NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TIẾNG LÒNG VIÊN TĨNH

( 12-06-2015 - 08:50 PM ) - Lượt xem: 1206

Tôi cứ về Viên Tĩnh Viên. Tôi vẫn cứ về viếng anh Hoan. Lần đầu về Viên Tĩnh, tôi nhớ và sẽ nhớ mãi, làm sao biết được lần nào là lần cuối tôi còn có dịp về đây!

  Tĩnh Viên mà động lòng người nghìn năm

   (Tố Hữu)

Tôi lại về thăm Viên Tĩnh Viên.

Nhà văn Vũ Thị Thường thoáng chút ngạc nhiên niềm nở đón bạn.

Tôi đã về Viên Tĩnh Viên nhiều lần, trước và sau ngày nhà thơ Chế Lan Viên qua đời. Những năm gần đây, hễ có dịp vào miền Nam, thế nào tôi cũng thu xếp trở lại khu vườn đốt nén hương trước di ảnh anh và thăm gia đình, lần nào cũng gọi điện báo trước nhỡ không may gặp lúc chủ vắng nhà. Lần này thì chịu. Chiếc máy để bàn cứ tuýt tuýt liên hồi. Bấm số máy cầm tay thì luôn nghe câu bất hủ “tạm thời không liên lạc được”. Hóa ra, đơn giản thôi, nhà thay số điện thoại.

Tôi cứ về Viên Tĩnh Viên. Tôi vẫn cứ về viếng anh Hoan. Lần đầu về Viên Tĩnh, tôi nhớ và sẽ nhớ mãi, làm sao biết được lần nào là lần cuối tôi còn có dịp về đây!

Viên Tĩnh Viên, cái vườn VAC1 thời nào của Chế Lan Viên đây. Cảnh quan bên ngoài nay khác trước nhiều lắm, nhưng cái làm tôi xúc động mỗi lần có dịp trở lại sau ngày anh qua đời là nhiều thứ trong nhà hầu như nguyên vẹn. Dường như anh Hoan vẫn đâu đây, anh vừa chạy ra ngoài có việc gì đấy để rồi đột ngột xộc vào ôm choàng lấy bạn. Phòng khách và cũng là nơi làm việc của anh chị gần như ngày trước. Cái tủ buffet gỗ lên nước thời gian anh Hoan nhét đầy sách báo lẫn bản thảo viết tay, nay vẫn còn đấy, trên treo đôi câu đối lồng khung kính nhỏ nhà thơ Bảo Định Giang tặng hôm ông về đây dự lễ Giỗ 100 Ngày của bạn: Đại thụ ngã rồi, vườn cũ qua chơi trời thấy trống/ Người xưa đi vắng, hùng văn để lại mực còn thơm.

Anh Hoan đi vắng. Chỉ còn đó bức hình anh sau nén hương luôn tỏa khói cạnh cái đĩa hầu như lần nào đến đây tôi cũng thấy xếp đầy trái cây và cái lọ cắm hoa tươi: “Hoa trái vườn nhà” - chị Vũ Thị Thường cho biết.

Viên Tĩnh Viên đây. Một điều có thể khẳng định, và đó là cái quý vô ngần không riêng cho gia đình anh chị mà cho cả nền văn chương ta: nhờ có cái vườn Viên Tĩnh này, nhà thơ tìm được không gian yên ắng để miệt mài làm việc, lưu lại cho đời một phần quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp thơ văn của anh.

