NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MAO - CÂU CHUYỆN CÓ THẬT - Chương 2

( 24-07-2018 - 04:29 PM ) - Lượt xem: 850

Mao Trạch Đông và cô dâu chỉ gặp nhau mỗi một lần trước khi lập hôn ước (4). Chúng ta không biết Mao có thích La Nhất Cô hay không( ); dù gì đi nữa, Mao thích học, chứ không lập gia đình. Khổ cái là Mao không được phép chọn mà phải cúi đầu tuân phục ý cha mẹ.

                                                                          2

                                                BÊN THỀM THẾ GIỚI MỚI

 

            Mao bỏ học năm 13 tuổi. Ông thầy nghiêm khắc của Mao dùng phương pháp giaó dục nghiệt ngã và thường đánh học trò. Mao không thể chịu nổi cách hành xử lạm dụng. Cha Mao không phản đối. Ông nói: “Tao cũng chẳng muốn mày trở thành tú tài”. Ý cha ông muốn nói đến bằng cấp thấp nhất của nhà nước Trung Hoa phong kiến sau khi vượt qua kỳ thi cấp huyện. Ông được cho là đã nói: “Dù sao đi nữa, người ta đã bỏ chuyện thi cử, chẳng có ích gì nếu con cái vẫn tiếp tục học. Còn bao nhiêu chuyện phải làm, mày quay về nhà thôi!” (1). Mao Di Xương muốn con tham gia việc kinh doanh của gia đình, nhất là giữ sổ sách, nhưng Mao muốn học tiếp theo cách của ông. Ông rất ham đọc. Ông ngấu nghiến mọi thứ rơi vào tay mình, ngoại trừ các sách triết học kinh điển. Ông thường đọc vào ban đêm. Để cha ông không nhìn thấy ánh đèn dầu, ông che cửa sổ bằng một tấm vài màu xanh do nhà dệt. Cha ông giận điên lên mỗi khi nhìn thấy con trai cầm quyển sách, cho dù vào lúc rảnh rỗi.

            Chính là trong quãng thời gian này, Mao đọc một quyển sách khiến ông quan tâm đến chính trị. Được nhà cải cách lớn Trịnh Quan Ứng (còn được biết dưới cái tên Zheng Zhengxiang), tác phẩm “Lời cảnh báo gửi đến một kỷ nguyên thừa thải” (1893) thúc giục người Trung Hoa học tập “ khoa học giàu sang và quyền lực”, nghĩa là học cách vận dụng các bài học công nghiệp hóa của châu Âu vào công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc. Sách đề cập đến sự cần thiết kiến tạo một thể chế quân chủ lập hiến kiểu Anh ở Trung Quốc. Tác giả bày tỏ quan điểm chống lại trật tự truyền thống Khổng giáo và ủng hộ một cuộc cải cách tư sản có giới hạn nhắm tăng cường nhà nước.

           Để hiểu được tầm ảnh hưởng của cuốn sách đến cuộc đời đang trưởng thành của Mao, chúng ta cần xem xét qua tình hình của nhà nước Trung Hoa thời đó. Vào đầu thế kỉ XX, Trung Quốc rơi xuống địa vị của một nước phụ thuộc kinh tế, nửa thuộc địa do hoạt động xâm lược của các nước tư bản phát triển. Hai cuộc chiến tranh Nha phiến (1839-1842 và 1856-1860). Cuộc chiến đầu do Anh phát động nhắm hợp pháp hóa nền mậu dịch tự do, còn cuộc chiến thứ hai do Anh và Pháp liên minh thực hiện buộc Trung Quốc ký các hiệp ước bất bình đẳng với bọn “Mao dương quỷ” (theo cách người Trung Hoa gọi các thực dân da trắng). Những kẻ chiến thắng soán đoạt quyền kiểm soát quan thuế của Trung Quốc, làm Trung Quốc mất đi nền độc lập kinh tế của mình. Các thương nhân nước ngoài được miễn trả thuế quan nội địa khi chuyển hàng từ tỉnh này sang tỉnh khác. Điều này đặt thương nhân Trung Quốc vào vị thế bất lợi. Người nước ngoài giành được quyền thiết lập các khu lập cư ở các cảng được mở ra ngày càng nhiều cho hoạt động mậu dịch với nước ngoài. Họ được hưởng quyền tại ngoại pháp quyền, hay nói cách khác, họ không bị xét xử theo luật Trung Quốc.

            Hàng hóa rẻ của phương Tây bắt đầu chảy vào thị trường Trung Quốc khiến hàng triệu thợ thủ công phá sản. Gánh nặng thuế má tăng lên. Bị đánh bại trong một loạt cuộc chiến, Trung Quốc phải bồi thường chiến phí cho các nước thắng trận.

