NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MAO, CÂU CHUYỆN CÓ THẬT - Chương 6

( 05-11-2018 - 09:50 PM ) - Lượt xem: 1108

Cả Mao và các bạn đều không có phương tiện khởi sự một tờ báo ngày; do vậy, họ quyết định thành lập một tờ tạp chí thông tin trong toàn tỉnh Hồ Nam dựa theo đường hướng của tờ Bình luận Hàng tuần của Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu. Mao Trạch Đông xác định rõ mục tiêu của nó bằng những ngôn từ hoa mỹ và đầy cảm hứng sau: “Làn sóng rộng lớn và cuồng nộ của tư tưởng mới đang dâng trào, xô đẩy nhau dọc hai bên bờ sông Tương”

                                                                                     6

                                                       Khối đại liên hiệp quần chúng nhân dân

 

            Quay lại Trường Sa, Mao cảm thấy như ở nhà mình. Ở đây, không như ở Bắc Kinh, Mao không cần phải tự chứng tỏ mình với ai cả. Ông được nhiều người có học ở đây kính trọng lâu nay; với sự vắng mặt của Tiêu Vũ, Mao được xem như là người lãnh đạo Tân Dân Học Hội.

             Mao dễ dàng kiếm được một chân giảng dạy môn lịch sử ở trường tiểu học Xiuye. Các mối quan hệ đã mang đến cho Mao việc làm này; đây là chuyện quen thuộc ở Trung Quốc. Zhou Shizhao, một người bạn cũ, tiến cử Mao với trường nơi Zhou đang giảng dạy. Công việc của Mao không nặng: 6 giờ dạy trong tuần và cả một đống thời gian rảnh. Lương tháng của Mao không nhiều: khoảng 4 tệ (tương đương 4 bạc trắng), nhưng cũng đủ cho chuyện ăn uống. Mao sống ngay trong trường, phù hợp với tập quán chung (1). Các nguyên lý giáo dục đòi hỏi thầy giáo không chỉ đứng lớp, mà còn là tấm gương hạnh kiểm mẫu mực cho học sinh.

              Mùa thu năm 1919 là quãng thời gian đầy biến động ở Trường Sa. Cuối tháng 4, không lâu sau khi Mao quay về Trường Sa, tình hình chính trị ở Hồ Nam và trong cả nước trở nên cực kỳ căng thẳng. Tháng 1, một hội nghị gồm 28 nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất được triệu tập ở Paris để soạn thảo bản hòa ước sẽ ký với Đức. Công luận Trung Quốc rất bất bình vì các đại diện khối Entente đã từ chối đáp ứng các đòi hỏi của phái đoàn Trung Quốc, cụ thể là cảng Thanh Đảo và vùng đất chung quanh bên vịnh Cửu Chân bị Đức cưỡng đoạt năm 1898 và bị Nhật Bản giành lấy tháng 11.1914 phải được trả về cho Trung Quốc do nước này đã tham chiến chống Đức từ tháng 8.1917. Tuy nhiên, người Nhật muốn giữ lại cho mình cựu thuộc địa của Đức. Đại diện Trung Quốc ở hội nghị vô cùng thất vọng khi các đoàn đại biểu đến từ các cường quốc phương Tây hàng đầu ủng hộ Nhật Bản. Bị ràng buộc bởi các hiệp ước mật ký với Nhật Bản trong các tháng 2 – 3.1917, các nước Anh, Pháp và Italia không muốn xung đột với đồng minh thời chiến. Các thỏa thuận này công nhận quyền của Nhật Bản đối với các lãnh địa của Đức ở Trung Quốc để đổi lấy sự trợ giúp của Nhật Bản cho khối Entente. Thêm nữa, các nhà lãnh đạo phương Tây đang trông cậy Nhật Bản sẽ đóng một vai trò đáng kể trong cuộc chiến mới chống nước Nga  xô viết. Phái đoàn Mỹ cố tìm một giải pháp thỏa hiệp, nhưng không thành công.

            Hòa hội mà Trung Quốc trông đợi sẽ công nhận Trung Quốc như là một thành viên ngang hàng trong hệ thống quốc tế mới thời hậu chiến hóa ra chỉ quyết định hoàn trả cho Trung Quốc một số dụng cụ thiên văn cổ mà Đức đã chiếm đoạt trong vụ bạo loạn Nghĩa Hòa Đoàn. Thật dễ hiểu khi Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm. Sinh viên đặc biệt phẫn uất. “Nhật sẽ sở hữu Thanh Đảo và Cửu Chân, trong lúc người Trung Quốc chúng ta sẽ làm gì, ngắm sao chăng?”, sinh viên căm phẫn. Một bức điện được Wang Zhengting, một đại diện Trung Quốc có mặt ở hội nghị, gửi cho một tờ báo ở Thượng Hải vào cuối tháng 3.1914 đã châm thêm dầu vào lửa. Bức điện viết:

           “Chúng tôi nhấn mạnh rằng... Yêu sách 21 Điều và những thỏa thuận mật khác phải được hủy... Tệ hơn cả là trong những người Trung Quốc chúng ta lại có một số đưa ra những nhân nhượng vì những lý do mãi quốc của họ... Chúng là những kẻ phản bội đất nước. Chúng tôi bày tỏ hy vọng rằng công luận trong cả nước sẽ vùng lên đấu tranh chống những kẻ phản quốc này và tạo cơ hội hủy bỏ các hiệp ước áp đặt lên chúng ta” (2).

            Lời kêu gọi của Wang Zhengting không rơi vào mảnh đất cằn. Một phong trào yêu nước chống Nhật bắt đầu phát triển trong nước và một cuộc truy lùng những kẻ phản bội mà Wang Zhengting có nói đến trong bức điện khởi sự. Mọi nghi ngờ đổ dồn vào các kẻ thân Nhật hàng đầu: Tào Nhữ Lâm, bộ trưởng Liên lạc; Trương Tông Tường, công sứ Trung Quốc ở Tokyo và Lục Tông Dư, giám đốc Sở Đúc tiền.

           Tình hình mỗi ngày thêm căng thẳng và cuối cùng bùng nổ. Chiều tối thứ Bảy ngày 3.5, các sinh viên năng nổ đã tụ tập ở Đại học Bắc Kinh và quyết định tổ chức một cuộc biểu tình lớn vào hôm sau, ngày Chủ nhật, ở Quảng trường Thiên An Môn, đối diện với  lối ra vào Tử Cấm Thành. Một sinh viên luật đọc bài diễn văn nảy lửa ở cuộc mít ting, chặt một ngón tay, lấy máu viết lên một tấm vải trắng – “ Hãy trả Thanh Đảo cho chúng tôi!”. Anh ta giơ cao khẩu hiệu lên khỏi đầu, tiếng vỗ tay bùng vang (3).

            Lúc 10 giờ sáng ngày 4.5, hơn 3000 sinh viên từ các cơ sở giáo dục khác nhau ở Bắc Kinh tụ tập trên quảng trường. Khắp nơi toàn cờ trắng – màu tượng trưng cho sự tang tóc ở Trung Quốc, cùng với bản đồ Thanh Đảo và các vật dẫn lửa. Bất kể những lời can ngăn của một đại diện Bộ Giáo dục, viên tư lệnh lực lượng đồn trú Bắc Kinh và cảnh sát trưởng, những người biểu tình di chuyển đến khu sứ quán gần đó. Vẫn tin vào “nước Mỹ vĩ đại”, họ muốn trao một thỉnh nguyện thư cho công sứ Mỹ, nhân danh 11.500 sinh viên ở Bắc Kinh. Cơ sở cho niềm tin của họ là Thông điệp mà tổng thống Woodrow Wilson gửi cho Quốc hội ngày 8.1.1919, trong đó ông nêu ra Mười bốn điểm cho “nền hòa bình toàn cầu”, lên án các hiệp ước mật và kêu gọi một sự “điều chỉnh tự do, cởi mở và tuyệt đối khách quan cho mọi yêu cầu thuộc địa”. Lính gác khu sứ quán không để sinh viên vào. Họ chỉ cho đúng bốn đại diện sinh viên tiếp xúc với một quan chức sứ quán Mỹ.

