NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÔ ĐÌNH NHU NHÀ LƯU TRỮ VIỆT NAM THỜI KỲ 1938-1946

( 10-01-2014 - 03:52 PM ) - Lượt xem: 2425

Ngày 8/9/1945, nghĩa là chỉ 6 ngày sau khi Việt Nam làm lễ tuyên bố độc lập ở Quảng trường Ba Đình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký hai sắc lệnh có liên quan đến thư viện và lưu trữ. Sắc lệnh thứ nhất sáp nhập các thư viện công (trong đó có Thư viện Pierre Pasquier trực thuộc Sở Lưu trữ Đông Dương) và một số cơ quan văn hóa khác vào Bộ Quốc gia Giáo dục. Sắc lệnh tiếp theo cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc. Sắc lệnh này thể hiện chính sách trọng dụng nhân tài của chính quyền cách mạng Việt Nam.

Từ trước tới nay, chúng ta chỉ biết đến nhân vật Ngô Đình Nhu với những hoạt động của ông trong lĩnh vực chính trị. Cuộc đảo chính cuối năm 1963 ở miền Nam Việt Nam đã chấm dứt chế độ “gia đình trị” của anh em nhà họ Ngô. Đã có nhiều bài phóng sự, nghiên cứu, sách, phim truyền hình… của các tác giả Việt Nam và nước ngoài lột tả nhân vật này dưới vai trò của một “cố vấn chính trị”. Nhưng ngoài vài trò đó, rất ít người biết rằng Ngô Đình Nhu còn là một trong số rất ít người Việt Nam tốt nghiệp tại một số trường danh tiếng của Pháp chuyên đào tạo các Lưu trữ viên-Cổ tự, đó chính là Trường Cổ tự học Quốc gia (École National des Charter)[1]. Cái tên Ngô Đình Nhu vẫn còn gắn với lịch sử ngành lưu trữ học Việt Nam đến tận hôm nay. Trong khuôn viên đẹp đẽ, sang trọng của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại thành phố Đà Lạt có một biệt thự tráng lệ hiện đang dùng làm nhà kho lưu trữ trung chuyển, chính là biệt thư nghỉ cuối tuần của hai vợ chồng Ngô Đình Nhu-Trần Lệ Xuân thuở nào. Lịch sử sẽ đánh giá đầy đủ hơn về Ngô Đình Nhu với tư cách là người hoạt động chính trị, còn bài viết này chỉ xin được cung cấp một số thông tin về Ngô Đình Nhu qua những hoạt động của ông trong lĩnh vực lưu trữ của Việt Nam thời kỳ 1938-1946.[i]

Ngô Đình Nhu sinh ngày 7/10/1910 tại làng Phước Quả, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên (nay thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế) trong một gia đình quan lại theo đạo Thiên Chúa. Là con trai của Ngô Đình Khả, Thượng thư Bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái, sau những năm tháng học tập dưới sự dạy dỗ của người cha và của Giáo hội Huế, Ngô Đình Nhu sang Paris du học. Ông là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào Trường Cổ tự học Quốc gia vào năm 1935 và tốt nghiệp năm 1938 với luận án về lịch sử Việt Nam lần đầu tiên được bảo vệ tại Pháp có nhan đề “Phong tục và tập quán của người Bắc Kỳ từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 18 theo các du khách và các nhà truyền giáo” [Moeurs et coutumes des Tonkinois aux XVIIè et XVIIIè siècles d’apres les voyageurs et missionaires]. Luận án Ngô Đình Nhu đã gây được sự chú ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp và vì thế, ông đã nhận được giải thưởng xuất sắc.

Trở về Việt Nam với hai bằng Lưu trữ-Cổ tự và Cử nhân khoa học, Ngô Đình Nhu được bổ nhiệm là Lưu trữ viên-Cổ tự tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương tại Hà Nội. Ngay trong năm làm việc đầu tiên với chức danh Quản thủ viên phó hạng 3 (tháng 2/1938), Ngô Đình Nhu đã được Giám đốc Paul Boudet đánh giá là một “Lưu trữ viên-Cổ tự trẻ đầy triển vọng”.

