy cầm nặng tay kia hấp dẫn hơn rất nhiều trò đánh quay, đánh đáo như các bạn cùng trang lứa. Thế Cường níu áo chị, nhờ chị đọc cho nghe, chị đọc đến đâu Thế Cường như uống từng câu văn vào lòng đến đấy. Cậu như được tham gia vào cuộc hành trình tìm gia đình của chú bé Rêmi đầy bất ngờ, hồi hộp, có lúc đau lòng, thậm chí có khi trở nên tuyệt vọng... Sự hấp dẫn của những trang sách khiến Thế Cường thấy chị mình đọc… chậm quá… Thế Cường giục chị đọc nhanh lên, chị nhìn Cường cười: “Em tự đọc đi!”. Thế Cường cầm sách, ráp từng vần một, có khi cả tiếng mới đọc xong một câu, từ nào không hiểu, Thế Cường lại chạy đi hỏi chị. Dễ đến hơn một tháng Thế Cường cũng “vật lộn” xong với chừng ấy trang sách trong sự ngạc nhiên của mọi người. Khi trang sách cuối cùng gấp lại cũng là lúc Thế Cường biết đọc, biết viết rành rọt. Khi đi bố mẹ cho Cường học lớp Một trường làng, Cường bị cô giáo (vốn là người trong họ) nói không cho đi học với lý do: Cường đã biết đọc và viết thông thạo rồi.

“Không gia đình” đã thắp lên ngọn lửa đam mê sách một cách kỳ lạ, như từ “trong máu”. Thế Cường không còn nhớ đã bao nhiêu lần xếp hàng trước Hiệu sách nhân dân  trên phố Hàng Đậu, đứng ngẩn ngơ trước các kệ sách để nhìn đi nhìn lại những cuốn sách dày cộp mà mình chưa đọc, những cuốn sách mà chỉ đọc cái tên sách thôi Cường đã muốn có. Chỉ có điều nhà Cường không mấy dư dả để cho Cường mua quá nhiều sách. Thế Cường dành dụm từng đồng bố mẹ, anh chị cho, nhịn ăn sáng, thu gom đồng nát đem bán, mùa hè về Nam Định khâu nón để lấy tiền mua sách… Thế Cường xem sách là tài sản và trên hết sách là người bạn đồng hành để Cường trò chuyện  mỗi ngày…

         Đến năm 15 tuổi (năm 1976), Thế Cường có 121 “người bạn” sách, một thư viện mi ni riêng mình. Trong tủ sách ấy của Cường không ít những cuốn tiểu thuyết cổ điển phương Tây như: Những người khốn khổ, Miếng da lừa, Chiến tranh và hòa bình, Tây du ký, Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Những người khốn khổ,Thép đã tôi thế đấy... Những năm tháng đất nước còn chia cắt, khó khăn chồng chất khó khăn để có được những cuốn sách ấy thật sự không dễ dàng gì với bất kì ai chứ không riêng gì với một cậu bé 15 tuổi. Thế Cường xem tủ sách của mình là một “kho báu” nhưng cậu lại không cất giấu “kho báu” ấy đi mà đem chia sẻ cho anh em, bạn bè. “Kho báu” của Thế Cường vì thế trở nên vô cùng giàu có bởi những cuốn sách được đổi trao và truyền tay nhau đọc cứ thêm mãi… thêm mãi…

Thư viện tư nhân miễn phí với 25.000 cuốn sách

        Gần 50 năm sauvới hơn 25.000 cuốn sách được mang theo suốt hành trình từ Bắc vào Nam, ông Phạm Thế Cường đã thành lập "Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, thư viện gia đình Phạm Thế Cường", nơi ấy trở thành trở thành địa chỉ quen thuộc của trẻ em, sinh viên, các bác hưu trí và là nơi lưu tới của rất nhiều nhà văn, nhà thơ.