             Thái độ từ chối trên làm dấy lên một làn sóng phẫn uất mới trong đám đông. Rồi có ai đó đề nghị tìm những kẻ phản quốc để tính sổ. Thế là họ kéo đến nhà Tào Nhữ Lâm gần đó, xông vào nhà và lao vào đập phá thẳng tay. Mọi đồ vật bị đập nát họ ném xuống ao trong sân. Tào Nhữ Lâm may sao trốn được, nhưng Trương Tông Tường vô tình có mặt ở đó bị sinh viên túm lấy và bị họ đánh đập dã man. Sinh viên giải tán vào khoảng 5 giờ chiều, sau khi phóng hỏa căn nhà của Tào. Sự việc khởi đầu tốt đẹp bằng một loạt diễn từ yêu nước đã kết thúc như một hành động hoàn toàn côn đồ. Cảnh sát bắt được 32 người, nhưng bị áp lực của công luận tự do, họ mau chóng được thả.

            Sự việc khó mà kết thúc như vậy. Sinh viên Bắc Kinh bộc lộ nỗi căm tức trong suốt tháng Năm và bước sang tháng Sáu. Họ tổ chức bãi khóa, biểu tình và mít ting, nhưng không làm điều gì quá khích hơn. Ở Thượng Hải và nhiều thành phố khác, không  chỉ sinh viên, mà cả nhiều thương nhân, phú hào và ngay cả công nhân đều bày tỏ tình đoàn kết với sinh viên Bắc Kinh. Ngập tràn trong tình cảm yêu nước, các phu xe tay đồng lòng từ chối phục vụ người Nhật. Ở nhiều nơi, dân cư bày tỏ nỗi lòng chống Nhật thông qua các cuộc biểu tình và tẩy chay. Thuyền bè ùn ứ dọc theo sông Dương Tử vì phu khuân vác bãi công. Các biểu ngữ “Rửa nhục quốc thế!”, “Trả lại Thanh Đảo cho chúng tôi!” và “Đả đảo ba tên bộ trưởng phản quốc!” xuất hiện khắp nơi. Đáp ứng lời kêu gọi của Phòng thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, một chiến dịch tẩy chay hàng Nhật lan ra cả nước. Đám đông đập banh cửa sổ các cửa hàng buôn bán sản phẩm Nhật, thu giữ hàng hóa Nhật, rồi đốt chúng trên đường phố. Biên tập viên các báo từ chối nhận và in quảng cáo Nhật, lịch vận chuyển của các tàu Nhật, hay thậm chí cả tin tức về tỷ giá đồng yen. Tổng thống Trung Hoa Từ Kế Xương bị buộc phải bãi chức Tào Nhữ Lâm, Trương Tông Tường và Lục Tông Dư, nhưng tình hình xáo động chỉ  lắng xuống từ ngày 28.6, khi qua tin tức, người dân biết đoàn Trung Quốc từ chối ký vào Hòa ước Versailles bất công, mà các đại cường Entente đã áp đặt lên nước Đức.

           Sinh viên Trường Sa cũng tìm cách tổ chức một cuộc biểu tình chống Nhật nhằm bày tỏ tình đoàn kết với sinh viên Bắc Kinh. Ngày 7.5, vài ngàn người dân tràn xuống các đường phố Trường Sa. Họ được thương nhân ủng hộ (6). Tuy nhiên, cuộc biểu tình mau chóng bị binh lính dưới quyền chỉ huy của tướng Zhang Jingyao giải tán. Chính là “Zhang Ác độc” đã thiết lập chế độ khủng bố trong thành phố một năm trước. Không rõ Mao có tham gia cuộc biểu tình này hay không. Gần như là không, nếu có các tập biên niên sử về Mao sẽ không bỏ lỡ cơ hội vinh danh sự tham gia của ông.

            Tất nhiên là Mao không thể bỏ qua cuộc đấu tranh của sinh viên, nhưng những hành động phản kháng tự phát không thu hút ông. Mao tin vào sự cần thiết phải định hướng tính tự phát. Có giá trị hơn mọi thứ khác là một tổ chức, một đội tiên phong được gắn kết chặt chẽ bằng ý chí của một lãnh đạo tài ba. Mao không lãng phí thời gian khi đọc Friedrich Paulsen. “Một hành động đạo đức tùy thuộc vào xúc cảm và ý chí vốn phải đi trước hành động đạo đức”. Mao không bao giờ đi chệch khỏi tín điều này (7).  Đầu tháng 5.1919, Mao khởi sự xem xét một cách nghiêm túc việc thành lập một tổ chức hiệu quả có thể dẫn dắt phong trào sinh viên yêu nước ở Trường Sa. Tân Dân Học Hội, vốn chỉ có khoảng 70 thành viên vào tháng 5.1919 và nhiều người trong số này giờ đã ở bên Pháp, tỏ ra  không hiệu quả (8). Giữa tháng 5, Mao thảo luận tình hình với Đặng Trung Hạ, khi ông này đã từ Bắc Kinh đến Trường Sa và đem cho Mao một báo cáo chi tiết về sinh hoạt của sinh viên ở thủ đô. Mao, Đặng và Hà Thúc Hành quyết định tổ chức một hiệp hội sinh viên có cơ sở rộng rãi ở  Hồ Nam, mô phòng theo các tổ chức tương tự ở một số thành phố và tỉnh (9). Thành viên của các liên hiệp sinh viên này theo đuổi một mục tiêu mang đậm tính chính trị: “ Sử dụng... toàn bộ sức mạnh mà sinh viên có thể huy động” để “phục hồi chủ quyền dân tộc và trừng phạt những kẻ phản bội tổ quốc” (10).

             Ngày 25.5, một hội nghị gồm đại diện của hơn 20 trường ở Trường Sa được triệu tập trong căn hộ của Hà Thúc Hành. Mao Trạch Đông giới thiệu Đặng Trung Hạ thuật lại các biến cố ngày 4.5 và bày tỏ hy vọng sinh viên Hồ Nam sẽ tuyên bố bãi khóa để tỏ tình đoàn kết với sinh viên Bắc Kinh. Bài nói chuyện của Đặng đã được những người dự khán say sưa lắng nghe. Họ vốn đã ấn tượng với chính bản thân diễn giả, một người trẻ tuổi có vẻ ngoài thông minh. Cuộc sống giờ đã có ý nghĩa thực. Nó đòi hỏi sự đấu tranh, hy sinh và vinh quang. Ba ngày sau, Hiệp hội sinh viên Hồ Nam được chính thức thành lập. Peng Huang, một bạn thân của Mao đang học trường Thương Mại Hồ Nam, được chọn làm chủ tịch Hiệp hội.

           Ngày 3.6, Hiệp hội sinh viên Hồ Nam tuyên bố bãi khóa toàn thành phố với sự tham gia của sinh viên từ 20 trường ở Trường Sa. Cuộc bãi khóa chưa từng có tiền lệ này đã khiến tờ báo địa phương Công Lý Báo đăng tải lời tuyên bố của sinh viên bãi khóa ngày 4.6: “Ngoại giao thất bại, đất nước vỡ tan, đất nước sẽ suy sụp, trừ phi được cứu bằng những hành động kịp thời”. Lời kêu gọi cũng thúc giục chính phủ không ký Hòa ước Versailles và hủy bỏ Yêu sách 21 Điều (11). Tình hình rất căng thẳng. Xung đột với nhà chức trách tránh được chỉ vì kỳ nghỉ hè đã đến. Nhiều sinh viên bỏ về quê nhà, nhưng tổ chức tiếp tục hoạt động. Sinh viên trở về quê được tổ chức thành các nhóm tuyên truyền với nhiệm vụ sử dụng các phương tiện sống động  và dễ tiếp cận để truyền bá ý tưởng tẩy chay hàng hóa Nhật ở miền quê. Vào thời điểm này, kịch hài yêu nước một hồi, xét về bản chất còn tương đối sơ khai, và được sinh viên tự sáng tác, trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc. Chúng tạo ấn tượng mạnh mẽ lên những khán giả thất học ở cả nông thôn lẫn thành thị.

