NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÀY XUÂN VỀ THĂM NGUYỄN BÍNH (28/02/2013)

( 07-09-2013 - 05:35 PM ) - Lượt xem: 1243

Nhân dịp 90 năm ngày sinh Nguyễn Bính. Đầu xuân 2008, tôi cùng người bạn nối khố làm một chuyến du xuân về thăm nhà lưu niệm và viếng mộ Nguyễn Bính.

THÔNG BÁO
100 năm ngày sinh nhà hoạt động văn hoá Nguyễn Hữu Đang (15/8/1913 - 15/8/2013)
NYS NHT

NGÀY XUÂN VỀ THĂM NGUYỄN BÍNH

Thứ năm - 28/02/2013 19:33
 
 
Nhà thơ Nguyễn Bính

Nhà thơ Nguyễn Bính

Nhân dịp 90 năm ngày sinh Nguyễn Bính. Đầu xuân 2008, tôi cùng người bạn nối khố làm một chuyến du xuân về thăm nhà lưu niệm và viếng mộ Nguyễn Bính.











 
Hôm đó tiết trời xuân ấp áp sau một đợt lạnh ngắn, chỉ mặc thêm tấm áo khoác, hai chúng tôi cưỡi xe máy từ Hà Nội trực chỉ đường 1 qua Phủ Lý, rồi theo đường 21 để về xóm Trạm, thôn Thiện Vị, huyện Vụ Bản, Nam Định, quê hương Nguyễn Bính.
 
Đường thôn vào nhà Nguyễn Bính đã được dân làng bê tông hoá, hai bên đường là nhà thôn dân với những hàng rào bằng duối, cúc tần, dâm bụt mà trong vườn mơn mởn những rau xanh.
 
Bạn tôi bỗng chỉ tay về một hàng rào đan bằng tay tre, cọc là những thân tre già đã đổ màu vàng óng, những cây mùng tơi leo gần kín hàng rào, nhiều ngọn leo ra ngoài hàng rào run rẩy trước gió xuân và đọc câu thơ của Nguyễn Bính.
 
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau một giậu mùng tơi xanh rờn.
 
Giậu mùng tơi ngày nay ở thôn quê cũng hiếm nhà rào vì nó trông tạm bợ và không bền, nên khi nghe lại những câu thơ vẫn cứ chập chờn với những kỉ niệm với thôn quê một thời đã xa.
 
Dừng xe bên cạnh giậu mùng tơi, chúng tôi chờ hai
 
Cô em đương độ tuổi xuân tươi
Mái tóc đen kia buông quá dài.
 
Đang đi bộ tới gần, bạn tôi dí dỏm hỏi:
 
Hỏi em đương độ xuân tươi
Lưu niệm “Chân quê” đi lối nào, em nhỉ!
 
Hai em gái chắc là sinh viên học ở thành phố về quê ăn tết, nhom nhom nhìn hai người khách lạ áo quần vấn vương bụi đường, cô tóc dài hơn cũng dí dỏm không kém.
 
-  Em chỉ biết nhà lưu niệm “Lỡ bước sang ngang” anh có đến thì “thôn nữ” em xin chỉ.
 
Không để bạn tôi trả lời em nói luôn.
-  Sắp đến rồi còn khoảng hơn 200m nữa là tới, nhà có cái cổng sắt nhỏ bên tay trái ấy.
 
Vừa lúc đó có một người đàn bà chừng ngoài 60 đầu chiếc khăn mỏ quạ cắp một rổ rau tập tàng đi từ phía sau lại nghe chuyện và xen lời.
-  Hai cậu đi theo tôi, tôi sẽ gọi người mở cửa cho các cậu vào.
 
Cô gái nói tiếp lời:
-  Hai anh đi theo dì Loan dì ở gần đấy và là họ hàng của “Chân quê” đấy.
 
Dì Loan dẫn chúng tôi đên nhà ông Ngọc người em rể họ của Nguyễn Bính được giao nhiệm vụ trông coi nhà lưu niệm. Theo chân ông Ngọc chúng tôi lại vườn nhà Nguyễn Bính. Ông mở cửa nhà từ đường cũng là nhà lưu niệm hướng dẫn chúng tôi thắp hương cho Nguyễn Bính và anh ruột Nguyễn Bính, nhà viết kịch Trúc Đường.
 
Thắp hương xong chúng tôi chậm rãi xem cái hiện vật được trưng bày trong nhà. Thật buồn các hiện vật và tranh ảnh ở đây khá nghèo nàn, chỉ có khoảng 20 tác phẩm in lại gần đây của Nguyễn Bính và của các nhà phê bình văn học viết về ông cùng vài bức hình ông chụp thời kháng chiến chống Pháp và sau hoà bình. Tấm bằng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học” của ông cũng chỉ là bản sao lại từ bản gốc được treo tại nhà lưu niệm Nguyễn Bính tại đường số 11, phường 11, Gò Vấp, TP. HCM.
 
Theo ông Ngọc ra sân chúng tôi lại lăng mộ Nguyễn Bính ở bên trái nhà từ đường. Hai đứa chúng tôi nhổ những ngọn cỏ xen lẫn trong bụi hoa mười giờ được trồng trên mộ Nguyễn Bính, chỉnh lại vị trí bát hương chén nước, chúng tôi thắp hương viếng Nguyễn Bính. Khói hương nhẹ nhẹ theo ngọn gió xuân bay lên hoà quyện với dàn hoa đậu ván trồng trên mộ ông.
 
