NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM VĂN HỌC 20 NĂM MIỀN XANH THẲM (tại Sài Gòn)

( 12-07-2020 - 07:19 PM ) - Lượt xem: 1075

Vào lúc 9 giờ ngày 05-7-2020, tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLB NYS) đã diễn ra buổi tọa đàm văn học "20 năm MIỀN XANH THẲM” thật ấm ápvà thân tình.

Về dự tọa đàm, lúc khai mạc chỉ có 16 thành viên nhưng sau đó số thành viên lên tới 26 với 4 thành viên ngồi ngoài vừa nghe vừa trông xe. CLB NYS rất vui khi được đón nhà văn Nguyễn Trí Công và chị Nguyễn Cúc Hương là hai người bạn rất thân của nhà văn Trần Hoài Dương; nhà văn Trương Huỳnh Như Trân, chị Phạm Trần Mỹ Ngọc (từng là thủ thư thư viện quận 5).Trên tay các thành viên là Tập san số 98 có đến 240 trang gồm các bài viết rất thành tâm của các nhà văn nổi tiếng và một số độc giả hâm mộ nhà văn Trần Hoài Dương chia sẻ những kỉ niệm khó quên với tác giả Miền xanh thẳm. Anh Trần Lê Quỳnh, con trai của nhà văn Trần Hoài Dương đã thuê 2 máy quay đến ghi hình buổi tọa đàm.

Với 20/21 tác phẩm của Trần Hoài Dương được trưng bài và màn hình minh họa một số trích dẫn của các nhà văn, nhà báo nói về tác giả và tác phẩm.Chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã giới thiệu về tiểu sử, sự nghiệp văn học và tác phẩm Miền xanh thẳm- cuốn tự truyện về thời niên thiếu vất vả nhưng tươi đẹp của chính tác giả Trần Hoài Dương. Nhà văn Trần Hoài Dương khai sinh tên Trần Bắc Quỳ, quê gốc Hải Dương, sinh ngày 8/11/1943 tại Thị Cầu, Bắc Ninh. Ông đã có hơn 10 năm làm việc tại Ban Văn xuôi báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1982 ông chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1992, ông xin ra khỏi biên chế, làm một nhà văn tự do, trở thành một trong số những nhà văn hiếm hoi của Việt Nam đã dành cả đời và tâm huyết cho mảng văn học thiếu nhi: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ. Tôi cũng hy vọng những trang viết của tôi không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện.”. Nhà văn Trần Hoài Dương có cuốn sách đầu tay là tập truyện ngắn “Em bé và bông hồng” khi mới tròn 20 tuổi. Ông bị đột tử tại nhà riêng do nhồi máu cơ tim, vào khoảng 20 giờ ngày thứ Sáu, 06/05/2011.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Em bé và bông hồng (tập truyện ngắn, 1963; Cây lá đỏ (tập truyện ngắn, 1971); Cuộc phiêu lưu của những con chữ (tập truyện ngắn, 1975); Con đường nhỏ (tập truyện ngắn, 1976); Hoa của biển (truyện dài, 1976); Người tù vượt ngục và em nhỏ trên đảo (truyện dài, 1979); Lá non (tập truyện ngắn, 1981); Bên ngoài mái trường (tiểu thuyết, 1983); Những ngôi sao trong mưa (tập truyện ngắn, 1988); Mầm đước (truyện dài, 1994); Nhớ một mùa hoa thạch thảo (tập truyện ngắn, 1994 ……..Miền xanh thẳm (truyện dài, 2000); Tuyển tập Trần Hoài Dương (2000); Trần Hoài Dương -Truyện chọn lọc. NXB Văn học, 2006. Ngoài ra ông còn viết nhiều kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó đã có 5 kịch bản được dựng thành phim.Giải thưởng văn học: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng trung ương năm 1968 cho tác phẩm Cuộc phiêu lưu của những con chữ. Giải thưởng loại B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 với tác phẩmMiền xanh thẳm - được TRẦN HOÀI DƯƠNG viết xong vào cuối 1999 và NXB Kim Đồng in tháng 10/2000 do nhà văn Trần Tuyết Minh biên tập; trình bày Minh Hồng, bìa và minh họa họa sĩ Nguyễn Công Hoan. Từ đó đến nay NXB Kim Đồng và các nhà xuất bản khác đã tái bản đến 9 lần. Đây là tác phẩm tiêu biểu mà “Trần Hoài Dương mơ ước cả đời”.  20 năm qua kể từ khi tác phẩm “Miền xanh thẳm” ra mắt độc giả gây tiếng vang, cố nhà văn Trần Hoài Dương vẫn được nhắc đến là một người dành cả cuộc đời viết cho thiếu nhi.

