NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MAO CÂU CHUYỆN CÓ THẬT - Chương 5

( 10-08-2018 - 11:43 AM ) - Lượt xem: 1450

Lý do chính cho quyết định không đi Pháp của Mao là lòng kiêu hãnh. Mao, một con người tự tôn và quyền uy, không muốn cảm thấy bị sút kém hơn những người khác. Cho dù ở Bắc Kinh, thủ đô của giới tinh hoa, Mao không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái.

5

Những giấc mộng ở Hồng Lâu

 

 

 

 

Mao và các bạn đến Bắc Kinh ngày 19.8.1918 và họ liền tìm đến nhà Dương Xương Tế ở phía bắc thành phố, cách cổng thành không xa. Dương rất hoan hỉ đón họ và cho biết sẵn sàng tiếp bốn người, trong đó có Mao (1). Dương, bà vợ Xiang Zhenxi, cậu con trai Yang Kaizhi 20 tuổi và cô em gái Dương Khai Tuệ 17 tuổi sống trong một căn nhà nhỏ nằm trong một con hẻm hẹp và bẩn (2). Mao không xa lạ với gia đình thầy do đã thường lui tới nhà Dương Xương Tế ở Trường Sa. Được giáo sư mời, mùa hè năm 1916, Mao đã đến làm khách của thầy ở thị trấn quê nhà Bản Thương. Mao nhớ mình đã phải đi bộ hơn 30km bằng đôi giày bện bằng rơm để tới ngôi nhà bằng gạch không có nét gì bắt mắt (3). Thời đó, Khai Tuệ được người nhà trìu mến đặt tên là Hà (4) mới 15 tuổi (cô sinh ngày 6.11.1901). Con người rụt rè Mao không một lần trò chuyện với cô. Mao cũng không nói chuyện với vợ thầy. Trò chuyện với phụ nữ mà bạn vừa biết sẽ bị xem là bất nhã, do vậy bạn chỉ cần cúi đầu chào như một cử chỉ kính trọng. Nhưng Mao hoàn toàn thích thú được trò chuyện với người thầy có tủ sách khổng lồ mà Mao rất thích. Mao và Dương Khai Tuệ có chạm mặt nhau sau đó, nhưng Mao, cần nhắc lại ở đây, không quan tâm đến phụ nữ và hẳn là không để ý rằng cô gái trẻ đã trổ mã thành một thiếu nữ.

 

Giờ đây, gặp lại Khai Tuệ, Mao không thể kìm nỗi xúc cảm. Đứng trước Mao là một thiếu nữ đẹp với đôi môi gợi cảm và cặp mắt đen hút hồn. Bạn bè Mao cũng ấn tượng không kém. Tiêu Vũ nhớ lại: “Cô có vóc người hơi nhỏ và khuôn mặt tròn. Cô trông giống cha mình, cũng với đôi mắt nhỏ nhắn, thụt sâu, nhưng nước da hoàn toàn trắng” (5). Trong lúc đó, Khai Tuệ cũng bị thu hút trước anh chàng quê Thiều Sơn “thông minh và lịch thiệp” mà cha cô thường khen ngợi. Nhiều năm sau cô nhớ lại: “Tôi đã yêu anh ấy đến điên cuồng khi tôi nghe nói về vô số việc làm của anh. Dù rất yêu anh, tôi không để lộ tình cảm của mình... Tôi tin chắc rằng người ta tự đến với tình yêu. Tuy nhiên, tôi không ngừng hy vọng và mơ mộng... Tôi quyết định rằng nếu sự việc chẳng đi đến đâu, tôi sẽ không bao giờ lấy ai khác”(6).

 

Dương Khai Tuệ thất vọng vì mối quan hệ của họ tiến triển không suôn sẻ. Phải hai năm nữa trôi qua trước khi số phận của họ đan quyện vào nhau. Mao quá rụt rè, và cũng chẳng có tiền để đặt “vấn đề”. Lòng kiêu hãnh không cho phép Mao sống dựa vào Dương Xương Tế. Sau vài ngày nghỉ ngơi ở nhà Dương, Mao và các bạn cảm ơn gia chủ và chuyển đến sống trong một căn hộ nhỏ gồm 3 buồng bé tí([1]). Họ quá nghèo để sắm sửa thứ gì khác. Căn nhà bằng gỗ nhỏ bé một tầng với cửa sổ rộng che bằng giấy cũng chứa 4 người bạn khác. Mỗi đêm 8 người cố xoay xở sao cho vừa trên một cái khảng – một tấm ván thấp, bằng phẳng chiếm gần nửa phòng, kéo dài từ vách này sang vách kia. Khảng được dùng làm giường ủ nóng trong những nhà xưa ở Trung Quốc. Khi tiết trời lạnh, khảng được sưởi ấm bằng khói nóng bốc ra từ lòng lò sưởi được xây bên trong một trong hai bên của khảng. Khói luân chuyển xuyên qua khảng, lấp đầy các lổ hổng, rồi thoát ra qua một lổ hở nằm trong lớp tường bên ngoài. Tuy nhiên, họ không đủ tiền giữ ấm khảng, nên đành ngủ sát vào nhau cho ấm. Tám người họ chỉ có một áo khoác nhồi bông, do vậy vào những ngày đông họ thay phiên nhau mặc để ra ngoài. Phải đến 4 tháng sau họ mới mua thêm được hai áo khác. Họ nấu ăn trên một lò nhỏ đặt ngay trong buồng (8).

