NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MAO - CÂU CHUYỆN CÓ THẬT

( 19-07-2018 - 04:18 PM ) - Lượt xem: 767

Mao Trạch Đông, người sáng lập ra nước Trung Hoa hiện đại. Nhưng giờ đây, sau hơn 35 năm kể từ ngày ông qua đời năm 1976, khi nhiều tư liệu mới quan trọng của Trung Quốc được công bố, khi việc tiếp cận, dù rất hạn chế, các kho thư tịch của Liên Xô cũ đã được phép, người ta đã có thể vẽ ra một bức chân dung rõ ràng hơn, tinh tế hơn, đầy đủ hơn về nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Trung Quốc trong thời hiện đại. Đó là mục đích của cuốn tiểu sử này.

 Vài nét về dịch giả TIẾN SĨ LÊ PHỤNG HÒANG

 Tiến sĩ Sử học Lê Phụng Hoàng sinh năm 1956, quê quán tại tỉnh Đồng Nai nhưng sống tại Sài Gòn trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình. Là Giảng viên chính và Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Thế giới, Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, ông đã cống hiến cho khoa học nhiều công trình khảo cứu được in tại NXB Giáo dục và NXB Đại học Sư phạm Tp. HCM cùng nhiều dịch thuật quan trọng.

 Về khảo cứu, các tác phẩm chính của ông là:

- Các công trình kiến trúc nổi tiếng trong lịch sử thế giới cổ trung đại, (đồng tác giả), Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh, 1997.

- Các nhân vật lịch sử trung đại (Tập II: Pháp), Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh, 1998.  - Các nhân vật lịch sử cận đại (Tập III: Pháp), Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

- Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh, 1999..

- Các nhân vật lịch sử hiện đại (Tập I: Pháp), Nxb Giáo dục, 2002.

Một số bài giảng chuyên đề về lịch sử các nước Tây Âu và Hoa Kỳ (Tập I), Giáo trình ĐHSP Tp.HCM, 2002.

- Franklin Roosevelt Tiểu sử chính trị. Tủ sách Đại học Sư phạm TP. HCM, 2004.

Adolf Hitler Tiểu sử chính trị. Tủ sách Đại học Sư phạm TP. HCM, 2007.

Lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối Chiến tranh lạnh (1945-1991), Giáo trình ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh, 2008.

 Về dịch thuật:

- Roy Medvedev(2003), Nikita Khrushev - Tiểu sử chính trị, Tủ sách Đại học Sư phạm TP. HCM.

- Béladi Lazó – Krausz Tamas(2004), I.V.Stalin - Tiểu sử chính trị, Tủ sách Đại học Sư phạm TP. HCM.

- Helene Carr ene d’ Encause, Lenin (chưa xuất bản).

- Alexander V. Pantsov v Steven I. Levine, Mao: câu chuyện sự thật (chưa xuất bản).

- Richard Pipes, Cách mạng Nga (đang dịch).

Bắt đầu từ ngày 19/7/2018 được sự đồng ý của dịch giả, trang web của CLB sẽ giới thiệu một số chương quan trọng bản dịch “Mao: câu chuyện có thật“ của tác giả Alexander V. Pantsov với sự hợp tác của Steven I. Levine để bạn đọc tham khảo.

DẪN NHẬP

Huyền thoại và thực tế

             Các nhân vật lịch sử xứng đáng được có những tác phẩm tiểu sử khách quan. Nhưng việc viết một tác phẩm tiểu sử như vậy là cả một thách thức không nhỏ, ngay cả trong những điều  kiện thuận lợi nhất. Người viết tiểu sử phải đeo đuổi cả một chuỗi tưởng chừng như vô tận các nguồn tư liệu đã in và chưa in, thường là bằng các thứ tiếng khác nhau, đào sâu nhiều kho lưu trữ, bóc tách sự thật và thực tế khỏi các câu chuyện đồn thổi và đơm đặt, lập cho được thế quân bình giữa con người công và con người tư, phán xét trí tuệ thông thái và sự điên rồ của nhân vật trong cả một quãng thời gian dài. Những khó khăn vừa nêu sẽ tăng lên bội phần khi đối tượng của quyển tiểu sử là nhà lãnh đạo của một xã hội khép kín luôn cố sức giấu nhẹm mọi bí mật của mình.