Viên Tĩnh Viên cũng là nơi nhà văn Vũ Thị Thường, người bạn đời của Chế Lan Viên, dành hai mươi năm cuộc đời sáng tác của mình lặng lẽ sưu tầm, sắp xếp, âm thầm dò từng chữ loắng ngoắng có lẽ không ai ngoài chị đoán ra được khi nhà thơ ghi vội vào tờ giấy rời tình cờ có sẵn trong tay những câu thơ vừa vọt ra, rồi chỉnh lý, biên tập, chú thích, cùng Nhà xuất bản Văn học công bố Chế Lan Viên toàn tập dày ngót năm ngàn trang. Chị Vũ Thị Thường cho biết: “Trong khoảng gần tám năm, từ tháng 2/1981 đến tháng 10/1988 - không kể bảy tháng về sau anh bị bệnh không viết được nữa - chính ở nơi chốn cuối cùng này, anh đã sáng tác nhiều bằng cả đời thơ anh trở về trước. Sau khi anh mất, ba tập Di cảo thơ Chế Lan Viên (gồm 534 bài) đã được in ra. Di cảo thơ tập 4 cũng đã gom được 150 bài, còn đang tập hợp tiếp…”1.

Tôi hiểu đấy là chị nói về thơ. Còn văn xuôi nữa, một khối lượng đồ sộ. Những bài viết từ yêu cầu nội tâm của nhà thơ, những bài tham luận đầy trí tuệ trình bày tại các diễn đàn quốc tế, những bài tiểu luận văn chương và thời cuộc được các nhà xuất bản, cơ quan truyền thông tới tấp đặt hàng, và những bài báo bình thường như nhiều bài báo nhưng vẫn mang dấu ấn Chế Lan Viên anh viết ngày viết đêm để có thêm đồng nhuận bút giúp gia đình, “lấy ngắn nuôi dài”. Các bài nghiên cứu, tiểu luận của Chế Lan Viên tư duy độc đáo, hơi văn cuồn cuộn, biến hóa có khi đến bất ngờ. Nhiều bài báo của anh cũng vậy. Từ lâu tôi nghiệm thấy và cũng đã có dịp viết ra: Thơ anh điêu luyện, văn anh súc tích và sắc sảo đã đành. Về báo chí, anh là một tay nghề có hạng. Không dễ dàng đâu với trên dưới một ngàn từ, phân tích ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ và dí dỏm nữa thế nào là phóng sự, ký sự, giữa bút ký, hồi ký và nhật ký đâu là tương đồng đâu là khác biệt như Chàng Văn đã làm.

Viên Tĩnh Viên đây. Viên là vườn, tĩnh là lặng, ai chẳng biết. Vườn nhà riêng mà trong tâm thức Chế Lan Viên cứ như thể phảng phất hương hoa Phật Pháp, viên âm, viên giác, viên thành... Tĩnh nơi anh Chế Lan Viên, tôi nghĩ thế, là tĩnh lự, tĩnh huệ, tĩnh tâm.... Viên giác, tĩnh tâm theo rõi thế cuộc, suy ngẫm chuyện đời để rồi cùng ngòi bút tuôn ra những trang văn sắc sảo, những dòng thơ lắng đọng, những tứ thơ vừa nảy trong lòng. …Mảnh vườn bé bỏng vốn không tên/ Xanh um chỉ có màu xanh cỏ/ Tôi đặt cho lòng Viên Tĩnh Viên1.

Anh Chế Lan Viên thật lòng yêu mến vùng đất này như chính quê hương anh. Tân Bình nay đã thành quê”. Có lẽ nó gợi nhớ miền quê Cam Lộ Đường 9 nơi có cả một ngọn núi mọc toàn mai cổ thụ (Mai Lĩnh), nơi nhiều nhà dân dù nghèo khó vẫn trồng vài gốc mai trước ngõ chờ mỗi dịp xuân về lại cắt một cành nở rộ hoa vàng đặt lên bàn thờ tiên tổ, mùi mai vàng thoang thoảng quyện mùi hương trầm ngày Tết. Quận Tân Bình cũng là đất có nhiều mai: Lùm tre mai đến nở/ Hương mùa xuân thoảng bay/ Dọc các đường hương lộ…

Cường độ làm việc của anh Chế Lan Viên những năm sống tại Viên Tĩnh Viên thật ghê gớm. Lấy riêng năm 1987, khi sức khỏe anh đã chớm lộ triệu chứng bất thường, trong một thư gửi tôi anh viết: “... Năm nay tôi đề bốn cái tựa sách, trong đó có tập thơ anh Lành, tập thơ Hàn Mặc Tử...”. Chừng một tháng sau, lại cho biết: “Tôi vừa xong cái Tựa (về) anh Lành. Sau những cuốn sách dày 500 trang, 300 trang (luận bàn về thơ Tố Hữu). Lại lúc này. Nhưng tôi viết khá mới và độc đáo đấy.