 

Căn nhà nhỏ với sân trong bé xíu nằm trong một con hẻm hẹp thuộc quận Tam Nhãn Tỉnh (Bắc Kinh), rất gần trường Đại học Bắc Kinh. Nó cũng gần hồ nước nhân tạo nổi tiếng Bắc Hải nằm trong một công viên cùng tên, cũng như gần Tử Cấm Thành, dinh thự riêng của cựu hoàng Phổ Nghi.

 

Mao thường đi lang thang dọc theo các con đường đầy bụi và lối đi không lát đá ở Bắc Kinh. Không giống Trường Sa, Bắc Kinh không phải là trung tâm thương mại rộng lớn và các phố thương mại của nó không nổi bật bởi các biển hiệu và bảng quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều phố, nhất là phố mua sắm chính Vương Phủ Tỉnh, đầy ắp người. Dân số Bắc Kinh đông gấp 5 lần Trường Sa, vào khoảng 1 triệu (9). Khối lượng lớn xe tay, luôn luôn được kéo với tốc độ nhanh, tràn ngập phố và lối đi. Khoảng một phần sáu nam giới Bắc Kinh trong độ tuổi 16 – 50 kiếm sống bằng nghề kéo xe. Một phu xe khéo léo có thể kiếm trên 15 bạc trắng một tháng, sau khi đã trừ phí thuê xe, do hầu hết phu phải thuê lại ở các gara đặc biệt, trong lúc  một phụ tá thủ thư ở Đại học Bắc Kinh chỉ được trả 8 bạc trắng (11).

 

Vẫn còn là của hiếm, ô tô chạy dọc theo những con lộ rộng, bóp còi inh ỏi. Các xà ích quát người đi bộ nhường đường cho xe ngựa của họ được các con ngựa lùn Mông Cổ nhiều lông kéo. Các phu xe chen lấn tìm khách, gào đến khản tiếng để át tiếng ồn “Mời ông! Mời bà!”. Tiếng ồn thật không sao chịu nổi; nó làm điếc tai khách ngoạn cảnh Bắc Kinh. Người ta còn thấy những con lạc đà trên đường phố khi có đoàn thương buôn đến đây từ thảo nguyên Mông Cổ. Sự xuất hiện của họ càng làm cho đường phố Bắc Kinh thêm náo nhiệt (12).

 

Tuy nhiên, thành phố vẫn tạo được một ấn tượng tốt đẹp. Không thể không vui thích trước các công trình kiến trúc tuyệt vời, các cụm dinh thự và đền đài độc nhất vô nhị của thành phố, được bố trí hài hòa trong sân vườn trông như công viên. Mao cũng cảm nhận được nét duyên dáng đậm đà nên thơ của thủ đô. Ông nói: “Trong công viên và trên sân các dinh cổ, tôi thấy mùa xuân sớm của phương Bắc. Tôi thấy những hoa mận khoe sắc trắng trong lúc băng vẫn đóng cứng trên mặt hồ Bắc Hải... Rất nhiều cây ở Bắc Kinh làm dậy lên trong tôi nỗi say sưa và niềm thán phục” (13).

 

Bắc Kinh là một trong những thành phố cổ nhất Trung Hoa. Nó được xây dựng cách đây 4-5 ngàn năm dưới thời vị Hoàng Đế thần thoại với tên lúc đầu là Bắc Đô. Tên Bắc Kinh hiện nay có từ năm 1403 và được hoàng đế nhà Minh Vĩnh Lạc ban cho, khi ông này dời đô từ Nam Kinh về năm 1421. Chính là theo lệnh của Vĩnh Lạc mà một phức hợp dinh thự đồ sộ với diện tích 1.700 acres được xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh. Tên gọi chính thức của nó là Tử Cấm Thành. Còn ở khu phía Nam Bắc Kinh, Vĩnh Lạc cho dựng lên Thiên Đàn đẹp lộng lẫy được dùng làm nơi hoàng gia cúng bái tổ tiên.

 

Người Mãn Châu chiếm Bắc Kinh năm 1644, rồi xây một Cung điện Mùa hè thanh lịch nằm ở ngoại ô phía tây bắc thành phố. Tọa lạc trong một công viên khổng lồ rộng 840acre được đặt tên là Viên Minh Viên. Cung điện tồn tại đến năm 1860 thì bị quân Anh-Pháp “văn minh” xâm nhập Bắc Kinh trong Cuộc chiến Nha phiến lần hai cướp phá và đốt trụi một cách man rợ. Không muốn trùng tu công viên, thái hậu Từ Hi ra lệnh tân trang một dinh thự mùa hè đồ sộ khác trong Di Hòa Viên, một công viên gần đó. 

 

Tiếc là Mao không thể thưởng thức cái đẹp của Di Hòa Viên, vì phí vào cửa cao đến mức ngay cả nhiều người giàu ở Bắc Kinh cũng không đủ tài chính để tham quan dinh của hoàng đế. Nhưng Mao không buồn. Những gì ông thấy đã quá đủ cho lần đầu tiên đến Bắc Kinh.