           Một số sinh viên tham gia các đội kiểm tra hợp sức với các đại diện thương đoàn thực thi việc tẩy chay. Ngày 7.7, Hiệp hội sinh viên và các hội buôn cùng nhau tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn khác, lần này được lên kế hoạch cẩn thận, kêu gọi hủy hàng hóa Nhật. Tham gia vào cuộc biểu tìn, Zhou Shizhao nhớ lại:

            “ Dẫn đầu là các đội mang biểu ngữ “Tập hợp đốt hàng Nhật” và “Đồng bào, hãy cảnh giác! Không mua hàng Nhật trong bất kỳ hoàn cảnh nào!”. Tất cả sinh viên đều vác theo một thứ hàng Nhật nào đó trên vai, đi theo họ là người bán của các cửa hàng lụa. Thành viên của Liên hiệp bảo vệ hàng nội hóa và Hiệp hội sinh viên đi sau cùng, mang theo cờ của tổ chức họ. Sau khi đi dọc theo các đường phố ồn ào, đoàn diễu hành dừng bước trước Ủy ban Giáo dục. Sinh viên bỏ hàng Nhật xuống mặt đường, tẩm xăng và châm lửa. Đợi đến khi đống hàng cháy ra tro, họ mới chịu giải tán” (12).

           Hai ngày sau, theo sáng kiến của các nhà lãnh đạo Hiệp hội Sinh viên, một cuộc mít ting gồm đại diện của các tổ chức công chúng diễn ra. Họ quyết định thành lập một Hiệp hội thống nhất ở Hồ Nam quy tụ mọi thành phần dân chúng (13).

            Từ góc nhìn của Mao, bấy nhiêu vẫn chưa đủ, Ông tin rằng tuyên truyền là phương tiện tác động có hiệu quả nhất lên quần chúng. Bắt chước Lenin, Mao dù vào thời đó vẫn chưa biết rõ ông này vẫn có thể nói: “Theo ý chúng tôi, điểm xuất phát cho mọi hoạt động của chúng ta, bước cụ thể đầu tiên hướng đến việc thành lập tổ chức mà chúng ta mong muốn, sợi chỉ dẫn dắt chúng ta trong nỗ lực phát triển, làm sâu sắc và mở rộng một cách kiên định tổ chức đó, là việc thành lập một... tờ báo chính trị” (14).

             Cả Mao và các bạn đều không có phương tiện khởi sự một tờ báo ngày; do vậy, họ quyết định thành lập một tờ tạp chí thông tin trong toàn tỉnh Hồ Nam dựa theo đường hướng của tờ Bình luận Hàng tuần của Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu. Mao Trạch Đông xác định rõ mục tiêu của nó bằng những ngôn từ hoa mỹ và đầy cảm hứng sau: “Làn sóng rộng lớn và cuồng nộ của tư tưởng mới đang dâng trào, xô đẩy nhau dọc hai bên bờ sông Tương” (15).

              Số đầu tiên của Tương Giang Bình Luận được biên soạn trong mươi ngày và ra mắt ngày 14.7.1919. Tuyên ngôn thành lập Tương Giang Bình Luận được Mao lấy tư cách là tổng biên tập viết: “Không bị trói buộc bởi bất kỳ quan điểm hay điều mê hoặc nào, chúng ta phải đi tìm chân lý. Trong quan hệ với nhân dân, chúng ta cổ vũ việc đoàn  kết khối đông quần chúng, còn đối với những kẻ áp bức, chúng ta tin vào việc tiếp tục “phong trào khiển trách chân thành”. Trong phạm trù “kẻ áp bức”, bên cạnh những kẻ quan liêu và quân phiệt, Mao thêm những nhà tư bản. Những tháng ông sống ở Bắc Kinh không trôi qua phí hoài. Ông vẫn rất tin vào chủ nghĩa vô chính phủ, còn các bài giảng của Lý Đại Chiêu về CNXH cũng để lại ở ông dấu ấn tương tự. Ông vẫn còn tỏ ra dè dặt, không cổ xúy bạo lực, mà chỉ kêu gọi dân chủ và tự do. Ông khẳng định: “Chúng ta mang ra áp dụng ‘lời kêu gào cách mạng’ – kêu gào bánh mì, kêu gào tự do, kêu gào bình đẳng – đó là ‘cách mạng không đổ máu’. Làm như vậy, chúng ta sẽ không tạo ra cảnh hỗn loạn lan tràn, không theo đuổi ‘cuộc cách mạng của bom đạn’, ‘cách mạng của máu’ vốn không hiệu quả”. Ngay cả đối với người Nhật, Mao vẫn xem là có hiệu quả nhất việc sử dụng các  phương tiện như “bãi khóa, bãi thị, bãi công, tẩy chay hàng Nhật” (16).

             Số đầu tiên của tạp chí đăng bài phê phán của Mao về việc đám quân phiệt Bắc Dương bắt thần tượng của ông là Trần Độc Tú. Trần bị tống giam trong phong trào sinh viên ngày 11.6.1919 vì đã phát truyền đơn do ông viết có nhan đề “Tuyên bố của công dân Bắc Kinh”, trong đó ông chỉ trích gay gắt chính sách đối nội và đối ngoại của tổng thống và thủ tướng Trung Quốc đối với “vấn đề Sơn Đông”. Ông đã trải qua 83 ngày tù tội, sau đó ông rời Bắc Kinh và đến sống ở Thượng Hải. Chấn động bởi vụ bắt Trần, Mao cáo buộc toàn bộ xã hội Trung Quốc:

            “Mối nguy hiểm không bắt nguồn từ tình trạng yếu kém quân sự hay tài chính thâm hụt, cũng không phải là mối nguy hiểm bị phân rã thành những nhóm nhỏ bởi tình cảnh hỗn loạn trong nước. Mối nguy hiểm thực sự nằm trong tình trạng trống vắng và thối rửa trong thế giới tinh thần của toàn dân Trung Quốc. Trong số 400 triệu dân, khoảng 390 triệu là mê tín dị đoan. Họ mê tín thần linh và ma quỷ, vào trò bói toán, vào số phận, vào chế độ chuyên quyền. Tuyệt đối không có sự công nhận cá nhân, cá tính, chân lý. Đó là bởi vì tư tưởng khoa học không phát triển. Xét về danh nghĩa, Trung Quốc là một nước cộng hòa, nhưng trong thực tế đó là một nhà nước độc đoán ngày càng trở nên tệ hại sau mỗi lần thay đổi chế độ... Quần chúng nhân dân không có một tia hy vọng mơ hồ nhất về chế độ dân chủ trong đầu, và không có chút ý niệm chế độ dân chủ thực sự là gì. Trần Công luôn vì hai thứ này [khoa học và dân chủ]... Vì hai thứ này, Trần Công đã làm xã hội phật lòng, và xã hội đã bắt ông trả giá bằng bắt bớ và tù đày” (17).

           Như để thể hiện tình đoàn kết với thầy mình, Mao đã đăng lại tờ truyền đơn chống chính phủ của Trần Độc Tú trong bài viết của ông.

            Cũng trong số một, Mao lần đầu in một bút ký ngắn về những người Bolsevik. Ông không đưa ra một đánh giá nào; ông chỉ kêu gọi công luận Trung Quốc xem xét kinh nghiệm Nga: “Mỗi người chúng ta nên tìm hiểu thật kỹ cái đảng cực đoan này [đảng Bolsevik] thực sự là thứ gì... Trong nháy mắt, đảng cực đoan đã, trước sự sững sờ của mọi người, lan ra khắp nước [Nga] đến mức không còn chỗ nào thoát khỏi họ” (18).

             Hai ngàn bản của số ra mắt mau chóng được phân phối hết và chẳng lâu sau, vào cuối tháng Bảy, thêm 2.000 bản được bán trong vòng 3 ngày. Ngày 21.7, đã ra mắt cùng lúc một phụ trang đặc biệt cho số đầu tiên cũng như là số thứ hai đang được cho in đến 5.000 bản. Một tuần sau, 5.000 bản của số thứ ba xuất hiện. Đối với Hồ Nam, đây là những con số rất lớn. Trong số 9 tờ báo ngày ở Hồ Nam, chỉ tờ Công Lý có số phát hành vào khoảng 2.300-2.400 bản. Những tờ khác bán được từ 100 đến 500 bản (19). Mao xoay xở viết được 5 số, nhưng chỉ 4 số được phát hành. Số 4 ra mắt ngày 4.8, cũng với số ấn bản là 5.000. Số thứ 5 đã lên khuôn thì bị lính của Zhang Jingyao tịch thu ngay tại nhà in (20).

