NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

GỬI LÒNG YÊU NƯỚC RA ĐẢO XA

( 21-06-2014 - 06:17 AM ) - Lượt xem: 1385

Việc giữ gìn biên cương, hải đảo là việc mà mọi triều đại của mọi quốc gia đều coi là việc trọng đại. Ở Việt Nam, việc sử dụng những người dân đảo Lý Sơn trở thành lính canh đảo Hoàng Sa mang tên “Đại đội Hoàng Sa” với những lễ khao lề tế lính hàng năm vừa trang nghiêm vừa cảm động đã như tấm gương sáng về lòng yêu nước và sự dũng cảm bảo vệ từng tấc đất tổ quốc.

Từ khi có Tân nhạc Việt Nam đến nay, có lẽ người nhạc sĩ đầu tiên nhắc đến đảo là nhạc sĩ Lê Thương trong bài hát “Hòn vọng phu II” còn gọi là Ai xuôi Vạn Lý. Bài ca kể ra một sự tích của Vọng Phu. Vì cảm động sự hóa đá của người thiếu phụ: “Nên núi non thương tình/ Kéo nhau đi thăm Nàng/ Nằm thành Trường Sơn Vạn Lý xuyên nước Nam … Nhiều đồi rủ nhau kéo thành đảo xa, ra tới khơi ngàn xem chàng về hay chưa? …”. Nhạc sĩ đã nhân cách hóa những hòn đảo của tổ quốc là các quả đồi vì thương nàng Vọng Phu mà kéo nhau ra khơi ngàn hóa thành đảo xa xem chàng về chưa? Sự nhân cách hóa trong ca từ đã khiến cho các đảo xa của ta mang nhịp đập của con tim dân tộc tự bao đời nay. Còn những bài ca về đảo đầu tiên có lẽ là Côn đảo của Đỗ Nhuận và Côn Lôn của Vương Gia Khương. Đấy là những giai điệu chia tay bạn tù lênh đênh trôi dạt đảo ngục tù thời nô lệ đau thương.

Sau kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại trên miền Bắc, những bài ca về tiền tiêu hải phận, hải đảo mới thực sự gửi vào trong giai điệu lòng yêu nước và ý chí giữ gìn biên giới của người Việt Nam. Ngày ấy, nhiều người đã ghi lòng tạc dạ giai điệu bài ca Tiếng hát trên tiền tiêu tổ quốc của Thái Quý: “Tiếng sóng rộn ràng lòng chiến sĩ- Đang đêm ngày gìn giữ biên thùy- Trên non cao lộng gió mười phương- Mắt ngời ngời sáng trong súng thép …”. Rồi lại nức lòng theo Thế Dương Lướt sóng ra khơi: “Giặc thù hòng xâm lăng- tay súng ta sẵn sàng- chiến đấy hy sinh lập nhiều chiến công huy hoàng- ngày mai- chiến đấu cho tương lai …”.

Nhưng phải từ sau ngày Mỹ leo thang ra miền Bắc và Ngô Sĩ Hiển đã khẳng định trong bài ca Đánh đích đáng: “Vùng biển của ta đâu có phải ao nhà của chúng- Trời xanh của ta không cho chúng kéo đến hành hung- Quật chúng nó xuống đất- Đuổi chúng cút ra khơi …”, những bài ca về đảo mới thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người, khơi cháy ngọn lửa yêu nước. Ngay từ khi bom Mỹ tàn phá đảo Bạch Long Vĩ, Trần Hoàn đã thét lên: “Biển của ta và đảo của ta- Ta không dung tha- Cho quân cướp nước- Nếu chúng nó đến- Quyết chiến quyết thắng …”. Sau đó là hàng loạt những Sóng ta đã nổ rồi của Bằng Linh, Bài ca đảo Bạch Long Vĩ của Vũ Ngọc Quang (thơ: Mai Nam), Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi của Huy Du, Khúc hát đảo quê hương của Phạm Đình Sáu … ở các đảo khác như Cát Hải có Đồng muối quê tôi của Hoàng Hiệp, Chiều Cát Bà của Văn Lương … Các đảo miền Trung thì có Quê tôi đây đảo hòn Mê của Đức Nhuận, Gửi anh chiến sĩ thông tin trên đảo của Hồ Bắc: “Đây Hòn Ngư, đây Hòn Mắt, đây biển Sơn Long Châu ca hát” và đặc biệt là đảo Cồn Cỏ thì có Con cua đá của Ngọc Cừ - Phan Ngạn, Bài ca gửi đất liền của Lương Ngọc Trác (lời Phan Ngạn), Thái Văn A đứng đó của Văn An: “Dù đạn réo bom rơi quanh mình anh- Đảo nhỏ vẫn vững vàng một niềm tin …”. Những giai điệu về đảo chứa chan lòng yêu nước đã thúc dục bao con tim hướng ra tiền tuyến, đã khắc sâu vào tâm hồn chúng ta mà Nguyễn Đức Toàn đã tha thiết trong Tình em biển cả: “Những câu hát về hòn đảo xa hùng vĩ- Những năm tháng là bản trường ca biển khơi dũng sĩ như ngọn hải đăng sáng chói chiến công” …