 

Vào đầu thế kỉ XX, Bắc Kinh cũng là trung tâm văn hóa và chính trị của Trung Quốc. Chính tại đây vào năm 1898 một học viện tân tiến đã được xây dựng và chẳng lâu sau Cách mạng 1911 được đổi tên thành Đại học Bắc Kinh, tức Bắc Đại theo như cách gọi thông thường của người Trung Hoa. Sau khi Thái Nguyên Bồi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng vào mùa thu năm 1916, phong trào “Văn hóa mới” đã được triển khai ở Bắc Đại và nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước. Những người đề xướng phong trào này làm giống như các triết gia Pháp thế kỉ XVIII vốn từng hô hào tôn sùng lý trí thay cho thói tôn thờ niềm tin, lần này là ở xã hội Trung Quốc. Thời đại Khai sáng cuối cùng cũng đến được với Trung Quốc và Bắc Đại là pháo đài của nó. Phong trào “Văn hóa mới” gợi cho tri thức mới của Trung Hoa tìm kiếm những phương sách tiếp cận mới về lý luận có thể giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội Trung Quốc.

 

Người phát ngôn của phong trào là Tân Thanh Niên, tờ tạp chí đã in bài tiểu luận của Mao Trạch Đông về rèn luyện thể chất trong số tháng 4.1917. Tổng biên tập là Trần Độc tú, trưởng khoa Văn chương ở Bắc Đại. Tân Thanh Niên khởi xướng Phong trào Văn hóa mới nhắm vào tư tưởng Khổng học cổ truyền và trở thành ấn phẩm có ảnh hưởng nhất trong việc truyền bá những tư tưởng phương Tây như là dân chủ, chủ nghĩa nhân văn và các học thuyết khoa học mới nhất. Các trang của tạp chí cổ xúy nền đạo đức chống Khổng giáo và chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do của phương Tây, và gióng lên hồi kèn cho tiến trình đổi mới về tinh thần. Tạp chí cũng đóng vai trò chính trong nỗ lực truyền bá ngôn ngữ văn chương mới là tiếng Bạch thoại thay cho ngôn ngữ cổ điển Trung Quốc xưa cũ, vốn gây nhiều khó khăn cho khối đông quần chúng trong việc học đọc.

 

Những ý tưởng mà Tân Thanh Niên và Thái Nguyên Bồi ủng hộ tất nhiên rất gần với tâm hồn chàng thanh niên Mao Trạch Đông. Ông ngưỡng mộ Thái Hiệu trưởng, các giáo sư Bắc Đại Lý Đại Chiêu, Hồ Thích và các nhà lãnh đạo của phong trào quần chúng, và ông thực sự thần tượng hóa Trần Độc Tú. Đại học Bắc Kinh, hay nói đúng hơn tòa nhà mới xây của nó nằm ở Shatan (Sandbar), cách khu Mao ở vừa đúng 15 phút đi bộ. Tòa nhà cao 4 tầng rưỡi thu hút Mao như một thỏi nam châm. Ông biết sinh viên và giảng viên đặt cho nó biệt danh là Hồng Lâu, theo tên quyển tiểu thuyết trứ danh Hồng Lâu Mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần sống trong thế kỉ XVIII, do bởi 3 tầng cao nhất của tòa nhà được ốp gạch đỏ sậm.

 

Mao hẳn rất vui khi vào tháng 10.1918, giáo sư Dương Xương Tế tìm cho ông một công việc ở Đại học Bắc Kinh.  Dương đưa cho Mao thư tiến cử gửi Lý Đại Chiêu, giáo sư kinh tế học và giám đốc thư viện Bắc Đại.

 

Giống như Mao, Lý xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả, và chỉ hơn Mao 4 tuổi. Ông sinh ngày 29.10.1889 ở một làng nhỏ tên Đại Hắc Đà, cách Bắc Kinh không xa. Ông theo học ở một trường tư trong làng, nơi ông được, giống như Mao, dạy các sách kinh điển Khổng học. Năm 1907, ông vào Học viện Chính-Pháp Bắc Dương ở Thiên Tân, một thành phố thương mại lớn gần Bắc Kinh. Trước cả khi Cách mạng 1911 diễn ra, ông đã tích cực tham gia hoạt động chính trị và xã hội. Năm 1913, Lý ở độ tuổi 24 đã in các vần thơ và bài báo yêu nước thu hút sự chú ý của các trí thức ưu thời mẫn thế. Sau khi tốt nghiệp năm 1913, Lý quyết định ra nước ngoài học và ghi danh vào Đại học Waseda, một trường nổi tiếng ở Tokyo. Ông trở về Trung Quốc từ tháng 5.1916 và ngay lập tức gia nhập Phong trào Tân Văn hóa. Lý được mời dạy ở Đại học Bắc Kinh tháng 11.1917 và đảm nhận chức trách giáo sư kinh tế học và giám đốc thư viện tháng 1.1918. Không lâu sau đó, theo đề nghị của Trần Độc Tú, Lý trở thành thành viên của ban biên tập Tân Thanh Niên (14). Cuối tháng 12.1918, ông và Trần Độc Tú thành lập một tạp chí khác, tờ Bình Luận  Hàng Tuần đề cập đến các vấn đề chính trị theo một cách gay gắt hơn cả Tân Thanh Niên.

 

Lý có vóc người cao, mặt tươi cười, ánh mắt thân thiện, đeo cặp kính tròn gọng sắt và để hàng ria mép dài (15). Ông cư xử đúng mực và ăn vận lịch lãm, và không giống nhiều giáo sư Bắc Đại khác, Lý thỉnh thoảng mặc Âu phục, thắt cà vạt, mặc áo sơ mi trắng với cổ áo được hồ tinh bột. Ông thuộc loại người dễ thu hút người khác.