“Giờ xông vào cái lô cốt thứ hai. Ngoài văn học, tài năng, anh (Hàn Mặc Tử) là..., cần phải biết. Đảng có muốn nắm ba triệu người di tản không? Sẽ lên tám triệu trong mười năm. Và nếu ta nắm Thơ Mới, Hàn Mặc Tử, Vua Duy Tân... thì ta là người gia trưởng giữ di sản gia tài dân tộc (cho tất cả mọi người) đấy. Do đó anh nên đọc cái tựa Bài ca Thôn Vỹ của tôi, tạp chí Sông Hương in. Cũng tuần này, anh đợi báo Tuổi trẻ Chủ nhật, số ra ngày 24.5.1987 bài phỏng vấn tôi về Pasternak... Sau Hàn Mặc Tử là lô cốt thứ ba: Từ Tống. Sau thơ Đường là từ Tống, mà người xưa đánh giá là một hiện tượng của trời đất. Trời đất ơi, viết vào lúc ta, tàu này. Còn đến Phan Quang3 là khoẻ không rồi. Nhưng phải qua ba cái lô cốt dữ dằn rồi mới đến nó. Sẽ vào khoảng tháng chín, hay sớm hơn. Biết làm sao! Mọi việc kia trừ phỏng vấn đều có kế hoạch từ hai năm trước. Thế mà với ông cụ 67 tuổi này (…) - Thư ngày 31-5-1987.

Khó nói hết cái thần trong nhiều tiểu luận văn chương của anh, và khuôn khổ bài báo không cho phép trích dẫn dài dòng, mời bạn đọc dành thời gian cùng tác giả “xông vào các lô cốt” ấy, nhà văn Vũ Thị Thường đã gom vào Phần B tập V Chế Lan Viên toàn tập: Các bài viết đã đăng báo. Xin lỗi chị Vũ Thị Thường, tôi nghĩ “đã đăng báo và in sách” có lẽ đúng hơn, nhiều cuốn sách trang bìa không thấy tên Chế Lan Viên nhưng có bài anh trong đó, nhiều cuốn khác anh góp bao thời gian và tâm trí thì chúng mới thành hình và đến với bạn đọc.

