NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ĐIỆN BIÊN PHỦ TRONG TÂM HỒN TÔI

( 08-05-2014 - 04:16 PM ) - Lượt xem: 1207

Ba tiếng Điện Biên Phủ lung linh lộng lẫy như vậy trong tâm trí tôi, với biết bao câu chuyện anh hùng cùng cả những mẩu chuyện vui nhộn hài hước truyền miệng nữa

Đối với thế hệ chúng tôi, Điện Biên Phủ là một sự kiện rất gần. Tháng 10 năm 1954, khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, những đứa trẻ con ba, bốn tuổi như tôi thật sung sướng và hãnh diện khi được các chú các bác của mình mặc những bộ quần áo bộ đội, ngực đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ dắt tay đi trên những đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Ngang…Những ngày ấy, bài hát Giải phóng Điện Biên lúc nào cũng vang vang và điệu múa sạp tưng bừng “Sòn sòn sòn đô sòn” thu hút đông đảo mọi người trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ( dốc lên Hàng Gai, Hàng Đào).

Lớn lên, lớp học trò Hà Nội chúng tôi lại được dự lễ kỷ niệm 10 chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1964) tại Sân vận động Hàng Đãy. Trong lễ kỷ niệm đó, chúng tôi được xem một cuộc biểu diễn có bộ đội thật , pháo cao xạ thật, xe tăng thật và pháo hoa tưng bừng trình diễn lại Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Ba tiếng Điện Biên Phủ lung linh lộng lẫy như vậy trong tâm trí tôi, với biết bao câu chuyện anh hùng cùng cả những mẩu chuyện vui nhộn hài hước truyền miệng nữa. Rõ ràng “Điện Biên Phủ” thật xa xôi ở đâu đâu tận nơi núi rừng Tây Bắc điệp điệp trùng trùng, ấy thế mà “Điện Biên Phủ” lại rất gần, với những tên tuổi Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện…như vẫn hàng ngày sống trong đời thường của trẻ nhỏ.

Mùa xuân năm 1971, tôi đi thực tập dạy Vật Lý lớp 6 tại Trường THCS Tô Vĩnh Diện , Quận Đống Đa , Hà Nội. Khi dạy bài “Mặt phẳng nghiêng”, cô giáo ( là tôi) phân tích  tổng hợp lực tác động vào một vật chuyển động trên mặt phẳng nghiêng. Khi tôi vừa nhắc đến ba chữ “Điện Biên Phủ”, cả lớp đã rào rào giơ tay nói lớn : “ Anh hùng Tô Vĩnh Diện, lấy thân mình chèn pháo khi khẩu pháo rơi từ trên dốc núi xuống”. Và, kết thúc bài giảng Vật lý đó, cả lớp lại hát vang bài “Hò kéo pháo”!!! Đó thật là một thời vui vẻ hồn nhiên.

Rồi đến những ngày đêm khốc liệt, Hà Nội tan hoang tơi bời trong cảnh bom đạn B52, sống trong những đêm đỏ lửa, không gian tràn ngập tiếng súng tiếng bom đó, một lần nữa tôi lại nghe vang lên ba chữ Điện Biên Phủ, với những âm thanh đặc biệt không thể nào quên, Điện Biên Phủ trên không, Hà Nội- Điện Biên Phủ!

Sau ngày 30/4/1975, đất nước hòa bình thống nhất, tưởng như Điện Biên Phủ đã đi vào kỷ niệm, mãi mãi đi vào ký ức sâu thẳm của một lớp người râu tóc bạc phơ…Hóa ra không phải vậy. Vào những năm đầu đổi mới , 1989, 1990, 1991, 1992…Cả đất nước đang ở một giai đoạn khó khăn  trầm trọng về kinh tế, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ở trong khó khăn chung ấy, làm thế nào để vượt thoát ra được cơn sóng gió của cơ chế thị trường có thể nhấn chìm một Nhà xuất bản cho thiếu nhi Việt Nam duy nhất lúc đó ? Tôi vẫn còn nhớ, khi giao cho tôi từng sấp bản thảo tranh truyện Đô rê mon lúc đó, anh Nguyễn Thắng Vu, giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, (cũng là người đồng hương Quảng Bình với đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã nói:

-Em ạ, chúng ta phải làm một trận Điện Biên Phủ!