 

Lý trao cho Mao công việc phụ tá thủ thư với đồng lương 8 bạc trắng một tháng (16). Lương không cao, nhưng Mao không lo lắng về điều  kiện vật chất. Mao sung sướng nhận lời và lần đầu tiên trong đời Mao có bàn làm việc riêng. Sau này, ông sẽ kể bằng giọng tự hào với người thân rằng mình đã làm việc trong ban phụ trách Bắc Đại (17).

 

Bài viết của Giám đốc Lý còn thông thái hơn cả Trần Độc Tú và Thái Nguyên Bồi, nhất là trong các lĩnh vực triết học, chính trị học và kinh tế học đương đại phương Tây. Ông là người đầu tiên thực sự quan tâm đến điều được xem là những nguyên lý của chủ nghĩa Marx, vốn rất  mới đối với Trung Quốc. Trước ông hầu như không ai ở Trung Quốc biết chút gì về Marx, cho dù những thông tin sớm nhất về CNXH Mác xít đã xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng cuối thế kỉ XIX. Đầu năm 1903, một phần ngắn của Tuyên ngôn Cộng sản được in lần đầu tiên ở Trung Quốc dưới dạng một đoạn trích dẫn trong Chủ nghĩa Xã hội đương đại, một quyển sách của tác giả người Nhật Fukuda Shinzo được in ở Trung Quốc. Tháng 1.1908, những người vô chính phủ Trung Quốc đã in bản dịch Lời nói đầu mà Frederick Engels viết cho bản in tiếng Anh năm 1888 của Tuyên ngôn Cộng sản trong tờ Thiên lý Báo của họ. Đó là tác phẩm đầu tiên của nhà sáng lập chủ nghĩa Marx được in trọn vẹn ở Trung Quốc. Vào thời đó, tuyệt đại bộ phận trí thức Trung Hoa không rõ chủ nghĩa Marx thực sự là gì và không thể phân biệt chủ nghĩa xã hội Mác xít với các nguyên lý XHCN khác. Đây là điều mà chính Mao đã nói đến tháng 4.1945:

 

         “Ngoại trừ một số nhỏ người đi học ở nước ngoài, không ai ở Trung Quốc [trong những năm đó] hiểu [Chủ nghĩa Marx]. Chính tôi cũng không biết có một người như là Marx... Vào thời đó chúng ta... chẳng biết chút gì về sự hiện diện trên thế giới của chủ nghĩa đế quốc hay một thứ đại loại như Chủ nghĩa Marx... Trước đó nữa, có những người như Lương Khải Siêu và Zhu Zhixin đề cập đến chủ nghĩa Marx. Họ nói rằng có ai đó đã dịch Chủ nghĩa xã hội Không tưởng và Khoa học của Engels trong một tạp chí. Nói chung, vào thời đó tôi không thấy những bản in này, mà nếu có, tôi cũng bỏ qua, không để ý đến” (19).

 

Lý Đại Chiêu là người đầu tiên ở Trung Quốc chú ý đến không chỉ chủ nghĩa Marx, mà cả ý nghĩa toàn cầu của những gì mà những người Bolshevik đã trải qua. Ủng hộ lập trường Bolshevik, năm 1918, ông bắt đầu tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản Nga trên quy mô rộng. Ngay từ tháng 7.1918, trong bài báo So sánh các cách mạng Pháp và Nga, Lý Đại Chiêu viết:

         

          “Cách mạng Nga đánh dấu một sự thay đổi trong ý thức của không chỉ người Nga, mà còn của toàn thể nhân loại trong thế kỉ XX... Chúng ta phải tự hào chào đón Cách mạng Nga như là ánh sáng của nền văn minh mới. Chúng ta phải theo dõi sát những tin tức từ nước Nga đang được xây dựng theo những nguyên lí tự do và nhân văn. Chỉ như vậy, chúng ta mới theo kịp bước tiến của thế giới. Và chúng ta không nên thất vọng trước những lộn xộn tạm thời của nước Nga ngày nay!” (20).

 

Những giấc mơ ra đời trong cảnh tĩnh lặng của Hồng Lâu là như vậy.

 

Không lâu sau khi Mao gia nhập đội ngũ coi sóc thư viện, chính giám đốc Lý đã giúp Mao làm quen với những điều sơ khai của hệ ý thức Bolshevik. Lý nói: “Những người tư bản là một thiểu số không đáng kể của nhân loại, trong lúc công nhân là đại bộ phận áp đảo... Bất kỳ ai không làm việc, nhưng tiêu thụ đồ người khác sản xuất ra đều là kẻ cắp”. Lý lập luận: “Chúng ta phải chấm dứt bất công. Chúng ta phải... mang lại cho mọi người cơ hội trở thành công nhân, chứ không phải kẻ cắp”. Làm cách nào đây? Thông qua con đường của cuộc cách mạng XHCN thế giới, mà người Nga đã bắt đầu. Ông giải thích:  

 

           “Những người Bolshevik tìm thấy nền tảng cho các hành động của họ trong lời dạy của nhà kinh tế Đức, nhà XHCN Marx; mục tiêu của họ là vứt bỏ biên giới quốc gia hiện đang là một trở ngại cho CNXH, hủy diệt chế độ tư bản được tư sản dựa vào để tích lũy lợi nhuận... Những người Bolshevik thừa nhận sự hiện hữu của loại hình chiến tranh giai cấp, chiến tranh của giai cấp vô sản thế giới chống giai cấp tư sản thế giới... Họ đề nghị thiết lập một nền cộng hòa dân chủ liên bang châu Âu như là nền tảng của liên bang thế giới... Đó là cương lĩnh mới của cách mạng thế giới trong thế kỉ XX”.