Chỉ trong một thời gian ngắn làm việc ở Hà Nội (từ tháng 2/1938 đến giữa năm 1942), Ngô Đình Nhu đã chứng tỏ năng lực của mình trong công tác với Paul Boudet và Rémi Bourgeois, Giám đốc và Phó giám đốc sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương biên soạn và xuất bản các tập 2, 3 và 4 của  bộ Đông Dương pháp chế toàn tập (Recueil général de la législation et de la Règlementation de l’Indochine). Ngoài ra Ngô Đình Nhu còn được Giám đốc Paul Boudet giao trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị tài liệu để tham gia các cuộc triển lãm được tổ chức tại Hà Nội và tại Huế.

Không chỉ được nhận xét là “một công chức trẻ có giá trị nhất, hội tụ những đức tính kiên quyết và thẳng thắn, có văn hóa rộng và một khả năng nghề nghiệp hoàn hảo”, Ngô Đình Nhu còn được đánh giá là “bằng chứng của một học thức uyên bác, một sự hoạt động không mệt mỏi” và ông đã trở thành “một cộng sự quý báu” của Giám đốc Paul Boudet.

Niềm đam mê trong công tác chuyên môn, năng lực làm việc và sự cộng tác có hiệu quả của Ngô Đình Nhu đã làm sống lại trong Paul Boudet niềm tin vào kế hoạch sắp xếp lại các tài liệu của các vương triều phong kiến Việt Nam mà ông đã từng theo đuổi ngay từ những ngày đầu tiên khi đặt chân đến Đông Dương.

Cũng là một Lưu trữ viên-Cổ tự tốt nghiệp tại trường Cổ tự học Quốc gia như Ngô Đình Nhu, Paul Boudet rất coi trọng các nguồn sử dụng tài liệu và biện pháp bảo quản chúng. Năm 1906, lần đầu tiên khi tận mắt nhìn thấy Tổng đốc và các viên chức bản xứ ở các tỉnh miền Trung “đem tài liệu lưu trữ, trong đó có cả tài liệu của những năm Minh Mệnh thứ nhất ra phơi dưới nắng to để chống ẩm và đuổi côn trùng” Paul Boudet đã đặc biệt quan tâm đến nguồn tài liệu vô cùng quý giá đang ở trong tình trạng không được bảo quản theo phương pháp khoa học. Ngay từ thời gian đó, Paul Boudet đã muốn tiếp cận và áp dụng phương pháp phân loại của phương Tây đối với nguồn tài liệu này, nhằm làm cho chúng được khai thác, nghiên cứu và sử dụng một cách hữu hiệu nhất.

Sau nhiều năm cố gắng mà không có kết quả, mãi cho đến năm 1942, trải qua gần 5 năm cộng tác và chứng kiến khả năng đích thực của Ngô Đình Nhu, Paul Boudet một lần nữa quyết tâm thực hiện mục đích của mình. Tháng 9/1942, mặc dù “đầy nuối tiếc” nhưng Paul Boudet vẫn phải gởi Ngô Đình Nhu vào Huế để thành lập một tổ chức lưu trữ và thư viện ở Huế, nhằm sắp xếp lại tài liệu của chính phủ Nam triều vì Paul Boudet cho rằng đây là “một sự cần thiết và hiển hách”.