“Cái lô cốt thứ hai” là suy nghĩ về thơ và đời Hàn Mặc Tử. Đây là bài thứ ba Chế Lan Viên viết về người bạn thơ thời trẻ và bạn muôn đời của anh, đầu đề Hàn Mặc Tử, anh là ai?  tiếp sau bài Tựa Tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử do Nhà xuất bản Văn học ấn hành cùng năm, và cách bài đầu tiên đăng báo Người Mới (Hà Nội, 1940) gần nửa thế kỷ. Chế Lan Viên làm bật những cái thần tình độc đáo, hào hùng, bi thương trong thơ Hàn Mặc Tử, anh phản biện một số ý kiến anh chưa đồng tình về thơ và đời Hàn Mặc Tử với tư cách một chứng nhân, một người trong cuộc. Đọc kỹ bài này, cái “lô cốt thứ hai” của anh trong năm 1987, tôi hiểu ra nội dung ba cái chấm lửng (...) tại bức thư viết vội gửi cho tôi vừa nói ở trên: “Ngoài văn học, tài năng, anh là..., cần phải biết”. Đúng vậy, Hàn Mặc Tử, ông là ai? Hàn Mặc Tử, “người bây giờ nằm trên một điểm cao Gành Ráng đối diện với bể Đông, bể chói lòa như thơ anh và giông bão tựa đời anh” (lời Chế Lan Viên), ông là ai? Thơ ông đời ông thực chất như thế nào, xin cho lớp hậu sinh chúng tôi cùng biết với. Chí sĩ Phan Bội Châu từng ca ngợi thơ ông, họa thơ ông. Cụ viết: Từ ngày về nước tới nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm song chưa được bài nào hay như bài thơ Hàn Mặc Tử. Và cụ ước ao có ngày gặp gỡ bắt tay “cười to một tiếng cho thỏa hồn thơ”. Vậy là nhà thơ trẻ từ Quy Nhơn ra Huế thăm cụ chí sĩ, bị mật thám Pháp theo dõi, và vì vậy bị xóa tên khỏi danh sách những người được sang Pháp du học. Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo. Ông dịch thư tình của Karl Marx. Ông bênh vực Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Ông cùng nhà cách mạng Nguyễn Minh Vỹ vừa ra khỏi nhà tù làm giai phẩm Nắng Xuân… Phải chăng đấy là một số trong nhiều thứ anh Chế Lan Viên khuyên tôi “cần phải biết” về Hàn Mặc Tử.

Có những điều Chế Lan Viên bàn về thơ Hàn Mặc Tử tôi tâm đắc, cũng có những điều gợn chút băn khoăn. Có phải vì quý bạn, yêu bạn, thương bạn Trí mà bạn Hoan không khỏi có lúc hơi quá say sưa. Dù sao, đọc xong cái lô cốt thứ hai này tôi xúc động: Ngày xưa, ngày xưa, cái thời các văn nghệ sĩ ai cũng nhiều khó khăn, day dứt, cái thời cô bác anh chị chúng ta chẳng mấy ai thật sự nhởn nhơ cơm áo đời thường, sao tình đời tình người đẹp vậy. Sau khi cố tìm lời giải Hàn Mặc Tử, anh là ai trong thơ ca và trong cuộc đời, anh Chế Lan Viên trở lại với thời trẻ của chính mình: “Gành Ráng... Quy Nhơn... Tôi nhớ lại bao nhiêu hình ảnh, kỷ niệm một thời. Nhớ anh, nhớ không khí gia đình anh, bác gái thân sinh ra anh, chị Lễ... Nhớ những người bạn gần xa đã dính líu đến Tử, bao bọc, đùm bọc lấy anh: Quách Tấn, Trần Thanh Địch… Nhớ tên những người con gái từng đi qua hay ở lại trong đời anh, có người là bóng hình, có người chỉ là cái tên thôi, anh chưa gặp mặt (...). Nhưng lạ chưa, nhớ nhất vẫn là tôi nhớ đến chú Hành, chú bé có tên mà hóa ra vô danh, suốt bốn năm trời chú vẫn hằng ngày chăm sóc, đem cơm cho Tử1. Gặp Hành lúc nào cũng thấy Hành cười! Quá chú ý đến tri kỷ, tri âm mà quên người ân nhân này đi là điều không phải đâu, hỡi những người viết sách sau này về Hàn Mặc Tử”.

Tôi vừa thưa, khuôn khổ bài báo không cho phép trích dẫn dài dòng, vậy mà cứ miên man chép lời Chế Lan Viên. Xin bạn đọc lượng thứ, làm sao tóm gọn trong mấy dòng hết ý và lời và cách diễn đạt của nhà thơ lúc văn anh thăng hoa.