 

            Việc Trung Quốc gia nhập nền kinh tế thế giới dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu sắc. Đất nước bị rung chuyển bởi cuộc nổi dậy khổng lồ chống Mãn Châu có tên gọi Thái Bình với sự tham gia của nhiều nông dân và thợ thủ công.  Hồng Tú Toàn, người cầm đầu cuộc bạo loạn, vốn là một thầy giáo miền quê ở tỉnh Quảng Tây miền Hoa Nam. Ông kêu gọi thành lập nhà nước Thái Bình Thiên Quốc dựa vào nguyên lí bình đẳng. Lấy cảm hứng từ các điều răn của Đạo Thiên Chúa, nhất là những lời giáo huấn từ các điều răn của phái Baptist và Thanh giáo, Hồng tự nhận rằng ông đã nằm mơ thấy được Chúa Cha mạc khải là người em của Chúa Giêsu. Thái Bình Thiên Quốc vĩ đại sẽ được dựng lên trên đống hoang tàn của triều Thanh. Bằng lửa và gươm, những người nổi loạn sẽ dọn quang con đường dẫn đến một nền hòa bình và công bằng lí tưởng, cướp bóc và giết không chỉ người Mãn Châu mà cả đám cường hào và ác bá.

           Hơn 20 triệu người bỏ mạng trong cuộc nội chiến. Đất nước chao đảo bên bờ vực sụp đổ, nhưng triều Thanh vẫn sống sót. Giữa các năm 1861-1894, triều Thanh dưới quyền cai trị của Từ Hi Thái hậu đã cố thực hiện một loạt cuộc cải cách dưới khẩu hiệu tự cường. Từ Hi và người tình Cung Thân Vương, cùng với các quan chức và những đại thần đánh thắng Thái Bình Thiên Quốc, cố sức công nghiệp hóa và hiện đại hóa Trung Quốc nhắm cải biến nước này thành một cường quốc quân sự. Họ bắt đầu xây dựng các nhà máy công nghiệp, kho bãi, bến tàu, xây đường sắt, mở các trường đại học hiện đại, in báo và tạp chí. Nhưng chủ nghĩa tư bản phát triển chậm ở Trung Quốc. Dù nhà nước đã chính thức chấm dứt chuyện nhúng tay vào hoạt động kinh doanh của tư nhân, các quan chức trung ương và địa phương tiếp tục gây khó cho nỗ lực của các doanh gia tư nhân cá thể nhằm hạn chế cạnh tranh. Hầu hết các cơ sở công nghiệp thuộc về tư bản quan liêu và đầu sỏ trong vùng, những kẻ mạnh nhất trong số này có cả đạo quân riêng. Ngay từ lúc khởi đầu, chủ nghĩa tư bản Trung Quốc đã mang tính độc quyền. Vào đầu thế kỉ XX, có hơn 12 triệu công nhân phi nông nghiệp, ba phần tư số này, nghĩa là khoảng 9 triệu, làm việc trong các nhà máy lớn sử dụng hơn 500 công nhân. Các nhà máy vừa và nhỏ ở địa phương không có điều  kiện thuận lợi để tăng trưởng.

           Những người yêu nước tiến bộ, trong số đó có Trịnh Quan Ứng, ủng hộ sự tự cường, chỉ trích chính sách kinh tế độc quyền của quan chức cao cấp. Họ lên tiếng chống lại việc hạn chế hoạt động kinh doanh vừa và nhỏ, cổ vũ cải cách và ở mức độ nhất định, cải cách cấp tiến, và đôi lúc đưa ra các ý tưởng dân chủ. Nhiều đề xuất của họ đề cập đến sự cần thiết cải cách chính trị cũng như kinh tế, tự do hóa bộ máy tư pháp cũng như bộ máy nhà nước. nhưng tất cả đều rơi vào quên lãng, còn chương trình cải cách thì thất bại.

           Năm 1885, Trung Quốc một lần nữa thất trận trước Pháp; năm 1895, trong Cuộc chiến Trung-Nhật, Trung Quốc bị Nhật Bản làm nhục. Dù biến cố này có làm bùng ra một tình cảm yêu nước mãnh liệt, các kế hoạch của những người cải cách vẫn thất bại. Những người cầm đầu phong trào cải cách mới là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu vốn là các triết gia và văn nhân hàng đầu, kêu gọi vị hoàng đế trẻ và có đầu óc tiến bộ học theo Piotr Đại đế và chủ động cải cách từ bên trên. Họ thúc giục ông lập chế độ quân chủ lập hiến, phương Tây hóa quân đội và hệ thống giáo dục, khuyến khích hoạt động kinh doanh. Vị hoàng đế tìm cách định chế hóa các cải cách mới trong quãng thời gian 100 ngày năm 1898. Với hy vọng loại Từ Hi Thái hậu khỏi việc nước, ông mưu tìm sự giúp đỡ của Viên Thế Khải, một viên tướng nhiều quyền lực, nhưng bất thành. Biết được âm mưu, Từ Hi đã mau chóng tuyên bố cháu bà bị điên, loại ông khỏi quyền lực và giam lỏng ông. Nhiều nhà cải cách bị xử tử, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu bỏ trốn ra nước ngoài.

