NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MAO - CÂU CHUYỆN CÓ THẬT - Chương 1

( 20-07-2018 - 11:05 PM ) - Lượt xem: 600

Bạo lực đẻ ra bạo lực. Chính là trong bầu không khí như vậy, chính là trong một xã hội mạng người chẳng có chút giá trị nào, còn nông dân còng lưng cày hết ngày này sang ngày khác để kiếm sống với hy vọng thoát nghèo, tính cách của Mao Trạch Đông, Trương Quốc Đào và nhiều nhà hoạt động cách mạng cộng sản khác được trui rèn

                                    ĐỨA CON ĐỠ ĐẦU CỦA PHẬT BÀ QUAN ÂM

 

            Tổng Thiều Sơn miền Hoa Nam, thuộc huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam nằm trong một thung lũng hẹp bị vây ép giữa các dãy đồi phủ kín các hàng cây và ruộng lúa xanh tươi quanh năm, dưới bầu trời xanh. Ẩn hiện xa xa ngọn núi Thiều Sơn được lấy làm tên làng và nhất là được các Phật tử sùng kính. Nhánh đường sắt xuất phát từ Trường Sa, thủ phủ tỉnh, đến thị trấn gần nhất cũng có tên là Thiều Sơn. Phải mất khoảng 3 tiếng để vượt qua quãng đường dài trăm dặm trên chuyến xe lửa địa phương. Một hàng xe buýt đậu trong bãi xe rộng trước nhà ga đang đợi khách. “Sinh quán Mao chủ tịch đây! “Sinh quán Mao chủ tịch đây!”, các lái xe rao to. Một chuyến đi kéo dài nửa giờ trên đoạn đường mấp mô sẽ đưa khách đến con đường làng chạy qua các ruộng lúa ngập nước và các đầm phủ kín hoa sen dẫn đến một căn nhà gạch rộng, gồm 13 phòng được chọn làm nhà bảo tàng. Bầu không khí ở đây đậm nét đặc thù vùng quê. Một làng nhỏ như bao nhiêu làng khác ở Hồ Nam, nét nổi bật của nó là nơi sinh của người đã thay đổi lịch sử xứ sở ông và vẫn còn duy trì được ảnh hưởng trên toàn thế giới dù đã qua đời từ lâu.

          Nhiều cư dân trong cái làng nằm gọn bên trong thung lũng này mang họ Mao. Đây là nơi dòng tộc họ Mao đến định cư. Tất cả những ai mang họ Mao đều thuộc dòng dõi của chiến binh dũng cảm Mao Thái Hoa, người gốc tỉnh Giang Tây kế bên. Ông rời làng quê vào giữa thế kỉ XIV để tham gia chiến dịch của một đạo quân trong tỉnh Vân Nam chống lại người Mông Cổ đã cai trị Trung Quốc từ năm 1270. Đạo quân chính của Mông Cổ bị đạo quân khởi nghĩa của thầy tu Chu Nguyên Chương đánh bại. Năm 1368, ông này tự xưng là hoàng đế của một triều đại mới ở Trung Quốc: triều Minh. Chính ở xứ sở Vân Nam xa xôi, Mao Thái Hoa lấy một thiếu nữ bản địa; năm 1380, ông đưa vợ và các con đến Huguang [1](tên hiện nay là Hồ Nam), nơi họ định cư trong huyện Tương Hương, ở phía nam huyện Tương Đàm. Khoảng 10 năm sau, hai trong số các con trai ông chuyển lên phía bắc, sống trong huyện Tương Đàm và xây nhà trong tổng Thiều Sơn. Họ là ông tổ của dòng họ Mao ở Thiều Sơn.

          Nhà lãnh đạo tối cao tương lai của Trung Quốc chào đời trong gia đình của Mao Di Xương, vào ngày thứ mười chín, tháng thứ mười một, năm Tỵ, tính theo Âm lịch. Còn tính theo niên đại chế độ, thì là năm thứ 19 triều hoàng đế Quang Tự của nhà Thanh cai trị Trung Quốc từ năm 1644. Bắt đầu năm 1875, năm lên ngôi của hoàng đế Tải Điềm, lúc đó được 4 tuổi, triểu đại Quang Tự được dì của hoàng đế là Từ Hi Thái hậu đứng ra tuyên đọc. Còn tính theo Dương lịch thì con trai của Mao Di Xương chào đời ngày 26.12.1893.