Tuy chính thức trở về Huế vào tháng 9/1942, nhưng trên thực tế, ngay từ tháng 2/1942, Ngô Đình Nhu đã thống nhất với ông Trần Văn Lý, Tổng lý Ngự tiền phòng của triều đình một kế hoạch nhằm cứu châu bản đang được cất giữ ở Nội Các ra khỏi tình trạng bị hư hỏng nặng do không có người chăm sóc. Bản tấu của ông Trần Văn Lý xin đưa tất cả các tài liệu trong Nội Các ra Viện Văn hóa cho có nhân viên chuyên trách trông nom, và xin đề nghị tổ chức một Hội đồng để chỉnh đốn đã được vua Bảo Đại chuẩn y. Hội đồng bao gồm:

-  Ngô Đình Nhu, Chủ tọa;

-  Nguyễn Đình Ngân, Thị lang Bộ Giáo dục, hội viên;

-  Trần Trinh Cáp, Ty trưởng Ngự tiền văn phòng, hội viên;

-  Trần Thước, Đốc học Bộ Giáo dục, hội viên;

-  Phạm Đức Hoàng, Kiểm sự Viên Văn Hóa, hội viên;

-  Lê Văn Hoàng, Kiểm sự Ngự tiền văn phòng, thư ký.

Sau lễ cúng Xuân thu ở Nội Các trong tháng 2/1942, Hội đồng bắt đầu tiến hành công việc theo phương pháp thống nhất: kiểm tra châu bản, chia ra từng loại, sắp xếp theo thứ tự thời gian rồi đóng thành tập có tiêu đề rõ ràng.

Trở thành Quản thủ viên của cơ quan Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ ở Huế từ ngày 1/11/1943, Ngô Đình Nhu bắt đầu sự nghiệp mới của mình với không ít khó khăn. Chính trong thời gian thử thách với hai nhiệm vụ nặng nề này, Ngô Đình Nhu một lần nữa lại chứng tỏ bản lĩnh của “một người có học thức, một công chức đặc biệt” với phong cách làm việc “đầy nghị lực, đầy năng động”.

Ngày 29/3/1943, Nghị định tổ chức lại cơ quan Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Bảo hộ và chính phủ Nam triều do Paul Boudet chuẩn bị đã được Toàn quyền Đông Dương ký ban hành. Nghị định quy định: Lưu trữ và Thư viện của chính phủ An Nam được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp về mặt hành chính của Bộ Quốc gia Giáo dục và dưới sự kiểm soát về mặt kỹ thuật của Quản Thủ viên Lưu trữ và Thư viện, người được giao nhiệm vụ “làm cố vấn cho chính phủ nhà vua trong mọi lĩnh vực có liên quan đến tài liệu lưu trữ và thư viện”. Và ngày 29/4/1943, sau ngày hôn lễ với Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Nhu bắt đầu cuộc sống mới tại nhà số 19 đường Alexandre de Rhodes (này là đường Kim Long, thành phố Huế).

Nhiệm vụ Cố vấn – Quản thủ viên mà Ngô Đình Nhu đảm nhiệm đã được xác nhận các điều 3 và 4 của dụ số 61 ngày 11/7 năm Bảo Đại thứ 18 (11/8/1943) do vua Bảo Đại ký về việc thành lập tổ chức Lưu trữ và Thư viện của chính phủ An Nam. Đó là:

  1. Thống kê tất cả các tài liệu của các kho khác nhau nhằm mục đích tổ chức và sắp xếp hợp lý những tài liệu này;
  2. Chăm lo đến thực trạng và đến việc bảo dưỡng các khu nhà chứa tài liệu;
  3. Tập hợp tất cả tài liệu theo các chủ đề càng nhiều càng tốt trong một kho duy nhất nhằm bảo đảm một sự bảo quản tốt nhất.

Thông qua Bộ Quốc gia Giáo dục, Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện Trung kỳ liên hệ với tất cả các cơ quan của chính phủ An Nam để có tất cả tài liệu, những chỉ dẫn và sự giúp đỡ cần thiết cho việc tổ chức và sắp xếp tài liệu.

Trong thời gian 3 năm, từ 1942 đến 1944, với vai trò Chủ tọa Hội đồng cứu nguy châu bản và Cố vấn kỹ thuật, Ngô Đình Nhu đã đóng góp một phần quan trọng vào việc tập trung tài liệu của 5 nguồn (Quốc Sử Quán, Tàng Thư Lâu, Nội Các, Cơ Mật Viện trước đấy và Thư viện Bảo Đại) vào cơ quan Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều.