          Xã hội dân sự không tồn tại ở Trung Quốc. Do mọi hoạt động chính trị đối lập đều bị trấn áp bên trong Trung Quốc, những người cổ vũ cho thay đổi buộc phải theo đuổi  hoạt động chính trị của họ ở nước ngoài. Một trong số họ là Tôn Dật Tiên (tên thật là Tôn Văn), người quê tỉnh Quảng Đông ở miền Nam và học trò của Trịnh Quan Ứng. Tôn sinh năm 1866, học ở Hawaii, Quảng Châu và Hongkong. Năm 1892, ông tốt nghiệp trường y. Không còn ảo tưởng với phong trào cải cách, ông rời Trung Hoa năm 1888, chuyển đến sống ở Hawaii, nơi ông có người anh. Tại đây, ở Honolulu tháng 11.1894, ông thành lập tổ chức cách mạng dân chủ đầu tiên của Trung Quốc – đó là Hưng Trung Hội. Không giống với những người cải cách, bác sĩ Tôn Dật Tiên đòi cải đổi Trung Quốc theo đường lối cách mạng và cộng hòa. Tháng 1.1895, một nhánh của Hưng Trung Hội được thành lập ở thuộc địa Anh là Hongkong và không lâu sau đó ở thành phố Quảng Châu gần đó, nơi Tôn Dật Tiên chuyển đến ở không lâu sau. Mùa thu cùng năm, thành viên của Hội tổ chức một cuộc nổi dậy chống Mãn Châu đầu tiên ở Quảng Châu, nhưng bất thành. Tôn buộc bỏ trốn, trong lúc đầu ông được nhà Thanh treo giá cao. Ông phải sống lưu vong 16 năm và chỉ trở về nước hai tháng sau khi cuộc cách mạng chống chế độ quân chủ diễn ra.

         Dù bị thất bại nặng nề, Hưng Trung Hội vẫn sống sót và tiếp tục hoạt động cách mạng không lâu sau đó. Trong những năm 1901-1904, những tổ chức cách mạng mới xuất hiện ở Trung Quốc. Năm 1905, một số đã phối hợp với nhau thành lập Trung Quốc Đồng Minh Hội, gọi tắt là Đồng Minh Hội ở Tokyo. Trong tư cách là chủ tịch Đồng Minh Hội, trong số đầu tiên của tờ Dân báo, cơ quan chính của hội, Tôn Dật Tiên công bố một cương lĩnh cấp tiến của Thuyết Tam dân: Dân tộc, Dân chủ và Dân sinh.

         Dân tộc có nghĩa là lật đổ chế độ quân chủ  Mãn Châu, còn Dân chủ ý nói đến việc thiết lập chế độ cộng hòa. Còn nguyên tắc thứ ba, Dân sinh, có nghĩa là bình quân địa quyền, là quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất cơ bản ở Trung Hoa nhằm tăng cường vai trò điều tiết của nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc. Cương lĩnh chính trị của Tôn được thiết lập nhằm đảm bảo ưu thế của nhà nước trong nền kinh tế và chống lại chủ nghĩa tư bản quả đầu vốn là điều  kiện cho mỗi một hoạt động làm giàu của những kẻ ngoi lên địa vị quyền lực tột bực. Mục đích của ông là dùng quyền lực nhà nước thúc đẩy sự phát triển của giai cấp trung lưu ở Trung Quốc. Tôn ủng hộ một sắc thuế ruộng đất lũy tiến nhằm tạo thuận lợi cho việc kiến tạo một “xã hội đúng đắn” với những cơ hội ngang bằng.

         Trong lúc đó, ở Hoa Bắc bùng ra một cuộc nổi dậy sôi trào của nông dân chống lại “bọn Mao dương quỷ”. Cuộc nổi dậy do một hội kín tôn giáo tổ chức, tên là Nghĩa Hòa Đoàn gồm hầu hết là các ông thầy dạy võ. Giống như thành viên hội Hồng Huynh Đệ Kiếm Sĩ, các chiến binh Nghĩa Hòa Đoàn tin rằng việc rèn luyện thể chất và khí chất cũng như pháp thuật sẽ giúp họ bất tử trước súng đạn và gươm giáo của kẻ thù. Phương thức chiến đấu của họ là dùng quyền cước, do vậy những người ngoại quốc đầu tiên chạm trán họ gọi họ là Boxer (võ sĩ đấu quyền). Cuộc nổi dậy khởi sự năm 1898 ở các tỉnh Sơn Đông và Trực Lệ. Ngày 13.6.1900, những kẻ nổi loạn xông vào Bắc Kinh, cướp phá các khu phố thương mại giàu có, phóng hỏa hàng ngàn nhà, vây hãm khu ngoại giao đoàn. Họ hướng sự giận dữ chủ yếu vào các nhà truyền giáo và người Trung Hoa theo đạo Thiên Chúa.