Sau khi anh Chế Lan Viên đã qua đời, mỗi lần về thăm Viên Tĩnh Viên, lòng tôi lại nôn nao ý nghĩ: Hình như do linh tính, do một sự thúc giục siêu nhiên nào đấy chứ không chỉ là sự trùng hợp tình cờ, anh Chế Lan Viên đã dành một phần lớn thời gian và tâm sức hai năm cuối đời anh để nói để viết về bằng hữu. Anh bị ám ảnh bởi sức ép của thời gian: Tôi như ông vua Thục/ Bị đuổi bởi thời gian… “Hồi ấy không biết mình còn trẻ. Bây mình biết mình đã hết trẻ thì mình đã già rồi. Cái chân lý rẻ tiền ấy lại là chân lý. Do đó tôi sống hốt hốt hoảng hoảng, cứ sợ không kịp…”1. Suy nghĩ ấy càng làm tôi áy náy. Anh tranh thủ thời gian nhớ lại, suy nghĩ và viết về những tài năng, những tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu, Tố Hữu, Thanh Tịnh, Viễn Phương, Đoàn Giỏi... là điều dễ hiểu, vậy mà có cả cây bút nhật trình làng nhàng là tôi trong số ấy. May mà anh bảo: “Còn đến Phan Quang thì khoẻ không rồi”. Nói vậy nhưng vẫn làm mất không ít thời gian của anh.

Khoảng đầu năm 1987, anh Vương Hồng, Giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa, bảo tôi nên làm một tập tuyển bút ký, nhà xuất bản anh sẽ phát hành vào năm sau, mừng tôi tròn 60 năm tuổi đời và 40 năm nghề báo. Tôi ngần ngại lắm. Mình thì có gì mà tuyển? Hơn nữa bút ký, phóng sự nhiều bài đáng đọc, song thời gian qua, người ta quên đi, mấy ai bỏ công nhìn lại. Vậy là anh Vương Hồng cùng nhà thơ Trần Nhật Thu, biên tập viên nhà xuất bản, bàn với Chế Lan Viên - đều là bạn cùng quê Bình Trị Thiên với nhau cả. Anh Chế Lan Viên nhận lời, còn viết thư khuyến khích, thúc giục tôi: “Vậy anh gửi vào tôi, nhớ lấy tập Lâm Đồng - Đà Lạt, các bài về Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi vẫn nhớ có nhiều bài hay đấy (anh gạch dưới câu này). Đừng ngại, cứ gửi nhiều, tôi chọn cho... Chúng ta ở với nhau gần bốn mươi năm phải viết cho nhau bốn trăm dòng chứ” - (Thư đề ngày 18-4-1987).

Sáu tháng sau, anh báo: “Xong rồi. ...Xa xôi nên tôi sử dụng cái toàn quyền anh giao cho tôi, không thêm sửa gì hết. Cắt là phương pháp hay nhất. Cắt bài, cắt đoạn, cắt cả một số chữ. Babel2 dạy: “Tôi giết các tính từ như giết rệp”…Khi ta viết báo, báo hằng ngày khác, khi ta in cho độc giả hằng năm thì phải cắt. Tôi chọn những bài có tính văn học. Hoặc có tính tư liệu, sử liệu, chuyện hay, thông tin quý. Đọc lại thấy khoẻ hơn, gọn, alerte. Này, các bài rời rất khá...” Anh chỉ ra chỗ tôi sai trong bài Hoa Đà Lạt: “…Này, về hoa, có một tên sai. “Mày rẫn cheo”,mỹ nhân tiêu là hoa chuối mơ. “Chi quan hoa», kê quan hoa là coquelicot hoa mào gà. Tôi ở bên Tàu về mà... Thôi, tôi bị đau cột sống mấy hôm nay. Tuần sau sẽ viết dài» - (Thư ngày 31-10-1987).