             Đó chính là trường hợp của Mao Trạch Đông, người sáng lập ra nước Trung Hoa hiện đại. Nhưng giờ đây, sau hơn 35 năm kể từ ngày ông qua đời năm 1976, khi nhiều tư liệu mới quan trọng của Trung Quốc được công bố, khi việc tiếp cận, dù rất hạn chế, các kho thư tịch của Liên Xô cũ đã được phép, người ta đã có thể vẽ ra một bức chân dung rõ ràng hơn, tinh tế hơn, đầy đủ hơn về nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Trung Quốc trong thời hiện đại. Đó là mục đích của cuốn tiểu sử này.

             Quả thực Mao quả từng là đầu đề cho nhiều cuốn tiểu sử bằng các thứ tiếng phương Tây kể từ khi nhà báo Mỹ Edgar Snow lần đầu tiên viết ra câu chuyện về cuộc đời vừa bước qua ngưỡng nửa đời người của Mao, vào tháng 7.1936. Một năm sau, Snow in câu chuyện đó thành trung tâm trong tác phẩm Red Star Over China, một quyển sách có nhiều tiếng vang góp phần tạo ra lịch sử và vẫn được in cho đến ngày nay. Do tác phẩm ít nhiều có ảnh hưởng đến thế hệ kế tiếp các nhà viết tiểu sử bằng ngôn ngữ của phương Tây – thế hệ mà cuốn tiểu sử của chúng tôi có khác ở mức đáng kể, cũng đáng để kể ra đây tại sao lại có cuộc gặp gỡ giữa người chỉ huy du kích kiêm nhà lãnh đạo Đảng CSTQ và nhà báo trẻ người Mĩ.

             Vào lúc đã là một nhà báo rất nổi tiếng vào giữa thập niên 1930, Snow rất đổi có thiện cảm với phong trào cộng sản Trung Quốc, dù không phải là người Mác xít. Trong số các tờ báo lớn mà ông có viết bài, trong đó có các tờ New York Herald Tribune, Foreign Affairs và Saturday Evening Post, ông có tiếng là người có đầu óc độc lập, không giống như nhiều thông tín viên cánh tả khác vốn thích phô trương quan điểm thân cộng của mình.

             Chính tiếng tăm trên đã thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo Đảng CSTQ, trong đó có Mao Trạch Đông. Họ có ý lợi dụng nhà báo Mĩ 31 tuổi này vào việc cải thiện hình ảnh của họ đối với công chúng và mở rộng ảnh hưởng chính trị  của họ. Snow có những lí do riêng để tìm đến Mao. Là một nhà báo tham vọng luôn săn tìm một chuyên đề lớn, Snow không dễ gì bỏ qua cơ hội cho một bài báo giật gân. Cả hai tìm cách lợi dụng lẫn nhau. Snow có mặt ở Bảo An phía bắc tỉnh Sơn Tây, vào ngày 13.7.1936, đúng hai ngày sau khi Mao Trạch Đông đến trú lánh trong cái thị trấn heo hút này. Mao đang chạy trốn Đại tướng quân Tưởng Giới Thạch, người đứng đầu Chính phủ Quốc dân và nhà lãnh đạo Quốc Dân Đảng (QDĐ). Lực lượng của ông này đã giáng một đòn nặng nề vào Hồng quân Trung Quốc.

             Mao thoả mãn yêu cầu của Snow về một loạt buổi phỏng vấn, trong đó ông nói dông dài về thời thơ ấu và niên thiếu trước khi phác họa sự nghiệp của ông như một nhà cách mạng cộng sản. Những người cộng sản đã tỏ ra khôn khéo khi chọn Snow. Các buổi phỏng vấn đã dẫn dắt tay người Mĩ đã đi đến chỗ nhìn thấy  Mao như một nhà hiền triết, có dáng vẻ của một Lincoln, sáng suốt, dễ gần và tự tin. Snow nhớ lại: “ Ông ta tin chắc vào số phận mình sinh ra là để cai trị”. Ghi chép vào sổ tay các buổi độc thoại của Mao dưới ánh nến trong hang động nơi họ gặp nhau, Snow trở thành người ghi chép về Mao hơn là một nhà báo biết phê phán. Chuyến đi kết thúc, Snow quay về Bắc Kinh với những ghi chép quý giá và khởi sự viết bản thảo có nhan đề Red Star Over China.