           Cha của Mao khó kiềm nén niềm vui, nhưng bà mẹ thì lo lắng. Đứa bé quá to, bà sợ không đủ sức nuôi nó. Bà đã sinh hai con trai, nhưng đều chết khi còn nhỏ. Quấn kín con trong quần áo, bà tìm đến một ni cô sống trong núi để cầu xin bà này nuôi giùm thằng bé. Nhưng vị nữ tu từ chối. Thằng bé trông rất khỏe, chẳng việc gì phải lo lắng cho nó. Sau khi cầu xin phước lành cho thằng bé, vị nữ tu đã khuyên bà mẹ đang âu lo nên giữ lại đứa bé. Giằng lấy đứa con, bà rảo bước về nhà cha ruột sống ở huyện kế bên. Tại đây, bà dừng bước trước một am nho nhỏ dựng trên một tảng đá cao khoảng 35 mét  thờ Phật Bà Quan Âm. Mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, bà quỳ mọp cầu xin Quan Thế Âm nhận làm mẹ đỡ đầu cho đứa bé (2).

          Theo đúng truyền thống, cha mẹ của bà mẹ vừa đẻ con được báo ngay tin lành và được dâng tặng một con gà trống. Nếu đó là con gái, thì món quà là một con gà mái.

          Người Trung Hoa xem chín tháng trong bụng mẹ là năm đầu tiên trong đời, do vậy đứa bé vừa sinh ra đã được một tuổi. Phong tục cổ quy định rằng đứa bé sơ sinh được quấn trong một miếng vải được cắt ra từ áo của người cha. Những miếng áo cũ hơn được cho là có thể thu hút mọi bệnh tật, được treo phía trên cái nôi. Ba ngày sau  khi sinh, đứa bé mới được tắm lần đầu, trước sự chứng kiến của các vị khách được mời đến nhìn nó lần đầu tiên. Ngày đứa bé được tắm lần đầu, người cha dâng cúng lễ vật trên bàn thờ tổ tiên, cho vào nước tắm của con củ hành và củ gừng như là những vật tượng trưng cho tinh lực và thể lực. Ẵm đứa con trong tay, bà mẹ trao nó cho bà mụ. Cầm rễ củ hành quơ quơ phía trên đầu thằng bé, bà đỡ khấn to: “Thứ nhất là thông minh, thứ hai là ngoan ngoãn, thứ ba là khôn lanh”. Sau đó, bà áp một cái khóa hay một cái mẫu gỗ vào tay, chân thằng bé và nói: “Yên nào!”. Một cái cân được đặt lên ngực thằng bé để cân nó, các quả trứng luộc được đặt hai bên má nó để cầu phúc. Một sợi dây đỏ treo lủng lẳng các đồng bạc cắc được cột vào cổ tay thằng bé. Một tháng sau, đầu đứa bé được cạo, chỉ chừa lại các chỏm tóc ở hai bên thái dương và sau ót. Đây là dịp quan trọng để đặt tên cho bé. Khách tụ tập, mang theo quà mừng: tiền, thịt heo, cá, trái cây và trứng được tô điểm.

          Từ thuở xa xưa, cha mẹ chọn tên cho trẻ sơ sinh dựa vào sự giúp đỡ của các thầy đạo sĩ. Theo đúng truyền thống, Mao Di Xương đã đi hỏi thầy tử vi trong làng và được khuyên nên dùng bộ “thủy” trong tên con ông, vì trong số tử vi của nó thiếu cái này. Lời khuyên của thầy tử vi rất phù hợp với yêu cầu của thứ bậc dòng họ. Mọi thế hệ có một từ danh xưng riêng. Mỗi từ danh xưng phải có mặt trong tên gọi của mọi thành viên nam thuộc cùng một thế hệ. Tên gọi đầy đủ thì có thể khác, nhưng tất cả tên gọi phải chừa một từ danh xưng cho biết người mang tên đó thuộc thế hệ nào. Đứa con sơ sinh của Mao Di Xương thuộc thế hệ thứ mười hai dòng họ Mao có chữ lót chung là “Trạch”, bên trái của từ này chứa ba nét của bộ “thủy”. Từ “trạch” có hai nghĩa: ẩm ướt, làm ướt và tốt bụng, tốt dạ và nhân ái. Mao Di Xương chọn chữ “Đông”, nghĩa là phương Đông làm chữ thứ hai trong tên của con. Trạch Đông là tên gọi rất đẹp – “ân nhân của phương Đông”. Cũng theo đúng tập quán, đứa bé được đặt thêm tên thứ hai không chính thức được dùng vào các dịp lễ lạc: Nhuận Chỉ, có nghĩa là Cây Lan Phủ Sương. Riêng mẹ của Mao đặt cho con một cái tên khác, Thạch, được cho là để che chắn cho con khỏi mọi điều gở và cũng có ý nói đến mối gắn bó của thằng bé với Quan Thế Âm Bồ Tát. Do Mao là con thứ ba, bà mẹ gọi con là Shisanyazi, dịch sát nghĩa là Con thứ ba tên là Đá.