Riêng đối với số châu bản ở Nội Các, sau gần 2 năm làm việc dưới sự chỉ đạo của Ngô Đình Nhu, Hội đồng đã làm được ba bản thống kê bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ: một bản dâng ngự lãm, một bản lưu hồ sơ và một bản gởi cho Viện Văn hóa. Tất cả châu bản sau khi thống kê đều được lưu giữ trên những kệ sách mới đóng và sắp đặt rất có thứ tự.

Vô cùng hài lòng về những kết quả to lớn đó, Paul Boudet đã đánh giá Ngô Đình Nhu là “một cộng sự hạng nhất” vì theo Paul Boudet, Ngô Đình Nhu “đã hội tụ được cùng những lúc văn hóa truyền thống không thể thiếu trong vai trò của một Quản thủ viên Lưu trữ Hoàng triều và một khả năng hoàn hảo về nghề nghiệp nhờ có học thức uyên bác và vững chắc. Mặc dù tất cả khó khăn [sic] nhưng Ngô Đình Nhu đã đặt được nền tảng vững chắc cho tổ chức Lưu trữ và Thư viện An-nam và Lưu trữ của Hoàng triều”.[ii]

Thật đáng tiếc là công việc đang tiến hành với kết quả ban đầu khả quan như thế thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật-Pháp ngày 9/3/1945, rồi chiến tranh kéo dài… Bao nhiêu tài liệu lưu trữ của Hoàng triều đã bị mất, bị hỏng do thiếu người chăm sóc. Theo tục truyền, có rất nhiều châu bản được bày bán tại các chợ Đông Ba, Bao Vinh, Nam Phổ, Sam… Vì vậy, một phần lớn châu bản đã bị mất hẳn, không thể nào tìm lại được.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương đã có một sự thay đổi lớn về tổ chức, bắt đầu từ ngày 18/4/1945 bằng việc thải hồi các nhân viên người Pháp. Kể từ ngày này, Giáo sư S. Kudo chính thức chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, Paul Boudet chỉ được giữ lại dưới danh nghĩa cố vấn. Trước ngày 18/4, sở chịu sự kiểm soát của Trung tá Kamiya và Đốc lý Hà Nội là Syogaibu. Tiếp đó, theo đề nghị của Giám đốc S. Kudo ngày 28/5/1945, bằng hai nghị định, Toàn quyền Đông Dương Yuichi Tsuchihashi đã quyết định chỉ giữ lại ba viên chức người Pháp [iii] làm việc tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương như những cố vấn bên cạnh Giám đốc người Nhật, đồng thời bổ nhiệm ba viên chức người Việt vào các chức vụ Phó Giám đốc (Ngô Đình Nhu), Trưởng phòng Thư viện (Trần Văn Kha) và Trưởng phòng Lưu trữ (Lê Hữu Cúc).

Việc thải hồi các nhân viên người Pháp kết thúc vào ngày 19/6/1945 bằng thư của Giám đốc S. Kudo gởi ba nhân viên người Pháp còn lại đang làm việc như những cố vấn ở Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, truyền đạt lại lệnh của Toàn quyền Đông Dương, yêu cầu họ phải rời công sở ngay ngày hôm sau, với lý do tế nhị là “ngân sách mới bị giảm rất nhiều” và một lý do khác có vẻ hợp lý hơn là “vì tương lai của Vương quốc Việt Nam”. Biên bản bàn giao được thực hiện ngày 20/6/1945 giữa cố vấn Paul Boudet, Trưởng phòng Thư ký và nhân viên kế toán Bùi Quỳnh với chứ ký xác nhân của Giám đốc S. Kudo là văn bản cuối cùng chấm dứt vai trò của người Pháp tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương trong thời kỳ này.