             Đúng như Mao và Snow mong đợi, Red Star over China gây xôn xao, nhất là trong giới trí thức tự do và cánh tả phương Tây. Bức chân dung gần gũi của Mao hiện ra như một nhà cách mạng lãng mạn đã tạo thiện cảm nơi độc giả phương Tây vốn đã chán ngán với bức chân dung khắc kỷ của một Tưởng Giới Thạch ngày càng độc đoán. Tác phẩm mở đường của Snow đã định hướng cho nhiều tác phẩm tiếp theo của các tác giả cố tỏ rõ mối thiện cảm ngang bằng hoặc thậm chí nhiều hơn trong lúc miêu tả Mao. Chỉ có một điểm quan trọng duy nhất mà những tác giả sau tỏ ra khác với Snow. Trong lúc nhìn Mao như là người theo đuổi trung thành chủ nghĩa Marx xô viết, những người khác khẳng định ngay từ cuối thập niên 1930 rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới sự lãnh đạo của Mao trở nên tự chủ và tự tin hơn. Theo cách nhìn này, Mao, một người có tư duy và biết hành động độc lập, đã giữ khoảng cách khá xa với Moskva, không giống như những người stalinít Trung Quốc giáo điều đã bị Mao vượt qua trong những cuộc đấu tranh bên trong đảng. Mao đứng thẳng người, là chính ông, một nhà hoạt động cách mạng đích thực, không phải là con rối của Stalin. Đối với những tác giả cố giải thích cuộc cách mạng Trung Quốc với độc giả Mĩ, thì đây là điểm hấp dẫn chính của Mao.

             Cho đến cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, các học giả hàng đầu của Mĩ, trong đó có John King Fairbank, Benjamin I. Schwartz, Conrad Brandt và Robert North, đều cổ xúy cho điều đã trở thành công thức cổ điển về “sự độc lập” của Mao, cả trong quan hệ của ông với Stalin lẫn quan điểm của ông về Trung Hoa (2). Họ viết rằng Stalin không tin Mao và xem ông như “một nhà dân tộc chủ nghĩa nông dân”, hơn là một người cộng sản. Hơn nữa, bước đường trỗi dậy của cách mạng Trung Quốc ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Mao dường như phản lại quan điểm mác xít chính thống về “vai trò lịch sử” của giai cấp công nhân. Cuộc “cách mạng nông dân” của Trung Quốc là màn khai mào cho điều được xem là thời đại kịch tính của các cuộc cách mạng nông dân trong toàn thế giới hậu thuộc địa. Sau khi các Đảng Cộng Sản Liên Xô (ĐCSLX) và ĐCSTQ chia rẽ vào đầu thập niên 1960, các học giả Trung Quốc và Nga đi theo một con đường giống nhau.

             Trong lúc đó, Mao trải qua tiến trình chuyển biến từ một người chỉ huy cách mạng bám sát thực tế thành một người mà một nhà viết tiểu sử đầu thập niên 1960 gọi là “hoàng đế của bầy kiến xanh”, ám chỉ bộ đồ đồng phục màu xanh mà mọi người Trung Quốc đều mặc. Sau khi tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) ngày 1.10.1949, Mao chuyển đến sống trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, cung thự của các hoàng đế khi xưa. Khi tệ sùng bái cá nhân ông phát triển trong những năm sau đó, không ai có thể đến gần ông, trừ những cộng sự gần gũi hay các thành viên trong đám tùy tùng. Sự xuất hiện của ông nơi công cộng được dàn dựng cẩn thận, còn những buổi phỏng vấn hay đọc diễn văn của ông mang tính tự cao ngày càng rõ. Các cuốn tiểu sử về Mao bằng các thứ tiếng phương Tây được in trong lúc Mao còn tại thế, kể cả cuốn tốt nhất của nhà Trung Quốc học tài ba Stuart R. Schram trong năm 1967 (4), được biên soạn chủ yếu dựa vào các tư liệu đã được công bố của ĐCSTQ, các bài viết, diễn văn và diễn từ đã được công bố của Mao; cảm nghĩ của những người nước ngoài được Mao tiếp kiến; một số ít hồi kí của các đối tác hay đối thủ chính trị; và các nguồn rải rác khác. Luận đề về việc Mao giữ được tính độc lập và biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx vào toàn cảnh Trung Quốc tiếp tục giữ vị thế trung tâm.