Sang phần nghiên cứu văn học, PGS Đoàn Trọng Huy nhấn mạnh Trần Hoài Dương là một văn tài đặc biệt, thế mạnh của Trần Hoài Dương là miêu tả, giàu hình ảnh, lời ít, ý nhiều. “Miền xanh thẳm” là cuốn tự truyện kể về thời niên thiếu gian khổ của Trần Hoài Dương, những năm tháng nhọc nhằn phải đi học xa nhà và tự bương trải để lo ăn học, những mùa đông đi mò cá bắt còng, đi với cũi trên sông súyt chết….Tuổi thơ cơ cực như vậy nhưng bên trong Trần Hoài Dương lại đầy nhiệt huyết và tình yêu văn chương, từng mê Paven Corsaghin đến nỗi chép tay toàn bộ quyển “Thép đã tôi thế đấy” và bản tiếng Pháp “Thời thơ ấu” của M.Goeky để nhờ cha dịch sang tiếng Việt. Kể về những người thầy, người lớn tuổi đã động viên, giúp đỡ để Trần Hoài Dương thêm lòng tin, quyết tâm bước vào con đường văn chương và trở thành một nhà văn tên tuổi. Trần Hoài Dương đã dũng cảm dấn thân, dám từ bỏ chức danh tổng biên tập quyền lực để vững đam mê, vượt nghịch cảnh, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ồn ào đông đúc để sống lặng lẽ, dành tâm hồn thiện lương nhất, trong sáng nhất cặm cụi sáng tác vì tình yêu đối với cuộc đời, đối với trẻ thơ. Trần Hoài Dương đã chắt lọc từ cuộc sống bề bộn những gì tinh khôi nhất để gìn giữ cho tuổi thơ bằng những truyện ngắn nhỏ của mình với hy vọng những trang văn của mình không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ của mình. Trần Hoài Dương, một nhân cách, một văn tài lặng lẽ, một con người đã sống để đi tìm, phục dựng cái đẹp, cái thiện,hành trình đó bền bỉ cho đến lúc Trần Hoài Dương ra đi về miền xanh thẳm.

Sang phần tọa đàm, các thành viên CLB đã phát biểu, chia sẻ, trao đổi những nội dung liên quan tác phẩm Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương với những góc nhìn khách quan:

Nhà văn Nguyễn Trí Công là đồng nghiệp, anh em kết nghĩa với Trần Hoài Dương đã chia sẻ những kỷ niệm thời cùng làm biên tập ở NXB Măng Non mà Trần Hoài Dương làm Trưởng ban biên tập văn xuôi và thời gian Trần Hoài Dương từ bỏ NXB về làm tự do trong sự thiếu thốn, khó khăn của một người ham viết nhưng quá thiện tâm, bỏ biên chế sống bằng nghề viết văn tự do, có lúc kinh tế eo hẹp nhưng lại rất hào sảng, khi bạn bè ốm đau ông đều đến thăm hỏi chân tình. Trần Hoài Dương có cá tính rất thẳng, rạch ròi trong yêu ghét, đôi khi rất cực đoan nhưng dễ thương, không thích điều gì thì có thể phản đối đến cùng dù việc đó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Những chia sẻ của NV Trí Công đã giúp cho các thành viên tham dự dù chưa đọc kỹ “Miền xanh thẳm” sẽ hiểu vì sao TRầN HOÀI DƯƠNG trở thành nhà văn với tất cả sự nhiệt huyết khi viết cho thanh thiếu nhi và sự kiên định để được là chính mình.