Đọc lại các bài Chế Lan Viên viết năm 1987, tôi phát hiện một điều. “Cái lô cốt thứ hai” bàn về Hàn Mặc Tử, anh viết xong ngày 2-9-1987. Bức thư vừa nói đề ngày 31-10-1987. Bài tựa tập bút ký Người và Đất xong ngày 19-11-1987. “Cái lô cốt thứ ba”, tức là bài Từ Tống, mãi đến cận Tết năm sau, 1988 mới làm xong. Còn bài về Thơ Bích Khê thì lùi sau nữa, sang đến tháng 2/1988 - chỉ còn có mấy tháng nữa thôi là anh vào luôn bệnh viện để mà trầm ngâm Từ thế chi ca. Có lẽ một phần tại đề tài Từ đời Tống nước Tàu ngày xưa khó viết, phần khác, và tôi tin điều này hơn, là anh đã gác lại, dành thời gian làm tập ký của tôi để ấn hành cho đúng hẹn. Sách làm « nhân dịp », cũng là một thứ làm « để cúng cụ », phải ra đúng lúc mới có ý nghĩa. Chao ôi, tấm lòng của anh Hoan đối với Diêu là vậy!

Bài Tựa tập bút ký súc tích, một cái nhìn lại quãng đời báo chí của chính anh, một sự luận bàn về mối quan hệ báo chí - văn học, báo và thơ. Tôi thú vị là thường tình, bởi được anh có lời động viên trong đó. Các nhà báo đồng nghiệp tôi hầu như người nào xem cũng thấy hay. Xin cho tôi lại trích dẫn, không còn cách nào khác. Chế Lan Viên viết: “...Xưa làm thơ, tôi hít hương trên ngọn cây, giờ làm báo, tôi phải nếm cả rễ cây dưới đất. Và chính nhờ cái nghề báo khô khan thời chống Pháp mà sang thời chống Mỹ tôi làm thơ lại được, và làm thơ khá dạt dào...”.

Anh biết ơn, anh trả nghĩa cái nghề báo “bạc bẽo mà chúng tôi rất trung thành, cái nghề hèn mọn mà lại cao cả đó”. Anh hiểu sâu nghề. “...Làm báo hằng ngày mới là làm báo! Giống như có nuôi con mọn mới là thực sự nuôi con! Nó khóc, nó quấy, nó đòi ăn. Ta viết từ trồng cây, đánh du kích, xây dựng chính quyền xã, nuôi gà, ông Nguyễn Trãi, chuyện tiếu lâm... Ôi, còn gì mà ta không động tới, hỡi chúng ta, những người làm báo hằng ngày - hằng ngày hay hằng đêm cũng được, đêm nào dưới ánh đèn dầu lù mù hay le lói, ta không trõm mắt mà viết bài hay đọc bản tin...”.

Theo quan niệm của Chế Lan Viên, những thứ cần cho nghề văn cũng chính là cẩm nang của nghề báo. Có năng khiếu rồi, còn phải có kiến thức nữa. Kiến thức không chỉ tìm nơi sách vở mà còn ở cuộc sống hằng ngày. Nhà báo, nhà văn “đi thực tế” là để học hỏi, để tích lũy chứ không đơn thuần đi quan sát như người du lịch mang theo cái máy ghi hình là đủ. Nhớ gần sáu mươi năm trước, hay tin tôi được tòa báo cử đi làm phóng viên dài ngày ở địa phương, anh thúc giục: «Diêu này, Diêu đã đi Khu Ba chưa?... Diêu ơi, Diêu nên hăng hái đi Khu Ba đi. Không nên ở chi Hà Nội lắm...». Anh bảo: «Càng hiện thực lại càng phải sử dụng bộ óc. Hiện thực chỉ nhờ bằng con mắt, lỗ tai, voir (thấy) mà không savoir (biết) thì rồi cũng sẽ tô hồng hay bôi đen thôi”. (Thư đề ngày 1-5-1957, viết từ bệnh viện Nam Ninh, Trung Quốc).