             Thoạt trông thì luận đề trên xem ra có cơ sở vững chắc. Cho đến cuối năm 1949, Mao chưa bao giờ đến Moskva dù chỉ một lần, và Stalin chẳng biết đến cá nhân ông. Cũng trong quãng thời gian đó, điện Kremlin thường xuyên nhận được từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài ĐCSTQ các báo cáo tiêu cực đánh giá Mao là kẻ “chống Leninnít” và cáo buộc ông tội chết người là “theo Trôtskít”. Do vậy, việc Kremlin khẳng quyết rằng Stalin xem Mao là “kẻ Marxist trong hang động” xem ra là hợp lý (5). Vào cuối thập niên 1950, sau khi Đại hội XX ĐCSLX lên án chủ nghĩa Stalin, tự Mao đã thường nhắc lại rằng ông ta cảm thấy Stalin không tin mình (6).

             Tuy nhiên, nếu được kiểm tra kĩ, thì lời nhận xét vẫn được thừa nhận lâu nay về thái độ của Mao đối với Stalin và Liên Xô (LX) hóa ra là không đúng. Trong thực tế, như các tài liệu lưu trữ Xô viết và Trung Quốc mới được công bố cho thấy, Mao là người nối gót Stalin một cách trung thành. Ông ta bỏ công đảm bảo với Ông Chủ lòng trung thành của mình và chỉ dám đi chệch khỏi mô hình xô viết sau khi Stalin mất.

             Phát hiện trên là một trong nhiều lý do cần đánh giá lại Mao một cách toàn diện. Sự thật đã ngủ yên quá lâu trong các kho lưu trữ mật của ĐCSTQ, ĐCSLX và Quốc tế Cộng sản (QTCS). Chỉ mãi đến gần đây các tài liệu lưu trữ mới được công bố, hoặc toàn bộ hoặc một phần. Phần lí thú nhất trong vô số các tiết lộ liên quan đến chính sách, quan điểm của Mao và cuộc đời của ông nằm trong các tư liệu không được công bố liên quan đến Mao, kẻ thù và bạn bè của ông. Chúng được lưu giữ trong Kho lưu trữ của UBTƯ ĐCSLX ở Moskva. Những người Bolshevik (b) bắt đầu xây dựng kho lưu trữ không lâu sau Cách mạng Tháng Mười 1917. Nhiệm vụ chính của nó được xác định ngay từ đầu là thu thập tư liệu không chỉ lịch sử đảng (b), mà cả lịch sử phong trào lao động và cộng sản quốc tế. Sau khi QTCS bị giải tán năm 1943, toàn bộ tư liệu của nó đến chuyển về Khu lưu trữ Trung ương Đảng. Trong những năm 1950, tài liệu lưu trữ của Thông tin Cộng sản (Cominform) cũng được xếp vào đây. Cuối cùng, vào tháng 6.1999, Kho Lưu trữ của Đoàn Thanh niên Cộng sản cũng được nhập vào. Ngày nay, toàn bộ các tài liệu lưu trữ hợp nhất vừa nêu được gộp chung thành Kho Lưu trữ Xã hội và Chính trị Nhà nước Nga. Lướt qua nội dung của các tài liệu lưu trữ này sẽ cho thấy tầm quan trọng của chúng như là nguồn thông tin mới được chúng tôi tận lực khai thác cho tác phẩm tiểu sử Mao Trạch Đông này.