           Mao Trạch Đông sinh ra trong một gia đình không đông. Ngoài ông bố và bà mẹ, chỉ có ông nội (bà nội Mao Trạch Đông tên Liu, mất 9 năm trước khi cháu chào đời, vào ngày 20.5.1884, khi bà được 37 tuổi). Gia đình sống trong nửa phía đông bên trái của căn nhà, láng giềng sống trong nửa còn lại. Trước nhà có một cái ao và ruộng lúa, còn phía sau là vườn thông và tre. Hầu hết dân của làng gồm khoảng 600 hộ đều nghèo. Lao động cật lực trên những mảnh ruộng bé xíu mang lại thu nhập ít ỏi.

          Ông nội của Mao Trạch Đông là Mao Ân Phổ sống nghèo cả đời, để lại cho con một khỏan nợ. Nhưng cha Mao Trạch Đông là Mao Di Xương biết cách xoay xở để thoát nghèo. Là con một, Mao Di Xương sinh ngày 15.10.1870. Lúc lên mười, ông được đính hôn với một cô gái hơn ông 3 tuổi tên là Văn Thất Muội. Họ lấy nhau năm năm sau đó. Không lâu sau, do nợ của cha, Di Xương bị gọi vào Đạo quân Tương (Tương, tên gọi của tỉnh Hồ Nam, được đặt theo sông Tương chảy qua tỉnh). Trở về nhà sau một thời gian dài, Mao Di Xương đã dùng số lương tích cóp khi còn tại ngũ để chuộc lại đất mà cha ông đã để mất. Nhờ vậy, ông trở thành một người nông dân tự lập. Ông là người thô lỗ và dễ cáu bẳn, nhưng rất chăm chỉ và cần kiệm. Theo lời con gái Mao (tất nhiên là bà này nghe Mao kể lại), Mao Di Xương thường nhắc đi nhắc lại: “Nghèo không phải là do ăn quá nhiều hay xài quá nhiều. Nghèo là do không biết kiếm tiền. Bất kỳ ai có thể làm ra tiền đều có thể đủ sống; không ai có thể tiêu hoang dù có cả núi vàng” (4). Được dân làng biết đến qua biệt danh Suqin (Simple Toiler) do tài khéo léo và tốt bụng của bà, vợ của Mao Di Xương giúp chồng rộng bước trong cuộc sống. Lúc Mao lên mười, năm ông nội ông qua đời, Mao Di Xương nhờ vào nỗ lực kinh người mà đã dành dụm được một số tiền và tậu thêm một ít ruộng. Tám năm sau, em của Mao là Mao Trạch Dân chào đời, và một năm sau khi ông nội chết, người con trai thứ ba tên Mao Trạch Đàm lọt lòng mẹ. Như vậy, cha mẹ Mao có tất cả 3 người con trai còn sống, 2 con trai mất trước khi Mao sinh và thêm 2 con gái, cả hai đều chết khi còn nhỏ.

          Mẹ Mao cố truyền cho các con lòng sùng đạo của bà. Khi còn thơ ấu và niên thiếu, Mao thường theo mẹ đi lễ chùa. Bà mơ ước con trai lớn nhất của mình trở thành thầy tu. Nhưng cha Mao không chia sẻ ước mơ này, tuy nhiên ông không phản đối mạnh lắm. Ông sùng kính Phật, chỉ có điều là không để lộ tấm lòng ra ngoài. Có lần ông chạm trán với hổ trên đường đi, ở nơi cách làng không xa. Cha Mao kinh hoảng, nhưng có lẽ con hổ cũng vậy. Ông và hổ cùng bỏ chạy theo hai hướng ngược lại. Cha Mao cho rằng đó là lời cảnh báo từ trên. Là người không tin vào thánh thần cho đến lúc đó, cha Mao giờ đây bắt đầu thấy sợ thái độ xa lánh thánh thần quá mức.