          50 năm và hơn 25.000 không chỉ là những con số ấn tượng mà chứa đựng trong đó là cuộc đời và ngọn lửa đam mê của một cựu chiến binh. Năm 1982, ông Phạm Thế Cường chuyển công tác từ Hà Nội đến làm việc tại Xí nghiệp X32 – thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Quốc Phòng), nhiều tài sản phải bỏ lại để di chuyển nhưng riêng sách thì ông đóng gói đến 5 bao tải đầy. Đến lúc nhận hàng tại ga Sài Gòn ông mất 3 bao sách vì nhân viên giao nhầm ở những ga trước. Tiếc đứt ruột, xót muốn khóc nhưng vì đi nhờ tàu quân sự nên ông cũng không biết bắt đền ai. Nhắc lại điều này giọng ông còn đấy tiếc nuối: "Trong mấy bao sách bị mất ấy, có nhiều sách văn học chọn lọc nổi tiếng như Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Xa Mạc Tư Khoa, Hồng lâu mộng… Có cả cuốn Chiến bại có lời giới thiệu ký tên C.B mà tôi nghĩ không biết có phải của Bác Hồ viết hay không. Hai bao còn lại chỉ là sách khoa học thường thức và truyện thiếu nhi. Tôi tiếc mười mấy năm sưu tầm và giữ gìn sách… ".

         Nhưng lần “mất mát” ấy không khiến ngọn lửa đam mê sách trong trái tim ông lụi tàn đi mà như một thử thách để Phạm Thế Cường thể hiện tình yêu với sách mãnh liệt hơn. Đam mê ấy không đơn độc khi bà xã của ông rất yêu chồng và yêu cả sách. Thấy cuốn nào hay bà đều mua tặng chồng. Đến khi có hai con, ông vẫn giữ thói quen của bố ông ngày trước, lấy sách làm quà tặng cho con. Các con ông quý sách không kém gì bố. Những cuốn sách khiến tiếng cười trong ngôi nhà nhỏ vang hơn, không khí gia đình ấm hơn, hạnh phúc nồng nàn hơn và nhận ra giá trị sống, cống hiến xứng đáng hơn với cộng đồng, với cuộc đời. Ngôi nhà nhỏ chật chội ấy tưởng chẳng thể nào chứa nổi bất kỳ kệ sách nào nhưng vợ chồng ông đã tiết chế không gian sống của chính mình nhường cho những cuốn sách. Đến khi cuộc sống khấm khá, ngôi nhà cơi nới rộng hơn vợ chồng ông dành hẳn tầng 3 để làm chỗ để sách. Các kệ sách đều tự tay ông làm. Trong hàng chục ngàn cuốn sách ấy có những cuốn đã trăm tuổi, giấy ố vàng, cuốn "Thanh đạm" in bằng giấy lụa năm 1942 có cả bút tích của tác giả Nguyễn Công Hoan hay mấy cuốn kiếm hiệp như "Mộ hùng chương" in năm 1937 ở Hà Nội… Năm 2006, ở cuộc thi "Tủ sách gia đình lần thứ nhất" - Hội sách TPHCM lần thứ 4, tủ sách nhà ông Cường được giải nhì.

       Nhưng vẫn còn âm ỉ trong lòng một nỗi buồn khi khu phố của ông không có lấy một hiệu sách nào nhưng lại có rất nhiều tiệm internet và trẻ con đông đặc ở đấy. Một lần khi đi tập thể dục khuya về gặp một nhóm trẻ vừa rời quán internet, ông chạy đến trò chuyện với các em nhỏ và hỏi: “Các cháu có muốn đọc sách không? Chú có rất nhiều truyện thiếu nhi hay lắm…”. Đám trẻ rụt rè trả lời: “Có ạ”. “Thế thì Chủ nhật này các cháu đến nhà chú nhé! Nhà chú ở đằng kia…” –  Ông đưa tay chỉ ngôi nhà của mình. Suốt đoạn đường đi về ông đã nghĩ đến một nơi mà trẻ con có thể thích và xa rời những trò chơi điện tử vô bổ kia.