 

Ngây ngất với đức tin mới, Lý Đại Chiêu viết:

 

             “Người ta có thể hiểu rằng Trotsky nhìn thấy cách mạng Nga như là ngòi nổ của cách mạng thế giới... Những cuộc cách mạng nhân dân sẽ nối tiếp nhau bùng ra... Đó là những cuộc cách mạng theo khuôn mẫu Nga, những cuộc cách mạng của thế kỉ XX... Hồi chuông thức tỉnh nhân loại đã vang lên... Bình minh của tự do đã đến. Thế giới tương lai là thế giới của cờ đỏ... Cách mạng Nga… báo trước những thay đổi trên thế giới... Chiến thắng của chủ nghĩa Bolshevik là chiến thắng của tinh thần mới dựa trên sự thức tỉnh hoàn toàn của nhân loại trong thế kỉ XX” (21).

 

Chẳng lâu sau, Lý cố gắng lôi kéo người phụ tá vào hoạt động chính trị thực sự. Ông mời Mao đến cuộc họp của ủy ban trù bị nhằm tổ chức một hội yêu nước được gọi là Trung Hoa Trẻ với những mục tiêu trùng hợp với những mục tiêu của Tân Dân Học Hội. Cuối tháng 11.1918, Mao dự một cuộc họp khác được Lý Đại Chiêu triệp tập ở Bắc Đại nhằm thành lập một Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx (22).

 

Tất nhiên là trước khi gặp Lý Đại Chiêu, Mao đã nghe nói đến Cách mạng Nga từ báo chí địa phương và quốc gia. Ngày 17.11.1917, tờ Đại Công Báo của Trường Sa đăng tải một bài về các biến cố ở Nga và Mao chắc chắc biết tên của người lãnh đạo đảng Bolshevik (23). Trong tháng 11.1917, Mao có thể chỉ đọc những bài tường thuật ngắn về các bài diễn văn của Trotsky và Lenin ở Đại hội các xô viết toàn Nga lần hai trên các trang Dân Quốc Thời BáoShishi Xinbao. Chúng tường thuật đề nghị của Lenin về chấm dứt ngay chiến tranh thế giới, cấp đất cho nông dân và giải quyết khủng hoảng kinh tế. Thông tin về Lenin, Trotsky, chủ nghĩa Bolshevik và Cách mạng tháng Mười thường xuất hiện trên báo chí Trung Quốc trong năm 1918 và thu hút sự quan tâm đáng kể. Nhưng Mao không thể hình dung rằng đó là “ánh sáng của kỷ nguyên mới” (24). Mọi thứ mà Lý Đại Chiêu nói đều mới đối với Mao.Ông nhận ra rằng học vấn của mình còn lâu mới đủ, do vậy ông quyết định tham gia các buổi giảng ở Đại học Bắc Kinh.

 

Cũng nhằm mục đích trên, đầu năm 1919, Mao tham gia ba hội đại học : triết học, văn học hiện đại và báo chí (25). Trong hội sau cùng, ông làm quen với nhà in và nhà bỉnh bút quan trọng Shao Piaoping, người thành lập Hoa Tấn Xã và tờ Kinh Báo - một tờ báo có tiếng ở Bắc Kinh. Đây là một mối quan hệ có ích. Shao dẫn dắt Mao vào thế giới làm báo đích thực. Tại một cuộc gặp của Hội Trung Quốc Trẻ, Mao chú ý đến Deng Kang, một sinh viên của Khoa Văn chương Đại học Bắc Kinh. Một thanh niên cao, mảnh khảnh, vui vẻ với  nụ cười hiền lành và đôi mắt tinh nghịch, mặc bộ đồ dài truyền thống Trung Hoa không che hết cái cổ dài nhô ra của mình. Mao tìm đến Đặng do cái giọng Hồ Nam của anh ta. Dù gì đi nữa, hai người trẻ, suýt soát tuổi, chia sẻ hầu hết các ý tưởng giống nhau và chẳng bao lâu kết bạn. Giống như người bạn lâu năm Thái Hòa Sâm của Mao, Đặng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời Mao và dưới cái tên Đặng Trung Hạ trở thành một trong những người tổ chức đầu tiên phong trào công nhân và cộng sản ở Trung Quốc, một nhân vật lãnh đạo trong Đảng CSTQ.

 

Tuy nhiên, người mà, theo lời Mao, “ảnh hưởng” đến Mao nhiều nhất, “có lẽ hơn bất kỳ ai khác”, là Trần Độc Tú (26). Năm 1936, Mao không dè dặt thổ lộ điều này với ngay cả Edgar Snow, một nhà báo Mỹ mà ông không quen biết, bất kể sự việc là vào thời điểm đó, Trần Độc Tú, sau một cuộc hành trình khá quanh co, đã trở thành một người Trotskít chính ở Trung Quốc. Mao hẳn kính trọng Trần Độc Tú thực sự để đưa ra lời thổ lộ này giữa thời điểm của một chiến dịch chống Trotsky sôi động mà Stalin đang chỉ đạo trong phong trào cộng sản quốc tế.