           Tờ báo là đứa con tim óc của Mao. Theo Zhou Shizhao, Mao dành hết thời gian rảnh cho nó. Zhou nhớ lại: “Thức giấc lúc nửa đêm, tôi có thể nhìn thấy ánh đèn từ phòng Mao rọi qua kẻ nứt trên vách. Sau khi viết được một bài, Mao liền đem in, tự sắp chữ bản in thử của nhà in, sửa bản kẽm, và đôi lúc tự mang báo ra bán trên đường phố” (21).

            Tờ báo cũng in các tin vắn thời sự, hầu hết do chính Mao viết, dưới những cái tựa “Điểm các biến cố ở phương Tây”, “Điểm các biến cố ở phương Đông”, “Các ghi chép quốc tế”, “Các ghi chép sông Tương” và “Văn chương và Nghệ thuật mới”. Từ ngòi bút của Mao xuất hiện một bài tạo được tiếng vang trong nước “Đại liên hiệp quần chúng nhân dân”. Là một bài dài và tiêu biểu cho suy nghĩ của Mao vào lúc đó, bài báo chiếm gần hết 3 số báo, từ số 2 đến số 4. Mao cố trả lời câu hỏi cơ bản từng làm băn khoăn cả một thế hệ các nhà cách mạng: phải làm gì khi “cảnh suy sụp của đất nước, những khổ đau của nhân loại, và cảnh  u tối của xã hội đạt đến độ cực đỉnh”.

            Giải pháp của Mao cho thấy rõ  cái nhìn của ông về cách mạng vẫn ôn hòa. Phát xuất từ giả định rằng lý do của mọi đau khổ của Trung Quốc, cũng như của mọi nước khác, là những kẻ áp bức nhân dân, tức là quý tộc và tư sản của các nước khác nhau, đã kết hợp lại chống quần chúng nhân dân, Mao đề nghị “Dùng lửa đánh nhau với lửa”. Ông viết rằng chỉ một “ khối đại liên hiệp quần chúng nhân dân” một khối đoàn kết vĩ đại chống lại bạo lực của những kẻ “áp bức” mới có thể cứu được đất nước. Ông đề nghị thành lập các công đoàn mọi tầng lớp xã hội bị áp bức, bao gồm nông dân, công nhân, sinh viên, phụ nữ, giáo viên tiểu học, cảnh sát và phu xe. Mao gom tất cả những người này vào giai cấp “nghèo và yếu” bị những kẻ “giàu và mạnh” chống đối. Mao tin rằng những tổ chức nghề nghiệp nhỏ của những kẻ bị áp bức có thể giúp “khối đại liên hiệp” của tất cả những người không may. Một khi đoàn kết lại, khối đông quần chúng Trung Quốc dễ dàng đập tan những quý tộc và tư sản, vốn kém họ nhiều lần về nhân số. Quần chúng nhân dân chỉ cần đoàn kết, vùng lên, hô thật to, thế là “bọn phản bội tỉnh hồn, run sợ và chạy tháo thân” (22).

            Bài báo thấm đượm ý tưởng “hỗ tương” của Kropotin, dù Mao cũng tin tưởng cuộc đấu tranh của “hàng trăm ngàn chiến binh Nga dũng cảm bất thần chuyền từ lá cờ vương triều sang lá cờ đỏ”. Ông kêu gọi binh lính Trung Quốc nhận ra rằng họ là “con, anh em và chồng” của những người dân bình thường. “Họ sẽ bắt tay và chuyển sang đường khác để cùng trở thành những chiến sĩ gan dạ chống bọn quý tộc và tư sản”. Cũng giống như ở Nga và những nước châu Âu khác, một cuộc cách mạng xã hội sẽ diễn ra ở Trung Quốc; đây sẽ là một phần của cuộc đấu tranh toàn         cầu của những người bị áp bức. Chịu ảnh hưởng của Lý Đại Chiêu, Mao viết:

           “Dưới tác động của chiến tranh thế giới và nỗi đắng cay của cuộc sống, khối đông quần chúng các nước khác nhau đã bất ngờ tiến hành đủ kiểu hành động. Ở Nga, họ lật đổ quý tộc và đánh đuổi người giàu, rồi người lao động và nông dân cùng dựng lên Chính phủ xô viết. Đạo quân cờ đỏ tiến về phía trước cả ở phía đông lẫn phía tây, quét sạch vô số kẻ thù... Chúng ta biết điều đó! Chúng ta thức tỉnh! Thế giới là của chúng ta, đất nước là của chúng ta, xã hội là của chúng ta... Chúng ta phải hành động một cách tích cực để xây dựng khối đại liên hiệp quần chúng nhân dân. Không được chần chừ một giây phút nào với công việc này!” (23).

             Những lời lẽ trên có thể xem ra còn ngây ngô. Nhưng nếu người ta nhớ lại “khối đại liên hiệp” của phong trào sinh viên Ngũ Tứ ở Bắc Kinh đã buộc những kẻ “phản quốc” Tào Nhữ Lâm, Trương Tông Tường và Lục Tông Dư rút lui mà không phải dùng đến bom đạn, thì không khó hiểu điều đã tạo cảm hứng cho Mao. Quan niệm về cách mạng xã hội của Mao không bao gồm sự đổ máu, mà đúng hơn là hành động có phối hợp và ôn hòa của “khối đại liên hiệp quần chúng nhân dân” sẽ khiến bọn áp bức điếc tai bằng “tiếng gầm thét vang rền” của họ. Mao viết: “Chúng ta chấp nhận sự việc là bọn áp bức là nhân dân, là con người như chúng ta... Nếu chúng ta dùng áp bức lật đổ áp bức... Kết quả là chúng ta vẫn còn áp bức” (24). Tuy nhiên, không đầy 9 tháng sau, Mao từ bỏ hẳn những ý tưởng thời tuổi trẻ và chấp nhận không điều  kiện những quan niệm triệt để của Marx và Lenin.

           Vào lúc này, mọi việc vẫn tương đối ôn hòa. “Khối đại liên hiệp quần chúng nhân dân” dường như hoàn toàn có thể thực hiện được. Bước đầu tiên là tập hợp một nhóm người đồng suy nghĩ, tuy nhỏ nhưng đoàn kết chặt chẽ, chung quanh nguyên lý hỗ tương. Khoảng cuối năm 1919, Mao làm sống lại ý tưởng về việc thành lập một công xã nông nghiệp bên bờ trái sông Tương, ở bên kia Trường Sa. Tác động của chủ nghĩa vô chính phủ lên ông, đặc biệt là những ý tưởng kiểu cộng sản của Kropotkin liên quan đến hỗ tương, đã thôi thúc Mao “xây dựng một làng mới ở chân núi Nhạc Lộc”. Mao tính dựa vào sự giúp đỡ của bạn bè. Ông muốn mở ra một trường mới dạy khoa học xã hội và giáo dục “con người mới”. Tất nhiên là sự việc chẳng đi đến đâu, nhưng Mao tiếp tục ôm ấp giấc mơ trong vài tháng.

            Tờ Tương Giang Bình Luận, nhất là  bài báo của Mao “Khối đại liên hiệp quần chúng nhân dân” đã được những người có xu hướng dân chủ ở một số thành phố nhiệt liệt chào đón. Ngay cả những trí thức như Hồ Thích và Luo Jialun, những người mà chín tháng trước chẳng có việc gì để liên hệ với người trợ lý thủ thư, đã ca ngợi không tiếc lời (25). Người ta có thể hình dung Mao phấn khích ra sao. Chàng thanh niên tỉnh lẻ đã bước vào chính trường quốc gia. Người dân đọc anh, người dân bàn luận về anh. Việc tịch thu tờ số năm chỉ càng làm anh thêm nổi tiếng. Mao trở thành nạn nhân của đám quyền lực thô bỉ.