       Năm 2001, ông xin nghỉ hưu. Ngày 19-5-2008, "Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, thư viện gia đình Phạm Thế Cường" được thành lập phục vụ các độc giả miễn phí. Ngày đầu tiên, các em đứng trước những cuốn sách rụt rè, phân vân, ông trìu mến nhìn các em động viên: “Các cháu cứ chọn những cuốn mình thích để đọc nhé!”. Buổi khai trương thư viện, ông tổ chức cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ các em hăng hái tham gia, lúc ra về ngước đôi mắt trong veo hỏi: “Chúng cháu  đến sẽ thường xuyên bác nhé! Nhiều truyện hay quá, cháu sẽ rủ cả bạn của cháu…”. Nghe câu nói của bạn nhỏ ông vui không tả xiết.

Bạn đọc trẻ đọc sách tại thư viện Tư nhân Phạm Thế Cường

       Thư viện của ông ngày một đông, tên ông được bọn trẻ gắn liền với “sách” và gọi là “Bác Cường sách” một cách đầy kính trọng và yêu thương. Phòng khách nhỏ, trẻ con đông, ông bàn với vợ tận dụng khoảng trống sân sau để lập ra một phòng đọc rộng khoảng 20m2 phía sau nhà cho các cháu. Các bậc phụ huynh nhìn thấy sự thay đổi tích cực của con mình nên nhiệt tình ủng hộ. Vợ chồng ông đã chăm chút thư viện bằng tất cả đam mê và tình yêu thương của những con người có trách nhiệm với xã hội. Mỗi tháng vợ chồng ông  nhín nhút chút tiền lương hưu, bỏ ra hơn 4 triệu mua bổ sung sách mới, tổ chức các buổi giới thiệu những cuốn sách có giá trị theo từng chủ đề và hàng năm đều có những chủ đề sinh hoạt hội sách hè riêng. Ví dụ chủ đề năm 2010 là: Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; năm 2011 là:  Em yêu Tổ quốc Việt Nam và hè 2012 là: Đọc sách giúp em tốt đẹp hơn.

        Người ta bảo ông “ngông’ khi cắt một phần nhà ở của mình cho thuê để có kinh phí hoạt động thư viện và các hoạt động khác của CLB sách Nguyễn Huy Tưởng, thậm chí thư viện của ông còn kỉ niệm ngày sinh và “làm giỗ” các nhà văn nổi tiếng như Nam Cao, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Phùng Quán… Những buổi kỷ niệm như vậy thường rất đơn giản nhưng cảm động, giàu ý nghĩa.. .“Ngông” hơn nữa khi anh bỏ tiền túi ra để đưa các độc giả nhí đi dã ngoại vào các kỳ nghỉ lễ hoặc nghỉ hè. Anh mở rộng phòng đọc sách cho các em bằng cách sử dụng toàn bộ phòng khách tầng trệt, diện tích 42m2. Chồng lập thư viện, vợ làm thủ thư, các con là nhân viên phục vụ. “Kẻ ngông” Phạm Thế Cường ấy không nghĩ nhiều lắm về sự được mất ở đời, ông hạnh phúc vì thấy mình sống ý nghĩa mỗi ngày khi cổng nhà ông rộng mở, trẻ em hân hoan vào đọc sách, các cụ hưu trí vẫn ghé vào mượn sách. Nhưng vẫn còn niềm ưu tư canh cánh trong lòng: “Tụi nhỏ bây giờ học nhiều quá…  Không có cả thời gian nghỉ ngơi chứ nói gì đến thời gian đọc sách. Nhiều em mếu máo than nhớ thư viện lắm, nhớ “Bác Cường Sách” lắm như lịch học thêm kín mít từ sáng tới tối…”.