             Trước hết, đây là những tư liệu được cất giữ với khối lượng lớn nhất thế giới về phong trào cộng sản quốc tế và lịch sử ĐCSLX. Chúng bao gồm khoảng 2 triệu tư liệu thành văn, 12.105 tư liệu hình, 195 phim tư liệu, được chia thành 669 bộ chủ đề. Thành phần chính yếu của các tài liệu lưu trữ là một tập hợp không nhỏ các văn bản liên quan đến phong trào cộng sản Trung Quốc. Chúng gồm các hồ sơ đồ sộ về phái đoàn Trung Quốc bên cạnh BCH QTCS (ECCI); các tường trình và các biên nhận tài chính của Ủy Ban Trung Ương (UBTƯ) ĐCSTQ; các chỉ thị của QTCS và đảng (B) gửi cho TQ; các văn bản của Lenin, Stalin và Trotsky và những nhà lãnh đạo bolshevik khác; các báo cáo mật của các đại diện cộng sản và Quốc Dân Đảng Trung Quốc (QDĐTQ) gửi QTCS; và các hồ sơ cá nhân về nhiều nhà cách mạng Trung Quốc hàng đầu.

             Bộ tài liệu cá nhân liên quan đến các đảng viên cộng sản Trung Quốc là đặc biệt lý thú. Không như các tài  liệu lưu trữ khác, chúng không được mở ra cho hầu hết các học giả  ngay cả trong thời kì “tan băng” về ý  thức hệ dưới thời Yeltsin vào đầu thập niên 1990. Bộ tài liệu này luôn được xếp vào bộ phận tối mật trong kho lưu trữ. Cho đến tận ngày nay, công chúng hầu như không thể tiếp cận chúng. Chỉ một ít chuyên gia, trong đó có một người trong chúng tôi, Alexander V. Pantsov, là được phép tiếp cận các tài liệu này và tiếp tục được tiếp cận chúng nhờ vào mối quan hệ cá nhân với các nhân viên lưu trữ và học giả ở Nga hiện nay. Bộ tài liệu thu hẹp này gồm 3.328 hồ sơ cá nhân, bao gồm hồ sơ về Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, Đặng Tiểu Bình, Vương Minh và nhiều thành viên hàng đầu trong hàng ngũ ban lãnh đạo ĐCSTQ.

             Hồ sơ về Mao Trạch Đông là ấn tượng nhất. Nó gồm 15 tập các văn bản độc nhất, gồm cả  các báo cáo chính trị của ông, các thư từ riêng, các biên bản tốc ký về các cuộc gặp gỡ giữa Mao và Stalin, Stalin và Chu Ân Lai, và Mao và Khrushchev, các báo cáo y khoa về Mao được các bác sĩ xô viết thu nhập; các báo cáo mật của nhân viên KGB và QTCS; các tài liệu cá nhân liên quan đến các vợ và các con Mao, cả giấy chứng sanh chín đứa con của Mao được chào đời ở Moskva, nhưng trước đây không được biết đến; những báo cáo kết án Mao do các đối thủ chính trị của Mao bên trong ban lãnh đạo ĐCSTQ viết; và một loạt các văn bản mật liên quan đến tình hình chính trị ở CHNDTH từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970 do sứ quán Liên Xô và KGB viết. Chúng tôi là những nhà biên soạn tiểu sử Mao đầu tiên được sử dụng các tư liệu này – những tư liệu được cho là vô giá cho việc đánh giá lại cuộc đời riêng và chính trị của Mao.

             Bổ sung cho các nguồn tư liệu lưu trữ Nga và Trung Quốc là một khối lượng lớn đựng những tư liệu tiểu sử, hồi ức, các sách hướng dẫn được in ở CHNDTH trong những năm gần đây. Trong số chúng có thể kể đến các hồi ký và nhật ký của các thư ký, người tình, người thân và người quen biết của Mao. Chúng cũng có ích cho cách chúng tôi nắm bắt lại cuộc đời Mao.

             Có tầm quan trọng không kém là những tư liệu thuộc về số vẫn còn được giữ kín một cách nghiêm ngặt của UBTƯ ĐCSTQ ở Bắc Kinh. Chúng chỉ được biết đến gần đây nhờ nỗ lực của các nhà sử học Trung Quốc. Các tài liệu lưu trữ gồm một bộ 13 tập chứa các bản thảo của Mao, từ lúc Đảng CSTQ được thành lập; một bộ biên niên 7 tập về dòng tộc Mao ở Thiều Sơn; các ghi chép về những cuộc trò chuyện tiêng tư của Mao; và các tập hợp khác nhau về những bản thảo diễn văn, lời bình, chỉ trích, ghi chép và thơ từ chưa được biết đến trước đây của Mao.