 

Cá nhân Trần Độc Tú có một hiệu ứng hớp hồn cả với những người khác. Ngay từ năm 1917, Mao và các bạn ở Trường sư phạm đã thảo luận rằng Trần có ý nghĩa đối với Trung Quốc như là Tolstoy đối với nước Nga, và rằng giống như nhà văn Nga, Trần là người mà trong cuộc đời riêng và trong các bài viết của mình đã “theo đuổi chân lý và tuân phục chân lý, bất kể người khác có nói gì” (27). Trần Độc Tú được giới trí thức yêu nước vô cùng kính trọng dù ông còn khá trẻ. Sinh ngày 8.10.1879, ông vừa qua tuổi 37 trong năm 1918.

 

Là người quê ở Hoài Ninh (nay là An Khánh) trong tỉnh An Huy, lúc còn thơ ấu, Trần hưởng một nền giáo dục Khổng học cổ điển. Giữa các năm 1900-1902, Trần tiếp nhận một số kiến thức khoa học phương Tây khi theo học các trường tân tiến ở Trung Quốc và Nhật Bản. Quay về Trung Quốc vào mùa xuân 1903, Trần tham gia sinh hoạt cách mạng sôi động, dự phần vào việc sáng lập các báo và tạp chí tiến bộ ở tỉnh An Huy và Thượng Hải. Chính Trần vào giữa tháng 9.1915 đã sáng lập tạp chí Thanh Niên trong khu Tô giới quốc tế Thượng Hải. Một năm sau nó được đổi tên thành Tân Thanh niên. Trần Độc Tú được mời làm việc ở Đại học Bắc Kinh vào cuối tháng 11.1916, và chẳng lâu sau được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Văn chương (28).

 

Giống như Lý Đại Chiêu, vào thời đó Trần thỉnh thoảng vận âu phục. Bộ đồ xám gồm ba chiếc, áo sơ mi được hồ tinh bột hoàn hảo, và cà vạt tạo cho ông dáng vẻ một giáo sư Mỹ ở một trường thương mại. Nhưng đó chỉ là vẻ ngoài đánh lừa. Ông cực kỳ dễ gần, vừa ăn nói sắc sảo vừa hài hước, đôi lúc cao giọng lúc tranh luận, nhưng ông không bao giờ xem thường người khác. Bất kể khoảng cách 10 năm tuổi tác giữa hai người, Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu trở thành bạn, Trần rất kính trọng người đồng liêu trẻ hơn mình.

 

Trần đối xử với Mao Trạch Đông cũng theo phong thái dân chủ như đối với Lý Đại Chiêu, dù Mao không phải là sinh viên chính thức. Mao không thể không chịu ảnh hưởng của ông. Vài tháng sau, Mao viết: “Chúng tôi nhìn Trần Công như một ngôi sao sáng trong thế giới tư tưởng. Khi Trần Công nói, bất kỳ ai có chút minh mẫn trong đầu đều đồng tình với ý kiến của ông.”(29). Tuy nhiên, không giống Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú chưa phải là người ủng hộ cả chủ nghĩa Bolsevik lẫn chủ nghĩa Marx. Trả lời một độc giả của Tân Thanh Niên, Trần nói rằng do nền công nghiệp phát triển quá ít, nên thật là phi lý khi nói về CNXH ở Trung Hoa (30). Ông tiếp tục cổ vũ cho tự do cá nhân, dân chủ và chủ nghĩa nhân văn.

 

Lập trường tư tưởng của Trần Độc Tú có nhiều ý nghĩa đối với Mao Trạch Đông. Viên trợ lý thủ thư kính trọng giám đốc Lý, nhưng mặc nhiên tin giáo sư Trần. Do vậy, ông vẫn hoàn toàn hồ nghi chủ nghĩa Bolsevik. Trong số các trào lưu cộng sản khác nhau, Mao quan tâm nhất đến chủ nghĩa vô chính phủ, vốn rất chú tâm đến chủ nghĩa cá nhân, và hơn thế nữa, vì cả Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu đều có cảm tình với các ý tưởng vô chính phủ (31).

 

Giữa các năm 1916 – 1920, chủ nghĩa vô chính phủ tạo ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc, kể cả ở Đại học Bắc Kinh. Chủ nghĩa vô chính phủ là triết học đầu tiên của phương Tây thu hút nhiều người tin theo ở Trung Quốc; chính những người vô chính phủ là những người đầu tiên để ý đến tình cảnh của công nhân và bắt đầu tổ chức những công đoàn đầu tiên. Trong đội ngũ những người vô chính phủ ở Trung Quốc có các trường phái khác nhau, chẳng hạn như tương hỗ của Kropotkin, cách mạng tự phát của Bakunin, chủ nghĩa vô chính phủ - công đoàn của Proudhon , học thuyết của một số người vô chính phủ Nhật cổ vũ việc tái tạo xã hội bằng cách xây dựng các khu định cư biệt lập, tự túc trong các vùng rừng núi. Kropotkin có ảnh hưởng lớn nhất. Ông cổ xúy công cuộc biến cải nhà nước và xã hội thông qua con đường phi tập trung hóa trên cơ sở người dân nỗ lực tự tổ chức một cách tự do trong một liên hợp các cộng đồng cộng sản. Những người vô chính phủ Trung Quốc ráp nối một cách chọn lọc các dòng tư tưởng vô chính phủ khác nhau và cố sức vươn đến trước tiên là tự do cá nhân tuyệt đối được họ hiểu là cần đưa đến một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với xã hội đương đại.