Điện Biên Phủ là gì? Là Quyết chiến quyết thắng! Điện Biên Phủ là gì? Là đánh chắc , thắng chắc! Là phải kéo pháo ra nếu chưa chắc thắng! Điện Biên Phủ là gì? Là ba đợt tấn công, đi đến tổng tấn công! Điện Biên Phủ là gì? Là vừa đánh vừa đàm, chiến thắng trên chiến trường quyết định chiến thắng trên bàn đàm phán! Tinh thần Điện Biên Phủ ấy quả thật đã đi theo tôi trong suốt thời gian làm biên tập viên chính bộ tranh truyện hiện đại Nhật Bản mang tên Đô rê mon đó. Ngày ấy, dưới sự lãnh đạo của giám đốc Nguyễn Thắng Vu, đội ngũ cán bộ Nhà xuất bản Kim Đồng đã thực sự đoàn kết và lao động sáng tạo, làm nên “sự kiện xuất bản Đô rê mon”(1992-1995). Từ “sự kiện xuất bản” đó Quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ em mang tên Đô rê mon đã ra đời, hàng năm cấp hàng trăm suất học bổng cho các em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn.

Rồi, cũng chính nhờ Đô rê mon mà tôi được bay đến Điện Biên Phủ năm 2002. Năm ấy, tôi cùng anh Nguyễn Thắng Vu- chủ tịch Quỹ và bác Lê Trân ( nguyên tổng biên tập Báo TNTP) là cán bộ Quỹ lên tổ chức Lễ trao học bổng của Quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ em mang tên Đô rê mon tại Thành phố Điện Biên Phủ.

Tác giả tại Điện Biên

        Ngồi trên máy bay ngày ấy mà tôi tưởng mình đang sống trong một giấc mơ. Núi rừng Tây Bắc trải rộng mênh mông, con sông Đà hùng vĩ uốn mình như một dải lụa mềm chảy men theo những dãy núi nhấp nhô. Non sông gấm vóc này đã thấm máu bao đời người giữ gìn bảo vệ dựng xây. Tôi nghĩ vậy khi đang lâng lâng trên mây. Khi cánh máy bay là là liệng xuống sân bay Mường Thanh tôi nhìn thấy cánh đồng ngời ngời đang vào độ lúa chín vàng. Mở cửa máy bay bước xuống là mùi hương lúa chín ngào ngạt dâng lên trong gió. Lòng chảo Mường Thanh khi xưa là một tập đoàn cứ điểm đầy sắt thép, là một bãi chiến trường bùn máu đạn bom, là dây thép gai là mìn, lựu đạn, hầm hố, giao thông hào ngang dọc… Giờ đây trước mắt tôi là lúa chín vàng, dốc Him Lam nay đã là đường phố. Đường phố Điện Biên Phủ khang trang như tất cả những đường phố các thành phố Việt Nam bây giờ. Nhiều tòa nhà có khi còn to lớn hơn cả các tỉnh miền xuôi. Thời gian có thể làm liền những vết thương trên da thịt,và cây cối đâm chồi nảy lộc sống tươi đẹp hơn mỗi lúc xuân về. Thế rồi tôi được gặp gỡ các cháu học sinh dân tộc Thái, dân tộc H’mông, dân tộc Dao… Món quà tôi mang đến cho các em chỉ là 500.000 đ, 1.000.000 đ và những cuốn sách Kim Đồng thân thuộc. Với các em dân tộc ít người, việc đọc sách tiếng Việt là một sự thích thú lắm, mà cũng còn vất vả lắm…

Tạm biệt thành phố Điện Biên Phủ, hình ảnh lưu giữ lại trong ký ức của tôi không chỉ là những giờ phút hồi hộp đi vào di tích căn hầm cố thủ của tướng De Castries, hay những thời khắc xúc động thắp hương ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ  và trên đồi A1 lịch sử…Có một Điện Biên Phủ khác đã bừng dậy trong những ánh mắt các em thơ đang khao khát những gì mà có lẽ ta chưa thể biết rõ…

Mãi về sau này tôi mới được biết một câu nói nổi tiếng của Thomas More (1478-1535), ông là một luật sư, một nhà triết học, một chính khách và một nhà nhân văn nổi tiếng thời Phục hưng. Ông cũng từng là Tể tướng và là cố vấn quan trọng cho vua Henry VIII của nước Anh. Câu nói của ông là: “ Truyền thống không có nghĩa gìn giữ đống tro tàn mà là chuyển tiếp ngọn lửa”

Xin lấy tinh thần câu nói ấy để kết thúc bài viết trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ này.

Hà Nội lúc nắng đã vào hè- tháng 4/2014.

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Các Bài viết khác