NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

5 NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH

( 12-10-2016 - 01:41 PM ) - Lượt xem: 1051

Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng của chúng ta hôm nay đã tròn 5 tuổi. Trong suốt quãng thời gian qua là năm tháng gặp gỡ, chia sẻ đầy ắp nghĩa tình, nhờ có cái tình nồng ấm ấy mà câu lạc bộ mới tồn tại và phát triển được như ngày hôm nay.

Nhân vật đầu tiên tôi muốn đề cập là PGS Đoàn Trọng Huy, ông đã tham gia câu lạc bộ mới từ tháng 11/2013 - tháng kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng với bài viết “Nguyên Hồng từ cái nhìn thế kỷ” cho tập san. Từ đó đến nay, chỉ trừ thời gian ốm đau bệnh tật, ông đều tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt và thường xuyên đóng góp các bài viết về tác giả - tác phẩm cho tập san hàng tháng. Ông cũng là người đóng góp tham luận nhiều nhất trong các buổi sinh hoạt của CLB. Bài tham luận nào của ông cũng là sợi chỉ xuyên suốt chủ đề sinh hoạt văn chương của CLB. Không những thế, ông luôn nhiệt tình góp ý với ban chủ nhiệm những ý kiến sâu sắc giúp CLB hoạt động ngày một tốt hơn. Mỗi hội viên đều nhận thấy nơi ông một nhân cách, chân thành và chan hòa với tất cả các thành viên, công tác viên Câu lạc bộ.

Và đây, tiến sĩ Lê Vinh Quốc, một nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở một tường đại học lớn nhất nhì thành phố với những bài viết, những phát biểu, những phân tích mang đậm nét khoa học lịch sử là sự đóng góp quý giá cho câu lạc bộ. Bất cứ một nhà văn nào đều được ông xem xét dưới cái nhìn của nhà sử học, ông phân tích tác giả đó trong bối cảnh lịch sử để thấy rõ hơn đóng góp của tác giả với thời đại và hôm nay. Vì vậy, nhờ có ông mà các thành viên hiểu rõ hơn về tác giả và giá trị tác phẩm của đối tượng nghiên cứu. Hơn thế nữa, ông còn là nhà giáo dục nhiệt thành. Các bài viết cho tập san hay các tham luận trên diễn đàn, ông đều lồng ghép các vần đề giáo dục hiện nay, từ đó ông phân tích thấu đáo, như một cách tham mưu cho các vị quản lý giáo dục nước nhà hiện nay. Không quản tuổi tác và thời gian, mọi hoạt động dã ngoại của câu lạc bộ, ông luôn tham gia thật nhiệt tình.

Một vị nhà giáo đáng kính, thầy giáo Xuân Tư, tuy tuổi đã gần 90 nhưng vẫn chăm viết bài cho tập san. Vì không biết sử dụng máy tính, ông phải ra tiệm photo thuê đánh máy sau khi miệt mài với từng con chữ và nhờ gửi cho câu lạc bộ. Có nhiều lần trục trặc, ông phải làm đi làm lại đến 2- 3 lần. Gần đây, những bài viết của ông đã “lười” xuất hiện trên đặc san, vì sức có yếu đi và đi lại tìm chỗ đánh máy khó khăn quá. Dầu vậy, ông vẫn không chịu bỏ sót bất kỳ một buổi sinh hoạt nào, nếu điều kiện sức khỏe còn cho phép. Những chia sẻ của ông trên diễn đàn bao giờ cũng sâu sắc và nhiều thông tin cũng như tính học thuật.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng xem CLB như một sân chơi đầy nghĩa tình. Tại đây, ông luôn dành cho những người ham hiểu biết và mời gọi nhiều người cùng tham gia; cũng như PGS Lê Sơn, ở đâu ông cũng ca ngợi hoạt động của câu lạc bộ. Ông hằng mong muốn, CLB là nơi lan tỏa văn hóa, là nơi giữ gìn và giới thiệu các tác phẩm văn học. Vì vậy mỗi tác phẩm của ông được in ra hoặc thấy CLB còn thiếu ông đều mang đến tặng và ông cũng xem CLB là chỗ dựa tinh thần cho ông và nhiều người khác. Vâng! Chính ông đã dẫn PGS Lê Sơn đến với CLB, như Thánh Andre dẫn Phê- rô đến gặp Chúa Giê-su vậy.