 

Mao có thể tìm thấy một số lượng kha khá tác phẩm vô chính phủ trong thư viện Bắc Đại. Mao bắt đầu làm quen  với chúng và bị chúng cuốn hút (32). Chẳng phải Mao đến Bắc Kinh là để tham gia phong trào “cần công kiệm học” ở Pháp do những người vô chính phủ chủ xướng sao. Nhớ lại những ngày tháng sống ở Bắc Kinh, Mao nói: “Mối quan tâm của tôi đến chính trị tiếp tục tăng lên, đầu óc tôi ngày càng trở nên triệt để... Nhưng cho đến lúc đó, tôi vẫn còn mù mờ, dò tìm đường đi... Tôi đọc một vài ấn phẩm về vô chính phủ và chịu nhiều ảnh hưởng của chúng. Tôi thường bàn luận về chủ nghĩa vô chính phủ và khả năng của nó ở Trung Quốc với một sinh viên tên Chu Quân Bồi [Zhu Qianzhi] thường ghé thăm tôi. Lúc đó, tôi thích một số đề xuất của họ”. Kropotkin có ảnh hưởng lớn nhất lên Mao. Hiển nhiên là các ước mơ của Mao cũng siêu thực không kém gì của Lý Đại Chiêu.

 

Trong số tất cả các thành viên của Tân Dân Học Hội, mỗi mình Mao tìm được việc làm ở Đại học Bắc Kinh. Những người khác cố xoay xở bằng những việc làm bấp bênh. Tất cả họ đều ghi danh vào những cơ sở giáo dục khác nhau phục vụ việc đào tạo cho chuyến đi Pháp. Một số vào một trường liên kết với Đại học Bắc Kinh, số khác vào một trường đặt ở  Bảo Định, một thành phố cách thủ đô khoảng 150km về hướng tây nam; Thái Hòa Sâm theo học một trường ở phía nam Bảo Định. Cùng với những thanh niên nam nữ, có hai người lớn tuổi hơn cũng chuẩn bị một cách nghiêm túc cho chuyến đi. Chúng ta đã làm quen  với một người trong họ, đó là Từ Đặc Lập, một giảng viên của Trường Sư Phạm số một Trường Sa. Người còn lại là mẹ của Thái Hòa Sâm, Ge Jianhao, còn được gọi là Ge Lanying. Môn học chính là tiếng Pháp, kết quả thi của môn này được xem là cơ sở để xét tuyển người được đi. Ứng viên phải qua một kỳ sát hạch miệng bằng tiếng Pháp và khám sức khỏe (34).  

 

Sau khi có được chỗ đứng ở Bắc Kinh, Mao thay đổi ý định về việc đi Paris. Ông đang nghĩ gì? Trong lúc trò chuyện với Edgar Snow, Mao nói: “Dù giúp đỡ tổ chức phong trào... tôi không muốn đi châu Âu. Tôi cảm thấy tôi chưa biết đầy đủ về đất nước mình, và có lẽ sẽ có ích hơn nếu tôi dành thời gian ở Trung Quốc” (35). Vậy, tại sao Mao lại đến Bắc Kinh? Tại sao lại làm việc trong thư viện? Câu nói của Mao rất không đáng tin. Chúng ta hãy nhớ lại xem Mao sung sướng biết bao khi nhận được thư của Dương Xương Tế về việc tuyển mộ học viên đi Pháp. Hẳn là có những lý do khác khiến Mao không đi Pháp. Mao không có tiền, nhưng Mao có thể xoay xở kiếm một ít. Giáo sư Dương khắc sẽ cho học trò yêu của ông vay số tiền cần thiết. Không, đó không phải là vấn đề tiền nong. Các bạn của Mao chẳng ai có tiền, và nghĩ cho cùng chi phí chuyến đi đã được các khoản đóng góp đài thọ (36). Vấn đề nằm ở chỗ khác. Đơn giản là Mao, người chẳng có chút khả năng ngoại ngữ nào, không qua được kỳ thi tiếng Pháp. Hồi còn ở Trường Sư phạm, sáng nào Mao cũng học thuộc lòng tiếng Anh, nhưng kết quả vẫn gần như bằng không. Có thể nào với tiếng Pháp kết quả sẽ khác? Cho dù được nhận đi học ở Pháp, Mao hẳn là sẽ cảm thấy không đủ tự tin ở một nước ngoài. Mao không thuộc loại người chấp nhận quy chế hạng hai.

 

Lý do chính cho quyết định không đi Pháp của Mao là lòng kiêu hãnh. Mao, một con người tự tôn và quyền uy, không muốn cảm thấy bị sút kém hơn những người khác. Cho dù ở Bắc Kinh, thủ đô của giới tinh hoa, Mao không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái.

 

Tất nhiên là Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú và Shao Piaoping đối xử tốt với Mao, nhưng cho dù như vậy đi nữa, Mao không thể không cảm thấy mình là một người tỉnh lẻ có học vấn nghèo nàn. Dù Mao gần bằng tuổi Lý Đại Chiêu, giữa họ là một hố sâu rất lớn. Trong 5 tháng làm việc ở Bắc Đại, Mao thường cảm thấy tủi. Ở Trường Sa, Mao là học sinh giỏi hơn tất cả, được mọi người công nhận là người đứng đầu. Mao nhớ lại: “Một trong những công việc của tôi là ghi tên những người đến đọc báo, nhưng đối với hầu hết tất cả bọn họ tôi hầu như không hiện hữu như một con người... Tôi cố bắt chuyện với họ về chính trị hay văn hóa, nhưng bọn họ đều là những người rất bận rộn. Họ không có thì giờ để nghe một phụ tá thủ thư nói thổ ngữ miền Nam” (38).