         Có lẽ Từ Hi ủng hộ cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn. Người ta kể rằng bà quyết định thử tính bất khả xâm hại của họ. Một nhóm được triệu vào Tử Cấm Thành. Theo lệnh bà, toán lính bảo vệ xếp những người Nghĩa Hòa Đoàn đứng dựa vào tường và đồng loạt nổ súng vào họ. Không một người nào bị thương. Lóa mắt trước phép mầu này, ngày 21.6.1900, Từ Hi tuyên chiến với cả thế giới.

           Tuy nhiên, phép mầu không trường thọ. Một đạo quân hỗn hợp của 8 cường quốc mạnh nhất, gồm cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, đánh bại cả Nghĩa Hòa Đoàn và quân Thanh. Ngày 7.9.1901 ở Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc ký một hiệp ước bất bình đẳng mới buộc Trung Quốc trả 450 lượng bạc bồi thường chiến phí trong vòng 39 năm, tương đương 301,5 triệu dollar Mĩ-vàng vào thời đó. Lính Trung Quốc rời Bắc Kinh, còn quân lính nước ngoài đóng trong kinh đô. Như vậy, vào đầu thế kỉ XX, Trung Quốc phụ thuộc hoàn toàn về kinh tế, phụ thuộc một phần về chính trị vào nước ngoài. Các doanh gia ngoại quốc thống trị thị trường Trung Quốc. Trung Quốc chiếm địa vị hạng ba trong phân công lao động quốc tế. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nước đế quốc tăng lên trong thập niên kế tiếp. Đến năm 1912, nợ quốc gia mà Trung Quốc là 835 triệu lượng bạc. Đến thời điểm đó, 107 cảng được  mở ra cho người nước ngoài. Cuộc khủng hoảng xã hội-chính trị thêm sâu sắc.

          Năm 1901, sau khi cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn bị dập tắt, nhà Thanh một lần nữa lại quay về với cải cách. Triều đình khởi sự bàn tính khả năng ban hành hiến pháp, tiến hành những biện pháp kích thích hoạt động kinh doanh tư nhân, và thành lập một đạo quân mới gồm 36 sư đoàn hiện đại có khả năng tác chiến. Đúng vào thời điểm phong trào cải cách đang ở đỉnh cao, hoàng đế, vốn vẫn luôn bị giam lỏng, qua đời ngày 14.11.1908, đúng một ngày trước khi bà dì hám quyền lực Từ Hi Thái hậu từ trần.

          Những thay đổi lớn lao ào đến. Những nhà cai trị mới của đất nước đã thay mặt vị hoàng đế trẻ Phổ Nghi mới 3 tuổi đề ra các biện pháp nhằm ban bố hiến pháp. Trong năm 1908, diễn ra những cuộc bầu cử nhằm thành lập các ủy ban tư vấn cấp tỉnh phục vụ cho công tác chuẩn bị  hiến pháp. Chúng trở thành tâm điểm của đối lập tự do. Cuộc bầu cử nghị viện được tuyên bố sẽ diễn ra trong năm 1913.

           Mao vừa bước vào tuổi niên thiếu chẳng biết chút gì về những biến cố trên. Bất cứ tin gì về chúng cũng chẳng làm ông mảy may quan tâm. Các sự kiện trọng đại lướt qua bên cạnh ông. Chúng ta có thể cho rằng chẳng ai nói cho cậu thiếu niên Mao về Nghĩa Hòa Đoàn; Thiều Sơn là một chốn hẻo lánh nơi chẳng ai đọc báo. Ngay cả tin hoàng đế và thái hậu băng hà chỉ đến với Thiều Sơn hai năm sau ngày Phổ Nghi lên ngôi (3). Nhưng Mao hẳn là được nghe nói về Thái Bình. Loạn Thái Bình đã trôi ngang qua tỉnh chỉ 40 năm trước khi Mao chào đời, nhiều nhân chứng về biến cố kinh khủng này vẫn còn sống. Hơn nữa, cha Mao phục vụ trong Đạo quân Tương trong những năm 1880, tức là Đạo quân đã trấn áp loạn Thái Bình 20 năm trước.