Nhà báo Ngọc Hà, không nghĩ Trần Hoài Dương cực đoan mà đó là chất liệu sống của nhà văn, bất cứ một tác phẩm nào, ngoài giá trị văn học, chúng còn có giá trị lớn lao về mặt lịch sử, “Miền xanh thẳm” cũng không ngoại lệ; khi đọc những tác phẩm của Duyên Anh độc giả sẽ biết tính cách của thanh thiếu niên Sài Gòn. Nên khi đánh giá một tác phẩm nào đó, cần đặt chúng vào thời gian lịch sử nơi chúng thuộc về để mọi giá trị và tư tưởng của tác phẩm được vị trí đúng.

Chị Mỹ Ngọc tham luận tại buổi toạ đàm

Nhà văn trẻ Trương Huỳnh Như Trân, bồi hồi nhắc lại kỷ niêm thời thơ ấu khi lần đầu được mẹ mua tặng truyện “Những ngôi sao trong mưa” của Trần Hoài Dương, văn phong trong sáng của nhà văn qua những câu chuyện đồng thoại đã định hướng cho bước đầu khởi nghiệp của chị để yêu thích viết cho thiếu nhi. Chị cảm ơn mẹ đã mua cho mình cuốn sách đầu đời, cảm ơn NV Trần Hoài Dương đã viết một cuốn sách hay, bổ ích có tính giáo dục cao đã giúp xây dựng nhân cách chị ngay tuổi đầu đời.

Buổi tọa đàm cũng ghi nhận được 2 ý kiến mang tính phản biện không kém phần sôi nổi: TS Bác sĩ Đinh Tiến Long, đã phát biểu vài điều về tác phẩm “Miền xanh thẳm” với góc nhìn khách quan, Trần Hoài Dương đã có sự lựa chọn nghiệp văn chương mà không theo con đường chính trị….Nhà văn Phùng Thanh Vân, người đã có 4,5 tác phẩm viết cho thiếu nhi, ông đã đánh giá “Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương là một tự truyện đơn giản với trang văn đẹp nhưng nếu xét về mặt nghệ thuật, “Miền xanh thẳm”chưa phải là một tác phẩm tiểu thuyết.

Chị Phạm Trần Mỹ Ngọc, viết cảm tưởng về tác phẩm "Miền xanh thẳm" của Trần Hoài Dương đã đăng báo và trên tập san số 98 của CLB, chị đã từng dẫn các cháu thiếu nhi quận 5 đến giao lưu với Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường và hôm nay chị cũng đến tham dự buổi tọa đàm "20 năm Miền xanh thẳm" và tặng sách, tặng quà cho CLB NYS.Theo chị cuộc sống vô cùng phức tạp, đa dạng sắc màu nên mỗi nhà văn, nhà thơ có cái nhìn, cảm nhận riêng biệt, đọc "Miền xanh thẳm"  như thấy mình trong đó và rất cảm xúc và không ngờ Trần Hoài Dương có những góc khuất rất buồn.