           Dù sùng kính Phật, Mao Di Xương nghĩ rằng sẽ có ích hơn nếu con trai lớn nhất nắm vững giáo lí Khổng học, nền triết học cổ xưa ra đời từ những lời răn dạy của nhà hiền triết cổ đại Khổng Tử (551 – 479 TCN) và các môn đồ. Nền tảng của chế độ chính trị của Trung Hoa là các nguyên lí Khổng giáo đòi hỏi con người phải tu dưỡng về đạo đức. Theo Khổng Tử, con người phải tuân thủ các quy ước thiêng liêng mà quan trọng nhất trong số đó là nhân, hiếu và đức. Chỉ khi nào tuân thủ các lời răn thiêng liêng này, người ta mới đạt đến độ đạo đức cao xa nhất, đích nhắm đến của Khổng giáo.

            Tuy chỉ lương tâm của mỗi người mới có thể phán định xem người đó có thực sự làm theo lời dạy của Khổng Tử, nhưng xét về mặt thực tế, người ta sẽ không thể tạo dựng sự nghiệp mà không cần biết đến lời dạy của nhà hiền triết. Khả năng vận dụng các trích dẫn Nho giáo là cần thiết để được trao một chức vụ công quyền. Bất kỳ ai không biết đến Luận ngữ của Khổng Tử và các quyển sách kinh điển khác, trong đó có Mạnh Tử, Đại Học và Trung Dung đều bị xem là thất học.

          Do vậy, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi cha Mao, người chỉ đi học có hai năm, khao khát nhìn thấy con trai lớn nhất tinh thông Khổng học. Mao Di Xương bị thua trong  một vụ kiện liên quan đến một mảnh đất trên đồi chỉ vì ông không thể biện minh cho vụ việc của mình bằng các trích dẫn từ Khổng Tử. Viên quan đã đứng về phía bị đơn, người đã chứng minh sự hiểu biết sâu sắc các sách kinh điển. Con gái Mao viết rằng ông nội bà quyết định vào lúc đó: “ Con trai ta phải trở thành một người có học y  như vậy và sẽ đứng về phía ta”. Và thế là Mao Trạch Đông được gửi đến học ở một trường tư trong làng, nơi ông phải học thuộc lòng các sách kinh điển của Khổng giáo.

         Mao ghi nhớ những lời dạy của nhà hiền triết đáng kính là vì những lí do thuần vụ lợi, để giành phần thắng trong lúc tranh luận bằng cách đưa ra những trích dẫn thích đáng và đúng thời điểm, nhưng các nguyên lí đạo đức-luân lý của Khổng Tử xem ra chẳng để lại chút vết tích nào trong tâm hồn ông. Con gái Mao kể lại cha ông có lần đánh bại thầy giáo của mình trong một cuộc tranh luận. Bà viết: “Một ngày tiết trời nóng bức, thầy giáo không có mặt trong lớp. Cha rủ bạn học đi tắm trong một cái ao. Khi nhìn thấy học trò trần như nhộng, thầy giáo cho rằng như thế là rất vô lễ và quyết định phạt họ. Nhưng cha đã kịp trích một câu từ Luận Ngữ , theo đó Khổng Tử ca ngợi việc tắm trong nước lạnh. Cha mở quyển sách, tìm đúng nơi có câu định trích, rồi đọc to lên. Thầy giáo nhớ lại Khổng Tử quả có nói như vậy, nhưng ông không thể mất thể diện. Giận dữ, ông đi than phiền với ông nội: “Thằng Nhuận Chi nhà ông tuyệt đối không chấp nhận được. Một khi nó đã biết nhiều hơn tôi, thì tôi không thể dạy nó được nữa!”.