Nhà thơ mà hiểu rõ hơn ai sức cuốn hút và cả sự dập vùi của nghề báo. Người làm báo đồng thời muốn làm văn, cần phải tỉnh táo, chủ động: “Hoan sợ nghề báo nếu như nó lụt ngập hết công việc sáng tác, nhưng nếu nó là một mức nước ngâm chân cây lúa, giữ ta trong những nhiệm vụ lớn, giúp ta gần với phong trào, vui buồn, đau khổ chung, thì nó chẳng hại mà có ích cho nghề văn”.

Thư tâm tình giữa bạn mà nội hàm như lời thầy chỉ vẽ cho trò. Thư anh khuyên tôi hăng hái đi về các địa phương để viết báo nhưng lại bàn nhiều chuyện văn chương. Anh nói về thơ Pablo Neruda: “Neruda càng đọc càng thích. Hoan chưa thấy nhà thơ nào Đảng tính lại cao như thế. Diêu nên đọc xem”. Anh nói đến Paul Eluard: “Sự đấu tranh của nhà thơ Pháp ấy... từ những chỗ xa Đảng nhất, thấp kém nhất, và cuối cùng đi đến Đảng. Venant de très bas, de très loin nous arrivons au delà ». Anh ngợi ca Đỗ Phủ : “Càng ngày càng tìm thấy trong vốn cổ những sinh lực. Đỗ Phủ là một. Đỗ Phủ nhân dân tính, hiện thực tính cao độ”. Anh bảo: “Hoan đọc, nhưng cố gắng cho sách vở không che lấp cuộc sống...”. Đây lại là một lời khuyên nữa.

Chế Lan Viên viết những dòng trên vào lúc anh phải ra nước ngoài điều trị bệnh dài ngày, mà trong nước hòa bình vừa lập lại. “Nghĩ lại cũng tức, thời đó (thời kháng chiến) chúng ta tương đối rảnh. Hoan còn khoẻ nhưng chúng ta sống ít quá, sách vở đọc cũng thiếu, và nhất là cái quyết tâm viết cũng không mãnh liệt, cứ hẹn rày hẹn mai mãi. Khiến cho kháng chiến xong, có tác phẩm gì đâu”.

Anh tâm tình như trên, để rồi ba mươi năm sau dành mấy tháng trời đọc, chọn, sắp xếp mớ lộn xộn những bài báo nhỏ lẻ và đề tựa cho tập ký của học trò.

Cảm ơn chị Vũ Thị Thường người hiểu rõ anh Chế Lan Viên hơn ai hết, chị đã dành ưu ái cho tôi khi làm Chế Lan Viên toàn tập. Chị dành chỗ cho tôi hai bài báo mọn trong số tám bài của những người khác nói về Chế Lan Viên, trong khi có biết bao nhiêu bài của các cây bút tài hoa, trí thức uyên bác viết về thơ văn, về cuộc đời Chế Lan Viên.  Phần “Thư Chế Lan Viên gửi một số bạn bè thân”1 chị chỉ chọn thư anh Hoan gửi ba người, bên cạnh nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhà văn Bùi Hiển lại có một số thư anh gửi tôi.

Lần đầu tôi về Viên Tĩnh Viên thăm anh chị và các cháu, Phường Tân Thái Sơn này còn dáng dấp thôn quê lắm. Dân còn nhiều khó khăn/ Chạy ăn từng bữa chợ... Anh Chế Lan Viên viết thư chỉ đường thật cặn kẽ: “... Nếu có đi Sài Goòng mời anh ghé tôi chơi. Đi từ Bảy Hiền lên Tây Ninh thì ghé Bà Quẹo. Nhớ Bà Quẹo Cây Me. Từ đó theo đường Tân Kỳ Tân Quý hai kilômét thì đến trước Công ty Ô tô của Tổng cục Cao su. Đi thêm 100 mét nữa thì đến Uỷ ban Phường. Hỏi ở đây họ chỉ rất gần. Hoặc đến đấy hỏi tất cả trẻ con đều biết và rất thích chỉ cho...”. Lại còn kèm mảnh giấy phác sơ đồ đường đến vườn Viên Tĩnh của anh.