Nhà nhiếp ảnh nghiệp dư Trần Quốc Hải, một người lạc quan yêu đời, yêu văn chương. Nơi đâu có văn chương, ông đều tìm tới. Đến với CLB, ông đã nhận xét: Đây đúng là mộ tnơi gặp gỡ bổ ích , có lẽ vì thế nên ông đã tích cực tham gia lôi kéo nhiều người đến với CLB. Tuy vậy, những người đi với ông không phải ai cũng bền vững trụ lại với CLB như ông. Dù vậy, ông không nản chí, vẫn tiếp tục làm cái công việc đòi hỏi nhiều khó nhọc đó. Ông thân tình với mọi người bằng nhiều cách, luôn tìm những góc ảnh đẹp nhất để “chộp” và sau đó tráng rọi ra những bức ảnh đẹp đẽ tặng lại mọi người. Ông còn là một cây hài hước nữa, bằng những phát biểu của ông đều mang tính khôi hài, cô đọng, duyên dáng của văn hóa và trí tuệ, buổi sinh hoạt đang căng thẳng bỗng trở nên dễ thở, tươi vui lạ thường.  

Phải kể đến các thành viên trẻ như Hồng Minh, ThủyTiên, Minh Thuận, Kim Oanh cùng các bạn trẻ khác. Các bạn đã luôn mang đến cho CLB sự trẻ trung, đầy sức sống, nhất là khi CLB cần đến sức trẻ của các bạn. Tùy theo khả năng, kiến thức của mình, mỗi người một tay, những đóng góp của các bạn đã làm CLB hoạt động ngày một hiệu quả. Chịu trách nhiệm thiết kế bìa tập san, Minh Thuận luôn trăn trở và gắng sức làm sao cho tập san thật đẹp và kịp thời. Và Thủy Tiên, cũng vậy, những trang trí power- point của Tiên lúc nào cũng phải đẹp, phải bắt mắt. Các bản đánh máy luôn chính xác, kịp thời là nhờ công của Kim Oanh. Thỉnh thoảng Oanh còn trình bày bài viết thay cho người vắng mặt. Ở Hồng Minh, ta tìm thấy sự tháo vát, Minh luôn kỹ lưỡng trong các bài giới thiệu về tác giả, tác phẩm: làm sao cho ấn tượng, trí tuệ, có hồn. Đồng thời, Minh cũng đóng góp các bài cảm nhận về văn học cho tập san như một cây viết đích thực. Đặc biệt là công sức đáng kể của các bạn trẻ sau các buổi sinh hoạt, các bạn luôn là người dọn dẹp “chiến trường”, trả lại sự sạch sẽ, ngăn nắp cho phòng đọc của thư viện.

Anh Trần Tiến Thành là một trong các thành viên sáng lập của CLB, anh thực sự là một người “nội trợ” đảm đang, âm thầm quán xuyến mọi công việc tưởng như lặt vặt nhưng lại hết sức quan trọng như: đón khách, sắp xếp xe cộ, châm nước mời trà, chụp ảnh... Anh thường đến sớm đóng dấu của CLB vào tập san, sau đó chuyển đến tay các thành viên và khách mời. Có anh, mọi việc thật tươm tất!.

Chị Kim Dung với kinh nghiệm làm báo của mình, chị thực sự là trưởng ban biên tập của tập san. Xem lại một số tập san những ngày đầu chưa có chị, tập san mắc khá nhiều lỗi chính tả, lỗi biên tập. Nhưng kể từ khi chị tham gia ban biên tập thì chất lượng của tập san ngày một tốt hơn trông thấy, bạn đọc cũng phấn khởi hơn. Có nhiều lúc bận việc nhà, chị vẫndành thời gian biên tập và hối thúc ban biên tập chuyển bài thật sớm, thật kịp thời cho chị để chị thực hiện. Dĩ nhiên, chị cũng là người hăng hái tham gia các sinh hoạt dã ngoại của CLB.

Cũng tên Dung, nhưng đây là chị Ngọc Dung - một người sôi nổi nhiệt tình cũng là thành viên sáng lập CLB. Trước đây chị chỉ tham gia phát biểu tại buổi sinh hoạt nhưng gần đây nhờ sự động viên của tiến sĩ Lê Vinh Quốc, chị cũng đã mạnh dạn viết bài cho tập san gồm các bài cảm nhận văn học hoặc về một chuyến đi ngoại khóa của CLB. Lúc nào, chị cũng sống vui vẻ, chan hòa với mọi người.

Còn nhiều khuôn mặt sống rất chân tình của CLB, tôi muốn nói, như chị Kim Anh, chị Hồng Ba, chị Quỳnh Nga, chị Huỳnh Thị Thành, bác Huỳnh Kỳ, bác Vũ Động, nhà giáo Phan Văn Bảo, bà Giáng Vân, anh Tuấn luật sư, anh Phi Hùng, bạn trẻ Quách Huy, Huỳnh Hiếu, Quốc Trung… và cả những người tôi chưa có điều kiện nói đến hôm nay. Mỗi người đều âm thầm đóng góp công sức và tình cảm của mình đối với CLB: chân thành, không vụ lợi.