             Quyển tiểu sử Mao mà chúng tôi biên soạn được dựa vào các tư liệu lưu trữ độc nhất và những tài liệu được công bố gần đây, cũng như dựa vào các cuộc phỏng vấn với những người quen biết Mao. Thực sự là quyển sách được cập nhật theo cách vừa nêu. Một quyển tiểu sử Mao gần đây của Trương Nhung (Jung Chang) và Jon Halliday là Mao: The Unknown Story bị giới học giả chỉ trích do độ không xác thực và những lời phê phán lệch lạc của nó. Chúng tôi cố gắng tránh những thiếu sót này bằng cách sử dụng thận trọng và có cân nhắc các nguồn đa dạng khác nhau hơn bất kỳ nhà viết tiểu sử nào khác, suy xét chứng cứ một cách cẩn thận, và đưa ra những đánh giá khách quan và rõ ràng, không bị các quan điểm chính trị làm cho thiên lệch. Thái độ bình tĩnh này cho phép chúng tôi miêu tả người cầm lái vĩ đại như là một nhân vật đa diện, đúng như con người ông trong thực tế: một nhà cách mạng và kẻ bạo quyền, một nhà thơ và kẻ chuyên quyền, một nhà triết học và người làm chính trị, một người chồng và kẻ ăn chơi. Chúng tôi cho mọi người thấy Mao chẳng phải là một ông thánh hay con quái vật, đúng hơn là một con người phức tạp từng cố sức mang lại sự sung túc và chinh phục sự kính trọng của thế giới cho đất nước ông. Tuy nhiên, ông đã phạm nhiều sai lầm, bị những suy nghĩ không tưởng về chính trị và tư tưởng cầm tù, và lấy làm thích thú với tệ sùng bái cá nhân mình giữa đám người bợ đỡ vây quanh. Tất nhiên, ông là một trong những kẻ không tưởng lớn nhất của thế kỉ XX, nhưng không như Lenin và Stalin, ông không chỉ là một trong những kẻ phiêu lưu chính trị, mà còn là một nhà cách mạng dân tộc. Ông không chỉ thúc đẩy các cải cách kinh tế và chính trị triệt để,  mà ông còn mang đến cho nước Trung Hoa từng là nửa thuộc địa một cuộc cách mạng dân tộc và đã thống nhất một Hoa lục đắm chìm trong nội chiến. Như vậy, Mao chính là người đã giành lại niềm kính trọng mà thế giới dành cho Trung Quốc và dân Trung Hoa, sau một quãng thời gian dài bị thế giới phương Tây và Nhật Bản coi rẻ. Tuy nhiên, các chính sách đối nội của ông đã tạo ra những bi kịch với giá phải trả là hàng chục triệu sinh mạng của người Trung Hoa.

             Câu chuyện mang tính nhân văn đầy sống động và lí thú mà chúng tôi cố viết ra đây sẽ dành nhiều chú tâm đến tính cách, sinh hoạt cá nhân và cuộc sống gia đình, cũng như tài lãnh đạo chính trị và quân sự của Mao. Câu chuyện chứa đầy những lời kể được dẫn lại từ các hồi ức và những cuộc phỏng vấn miêu tả Mao như một người con, một người chồng, một người cha, một người bạn, một người tình, cũng như là một nhà chiến lược, một nhà lý thuyết, một chính khách và một người đấu đá chính trị. Từ các góc độ khác nhau, chúng tôi trình bày Mao như một con người với những tính khí phức tạp thường sa vào những cơn trầm cảm nặng nề cũng như những cơn bốc đồng khích động, một người có ý chí mạnh mẽ và nhiều tham vọng đã nắm giữ một quyền lực gần như không giới hạn trong quá trình lãnh đạo ĐCSTQ và CHNDTH. Mục tiêu của chúng tôi là vẽ ra một chân dung sống động mà chúng tôi hy vọng sẽ lôi cuốn cả những độc giả không biết nhiều về Mao và Trung Quốc. Chúng tôi cố gắng miêu tả không biết bao người với đủ mọi màu sắc mà Mao từng gặp và những nơi chốn ở Trung Quốc mà ông đã sống, học tập, làm việc và nghỉ ngơi, từ làng quê Thiều Sơn đến Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, nơi ông sống như một hoàng đế đúng nghĩa. Không chỉ thuật lại lịch sử hiện đại Trung Hoa thông qua cuộc đời của nhà lãnh đạo gần như là quan trọng nhất của nước này, quyển sách của chúng tôi còn cố gắng mang đến cho bạn đọc cái mùi, cái vị và cái hồn của Trung Hoa.