 

            Lại một cuộc xung đột mới với cha bùng ra do quyết định cưới vợ cho Mao. Đâu khoảng cuối năm 1907 hay năm1908, cha mẹ Mao chọn được một cô gái xứng với Mao. Cô gái tên là La Nhất Cô hơn Mao 4 tuổi (cô sinh ngày 20.10.1889). Cha cô, Luo Helou, là một trí thức làng quê, một thân sĩ, nhưng ông chủ yếu làm ruộng. Gia đình rất nghèo và không may. Luo Helou và vợ có 5 trai và 5 gái, nhưng tất cả trai đều chết khi còn nhỏ, chỉ có 3 gái còn sống. Con trai chết là một điều nặng nề, do ở Trung Quốc chỉ con trai mới được xem là điều phúc. Con gái sau khi lớn lên phải lấy chồng, nghĩa là rời bỏ gia đình, thêm nữa, đem theo của hồi môn không ít. Còn con trai ở lại nhà như người thừa kế và nối dõi. Con trai có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già và sau khi họ qua đời, chọn nơi để linh hồn họ yên nghỉ và hàng năm cúng viếng nấm mồ cha mẹ theo các nghi lễ truyền thống. Luo Helou sung sướng trao con gái cho gia đình Mao Di Xương và bà vợ Văn Thất Muội vốn đang cần một người phụ giúp do sức khỏe bà đã suy sụp bởi công việc lao động cực nhọc.

           Theo đúng truyền thống, các bà mối sẽ phải đến nhà cô  dâu. Sẽ là không hay nếu chấp nhận ngay lời dạm hỏi, do vậy bà mối phải qua lại vài lần. Cuối cùng, hai bên trao đổi quà và lập hôn ước được xem là bất khả xâm phạm. Cho dù cô dâu có chết trước ngày cưới, một tấm biển nhỏ ghi tên cô sẽ được mang đến nhà chú rể và đặt lên bàn thờ gia tiên. Nếu chủ rể mất, cô dâu phải đến ở nhà “chồng” như người vợ góa.

             Mao Trạch Đông và cô dâu chỉ gặp nhau mỗi một lần trước khi lập hôn ước (4). Chúng ta không biết Mao có thích La Nhất Cô hay không([1]); dù gì đi nữa, Mao thích học, chứ không lập gia đình. Khổ cái là Mao không được phép chọn mà phải cúi đầu tuân phục ý cha mẹ. Vào lúc Mao biết được ý của họ, thì đã quá trễ. Hôn ước đã được thỏa thuận, ngày hôn lễ đã được định, Mao Di Xương đã nộp cheo cưới và các quà khác cho Luo Helou.

             Theo tục làng, tiệc cưới với sự tham gia của nhiều người thân và bạn bè khởi sự ở nhà chú rể một ngày trước ngày cưới. Vào ngày cưới, cô dâu trong bộ trang phục đỏ, được cáng bằng kiệu đến nhà chú rể. Mặt cô che bằng một tấm lụa vải đỏ, còn môi tô màu đỏ chét. Cô dâu phải tỏ ra không vui, khóc lóc, bêu rếu những tật xấu của người chồng tương lai, gọi anh ta là “con sâu rậm lông”, “con chó đói lả, lười nhác, nghiện thuốc”, “kẻ nát rượu”... Rồi chú  rể và cô dâu quỳ lạy trước bàn thờ gia tiên chú rể, bàn thờ Thiên Địa, Nhật Nguyệt, Thủy Vương và Địa Vương và cuối cùng, trước vong linh những tổ tiên đã khuất. Khách mời tiếp tục dự lễ thêm hai ngày nữa và tặng quà, thường là bằng tiền, cho tân lang và tân nương. Rồi buổi lễ ra mắt cặp vợ chồng son. Người ta thường gọi vui là “quậy phá trong buồng cô dâu”. Một người chủ lễ, mặt bôi đen và mặc bộ đồ kết bằng lá, dẫn khách bước vào buồng cô dâu; tại đây, họ ra những điệu bộ lả lơi hay hát những vần thơ tục tĩu. Để chấm dứt những trò không đẹp mắt này, tân lang phải mua chuộc khách. Tân nương phải trình cho mẹ chồng tấm vải thấm máu vào đêm động phòng như là bằng chứng trinh tiết của cô.

           Mao Trạch Đông khổ sở chịu đựng những lễ thức này. Theo lời Mao, ông không ngủ với cô dâu và từ chối sống với cô (5). Mao xem nhẹ cuộc hôn nhân đầu đến mức ông không nhớ vợ ông bao nhiêu tuổi khi họ lấy nhau. Đề cập qua cuộc hôn nhân với Edgar Snow, Mao nói: “Cha mẹ tôi lấy vợ cho tôi lúc tôi 14, còn cô ta 20”(6). Thực ra, La Nhất Cô mới 18. Thực khó mà tin rằng một cậu thiếu niên ở độ tuổi 14 đang lớn lại từ chối chia sẻ chăn gối với cô gái 18, nhưng chúng ta không có bằng chứng rằng Mao nói điều bịa đặt với Edgar Snow, trừ phi người ta không tính đến một đoạn ghi chép lạ lùng trong Biên niên dòng tộc Mao ở Thiều Sơn rằng Mao Trạch Đông và La Nhất Cô được cho là đã có một con trai tên Yuanzhi mà vì lý do nào đó, được trao cho một gia đình họ Yang nuôi dưỡng(7). Không ai biết có thực vậy không, nhưng có phần chắc là người thu thập Biên niên làm cho sự việc bị lẫn lộn. Không có bằng chứng nào khác liên quan đến sự ra đời của đứa bé.