          Mao cũng khéo léo trong việc phô ra các trích dẫn từ Khổng Tử trong một cuộc tranh cãi với cha mình, người thường quở mắng Mao vì thói vô phép và lười nhác. Thỉnh thoảng Mao thắng, nhưng thường các cuộc tranh cãi kết thúc rất tệ cho ông. Cha ông, người đặt tính hiếu thảo lên trên mọi nguyên lí Khổng giáo khác, sẽ không ngần ngại đánh Mao nếu Mao dám cãi lại. “Tao giết mày, một thằng con hoang không biết đến khuôn phép nào cả”, ông hét lên vào mặt Mao (9). Ông cũng đánh đòn cả hai đứa con trai kia. Mẹ Mao run sợ cho các con yêu của bà, và cố bảo vệ chúng, nhưng thường là không được.

         Các cuộc xung đột trong gia đình, tính dữ tợn của cha, sự bất lực của mẹ, người mà ông rất yêu quý, chắc chắn đã ảnh hưởng đến tính cách của Mao. Ông trưởng thành như một kẻ nổi loạn cuồng nhiệt và cao ngạo, cứng đầu không kém gì cha ông, người mà ông rất giống (10). Dù tức giận với tính khí cứng rắn của cha, bản thân Mao cũng trở nên ngày càng cay nghiệt và cứng đầu.

           Tính ương ngạnh của Mao có thể bắt nguồn từ tâm lí tộc người và nguồn gốc gia đình. Thường nêm nếm thức ăn bằng một lượng ớt đỏ tùy thích, người Hồ Nam nổi tiếng trong cả nước bởi tính khí nóng nảy. “Nóng như thức ăn của họ” là câu mà người ta thường dùng để miêu tả tính cách của người Hồ Nam.

             Nhiều năm sau, Mao đưa ra một cách giải thích mô phỏng theo Marx cho những cuộc va chạm trong gia đình ông. Tháng 7.1936, trong lúc đáp ứng yêu cầu của nhà báo Mỹ Egar Snow được phỏng vấn, Mao nói: “Là một trung nông, gia đình tôi sở hữu 15 mẫu([2]) đất... Cha tôi tích lũy được một số vốn nhỏ và tậu thêm được 7 mẫu, nhờ vậy gia đình tôi được xem là ‘phú nông’...

           Lúc là trung nông, ông bắt đầu làm công việc mua bán và vận chuyển lúa, nhờ đó ông kiếm được một ít. Sau khi trở thành ‘phú nông’, ông dành hầu hết thời gian cho công việc làm ăn này. Ông thuê một thợ cày toàn thời gian, bắt các con cũng như vợ làm việc đồng áng. Tôi bắt đầu làm việc đồng áng từ khi lên sáu. Ông mua lúa của những bần nông rồi chở đến phố thị bán cho thương lái với giá cao hơn. Vào mùa đông, khi lúa bắt đầu trổ, ông thuê thêm một thợ cày, như vậy nhà có tất cả 7 miệng ăn... Ông chẳng bao giờ cho chúng tôi tiền, còn thức ăn thì rất ít. Tôi chẳng bao giờ được ăn thịt và trứng...”. Một lát sau, Mao vừa vười, vừa nói thêm: “Trong gia đình có hai ‘phe’. Một là cha tôi, phe cầm quyền. Phe đối lập gồm tôi, mẹ tôi, em tôi và đôi lúc cả người thợ cày. [Mao muốn nói đến người em Trạch Dân, vì Trạch Đàm chưa ra đời]. Nhưng trong ‘Mặt trận thống nhất’ của phe đối lập, có sự khác biệt về quan điểm. Mẹ tôi chủ trương đường lối tấn công gián tiếp. Bà chỉ trích bất kỳ hành động công khai bộc lộ xúc cảm và công khai phản kháng. Bà nói phong cách Trung Hoa không phải như vậy... Nỗi bất mãn của tôi tăng lên. Cuộc đấu tranh biện chứng trong gia đình tôi phát triển”.

           Những cuộc cãi cọ giữa cha và con trai đầu không phải là chuyện hiếm gặp. Mao thậm chí còn tranh cãi dữ dội với cha trước mặt những người khác, một hành động bị xem là rất vô lễ. Mao nói với Edgar Snow: “Tôi bắt đầu thấy ghét ông ấy” (11).