            Tuy nhiên, Mao không bị bắt mà vẫn tiếp tục hoạt động chính trị. Giữa tháng 8.1919, Mao và những nhà lãnh đạo khác của Hiệp hội sinh viên Hồ Nam tìm cách thống nhất các nhóm khác dưới ngọn cờ chống Zhang. Tỉnh trưởng Hồ Nam Zhang Jingyao hành xử như một tên thổ phỉ thật sự. Ông ta và ba người em đang nắm giữ những chức vụ cao trong chính quyền quân sự đã cùng với binh lính dưới quyền cướp bóc nông dân, đắnh cắp của công, trấn lột hàng hóa của thương nhân, bắt cóc và giết người, hãm hiếp phụ nữ, buôn bán thuốc phiện, chiếm dụng lương giáo viên. Bọn họ xem Hồ Nam như một tỉnh bị chiếm đóng. Dân chúng sống trong nỗi kinh khiếp, hoạt động thương mại ngưng trệ, giá cả tăng vọt. Mọi người đều nói: “Nếu ‘Zhang Ác Độc’ không bị đánh bật đi nơi khác, Hồ Nam sẽ tiêu”.

             Đầu tháng 9, Mao Trạch Đông được bệnh viện Trung-Mỹ Tương Nhã mời làm tổng biên tập tờ báo tuần Tân Hồ Nam của họ. Báo đã ra 6 số, nhưng vẫn chưa tìm ra được tiếng nói riêng. Mao chấp nhận với điều  kiện chính ông sẽ xác định hướng đi của báo. Ấn tượng trước cuộc đấu tranh cho những giá trị tự do của Mao, người Mỹ đồng ý. Trong số đầu tiên do ông biên tập, Mao đã xác định những mục tiêu sau: “1) phê phán xã hội; 2) cải cách tư tưởng; 3) giới thiệu nền giáo dục mới; 4) thảo luận các vấn đề”. Mao nói tiếp: “Tất nhiên là chúng tôi không quan tâm đến ‘thành công hay thất bại, sự việc có diễn ra êm ả hay không’. Chúng tôi lại càng không để tâm đến bất kỳ quyền lực (thẩm quyền) nào. Cương lĩnh của chúng tôi là: ‘Có thể hy sinh mọi thứ, ngoại trừ nguyên tắc, vốn là thứ tuyệt đối không thể hy sinh’ ” (27). Khó mà ngạc nhiên là sau 4 tuần, tờ báo này cũng bị đóng cửa (28).

          Ánh hào quang lãng mạn của một chiến sĩ đấu tranh chống bạo quyền, tài năng làm báo lộ rõ, danh tiếng lan rộng trong cả nước. Tất cả hòa quyện vào nhau làm chàng trai đẹp mã 25 tuổi Mao Trạch Đông có sức quyến rũ đặc biệt đối với phụ nữ. Dương Khai Tuệ xa cách sẽ phải trả giá. Cuối năm 1919, Mao bắt đầu qua lại với một nữ học trò yêu của Dương Xương Tế tên là Đào Nghị. Cô trẻ hơn Mao ba tuổi và nổi bật hơn những cô gái khác mà Mao biết ở chí hướng rõ ràng và trí thông minh. Tình cảm cuồng nhiệt nhấn chìm và chi phối Mao. Trong một phút bộc phát, Mao đã phải thốt lên rằng tình yêu “là một sức mạnh tự nhiên không thể cưỡng lại. Sức mạnh của nhu cầu được yêu của con người lón hơn bất kỳ sức mạnh của nhu cầu cần thiết nào khác. Không gì ngoại trừ một sức mạnh đặc biệt nào có thể chặn đứng được nó... “[Điều duy nhất có thể] phong tỏa cơn sóng trào tình yêu không gì khác hơn ngoài ‘tệ mê tín’, tôi tin chắc vậy” (29).

            Mối quan hệ sóng gió nhưng ngắn ngủi. Nó bùng cháy cũng bất ngờ cũng như khi nó tắt lịm, vào cuối mùa thu 1920. Họ chia tay vì vấn đề ý thức hệ. Đến lúc đó Mao bắt đầu ngã theo chủ nghĩa cộng sản, còn Đào Nghị thì không thể chấp nhận học thuyết Bolsevik. Chẳng lâu sau khi họ chia tay, Đào Nghị rời Trường Sa đi Thượng Hải. Tại đây, cô thành lập một trường nữ. Cô mất năm 1930, trước khi được 35 tuổi (30).

             Vào mùa thu 1919, tấn bi kịch của đôi lứa này chưa có dấu hiệu nào. Cả Đào và Mao tin vào chủ nghĩa tự do, chế độ dân chủ và tình yêu tự do. Vào thời điểm này, Mao viết một loạt bài về các vấn đề tình yêu và hôn nhân được in trong các trang của tờ báo hàng đầu ở Trường Sa, tờ Công Lý. Nguyên nhân là một sự biến khiến cả thành phố chấn động. Ngày 14.11, một cô gái tên Zhao Wuzhen bị cha mẹ gã bán làm vợ lẽ cho một thương nhân giàu có và đã già. Cô tự sát bằng cách dùng dao lam rạch cuống họng trong lúc được cáng trong chiếc kiệu hồng đến nhà chồng. Thật không sao tả xiết nỗi kinh hoàng của những người đang đợi chiếc kiệu của cô dâu. Trong nhiều ngày liền, ngươi ta không bàn chuyện gì khác ở ngoài phố. Nhiều người đã phê phán cô gái xem thường các chuẩn mực Khổng giáo, nhưng cũng có nhiều người có thiện cảm với cô. Tất nhiên là Mao, Đào Nghị và tất cả bạn bè của họ bênh vực Zhao Wuzhen. Mao đặc biệt tỏ ra căm phẫn. Ông viết: “Bối cảnh của vụ việc này là tình trạng mục nát của chế độ hôn nhân và cảnh tăm tối của chế độ xã hội không dung chứa các ý tưởng và quan điểm độc lập, sự tự do trong việc lựa chọn tình yêu” (31).

            Dù nghiêm trọng đến đâu, các vấn đề yêu đương và hôn nhân vẫn không thể làm Mao và các bạn xao lãng việc theo đuổi mục tiêu chính của họ là lật đổ viên tỉnh trưởng và bè lũ tội phạm của ông ta. Suốt mùa thu, Mao cố ra sức lôi kéo càng nhiều người càng tốt chống lại Zhang. Theo tinh thần của “Khối Đại liên hiệp quần chúng nhân dân”, Mao nghĩ có thể vận động Bắc Kinh triệu hồi Zhang nếu Hồ Nam đồng lòng từ chối chấp nhận tên đầu sỏ khát máu này. Mao đồng thời tiếp tục chiến dịch tuyên truyền tích cực tẩy chay hàng Nhật thông qua Hiệp hội Sinh viên Hồ Nam đã chuyển sang hoạt động bí mật sau khi bị Zhang cấm, tiếp theo lệnh đóng cửa tờ Tương Giang Bình Luận.

           Giữa tháng 11, Mao tổ chức một cuộc họp trong một nỗ lực làm sống lại Tân Dân Học Hội. Cấu trúc bên trong của Hội được tổ chức lại bằng cách thành lập hai ban: một ban “tư vấn” (có chức năng chủ yếu là lập quy) và “ban chấp quy” gồm nhiều phân ban: trường học, in ấn, phụ nữ và giáo dục hải ngoại. Một “ban chấp hành” cũng được thành lập. Từ một hội không có hình thù rõ rệt, Tân Dân Học Hội bắt đầu có dáng dấp của một chính đảng tập trung hóa. Hà Thúc Hành được chọn làm chủ tịch Ban chấp hành. Mao Trạch Đông, Đào Nghị, Zhou Shizhao và một số người khác tham gia Ban Tư vấn (32). Chỉ có điều là nỗ lực cải tổ không thành công . Không lâu sau cuộc họp tháng 11, nhiều thành viên bị cuốn vào các sự biến ầm ỉ và một số bị buộc rời Trường Sa.