Sau khi các viên chức người Pháp bị thải hồi, Ngô Đình Nhu đã tới Hà Nội và đã có ba tuần gặp gỡ Giáo sư S.Kudo với tư cách là Phó Giám đốc. Ngày 31/7, Ngô Đình Nhu trở lại Huế để tiếp tục công việc ở Viện Văn hóa. Được sự đồng ý của Giáo sư S. Kudo, ông Phạm Đình Giễm lúc đó đang là Lưu trữ-Thư viện viên chính hạng hai, Trưởng phòng Kiểm tra công văn của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương đã được chỉ định thay thế trong khi Ngô Đình Nhu vắng mặt.

Sắc lệnh cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc do Bộ trưởng Nội Vụ Võ Nguyên Giáp ký

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập. Ngay từ những ngày đầu tiên, ngành lưu trữ và thư viện đã được chính quyền cách mạng quan tâm. Ngày 8/9/1945, nghĩa là chỉ 6 ngày sau khi Việt Nam làm lễ tuyên bố độc lập ở Quảng trường Ba Đình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký hai sắc lệnh có liên quan đến thư viện và lưu trữ. Sắc lệnh thứ nhất sáp nhập các thư viện công (trong đó có Thư viện Pierre Pasquier trực thuộc Sở Lưu trữ Đông Dương) và một số cơ quan văn hóa khác vào Bộ Quốc gia Giáo dục. Sắc lệnh tiếp theo cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc.[iv] Sắc lệnh này thể hiện chính sách trọng dụng nhân tài của chính quyền cách mạng Việt Nam.

Sau chuyến đi công các ở Thuận Hóa để tổ chức việc phân tán tài liệu của Viện Văn hóa theo sự vụ lệnh số 125-ND ngày 4/3/1946, Ngô Đình Nhu đã trở lại Hà Nội ngày 20/5/1946, tiếp tục chỉ đạo công việc chuyên môn. Tờ trình số 635 ngày 16/11/1946 về công việc của Phòng Thư mục và Pháp chế của Giám đốc Sở Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc gởi cho Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục với chứ ký trong tay của Ngô Đình Nhu là bằng chứng cuối cùng về hoạt động của ông trong lĩnh vực lưu trữ. Có một điều đáng tiếc là vì thiếu tài liệu, chúng ta đã không thể biết rõ quá trình chuyển đổi của Ngô Đình Nhu từ vai trò “cố vấn kỹ thuật về lưu trữ” sang vao trò “cố vấn chính trị” như thế nào. Nhưng rõ ràng là , bằng những công việc cụ thể được đề cập tới trong bài viết này, Ngô Đình Nhu đã để lại một dấu ấn không nhỏ trong lịch sử lưu trữ Việt Nam thời kỳ 1938-1946.



[1] Còn gọi là Trường Pháp điển Quốc Gia. Ông Nhu tốt nghiệp chuyên  ngành Lưu trữ tài liệu cổ (Archiviste paléographe). BBT.



 

[i] Những thông tin này được khai tác từ tài liệu của phòng Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (Direction des Archives et des Bibliothèques de I’Indochine – DABI) của trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, từ phần “Giới thiệu về châu bản triều Nguyễn” của Trần Kinh Hào trong Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập thứ I, triều Gia  Long, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại Học Huế, tháng 4/1960.

[ii] DABI, hồ sơ: 156

[iii] Ba viên chức người Pháp này là Paul Boudet (Quản thủ trưởng hạng nhất, Giám đốc cũ, Cố vấn); Rémi Bourgeois (Quản thủ trưởng hạng nhất, Trưởng phòng Lưu trữ); Simone de saint-exupery (Lưu trữ viên phụ hạng nhất của lưu trữ tỉnh, Trưởng phóng Thư Viện).

[iv] Việt Nam dân quốc công báo, số 1, tr.8.

ĐÀO THỊ DIẾN (Theo Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển)

Các Bài viết khác