            Người cha cần kiệm của Mao dần dà tạo dựng sự nghiệp bằng cách thu gom giấy tờ đất của nông dân và gom góp được một gia tài đáng kể, khoảng 2.000 – 3.000 đồng bạc trắng Trung Quốc. Đại bộ phận nông dân Trung Quốc sống trong cảnh nghèo cùng cực. Nhìn chung, nước Trung Hoa dưới triều Thanh vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX là một xứ cực kì lạc hậu, hoang dã của thời Trung Cổ. Chủ nghĩa tư bản vừa chớm nở và chưa tạo được một ảnh hưởng rõ rệt lên xã hội. Các cơ xưởng tư bản hiện đại được xây dựng ở những nơi như Thượng Hải, Thiên Tân và Vũ Hán, nằm cách xa Thiều Sơn. Chỉ ở một vài thành phố như vậy mới thấy cảnh thịnh vượng kinh tế đang tăng dần. Còn ở các làng mạc cuộc sống vẫn diễn ra như từ thời xa xưa. Đại bộ phận nông dân chẳng trông mong kiếm được gì từ chợ búa. Vào mùa thu, họ gần như phải bán một phần lương thực mà họ cần, với giá rất thấp, cho những người kiếm lợi như cha Mao để trả nợ. Vào mùa xuân, khi giá lên, họ phải mua lại một khối lượng lương thực tương tự, chịu mất một số tiền không nhỏ, chỉ cốt không bị đói (12). Người nghèo và bộ phận mất gốc ở nông thôn, bao gồm những kẻ du thủ du thực, hành khất không nhà, và những kẻ đại loại như vậy, chiếm một phần đáng kể trong dân số, ước khoảng 40 - 45 triệu trên tổng số 400 triệu dân. Họ đặc biệt không thích những người làm ăn hay buôn bán bình thường. Một phần mười dân số Trung Hoa nghèo khổ và thất nghiệp (13). Họ gọi một cách khinh miệt những người như cha Mao là bọn thổ hào hay kẻ hút máu. Do ở thành phố không có nhiều xí nghiệp có thể cung cấp việc làm cho những người cần đến, khối đông người dân sống chết dí ở làng quê. Thực ra cũng có một số ít kiếm được những công việc thất thường, nhất là trong mùa gieo cấy và gặt. Nhưng hầu hết đều không được gặp may như vậy. Từng đoàn người rách rưới và bẩn thỉu lang thang trên khắp đường quê, cầu xin của bố thí. Ở các bãi chợ, người ta thường thấy các nông dân cầm tấm bảng ghi chữ bán đứa con gái nhỏ, đôi lúc cả con trai, được họ mang đến trong các sọt đan lát bằng tre.

         Nhiều nông dân gia nhập các băng đảng cướp kiểu mafia, chẳng hạn như Hội Tam Hoàng, đánh cướp các thổ hào. Các cuộc nổi loạn hung bạo là chuyện thường thấy không chỉ ở Hồ Nam, mà cả ở các tỉnh khác.

          Mùa đông năm 1906, huyện Bình Hương, cách Thiều Sơn khỏng 150 dặm[3], đắm chìm trong một cuộc bạo loạn quy mô lớn do Hoàng Thịnh Hội, một nhánh của Hồng Minh Hội (Hồng Huynh Đệ) rất mạnh. Hoạt động tích cực trong vùng giáp ranh giữa Hồ Nam và Giang Tây, giữa Thiều Sơn và Bình Hương, Hội tìm cách lật đổ triều Mãn Châu ngoại tộc (nhà Thanh) vốn đã chinh phục Trung Hoa vào giữa thế kỉ XVII và phục hồi nhà Minh. Tự gọi là “Huynh Đệ Kiếm Sĩ”, các thành viên của hội gắn kết với nhau bằng một nghi thức tôn giáo được giữ kín đối với người ngoài. Họ thề nguyện giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh; họ tin vào các phép mầu Đạo giáo và Phật giáo, cũng như vào thầy đồng và phù thủy. Họ luyện tập võ công với niềm tin rằng việc rèn luyện thể chất và tinh thần (khí công) sẽ khiến họ bất khả xâm phạm.