            Tổ chức bị tê liệt trong gần một năm. Cuối tháng 11, công luận bị khuấy động bởi tin tức về những va chạm giữa lính Nhật và các sinh viên Trung Quốc yêu nước trong tỉnh Phúc Kiến duyên hải. Sinh viên Trường Sa quyết định tổ chức một cuộc biểu tình đoàn kết quy mô lớn và dự định tổ chức một hoạt động bài Nhật rầm rộ. Đúng lúc đó, Ủy ban bảo vệ hàng nội hóa của tỉnh phát hiện một khối lượng lớn hàng Nhật buôn lậu trong lúc đi kiểm tra một cửa hàng ở Trường Sa. Ủy ban quyết định tịch thu và thiêu hủy công khai số hàng này. Ngày 2.12, một đám đông khoảng 5.000 người gồm sinh viên, giáo viên, công nhân và nhân viên bán hàng di chuyển trên đường phố hướng về tòa nhà Ủy ban Giáo dục. Zhou Shizhao nhớ lại:

           “Bầu trời hôm đó trong trẻo... Ánh nắng mùa đông rọi sáng trên các gương mặt các bạn trẻ, nhưng tim họ sôi lên vì giận dữ và căm uất... Khi đám đông đi ngang qua các cửa hàng bán hàng ngoại hóa, những tiếng gào to ‘Chúng ta sẽ hủy hàng lậu’ và ‘Đả đảo bọn thương nhân phản quốc’ vang lên như sấm động... Lúc một giờ chiều, đoàn người dừng lại tại cổng Ủy ban Giáo dục. Họ chất hàng Nhật thành đống, đám đông sinh viên và người hiếu kỳ lúc này đã lên đến khoảng một vạn vây quanh đống hàng, đợi châm lửa.

            Đúng lúc ấy... tay tham mưu trưởng của Zhang Jingyao là em hắn Zhang Jingtang đang ngồi vênh váo trên mình ngựa và huơ kiếm, thúc một đại đội lính và một trung đội kỵ binh xông vào quảng trường. Hắn ra lệnh binh lính vây chặt sinh viên. Hắn bước lên bục cao và gào to: ‘Phóng hỏa, thiêu hủy hàng là hành động cướp bóc. Do vậy sinh viên là bọn thổ phỉ. Nói chuyện với bọn thổ phỉ bằng cách nào đây? Chúng chỉ hiểu mỗi một thứ ngôn ngữ. Chúng cần bị đánh và đập tan!’. Nói xong, hắn ra lệnh kỵ binh lôi sinh viên ra ngoài và đánh họ. Hắn tiếp tục gào to: ‘Sinh viên! hãy quay về nơi ở của tụi bây!...’. Cả trăm binh lính chĩa lưỡi lê vào sinh viên, buộc chúng tôi rời quảng trường. Chúng tôi quay về trường, giận sôi lên vì căm phẫn... nhưng chúng tôi chẳng biết phải làm gì” (33).

            Mao Trạch Đông và những người lãnh đạo của phong trào yêu nước phản ứng ngay tức thì. Ngày hôm sau, 3.12, một cuộc họp khẩn cấp của Tân Dân Học Hội và những người hoạt động tích cực của Hiệp hội Sinh viên Hồ Nam diễn ra bên ngoài cổng thành phía nam. Họ quyết định tổng bãi khóa và đòi triệu hồi Zhang Jingyao ngay lập tức. Một cuộc họp tiếp theo vào ngày 4.12 quyết định cử những phái đoàn đặc biệt đến Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Hán Khẩu, Thành Đô, Hán Dương và Quảng Châu để phát động một phong trào đòi thuyên chuyển Zhang (34).

             Cuộc bãi khóa bắt đầu ngày 6.12. 73 trong số 75 trường học của thành phố đóng cửa. Khoảng 1.200 giáo viên và 13.000 sinh viên tham gia bãi khóa. Họ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không quay lại lớp cho đến khi Zhang Ác độc bị chuyển khỏi Hồ Nam” (35). Hôm đó, Mao và những người hoạt động tích cực lên đường đi Bắc Kinh. Mao chỉ mang theo một cây dù giấy tẩm dầu che mưa nắng, một bộ đồ lót và một vài quyển sách. Chuyến đi mất gần 2 tuần. Ngày 18.12, Mao một lần nữa có mặt ở Bắc Kinh. 

             Xét ở vẻ ngoài thành phố không có gì thay đổi kể từ khi Mao rời nơi đây. Không có dấu hiệu của cuộc đấu tranh sôi sục gần đây của sinh viên. Sinh hoạt đã trở lại bình thường.  Bị buộc bỏ nơi đây đi Thượng Hải, Trần Độc Tú không còn dạy ở Đại học Bắc Kinh, nhưng Lý Đại Chiêu vẫn trông coi thư viện. Nhưng bi kịch đã giáng xuống gia đình Dương Xương Tế. Vài tháng trước khi Mao đến, vị giáo sư đáng kính bị phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày không thể mổ. Ông được đưa vào một bệnh viện Đức rất tốt, nhưng bệnh tình ông xấu đi nhanh chóng; ông đang chờ chết (37). Mao vội chạy đến thăm ông, và cố gắng cổ vũ người thầy giáo yêu của mình, nhưng Dương biết ông sắp lìa đời.

           Mao gặp lại Dương Khai Tuệ bên giường bệnh của cha cô, nhưng do quá đau buồn nên cả hai không hỏi thăm nhau. Thực ra giữa họ chẳng có gì. Sau này, Dương Khai Tuệ có khẳng định rằng trong quãng thời gian họ chia tay, Mao thường xuyên viết “thư  tình” cho cô, nhưng không ai biết chuyện này có thực không (38). Không một bức nào như vậy còn được lưu lại. Hơn nữa, Mao đang qua lại với Đào Nghị, người quyến rũ Mao không chỉ bằng nữ tính của cô, mà còn vì Mao xem cô “là người rất thông minh và có chí hướng” (39). Chúng tôi biết rằng Mao có viết thư cho cô và thậm chí lên kế hoạch cho tương lai của hai người (40).

               Dương Xương Tế qua đời ngày 7.1.1920, bỏ lại gia đình trong cảnh đáng thương về tài chính. Nhà giáo tài hoa không kiếm được nhiều tiền. Con trai đầu của ông vẫn còn là sinh viên và không thể phụ đỡ mẹ và em gái. Bạn bè và sinh viên người quá cố đảm nhận gánh nặng chăm sóc gia đình ông. Tất nhiên là Mao Trạch Đông nằm trong số những người tích cực nhất trong việc lập một quỹ hỗ trợ gia đình vị giáo sư đáng kính (41).

            Mao không quên lý do ông đến Bắc Kinh. Phái đoàn Hồ Nam dồn dập gửi thư thỉnh nguyện đến tổng thống phủ, nội các, các bộ ngoại giao, tài chính, nông nghiệp và mậu dịch. Họ nài nỉ chính phủ bãi chức và trừng phạt Zhang ngay “để giữ gìn luật pháp và cứu dân lành khỏi thảm họa” (42). Phái đoàn liệt kê những tội ác chính mà tỉnh trưởng Hồ Nam và đàn em ông ta phạm phải. Thay mặt phái đoàn, Mao viết: “Từ khi đến Hồ Nam năm rồi, Zhang Jingyao đã phóng tay cho đám lính như bầy sói khát mồi, hãm hiếp, đốt nhà, cướp bóc, giết chóc và buông lỏng chính quyền của ông ta như một con cọp dữ tha hồ trấn lột, cướp đoạt, và đoạt thuế” (43).

            Nhưng tất cả chỉ phí công. Cái chính phủ hủ bại kiểu mafia không có ý định xử lý một cách nghiêm túc vấn đề Zhang Jingyao. Điều duy nhất mà Mao và những người đồng hành có thể tranh thủ được là một lời hứa từ quan chức chính phủ sẽ cử “ai đó” tiến hành một “cuộc điều tra kín”. Mao rất đỗi thất vọng. “Khối Đại liên hiệp quần chúng nhân dân” tỏ ra bất lực trước đám đầu sỏ ở tỉnh vốn cấu kết chặt với chính quyền trung ương. Khi Zhang Jingyao bị quét khỏi Hồ Nam tháng 6.1920, sự ra đi của ông ta chẳng qua là kết quả của trò chơi quen thuộc chia chác ghế trong đám đốc quân. Một lần nữa, Trường Sa lại thuộc về Đàm Diên Khải, người giành được chức tỉnh trưởng (45).