           Không lâu sau buổi lễ, Mao rời nhà đến sống một năm trong nhà một nho sĩ thất nghiệp, cũng ở Thiều Sơn. Ông tiếp tục đọc sách, ngấu nghiến cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên và Hán Thư của Ban Cố. Những quyển này miêu tả thành tích của những vị vương vĩ đại Trung Hoa thời cổ - anh hùng và kẻ gian hùng, tướng lĩnh, chính trị gia và triết gia. Ông cũng say sưa với các sách báo đương đại, đắm mình trong Những phản kháng cá nhân rút ra từ việc khảo sát Jiao Bin được Feng Guifen, nhà cải cách hàng đầu, biên soạn năm 1861. Sách thuật lại cuộc xâm lược Trung Quốc của ngoại bang và khuyên nên dựa vào sức mình bằng cách vay mượn kỹ thuật và công nghệ ngoại quốc nhưng không thay đổi nền tảng hệ thống tư tưởng-chính trị Trung Quốc (8). Mao cũng đọc một bài viết ngắn do nhà hoạt động cách mạng trẻ tuổi Chen Tianhua soạn. Mao nói rằng bài viết đã tạo ấn tượng rất mạnh lên ông: “Ôi ! Trung Hoa sẽ bị khuất phục!”. Nó nói về việc Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên và Đài Loan, về việc mất chủ quyền ở Đông Dương, Miến Điện và những nơi khác. “Sau khi đọc xong, tôi cảm thấy đau buồn cho tương lai đất nước và bắt đầu nhận ra rằng bổn phận toàn dân tộc là góp sức cứu nước” (9).

           Khổ cho La Nhất Cô. “Chẳng phải là một phụ nữ có chồng, cũng chẳng phải  một hầu gái”, người trong làng nói về cô như vậy. Cô chịu đựng nỗi tủi thân trong câm lặng. Philip Short, một trong những người viết tiểu sử về Mao, cho rằng một số dân làng Thiều Sơn tin La Nhất Cô ở lại trong gia đình Mao như là vợ lẽ của cha Mao (10). Dù chuyện này có thực hay không, cô không sống lâu. Ngày 11.2.1910, cô qua đời vì bệnh lỵ (11). Cô vừa bước qua tuổi 20.

            Lạ lùng là cha Mao bỏ qua cho “đứa con ngỗ ngược” đã làm ông xấu mặt trước cả làng. Rõ ràng là Mao Di Xương gần như không tệ như Mao sau này nhớ lại. Cuối năm 1910, khi đứa con cứng đầu xin tiền đặng học tiếp, ông lão đã gượng gạo gật đầu. Ông phải nghiến răng trả một khoản tiền không nhỏ, khoảng 1400 tiền đồng (hay 1 tiền bạc) cho 5 tháng học phí, lưu trú ký túc xá và phí sử dụng thư viện. Trường mà Mao chọn – Trường Tiểu Cao Đông Sơn – cách Thiều Sơn 15 dặm, dạy các môn hiện đại, kể cả khoa học tự nhiên.

             Lúc đó Mao đã 16 tuổi rưỡi. Lần đầu tiên trong đời, Mao xa nơi chôn nhau cắt rốn. Cùng đi với Mao là Wen Yunchang, một người anh họ lớn hơn Mao 9 tuổi, cũng học cùng trường. Chính Wen thuyết phục Mao đi học với mình. Người cha đáng ghét của Mao và những người thân khác đã tiễn đưa Mao đến tận rìa làng (12). Khi quay về nhà, Mao Di Xương đã tìm thấy vần thơ sau của cậu học trò tiềm năng của trường Đông Sơn:

            “Với đầy quyết tâm người con lớn nhất của cha rời xa quê nhà.

            Việc học sẽ mang đến vinh quang cho con;

            Con sẽ không bao giờ quay lại chốn này.

            Nắm xương con có được chôn cất ở đâu

            thì điều đó chẳng có gì là quan trọng.

            Dù người ta có đi đến đâu trong thung lũng

            Các dãy núi vẫn cứ cao như nhau” (13).

           Mao đã sôi sục với ý muốn để lại dấu ấn trong lịch sử. Các sách viết về những hoàng đế vĩ đại của Trung Quốc, mà hai trong số đó – Lưu Bang của nhà Hán (256 hay 247 – 195 TCN) và Chu Nguyên Chương của nhà Minh (1328 – 1398) xuất thân từ những gia đình nghèo nhất trong những gia đình nghèo, quay cuồng trong đầu óc non trẻ của Mao. Chính nỗi khát khao giành lấy vinh quang đã kích thích đám con các gia đình bình thường trở thành các khoa học gia, văn sĩ và chính trị gia hàng đầu. Tình cảm yêu nước thôi thúc Mao lập nghiệp lớn. Tâm hồn tự tôn của cậu thiếu niên tỉnh lẻ thúc đẩy Mao vươn về phía trước.