          Khi dấy động một cuộc nổi loạn ở Bình Hương, Hồng Thịnh Hội công khai nêu ra hai mục tiêu bằng hai khẩu hiệu: “1. Phản Thanh phục Minh”; 2. “Đả phú trợ bần”. Tin đồn về cuộc nổi dậy mau chóng lan sang các huyện lân cận thuộc các tỉnh Hồ Nam và Giang Tây. Được trang bị bằng đao, kiếm và giáo, những kẻ nổi loạn đã gieo rắc khủng bố các huyện chung quanh, cướp phá nhà các thổ hào và ác bá            (đây là từ mà người dân nghèo dùng để chỉ các phú hào giàu có miền quê). Họ tước đoạt tiền bạc và lương thực của các nông dân tương đối khá giả và nuôi ngỗng dại trong nhà. Một phần của cải cướp được chia cho người nghèo. Mười ngày sau, quân triều đình dập tắt được cuộc bạo loạn, nhưng không thể làm yên lòng dân trong một thời gian dài. Trương Quốc Đào, người quê Bình Hương lúc đó được 9 tuổi và sau trở thành một trong những nhà sáng lập ĐCSTQ và đối thủ chính của Mao trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, đã có cảm tình với những người nổi loạn, nhưng cũng khiếp sợ họ không kém. Ông nhớ lại cảnh tượng như sau:

            “Họ đi lại trên đường – một số tay không, một số khác mang đồ – vội vã và im lặng. Cả ba thằng trẻ con chúng tôi chẳng thấy điều gì bất thường khi lê gót theo họ. Đi được khoảng 5 lí[4], chúng tôi đến một cửa hàng tạp hóa nhỏ nhà họ Văn... người chủ khuyên chúng tôi không nên đi một mình... Do chỉ mình anh ta coi tiệm và không thể bỏ nó đi theo chúng tôi, anh ta đề nghị chúng tôi ở lại ăn và qua đêm. Tất nhiên là chúng tôi rất sung sướng nhận lời.

           Đến nửa đêm, một đám người say mèm mang đao lôi chúng tôi ra khỏi giường và đẩy chúng tôi dựa vào quầy... giơ đao về phía chúng tôi. Vài người thét to: ‘Cắt đầu lũ ranh và lấy máu chúng tưới lên cờ chúng ta’. Số khác gào lên: ‘Chém chúng xem ra ngọt sớt’. Lại có vài người can ngăn: ‘Đừng giết chúng. Trói chúng lại và đem chúng theo để gia đình chúng chuộc lại bằng những đồng bạc lấp lánh’.

           Người chủ tiệm cố cứu chúng tôi. Van nài để chúng tôi được tiếp tục ngủ, anh ta hứa sẽ đãi họ rượu, thức ăn và mọi thứ trong tiệm. Do anh ta cũng thuộc bang của họ, như sau này chúng tôi được biết, họ nghe theo anh ta. Cảnh náo loạn kéo dài thêm một lát; cuối cùng, họ cũng để chúng tôi yên, thế là chúng tôi khép nép quay vào buồng. Khi nỗi khiếp sợ lắng xuống, chúng tôi quay về làng đang yên ngủ” (14).

            Những cuộc nổi loạn tương tự diễn ra ở nơi khác, gồm cả Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Ở Thiều Sơn, thành viên Ca Lão Hội kéo thêm những nông dân nghèo đã nổi lên. Lên tiếng đòi nông dân giàu cứu trợ, họ khởi đầu phong trào bằng khẩu hiệu: “Ăn gạo không phải trả tiền!”. Mao nhớ lại: “Cha tôi là người buôn lúa và đã chở nhiều lương thực từ huyện ra phố thị, bất kể nạn đói kém. Một trong những chuyến hàng của ông bị dân nghèo trong làng thu giữ; ông tức giận vô kể. Tôi không cảm thông với ông nhưng tôi cũng cho rằng cách làm của nông dân cũng sai !” (15).

            Những người nổi loạn bị trấn áp thẳng tay. Quan tổng đốc mới mau chóng ra lệnh bắt những kẻ cầm đầu, chặt đầu nhiều người, bêu đầu họ trên cọc để thị uy những kẻ toan tính nổi loạn. Quân lính được phái đến Thiều Sơn trấn dẹp Ca Lão Hội. Người cầm đầu bị bắt và bị xử trảm.