Chúng tôi lại bên ông Ngọc định hỏi chuyện thì ông nói.
 
-  Tại vị trí ngôi mộ này ngày xưa là buồng của Nguyễn Bính, cái hàng rào kia trước là giậu mùng tơi mà ông tả trong bài “người hàng xóm”.

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.
 
Ông nói tiếp:
 
-  Nguyễn Bính long đong kể cả lúc sống đến mất, khi sống ông lang bạt, khi mất ông cũng lang bạt đến lần thứ tư mới được về an nghỉ tại đây.
 
Qua lời ông Ngọc chúng tôi được biết khu đất này ngày xưa đã được gia đình Nguyễn Bính nhượng cho bà Nguyễn Thị Hường là người em trong họ, năm 1983 chính quyền địa phương mới hoán đổi cho bà Hường một khu đất khác để lấy lại khu đất này là nơi Nguyễn Bính đã sinh ra và lớn lên thời thơ ấu.
 
Nguyễn Bính mất ngày 20/1/1966 tại nhà người bạn và được yên nghỉ tại nghĩa trang Cầu Họ, sau khi hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh mộ ông lại chuyển về nghĩa trang Tam Điệp. Sau đó chính quyền huyện Vụ Bản và gia đình đã di dời mộ ông về quê nhà ở cánh đồng Mã Quan nơi có khu mộ dòng họ. Đến 1983 sau khi lấy lại được khu đất hương hoả này Nguyễn Bính lại được di dời về đây yên nghỉ giữa vườn nhà.
 
Nghe lời kể của ông Ngọc tôi nhớ lại khổ thơ của Nguyễn Bính:
 
Nhà tôi có một vườn dâu
Có giàn đỗ ván có ao cấy cần
Hoa đỗ ván nở mùa xuân
Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm
 
Tôi hỏi ông Ngọc:
-  Cái ao “cấy cần” bây giờ còn không anh.
 
Ông Ngọc mau miệng trả lời:
 
-  Còn, vẫn còn nhưng thuộc nhà khác, tôi dẫn mấy chú qua.
 
Ông dẫn chúng tôi ra ngoài cổng đi vào hẻm bên hông lại phía sau nhà. Nghe ông gọi cổng  cụ già cở ngoài 70 còn khoẻ mạnh ra mở cổng, ông Ngọc nói:
 
-  Hai chú này ở Hà Nội về muốn được nhìn cái ao xưa của nhà Nguyễn Bính.
 
Ông cụ mời chúng tôi vào và dẫn đến cái ao “cấy cần” xưa, ông cụ nói:
-  Cái ao này hiện nay nhỏ hơn cái ao xưa vì gia đình chúng tôi đã vượt (lấp) để làm cái nhà và vườn rau này.
 
Cụ chỉ cây mít cạnh bờ ao và nói.
-  Cây mít này ngày xưa Nguyễn Bính vẫn hay leo trèo.
 
Cụ lại chỉ những cây khế ven ao bên kia và  nói:
-  Những cây khế này cũng có từ hồi Nguyễn Bính còn ở đây.
 
Sau khi tham quan chụp ảnh chúng tôi được cụ mời uống trà tươi của vườn nhà bằng bát sứ lớn được đặt trên khay đan bằng trúc xinh xắn, đúng với nét chân quê. Hương vị trà tươi thơm, nước màu vàng xanh uống vào ta thấy vị chát nhẹ và hơi ngọt. Uống chè tươi mộc mạc là vậy nhưng nó thể hiện sự hiếu khách và tình làng nghĩa xóm, đặc trưng của người dân Việt Nam.
 
Sau này tôi cũng biết thêm, nhà lưu niệm Nguyễn Bính không chỉ có ở hai nơi mà còn một gian nhỏ ở Bảo tàng Văn học Việt Nam và một ở Trường THPT Nguyễn Bính, huyện Vụ Bản, gần thôn Thiện Vịnh, quê nhà thơ. Nhà Lưu niệm này được sự góp sức ban đầu của nhà thơ Gia Dũng, nay cũng có nhiều hiện vật, đặc biệt có trên 800 trang bản thảo của Nguyễn Bính.
 
Cuộc đời Nguyễn Bính thật truân chuyên cả cõi trần lẫn cõi âm, thật ứng với bài thơ cuối cùng của ông đã viết đăng trên tạp chí  Xuân Bính Ngọ (1966) của Ty Văn hóa tỉnh Nam Hà
 
Trăm năm trong cõi người ta
    Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau
    Khen tài nhả ngọc phun châu
    Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình.
    Mấy lời kỳ cựu đinh ninh
    Rằng tài nên trọng mà tình nên thương

  Gẫm âu người ấy, báu này
    Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.
    Nặng vì chút nghĩa xưa sau
    Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay.
 
Ra về, chúng tôi lại theo đường cũ, dọc đường lúc này gặp khá nhiều người dân đi chợ về họ gật đầu chào hỏi chúng tôi như những người đã từng quen biết. Nét “chân quê” có thể mất dần theo tiến trình đô thị hóa, nhưng ở đây, người dân làng quê Nguyễn Bính vẫn cố níu kéo, nâng niu cái giá trị “chân quê” ấy như một tài sản vô giá của cha ông truyền lại./.


Tác giả bên lăng mộ Nguyễn Bính


Người bạn thân Nguyễn Thái Sơn của tác giả


Tác giả ghi lại hình ảnh ao "Cấy cần"

Tác giả bài viết: PHẠM THẾ CƯỜNG

Nguồn tin: Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng

Các Bài viết khác