        Cũng chính từ nơi đây có  những câu chuyện cảm động đã diễn ra… “Tôi ám ảnh đôi mắt của cô bé đó. Cô bé khoảng 16 tuổi, nghiện ma túy và nhiễm HIV… Đó là một độc giả đặc biệt của Thư viện này. Tôi không biết cô bé hư hỏng ở những chốn nào nhưng đến thư viện này cô bé là một người lương thiện. Cô bé chăm sóc từng cuốn sách, sắp xếp chúng gọn lại, ngồi đọc rất say sưa và chân thành. Có một lần, khi các bạn về hết, cô bé nhìn tôi nghẹn ngào nói: Cháu bị nghiện nặng lắm rồi… Cháu ước cháu có thể gặp bác sớm hơn, có thể có niềm hy vọng từ những cuốn sách kia sớm hơn… Cháu chào bác, cháu phải đi…  Buổi chiều hôm đó tôi đã nói chuyện rất nhiều với cô bé, về niềm tin vào cuộc sống và cô bé đã mỉm cười. Vài tháng sau cô bé mất nhưng tôi tin những ngày tháng cuối của cô bé đã đẹp hơn rất nhiều, bằng những gì cháu đọc được” – Ông Cường ngân ngấn kể lại.

         Có một câu chuyện đẹp mà các bạn đọc của Thư Viện “Ông Cường sách’ kể lại rằng: Trong một dịp ra Hà Nội, do lơ đễnh ngắm phố phường nên ông vượt đèn đỏ tại một ngã tư vắng nên bị công an thổi phạt. Khi kiểm tra giấy tờ, chiến sĩ công an nọ nhận ra “ông Cường sách” nên đã không xử phạt mà còn xin “góp” 500.000 đồng nhờ mua thêm sách cho các cháu. Ông Cường tế nhị cảm ơn và xin từ chối. Một thời gian sau bỗng ông nhận được một thùng đồ gửi đến. Đó là 72 cuốn truyện tranh Conan do anh cảnh sát giao thông nọ gởi tặng cho thư viện. Ông rất xúc động và có thêm niềm tin vào công việc thầm lặng mình đang làm.

         Tháng 3-2013, thư viện sách tư nhân Phạm Thế Cường được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận hoạt động, ông xúc động chia sẻ: “ Tôi không nghĩ mình làm gì to tát. Chỉ là tôi thực hiện giấc mơ của mình. Tôi thấy, khi một người có đam mê đọc sách thì những chuẩn mực sống sẽ đến với người ấy một cách tự nhiên. Những người ham đọc sẽ rất đàng hoàng, đó là điều chắc chắn. Sẽ ít đi những vụ “hôi bia” như ở Biên Hòa. Sẽ nhiều hơn nữa những đứa trẻ hiếu thuận biết kính trên nhường dưới. Điều tôi quý trọng nhất ở nơi này không phải là những quyển sách tôi dày công sưu tập mà chính các cháu say mê đọc sách, trưởng thành và sống tốt hơn nhờ sách là tôi hạnh phúc khôn xiết”.

       Giữa Sài Gòn bon chen và rộng lớn, nơi mỗi tấc đất quý như vàng ròng và trở thành địa điểm kinh doanh thì bên trong con đường số 8 quận Gò Vấp vẫn có một người cựu chiến binh đã dành phần lớn ngôi nhà mình để là nơi những người yêu sách tìm đến. Với tình yêu sách thánh thiện, ông đã cần mẫn gieo hạt mầm yêu thương, nhân ái, lòng bao dung từ những trang sách cho mọi người… Những cuốn sách người đàn ông ấy có được dễ dàng, nhưng những giây phút để đắm chìm như trước thì trở nên quý giá hơn. Ông không giàu nhưng sống rất giàu có bằng niềm đam mê và nhiệt huyết cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội.

Nguyễn Thị Việt Hà 

Các Bài viết khác