          Ở Trung Quốc, án hành hình diễn ra công khai. Tử tù mặc một cái áo không ống có kẻ chữ “thổ phỉ” hay “sát nhân” bằng mực tàu. Hai cánh tay họ bị trói ngoặt ra sau lưng, tử tù bị mang ra diễu khắp phố thị và miền quê trên một xe ngựa trần, theo sau một toán lính mang gươm đao. Đám đông chen chúc hai bên đám diễu hành. Nhiều người đi theo đến tận nơi hành hình. Đến nơi, lính lôi tử tù xuống một bãi đất trống có cắm nhiều cọc. Một người lính tay không bước lại gần tử tù, quỳ xuống nói vài câu xin anh ta xá tội. Đây là nghi thức cốt che chở người lính khỏi bị linh hồn của tử tù tìm cách phục thù. Nghi thức cũng nhằm giữ thể hiện cho tử tù bằng cách cho anh ta được một ít kính trọng lần cuối trong đời. Tử tù quỳ xuống, người lính huơ kiếm chặt đầu bằng một nhát nhanh gọn. Sau đó, đám đông giải tán. Cuộc sống trong làng rất lặng lờ, một biến cố như cuộc hành hình công khai bao giờ cũng gây xáo động. Dân làng sẽ thích hơn nếu trong lúc bị dẫn đến nơi hành hình, tử tù bày tỏ sự dũng cảm bằng cách hát hay hô to khẩu hiệu. Có phần chắc là trong đám đông sẽ có ai đó hô to: “Hảo! Hảo !”.

            Bạo lực đẻ ra bạo lực. Chính là trong bầu không khí như vậy, chính là trong một xã hội mạng người chẳng có chút giá trị nào, còn nông dân còng lưng cày hết ngày này sang ngày khác để kiếm sống với hy vọng thoát nghèo, tính cách của Mao Trạch Đông, Trương Quốc Đào và nhiều nhà hoạt động cách mạng cộng sản khác được trui rèn. Cuộc bạo loạn của nông dân, như chính Mao thừa nhận, đã tạo một ấn tượng không phai nhòa lên quãng đời thơ ấu và ảnh hưởng đến ông suốt cả cuộc đời (16).

           Theo lời của chính Mao, văn học Trung Quốc, trước hết là các tiểu thuyết lịch sử đề cập đến các cuộc khởi nghĩa, nổi loạn và nổi dậy, cũng tạo ra một ảnh hưởng to lớn đến thế giới quan và tâm thức ông. Ông đọc đi đọc lại những tác phẩm như Nhạc Phi Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tùy Đường Diễn Nghĩa, Tam Quốc Chí và Tây Du Ký miêu tả các chiến công huyền thoại của các trang nghĩa hiệp, các chiến binh, những kẻ phiêu lưu cũng như của những người cầm đầu các cuộc nổi loạn trong dân. Chúng xưng tụng tình huynh đệ giữa các chiến binh và cổ vũ hoạt động rèn luyện thể chất. Các nhân vật của chúng là hiện thân của lời mời gọi nổi dậy chống các lề thói cũ (17).

           Mẹ của Mao phí công cầu khẩn Đức Quan Thế Âm. Con trai yêu của bà sẽ không theo con đường thiêng liêng của Đức Cứu Khổ Cứu Nạn, mà theo con đường của Marx, bạo lực và cách mạng. Những lời răn dạy luân lí của Khổng Tử, nhà nhân văn vĩ đại, cũng bị ông bỏ ngoài tai. Mao thổ lộ với Edgar Snow: “Tôi thuộc Tứ Thư Ngũ Kinh, nhưng không thích chúng”(18). Từ lúc niên thiếu, dưới tác động của người cha độc đoán, những tác phẩm kích động bạo lực, môi trường chung quanh, ông đã kết luận rằng bạo loạn là con đường duy nhất để bảo vệ quyền của mình. Nếu anh ta vẫn cứ rụt rè khúm núm, anh ta sẽ bị đánh đập hết lần này đến lần khác (19).

LÊ PHỤNG HOÀNG

[1] Sẽ có nhiều danh từ riêng mà tôi không biết phiên sang âm tiếng Việt. Bạn đọc nào biết xin chỉ giáo, tôi cảm ơn trước. Địa chỉ liên hệ: [email protected]

([2])  1 mẫu Trung Quốc tương đương 1/6 acre, 1 acre tương đương 4.046m2. Vậy 15 mẫu tương đương 10.115 m2

[3] Một dặm (mile) tương đương 1,60934 km. Vậy 150 dặm tương đương 250 km

[4] Năm lí tương đương 2,5 km

Các Bài viết khác