            Nhưng con đường dẫn đến vinh quang là không dễ dàng. Trong ngôi trường mới, cậu thiếu niên nhà nông dân ăn mặc nghèo nàn, vóc người ốm yếu và cao lênh khênh không được các bạn đồng môn chào đón. Với chiều cao 1m75, Mao trông không giống dáng người thấp thường thấy ở miền Hoa Nam. Hầu hết họ là con cái nhà địa chủ giàu có; đã vậy, họ đều là người huyện Tương Giang. Họ đều tỏ ra ngạo mạn, xem thường kẻ lạc bầy chỉ có mỗi bộ đồ xem được. Tất cả mọi thứ ở Mao, kể cả thổ ngữ, họ đều thấy đáng ghét. Ở Trung Quốc có nhiều vùng mà người dân ở các huyện cạnh nhau nói các thổ ngữ khác nhau. Đó chính là trường hợp của các huyện cạnh nhau trong tỉnh Hồ Nam vốn chỉ bị ngăn cách bởi núi Thiều Sơn - huyện Tương Đàm nơi Mao chào đời và huyện Tương Giang, quê của mẹ Mao và nơi trường Đông Sơn tọa lạc. Dân cư hai huyện cạnh nhau này có thể hiểu nhau, nhưng không dễ dàng gì.

            Chỉ một ít bạn đồng song có chút đỉnh cảm tình với Mao. Ngoài người anh họ, người gần Mao nhất là Xiao Zizhang (hay Xiao San). Sau này, Xiao rời Trung Quốc năm 1920 để sang Pháp làm việc và học, nơi ông gia nhập chi nhánh châu Âu của Đảng CSTQ. Sau đó, ông sang Liên Xô và ở lại đó nhiều năm. Lấy bút danh là Emi Siao, ông trở thành nhà văn và nhà thơ nổi tiếng và là một trong những người đầu tiên viết tiểu sử Mao. Chỉ một bạn và một anh họ thì không đủ. Với tính khí khó chịu của mình, Mao bị hầu hết bạn cùng lớp căm ghét. Sau này ông nhớ lại: “Tôi cảm thấy tinh thần bị suy sụp” (15).

           Tình hình trên chỉ càng nung nấu ở Mao nỗi khao khát thành đạt. Những lời lẽ độc địa làm cho tính cứng đầu và thói bất trị sôi sục, trui rèn ý chí của Mao đào sâu nổi căm ghét của Mao đối với bất kỳ ai giỏi hơn Mao ở mặt này hay mặt nọ. Cuối cùng, ông đã tranh thủ được cảm tình của thầy giáo bằng nỗ lực cá nhân. Mao có thể viết những bài luận theo phong cách cổ điển và học rất chuyên cần. Mao vẫn đọc sách nhiều. Trong thời gian học ở trường Đông Sơn, Mao tiếp tục quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là lịch sử các vua cổ Trung Quốc, trong dó có các minh quân huyền thoại Nghiêu và Thuấn, vị hoàng đế khát máu Tần Thủy Hoàng và hoàng đế Hán Vũ Đế lừng danh, nhà vua Trung Quốc đầu tiên bình định dân Hung Nô du mục và thiết lập quyền kiểm soát của Trung Hoa lên các xứ Tân Cương, Việt Nam và Triều Tiên. Lần đầu tiên, Mao bắt đầu tìm đọc sách địa lí và lịch sử nước ngoài. Một cuốn sách có tựa Các anh hùng vĩ đại trên thế giới đã thu hút sự chú ý của Mao, đã mang đến cho Mao những hiểu biết về Napoleon, Nữ hoàng Catherine, Đại đế Piotr, Wellington, Gladstone, Rousseau, Montesquieu và Lincoln (16). Mao muốn trở nên giống họ.

           Thu hoạch quan trọng nhất của Mao trong quãng thời gian này là tri thức về Khang Hữu Vi và phong trào cải cách năm 1898, gồm cả một số tờ Tân Dân Công Báo được Lương Khải Siêu in ở Yokohama. Được người anh họ chuyền tay cho, các tác phẩm này đã làm Mao chấn động. Sau này, ông nói: “Tôi đọc đi đọc lại chúng cho đến lúc thuộc lòng”. Quyển sách của Lương Khải Siêu Bàn về canh tân nhân dân được in trong Tân Dân Công Báo năm 1906 là cả một kho tàng tri thức đối với Mao. Trong tác phẩm luận đề triết học này, nhà cải cách nối tiếng “mong muốn tìm hiểu nguyên nhân cội nguồn của tình trạng bệ rạc và lạc hậu của người dân nước ta và so sánh với cảnh tiến bộ của những nước khác, để nhân dân nước ta xem khi nhận thức được những khiếm khuyết của mình sẽ biết cách phòng tránh thảm trạng, đồng lòng thúc đẩy tiến bộ” (17).