Lần ấy, anh Chế Lan Viên dẫn tôi ra vườn giới thiệu cây trái rau hoa. Đẹp nhất, tôi còn nhớ, là cây xoài nhiều năm tuổi, một thân vắt ngang như muốn vươn xa tới tận bờ rào. Cây lêkima ra nhiều quả. Tôi nói mình đi khá nhiều mà chưa từng nhìn thấy những quả trứng gà tròn, to và đẹp như ở Nam Bộ, chất dẻo vị bùi mùi hương của nó đúng là chứa đầy nắng gió miền Nam. Nhiều năm sau, nhân có người ra Hà Nội, chị Vũ Thị Thường gửi cho gia đình tôi túi quả trứng gà kèm mấy chữ: «Tôi hơi lạ, người Bắc vào Nam ai cũng thích xoài, sầu riêng, vú sữa..., anh Phan Quang lại nhớ quả lêkima. Đang mùa, tôi hái mấy quả biếu anh chị và các cháu...» Ôi, ngồi tại Hà Nội thưởng thức trái lêkima vườn Viên Tĩnh, nhẩm bài hát ngợi ca nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nhớ về anh Chế Lan Viên: Trăng tắt lâu rồi / Mà sao cánh gió / Cành cao chưa rời/ Mà sao thương nhớ / Vẫn còn trong tôi...

Nấn ná rồi cũng đến lúc phải ra về. Tôi đề nghị chị Vũ Thị Thường cho chụp tấm ảnh kỷ niệm. Đưa máy lên ngắm chọn khuôn hình, chợt nhìn thấy mấy thứ nãy giờ không để ý. Treo trên tường phía phải là hai tập tranh thiếu nhi vẽ bột màu tươi tắn, dịch xa hơn về phía trái là một bức tranh nhi đồng mà tĩnh lặng chẳng khác nào tranh thuỷ mặc: Tranh hai đứa cháu ngoại đấy. Cháu vẽ tranh màu kia nay đã lớn rồi. Bức tranh phía trái cháu khác vẽ lúc cháu vừa lên sáu - chị Vũ Thị Thường giới thiệu.

Nhà thơ Chế Lan Viên ra đi đã một phần tư thế kỷ. Cây vườn Viên Tĩnh có gốc đã cỗi nay trồng giống mới, có cây nhiều năm tuổi vẫn tiếp tục nhú mầm non. Trong căn phòng ngày nào anh cặm cụi cày thơ cuốc văn, không còn có anh để thỉnh thoảng đưa tay vuốt mái tóc bồng cho đầu nhẹ bớt suy tư, thì đã có kia tranh nhiều màu và kia tranh tĩnh lặng.

Viên Tĩnh Viên, ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên1.

2014

PHAN QUANG

1 Từ thế chi ca, CLVTT, tập II, tr. 349.



1 VAC: “Vườn rau, ao cá, chăn nuôi gia cầm” - công thức tự túc thực phẩm đủ dinh dưỡng do Giáo sư Trần Văn Hà đề xuất thời bao cấp, được ứng dụng khá rộng. Trong một thơ trao đổi công việc với tôi xong, anh nhắc: “... Thôi nhé, có vào anh ghé thăm tôi xem cái vườn VAC luôn thể”.

1 Chế Lan Viên toàn tập (CLVTT), tập I, tr.10.

1 Hoa trên đá, CLVTT, tập II, tr. 196.

3 Tựa tập bút ký Người và Đất, 1988.

1 Mang cơm gia đình vào cho bệnh nhân nội trú tại nhà thương riêng dành cho những người chẳng may bị bệnh phong hồi ấy nan y.

1 Thư gửi Phan Quang, CLVTT, tập V, tr. 878.

2 Isaac Babel (1894-1940) nhà văn và nhà thơ Nga nổi tiếng.

1 CLVTT, tập V, tr.873-896.

Các Bài viết khác