             Công việc nghiên cứu của chúng tôi còn phát hiện ra nhiều dữ kiện mới đáng kinh ngạc về cuộc đời Mao. Chúng buộc chúng tôi xem xét lại quan điểm vẫn được thừa nhận lâu nay về lịch sử phong trào cộng sản Trung Quốc, về lịch sử CHNDTH, và nhất là về chính Mao. Dựa vào nỗ lực nghiên cứu sâu rộng, chúng tôi đã tìm ra tư liệu liên quan đến sự phụ thuộc kéo dài về mặt tài chính vào Moskva của ĐCSTQ kể từ khi nó được thành lập nằm 1921 cho đến đầu những năm 1950. Việc xem xét cẩn thận cuộc đời Mao đã gợi ra suy nghĩ rằng lịch sử ĐCSTQ vào thời đó chỉ có thể hiểu nếu người ta chịu để ý đến sự phụ thuộc kéo dài của đảng này vào Moskva về mặt chỉ đạo và lãnh đạo một đường hướng chính trị độc đoán. Các tư liệu lưu trữ về những nhân vật quan trọng như Trương Quốc Đào, Chu Ân Lai, Thái Hòa Sâm, Cù Thu Bạch, Đặng Trung Hoa, Vương Nhược Phi, Chen Yu, Lý Lập Tam, Cao Cương, Yu Xuxiong và những người khác còn cho phép giả định rằng ĐCSTQ vẫn phục tùng Stalin và những phụ tá của ông này vốn là những người kiểm soát QTCS và nắm giữ trong tay số phận các nhà lãnh đạo ĐCSTQ. Có thể chứng minh giả định này bằng cách dựa vào vô số những buổi thẩm vấn và buổi tự phê, tự xỉ vả mà các đảng viên Đảng CSTQ hàng đầu đã buộc phải trải qua vì những sai lầm hay vì các “hoạt động thân Trotsky” mà họ bị cho là đã vướng phải. Thậm chí có cả bằng chứng cho thấy năm 1938, Stalin toan tính bày ra một vụ án phô diễn xử các quan chức QTCS, trong đó có Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Vân, Lý Lập Tam và một số người khác. Nếu Stalin không từ bỏ dự tính này, hẳn nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ sẽ trở thành nạn nhân của ông. Nhưng một số tài liệu cho rằng ông đã giết hại hầu hết các đại biểu cộng sản Trung Quốc dự Đại hội VII QTCS diễn ra trong các tháng 7 – 8.1935.

             Stalin không đưa Mao Trạch Đông vào “danh sách đen” của ông. Thực tế là chính Stalin và QTCS đã hỗ trợ Mao vươn  đến quyền lực trong ĐCSTQ. Chắc chắn rằng Mao không giống Walter Ulbricht của Đông Đức, Todor Zhivkov của Bulgaria hay những nhà lãnh đạo lệ thuộc khác của các đảng cộng sản Trung Âu và Đông Âu khác, nhưng cũng không thể hồ nghi rằng Mao trung thành với Stalin, người mà Mao tìm đến để được chỉ giáo và ủng hộ. (Việc phân tích các cuộc tiếp xúc Mao-Stalin trong tháng 12.1949 – 1.1950 cho phép chúng tôi đưa ra nhận xét này. Cũng có thể nhận xét tương tự về mối quan hệ không dễ dàng với Stalin trong Cuộc chiến Triều Tiên. Stalin không tìm cách thống nhất Triều Tiên, mà đúng hơn ông mưu toan làm Hoa Kỳ suy yếu bằng cách lôi nước này vào một cuộc xung đột không chỉ với Bắc Triều Tiên, mà cả với Trung Hoa. Làm như vậy, Stalin toan tính sẽ thổi bùng các cuộc cách mạng khắp thế giới). Chỉ sau khi Stalin mất tháng 3.1953, Mao mới bắt đầu giữ khoảng cách với giới lãnh đạo Xô viết. Ông dần dà coi Khrushchev là một kẻ ngớ ngẩn không đáng tin và cố tình đối xử với ông này một cách rẻ rúng. Chúng tôi chứng mình rằng mối ác cảm cá nhân giữa Mao và Khrushchev là một trong các lý do chính dẫn đến sự chia rẽ Trung-Xô. Đến cuối thập niên 1960, tình trạng chia rẽ này đã leo thang đến độ thường là không được đánh giá đúng mức. Dựa vào các tài liệu lưu trữ mật của Liên Xô, chúng tôi chứng minh rằng quan hệ Trung-Xô vào cuối thập niên 1960 đã trở nên căng thẳng đến mức giới lãnh đạo Xô viết đã bắt đầu cân nhắc khả năng can thiệp bằng vũ lực vào công việc của CHNDTH, kể cả một cuộc tấn công hạt nhân vào các trung tâm công nghiệp Trung Quốc và hủy diệt các cơ sở hạt nhân của nước này.