 

Như vẫn thường xảy ra, những người trẻ vừa đặt chân đến ngưỡng thành công trong xã hội và chính trị mới tỏ ra cao ngạo như vậy. Đối với những nhà lãnh đạo Liên hiệp Sinh viên Bắc Đại, Fu Sinian và Luo Jialun, viên trợ lý thủ thư Hồ Nam là một người vô danh. Là một giáo sư triết học nổi tiếng, dù chỉ hơn Mao có 2 tuổi, Hồ Thích cũng chẳng biết đến Mao (39). Ở các cuộc họp của hội các nhà báo, Mao có dịp làm quen với Trần Công Bác và Đàm Bình Sơn, những người sẽ sớm đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Đảng CSTQ, nhưng họ cũng chẳng mấy để ý đến Mao.

 

Trương Quốc Đào, người mà vào đầu năm 1919 đã tạo được tên tuổi trong giới sinh viên Bắc Đại qua hoạt động yêu nước, xa lạ với Mao. Trong hồi ký được viết trong những năm 1950 và 1960, Trương Quốc Đào thậm chí không nhớ lần đầu tiếp xúc với Mao, nhưng Mao lại nhớ rất rõ và không quên chuyện Trương Quốc Đào phớt lờ ông (40).

 

Tháng 1.1919, Tiêu Vũ là người đầu tiên lên đường sang Pháp; trong tháng 3, những người Hồ Nam khác đã sẵn sàng cho chuyến đi. Chính lúc đó, Mao nhận đến tin sức khỏe của mẹ ông thêm xấu đi. Theo lời ông kể, Mao “vội quay về nhà để chăm sóc mẹ” (41). Sự vội vã của Mao có điều gì đó lạ lùng. Ông rời Bắc Kinh ngày 12.3, nhưng phải đến ngày 6.4 mới đến Trường Sa và mãi đến ngày 28.4 mới viết  thư báo cho các cậu rằng ông đang trên đường về. Trong suốt quãng thời gian đó, ông nghĩ về mọi thứ, ngoại trừ bà mẹ bệnh hoạn và rất được ông yêu quý. Mao lần đầu đến Thượng Hải với một nhóm sinh viên đã sẵn sàng lên đường sang Pháp, và ông quanh quẩn ở đây đến 20 ngày. Mao giải thích với các cậu: “Công việc giữ chân cháu lại” (42). Công việc gì? Toàn bộ việc Mao làm là nói lời tạm biệt với những người bạn quý đang nhổ neo sang Pháp. Trong lúc đó, bệnh mẹ ông ngày một nặng thêm. Quả là một kiểu sống lạ kỳ của một người con yêu quý!

 

Tại sao Mao lại bất ngờ phô bày một kiểu sống vô tâm như vậy? Chúng ta chỉ có thể hiểu được điều này nếu chúng ta nhớ lại những miệt thị mà Mao đã chịu đựng ở thủ đô. Xét về mặt tâm lý, Mao cần tháp tùng các bạn đến Thượng Hải. Hơn nữa, giờ tổng thư ký Tiêu Vũ đã ra đi, Mao lại đóng vai trò người lãnh đạo, tiễn các thành viên của nhóm mà ông đã dẫn dắt trong chuyến đi chính trị này. Ông rất muốn lại cảm thấy mình là một nhân vật quan trọng, nhà lãnh đạo, một nhà hoạt động chính trị tích cực. Ông khao khát sự nổi tiếng và quyền lực. Nhưng có lẽ do cảm thấy có lỗi, nên trong cuộc phỏng vấn với Edgar Snow, Mao nói dối rằng mẹ ông mất năm 1918, trước khi ông đến Bắc Kinh (43). Ông bị lương tâm hành hạ, nhưng thói phù phiếm và nỗi khao khát quyền lực đã lấn át lương tâm ông.

 

Bà mẹ bất hạnh của Mao qua đời ngày 5.10.1919 ở tuổi 53. Lòng nặng trĩu đau buồn và có lẽ cả hổ thẹn, Mao về đến nhà để đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đứng trước mộ bà, Mao đọc những vần thơ tự sáng tác:

 

Từ giường bệnh Mẹ gọi các con

Tình yêu của Mẹ là vô biên

Tôi bị lương tâm tra vấn

Vì không thể thốt ra lời biết ơn

Suốt đời Mẹ, cả bây giờ cũng vậy, Mẹ tìm đến Đức Phật.

Tôi biết cuộc sống của Mẹ trên Trái đất là ngắn ngủi

Tôi đau buồn, nhưng biết tìm đâu gương mặt yêu dấu của Mẹ

 

Ngọn gió xuân rải nắng trên bờ nam xa xa

Mưa thu Thiều Sơn tuôn những dòng nước mắt không dứt” (44).

 

Không đầy 4 tháng sau, cha Mao chết vì bệnh sốt cháy rận ở tuổi 49. Ông được chôn trong cùng mộ với bà vợ (45). Lúc đó, Mao đã quay về Bắc Kinh và đang bận rộn với những vấn đề chính trị quan trọng. Mao không dự lễ tang.

 

 



([1])  Sau này, trong lúc trò chuyện với Edgar Snow, Mao giảm số phòng xuống còn đúng một, có lẽ chỉ để gây ấn tượng lên Snow rằng thời đó Mao rất nghèo.

Các Bài viết khác