           Chỉ mỗi quyền lực quân sự là có ý nghĩa ở Trung Quốc. Súng là bà đỡ của quyền lực. Nhưng Mao vẫn chưa nhận thức thấu đáo điều này, dù ông có nhìn thấy chuyện đang diễn ra. Bất kể tình cảm lãng mạn của tuổi trẻ, Mao nhìn chung, vẫn là người tương đối nghiêm túc. Mao là người tính khí nóng nảy, trong các thư viết cho bạn, ông thỉnh thoảng tự trách mình “quá cảm tình và...hăng máu”, nhưng các hứng khởi đến phát khùng làm ông buồn bã (44). Ông không phải loại người chặt ngón tay và dùng máu kẻ khẩu hiệu yêu nước. Ông vẫn thành tâm tin vào các ưu thế của khoa học, giáo dục và văn hóa, và vào khả năng của hoạt động báo chí khách quan và hoạt động vô tư trong địa hạt công. Niềm tin này sẽ trôi qua trong một vài năm, nhưng lúc này Mao vẫn “sống trong mây”. Đáng ghi nhận ở đây là khi biết tin Zhang Jingyao ra đi, Mao Trạch Đông đã để lộ sự ngây thơ hết mức khi viết: “Dân Hồ Nam sẽ tiến một bước khác về phía trước và sẽ hoạt động cho một ‘phong trào hủy bỏ chính quyền quân sự tỉnh’... Việc trục xuất Zhang của dân Hồ Nam là quyết định của riêng họ, không dính dáng đến một thế lực đen tối nào. Nếu họ thực sự thức tỉnh trước nhu cầu hủy bỏ chính phủ quân sự tỉnh, họ có thể chỉ việc tự đá văng nó đi...” (47). Thực tế là dân Hồ Nam ngồi ở nhà, không dám ló mặt ra đường, khi đám quân của Zhang rút khỏi thành phố. Họ quả thực có thể vùng lên chống lại bất kỳ ai chiếm vị trí tỉnh trưởng quân sự?

             Trong mùa đông, Mao thường xuyên gặp Lý Đại Chiêu và Đặng Trung Hạ. Nhờ họ, ông biết được kha khá về nước Nga Bolsevik, nơi một cuộc nội chiến toàn diện đang hoành hành. Có một đảng cực đoan bí ẩn, đoàn kết công nhân và nông dân dưới ngọn cờ đỏ của họ, đấu tranh chống lại quý tộc và bọn cường hào bị Mao ghét. Nghe theo gợi ý của giáo sư Lý, ông tiếp tục đọc sách báo cộng sản. Ông còn biết rằng dưới tác động của Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú đã dịch chuyển sang lập trường cộng sản. Ngay ngày 20.4.1919, Trần đã cho in một  bài ký về Cách mạng Bolsevik trong tờ Bình Luận Hàng Tuần. Trong bài viết, Trần nói rằng cuộc cách mạng này là “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người”. Mao đang tiến đến chỗ tiếp nhận học thuyết mới này một cách nghiêm túc hơn trước đây.

            Do không biết ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Trung Quốc, Mao chỉ có thể đọc sách báo mác xít bằng bản dịch, nhưng ở Trung Quốc số lượng loại này không nhiều. Các tác phẩm bằng tiếng Trung Quốc đang có sẵn của Marx là các phiên bản lược dịch Tuyên ngôn Cộng sản được in trong tờ Tuần san Bình luậnPhê phán Cương lĩnh Gotha, những tác phẩm luận chiến tả khuynh công khai kêu gọi dùng bạo lực lật đổ chế độ cai trị tư sản và thiết lập nền chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân. Trong số những tác phẩm của Lenin, Mao chỉ có thể tiếp cận Các chính đảng ở Nga và nhiệm vụ của giai cấp vô sản được nhà lãnh đạo Boshevik viết đầu tháng 4.1917. Còn có bản dịch Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng sản gửi vô sản toàn thế giới được Trotsky viết cho Đại hội I Quốc tế Cộng sản (QTCS), tổ chức cộng sản thế giới được những người Boshevik thành lập tháng 3.1919.

             Mao cũng đọc kỹ vài tác phẩm khác giải thích tư tưởng cộng sản, bao gồm Đấu tranh giai cấp của Karl Kautsky, một nhân vật mác xít người Đức và Lịch sử chủ nghĩa xã hội của nhà triết học và XHCNFabian Thomas Kirkup. Sau này, ông nói với Edgar Snow: “Trong chuyến đến Bắc Kinh lần hai, tôi đã đọc nhiều về các biến cố ở Nga, và đã hăm hở tìm đến số sách vở cộng sản ít ỏi bằng tiếng Trung. Ba quyển sách đặc biệt ăn sâu vào đầu óc tôi, và tạo cho tôi niềm tin vào chủ nghĩa Marx. Các quyển đó là Tuyên ngôn Cộng sản được Trần Vương Đạo dịch và là quyển sách mác xít  đầu tiên được in ở Trung Quốc; Đấu tranh giai cấp của Karl Kautsky và Lịch sử chủ nghĩa xã hội của Kirkup. Đến mùa hè năm 1920, tôi đã trở thành, trong lý luận và phần nào đó trong hành động, một người mác xít, và từ lúc đó tôi tự coi mình là người mác xít” (48).

            Mao đã tô hồng sự kiện khi ông kể lại cho Snow quá trình chuyển biến về  tư tưởng của mình. Thực ra mọi sự diễn ra phức tạp hơn, và tất nhiên là những tác phẩm kể trên không tạo ra sự chuyển biến ngay lập tức trong tâm thức ông. Đã vậy, bản dịch Tuyên ngôn Cộng sản của Trần Vương Đạo chỉ được in vào tháng 8.1920, do vậy Mao chỉ đọc nó vào mùa hè năm đó([1]). Các bài viết của Lý Đại Chiêu và Trần Độc Tú phổ biến biến cố tháng Mười đã hoàn chỉnh hình ảnh đang hình thành trong đầu óc Mao (49). Các cuộc trò chuyện với giáo sư Lý, các cuộc tiếp xúc với Đặng Trung Hạ, người đã chấp nhận quan điểm của những người Bolsevik, và với những trí thức trẻ khác ở thủ đô, tất cả đã tác động đến suy nghĩ của Mao.

            Sau ngày 4.5.1919, tâm trạng của sinh viên Bắc Kinh thay đổi. Những ảo tưởng thời chiến về chủ nghĩa tự do Anh-Mỹ mà những người yêu nước Trung Quốc từng chia sẻ đã tiêu tan. Điều này đưa đến một cuộc khủng hoảng về tư tưởng tự do trong toàn Trung Quốc nói chung, ở Bắc Kinh nói riêng. Sự phân định đường lối tư tưởng và chính trị trong trí thức Trung Quốc trở nên rạch ròi hơn (50). Chính lúc đó, công nhân công nghiệp lần đầu tiên bước ra sân khấu lịch sử Trung Quốc. Hàng trăm ngàn công nhân tham gia Phong trào Ngũ tứ. Sự thức tỉnh của họ hiện ra trong mắt những nhà cách mạng Trung Quốc nào đã làm quen với chủ nghĩa Marx như là lời khẳng định rõ ràng về chân lý của học thuyết mác xít liên quan đến “sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân” (51). Nhưng có những dữ kiện quan trọng hơn quyết định mối quan tâm của công luận Trung Quốc đến chủ nghĩa Marx, đó là tính chất huy hoàng của Cách mạng tháng mười ở Nga, đó là chính sách chống đế quốc và chống tư bản một cách triệt để của Chính phủ Xô viết, và đó là những thắng lợi của Hồng quân trong cuộc chiến đấu chống những kẻ can thiệp đế quốc và phản cách mạng trong nước. “Với Cách mạng Nga, chủ nghĩa Marx chứng tỏ rằng nó là một sức mạnh có thể làm rung chuyển thế giới”, Lý Đại Chiêu nhấn mạnh trong năm 1919 (52). Về cơ bản, ông có lý.

