NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CUỘC HỘI NGỘ CỦA HAI ẤN BẢN THƠ ĐỒNG NAI

( 09-03-2014 - 07:13 PM ) - Lượt xem: 1257

Đầu năm 2014, tôi rụt rè gọi điện cho nhà sưu tầm sách Hoàng Minh, xin được xem tập “Thơ Đồng Nai” xuất bản năm 1949, mà theo giới thiệu của PGS – TS Võ Văn Nhơn, anh đang có trong tay. Không ngờ, Hoàng Minh ( người mà tôi cứ hình dung là một ông cụ) rất nhiệt tình hẹn gặp tôi. Khi biết tôi cũng có một ấn bản Thơ Đồng Nai, Nhà Sưu tầm cũng nóng lòng được chiêm ngưỡng, so sánh.

Sáu mươi lăm năm thăng trầm, trôi dạt

Thơ còn đây,

Sách còn đây,

Người xưa vẫn đâu đây....

Đầu năm 2014, tôi rụt rè gọi điện cho nhà sưu tầm sách Hoàng Minh,  xin được xem tập “Thơ Đồng Nai” xuất bản năm 1949, mà theo giới thiệu của PGS – TS Võ Văn Nhơn, anh đang có trong tay.  Không ngờ, Hoàng Minh ( người mà tôi cứ hình dung là một ông cụ) rất nhiệt tình hẹn gặp tôi. Khi  biết tôi cũng có một ấn bản Thơ Đồng Nai, Nhà Sưu tầm cũng nóng lòng được chiêm ngưỡng, so sánh.

Cuộc phiêu lưu thứ nhất.

Năm 1977, ba tôi mất, theo nguyện vọng của gia đình, ông được đưa về chôn cất ở quê nhà. Ai cũng nhớ là thơ đề mộ bia được chọn trong tập Thơ Đồng Nai. Rồi sau đó không ai thấy tập thơ này nữa.

Người xây mộ, làm bia mộ cho ba tôi là cô Út tôi, bà Huỳnh Thanh Nhạn - cựu giáo viên trường Gia Long.  Sau giỗ 49 ngày của ba tôi, cô tôi cùng cả gia đình vượt biển, rời bỏ quê hương. Nghe nói lúc đầu cả nhà cô tới Nhật. Nhưng vì việc định cư khó khăn, nên cô tôi tìm đường sang Mỹ và ở lại. Sau này, trong những lá thư gửi về, cô tôi nói tới nỗi nhớ thương quê hương xứ sở, lòng mong ước trở về.

Trong một chuyến về thăm quê nhà, anh Nguyễn Minh Tâm, con trai trưởng của cô Út tôi đã dự lễ giỗ cậu ruột mình (ông Huỳnh Văn Nghệ). Khi được tặng cuốn Thơ Văn Huỳnh Văn Nghệ (NXB Đồng Nai, 1998) anh nói về tập “Thơ Đồng Nai”  mà anh đang giữ như di vật của mẹ mình.

-         “ Má (bà Huỳnh Thanh Nhạn) có một cái gói bằng vải, gọi là tay nải. Trong suốt hành trình vượt biển, cả sau này, khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác, lúc nào bà cũng mang theo tay nải đó bên mình. Trong cái gói đó có mấy món đồ nho nhỏ, kỷ vật của bà ngoại (tức là bà nội tôi) và tập Thơ Đổng Nai. Sau khi má mất, em giữ những thứ đó như di vật của má. Giờ biết các anh chị có nhà lưu niệm này, em sẽ gửi tập thơ đó về để các anh chị giữ lấy báu vật của gia đình mình.”

Trở về Mỹ, anh Tâm nhờ một người bạn cầm về, tới trao tận tay anh Nam tôi tập Thơ Đồng Nai.

Tập thơ mà gia đình tôi đang giữ là tập thứ 11 trong 20 bản in đặc biệt không bán. Trong đó có thủ bút của ba tôi đề tặng Trung tướng Nguyễn Bình ngày 22/6/49.

Sách tặng cho Trung Tướng Nguyễn Bình mà sao cô Út tôi lại giữ được?