            Tạo ấn tượng mạnh nhất lên Mao là những lập luận của Lương Khải Siêu về vai trò tiến bộ của chế độ quan chủ lập hiến và ảnh hưởng thụt lùi của chế độ quân chủ chuyên quyền. Sau khi đọc chương “Về hệ ý thức nhà nước”, Mao viết những dòng ghi chép sau:

            “ Trong một nhà nước lập hiến, hiến pháp do nhân dân làm ra, nhà vua được người dân yêu quý... Trong một nhà nước chuyên quyền, nhà vua đặt ra luật pháp, mọi người cúi gập đầu trước vua, chứ không phải trước dân... Anh và Nhật Bản là những ví dụ kiểu nhà nước đầu; các triều đại khác nhau từng cướp bóc Trung Hoa trong hàng ngàn năm là những ví dụ kiểu nhà nước sau” (18).

             Mao thực sự cầu nguyện cho Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu với niềm tin rằng một ông vua “chân thực, tốt bụng và sáng suốt” sẽ triệu tập Khang và Lương tới giúp ông, và sẽ ban bố hiến pháp. Các tình cảm dân tộc từng lay động Mao giờ được củng cố nhờ đọc các tác phẩm của các nhà cải cách. Cả Lương và Khang đều là những người yêu nước quá khích. Họ tin rằng sự hồi sinh của Trung Quốc theo mô hình Anh-Nhật sẽ mang lại thắng lợi cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa các nhà nước và bá quyền của Trung Quốc sẽ được xác lập. Nếu không làm vậy, hai nhà tư tưởng cải cách khẳng định Trung Quốc sẽ tiêu vong.

               Ở trường, Mao biết tin Nhật Bản đánh thắng Nga năm 1905. Một thầy giáo dạy nhạc và tiếng Anh từng đi học ở Nhật Bản đã hào hứng báo tin cho Mao và các bạn. Mao hãnh diện với chiến thắng của Nhật; nhiều năm sau, ông vẫn có thể hát cho Edgar Snow nghe bài hát Nhật Chiến trận Hoàng Hải được người thầy ưa thích. Mao nói: “Vào lúc đó, tôi biết và cảm nhận được vẻ đẹp của Nhật, cảm thấy điều gì đó trong niềm kiêu hãnh và sức mạnh của nước này, trong bài hát đó về chiến thắng của họ trước Nga” (19). Ông có thiện cảm với người Nhật, nhưng không phải vì ông hân hoan với thắng lợi của “nòi da vàng đối với da trắng”, như một số nhà viết tiểu sử của ông khẳng định. Khó mà tin vào lời cáo buộc Mao là kẻ phân biệt chủng tộc. Thời đó, Mao là người yêu nước, không phải người phân biệt chủng tộc. Chiến thắng của Đất nước Mặt trời mọc trong cuộc chiến với Nga sa hoàng làm dậy lên ở ông niềm hoan hỉ chỉ bởi vì nó chứng tỏ được ưu thế của chế độ quân chủ lập hiến so với chế độ quân chủ chuyên quyền. Nó dường như đã khẳng định ý tưởng của các nhà cải cách được ông yêu quý rằng một quốc gia châu Á dấn bước vào con đường hiện đại hóa chính trị có thể làm cho ra bả một cường quốc châu Âu tuy hùng mạnh nhưng bị chế độ chuyên chế trói buộc.

           Mao theo học ở trường Đông Sơn chỉ khoảng 7-8 tháng. Đầu năm 1911, Mao quyết định đi Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, để vào học một trường trung cấp đang tiếp nhận học sinh từ huyện Tương Giang. Được một thầy giáo viết thư giới thiệu, Mao thu xếp số đồ đạc ít ỏi và lên đường vào một sớm mùa xuân đến thành phố rộng lớn và xa lạ. Ông để lại phía sau thời thơ ấu và niên thiếu, trường học Đông Sơn được vây kín bằng một dãy tường cao trông như một pháo đài, các người bạn hống hách và những người thầy tận tâm. Một thế giới mới hấp dẫn và đáng sợ đang vẫy gọi ông.

LÊ PHỤNG HOÀNG 



([1])  Hầu như có phần chắc là Mao chẳng có chút ấn tượng nào. Theo cháu ngoại của Mao, Khổng Đông Mai, vào năm 14 tuổi Mao có thích một thiếu nữ khác, người em họ Vương Thập Cô, nhưng không may cho Mao là số tử vi của họ không hợp nhau, thầy tử vi trong làng không cho phép hôn lễ. 

Các Bài viết khác