Sau ngày thống nhất đất nước, trong chiến tranh biên giới, khi các giai điệu thét vang trên các miền biên giới Tây Nam và phương Bắc, thì cũng nghe hào khí những bài ca về đảo như Gần lắm Trường Sa của Hình Phước Long và vui tươi như Nếu em tới thăm đảo của Trọng Loan: “A! Chiến sĩ đảo chúng tôi- Vẫn sống một cuộc sống vui”. Cũng có khi thật mênh mang, dào dạt như Nơi đảo xa của Thế Song: “Nơi anh đến là biển xa- Nơi anh tới là đảo xa …” và da diết một Nói cùng đảo nhỏ của Phan Lạc Hoa (thơ Phan Cung Việt): “Đất liền nhìn đảo đầy thương nhớ- Em cũng nhìn anh như vậy thôi …”

 Nhiều năm gần đây, việc tranh chấp chủ quyền giữa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã làm cho nhiều nhạc sĩ hát lên tâm tình và tiếng nói của mình. Nhạc sĩ đầu tiên viết về Hoàng Sa có lẽ là nhạc sĩ Hoàng Vân vì huyện đảo Hoàng Sa là một huyện thuộc thành phố Đà Nẵng. Bài ca Nhớ Hoàng Sa của Hoàng Vân thật tha thiết: “Trong cánh én mùa xuân- Nhớ Hoàng Sa không chỉ là nỗi nhớ- Một khoảng trời tổ quốc- Một vùng biển quê hương- Nhớ Hoàng Sa như một vết đau nhức nhói- Một vết thương chảy máu chưa cầm …”. Rồi ông mơ ước: “Như đứa con xa sẽ trở về với mẹ- Bãi san hô và ghềnh đá Hoàng Sa- Sẽ trở về đất tổ quê cha- Tôi sẽ trở về Hoàng Sa cho ngày vui trọn vẹn- Tôi sẽ về Hoàng Sa như tình yêu đã hẹn”.

Nhiều cuộc thi sáng tác về biển đảo gần đây đã có thêm nhiều giai điệu hay gửi lòng yêu nước ra đảo xa. Với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, đảo cũng là một đề tài hăm hở. Viết về đảo ở Hải Phòng quê hương thì có 2 hợp xướng Cát Bà – huyền thoại và một thời, Cát Bà – điểm hẹn vàng (thơ Vũ Tiến Bảy) và ca khúc Cát Bà ngời sáng một vì sao. Viết về các đảo ở Việt Nam thì năm 1999 có Bài ca lính đảo Ngư. Năm 2008 khi đọc bài thơ Gửi Lý Sơn của Nguyễn Đức Hiền – đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Thụy Kha đã xúc động mà phổ thành nhạc. Bài hát được Ngọc Quy thể hiện rất tình cảm và đã đưa vào CD Miền yêu dấu (2009). Năm 2010, trước tình hình tranh chấp thường xuyên ở biển Đông, đã phổ Trường ca biển của Hữu Thỉnh thành một hợp xướng hoành tráng với câu dẫn kết đầy ấn tượng: “Đảo dập dờn chìm nổi những quả cân- Cân người lính và hiểm nguy đời lính”. Một hợp xướng khác mang tên Kỷ niệm Trường Sa đã ra đời khi đọc thơ Dương Tự Trọng. Bản hợp xướng đã in trên tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 12.2010. Với Hoàng Sa thì đã phổ bài thơ ngắn đầy chất ngất của Nguyễn Hoa: “Bãi cát vàng- Bãi cát vàng- Bãi cát vàng- Hoàng Sa- Hoàng Sa- Hoàng Sa- Sóng chìm sóng nổi- Bao ngôi mộ gió- Tiếng gọi từ Lý Sơn- Xương thịt cây dâu thiêng- Đang nói đang nói đang nói- Ba trăm năm không mỏi”. Rồi những giai điệu này đã vang lên, đã bay ra đảo xa như chia sẻ, như ước hẹn./.

TIẾN MINH

Các Bài viết khác