Chị Ngọc Dung chia sẻ giàu cảm xúc về thiên hồi ký “Miền xanh thẳm”. Theo chị, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau khi thưởng thức một tác phẩm, vấn đề là ta sẽ chọn lọc cái chung cái riêng của mỗi tác giả để thấu hiểu dấu ấn của mỗi người. Đọc kỹ "Miền xanh thẳm"  chúng ta sẽ nhận ra bên cạnh văn phong nhẹ nhàng, ngôn ngữ giàu hình ảnh chạm tới tuổi thơ trong sáng của mỗi người còn có những thông điệp về sinh thái, về môi trường mà hiện nay xã hội rất quan tâm. "Miền xanh thẳm"  là áng văn bất tử - nơi tình người sống mãi, để khi đọc người lớn bỗng quên tuổi của mình…. ai cũng có một thời tuổi thơ hạnh phúc, đáng yêu và luôn luyến tiếc thời xa xưa ấy. Với Trần Hoài Dương: “Vào đời trăm háo hức, tiếp theo liền dằng dặt ưu tư, nhắm mắt còn ưu tư”, Trần Hoài Dương sống lặng lẽ với những trăn trở về xã hội và ra đi cũng lặng lẽ trong ngôi nhà chỉ có những hàng sách tiễn anh đi vào miền xanh thẳm.

Nhà thơ Xuân Tòng đã chia sẻ bài viết tham luận của mình sau khi đọc tác phẩm Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương để các thành viên tham khảo. Bài viết khá thú vị với những ý tứ nhận định tương đồng về lý tưởng giữa nhà thơ và nhân vật Trần Hồng Thiện trong “Miền xanh thẳm” thời thơ ấu mà nay đã trở thành hoài niệm. Ông đã liên tưởng đến thời kỳ miền Bắc những năm 196x đầy khó khăn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 

Buổi tọa đàm đã khép lại với bao xúc cảm, các thành viên sẽ nhớ mãi hình ảnh nhà biên tập Nguyễn Cúc Hương đã khóc gganf như cả buổi toạ đàm nên không thể chia sẻ những lời trân quý nhất của mình dành cho người bạn văn kính yêu Trần Hoài Dương. Đã hai mươi năm kể từ khi ra đời, “Miền xanh thẳm”câu chuyện về Trần Hoài Dương, nhà văn của tuổi thơ mãi còn dư vọng. Chúng ta yêu mến một nhân cách, quý trọng một tài năng, một nhà văn trung thực và dũng cảm đã trốn cuộc đời nhiều phức tạp để đến với tuổi thơ trong sáng và nhân hậu.

Sau phần tọa đàm về “Miền xanh thẳm”, chủ nhiệm PTC đã  giới thiệu cuốn "Con đã về nhà" của tác giả Tăng Quang do NXB Phụ Nữ in và phát hành. Tác phẩm có tới 70 bức hình lớn nhỏ là tranh minh họa ứng với 14 ngày ở khu cách ly  với 7 bạn cùng phòng về nước trong thời gian covid 19 với nội dung đầy cảm xúc, lòng biết ơn trước hết với những y bác sĩ, với các chiến sĩ quân đội khám bệnh và phục vụ tại khu cách ly sau đó là những người dân sẵn sàng chia sẻ ủng hộ và chính sách đúng đắn của nhà nước. Đây là một cuốn sách hay được làm khá đẹp và công phu, đọc hay, giàu cảm xúc và có tính giáo dục cao nhất cho thanh thiếu nhi, giúp ta hướng tới cái đẹp của tâm hồn, cái tốt của hành động và sự chia sẻ, cảm thông.

Chủ nhiệm CLB giới thiệu tác phẩm "Con đã về nhà" do NXB Phụ nữ xuất bản

 Kết thúc buổi tọa đàm chủ nhiệm PTC đã thay mặt CLB cảm ơn gia đình nhà văn Trần Hoài Dương, những người bạn của Trần Hoài Dương lúc sinh thời và các thành viên CLB đã giúp đỡ vật chất và tinh thần để buổi tọa đàm thành công tốt đẹp. Đồng thời giới thiệu chủ đề sinh hoạt tháng tới “Nhà văn Kim Lân” nhân 100 năm ngày sinh của ông (01/8/1921 - 20/7/2007).

 

Ngọc Dung

Các Bài viết khác