Nhiều thành viên ở xa trụ sở CLB cũng dành cho CLB sự thương mến và trách nhiệm của mình đóng góp cho CLB. Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Tâm ở tận Phan Thiết, chỉ có điều kiện tham gia sinh hoạt CLB một lần nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng trong một dịp về Sài Gòn. Về sau, chị vẫn đều đặn tham gia từ xa bằng những bài viết cho tập san của CLB. Là một nhà nghiên cứu văn học, các bài chị viết luôn mang tính đại chúng, bình dị, dễ đọc phù hợp với hầu hết trình độ cảm nhận của các thành viên.

Kế đến, chị Nguyễn Thanh Mai nguyên vụ trưởng vụ Thư viện. Khi còn đương chức hay khi đã nghỉ hưu, chị luôn quan tâm đến sự lớn mạnh của CLB và động viên kịp thời cả vật chất lẫn tinh thần cho hoạt động của CLB. Bác Huy Thắng, anh Đoàn Nhật Trưởng, anh Nguyễn Quốc Cường tuy rất ít có điều kiện sinh hoạt nhưng vẫn thường xuyên theo dõi những bước trưởng thành của CLB, cùng chia ngọt sẻ bùi với những hoạt động lan tỏa văn hóa đọc của CLB.

Nhà văn Lê Phương Liên là một thành viên đồng sáng lập CLB. Dù ở tận Hà Nội xa tít, ít có điều kiện tham gia trực tiếp vào sinh hoạt của CLB , nhưng mỗi lần vào Sài Gòn chị đều đến với CLB bằng một tình cảm chân thành. Chị luôn đau đáu cho chất lượng hoạt động của CLB và đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần vào hoạt động của CLB. Mỗi khi có tác phẩm được phát hành, chị đều tặng lại CLB vài bản. Chị còn là tác giả thường xuyên của tập san với những bài viết sâu sắc về tác giả, tác phẩm. Lòng tâm huyết của chị dành cho CLB còn thể hiện qua những trang viết cảm động, đơn sơ, chân tình và đầy tự hào.

Xin dùng câu viết của chị, nhà văn Lê Phương Liên để kết thúc bài viết này:

“Một câu lạc bộ nhỏ do “nhân dân” lập ra mới đi vàohoạt động, thế mà đã như tiếng chuông ngân vang và lan tỏa.Tôi bỗng nghĩ rằng vốn từ xưa, đình chùa ở làng đều do dânlập nên, dân giữ gìn và tốn tại mãi nhờ lòng dân. CLB do anhPhạm Thế Cường làm chủ nhiệm cũng là từ tấm lòng dân mànên như vậy. Mong sao tiếng chuông CLB người yêu sáchNguyễn Huy Tưởng sẽ ngân mãi”.

Vâng, tôi luôn tin rằng nhờ những tấm lòng hết sức chân thành như thế, tiếng chuông CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng sẽ tiếp tục ngân xa, ngân vang và hy vọng sống mãi với thời gian.

 

PGS Lê Sơn tham luận tại buổi sinh hoạt về nhà văn Nguyễn Khải

PGS dịch giả Lê Sơn đến với CLB bộ mới 1 năm 2 tháng nhưng ông đã để lại một ấn tượng đặc biệt và đậm nét, đó là ngoài sự uyên bác ông rất chân thành và thẳng thắn hiếm có. Ông không ngần ngại đưa ra những ý kiến trái chiều, sự phản biện đầy tính khoa học và hiện thực của ông buổi sinh hoạt nhờ đó thêm chất trung thực, chất phản biện hiện hữu đúng nghĩa. Không những thế, đi đâu, tiếp xúc với ai từ người bình thường đến nhà văn, nhà nghiên cứu ông đều chân thành khen ngợi hoạt động của câu lạc bộ. Ông đánh giá, đây là một tổ chức tư nhân có những hoạt động nổi bật nhằm phát triển văn hóa đọc, giới thiệu CLB như là sứ giả của văn hóa đọc đến với mọi người; đây thực sự là một tổ chức văn hóa hoàn toàn không vụ lợi chưa từng có trước đây và sau này ở dưới chính thể này. Như lời khẳng định của ông, “tôi rất vinh dự được là thành viên của câu lạc bộ”.

Các Bài viết khác