             Chúng tôi cũng cố gắng đưa ra một chân dung chân thực và sống động về Mao lúc tuổi đã xế chiều từ cuối thập niên 1950 đến lúc ông qua đời tháng 9.1976. Đây là thời kỳ được đánh dấu bằng những toan tính táo bạo của Mao với mong muốn đúc lại xã hội Trung Hoa theo những đường hướng của thứ CNXH Maoít có một không hai qua Đại Nhảy Vọt (1958-1961) và Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Những nỗ lực này tạo ra cả một tấn thảm kịch trên quy mô rộng. Tất cả các biến cố vừa nêu được khảo sát dựa vào các tư liệu lưu trữ mới được công bố nhằm làm rõ mục tiêu trọng yếu và các hiềm khích cá nhân trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo hàng đầu. Họ là những người bị Mao với tính hoang tưởng tăng dần theo tuổi tác khéo léo lèo lái phục vụ cho những mục tiêu của ông.

           Khác với những cách nhìn đã quen thuộc, chúng tôi trình bày Cách mạng Văn hóa không chỉ như là cuộc đấu tranh giành quyền lực cuối cùng của Mao, mà đúng hơn là một nỗ lực sai lầm đến mức thảm họa nhằm thực hiện ý đồ của ông về việc sáng tạo một công dân  mới, kiểu mẫu trong một xã hội mới, lý tưởng. Đến giữa thập niên 1960, Mao đi đến chỗ tin rằng không thể dừng lại công cuộc tái tạo XHCN các mối quan hệ xã hội-chính trị. Ngay cả sau khi CNXH được xây dựng, người dân vẫn ù lì và vị kỷ. Ai cũng nuôi ước mơ vị kỷ là quay về với CNTB. Nếu cứ để sự việc trôi theo hướng đó, thì ngay cả ĐCSTQ cũng bị thoái hóa. Đó là lý do Mao đi đến chỗ tin chắc rằng không thể xây dựng CNCS mà lại trước hết không phá tan các giá trị xưa cũ, truyền thống của văn hóa Trung Hoa. Nhưng ông rõ ràng đã đánh giá không đúng bản chất con người. Quyết định sai lầm này đã làm hỏng không chỉ Cuộc Cách mạng văn hóa, mà cả toàn bộ dự án Maoít. Chế độ cộng sản doanh trại, một thứ xã hội trần trụi và khuôn mẫu, mà Mao nhằm tới đã chết cùng với chính ông.

             Để kết luận, nhiệm vụ của những nhà sử học chúng tôi không phải là lên án hay ca ngợi Mao. Đã quá trễ để tính sổ với Mao. Ông đã chết và chỉ còn phải trả lời, như ông đã tự nói, trước Karl Marx. Nhiệm vụ mà chúng tôi tự đặt ra là miêu tả chân dung với mọi chi tiết thiết yếu của một trong những nhà lãnh đạo quyền uy nhất và nhiều ảnh hưởng nhất của thế kỉ XX. Chúng tôi hy vọng rằng quyển sách này sẽ mang đến cho độc giả một sự hiểu biết sâu sắc và xác thực hơn về Mao, về thời đại và xứ sở đã sản sinh ra ông, về nước Trung Hoa mà ông đã tạo ra.

 

Các Bài viết khác