NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

QUÊ TAO ĐẤY !

( 06-07-2018 - 05:29 PM ) - Lượt xem: 1387

Mãi năm năm sau, mùa hè năm 1975 tôi được nó đưa về làng quê Đình Bảng của nó. Nó đã dẫn tôi đến thăm người chú họ trước là thành viên đội du kích thiếu niên của làng. Qua câu chuyện của người chú tôi được biết thêm nhà văn Xuân Sách đã về làng này hàng tháng trời để gặp gỡ, trò chuyện với các thành viên xưa của đội du kích thiếu niên để viết lên tác phẩm nổi tiếng cho thiếu nhi – Đội Du Kích Thiếu Niên Đình Bảng.

Nó về khu Đặng Dung với chúng tôi vào giữa hè 1970. Nó gầy và cao như tôi nhưng da nó trắng hồng, mắt luôn mở to tròn xoe trông vẻ hiền lành.

Lần gặp nó đầu tiên là hôm tôi xách xô nước lên nhà, đụng nó ở chiếu nghỉ cầu thang giữa tầng 1 và 2. Nó hỏi tôi :

- Nhà mày tầng mấy

- Tầng 3 – Tôi trả lời

Nó nói :

- Nhà tao ở tầng 2, và hỏi luôn

- Năm nay mày lên lớp mấy.

Tôi trả lời :

- Lớp 3, thì nó nói luôn

- Mẹ tao nói tất cả bọn lớp 3 trong khu cùng học 1 lớp, trường VN-CB. Và nó mời tôi vào nhà nó chơi

Sáng hôm sau khoảng 8h, tôi xuống nhà nó người mở là cái Hạnh, em gái nó, kém tôi 2 tuổi, em nó nói :

-          Anh Phương ngủ chưa dậy.

Nói xong cái Hạnh quay vào giường ra sức kêu nó dậy.

Trong lúc nó vệ sinh buổi sáng, tôi nhìn vào cái bàn học của anh em nó thấy mấy cuốn sách của nhà xuất bản Kim Đồng như : Thánh Gióng, An Dương Vương xây Thành Cổ Loa, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng.

 

Cầm cuốn Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng tôi bỗng thấy một tờ giấy đánh dấu trang rơi ra, vội nhặt lên nhưng không biết để vào trang nào. Nó nhìn thấy tôi lúng túng thì nói :

- Mỗi ngày mẹ tao bắt tao đọc 20 trang, tối về bà ấy kiểm tra nhưng tao không thích đọc cuốn này, đọc cuốn Đội Thiếu Niên Du Kích Đình Bảng hay hơn, thích hơn.

Tôi ham mê đọc sách từ năm 6-7 tuổi, kiếm một cuốn sách rất khó, còn nó thì có một đống thích đọc cuốn nào cũng được, lại còn được bố mẹ mua cho đọc, tôi nhìn nó ghen tị và nói :

-          Mày không thích thì tao mượn đọc nhé

Nó trả lời :

- Mày muốn đọc đến nhà tao mà đọc, mẹ tao không thích cho mượn sách đâu.

Bữa sáng của nó là ½ ổ bánh mỳ, vừa ăn nó vừa nói :

- Hôm trước, bố tao mang về cuốn “ Đội Thiếu Niên Du Kích Đình Bảng “ và nói đấy là cuốn sách viết về thiếu niên quê tao đánh giặc Pháp, nhiều đứa cũng hy sinh như Kim Đồng, Lê Văn Tám. Mẹ tao chưa cho đọc, bắt tao phải đọc xong Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng mới được đọc.

Hôm sau tôi lại xuống nhà nó, thấy nó đang ngồi bên cửa sổ đọc “Đội Thiếu Niên Du Kích Đình Bảng “, nó nói với tôi :

- Thằng Đê hèn quá khai ra thằng Lượt đội trưởng. Nếu là tao, tao bắn chết thằng Đê

Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, nó chìa cuốn sách ra nói tiếp :

- Tao đọc xong, sẽ cho mày đọc, cuốn này hay lắm, tao đọc quên cả đọc “ Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng” để tối hôm qua mẹ tao quất cho một roi, hôm nay phải đọc bù thành 40 trang.

Tôi nhìn cuốn “ Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng” mà thèm thuồng, bèn nói với nó :

- Hay để tao đọc rồi kể cho mày, rồi tối về mày kể lại cho mẹ mày.

Mắt nó sáng lên gật đầu ngay.

Vậy là tôi cầm ngay cuốn sách, ngồi dựa vào giường đọc ngấu nghiến, còn nó yên tâm quay về đọc tiếp cuốn sách của mình.

Sáng hôm sau tôi đến nhà nó muộn do phải trông em để bà ngoại đi chợ, nó ra mở cửa, tôi thấy mắt nó đỏ hoe, nó nói như khóc :

- Tao thương anh Lâm quá, lần đầu tiên ra khu du kích lại hy sinh, nhưng anh ấy vẫn giết được một thằng Tây. Cái Thư bạn anh ấy cũng khóc nhiều lắm.

Nó đọc chậm cuốn sách gần 300 trang mà nó đọc cả tuần mới xong. Nhưng nó thật sự sống với nhân vật trong sách, nó buồn với sự hy sinh mất mát và vui với những chiến công của đội. Nó thích nhất và kể đi kể lại đội du kích quê nó (nó thường nói vậy vì quê nó ở Đình Bảng mà ) phá súng đại liên bằng axit và vụ lập mưu lấy lại 2 con bò. Nó xót xa khi biết cái Thư bị giặc Pháp tra tấn làm mất vẻ xinh xắn. Nó sung sướng reo lên khi đội du kích làng nó được bác Hồ tuyên dương công trạng. Cứ thế nó ôm cuốn sách kể đi, kể lại những đoạn nó thích thú. Một lần tôi bực mình nói với nó :

- Mày đọc xong rồi đưa cho tao đọc, mày hứa với tao trước rồi mà.

Nó kênh cái mặt “đáng ghét” lên nói :

- Rồi tao sẽ cho mày đọc để biết thiếu nhi làng tao anh hùng, dũng cảm như thế nào.

Để được nó đưa ngay cho đọc, vì tôi cũng háo hức lắm, tôi nói :

-          Tao chỉ thấy mỗi quê mày mới có đội du kích anh hùng

Nó cười rất tươi đưa sách cho tôi và nói thêm :

-          “ Đình Bảng Quê Tao Đấy “

Mãi năm năm sau, mùa hè năm 1975 tôi được nó đưa về làng quê Đình Bảng của nó. Nó đã dẫn tôi đến thăm người chú họ trước là thành viên đội du kích thiếu niên của làng. Qua câu chuyện của người chú tôi được biết thêm nhà văn Xuân Sách đã về làng này hàng tháng trời để gặp gỡ, trò chuyện với các thành viên xưa của đội du kích thiếu niên để viết lên tác phẩm nổi tiếng cho thiếu nhi – Đội Du Kích Thiếu Niên Đình Bảng.

Mới đây thôi gặp lại nó, chúng tôi lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm nho nhỏ với những cuốn sách một thời say mê. Và nó đã giúp tôi nhớ lại kỷ niệm này.

Đấy tôi đến với “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” của Xuân Sách như vậy đấy.

PHẠM THẾ CƯỜNG

Các Bài viết khác