           Các thành tựu của những người cộng sản Nga làm dậy lên ý muốn nắm bắt hệ ý thức dẫn dắt hành động của họ. Trí thức Trung Quốc yêu nước bắt đầu tìm hiểu kinh nghiệm Boshevik, tìm tòi một học thuyết mà họ có thể dùng như một đòn bẩy dịch chuyển Trung Quốc. Chủ nghĩa Marx bắt đầu được phổ biến và được chấp nhận ở Trung Quốc thông qua lăng kính kinh nghiệm của những người Boshevik. Nhiều năm sau, Mao viết: “Chính là thông qua người Nga mà người Trung Quốc tìm thấy chủ nghĩa Marx... Đi theo con đường của người Nga – đó là kết luận của họ” (53). Trong số cả đống trường phái mác xít, hầu hết các trí thức hàng đầu của Trung Quốc chỉ vay mượn mỗi chủ nghĩa Boshevik. Nét nổi bật ở những người tin theo chủ nghĩa Boshevik là cái nhìn duy ý chí của họ liên quan đến các quy luật phát triển xã hội, xu hướng của họ xem vai trò của quần chúng và đấu tranh giai cấp trong lịch sử là những điều tuyệt đối, sự phủ nhận hoàn toàn của họ đối với các quyền sở hữu, sự tán dương của họ đối với bạo lực và tương tự như vậy, sự chối bỏ của họ đối với các giá trị nhân văn phổ quát, kể cả những khái niệm về luân lý và đạo đức, về tôn giáo, về xã hội dân sự đã được mọi người chấp nhận. Họ có một sự hiểu biết đơn giản hóa và nông cạn về các cấu trúc xã hội-kinh tế, chính trị và tư tưởng của các xã hội tư bản và tiền tư bản, không thèm quan tâm đến tính đa dạng của các chế độ xã hội. Cái nhìn của họ về sự phát triển thế giới mang tính toàn cầu về bản chất; luận điểm duy nhất mà họ sẵn sàng chấp nhận là tình tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới.

             Một số người trẻ Trung Quốc, vốn cảm nhận sâu sắc thực trạng yếu kém và nỗi ô nhục của đất nước, đặc biệt bị hấp dẫn bởi ý chí sắt đá của những người Boshevik. Họ xem chính sách của Lenin về khủng bố vô sản không kìm chế như là biểu thị của sức mạnh vô song. Và sức mạnh lại chính là thứ mà Trung Quốc đang thiếu. Bertrand Russell, nhà triết học Anh tự do đã viếng thăm Trung Quốc đầu năm 1920, đã chấn động mạnh trước mức độ của “tình yêu đối với bạo lực” ở rất nhiều người trẻ Trung Quốc. Russell đến Trung Quốc sau chuyến tham quan Nga xô viết. Những ghi chép của ông về chuyến đi Nga được Trần Độc Tú cho in trong một số báo Tân Thanh Niên (54). Ông miêu tả các hành động của những người cộng sản Nga, một cách khách quan và toàn diện (55). Là một người thuộc cánh tả, các bài giảng và bài viết của ông nhấn mạnh đến “ý nghĩa to lớn của kinh nghiệm Boshevik cho sự phát triển của thế giới”, biện luận cho nhu cầu của mọi người XHCN ủng hộ Nga xô viết. Đồng thời, trong tư cách là một người tự do, ông kinh hoảng trước những hành động của những người Boshevik vốn bị xem là không tương thích với các nguyên lý của dân chủ, và trước chính sách khủng bố mà họ đã tung ra. Khi nói về Trung Quốc, Russell lên án nền chuyên chính công nông, dù ông đề cập một cách khá tích cực đến chế độ cộng sản. Ông biện luận rằng người giàu nên được thuyết phục bằng việc giáo dục họ thay đổi nếp sống. Khi ấy sẽ là không cần thiết “giới hạn tự do hay phải viện đến chiến tranh và cách mạng đổ máu” (56). Tuy nhiên, các sinh viên Trung Quốc của ông lại ngấu nghiến chính cái thứ mà Russel phê phán những người Boshevik.

            Việc Mao lưu lại Bắc Kinh trong mùa đông và mùa xuân năm 1920 không đưa đến một sự thay đổi căn cơ nào trong tâm thức ông. Chắc chắn 1à chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Boshevik đã gây ấn tượng với Mao bằng lời tán dương ý chí sắt đá và có làm ông suy nghĩ nhiều hơn về chủ nghĩa cộng sản Nga. Nhưng Mao không trở thành một kiểu người mác xít nào vào mùa xuân 1920. Đó là điều mà Mao đã viết cho người bạn Zhou Shizhao vào giữa tháng 3.1920: “Để cho trung thực, tôi vẫn không có một ý niệm tương đối rõ ràng về tất cả hệ ý thức và học thuyết khác nhau” (57). Tư duy ông vẫn còn là một đống bùng nhùng. Ông đã coi Nga Xô là “quốc gia văn minh số một thế giới”, nhưng ông vẫn còn mơ tưởng sẽ đi đến đâu đó với bạn bè và thành lập một “Trường Đại học Tự học”. Ông phân công chi tiết cho từng người trong cái công xã không tưởng đó và lập luận rằng “tất cả tiền thu được sẽ được giữ làm của chung. Những người nào kiếm nhiều hơn sẽ giúp những người kiếm ít hơn; mục tiêu là tồn tại” (58). Dưới tác động của mọi thứ ông đã đọc và nghe về Đất nước Xô viết, ông muốn đi đến đó. Tháng 2.1920, ông thậm chí nói úp mở với Đào Nghị về khả năng họ sẽ cùng đi đến đó trong một hai năm nữa. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, ông bất ngờ tuyên bố rằng “một bông hoa nhỏ của nền Văn hóa mới đã xuất hiện ở Nga, bên bờ Bắc Cực. Những cơn gió hung bạo và những trận mưa sa sẽ thử thách nó trong vài năm, và chúng ta  vẫn không biết liệu nó có phát triển thành công hay không.” (59). 

            Trong thư gửi người thầy cũ Li Jinxi vào đầu tháng 6, ông viết: “Gần đây, em đang tập trung vào việc nghiên cứu ba chủ đề: tiếng Anh, triết học và báo. Về triết học, em đã khởi sự từ ‘ba nhà triết học đương đại’ và sẽ dần dà tìm hiểu về các trường phái tư tưởng khác”. “Ba nhà triết học đương đại” mà Mao nói đến không phải là Lenin và những người theo ông này, mà đúng hơn là Bertrand Russell và những trí thức tự do khác là Henri Bergson và John Dewey (60). Ông thú nhận đang cảm thấy một cơn “đói khát tri thức”, nhưng việc nghiên cứu của ông không theo một trật tự nào và việc đọc của ông không có phương hướng rõ ràng. “Em không thể làm đầu óc mình lắng xuống, và em cảm thấy khó kiên trì. Cũng thật khó để em thay đổi. Đó thật sự là một trường hợp đáng tiếc nhất!” (61). Ông thử mọi thứ. Triết học, ngôn ngữ học, thậm chí cả Phật giáo đều thu hút ông. Bất chấp các bài học nhận được từ giáo sư Lý, Mao vẫn chưa chấp nhận chủ nghĩa Boshevik là thế giới quan duy nhất đúng đắn.

             Mao rời Bắc Kinh ngày 11.4. Như đã làm một năm trước, ông đi theo một lộ trình. Lần này, ông đến Thiên Tân trước, một chuyến đi kéo dài từ hai đến ba tiếng về phía đông Bắc Kinh, rồi đi tiếp đến Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, nổi tiếng bởi mùa xuân của nó. Sau đó, Mao tranh thủ thời gian ghé sinh quán của Khổng Tử, thị trấn Quế Phụ tuyệt đẹp, rồi trèo lên đỉnh núi thiêng Thái Sơn gần đó, từ đây có thể ngắm cảnh đẹp mặt trời mọc. Sau khi xuống núi, ông viếng Trâu Thành, sinh quán Mạnh Tử, một nhà triết học cổ đại khác. Rồi ông du hành đến Thượng Hải qua ngã Nam Kinh. Ở Thượng Hải, ông có việc phải làm. Hành trình của ông mất 25 ngày. Bấy nhiêu cũng đủ để nghỉ ngơi và lấy lại sức khỏe cho những trận chiến chính trị sắp đến.

LÊ PHỤNG HOÀNG dịch

([1]) Để cho công bằng, chúng ta có thể ghi nhận rằng Mao có thể đã làm quen với một bản dịch khác của Tuyên ngôn Cộng sản. Đó là bản mà theo trí nhớ của Lã Chương Long được sinh viên Đại học Bắc Kinh in ronéo. Nhưng chuyện này có đúng thực không thì không thể biết chắc.

Các Bài viết khác