Năm 1952, trước khi ra Bắc, Trung tướng Nguyễn Bình đã ở nhà bà nội tôi trong chiến khu Đ cùng bà Hoàng Thị Thanh (người bạn đời của ông). Theo dự định ông đi trước, bà sẽ ra sau. Có thể ông đã để tập “Thơ Đồng Nai” cho bà mang ra sau. Khi nghe tin ông bị phục kích và hy sinh, ba tôi lập tức tổ chức đưa bà Thanh ra Bắc bằng đường công khai. Có lẽ vì thế mà tập thơ không được mang theo. Và tập thơ đó đã ở với bà nội tôi những năm 1954-1975. Cuối đời bà nội tôi sống với cô Út tại Sài Gòn, cùng nuôi hy vọng, chờ ngày tác giả tập thơ trở về đoàn tụ.

Cô tôi đã gói tập “Thơ Đồng Nai” vào hành trang, mang theo trong chuyến vượt biển rời xa đất nước vào tháng 5/1977. Mãi tới 2006, tập thơ mới trở về Việt Nam sau một vòng vượt Thái Bình Dương.

Tập thơ này được hội Văn học Nghệ Thuật Đồng Nai photo để  làm bằng chứng trong hồ sơ xin Giải thưởng VHNT Nhà nước cho ba tôi.

Cuộc phiêu lưu thứ hai

Tập thơ mà Nhà Sưu tầm Hoàng Minh đang giữ, ở một số trang có đóng dấu tròn màu đỏ. Con dấu ghi “ Thư Viện Hoàng Phố - Sài Gòn”.  Vậy là đã có lúc tập thơ nằm trong “ Thư Viện  Hoàng Phố - Sài Gòn”.

“Thư Viện Hoàng Phố” nào đã lưu giữ tập thơ này? Tôi gõ trên Google và thấy “ nhà thơ Hoàng Phố” trong phóng sự “ Văn học là con đường càng đi càng xa, đi mãi không dừng” phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Sáng – người mới mất cách đây vài tuần. Trong câu chuyện với phóng viên, nhà văn đã kể tên “ nhà thơ Hoàng Phố” cùng với tên một số văn nghệ sĩ quen thuộc như nhà văn Sơn Nam, ca sĩ Quốc Hương, là những người cùng công tác với ông tại Phòng chính trị phân khu miền Tây Nam bộ, năm 1951 – 1952.

Có thể hình dung rằng:  Nhà thơ Hoàng Phố  có tập “Thơ Đồng Nai” này  khi tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau 1954,  ông ở lại Sài Gòn và giữ tập thơ trong tủ sách gia đình. Nhờ thế mà tập thơ có đóng dấu “Thư Viện Hoàng Phố - Sài Gòn ”. Và rồi vì thế cuộc, nó đã lưu lạc, qua nhiểu nơi, qua tay nhiều người yêu sách để cuối cùng nằm trong tay người sưu tầm sách trẻ tuổi Hoàng Minh.

Nhà sưu tầm sách Hoàng Minh ( trái) và ông thợ in Lê Công Hùng cùng so sánh hai ấn phẩm

Như là định mệnh.

Sau 65 năm,  kể từ khi được in ra trong nhà in Phòng chính trị  khu 7, vào ngày thứ Bảy đầu năm 2014, hai ấn bản Thơ Đồng Nai đã hội ngộ giữa Sài Gòn. Chứng kiến cuộc hội ngộ này, chúng tôi tìm thấy nhiều điều thú vị, xin kể tiếp ở dịp sau.

Thơ Đồng Nai” không chỉ đơn thuần là thơ của Huỳnh Văn Nghệ. Tập thơ mang dấu ấn văn hóa của những người kháng chiến. Đọc - Xem hai ấn bản “Thơ Đồng Nai” chúng ta  thấy nhiều nét  mới về những người làm văn hóa trong những năm đầu của nhà nước dân chủ nhân dân.

Đã đến lúc “ Thơ Đồng Nai” phải được tái hiện trên văn đàn, sau 65 năm chìm nổi. Để người làm thơ, người làm sách cùng với người yêu thơ, người yêu sách có dịp trùng phùng, như thể Châu về Hợp

Phố.

Hà Thành

Các Bài viết khác